Đức Chúa Trời dùng cầu vồng làm biểu tượng cho giao ước của Ngài với con người
Sách sáng thế 9:11-13 Vậy, ta lập giao ước cùng các ngươi, và các loài xác thịt chẳng bao giờ lại bị nước lụt hủy diệt, và cũng chẳng có nước lụt để hủy hoại đất nữa. Ðức Chúa Trời lại phán rằng: Ðây là dấu chỉ về sự giao ước mà ta lập cùng các ngươi, cùng hết thảy vật sống ở với các ngươi, trải qua các đời mãi mãi. Ta đặt mống của ta trên từng mây, dùng làm dấu chỉ sự giao ước của ta với đất.
Hầu hết mọi người đều biết cầu vồng là gì và đã nghe một số câu chuyện liên quan đến cầu vồng. Đối với câu chuyện về cầu vồng trong Kinh Thánh, một số người tin và một số thì coi đó như truyền thuyết, trong khi những người khác thì không hề tin chút nào. Cho dù thế nào, tất cả những sự kiện đã xảy ra liên quan đến cầu vồng đều là công tác của Đức Chúa Trời và đã diễn ra trong quá trình quản lý con người của Đức Chúa Trời. Những sự kiện này đã được ghi chép chính xác trong Kinh Thánh. Những ghi chép này không cho chúng ta biết tâm trạng của Đức Chúa Trời vào lúc đó hay ý định đằng sau những lời Đức Chúa Trời đã phán. Hơn nữa, không ai có thể nhận thức rõ Đức Chúa Trời đang cảm thấy thế nào khi Ngài phán chúng. Tuy nhiên, trạng thái tinh thần của Đức Chúa Trời liên quan đến toàn bộ sự kiện này được tỏ lộ ẩn ý giữa các câu chữ. Như thể những ý nghĩ của Đức Chúa Trời vào lúc đó đã bật ra qua mỗi từ và cụm từ trong lời Ngài.
Những ý nghĩ của Đức Chúa Trời là điều con người nên quan tâm và là điều họ nên cố gắng biết được nhiều nhất. Đây là vì những ý nghĩ của Đức Chúa Trời có liên quan mật thiết với sự hiểu biết của con người về Đức Chúa Trời, và sự hiểu biết của con người về Đức Chúa Trời là một mối liên kết không thể thiếu cho lối vào sự sống của con người. Vậy thì, Đức Chúa Trời đã nghĩ gì vào lúc các sự kiện này diễn ra?
Ban đầu, Đức Chúa Trời đã tạo ra một nhân loại mà trong mắt Ngài là rất tốt và gần gũi với Ngài, nhưng họ đã bị hủy diệt bởi trận lụt sau khi phản nghịch Ngài. Đức Chúa Trời có đau lòng không khi một nhân loại như vậy lại ngay lập tức biến mất như thế? Dĩ nhiên là đau lòng! Vậy thì sự bày tỏ nỗi đau này của Ngài là gì? Nó được ghi chép như thế nào trong Kinh Thánh? Nó được ghi chép trong Kinh Thánh ở những lời sau: “Vậy, ta lập giao ước cùng các ngươi, và các loài xác thịt chẳng bao giờ lại bị nước lụt hủy diệt, và cũng chẳng có nước lụt để hủy hoại đất nữa”. Câu đơn giản này tỏ lộ những ý nghĩ của Đức Chúa Trời. Sự hủy diệt thế gian này đã khiến Ngài rất đau đớn. Theo cách nói của con người, Ngài đã rất buồn. Chúng ta có thể tưởng tượng: Thế gian từng đầy sự sống đã trông như thế nào sau khi bị hủy diệt bằng trận lụt? Thế gian từng đầy con người đã trông như thế nào vào lúc đó? Không có người ở, không sinh vật sống, nước ở khắp nơi và sự tàn phá hoàn toàn trên mặt nước. Một cảnh tượng như thế có phải là ý định ban đầu của Đức Chúa Trời khi Ngài tạo dựng thế gian không? Dĩ nhiên là không! Ý định ban đầu của Đức Chúa Trời là nhìn thấy sự sống trên khắp đất, thấy con người mà Ngài đã tạo dựng thờ phượng Ngài, chứ không phải để Nô-ê là người duy nhất thờ phượng Ngài hay người duy nhất có thể đáp lại lời kêu gọi của Ngài để làm trọn vẹn điều được giao phó cho ông. Khi nhân loại biến mất, Đức Chúa Trời đã không thấy điều Ngài dự định ban đầu, mà là điều trái ngược hoàn toàn. Làm sao lòng Ngài có thể không đau cho được? Như vậy khi Đức Chúa Trời tỏ lộ tâm tính Ngài và bày tỏ những cảm xúc của Ngài, Đức Chúa Trời đã đưa ra quyết định. Ngài đã đưa ra dạng quyết định nào? Đặt mống trên từng mây (nghĩa là cầu vồng mà chúng ta thấy) như một giao ước với con người, một lời hứa rằng Đức Chúa Trời sẽ không hủy diệt nhân loại bằng trận lụt lần nữa. Đồng thời, nó cũng là để nói với con người rằng Đức Chúa Trời đã hủy diệt thế giới bằng một trận lụt, hầu cho nhân loại sẽ nhớ mãi tại sao Đức Chúa Trời lại làm một điều như thế.
Sự hủy diệt thế gian vào thời đó có phải là điều Đức Chúa Trời muốn không? Đó chắc chắn không phải là điều Đức Chúa Trời muốn. Chúng ta hẳn có thể tưởng tượng một phần nhỏ cảnh tượng thương tâm của đất sau sự hủy diệt thế gian, nhưng chúng ta còn lâu mới tưởng tượng ra cảnh tượng lúc đó trong mắt Đức Chúa Trời như thế nào. Chúng ta có thể nói rằng, dù là con người của bây giờ hay lúc ấy, không ai có thể tưởng tượng hay nhận thức rõ Đức Chúa Trời đã cảm thấy thế nào khi Ngài nhìn thấy cảnh tượng ấy, hình ảnh thế giới sau sự hủy diệt bởi trận lụt. Đức Chúa Trời đã buộc phải làm điều này bởi sự phản nghịch của con người, nhưng nỗi đau mà lòng Ngài phải chịu từ sự hủy diệt thế gian bởi trận lụt này là một hiện thực mà không ai có thể hiểu thấu hay nhận thức rõ. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời đã lập một giao ước với nhân loại, thông qua đó Ngài nhắm đến việc bảo con người nhớ rằng Đức Chúa Trời đã từng làm điều như thế này, và để hứa với họ rằng Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ hủy diệt thế gian theo cách như vậy lần nữa. Trong giao ước này chúng ta thấy được lòng Đức Chúa Trời – chúng ta thấy rằng lòng Đức Chúa Trời đau đớn khi Ngài hủy diệt nhân loại này. Theo ngôn ngữ của con người, khi Đức Chúa Trời hủy diệt nhân loại và thấy nhân loại biến mất, lòng Ngài đổ lệ và máu. Chẳng phải đó là cách miêu tả hay nhất sao? Những từ này được con người dùng để minh họa xúc cảm của con người, nhưng bởi vì ngôn ngữ của con người quá nghèo nàn, việc sử dụng chúng để miêu tả những tình cảm và cảm xúc của Đức Chúa Trời có vẻ không quá tệ đối với Ta, và cũng không thái quá. Chí ít nó cho các ngươi một sự hiểu biết rất sống động, rất nhanh nhạy về việc tâm trạng của Đức Chúa Trời đã như thế nào vào lúc đó. Bây giờ các ngươi sẽ nghĩ gì khi thấy cầu vồng lần nữa? Chí ít các ngươi sẽ nhớ Đức Chúa Trời đã từng đau đớn như thế nào khi hủy diệt thế gian bằng trận lụt. Các ngươi sẽ nhớ cách mà lòng Đức Chúa Trời, cho dù Ngài ghét thế gian này và khinh miệt nhân loại này, đã đau đớn, chật vật khi phải buông bỏ, cảm thấy lưỡng lự, và thấy khó mà chịu đựng được khi Ngài hủy diệt nhân loại mà Ngài đã tự tay tạo ra. Sự an ủi duy nhất của Ngài là gia đình tám người của Nô-ê. Chính sự phối hợp của Nô-ê đã làm cho những nỗ lực cần cù để tạo nên muôn vật của Ngài không trở nên luống công vô ích. Vào lúc Đức Chúa Trời đau khổ, đây là điều duy nhất có thể bù đắp cho nỗi đau của Ngài. Từ điểm đó, Đức Chúa Trời đã đặt mọi kỳ vọng của Ngài với nhân loại lên gia đình Nô-ê, hy vọng họ có thể sống dưới những phúc lành của Ngài chứ không phải sự rủa sả của Ngài, hy vọng rằng họ sẽ không bao giờ thấy Đức Chúa Trời hủy diệt thế gian bằng một trận lụt lần nữa, và cũng hy vọng rằng họ sẽ không bị hủy diệt.
Chúng ta nên tìm hiểu phần nào của tâm tính Đức Chúa Trời từ điều này? Đức Chúa Trời đã khinh ghét con người bởi vì con người thù nghịch Ngài, nhưng trong lòng Ngài, sự chăm sóc, quan tâm, và lòng thương xót của Ngài đối với nhân loại vẫn không đổi. Ngay cả khi Ngài hủy diệt nhân loại, lòng Ngài vẫn không đổi. Khi nhân loại đầy bại hoại và phản nghịch với Đức Chúa Trời đến mức trầm trọng, Đức Chúa Trời đã phải hủy diệt nhân loại này, bởi tâm tính của Ngài và thực chất của Ngài, và theo những nguyên tắc của Ngài. Thế nhưng bởi thực chất của Đức Chúa Trời, Ngài vẫn cảm thương nhân loại, và thậm chí muốn dùng nhiều cách khác nhau để cứu chuộc nhân loại hầu cho họ có thể tiếp tục sống. Tuy nhiên, con người lại chống đối Đức Chúa Trời, tiếp tục phản nghịch Đức Chúa Trời, và không chịu chấp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời; nghĩa là, không chịu chấp nhận những ý định tốt của Ngài. Cho dù Đức Chúa Trời kêu gọi họ, nhắc nhở họ, chu cấp cho họ, giúp đỡ họ, hay khoan thứ họ như thế nào, con người cũng đã không hiểu hay cảm kích điều đó, họ cũng chẳng chú ý tới. Trong nỗi đau của Ngài, Đức Chúa Trời vẫn không quên ban cho con người lòng khoan dung tột độ của Ngài, chờ đợi con người hoán cải. Sau khi Ngài đạt đến giới hạn của Ngài, Ngài đã làm điều Ngài phải làm mà không chút lưỡng lự. Nói cách khác, có một khoảng thời gian và quá trình cụ thể từ khoảnh khắc Đức Chúa Trời lên kế hoạch hủy diệt nhân loại đến lúc khởi động công tác hủy diệt nhân loại của Ngài. Quá trình này hiện hữu với mục đích cho phép con người hoán cải, và đây là cơ hội cuối cùng Đức Chúa Trời ban cho con người. Vậy Đức Chúa Trời đã làm gì trong khoảng thời gian này trước khi hủy diệt nhân loại? Đức Chúa Trời đã làm một lượng đáng kể công tác nhắc nhở và khích lệ. Cho dù lòng Đức Chúa Trời đau đớn và buồn rầu thế nào, Ngài cũng tiếp tục ban sự chăm sóc, quan tâm, và lòng thương xót vô vàn với nhân loại. Chúng ta thấy gì từ điều này? Không nghi ngờ gì, chúng ta thấy được rằng tình yêu của Đức Chúa Trời đối với nhân loại là thật và không phải là điều Ngài chỉ nói suông. Nó thực tế, hữu hình và có thể nhận thức rõ, không bịa đặt, giả dối, lừa gạt hay vờ vịt. Đức Chúa Trời không bao giờ dùng bất kỳ sự lừa dối hay tạo ra những hình tượng giả nào để làm cho con người thấy rằng Ngài đáng mến. Ngài không bao giờ dùng chứng ngôn giả để con người thấy sự đáng mến của Ngài, hoặc khoe khoang về sự đáng mến và thánh khiết của Ngài. Chẳng lẽ những khía cạnh này của tâm tính Đức Chúa Trời không xứng đáng có được tình yêu của con người sao? Chẳng lẽ chúng không đáng thờ phượng sao? Chẳng lẽ chúng không đáng trân quý sao? Đến đây, Ta muốn hỏi các ngươi: Sau khi nghe những lời này, các ngươi có nghĩ rằng sự vĩ đại của Đức Chúa Trời đơn thuần là những lời sáo rỗng trên giấy không? Sự đáng mến của Đức Chúa Trời có phải chỉ là những lời sáo rỗng không? Không! Chắc chắn là không! Quyền tối cao, sự vĩ đại, thánh khiết, khoan dung, yêu thương, v.v. của Đức Chúa Trời – mỗi chi tiết của mỗi một trong số các phương diện khác nhau trong tâm tính và thực chất của Đức Chúa Trời đều bày tỏ thực tế mỗi khi Ngài làm công tác của Ngài, được thể hiện trong tâm ý của Ngài đối với con người, và cũng được làm tròn và phản ánh ở mỗi người. Cho dù trước kia ngươi có cảm thấy hay không, Đức Chúa Trời cũng đang chăm sóc cho mỗi người theo mọi cách có thể, sử dụng tấm lòng chân thành, sự khôn ngoan, và những phương pháp khác nhau của Ngài để sưởi ấm lòng mỗi người, và đánh thức linh hồn mỗi người. Đây là một thực tế không thể bàn cãi. Bất kể bao nhiêu người đang ngồi đây, mỗi người đều có những trải nghiệm và cảm giác khác nhau đối với lòng khoan dung, kiên nhẫn và đáng mến của Đức Chúa Trời. Những trải nghiệm này về Đức Chúa Trời và những cảm giác hay sự nhận thức về Ngài – nói ngắn gọn, tất cả những điều tích cực này đều từ Đức Chúa Trời. Vậy thì bằng cách tích hợp những trải nghiệm và kiến thức của mọi người về Đức Chúa Trời và kết hợp chúng với những bài đọc của chúng ta về các đoạn Kinh Thánh hôm nay, các ngươi giờ đây đã có sự hiểu biết thực hơn và đúng đắn hơn về Đức Chúa Trời chưa?
Sau khi đọc câu chuyện này và hiểu đôi chút về tâm tính Đức Chúa Trời được tỏ lộ thông qua sự kiện này, các ngươi có dạng kiến thức mới nào về Đức Chúa Trời? Nó có cho các ngươi sự hiểu biết sâu hơn về Đức Chúa Trời và lòng Ngài không? Các ngươi bây giờ có cảm thấy khác khi xem lại câu chuyện về Nô-ê không? Theo quan điểm của các ngươi, có phải việc thông công về những câu Kinh Thánh này là không cần thiết không? Giờ đây khi chúng ta đã thông công về chúng, các ngươi có nghĩ là không cần thiết không? Chắc chắn là cần thiết! Mặc dù những gì chúng ta đọc là một câu chuyện, nhưng nó là một ghi chép thật về công tác Đức Chúa Trời đã làm. Mục tiêu của Ta không phải là để cho các ngươi hiểu rõ các chi tiết của những câu chuyện này hay nhân vật này, cũng không phải để các ngươi có thể đi nghiên cứu về nhân vật này, và chắc chắn không phải để các ngươi quay lại và nghiên cứu Kinh Thánh lần nữa. Các ngươi có hiểu không? Vậy những câu chuyện này đã trợ giúp gì cho kiến thức của các ngươi về Đức Chúa Trời? Câu chuyện này đã bổ sung những gì vào sự hiểu biết của các người về Đức Chúa Trời? Hãy cho chúng tôi biết, mời các anh chị em từ Hong Kong. (Chúng tôi thấy rằng tình yêu của Đức Chúa Trời là điều mà không con người bại hoại nào như chúng tôi sở hữu được.) Hãy cho chúng tôi biết nào, các anh chị em từ Hàn Quốc. (Tình yêu của Đức Chúa Trời đối với con người là thật. Tình yêu của Đức Chúa Trời đối với con người mang tâm tính của Ngài và mang sự vĩ đại, thánh khiết, quyền tối cao, và lòng khoan dung của Ngài. Đáng để chúng ta cố gắng đạt được một sự hiểu biết sâu hơn về điều này.) (Thông qua sự thông công vừa xong, một mặt, tôi có thể thấy tâm tính công chính và thánh khiết của Đức Chúa Trời, và tôi cũng có thể thấy sự quan tâm lo lắng mà Đức Chúa Trời có đối với nhân loại, lòng thương xót của Đức Chúa Trời đối với nhân loại, và rằng mọi điều Đức Chúa Trời làm và mọi ý nghĩ, ý tưởng Ngài có đã tỏ lộ tình yêu và sự quan tâm của Ngài đối với nhân loại.) (Sự hiểu biết của tôi trước đây là Đức Chúa Trời đã dùng một trận lụt để hủy diệt thế gian bởi vì nhân loại đã trở nên tà ác đến mức trầm trọng, và như thể Đức Chúa Trời đã hủy diệt nhân loại này bởi Ngài ghê tởm họ. Chỉ sau khi Đức Chúa Trời nói về câu chuyện của Nô-ê hôm nay và nói rằng lòng Đức Chúa Trời rỉ máu, tôi mới nhận ra rằng Đức Chúa Trời thật sự do dự khi buông bỏ nhân loại này. Chính bởi nhân loại quá phản nghịch mà Đức Chúa Trời đã không có chọn lựa nào khác ngoài hủy diệt họ. Thực ra, lòng Đức Chúa Trời vào lúc ấy rất buồn. Từ điểm này, tôi có thể thấy trong tâm tính của Đức Chúa Trời có sự chăm sóc và quan tâm của Ngài đối với nhân loại. Đây là điều tôi đã không biết trước đây.) Hay lắm! Các ngươi có thể tiếp tục. (Tôi rất xúc động sau khi nghe. Trước đây tôi đã đọc Kinh Thánh, nhưng tôi chưa bao giờ có trải nghiệm như hôm nay khi Đức Chúa Trời trực tiếp mổ xẻ những điều này để chúng tôi có thể bắt đầu biết Ngài. Việc Đức Chúa Trời dìu dắt chúng tôi xem Kinh Thánh như thế này đã cho phép tôi biết rằng thực chất của Đức Chúa Trời trước sự bại hoại của con người là yêu thương và quan tâm đến nhân loại. Từ lúc con người trở nên bại hoại cho đến những ngày sau rốt này, mặc dù Đức Chúa Trời có một tâm tính công chính, tình yêu và sự quan tâm của Ngài vẫn không thay đổi. Điều này cho thấy rằng bản chất tình yêu của Đức Chúa Trời, từ lúc sáng thế cho đến nay, bất kể con người có bại hoại hay không, cũng không bao giờ thay đổi.) (Hôm nay tôi đã thấy rằng thực chất của Đức Chúa Trời sẽ không thay đổi theo sự thay đổi về thời gian hay địa điểm của công tác của Ngài. Tôi cũng đã thấy rằng, cho dù Đức Chúa Trời đang tạo ra thế gian hay hủy diệt nó sau khi con người trở nên bị bại hoại, thì mọi điều Ngài làm đều có ý nghĩa và chứa đựng tâm tính Ngài. Vì lẽ ấy tôi thấy rằng tình yêu của Đức Chúa Trời là vô tận và mênh mông, và tôi cũng thấy được, như các anh chị em khác đã đề cập, sự quan tâm và lòng thương xót của Đức Chúa Trời đối với nhân loại khi Ngài hủy diệt thế gian.) (Đây là những điều tôi quả thật đã không biết trước kia. Sau khi lắng nghe hôm nay, tôi cảm thấy rằng Đức Chúa Trời thật sự đáng tin, thật sự đáng trông cậy, đáng tin tưởng, và rằng Ngài quả thật hiện hữu. Tôi có thể thật sự nhận thức rõ trong lòng rằng tâm tính và tình yêu của Đức Chúa Trời thật sự rõ ràng chắc chắn như vậy. Đây là một cảm xúc mà tôi có sau khi nghe hôm nay.) Xuất sắc! Có vẻ tất cả các ngươi đều đã tiếp nhận vào trong lòng những gì đã nghe.
Các ngươi có để ý thấy điều gì đó từ tất cả các câu Kinh Thánh, bao gồm tất cả những câu chuyện mà chúng ta đã thông công hôm nay không? Đức Chúa Trời có bao giờ dùng ngôn ngữ của riêng Ngài để bày tỏ những ý nghĩ của riêng Ngài và giải thích tình yêu, sự chăm sóc của Ngài đối với nhân loại không? Có ghi chép nào về việc Ngài dùng ngôn ngữ đơn giản để nói rõ Ngài quan tâm hay yêu thương nhân loại nhiều như thế nào không? Không. Điều đó không đúng sao? Có rất nhiều người trong các ngươi đã đọc Kinh Thánh hay những cuốn sách khác ngoài Kinh Thánh. Có bất kỳ ai trong các ngươi thấy những lời như thế không? Câu trả lời chắc chắn là không! Nghĩa là, trong những ghi chép Kinh Thánh, bao gồm lời Đức Chúa Trời hay tài liệu về công tác của Ngài, trong bất kỳ kỷ nguyên hay khoảng thời gian nào, Đức Chúa Trời chưa bao giờ dùng những phương pháp riêng của Ngài để miêu tả các cảm xúc của Ngài hay bày tỏ tình yêu và sự chăm sóc của Ngài đối với nhân loại, Đức Chúa Trời cũng chưa bao giờ dùng lời nói hay bất kỳ hành động nào để truyền đạt những tình cảm hay cảm xúc của Ngài – đó chẳng phải là thực tế sao? Tại sao Ta lại nói điều đó? Tại sao Ta lại đề cập điều này? Đó là vì điều này cũng là hiện thân cho sự đáng mến của Đức Chúa Trời và tâm tính của Ngài.
Đức Chúa Trời đã tạo ra nhân loại; bất kể họ đã bại hoại hay họ có theo Ngài hay không, Đức Chúa Trời cũng đối đãi với họ như những người yêu quý nhất của Ngài – hoặc như cách nói của con người là những người thân thương nhất của Ngài – và không phải là những món đồ chơi của Ngài. Mặc dù Đức Chúa Trời nói Ngài là Đấng Tạo Hóa và rằng con người là loài thọ tạo của Ngài, điều nghe có vẻ hơi khác biệt về tầng lớp, nhưng hiện thực là mọi điều Đức Chúa Trời đã làm cho nhân loại đều vượt xa bản chất của mối quan hệ này. Đức Chúa Trời yêu nhân loại, chăm sóc cho nhân loại, và thể hiện sự quan tâm đối với nhân loại, cũng như liên tục và không ngừng chu cấp cho nhân loại. Ngài không bao giờ cảm thấy trong lòng rằng đây là một công việc phụ hay điều gì đó đáng được thật nhiều công trạng. Ngài cũng không cảm thấy rằng cứu rỗi nhân loại, chu cấp cho họ, và ban cho họ mọi thứ, là làm nên sự đóng góp khổng lồ cho nhân loại. Ngài đơn thuần chu cấp cho nhân loại một cách âm thầm và lặng lẽ, theo cách của riêng Ngài và thông qua thực chất của riêng Ngài, thông qua việc Ngài có gì và là gì. Cho dù nhân loại nhận được bao nhiêu sự chu cấp và giúp đỡ từ Ngài, Đức Chúa Trời cũng không bao giờ nghĩ đến hay cố gắng ghi vào công trạng. Điều này được quyết định bởi thực chất của Đức Chúa Trời, và cũng chính là sự bày tỏ thật về tâm tính Đức Chúa Trời. Đây là lý do tại sao, dù trong Kinh Thánh hay bất kỳ sách nào khác, chúng ta cũng không bao giờ thấy Đức Chúa Trời bày tỏ những ý nghĩ của Ngài, và chúng ta không bao giờ thấy Đức Chúa Trời miêu tả hay tuyên bố với con người – với mục đích làm cho nhân loại biết ơn Ngài hay tán dương Ngài – về việc tại sao Ngài lại làm những điều này, hay tại sao Ngài lại chăm sóc nhân loại nhiều như vậy. Ngay cả khi Ngài đau khổ, khi lòng Ngài cực kỳ đau đớn, Ngài cũng không bao giờ quên trách nhiệm của mình đối với nhân loại hay sự quan tâm của Ngài đối với nhân loại; tất cả đều trong lúc Ngài chịu sự đau khổ và đau đớn này một mình trong âm thầm. Mà trái lại, Đức Chúa Trời tiếp tục chu cấp cho nhân loại như Ngài đã luôn làm. Mặc dù nhân loại thường ca ngợi Đức Chúa Trời hay làm chứng cho Ngài, Đức Chúa Trời không đòi hỏi điều gì trong cách hành xử này cả. Điều này là vì Đức Chúa Trời không bao giờ có ý định rằng bất kỳ việc tốt nào Ngài làm cho nhân loại là hòng đổi lấy lòng biết ơn hay đáp trả. Trái lại, những người có thể kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác, những người có thể thật sự theo Đức Chúa Trời, lắng nghe Ngài và trung thành với Ngài, và những người có thể thuận phục Ngài – đây là những người sẽ thường xuyên nhận được phúc lành của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời sẽ ban những phúc lành như thế mà không tiếc tay. Hơn nữa, những phúc lành mà con người được nhận từ Đức Chúa Trời thường vượt ngoài trí tưởng tượng của họ, và cũng vượt tầm bất kỳ điều gì con người có thể biện minh thông qua những gì họ đã làm hay cái giá mà họ đã trả. Khi nhân loại vui hưởng những phúc lành của Đức Chúa Trời, có bất kỳ ai quan tâm đến việc Đức Chúa Trời đang làm gì không? Có bất kỳ ai thể hiện sự quan tâm nào với việc Đức Chúa Trời đang cảm thấy thế nào không? Có bất kỳ ai cố gắng nhận thức rõ nỗi đau của Đức Chúa Trời không? Câu trả lời dứt khoát là không! Có bất kỳ người nào, kể cả Nô-ê, nhận thức rõ nỗi đau mà Đức Chúa Trời đang cảm nhận vào khoảnh khắc đó không? Có bất kỳ ai hiểu rõ tại sao Đức Chúa Trời lại lập một giao ước như thế không? Họ không thể! Nhân loại không nhận thức rõ nỗi đau của Đức Chúa Trời không phải là vì họ không thể hiểu nỗi đau của Đức Chúa Trời, và không phải bởi khoảng cách giữa Đức Chúa Trời và con người hay sự khác biệt ở địa vị của họ; mà đúng hơn, chính là vì nhân loại không hề quan tâm đến bất kỳ cảm xúc nào của Đức Chúa Trời. Nhân loại nghĩ rằng Đức Chúa Trời độc lập – rằng Đức Chúa Trời không cần con người chăm sóc cho Ngài, hiểu Ngài hay thể hiện sự quan tâm với Ngài. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời, do đó Ngài không có nỗi đau, không có xúc cảm; Ngài sẽ không buồn, Ngài không cảm thấy đau khổ, Ngài thậm chí không khóc. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời, do đó Ngài không cần bất kỳ sự thể hiện tình cảm nào và Ngài không cần bất kỳ sự an ủi tình cảm nào. Nếu trong những hoàn cảnh nhất định, Ngài không cần những điều này, thì Ngài có thể đương đầu một mình và sẽ không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào từ nhân loại. Trái lại, chính những con người yếu đuối, non nớt mới cần đến sự yên ủi, chu cấp, khích lệ của Đức Chúa Trời, và thậm chí cần Ngài an ủi xúc cảm của họ mọi nơi mọi lúc. Những điều như thế ẩn sâu trong lòng nhân loại: Con người là kẻ yếu đuối; họ cần Đức Chúa Trời trông nom họ theo mọi cách, họ xứng đáng với tất cả những sự chăm sóc mà họ nhận được từ Đức Chúa Trời, và họ phải đòi hỏi ở Đức Chúa Trời bất cứ điều gì họ cảm thấy nên là của họ. Đức Chúa Trời là Đấng mạnh mẽ; Ngài có mọi thứ, và Ngài phải là Đấng bảo hộ và Đấng ban phúc lành cho nhân loại. Bởi vì Ngài đã là Đức Chúa Trời, Ngài có quyền tuyệt đối và không bao giờ cần bất cứ điều gì từ nhân loại.
Bởi con người không để ý đến bất kỳ sự mặc khải nào của Đức Chúa Trời, họ chưa bao giờ cảm nhận sự buồn phiền, đau đớn, hay niềm vui của Đức Chúa Trời. Nhưng trái lại, Đức Chúa Trời biết tất cả mọi biểu hiện của con người như biết rõ lòng bàn tay Ngài. Đức Chúa Trời chu cấp cho các nhu cầu của mọi người vào mọi lúc và ở mọi nơi, quan sát những ý nghĩ đổi thay của mỗi người và bởi đó an ủi, khích lệ họ, hướng dẫn và soi sáng họ. Đối với tất cả những điều mà Đức Chúa Trời đã làm cho nhân loại và mọi cái giá mà Ngài đã trả bởi vì họ, con người có thể tìm được đoạn nào trong Kinh Thánh hay từ bất cứ điều gì mà Đức Chúa Trời đã phán cho đến nay tuyên bố rõ rằng Đức Chúa Trời sẽ đòi hỏi điều gì đó từ con người không? Không! Trái lại, cho dù con người phớt lờ suy nghĩ của Đức Chúa Trời như thế nào, Ngài vẫn liên tục dìu dắt nhân loại, liên tục chu cấp cho nhân loại và giúp đỡ họ, tạo điều kiện cho họ theo con đường của Đức Chúa Trời hầu cho họ có thể đạt được đích đến tốt đẹp mà Ngài đã chuẩn bị cho họ. Khi nói đến Đức Chúa Trời, thì việc Ngài có gì và là gì, ân điển của Ngài, lòng thương xót của Ngài, và mọi sự ban thưởng của Ngài, sẽ được ban không tiếc tay cho những ai yêu thương và theo Ngài. Thế nhưng Ngài không bao giờ tỏ lộ với bất kỳ ai nỗi đau mà Ngài đã chịu hay trạng thái tinh thần của Ngài, và Ngài không bao giờ than phiền về bất kỳ ai việc họ không lưu tâm tới Ngài hay không biết tâm ý của Ngài. Ngài đơn thuần âm thầm chịu đựng tất cả những điều này, đợi đến ngày nhân loại sẽ có thể hiểu được.
Tại sao Ta nói những điều này ở đây? Các ngươi thấy gì từ những điều Ta đã nói? Có điều gì đó trong thực chất và tâm tính Đức Chúa Trời mà quá dễ bị bỏ qua, điều gì đó chỉ được sở hữu bởi Đức Chúa Trời chứ không bởi bất kỳ người nào, kể cả những người mà người khác nghĩ là các vĩ nhân, người tốt, hay là Đức Chúa Trời trong trí tưởng tượng của họ. Điều đó là gì? Đó là lòng vị tha của Đức Chúa Trời. Khi nói về lòng vị tha, có thể ngươi nghĩ mình cũng rất vị tha, bởi vì khi nói đến con cái ngươi, ngươi không bao giờ điều đình hay mặc cả với chúng, hoặc ngươi nghĩ mình cũng rất vị tha khi nói đến cha mẹ mình. Cho dù ngươi nghĩ gì, chí ít ngươi có một khái niệm về từ “vị tha” và nghĩ về nó như một từ tích cực, và rằng việc là một người vị tha là rất cao quý. Khi ngươi vị tha, ngươi cho là bản thân mình cao cả. Nhưng không ai có thể thấy sự vị tha của Đức Chúa Trời trong mọi sự, giữa những con người, sự kiện, và sự vật, và trong công tác của Ngài. Tại sao lại như vậy? Bởi vì con người quá ích kỷ! Tại sao Ta nói như thế? Nhân loại sống trong một thế giới vật chất. Có thể ngươi theo Đức Chúa Trời, nhưng ngươi không bao giờ thấy hay cảm kích cách Đức Chúa Trời chu cấp cho ngươi, yêu thương ngươi, và thể hiện sự quan tâm đối với ngươi. Vậy thì ngươi thấy gì? Ngươi thấy những người họ hàng ruột thịt của mình, những người yêu thương mình hay cưng chiều mình. Ngươi thấy những điều có lợi cho xác thịt của ngươi, ngươi quan tâm đến những người và vật mà ngươi yêu thương. Đây là điều được gọi là lòng vị tha của con người. Tuy nhiên, những người “vị tha” như thế không bao giờ quan tâm đến Đức Chúa Trời là Đấng ban sự sống cho họ. Trái ngược với lòng vị tha của Đức Chúa Trời, lòng vị tha của con người trở nên ích kỷ và đáng khinh. Lòng vị tha mà con người tin vào thì rỗng tuếch và không thực tế, giả tạo, không tương hợp với Đức Chúa Trời, và không liên quan tới Đức Chúa Trời. Lòng vị tha của con người là vì chính họ, trong khi lòng vị tha của Đức Chúa Trời là một sự mặc khải thật về thực chất Ngài. Chính bởi lòng vị tha của Đức Chúa Trời mà con người liên tục được Ngài chu cấp cho. Có thể các ngươi không quá cảm động bởi đề tài mà Ta đang nói đến hôm nay và chỉ đơn thuần gật gù chấp nhận, nhưng khi ngươi cố gắng cảm kích tấm lòng Đức Chúa Trời trong lòng mình, ngươi sẽ vô tình khám phá điều này: Trong số mọi người, sự việc, và sự vật mà ngươi có thể cảm nhận trong thế gian này, chỉ lòng vị tha của Đức Chúa Trời là thật và rõ ràng, bởi vì chỉ tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho ngươi là vô điều kiện và không chút vết nhơ. Ngoài Đức Chúa Trời ra, cái gọi là lòng vị tha của bất kỳ ai khác cũng đều là vờ vịt, hời hợt, không thực; nó có mục đích, có những ý đồ nhất định, mang sự đổi chác, và không thể chịu được thử thách. Các ngươi thậm chí có thể nói rằng nó nhơ bẩn và đáng khinh. Các ngươi có đồng ý với những lời này không?
Ta biết các ngươi rất xa lạ với những đề tài này và cần chút thời gian để hấp thụ chúng trước khi các ngươi có thể thật sự hiểu được. Các ngươi càng xa lạ với những vấn đề và đề tài này thì càng chứng tỏ rằng những chủ đề này đang thiếu vắng trong lòng các ngươi. Nếu Ta không bao giờ đề cập những đề tài này, liệu có ai trong các ngươi biết bất cứ điều gì về chúng không? Ta tin rằng các ngươi sẽ không bao giờ hiểu được chúng. Điều đó là chắc chắn. Cho dù các ngươi có thể cảm được hay hiểu được nhiều như thế nào, thì nói ngắn gọn, những đề tài mà Ta nói đến này là điều mà con người thiếu kém nhất và là điều họ nên biết nhiều nhất. Những đề tài này rất quan trọng đối với mọi người – chúng quý báu và chúng là sự sống, và chúng là những điều các ngươi phải sở hữu cho con đường phía trước. Không có những lời này để hướng dẫn, không có sự hiểu biết của các ngươi về tâm tính và thực chất của Đức Chúa Trời, ngươi sẽ luôn mang một dấu chấm hỏi khi nói đến Đức Chúa Trời. Làm sao ngươi có thể tin Đức Chúa Trời một cách đúng đắn nếu ngươi thậm chí không hiểu về Ngài? Ngươi không biết gì về những cảm xúc của Đức Chúa Trời, tâm ý của Ngài, trạng thái tinh thần của Ngài, những gì Ngài đang nghĩ, những gì làm Ngài buồn, và những gì làm Ngài vui, vậy thì làm sao ngươi có thể lưu tâm đến tấm lòng của Đức Chúa Trời được?
Bất cứ khi nào Đức Chúa Trời phiền lụy, Ngài đối mặt với một nhân loại chẳng hề chú ý gì đến Ngài, một nhân loại theo Ngài và tuyên bố yêu Ngài nhưng hoàn toàn bỏ mặc những cảm xúc của Ngài. Làm sao lòng Ngài lại không đau cho được? Trong công tác quản lý của Đức Chúa Trời, Ngài tận tâm thực hiện công tác của Ngài và phán với mỗi người, và Ngài đối mặt với họ mà không hạn chế hay che giấu; nhưng trái lại, mỗi người theo Ngài đều xa cách với Ngài, và không ai sẵn lòng chủ động đến gần Ngài hơn, hiểu lòng Ngài, hay chú ý đến những cảm xúc của Ngài. Thậm chí những người muốn trở nên thân cận với Đức Chúa Trời cũng không muốn đến gần Ngài, lưu tâm đến lòng Ngài, hay cố gắng hiểu Ngài. Khi Đức Chúa Trời đầy hứng khởi và vui vẻ, không ai chia sẻ niềm hạnh phúc của Ngài. Khi Đức Chúa Trời bị con người hiểu lầm, không ai an ủi trái tim tổn thương của Ngài. Khi lòng Ngài đau khổ, không một người nào sẵn lòng để cho Ngài giãi bày nơi họ. Qua hàng ngàn năm này của công tác quản lý của Đức Chúa Trời, không ai hiểu những cảm xúc của Đức Chúa Trời, cũng không ai thấu hiểu hay cảm kích chúng, huống chi bất kỳ ai có thể đứng bên cạnh Đức Chúa Trời để chia sẻ những niềm vui và nỗi buồn của Ngài. Đức Chúa Trời thật cô đơn. Ngài thật cô đơn! Đức Chúa Trời cô đơn không chỉ bởi nhân loại bại hoại chống đối Ngài, mà phần nhiều là vì những người tìm kiếm thuộc linh, những người tìm kiếm để được biết Đức Chúa Trời và hiểu Ngài, và thậm chí những người sẵn lòng dành cả cuộc đời mình cho Ngài, cũng không biết những ý nghĩ của Ngài hay hiểu tâm tính Ngài và những cảm xúc của Ngài.
Ở phần kết câu chuyện về Nô-ê, chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã dùng một phương pháp khác thường để bày tỏ những cảm xúc của Ngài vào lúc đó. Đó là một phương pháp rất đặc biệt: lập giao ước với con người, tuyên bố chấm dứt sự hủy diệt thế gian của Đức Chúa Trời bằng trận lụt. Ở bề ngoài, việc lập giao ước có vẻ là một điều rất bình thường. Nó không khác gì hơn là dùng từ ngữ để ràng buộc hai bên và ngăn họ vi phạm thỏa thuận của mình, nhằm bảo vệ lợi ích của cả hai. Về hình thức, đó là một điều rất bình thường, nhưng từ những động cơ đằng sau và ý định của Đức Chúa Trời khi làm điều này, đó là một sự tỏ lộ thật sự về tâm tính và trạng thái tinh thần của Đức Chúa Trời. Nếu ngươi chỉ gạt những lời này sang một bên và lờ chúng đi, nếu Ta không bao giờ nói với các ngươi sự thật về các sự việc, thì nhân loại sẽ thật sự không bao giờ biết được suy nghĩ của Đức Chúa Trời. Có lẽ trong trí tưởng tượng của ngươi, Đức Chúa Trời mỉm cười khi Ngài lập giao ước này, hay có lẽ sự bày tỏ của Ngài thật nghiêm túc, nhưng bất kể những sự bày tỏ thông thường nhất nào con người tưởng tượng ra cho Đức Chúa Trời, không ai có thể thấy được lòng Đức Chúa Trời hay nỗi đau của Ngài, huống chi sự cô đơn của Ngài. Không ai có thể làm cho Đức Chúa Trời tin tưởng họ hay xứng đáng với sự tin tưởng của Đức Chúa Trời, hay là người Ngài có thể bày tỏ những ý nghĩ của Ngài hay giãi bày nỗi đau của Ngài. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời không có sự chọn lựa nào khác hơn là làm một việc như thế. Ngoài mặt, Đức Chúa Trời đã làm một điều dễ dàng là từ biệt nhân loại như vốn dĩ, giải quyết vấn đề của quá khứ và đưa ra một kết cuộc hoàn hảo bằng trận lụt hủy diệt thế gian của Ngài. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã chôn giấu nỗi đau bởi khoảnh khắc này tận sâu trong lòng Ngài. Vào lúc Đức Chúa Trời không có bất kỳ ai để giãi bày, Ngài đã lập một giao ước với nhân loại, nói với họ rằng Ngài sẽ không hủy diệt thế gian bằng một trận lụt lần nữa. Khi cầu vồng xuất hiện, đó là để nhắc con người rằng một điều như thế đã xảy ra và để cảnh báo họ kiềm chế việc ác. Ngay cả trong trạng thái đau đớn như thế, Đức Chúa Trời đã không quên nhân loại và vẫn thể hiện sự quan tâm rất nhiều đối với họ. Chẳng phải đó là tình yêu và lòng vị tha của Đức Chúa Trời sao? Thế nhưng con người nghĩ gì khi họ đau khổ? Chẳng phải đây là lúc họ cần Đức Chúa Trời nhất sao? Vào những lúc như thế này, con người luôn lôi Đức Chúa Trời vào để Ngài có thể an ủi họ. Bất kể khi nào, Đức Chúa Trời cũng sẽ không bao giờ làm con người thất vọng, và Ngài sẽ luôn cho phép con người thoát ra khỏi những nguy khốn của họ và sống trong sự sáng. Mặc dù Đức Chúa Trời chu cấp cho nhân loại như vậy, trong lòng con người, Đức Chúa Trời không gì hơn là một viên thuốc an thần, một viên thuốc bổ. Khi Đức Chúa Trời đau khổ, khi lòng Ngài tổn thương, thì việc có một loài thọ tạo hay bất kỳ người nào đồng hành cùng Ngài hay an ủi Ngài hẳn nhiên sẽ chỉ là một ước muốn xa vời đối với Đức Chúa Trời. Con người chẳng bao giờ chú ý đến những cảm xúc của Đức Chúa Trời, do đó Đức Chúa Trời không bao giờ đòi hỏi cũng không kỳ vọng sẽ có ai đó có thể an ủi Ngài. Ngài chỉ dùng những phương pháp của riêng Ngài để bày tỏ tâm trạng của Ngài. Con người không nghĩ rằng việc Đức Chúa Trời trải qua nỗi đau khổ nào đó không phải là một gian khổ to lớn, mà chỉ khi ngươi thật sự cố gắng hiểu Đức Chúa Trời, khi ngươi có thể thật sự cảm kích những ý định thiết tha của Đức Chúa Trời trong mọi việc Ngài làm, thì ngươi mới có thể cảm nhận sự vĩ đại của Đức Chúa Trời và lòng vị tha của Ngài. Mặc dù Đức Chúa Trời đã dùng cầu vồng để lập một giao ước với nhân loại, Ngài chưa bao giờ nói với bất kỳ ai tại sao Ngài làm như vậy – tại sao Ngài lập giao ước này – nghĩa là Ngài chưa bao giờ nói với bất kỳ ai những ý nghĩ thật của Ngài. Điều này là bởi không ai có thể hiểu thấu chiều sâu của tình yêu mà Đức Chúa Trời có đối với nhân loại mà Ngài đã tự tay tạo nên, và cũng không ai có thể nhận thức rõ lòng Ngài đã chịu bao đau đớn khi Ngài hủy diệt nhân loại. Vì lẽ ấy, ngay cả khi Ngài có nói với con người Ngài cảm thấy thế nào, họ cũng sẽ không thể đảm nhận sự tin tưởng này. Bất chấp đau đớn, Ngài vẫn tiếp tục với bước tiếp theo trong công tác của Ngài. Đức Chúa Trời luôn ban phần tốt nhất của Ngài và những điều tốt nhất của Ngài cho nhân loại, đồng thời tự mình âm thầm chịu đựng mọi đau khổ. Đức Chúa Trời không bao giờ công khai tiết lộ những sự đau khổ này. Thay vào đó, Ngài chịu đựng chúng và chờ đợi trong thinh lặng. Sự chịu đựng của Đức Chúa Trời không lạnh lùng, tê dại, hay bất lực, nó cũng không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Đúng hơn, tình yêu và thực chất của Đức Chúa Trời luôn vị tha. Đây là sự tỏ lộ tự nhiên của thực chất và tâm tính Ngài, và là hiện thân đích thực cho thân phận của Đức Chúa Trời – Đấng Tạo Hóa thật.
Nói như thế, một số người có thể diễn dịch sai ý Ta và nghĩ: “Có phải việc miêu tả những cảm xúc của Đức Chúa Trời chi tiết như vậy, với quá nhiều sự gây xúc động, là nhằm làm cho con người cảm thấy tội nghiệp Đức Chúa Trời không?”. Đó có phải là ý định ở đây không? (Không.) Mục đích duy nhất của Ta khi nói những điều này là để làm cho các ngươi biết Đức Chúa Trời rõ hơn, hiểu vô số phương diện của Ngài, hiểu những xúc cảm của Ngài, nhận thức rõ thực chất và tâm tính của Ngài, một cách cụ thể và từng chút một, được bày tỏ qua công tác của Ngài, là đối lập với điều được miêu tả thông qua những lời rỗng tuếch của con người, những câu chữ và giáo lý của họ, hay trí tưởng tượng của họ. Nói thế nghĩa là, Đức Chúa Trời và thực chất của Đức Chúa Trời thật sự hiện hữu – đó không phải là những bức vẽ, cũng không phải là sự tưởng tượng, không được xây dựng bởi con người, và hiển nhiên không do con người chế tạo nên. Bây giờ các ngươi có nhận ra điều này không? Nếu các ngươi có nhận ra, vậy thì những lời của Ta hôm nay đã đạt được mục tiêu.
– Công tác của Đức Chúa Trời, tâm tính của Đức Chúa Trời, và chính Đức Chúa Trời I, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời
Hồi chuông thời sau hết báo động đã vang lên, đại thảm họa đã ập xuống, bạn có muốn cùng gia đình nghênh đón được Thiên Chúa, và có cơ hội nhận được sự che chở của Thiên Chúa không?