Làm thế nào để biết sự tể trị của Đức Chúa Trời (Phần 1)

Biết về sự tể trị của Đức Chúa Trời là một bài học sâu sắc. Để thấy được sự tể trị của Đức Chúa Trời trên mọi sự, con người phải có hiểu biết thuộc linh và cũng phải hiểu nhiều lẽ thật. Về việc biết Đức Chúa Trời, đầu óc con người thường rất hạn hẹp và chỉ nhìn vào những gì trước mắt họ. Họ luôn đánh giá Đức Chúa Trời dựa trên quan điểm của họ về phải trái, đúng sai, đen trắng, hoặc dựa trên những quan niệm và sự tưởng tượng của con người, nói rằng Đức Chúa Trời làm thế này không đúng, làm thế kia không đúng. Vậy thế nào là đúng? Chỉ cần là điều Đức Chúa Trời làm thì đều đúng cả. Nếu Đức Chúa Trời hủy diệt con người thì Ngài có đúng không? (Thưa, có.) Đức Chúa Trời đã nâng đỡ một chủng tộc và khiến nó phồn thịnh, nhưng ngươi lại cảm thấy rằng chủng tộc này không nên phồn thịnh. Vậy thì làm thế nào mà chủng tộc này trở nên phồn thịnh? Người Do Thái đã chống đối Đức Chúa Trời đến như vậy, trong mắt con người, một khi Đức Chúa Trời đã nổi giận và rủa sả họ thì Ngài nên diệt trừ họ. Nhưng đó chỉ là quan niệm và sự tưởng tượng của con người. Sau khi Đức Chúa Trời rủa sả và trừng phạt người Do Thái, Ngài để cho họ sống sót, và Ngài đã hứa với họ rằng nguồn cội của họ sẽ còn đó, họ sẽ phải tứ tán đến các quốc gia khác trên khắp thế giới, và cuối cùng sẽ phục quốc. Lời hứa của Đức Chúa Trời không thể thay đổi, và những lời trừng phạt mà Đức Chúa Trời đã phán cũng phải được thực hiện. Sự tể trị của Đức Chúa Trời kỳ diệu như vậy đấy. Nếu ngươi cố phán xét công tác của Đức Chúa Trời và những chuyện xảy đến với con người từ góc nhìn phải trái, đúng sai thì ngươi sẽ loại bỏ chúng. Ngươi sẽ nghĩ rằng chúng không có vẻ giống với công tác của Đức Chúa Trời, rằng chúng không phù hợp với những quan niệm cũng như sự tưởng tượng của ngươi, và ngươi sẽ loại bỏ chúng. Nếu ngươi loại bỏ chúng thì làm sao ngươi có thể vâng phục chúng như vâng phục lẽ thật? Ngươi sẽ không thể. Tại sao con người lại loại bỏ chúng? Đây là do những quan niệm của con người, có nghĩa là những gì trí óc con người có thể nhận ra, những gì con người có thể thấy về các việc làm của Đức Chúa Trời và những lẽ thật mà con người có thể tiếp nhận là có hạn. Làm thế nào để có thể vượt qua những giới hạn này để thực sự biết Đức Chúa Trời? Ngươi phải đón nhận từ Đức Chúa Trời, gặp phải chuyện gì không thể nhìn thấu thì không được tùy tiện định nghĩa, có vấn đề gì không thể giải quyết thì cũng không được mù quáng đưa ra kết luận. Đây là lý trí mà con người nên có nhất. Nếu ngươi nói: “Đó không phải là do Đức Chúa Trời làm, Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ làm thế!” thì ngươi không có lý trí. Ngươi có thể thực sự hiểu được gì? Nếu ngươi dám thay mặt Đức Chúa Trời đưa ra kết luận thì ngươi thực sự không có lý trí. Đức Chúa Trời không chắc sẽ hành động đúng y như ngươi nghĩ hoặc trong phạm vi trí tưởng tượng của ngươi. Đức Chúa Trời quá vĩ đại, quá khó dò đoán, quá huyền bí, quá kỳ diệu, và quá khôn ngoan! Tại sao Ta thêm từ “quá”? Bởi vì con người không thể dò đoán Đức Chúa Trời. Ngươi là loài thọ tạo, vì vậy đừng cố dò đoán Đức Chúa Trời. Một khi không còn suy nghĩ này, ngươi sẽ có chút lý trí. Đừng cố đặt ra quy tắc cho Đức Chúa Trời, và nếu ngươi có thể không làm như vậy thì ngươi sẽ có lý trí. Có nhiều người luôn đặt quy tắc cho Đức Chúa Trời và nói rằng Đức Chúa Trời nên hành động theo một cách nhất định, rằng Đức Chúa Trời tuyệt đối sẽ làm thế này hoặc Đức Chúa Trời tuyệt đối sẽ không làm thế kia, rằng điều này tuyệt đối là hành động của Đức Chúa Trời, và điều kia tuyệt đối không phải là hành động của Đức Chúa Trời. Từ “tuyệt đối” này được thêm vào như thế nào? (Thưa, thêm vào một cách không có lý trí.) Ngươi nói rằng Đức Chúa Trời quá kỳ diệu và quá khôn ngoan nhưng sau đó ngươi lại nói rằng Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ hành động theo một cách nhất định. Chẳng phải như thế là mâu thuẫn sao? Đó không phải là hiểu biết Đức Chúa Trời thực sự. Nếu người ta luôn luôn khăng khăng với quan điểm của riêng mình và luôn đặt quy tắc cho Đức Chúa Trời thì họ hoàn toàn không có lý trí.

Đức Chúa Trời đang thực hiện giai đoạn cuối của công tác, và không ai nghĩ rằng Ngài có thể xuất hiện cũng như làm công tác ở Trung Quốc. Ngươi không nghĩ ra được, có phải là do trong lòng ngươi có quan niệm, tưởng tượng và có hạn chế về tư tưởng không? Ngươi có thể nghĩ đến Mỹ, Vương quốc Anh hay Israel, đều có khả năng ở những nơi này, nhưng không thể tưởng tượng được rằng Đức Chúa Trời lại làm công tác ở Trung Quốc. Đối với ngươi, điều này thật không thể tưởng tượng nổi. Điều này vượt xa những quan niệm và sự tưởng tượng của con người, Đức Chúa Trời vừa mới bắt đầu công tác của Ngài ở Trung Quốc, thực hiện công tác cuối cùng và quan trọng nhất của Ngài. Điều này rất không hợp với những quan niệm của con người. Vậy, ngươi đã biết được gì từ điều này? (Thưa, biết được rằng công tác của Đức Chúa Trời không phù hợp với những quan niệm của con người, kỳ diệu và khó dò đoán.) Công tác của Đức Chúa Trời vượt xa tưởng tượng của con người, kỳ diệu khó đoán, khôn ngoan và sâu xa khó hiểu – đây là những từ mà con người dùng để mô tả mọi thứ về việc Đức Chúa Trời có gì và là gì, tâm tính và thực chất của Ngài, và đây coi như là có lý trí. Chính thông qua việc Đức Chúa Trời làm những chuyện không phù hợp quan niệm của con người mà họ mới đúc kết ra được những lời này – công tác của Đức Chúa Trời kỳ diệu và khó đoán, không phù hợp với quan niệm của con người. Người ta có thể biết được gì khác từ điều này? Biết rằng những quan niệm và sự tưởng tượng trước đây của loài người đều đã bị lật đổ hết. Vậy thì những quan niệm này từ đâu đến? Căn cứ vào những điều ngươi thấy, Trung Quốc nghèo nàn lạc hậu, Đảng Cộng sản cầm quyền, các Cơ Đốc nhân bị bức hại, không có tự do, không có nhân quyền, và người Trung Quốc có học thức kém, có vị trí thấp trên thế giới, hơn nữa bộ dạng của người Trung Quốc cũng là bộ dạng đáng thương của một “Đông Á bệnh phu”. Làm sao Đức Chúa Trời có thể nhập thể ở Trung Quốc để làm công tác của Ngài chứ? Chẳng phải đây là một quan niệm sao? Bây giờ, hãy xem quan niệm này là đúng hay sai. (Thưa, hoàn toàn sai.) Trước hết, chúng ta không nói về lý do tại sao Đức Chúa Trời lại hoạt động theo cách này, không nói liệu đó có phải là vì Ngài muốn khiêm nhường và ẩn giấu, hay liệu việc hoạt động theo cách này có mang ý nghĩa và giá trị sâu sắc hay không. Chúng ta đừng thảo luận ở cấp độ này mà hãy nói về việc liệu Đức Chúa Trời làm việc theo cách này thì có mâu thuẫn nhiều với những quan niệm của con người hay không. Mâu thuẫn rất nhiều! Con người không thể tưởng tượng được. Đó là thiên cơ và không ai biết được. Dù có tìm đến các nhà thiên văn học, các nhà địa lý học, sử gia và tiên tri, thì liệu có ai có thể luận ra được không? Không ai có thể làm được, ngay cả khi triệu tập tất cả những người có năng lực, dù còn sống hay đã chết, để phân tích và nghiên cứu thảo luận, hoặc để quan sát và nghiên cứu bằng kính thiên văn – thì tất cả đều vô ích. Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là loài người quá nhỏ bé, quá vô tri, thiếu kiến thức nên không thể dò đoán việc của Đức Chúa Trời. Không dò đoán được thì ngươi đừng dò đoán nữa, ngươi dò đoán đến cuối cùng thì kết quả là gì? Những quan niệm của ngươi không tương đương với lẽ thật, và thực ra rất xa với những gì Đức Chúa Trời muốn làm. Chúng hoàn toàn không phải là cùng một thứ. Chút kiến thức mà con người có chỉ là vô dụng, không thể dò đoán ra bất cứ điều gì hay giải quyết bất cứ vấn đề gì. Giờ đây, khi các ngươi đọc lời Đức Chúa Trời, lắng nghe các bài giảng và thông công, trong lòng các ngươi có hiểu được thêm một chút không? Có phải các ngươi sẽ có được chút hiểu biết về Đức Chúa Trời không? Có người nói: “Đức Chúa Trời không bàn luận về những gì Ngài làm với chúng ta, giá mà Ngài cho chúng ta một dấu hiệu từ trên trời để chúng ta có thể hiểu Ngài dự định làm gì, hay gợi ý cho một nhà tiên tri để họ đưa ra lời tiên đoán cũng được”. Ngay cả khi có một dấu hiệu từ trên trời thì ngươi cũng sẽ không thể thấy được, và nhà tiên tri cũng không có bản lĩnh đó. Những điều Đức Chúa Trời làm trong cõi thuộc linh mãi là bí mật từ ngàn xưa đến nay, và quá bí mật đến nỗi không một con người nào có thể biết được. Dù một tiên tri hay nhà thiên văn học, học giả, chuyên gia, hay nhà khoa học trong bất kỳ lĩnh vực nào, bất luận họ có tài năng đến đâu đi nữa, có nghiên cứu cách mấy họ cũng không thể nghiên cứu được những việc của Đức Chúa Trời. Con người có thể nghiên cứu công tác trước đây của Đức Chúa Trời, họ có thể phân tích ra được một vài điều thần bí và nội hàm bên trong, và có lẽ suýt chạm vào được ý nghĩa của sự việc mà Đức Chúa Trời đã làm, nhưng không ai biết Đức Chúa Trời sẽ làm gì trong tương lai, cũng không biết trong lòng Ngài dự định thế nào. Do vậy, con người đừng lúc nào cũng muốn dò đoán Đức Chúa Trời, cũng đừng lúc nào cũng nghĩ rằng thông qua quan sát và nghiên cứu, khảo sát và thể nghiệm trong thời gian dài, phân tích nhiều mặt, thật cần cù và làm việc chăm chỉ, thì cuối cùng sẽ có thể dò đoán được Đức Chúa Trời. Điều này là không thể, và sẽ không bao giờ có kết quả. Vậy, nếu con người không thể dò đoán Đức Chúa Trời thì họ nên làm gì? (Thưa, họ nên vâng phục.) Đối với con người, vâng phục là có lý trí nhất và phù hợp nhất với tâm ý của Đức Chúa Trời; sự vâng phục là tiền đề. Mục đích của sự vâng phục là gì? Là để có thể biết Ngài nhiều hơn, đạt được lẽ thật, và có được sự sống dựa trên cơ sở trải nghiệm công tác của Đức Chúa Trời. Đây là điều các ngươi phải có được và là của báu mà các ngươi nên khao khát. Về các sự kiện lớn bên ngoài, chẳng hạn như các sự vụ quốc tế lớn, cách Đức Chúa Trời làm việc, và cách Ngài dẫn dắt loài người – nếu các ngươi có thể hiểu ra được những điều này thì càng tốt. Các ngươi nói như thế này cũng được: “Tôi không thực sự quan tâm đến những chuyện ấy. Tôi không có tố chất hay tâm trí cho chuyện đó; tôi chỉ quan tâm đến cách Đức Chúa Trời chu cấp lẽ thật cho tôi và thay đổi tâm tính của tôi”. Miễn sao ngươi có lòng vâng phục và kính sợ Đức Chúa Trời thì ngươi cuối cùng sẽ có thể có được lẽ thật và sự khôn ngoan từ Ngài. Lẽ thật thay đổi tâm tính của con người; đó là sự sống mà con người nên tìm kiếm để có được, và là con đường họ nên bước đi. Vậy, con người sẽ có được sự khôn ngoan gì? Tự lúc nào không hay, các ngươi sẽ có thể thấy được cách Đức Chúa Trời làm nhiều việc, tại sao Ngài làm những việc đó, ý định và mục tiêu của Ngài là gì, và nguyên tắc của Ngài khi làm một số chuyện là gì. Bất giác, ngươi sẽ có thể nhận ra điều này trong quá trình trải nghiệm lẽ thật của lời Đức Chúa Trời. Có thể những lời này, những việc này quá sâu sắc, và ngươi sẽ không thể diễn tả thành lời, nhưng ngươi sẽ cảm nhận được trong lòng, và có được sự hiểu biết thực sự tự lúc nào không hay.

Chúng ta bắt đầu với câu chuyện về Áp-ra-ham. Khi ông đã 85 tuổi mà vẫn chưa có con trai, Đức Chúa Trời đã hứa sẽ ban cho ông một người con trai. Phản ứng của vợ ông, Sa-rai, thế nào? Bà nghĩ thầm: “Mình đã già và không còn khả năng sinh đẻ. Làm sao mình có thể sinh ra một đứa con trai được?”. Chẳng phải đây là những quan niệm của con người sao? Bà đã sử dụng những quan niệm của con người để đánh giá công tác của Đức Chúa Trời, do đó có thể nghi ngờ và nghĩ rằng chuyện như thế là không thể. Sau đó bà đã sử dụng biện pháp gì? Bà đã cho con đòi A-ga làm vợ lẽ của Áp-ra-ham. Vậy, nói Ta nghe, Đức Chúa Trời có thấy việc bà đã làm không? Đức Chúa Trời có biết. Năm sau đó, A-ga sinh một con trai được đặt tên là Ích-ma-ên. Khi Áp-ra-ham 99 tuổi, Đức Giê-hô-va đã xuất hiện và hứa rằng Sa-rai sẽ sinh cho ông một con trai vào khoảng cùng thời gian này năm sau, và toàn bộ đất Ca-na-an sẽ được ban cho ông cùng con cháu ông để làm tài sản vĩnh viễn. Năm sau đó, Sa-rai đã sinh một con trai được đặt tên là Y-sác. Là con của bà chủ, Y-sác trở thành người thừa kế, trong khi Ích-ma-ên, con của vợ lẽ, thì không được thừa kế. Sau đó, A-ga cùng Ích-ma-ên đã bị đuổi đi, và A-ga đưa cậu đến sa mạc, nơi không có thức ăn cũng không có nước uống. Đối mặt với cái chết, A-ga đã cầu nguyện với Giê-hô-va Đức Chúa Trời rằng: “Con không còn đường sống nữa. Con có một đứa con và con muốn sống”. Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã sai một thiên sứ đến để cho họ nước, và họ đã sống sót. Sau đó, sa mạc trở thành nhà của họ, và họ định cư ở đó, có nhiều con cháu – chính là người Trung Đông và người Ả Rập hiện nay. Các ngươi thấy đó, Đức Chúa Trời có ý tốt khi cho phép điều này xảy ra. Đây là một sự kiện lớn bên ngoài, không ai nghiên cứu, nhưng không có nghĩa là hành động của Đức Chúa Trời không tồn tại – ở đây có hành động của Đức Chúa Trời. Không phải ai đó lén lút làm một chuyện gì đó mà Đức Chúa Trời không thấy, tuyệt đối không có chuyện này. Ở đây có ý tốt của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời cho phép và hứa rằng bộ tộc Ích-ma-ên sẽ sinh tồn để cân bằng thế gian và được dùng đến khi cần. Họ luôn đánh nhau với người Y-sơ-ra-ên để giành lãnh thổ, dải Gaza và Giê-ru-sa-lem. Các ngươi phải thấy được hành động của Đức Chúa Trời trong việc này. Đức Chúa Trời đã làm điều mà con người coi là xấu, và họ nghĩ rằng có thể Ngài đã tính sai, hoặc không quan sát đủ kỹ, và rằng con người đã lợi dụng sơ hở. Đây là những gì trí óc của người bình thường có khả năng nghĩ tới và tưởng tượng ra. Con người nghĩ rằng Đức Chúa Trời đã ngủ gật và không để mắt đến các sự việc, kết quả là A-ga đã sinh ra Ích-ma-ên, và Đức Chúa Trời thương hại họ, cho phép họ sinh tồn, sắp xếp cho họ sống trong sa mạc. Có thật là như vậy không? (Thưa, không phải như vậy.) Đức Chúa Trời có một kế hoạch, và sự ra đời cũng như sự tồn tại của các giống người khác nhau – tức là các chủng tộc và màu da khác nhau của loài người – đều đóng vai trò nhất định trong việc cân bằng toàn bộ loài người, cụ thể có tác dụng gì thì ngươi nhìn vào tình hình thế giới là biết. Đây có phải là hành động của Đức Chúa Trời không? Đức Chúa Trời kiểm soát việc một chủng tộc sinh sôi nhanh như thế nào, dân số toàn cầu của chủng tộc đó, vai trò của họ trên trái đất và giữa toàn thể loài người, và những gì mà người của chủng tộc đó làm, cả điều tốt lẫn điều xấu. Nói về điều xấu, con người tin rằng những điều như vậy không thể đến từ Đức Chúa Trời, và tất cả đều là do Sa-tan làm ra. Nhưng chẳng phải Sa-tan cũng nằm trong tay Đức Chúa Trời sao? Một số người nói: “Sa-tan muốn làm gì thì làm, và Đức Chúa Trời không kiểm soát được”. Có thể giải thích như vậy không? Nếu lý giải chuyện này theo lô-gích thì sai rồi, chuyện này không thể lý giải theo lô-gích. Nhìn từ bên ngoài, một số chuyện có vẻ xấu và một số chuyện thì có vẻ tốt, nhưng tất cả đều nằm dưới sự tể trị của Đức Chúa Trời. Ngươi không được nói rằng Đức Chúa Trời chỉ tể trị chuyện tốt chứ không tể trị chuyện xấu, bởi vì cả hai đều nằm trong tay Đức Chúa Trời, được Ngài sắp đặt và kiểm soát, và đằng sau mọi việc đều có ý tốt của Ngài. Đây chính là lẽ thật, và nếu ngươi có thể thấy rõ điều này thì ngươi hiểu lẽ thật. Nếu ngươi kết luận rằng các sự việc là xấu và chỉ nhìn từ góc độ đó thì như vậy là không chính xác, ngươi sẽ dễ hiểu lầm và chống đối Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời có ý tốt trong mọi việc Ngài làm. Vậy, ý tốt của Đức Chúa Trời là gì? Con người chỉ thấy những chuyện xấu xảy ra ngay trước mắt họ, và không bao giờ có thể thấy được hậu quả có thể là gì sau mười hoặc hai mươi năm sau khi chuyện xấu xảy ra. Điều gì sẽ xảy ra sau một hoặc hai ngàn năm, chuyện đó đi về đâu và đóng vai trò chủ chốt gì trong việc định hình tình hình thế giới và toàn thể loài người – con người không thể thấy được điều này, nhưng đây chính là sự tể trị của Đức Chúa Trời. Sự phát triển của tình hình thế giới và toàn thể loài người có phải là chuyện đơn giản không? Nơi nào xảy ra chuyện gì, nơi nào có sự kiện lớn, nơi nào xảy ra dịch bệnh hay động đất, Đức Chúa Trời đều đang kiểm soát! Một số người ngớ ngẩn không có hiểu biết thuộc linh sẽ nghĩ rằng: “Nếu như Đức Chúa Trời kiểm soát mọi thứ, vậy thì chuyện ma quỷ đàn áp và tàn sát dân được Đức Chúa Trời chọn, chuyện bức hại tàn bạo dân được Đức Chúa Trời chọn cũng nằm trong sự kiểm soát của Ngài sao? Là Đức Chúa Trời đã điều động sao?”. Nhìn nhận sự việc theo cách này có đúng không? Có hợp lý không? Cách nhìn nhận này đặt Đức Chúa Trời vào một lập trường tiêu cực, và như thế là sai. Vậy, các ngươi nên nhìn nhận việc này như thế nào? Đức Chúa Trời điều động vạn sự vạn vật, và “vạn sự vạn vật” bao gồm những gì? Bao gồm mọi thứ: bất cứ thứ gì mắt thường có thể nhìn thấy như sông núi, cây cối, thực vật, con người, v.v.. Và cũng bao gồm vi sinh vật mà mắt thường không thể nhìn thấy, còn bao gồm cả ma quỷ, Sa-tan, mọi loại tà linh và ma quỷ của cõi thuộc linh. Những thứ này đều nằm dưới sự kiểm soát của Đức Chúa Trời. Chúng làm những gì Đức Chúa Trời muốn chúng làm. Ngài thả chúng ra bất cứ khi nào cần thiết, và chúng làm những gì nên làm. Đây là sự tể trị của Đức Chúa Trời. Dù Đức Chúa Trời tể trị và sắp xếp như thế nào, cuối cùng ngươi cũng sẽ có thể thấy ý chỉ của Đức Chúa Trời được thực hiện, và mỗi một lời của Đức Chúa Trời đều sẽ được ứng nghiệm.

Có lẽ con người hiện không thể thấy được hiệu quả của điều gì đó mà Đức Chúa Trời làm, không biết mục đích của điều đó, không biết tại sao Đức Chúa Trời làm điều đó, không biết tâm ý của Ngài là gì. Sau hai trăm năm, người ta có lẽ vẫn chưa nhìn ra, và nhân loại vẫn không biết, nhưng sau một ngàn năm thì họ sẽ chịu phục: “Đức Chúa Trời làm điều này thật quá đúng và tuyệt vời! Đức Chúa Trời quả thực là Đức Chúa Trời!”. Nhân loại sẽ phát hiện ra rằng mọi việc Đức Chúa Trời làm đều là lẽ thật và không có gì là sai cả. Ví dụ như việc Đức Chúa Jêsus bị đóng đinh vào thập tự giá và chết trong Thời đại Ân điển bị thế giới khi ấy coi là thất bại của giai đoạn công tác đó. Họ nghĩ rằng: “Đức Chúa Jêsus không phải chịu số phận phàm nhân là sinh, lão, bệnh, tử, Ngài còn chưa làm bất cứ công tác nào thì đã bị Giu-đa phản bội, bị lính bắt, bị đánh, phải đội mão gai, bị chế nhạo, và cuối cùng bị đóng đinh vào thập tự giá. Chẳng phải đây là thất bại sao?”. Sự đóng đinh vào thập tự giá có phải là thất bại không? Giu-đa bán đứng Đức Chúa Jêsus cho chính quyền, nhưng chính quyền đại diện cho điều gì? Đại diện cho các thế lực của Sa-tan. Việc Đấng Christ bị giao vào tay Sa-tan là tốt hay xấu? (Thưa, nhìn từ bên ngoài thì là xấu.) Con người nghĩ: “Ôi không! Công tác của Đức Chúa Trời đã bị ma quỷ làm nhiễu loạn. Không hay rồi, đây là điềm báo xấu, bởi vì Đức Chúa Trời không để ý xem và không quyền năng cho lắm! Làm thế nào mà Đấng Christ nhập thể vẫn có thể bị phản bội và giao vào tay những kẻ cai trị chứ? Chẳng phải đó rành rành là giao vào tay Sa-tan để nó mặc sức sắp xếp sao? Đức Chúa Jêsus phải nhanh chóng tìm cách thoát thân, nếu không thì chẳng phải công tác đến đây sẽ chấm hết sao? Đấng Christ vẫn còn chức vụ mà”. Chẳng phải đây là suy nghĩ của con người sao? Vì vậy, Phi-e-rơ đã nói: “Hỡi Chúa, Ðức Chúa Trời nào nỡ vậy! Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu!” (Ma-thi-ơ 16:22), và những quan niệm của con người liền xuất hiện. Họ nghĩ: “Đức Chúa Trời không thể nào bị giao vào tay những kẻ cai trị, cho nên nếu Ngài bị như vậy thì Ngài không phải là Đức Chúa Trời”. Chẳng phải đây là quan niệm của con người sao? Chính vì có dạng quan niệm như vậy mà con người mới có thể nói những lời ấy, hành động hoặc cư xử theo cách ấy, và cản trở việc thực hiện ý chỉ của Đức Chúa Trời. Jêsus đã phán gì với Phi-e-rơ? “Ớ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta!” (Ma-thi-ơ 16:23). Đức Chúa Jêsus đã coi Phi-e-rơ như Sa-tan. Cuối cùng, Đức Chúa Jêsus đã bị giao vào tay Sa-tan, và những người đó đã trở thành vật phục vụ để hoàn thành việc Đức Chúa Jêsus bị đóng đinh vào thập tự giá. Việc Đức Chúa Jêsus bị giao vào tay Sa-tan là tốt hay xấu? (Thưa, là tốt.) Nhìn theo cách này thì việc đó là tốt, không phải xấu, vì công tác của Đức Chúa Trời đã được hoàn thành bằng cách thức này. Đức Chúa Trời có làm gì từ lúc Giu-đa phản bội cho đến khi Đức Chúa Jêsus bị đóng đinh vào thập tự giá không? Ngài có ý định trốn thoát hay có bất kỳ ai đến giải cứu Ngài không? (Thưa, không.) Đức Chúa Trời có nghĩ cách tỏ ra một phép lạ, nâng Đức Chúa Jêsus thẳng lên trời và giấu Ngài sau những đám mây nơi không ai có thể nhìn thấy Ngài không? Sự thăng thiên ấy mới huy hoàng, tráng lệ làm sao! Nhưng không ai nhìn thấy những điều này, vì Đức Chúa Trời đã không làm thế. Việc Đức Chúa Trời không làm có chứng minh rằng Ngài không thể làm không? Đức Chúa Trời có thể làm được không? (Thưa, Ngài có thể.) Vậy tại sao Ngài lại không làm? (Thưa, Đức Chúa Trời có ý tốt, và Ngài có kế hoạch.) Kế hoạch của Đức Chúa Trời là gì? Đó là tự giao nộp Ngài vào tay Sa-tan, sau đó đứng vào vị trí của những tội nhân ấy trên thập tự giá, hy sinh chính Ngài để cứu chuộc loài người. Đây là điều Đức Chúa Trời muốn làm; Ngài không làm những điều mà con người tưởng tượng trong quan niệm của họ. Nhiều người nghĩ: “Đức Chúa Trời nên cho thêm sấm sét để đánh chết tất cả những kẻ đồi bại đã chống đối Ngài, và sau khi đánh chết họ, Đức Chúa Jêsus sẽ thăng thiên lên thiên đàng. Thật huy hoàng và oai phong biết bao, như vậy thì mới tỏ lộ thẩm quyền của Đức Chúa Trời! Hãy để cho những thứ ma quỷ và Sa-tan, những con người này đều thấy hậu quả của việc đóng đinh Đức Chúa Trời vào thập tự giá, sau đó thì họ sẽ không dám như vậy nữa, phải không?”. Con người có thể không dám chống đối, nhưng chẳng phải nếu công tác của Đức Chúa Trời không được hoàn thành thì đó sẽ là trở ngại sao? Những quan niệm của con người luôn làm gián đoạn công tác của Đức Chúa Trời, vì vậy Ngài không làm việc theo cách đó. Một số người thực sự tin Đức Chúa Jêsus vì Ngài đã bị đóng đinh vào thập tự giá để làm công tác cứu chuộc, nhưng đồng thời cũng sẽ nói với thiện ý rằng: “Đức Chúa Jêsus không nên bị đóng đinh vào thập tự giá. Việc nhập thể không dễ dàng gì, Ngài phải làm việc trong sự khiêm nhường và ẩn giấu, bị người ta ruồng bỏ, bị các kinh sư và người Pha-ri-si vu khống. Thật đáng thương. Ngài lẽ ra nên tránh việc bị đóng đinh vào thập tự giá, không nên hạ mình đến mức đó, không cần thiết phải như vậy”. Liệu con người nhìn nhận sự việc như vậy có đúng không? (Thưa, không đúng.) Bây giờ nhìn lại, sau hai nghìn năm, cách suy nghĩ này là sai. Trong tâm trí con người có lẽ thật không? (Thưa, không có.) Vậy, trong tâm trí con người có gì? Có mọi sự tưởng tượng và quan niệm của con người, cũng như lòng hảo tâm, tình cảm, sự đồng tình và ích kỷ. Những thứ này có thể làm cho công tác của Đức Chúa Trời hoàn thành không? Chúng có thể thực hiện ý chỉ của Ngài không? Không thể, do đó lời Đức Chúa Jêsus phán: “Ớ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta!”. Đức Chúa Trời muốn tự giao nộp chính Ngài vào tay Sa-tan, cho phép chính Sa-tan đóng đinh Đấng Christ vào thập tự giá, và thông qua sự đóng đinh đó mà hoàn thành công tác cứu chuộc. Đức Chúa Trời đã không biểu hiện bất kỳ phép lạ nào. Đức Chúa Trời đã vài lần phán rằng: “Đức Chúa Trời giữ im lặng”. Câu này nghĩa là gì? Có phải nghĩa là Đức Chúa Trời không thấy, không quan tâm, không chú ý, không nói một lời nào, và hoàn toàn giữ im lặng không? (Thưa, không phải.) Vậy, “giữ im lặng” nghĩa là gì? Điều này chứa đựng tâm ý, sự khôn ngoan và tâm tính của Đức Chúa Trời. Tâm tính nào của Đức Chúa Trời được tỏ lộ qua việc Đức Chúa Trời giữ im lặng? Ở đây có sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Ngài muốn hoàn thành công tác quản lý của mình. Dù con người có bao nhiêu quan niệm hay tưởng tượng thì trước hết, Ngài tránh chúng mà không đưa ra lời giải thích, chỉ làm việc theo cách âm thầm và thực tế cho đến một ngày dân được chọn của Ngài hiểu lẽ thật và có thể vâng phục Ngài, ý chỉ của Ngài được thực hiện và công tác của Ngài nơi họ hoàn thành, và Ngài hoàn toàn đánh bại Sa-tan cũng như đạt được vinh quang. Ngài sử dụng những sự thật và kết quả này làm bằng chứng để toàn thể nhân loại và Sa-tan nhìn thấy, đây là tâm tính và tâm ý của Đức Chúa Trời được tỏ lộ qua việc Đức Chúa Trời giữ im lặng. Đây là khía cạnh tâm tính gì của Đức Chúa Trời? Khía cạnh này có thể hiện sự kiên nhẫn của Đức Chúa Trời không? (Thưa, có.) Tại sao Đức Chúa Trời lại kiên nhẫn vào lúc này? Tại sao Ngài lại giữ im lặng? Ở đây có sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Có những chuyện thuộc về sự huyền bí mà không một loài thọ tạo, phi thọ tạo hay thiên sứ nào được phép hiểu hoặc nắm bắt. Đây là sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không thể cứ phán ra như vậy, và nếu Ngài phán thêm một chữ thì có lợi ích gì không? Không có lợi ích gì, bởi vì họ không hiểu. Nếu Ngài phán với con người thì họ có hiểu không? (Thưa, họ sẽ không hiểu.) Trong trường hợp đó, có phán cũng không có lợi ích gì. Liệu con người có hiểu được không nếu hai nghìn năm trước, Đức Chúa Trời phán với nhân loại: “Ta muốn bị đóng đinh vào thập tự giá, dâng báu huyết của mình để chuộc tội cho nhân loại trong hình tượng của thân xác tội lỗi”? (Thưa, họ sẽ không hiểu.) Những lời duy nhất của Đức Chúa Trời là gì? Ngài phán: “Hãy ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần” và bảo mọi người thực hành sự kiên nhẫn và khoan dung. Đức Chúa Trời có nói thêm gì với con người không? (Thưa, Ngài không nói thêm gì.) Tại sao Ngài không nói thêm gì? (Thưa, vì con người không thể hiểu được.) Con người không tài nào có thể hiểu được. Đây là lý do tại sao Đức Chúa Trời bất đắc dĩ phải tỏ lộ tâm tính và suy nghĩ của Ngài trong sự im lặng. Ngay cả khi Đức Chúa Trời nói chuyện với bất kỳ loài thọ tạo hay phi thọ tạo nào, họ cũng sẽ không hiểu. Vì vậy, Ngài chỉ có thể sử dụng những hành động của Ngài và những sự thật để chứng minh cho nhân loại cũng như thực hiện ý chỉ của Ngài. Mãi đến bây giờ, sau hai nghìn năm, Đức Chúa Trời mới mặc khải những điều này khi Ngài làm công tác phán xét trong thời kỳ sau rốt; con người nhìn lại chuyện hai ngàn năm trước mới hiểu được ý nghĩa của việc Đức Chúa Jêsus bị đóng đinh lên thập tự giá khi đó. Về lý do Đức Chúa Jêsus bị đóng đinh vào thập tự giá, bị giao cho Sa-tan, bị Giu-đa phản bội trong hoàn cảnh đó và, sau khi bị phản bội, Đức Chúa Jêsus đã phải chịu đựng rất nhiều, đổ đến giọt máu cuối cùng để thực hiện ý chỉ của Đức Chúa Trời, tại sao Đức Chúa Trời lại làm như vậy, và ý nghĩa của việc này nằm ở đâu – Đức Chúa Trời chỉ nói về những điều này khi làm chứng cho sự nhập thể khi Ngài xuất hiện và làm việc trong thời kỳ sau rốt, ngoài ra, còn mặc khải nhiều điều huyền bí chẳng hạn như ý chỉ và sự quản lý của Đức Chúa Trời. Giờ đây, khi mọi người đã thấy sự liên kết giữa ba giai đoạn công tác, họ cuối cùng cũng biết được khải tượng của kế hoạch quản lý của Đức Chúa Trời, và hiểu những lẽ thật này cũng như những ý định tốt của Đức Chúa Trời. Nếu Đức Chúa Trời phán với nhân loại trước một nghìn năm thì liệu họ có hiểu không? (Thưa, họ sẽ không hiểu.) Vì vậy, Đức Chúa Trời thường làm mọi thứ trong im lặng. Lý do cho sự im lặng này là gì? Đó là bởi vì công tác mà Đức Chúa Trời làm quá khôn ngoan, quá kỳ diệu, và quá sâu sắc – nếu Đức Chúa Trời phán sớm hơn, dù là phán gì đi nữa, thì con người cũng sẽ không thể hiểu hoặc lĩnh hội được. Vì vậy Đức Chúa Trời chỉ có thể tiếp tục im lặng tiến về phía trước, tiếp tục lên tiếng và phán dạy để làm công tác của Ngài và dẫn dắt nhân loại. Con người đi theo Đức Chúa Trời là đúng, và càng đi xa thì con đường này càng trở nên sáng sủa. Đức Chúa Trời sẽ không dẫn ngươi đi lạc lối, và ngay cả khi giao ngươi cho Sa-tan thì Đức Chúa Trời vẫn có trách nhiệm đến cùng. Ngươi phải có đức tin này, và đây là thái độ mà loài thọ tạo nên có đối với Đức Chúa Trời. Nếu ngươi có thể nói: “Ngay cả khi Đức Chúa Trời giao mình cho Sa-tan làm đồ chơi thì Ngài cũng vẫn là Đức Chúa Trời, và mình không được đổi ý mà không đi theo Ngài, không được thay đổi đức tin nơi Ngài”, thì đó mới chính là thực sự tin Đức Chúa Trời.

Hồi chuông thời sau hết báo động đã vang lên, đại thảm họa đã ập xuống, bạn có muốn cùng gia đình nghênh đón được Thiên Chúa, và có cơ hội nhận được sự che chở của Thiên Chúa không?

Liên hệ với chúng tôi qua Messenger