Bước ngoặt thứ sáu: Cái chết

28/09/2020

Sau quá nhiều tất bật và hối hả, quá nhiều chán ngán và thất vọng, sau quá nhiều niềm vui và nỗi buồn cùng những thăng trầm, sau rất nhiều năm tháng không thể nào quên, sau khi nhìn các mùa lần lượt đến rồi đi, con người đã trải qua những dấu ấn quan trọng trong đời mà không hề hay biết, và thoắt cái, họ thấy mình đang ở trong tuổi xế chiều. Những dấu ấn của thời gian in hằn trên khắp thân thể họ: Con người không còn có thể đứng thẳng, tóc chuyển màu từ đen sang bạc, đồng thời đôi mắt trong sáng và tinh tường một thời chuyển sang mờ đục, còn làn da mềm mịn thì trở nên nhăn nheo và có đốm. Thính giác của con người yếu đi, răng lung lay và rụng, phản ứng trở nên không nhanh nhẹn, di chuyển chậm chạp… Vào thời điểm này, con người đã nói lời vĩnh biệt với những năm tháng đam mê của tuổi trẻ và bước vào thời kỳ hoàng hôn của cuộc đời mình: tuổi già. Tiếp theo, con người sẽ đối mặt với cái chết, bước ngoặt cuối cùng trong đời người.

1. Chỉ có Đấng Tạo Hóa mới nắm giữ quyền sinh tử đối với con người

Nếu sự ra đời của một người được định bởi kiếp trước của người đó, thì cái chết của họ đánh dấu sự kết thúc của vận mệnh đó. Nếu sự ra đời của một người là khởi đầu sứ mệnh của họ trong đời này, thì cái chết của họ đánh dấu sự kết thúc của sứ mệnh đó. Vì Đấng Tạo Hóa đã định đoạt một chuỗi những hoàn cảnh cố định cho sự ra đời của một người, nên không cần phải nói, Ngài cũng đã an bài một chuỗi những hoàn cảnh cố định cho cái chết của một người. Nói cách khác, không ai được sinh ra một cách tình cờ, không cái chết nào đến một cách đột ngột, và cả sự sống và chết đều nhất thiết được kết nối với những kiếp trước và kiếp này của con người. Các bối cảnh cho cả sự ra đời lẫn chết đi của con người đều được định trước bởi Đấng Tạo Hóa; đây là vận mệnh của một người, số phận của một người. Vì có nhiều cách lý giải cho sự ra đời của một người, nên cũng đúng là cái chết của một người sẽ tự nhiên xảy ra trong một chuỗi những hoàn cảnh khác nhau riêng biệt của chính nó. Đây là lý do con người có tuổi thọ khác nhau, cách thức và thời điểm chết của họ khác nhau. Một số người khỏe mạnh nhưng lại chết trẻ; số khác thì ốm yếu nhưng lại sống thọ và qua đời một cách thanh thản. Một số chết vì những nguyên nhân khác thường, số khác chết một cách tự nhiên. Một số chết xa nhà, số khác thì nhắm mắt lần cuối bên cạnh những người thân yêu. Một số người chết trong không trung, số khác dưới mặt đất. Một số chìm dưới nước, số khác mất mạng trong thảm họa. Một số chết vào buổi sáng, số khác vào buổi tối. … Mọi người đều muốn được sinh ra vẻ vang, một cuộc đời huy hoàng và một cái chết vinh quang, nhưng không ai có thể vượt qua vận mệnh của chính mình, không ai có thể thoát khỏi quyền tối thượng của Đấng Tạo Hóa. Đây là số phận con người. Con người có thể vạch ra đủ loại kế hoạch cho tương lai của mình, nhưng không ai có thể vạch ra cách thức và thời điểm cho sự ra đời và lìa đời của mình. Mặc dù con người cố hết sức để tránh và kháng cự lại cái chết đang đến, nhưng họ không hề biết rằng, cái chết đang lặng lẽ đến gần. Không ai biết được khi nào mình sẽ chết hoặc chết như thế nào, càng không biết nó sẽ xảy ra ở đâu. Rõ ràng, không phải loài người nắm giữ quyền sinh tử, không phải hữu thể nào đó trong thế giới tự nhiên, mà là Đấng Tạo Hóa, Đấng có thẩm quyền độc nhất. Sự sống chết của nhân loại không phải là sản phẩm của quy luật nào đó của thế giới tự nhiên, mà là một hệ quả của quyền tối thượng trong thẩm quyền của Đấng Tạo Hóa.

2. Một người không biết đến quyền tối thượng của Đấng Tạo Hóa sẽ bị ám ảnh bởi nỗi sợ chết

Khi con người bước vào tuổi già, thì thử luyện mà con người đối diện không phải là việc chu cấp cho gia đình hoặc đặt ra những tham vọng lớn lao trong đời, mà là việc từ giã cuộc đời mình như thế nào, kết thúc cuộc đời mình như thế nào, đặt một dấu chấm hết cho bản án cuộc đời mình ra sao. Mặc dù bề ngoài, dường như con người ít để ý đến cái chết, nhưng không ai có thể né tránh việc tìm hiểu chủ đề này, bởi không ai biết liệu có một thế giới nằm phía xa bên kia cửa tử, một thế giới mà con người không thể nhận biết hay cảm nhận được, mà con người không biết gì về nó hay không. Điều này khiến con người sợ phải đối diện với cái chết, sợ phải đương đầu với nó như họ phải làm; thay vào đó, họ làm hết sức để né tránh chủ đề này. Và vì thế, nó làm mọi người tràn đầy nỗi sợ hãi về cái chết, và thêm một bức màn bí ẩn cho sự thật không thể tránh khỏi này của cuộc đời, phủ một bóng tối dai dẳng lên lòng của mỗi người.

Khi một người cảm thấy cơ thể đang suy yếu, khi một người cảm nhận rằng mình đang cận kề cái chết, thì họ cảm thấy một nỗi sợ hãi mơ hồ, một nỗi sợ không thể lột tả được. Nỗi sợ chết khiến con người cảm thấy cô đơn và bất lực hơn bao giờ hết, và vào thời điểm này, con người tự hỏi mình: Con người từ đâu đến? Con người sẽ đi đâu? Đây có phải là cách con người chết đi, với cuộc đời vội vã đi qua họ không? Đây có phải là giai đoạn đánh dấu sự kết thúc của một đời người không? Cuối cùng thì ý nghĩa cuộc đời là gì? Suy cho cùng, giá trị cuộc đời là gì? Có phải là về danh tiếng và của cải không? Có phải là về việc nuôi dưỡng một gia đình không? … Bất kể con người đã nghĩ về những câu hỏi cụ thể này hay chưa, bất kể con người sợ chết đến mức nào, thì trong thâm tâm của mỗi người luôn luôn có một khao khát khám phá những điều bí ẩn, một cảm giác không hiểu được về cuộc đời, và xen lẫn những điều này, tính đa cảm về thế giới, một sự miễn cưỡng ra đi. Có lẽ không ai có thể lột tả rõ ràng con người sợ điều gì, con người tìm kiếm điều gì, họ đa cảm về điều gì và họ miễn cưỡng để lại phía sau điều gì…

Bởi vì con người sợ chết, nên họ có quá nhiều nỗi lo; bởi vì họ sợ chết, nên con người có quá nhiều điều không thể buông bỏ. Khi họ sắp qua đời, một số người băn khoăn về điều này điều kia; họ lo lắng về con cái, về những người thân yêu, của cải của họ, như thể bằng cách lo lắng họ có thể xóa đi nỗi đau khổ và sợ hãi mà cái chết mang lại, như thể bằng cách duy trì một kiểu thân mật với người sống, thì họ có thể thoát khỏi sự bất lực và cô đơn đồng hành cùng cái chết. Trong thâm tâm con người có một nỗi sợ mơ hồ, nỗi sợ bị chia cắt với những người thân yêu của mình, không bao giờ được ngắm lại bầu trời xanh, không bao giờ thấy lại thế giới vật chất. Một linh hồn cô đơn, đã quen với việc có sự đồng hành của những người thân yêu, không muốn buông tay và ra đi, hoàn toàn đơn độc, đến một thế giới không quen biết và xa lạ.

3. Một cuộc đời tìm kiếm danh vọng và của cải bỏ mặc con người lúng túng đối mặt với cái chết

Bởi quyền tối thượng và sự định trước của Đấng Tạo Hóa, mà một linh hồn cô độc khởi đầu không có một thứ gì lại có được cha mẹ và một gia đình, một cơ hội để trở thành một thành viên của loài người, một cơ hội để trải nghiệm đời sống con người và nhìn thấy thế giới. Linh hồn này cũng có được cơ hội để trải nghiệm quyền tối thượng của Đấng Tạo Hóa, biết đến điều kỳ diệu trong sự sáng tạo của Đấng Tạo Hóa, và hơn thế nữa, biết đến và trở nên chịu tuân theo thẩm quyền của Đấng Tạo Hóa. Thế nhưng, hầu hết mọi người không thực sự nắm bắt được cơ hội hiếm có và thoáng qua này. Con người dốc hết nghị lực cả đời chiến đấu chống lại số phận, dành toàn bộ thời gian hối hả, cố gắng nuôi gia đình mình và qua lại như con thoi giữa của cải và địa vị. Những điều mà con người quý trọng là gia đình, tiền bạc và danh vọng, và họ xem đây là những điều quý giá nhất trong đời. Tất cả mọi người đều phàn nàn về số phận của họ, nhưng họ vẫn cố lờ đi những vấn đề cấp bách nhất để xem xét và hiểu được: tại sao con người sống, con người nên sống như thế nào, giá trị và ý nghĩa của cuộc sống là gì. Họ dành cả cuộc đời mình, bất kể chúng có thể kéo dài được bao lâu, chỉ đơn thuần vội vã tìm kiếm danh vọng và của cải, cho đến khi tuổi trẻ của họ trôi qua và họ trở nên tóc bạc da nhăn. Họ sống theo cách này cho đến khi họ thấy rằng danh vọng và của cải không thể ngăn họ mau già, rằng tiền bạc không thể lấp đầy sự trống vắng của tâm hồn, rằng không ai được miễn trừ khỏi quy luật sinh, lão, bệnh và tử, rằng không ai có thể thoát khỏi số phận đã an bài. Chỉ khi họ buộc phải đương đầu với bước ngoặt cuối cùng của cuộc đời thì họ mới thực sự hiểu thấu được rằng ngay cả khi một người sở hữu một gia tài khổng lồ và khối tài sản to lớn, ngay cả khi một người có được đặc quyền và có địa vị cao, thì họ vẫn không thể thoát khỏi cái chết và phải trở về vị trí ban đầu của mình: một linh hồn cô độc, không có một thứ gì. Khi con người có cha mẹ, họ tin rằng cha mẹ của họ là tất cả; khi con người có tài sản, thì họ nghĩ rằng tiền là chỗ dựa chính của họ, đó chính là phương tiện sống của họ; khi con người có địa vị, họ bám chặt lấy nó và sẽ liều mạng vì nó. Chỉ khi con người sắp rời bỏ thế giới này thì họ mới nhận ra rằng những thứ mà họ đã dành cả đời để theo đuổi không là gì ngoài những bóng mây phù du, không điều gì trong số đó họ có thể nắm giữ, không điều gì trong số đó họ có thể mang theo, không điều gì trong số đó có thể miễn trừ họ khỏi sự chết, không điều gì trong số đó có thể mang lại bạn đồng hành hoặc sự an ủi cho một linh hồn cô độc trong cuộc hành trình trở về; tệ nhất là, không điều gì trong số đó có thể cứu một người và giúp họ vượt qua cái chết. Danh vọng và của cải mà con người thu được trong thế giới vật chất mang lại sự thỏa mãn tạm thời, niềm vui thoáng qua, một cảm giác thoải mái giả tạo; trong khi đó, chúng khiến con người lạc lối. Và vì vậy, khi vùng vẫy trong biển người mênh mông, khao khát sự bình an, thoải mái và sự yên bình của tâm hồn, con người lại bị nhận chìm bởi hết đợt sóng này đến đợt sóng khác. Khi con người chưa tìm ra lời đáp cho những câu hỏi quan trọng nhất để hiểu được – họ đến từ đâu, tại sao họ còn sống, họ đang đi đâu, v.v. – thì họ bị danh vọng và của cải cám dỗ, bị chúng làm cho lạc lối, điều khiển và bị lạc mất đời đời. Thời gian trôi nhanh; nhiều năm trôi qua trong nháy mắt, và trước khi con người nhận ra điều đó, họ đã chia tay những năm tháng tốt đẹp nhất của cuộc đời mình. Khi con người sắp lìa xa thế giới, họ dần dần nhận ra rằng mọi vật trong thế giới đang trôi đi, rằng họ không thể nắm giữ những tài sản mà ban đầu là của họ nữa; sau đó họ thật sự cảm thấy rằng mình giống như một đứa trẻ sơ sinh đang khóc vừa mới chào đời, hoàn toàn không có một thứ gì. Vào thời điểm này, con người buộc phải suy ngẫm về những gì họ đã làm trong cuộc đời, giá trị của việc còn sống là gì, nó có ý nghĩa gì, tại sao con người đến thế giới này. Và chính vào thời điểm này mà con người càng muốn biết liệu thực sự có kiếp sau hay không, liệu Trời có thực sự tồn tại hay không, liệu thực sự có quả báo hay không… Con người càng đến gần cái chết, họ càng muốn hiểu cuộc đời thực sự có nghĩa là gì; con người càng đến gần cái chết, lòng họ dường như càng trống vắng; con người càng đến gần cái chết, họ càng cảm thấy bất lực; và vì thế, nỗi sợ hãi về cái chết của họ ngày càng tăng. Có hai lý do mà những cảm giác đó biểu lộ trong con người khi họ cận kề cái chết: Trước tiên, họ sắp mất đi danh vọng và của cải mà cuộc đời của họ đã phụ thuộc vào, sắp để lại phía sau tất cả những gì mắt thấy trong thế giới; và thứ hai là, họ sắp phải đương đầu, hoàn toàn đơn độc, với một thế giới không quen biết, một cõi bí ẩn, xa lạ, nơi mà họ sợ đặt chân đến, nơi họ không có những người thân và không có phương tiện hỗ trợ gì. Vì hai lý do này, nên mọi người đối mặt với cái chết đều cảm thấy khó chịu, trải qua sự hoảng loạn và một cảm giác bất lực mà họ chưa từng cảm thấy như thế trước đây. Chỉ khi con người đã thực sự đến thời điểm này thì họ mới nhận ra rằng khi con người đặt chân lên trái đất này, thì điều đầu tiên họ phải hiểu là con người đến từ đâu, tại sao con người sống, ai quyết định số phận con người, ai chu cấp và có quyền tối thượng trên sự tồn tại của con người. Hiểu biết này là phương tiện sống thực sự của con người, là cơ sở thiết yếu cho sự sinh tồn của con người – chứ không phải là học cách để chu cấp cho gia đình hoặc làm thế nào để đạt được danh vọng và của cải, không phải là học cách nổi bật giữa đám đông, cũng không phải là học cách để sống một cuộc sống sung túc hơn, càng không phải là học cách để nổi trội và thắng được những người khác. Mặc dù những kỹ năng sinh tồn khác nhau mà con người dành cả đời để nắm vững có thể mang lại sự dư dật về tiện nghi vật chất, nhưng chúng không bao giờ mang lại sự bình an đích thực và sự an ủi cho tâm hồn của họ, mà thay vào đó, chúng khiến con người liên tục mất phương hướng, khó kiểm soát bản thân, và bỏ lỡ mọi cơ hội để học về ý nghĩa của cuộc sống; những kỹ năng sinh tồn này tạo ra một cảm giác lo lắng ngấm ngầm về việc làm thế nào đối mặt với cái chết một cách thích hợp. Đời sống của con người bị hủy hoại theo cách này. Đấng Tạo Hóa đối xử công bằng với mọi người, ban cho mọi người những cơ hội có giá trị trọn đời để trải nghiệm và biết về quyền tối thượng của Ngài, thế nhưng, chỉ khi cái chết đến gần, khi bóng ma của nó lờ mờ xuất hiện, thì con người mới bắt đầu thấy được sự sáng – và khi đó thì đã quá muộn!

Con người dành cả cuộc đời theo đuổi tiền bạc và danh vọng; họ bám víu những thứ vô giá trị này, nghĩ rằng chúng là phương tiện hỗ trợ duy nhất của mình, như thể bằng cách có được chúng thì họ có thể tiếp tục sống, được miễn trừ khỏi cái chết. Nhưng chỉ khi họ sắp chết thì họ mới nhận ra những thứ này xa cách họ như thế nào, họ yếu đuối thế nào khi đối mặt với cái chết, họ dễ bị hủy hoại như thế nào, họ cô đơn và bất lực làm sao, không biết phải làm gì. Họ nhận ra rằng sự sống không thể được mua bằng tiền bạc hay danh vọng, rằng cho dù một người có thể giàu có đến đâu, cho dù địa vị của họ có cao quý đến đâu, thì tất cả đều nghèo khó và tầm thường như nhau khi đối diện với cái chết. Họ nhận ra rằng tiền bạc không thể mua sự sống, rằng danh vọng không thể xóa bỏ cái chết, rằng cả tiền bạc và danh vọng đều không thể kéo dài sự sống của một người dù chỉ một phút, một giây. Con người càng cảm nhận cách này, họ càng khao khát được tiếp tục sống; con người càng cảm nhận cách này, họ càng sợ cái chết đến gần. Chỉ vào thời điểm này con người mới thực sự nhận ra rằng cuộc sống của họ không thuộc về họ, không phải của họ để kiểm soát, và rằng con người không thể quyết định việc họ sống hay chết – tất cả những điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của con người.

4. Tuân phục sự thống trị của Đấng Tạo Hóa và bình tĩnh đối diện cái chết

Vào thời điểm con người được sinh ra, một linh hồn đơn độc bắt đầu trải nghiệm về cuộc sống trên đất, trải nghiệm về thẩm quyền của Đấng Tạo Hóa, điều mà Đấng Tạo Hóa đã an bài cho nó. Không cần phải nói, đối với con người – linh hồn – thì đây là một cơ hội tuyệt vời để có được sự hiểu biết về quyền tối thượng của Đấng Tạo Hóa, để bắt đầu biết đến thẩm quyền của Ngài và đích thân trải nghiệm nó. Con người sống theo những quy luật số phận do Đấng Tạo Hóa đã đặt ra cho họ, và đối với bất kỳ người nào có lý trí với lương tâm, trong những thập kỷ của cuộc đời họ, chịu chấp nhận quyền tối thượng của Đấng Tạo Hóa và bắt đầu biết đến thẩm quyền của Ngài thì không phải là một việc khó khăn. Do đó, rất dễ để cho mọi người nhận ra, qua kinh nghiệm sống của chính họ trong vài thập kỷ, rằng tất cả số phận của con người đều được định trước, và thật dễ dàng để hiểu được hoặc đúc kết lại việc còn sống có ý nghĩa gì. Khi nắm được những bài học cuộc đời này, con người sẽ dần dần bắt đầu hiểu đuợc sự sống đến từ đâu, nắm bắt được điều tâm hồn thực sự cần là gì, điều gì sẽ dẫn dắt họ đến với đường đời đích thực, sứ mệnh và mục tiêu của một đời sống con người phải là gì. Con người sẽ dần nhận ra rằng nếu họ không thờ phượng Đấng Tạo Hóa, nếu họ không tuân phục sự thống trị của Ngài, thì khi đến lúc phải đối diện với cái chết – khi linh hồn của họ sắp phải đối mặt với Đấng Tạo Hóa một lần nữa – lòng họ sẽ tràn ngập nỗi sợ hãi và sự xáo trộn vô biên. Nếu một người đã ở trong thế gian vài thập kỷ mà chưa hiểu được sự sống con người đến từ đâu hoặc không nhận ra số phận con người nằm trong tay ai, thì không có gì ngạc nhiên rằng họ sẽ không thể bình tĩnh đối diện với cái chết. Một người, trong những thập kỷ trải nghiệm về đời sống con người của họ, đã có được sự hiểu biết về quyền tối thượng của Đấng Tạo Hóa là người có đánh giá đúng về ý nghĩa và giá trị của cuộc sống. Một người như thế có một kiến thức sâu sắc về mục đích cuộc đời, có kinh nghiệm và sự hiểu biết thực sự về quyền tối thượng của Đấng Tạo Hóa, và ngoài điều đó ra, có thể đầu phục thẩm quyền của Đấng Tạo Hóa. Một người như thế hiểu được ý nghĩa của việc tạo ra loài người của Đức Chúa Trời, hiểu rằng con người nên thờ phượng Đấng Tạo Hóa, rằng mọi thứ con người sở hữu đều đến từ Đấng Tạo Hóa và sẽ trở về với Ngài một ngày không xa trong tương lai. Loại người này hiểu rằng Đấng Tạo Hóa an bài sự ra đời của con người và có quyền tối thượng trên sự chết của con người, và rằng cả sinh lẫn tử đều được định trước bởi thẩm quyền của Đấng Tạo Hóa. Vì vậy, khi con người thực sự nắm bắt được những điều này, họ sẽ tự nhiên có thể bình tĩnh đối diện cái chết, bình tĩnh đặt tất cả những của cải thế gian của mình sang một bên, vui vẻ chấp nhận và đầu phục tất cả những gì tiếp theo, và đón chào bước ngoặt cuộc đời cuối cùng, như nó đã được an bài bởi Đấng Tạo Hóa, thay vì mù quáng sợ hãi nó và đấu tranh chống lại nó. Nếu con người coi cuộc sống như là một cơ hội để trải nghiệm quyền tối thượng của Đấng Tạo Hóa và bắt đầu biết đến thẩm quyền của Ngài, nếu họ xem cuộc đời mình là một cơ hội hiếm có để thực hiện bổn phận của mình như một con người được thọ tạo và để hoàn thành sứ mệnh của mình, thì họ chắc chắn sẽ có một quan điểm đúng về cuộc đời, chắc chắn sẽ sống một cuộc sống được ban phước và dẫn dắt bởi Đấng Tạo Hóa, chắc chắn sẽ bước đi trong sự sáng của Đấng Tạo Hóa, chắc chắn sẽ biết quyền tối thượng của Đấng Tạo Hóa, chắc chắn sẽ tuân theo sự thống trị của Ngài và chắc chắn trở thành một chứng nhân cho những việc làm kỳ diệu của Ngài, một chứng nhân cho thẩm quyền của Ngài. Không cần phải nói, một người như thế chắc chắn sẽ được Đấng Tạo Hóa yêu thương và chấp nhận, và chỉ có người như thế mới có thể giữ thái độ bình tĩnh đối với cái chết và vui vẻ đón chào bước ngoặt cuối cùng của cuộc đời. Một người rõ ràng có loại thái độ này đối với cái chết là Gióp. Gióp đã ở trong tư thế chấp nhận bước ngoặt cuối cùng của cuộc đời một cách vui vẻ, và sau khi kết thúc hành trình cuộc đời của mình một cách suôn sẻ và hoàn thành sứ mệnh của mình trong đời, ông đã trở về bên cạnh Đấng Tạo Hóa.

5. Sự theo đuổi và gặt hái được trong đời sống của Gióp cho phép ông bình tĩnh đối diện với cái chết

Kinh Thánh có chép về Gióp: “Rồi Gióp qua đời tuổi cao tác lớn” (Gióp 42:17). Điều này có nghĩa là khi Gióp qua đời, ông đã không hối tiếc và không cảm thấy đau đớn, mà rời khỏi thế giới này một cách tự nhiên. Như mọi người đều biết, Gióp là một người kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác khi ông còn sống. Những việc làm của ông được Đức Chúa Trời khen ngợi và được những người khác nhớ đến, và có thể nói cuộc đời ông có giá trị và ý nghĩa hơn tất cả những người khác. Gióp đã vui hưởng những phước lành của Đức Chúa Trời và được Ngài gọi là người công chính trên đất, và ông cũng bị Đức Chúa Trời thử và bị thử luyện bởi Sa-tan. Ông đứng ra làm chứng cho Đức Chúa Trời và xứng đáng được Ngài gọi là một con người công chính. Trong những thập kỷ sau khi ông được Đức Chúa Trời thử, ông đã sống một cuộc đời thậm chí còn có giá trị, ý nghĩa, có nền tảng vững chắc, và bình an hơn trước. Bởi những việc làm công chính của ông, nên Đức Chúa Trời đã thử ông, và cũng bởi vì những việc làm công chính của ông, mà Đức Chúa Trời đã xuất hiện trước ông và phán trực tiếp với ông. Vì vậy, trong những năm sau khi ông bị thử luyện, Gióp đã hiểu và cảm kích giá trị đời sống một cách cụ thể hơn, đạt được sự hiểu biết sâu sắc hơn về quyền tối thượng của Đấng Tạo Hóa, và có được một kiến thức chính xác và chắc chắn hơn về việc Đấng Tạo Hóa ban cho và lấy lại các phước lành của Ngài như thế nào. Sách Gióp có ghi chép lại rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời thậm chí còn ban cho Gióp những phước lành lớn lao hơn Ngài đã làm trước đây, đặt Gióp vào một vị trí thậm chí còn tốt hơn để biết được quyền tối thượng của Đấng Tạo Hóa và bình tĩnh đối diện với cái chết. Vì thế, khi ông về già và đối diện cái chết, Gióp chắc chắn sẽ không lo lắng về tài sản của mình. Ông không lo lắng, không có gì để hối tiếc, và tất nhiên là không hề sợ chết, bởi ông đã dành trọn đời mình đi theo đường lối kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác. Ông không có lý do gì để lo lắng về kết cục của chính mình. Có bao nhiêu người ngày nay có thể hành động theo tất cả các cách mà Gióp đã làm khi đối mặt với cái chết của chính mình? Tại sao không ai có khả năng duy trì một thái độ bề ngoài đơn giản như thế? Chỉ có một lý do duy nhất: Gióp đã sống cuộc đời trong sự theo đuổi chủ quan về niềm tin, sự nhận biết, và sự đầu phục quyền tối thượng của Đức Chúa Trời, và chính với niềm tin, sự nhận biết, và sự đầu phục này mà ông đã vượt qua những bước ngoặt quan trọng trong đời, sống trọn những năm cuối đời và chào đón bước ngoặt cuối cùng của cuộc đời mình. Bất kể những gì Gióp đã trải qua, những sự theo đuổi và mục tiêu của ông trong đời không đau đớn mà là vui sướng. Ông vui không chỉ bởi những phước lành hay lời khen do Đấng Tạo Hóa ban cho, mà quan trọng hơn thế, bởi những sự theo đuổi và mục tiêu sống của ông, bởi kiến thức gia tăng và hiểu biết thật sự về quyền tối thượng của Đấng Tạo Hóa mà ông đã đạt được thông qua việc kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác, và hơn thế nữa, bởi kinh nghiệm cá nhân của ông, như là một đối tượng của quyền tối thượng của Đấng Tạo Hóa, về những việc làm diệu kỳ của Đức Chúa Trời, và những kinh nghiệm và ký ức dịu dàng nhưng khó quên về việc cùng tồn tại, kết giao và hiểu biết lẫn nhau giữa con người và Đức Chúa Trời. Gióp vui sướng bởi vì sự an ủi và niềm vui đến từ việc biết được ý muốn của Đấng Tạo Hóa, và bởi sự tôn kính nảy sinh sau khi thấy rằng Ngài vĩ đại, tuyệt diệu, đáng mến và thành tín. Gióp có thể đối mặt với cái chết mà không hề đau khổ vì ông biết rằng, khi chết, ông sẽ trở về bên cạnh Đấng Tạo Hóa. Chính những sự theo đuổi và gặt hái được của ông trong cuộc đời đã cho phép ông bình tĩnh đối mặt cái chết, cho phép ông bình tĩnh đối mặt với viễn cảnh Đấng Tạo Hóa lấy lại mạng sống mình, và hơn thế nữa, cho phép ông không vết nhơ và không lo lắng trước Đấng Tạo Hóa. Con người ngày nay có thể đạt được loại vui sướng như Gióp từng có không? Các ngươi có các điều kiện cần thiết để làm như vậy không? Vì con người ngày nay có những điều kiện này, tại sao họ không thể sống vui vẻ như Gióp? Tại sao họ lại không thể thoát khỏi đau khổ về nỗi sợ chết? Khi đối mặt cái chết, một vài người đi tiểu không kiểm soát được; số khác thì run rẩy, ngất xỉu, chửi rủa Trời cũng như con người; một số thậm chí còn than van và khóc lóc. Đây không phải là những phản ứng tự nhiên bất ngờ xảy ra khi cái chết đến gần. Con người hành xử theo những cách lúng túng này chính vì, sâu thẳm trong lòng họ, họ sợ chết, bởi vì họ không có một sự hiểu biết rõ ràng và cảm kích về quyền tối thượng của Đức Chúa Trời và những sự an bài của Ngài, càng không thực sự tuân phục chúng. Con người phản ứng theo cách này bởi vì họ không muốn gì ngoài việc tự mình sắp đặt và điều khiển mọi thứ, kiểm soát số phận, sự sống và sự chết của chính mình. Do đó, không có gì ngạc nhiên rằng con người không bao giờ có thể thoát khỏi nỗi sợ chết.

6. Chỉ bằng cách chấp nhận quyền tối thượng của Đấng Tạo Hóa thì con người mới có thể trở về bên cạnh Ngài

Khi con người không có sự hiểu biết rõ ràng và trải nghiệm về quyền tối thượng của Đức Chúa Trời và về sự an bài của Ngài, thì sự hiểu biết của họ về số phận và cái chết chắc chắn sẽ không tỏ tường. Con người không thể thấy rõ rằng mọi thứ đều nằm trong tay của Đức Chúa Trời, không nhận ra rằng mọi thứ đều chịu sự điều khiển và quyền tối thượng của Đức Chúa Trời, không thừa nhận rằng con người không thể gạt bỏ hoặc thoát khỏi quyền tối thượng như thế. Vì lý do này, khi đến thời điểm đối mặt cái chết, họ không ngừng nói những lời cuối cùng, lo lắng và hối tiếc. Họ bị đè nặng bởi rất nhiều chất chứa, rất nhiều do dự, rất nhiều bối rối. Điều này khiến họ sợ chết. Bởi bất kỳ người nào được sinh ra trong thế giới này, sự ra đời là cần thiết và cái chết là không thể tránh khỏi; không ai có thể vượt lên trên tiến trình này. Nếu con người mong muốn rời khỏi thế giới này một cách không đau đớn, nếu con người muốn có thể đối mặt với bước ngoặt cuối cùng của cuộc đời mà không có sự do dự hay lo lắng, thì cách duy nhất là đừng để phải hối tiếc. Và cách duy nhất để ra đi không hối tiếc là biết đến quyền tối thượng của Đấng Tạo Hóa, biết đến thẩm quyền của Ngài, và tuân phục chúng. Chỉ bằng cách này con người mới có thể tránh xa xung đột của con người, xa sự xấu xa, xa sự trói buộc của Sa-tan, và chỉ bằng cách này con người mới có thể sống một đời sống như của Gióp, được dẫn dắt và ban phước bởi Đấng Tạo Hóa, một đời sống tự do và được giải phóng, một đời sống có giá trị và ý nghĩa, một đời sống trung thực và cởi mở. Chỉ bằng cách này con người mới có thể, giống như Gióp, đầu phục những sự thử luyện và thu hồi của Đấng Tạo Hóa, những sự bố trí và an bài của Đấng Tạo Hóa. Chỉ bằng cách này con người mới có thể thờ phượng Đấng Tạo Hóa suốt đời mình, giành được sự khen ngợi của Ngài, như Gióp đã làm, và nghe thấy tiếng phán của Ngài, thấy Ngài xuất hiện. Chỉ bằng cách này thì con người mới có thể sống và chết một cách vui vẻ, giống như Gióp, không có đau đớn, không lo lắng, không hối tiếc. Chỉ bằng cách này thì con người mới có thể sống trong sự sáng, giống như Gióp, và vượt qua mọi bước ngoặt cuộc đời trong sự sáng, hoàn thành hành trình của mình trong sự sáng một cách trôi chảy, hoàn thành sứ mệnh của mình một cách thành công – để, như một vật thọ tạo, trải nghiệm, học hỏi, và biết đến quyền tối thượng của Đấng Tạo Hóa – và qua đời trong sự sáng, và mãi về sau đứng bên Đấng Tạo Hóa như một con người được thọ tạo, được Ngài khen ngợi.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất III, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Hồi chuông thời sau hết báo động đã vang lên, đại thảm họa đã ập xuống, bạn có muốn cùng gia đình nghênh đón được Thiên Chúa, và có cơ hội nhận được sự che chở của Thiên Chúa không?

Nội dung liên quan

Bước ngoặt thứ năm: Con cái

Sau khi kết hôn, con người bắt đầu nuôi dạy thế hệ tiếp theo. Con người không thể quyết định về việc họ có bao nhiêu đứa con và loại con...

Liên hệ với chúng tôi qua Messenger