Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất VI

Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời (III)

Đề tài mà chúng ta đã thông công lần trước là về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Khía cạnh nào trong chính Đức Chúa Trời liên quan đến sự thánh khiết của Đức Chúa Trời? Nó có liên quan đến thực chất của Đức Chúa Trời không? (Có.) Vậy thì khía cạnh chính trong thực chất của Đức Chúa Trời mà chúng ta đã nói đến trong buổi thông công của chúng ta là gì? Đó có phải là sự thánh khiết của Đức Chúa Trời không? Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời là thực chất độc nhất vô song của Đức Chúa Trời. Nội dung chính của buổi thông công lần trước của chúng ta là gì? (Sự nhận biết về sự tà ác của Sa-tan. Nghĩa là, Sa-tan sử dụng kiến thức, khoa học, văn hóa truyền thống, sự mê tín và các xu hướng xã hội làm con người trở nên bại hoại như thế nào.) Đây là đề tài chính mà chúng ta đã thảo luận lần trước. Sa-tan sử dụng kiến thức, khoa học, sự mê tín, văn hóa truyền thống, và các xu hướng xã hội để làm con người trở nên bại hoại; đây là những cách – có tổng cộng năm cách – mà Sa-tan làm con người bại hoại. Trong những cách này, các ngươi nghĩ Sa-tan sử dụng cách nào nhiều nhất để làm con người bại hoại? Cách nào là cách được sử dụng để làm con người bại hoại sâu sắc nhất? (Văn hóa truyền thống. Đó là vì những triết lý độc hại, như là các giáo lý của Khổng Tử và Mạnh Tử, đã ăn sâu vào trong tâm trí của chúng con.) Như vậy, một vài anh chị em nghĩ rằng câu trả lời là “văn hóa truyền thống”. Có ai có câu trả lời khác không? (Kiến thức. Kiến thức sẽ không bao giờ để chúng con thờ phượng Đức Chúa Trời. Nó phủ nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, và phủ nhận quy tắc của Đức Chúa Trời. Điều đó có nghĩa là, Sa-tan bảo chúng con bắt đầu học tập từ khi còn nhỏ, và chỉ bằng cách học tập và có kiến thức thì chúng con sẽ có được những triển vọng tươi sáng cho tương lai của chúng con và có một số phận sung sướng.) Sa-tan sử dụng kiến thức để kiểm soát tương lai và số phận của ngươi, và sau đó nó sẽ dắt mũi ngươi; đây là cách ngươi nghĩ rằng Sa-tan làm con người bại hoại một cách sâu sắc nhất. Như vậy, hầu hết các ngươi nghĩ rằng chính kiến thức là thứ Sa-tan sử dụng để làm con người trở nên bại hoại một cách sâu sắc nhất. Có ai có ý kiến khác không? Ví dụ như, khoa học hoặc các xu hướng xã hội thì sao? Có ai chọn những điều này làm câu trả lời không? (Có.) Hôm nay, Ta sẽ thông công một lần nữa về năm cách Sa-tan dùng để làm con người bại hoại, và khi Ta kết thúc, Ta sẽ hỏi các ngươi thêm vài câu hỏi, để chúng ta có thể thấy chính xác Sa-tan sử dụng điều nào trong số này để làm con người bại hoại một cách sâu sắc nhất.

Năm cách Sa-tan làm bại hoại con người

a. Sa-tan dùng kiến thức để làm bại hoại con người, và dùng danh lợi để kiểm soát họ

Trong năm cách Sa-tan làm bại hoại con người, thì cách đầu tiên chúng ta đề cập đến là kiến thức, vậy thì chúng ta hãy chọn kiến thức làm đề tài đầu tiên để thông công. Sa-tan sử dụng kiến thức như là mồi nhử. Hãy nghe cho kỹ: Kiến thức chỉ là một loại mồi nhử. Con người bị dụ dỗ học tập chăm chỉ và cải thiện bản thân ngày này qua ngày khác, biến kiến thức thành vũ khí và tự trang bị cho mình với vũ khí đó, và sau đó dùng kiến thức để mở cánh cửa khoa học; nói cách khác, ngươi càng có kiến thức, ngươi sẽ càng hiểu biết. Sa-tan nói cho con người biết tất cả những điều này; nó bảo con người nuôi dưỡng những lý tưởng cao cả khi họ đang học hỏi kiến thức, hướng dẫn họ xây dựng những tham vọng và khát vọng. Sa-tan truyền tải nhiều thông điệp như thế mà con người không hay biết, khiến họ cảm nhận một cách vô thức rằng những điều này là đúng đắn hoặc là có lợi. Con người vô tình bước vào con đường này, vô tình bị chính những lý tưởng và tham vọng của mình dẫn dắt. Từng bước một, họ vô tình học được từ kiến thức Sa-tan đưa ra những cách mà những người nổi tiếng hoặc các vĩ nhân suy nghĩ. Họ cũng học được vài điều từ những hành động của những người được cho là anh hùng. Sa-tan chủ trương làm gì con người qua những hành động của những anh hùng này? Nó muốn tiêm nhiễm điều gì vào trong con người? Con người đó phải yêu nước, có lòng trung kiên dân tộc, và tinh thần quả cảm. Con người học được gì từ những câu chuyện lịch sử hoặc tiểu sử của những nhân vật anh hùng? Để có một ý thức về lòng trung thành cá nhân, để sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho bạn bè và anh em mình. Trong kiến thức này của Sa-tan, con người vô tình học được nhiều điều hoàn toàn không tích cực. Giữa lúc con người không hay biết, những hạt giống do Sa-tan chuẩn bị được gieo vào tâm trí non nớt của con người. Những hạt giống này khiến họ cảm thấy rằng họ phải trở thành các vĩ nhân, phải trở nên nổi tiếng, phải trở thành anh hùng, thành nhà ái quốc, thành những người yêu thương gia đình mình và trở thành những người sẽ làm bất cứ điều gì cho bạn bè và có ý thức trung thành cá nhân. Bị Sa-tan quyến rũ, họ vô tình bước trên con đường nó đã chuẩn bị sẵn cho họ. Khi họ đi trên con đường này, thì họ buộc phải chấp nhận các quy tắc sống của Sa-tan. Hoàn toàn không ý thức được, họ phát triển những quy tắc sống của riêng mình, nhưng những điều này không gì khác hơn là các quy tắc của Sa-tan, những thứ mà nó đã tiêm nhiễm mạnh mẽ trong họ. Trong quá trình học tập, Sa-tan khiến họ nuôi dưỡng những mục tiêu của riêng mình và quyết định các mục tiêu cuộc sống, các quy tắc sống, và định hướng trong cuộc sống của riêng mình, trong khi tiêm nhiễm vào họ những điều của Sa-tan, sử dụng những câu chuyện, những tiểu sử, và mọi phương tiện khác có thể để dụ dỗ con người, từng chút một, cho đến khi họ cắn câu. Bằng cách này, trong suốt quá trình học tập của mình, một vài người bắt đầu thích văn chương, một vài người thích kinh tế, những người khác thích thiên văn hoặc địa lý. Rồi cũng có vài người bắt đầu thích chính trị, vật lý, hoá học, và thậm chí có những người thích thần học. Đây là tất cả các phần trong một tổng thể rộng lớn hơn đó là kiến thức. Trong lòng mình, mỗi người các ngươi đều biết rằng những điều này thực ra là gì; mỗi người trong các ngươi trước đây đều đã tiếp xúc với chúng. Từng người trong các ngươi đều có khả năng nói liên tục không ngừng nghỉ về nhánh này hoặc nhánh khác của tri thức. Và vì thế việc kiến thức đã ăn sâu vào tâm trí con người như thế nào đã rõ ràng; dễ dàng nhìn thấy vị trí mà kiến thức chiếm hữu trong tâm trí con người và mức độ ảnh hưởng của nó đối với họ sâu sắc như thế nào. Một khi ai đó nảy sinh sự yêu thích với một khía cạnh của kiến thức, khi một người đã yêu nó một cách sâu sắc, thì họ vô tình nảy sinh những tham vọng: Một số người muốn trở thành nhà văn, một số người muốn trở thành tác giả văn học, một số muốn làm về chính trị, và một số lại muốn tham gia vào lĩnh vực kinh tế và trở thành những doanh nhân. Rồi có một bộ phận những con người muốn trở thành những anh hùng, những vĩ nhân hay người nổi tiếng. Bất kể con người muốn trở thành những loại người nào, thì mục tiêu của họ là dùng phương pháp học hỏi kiến thức này và sử dụng nó cho mục đích của bản thân mình, là thực hiện ước muốn, tham vọng của bản thân mình. Cho dù điều đó nghe hay ho đến mức nào – họ muốn đạt được ước mơ của mình, không lãng phí cuộc đời mình, hoặc muốn có được một sự nghiệp nào đó – họ nuôi dưỡng những lý tưởng cao cả và tham vọng này, nhưng thực chất của tất cả những điều này là gì? Các ngươi có từng xem xét đến câu hỏi này trước đây hay chưa? Tại sao Sa-tan hành động theo cách này? Mục đích của Sa-tan khi tiêm nhiễm những điều này vào trong con người là gì? Lòng các ngươi phải hiểu rõ về vấn đề này.

Bây giờ chúng ta hãy nói về cách Sa-tan sử dụng kiến thức để làm bại hoại con người. Đầu tiên, chúng ta phải có một sự hiểu biết rõ ràng về những điều này: Với kiến thức, Sa-tan muốn cho con người điều gì? Nó muốn hướng con người đi theo con đường nào? (Con đường chống đối Đức Chúa Trời.) Đúng, chắc chắn là con đường đó – chống đối Đức Chúa Trời. Vậy thì ngươi có thể nhìn thấy đây là hậu quả của việc con người có kiến thức – họ bắt đầu chống đối Đức Chúa Trời. Vậy thì động cơ nham hiểm của Sa-tan là gì? Ngươi không rõ về điều này, phải vậy không? Trong suốt quá trình con người học hỏi kiến thức, Sa-tan sử dụng tất cả các phương thức, cho dù đó là kể những câu chuyện, hoặc chỉ đơn giản là cho họ một số ít kiến thức rời rạc, hoặc để cho họ thỏa mãn những mong muốn hay tham vọng của mình. Sa-tan muốn dìu ngươi xuống theo con đường nào? Con người nghĩ rằng việc học hỏi kiến thức không có gì sai, rằng điều đó hoàn toàn tự nhiên. Nói theo cách lôi cuốn hơn, nuôi dưỡng những lý tưởng cao cả hoặc có tham vọng là có động cơ thúc đẩy, và điều này là hướng đi đúng trong đời sống. Chẳng phải đó là cách sống vinh quang hơn cho con người nếu họ có thể thực hiện lý tưởng của riêng mình, hoặc lập nghiệp thành công sao? Bằng cách làm những điều này, con người không chỉ có thể làm rạng danh tổ tiên mình mà còn có cơ hội để lại một dấu ấn trong lịch sử – chẳng phải đây là một điều tốt sao? Đây là một điều tốt trong mắt của những con người trần tục, và đối với họ thì nó đúng đắn và tích cực. Tuy nhiên, Sa-tan, với những động cơ nham hiểm của mình, có dẫn con người vào con đường kiểu này và tất cả chỉ có thế thôi không? Tất nhiên là không. Trên thực tế, cho dù lý tưởng của con người có cao cả đến đâu, cho dù mong muốn của con người có thực tế đến đâu hoặc chúng có thể đúng đắn đến mức nào, thì tất cả những gì con người muốn đạt được, tất cả những gì con người tìm kiếm đều gắn chặt với hai từ. Hai từ này cực kỳ quan trọng đối với đời sống của mỗi người, và chúng là những gì Sa-tan muốn tiêm nhiễm vào trong con người. Hai từ này là gì? Đó là “danh” và “lợi”. Sa-tan sử dụng một phương pháp rất tinh vi, một phương pháp rất phù hợp với những quan niệm của con người, nó không hoàn toàn không cực đoan, qua đó nó khiến con người vô tình chấp nhận cách sống của nó, quy tắc sống của nó, và thiết lập mục đích sống và định hướng trong đời sống của họ, và khi làm như thế họ cũng vô tình bắt đầu có những tham vọng trong đời sống. Cho dù những tham vọng cuộc sống này có thể lớn đến mức nào, chúng vẫn gắn chặt với “danh” và “lợi”. Mọi thứ mà bất cứ vĩ nhân hay người nổi tiếng nào – thực ra là tất cả mọi người – theo đuổi trong đời sống chỉ liên quan đến hai từ này: “danh” và “lợi”. Con người nghĩ rằng một khi họ có được danh lợi, thì họ có thể lợi dụng những điều này để tận hưởng địa vị cao sang và sự giàu có, và để tận hưởng cuộc sống. Họ nghĩ rằng danh vọng và lợi lộc là một loại vốn mà họ có thể sử dụng để có được một đời sống theo đuổi thú vui và sự hưởng thụ phóng đãng của xác thịt. Vì danh lợi mà nhân loại rất thèm khát này, mà con người sẵn sàng, dù là vô tình, trao thân thể, tâm trí, tất cả những gì họ có, tương lai và đích đến của họ cho Sa-tan. Họ làm vậy mà không hề có chút do dự, càng không hề biết gì về việc cần phải lấy lại tất cả những gì họ đã trao. Liệu con người vẫn có thể kiểm soát chính mình một khi họ đã nương náu nơi Sa-tan theo cách này và đã trở nên trung thành với nó không? Chắc chắn là không. Họ bị Sa-tan kiểm soát hoàn toàn và tuyệt đối. Họ chìm đắm hoàn toàn và tuyệt đối trong vũng lầy, và không thể tự giải thoát mình. Khi một người bị sa lầy trong vòng danh lợi, thì họ không còn tìm kiếm những gì tươi sáng, những gì chính nghĩa, hoặc những gì đẹp đẽ và tốt lành. Đó là vì sức lôi cuốn mà danh vọng và lợi lộc có trên con người quá lớn; chúng trở thành những thứ để con người theo đuổi suốt đời và thậm chí cho đến đời đời mà không có hồi kết thúc. Chẳng lẽ điều này không đúng sao? Một vài người sẽ nói rằng học hỏi kiến thức không gì khác hơn là đọc sách hoặc học một vài thứ mà họ chưa biết để không bị tụt hậu so với thời đại hoặc bị thế giới bỏ lại phía sau. Học hỏi kiến thức chỉ để họ có thể kiếm ăn hàng ngày, cho tương lai của chính họ, hoặc chu cấp những nhu cầu cơ bản. Có ai chịu học tập chăm chỉ cả thập kỷ chỉ bởi những nhu cầu cơ bản, chỉ để giải quyết vấn đề lương thực không? Không, không ai như thế. Vậy thì tại sao con người phải chịu đựng những gian khổ đó trong suốt những năm qua? Chính vì danh và lợi. Danh vọng và lợi lộc đang chờ đợi họ ở đằng xa, vẫy tay ra hiệu cho họ, và họ tin rằng chỉ qua sự siêng năng, khó khăn và tranh đấu thì họ mới có thể đi theo con đường sẽ dẫn dắt họ đạt được danh lợi. Một người như thế phải chịu đựng những gian khổ này vì con đường tương lai của chính mình, vì sự vui hưởng trong tương lai và để có được cuộc sống tốt hơn. Kiến thức này là cái gì vậy – các ngươi có thể cho Ta biết được không? Chẳng phải đó là những quy tắc và triết lý sống mà Sa-tan làm tiêm nhiễm vào con người, chẳng hạn như “yêu Đảng, yêu tổ quốc, yêu tôn giáo của mình” và “gió chiều nào theo chiều ấy” sao? Chẳng phải đó là “những lý tưởng cao cả” trong cuộc sống được Sa-tan tiêm nhiễm vào trong con người sao? Lấy ví dụ như các lý tưởng của những vĩ nhân, sự thanh liêm của những người nổi tiếng hoặc tinh thần dũng cảm của các nhân vật anh hùng, hoặc tinh thần thượng võ và lòng tốt của những nhân vật chính và kiếm sĩ trong những cuốn tiểu thuyết võ hiệp – chẳng phải đây là tất cả những cách mà Sa-tan tiêm nhiễm những lý tưởng này sao? Những ý tưởng này ảnh hưởng từ thế hệ này đến thế hệ khác, và con người trong mỗi thế hệ được cổ vũ để chấp nhận những ý tưởng này. Họ không ngừng đấu tranh để theo đuổi “những lý tưởng cao cả” đến mức họ thậm chí sẽ hy sinh mạng sống của mình cho chúng. Đây là phương tiện và cách tiếp cận mà Sa-tan qua đó sử dụng kiến thức để làm bại hoại con người. Vậy sau khi Sa-tan dẫn dắt người ta đi trên con đường này, liệu họ có thể thuận phục và thờ phượng Đức Chúa Trời không? Và liệu họ có thể chấp nhận lời Đức Chúa Trời và theo đuổi lẽ thật không? Tuyệt đối không – bởi vì họ đã bị Sa-tan dẫn đi lạc lối. Chúng ta hãy nhìn lại những kiến thức, tư tưởng và quan điểm mà con người bị tiêm nhiễm bởi Sa-tan: những thứ này có chứa đựng lẽ thật về sự thuận phục Đức Chúa Trời và thờ phượng Đức Chúa Trời không? Có những lẽ thật về việc kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác không? Có bất kỳ lời nào của Đức Chúa Trời không? Có bất cứ điều gì trong chúng liên quan đến lẽ thật không? Không hề – hoàn toàn không có những điều này. Các ngươi có thể chắc chắn rằng những điều mà Sa-tan tiêm nhiễm vào con người không chứa đựng lẽ thật không? Các ngươi không dám, nhưng không sao. Miễn là ngươi nhận ra rằng “danh” và “lợi” là hai từ khóa mà Sa-tan sử dụng để lôi kéo con người vào con đường tà ác, thế là đủ.

Chúng ta hãy ôn lại những gì chúng ta đã thảo luận cho đến nay: Sa-tan sử dụng gì để kiểm soát con người một cách chặt chẽ? (Danh vọng và lợi lộc.) Như vậy, Sa-tan sử dụng danh vọng và lợi lộc để khống chế suy nghĩ của con người, cho đến khi tất cả những gì con người có thể nghĩ đến chỉ là danh và lợi. Họ đấu tranh vì danh lợi, chịu đựng khó khăn gian khổ vì danh lợi, chịu đựng sự sỉ nhục vì danh lợi, hy sinh mọi thứ họ có vì danh lợi, và họ sẽ đưa ra bất kỳ phán đoán hoặc quyết định nào cũng vì danh lợi. Bằng cách này, Sa-tan đã trói con người bằng những xiềng xích vô hình, và họ không có sức mạnh cũng như không có can đảm để vứt bỏ chúng. Họ vô tình mang những xiềng xích này và nặng nhọc lê bước về phía trước với rất nhiều khó khăn. Vì danh lợi, nhân loại tránh xa Đức Chúa Trời và phản bội Đức Chúa Trời và ngày càng trở nên gian ác. Do đó, bằng cách này, hết thế hệ này đến thế hệ khác bị hủy diệt giữa vòng danh lợi của Sa-tan. Bây giờ hãy nhìn vào những hành động của Sa-tan, chẳng phải các động cơ nham hiểm của nó hoàn toàn đáng ghét sao? Có thể ngày hôm nay các ngươi vẫn chưa thể nhìn thấu các động cơ nham hiểm của Sa-tan bởi vì các ngươi nghĩ rằng con người không thể sống mà không có danh vọng và lợi lộc. Ngươi nghĩ rằng nếu con người để danh lợi lại phía sau, thì họ sẽ không còn có thể nhìn thấy con đường phía trước, không còn có thể nhìn thấy mục tiêu của mình, rằng tương lai của họ sẽ trở nên đen tối, mờ mịt và ảm đạm. Tuy nhiên, tất cả các ngươi một ngày nào đó sẽ dần dần nhận ra rằng danh và lợi là những xiềng xích gớm ghiếc mà Sa-tan sử dụng để trói buộc con người. Khi ngày đó đến, ngươi sẽ triệt để chống lại sự kiểm soát của Sa-tan và triệt để chống lại những xiềng xích Sa-tan sử dụng để trói buộc ngươi. Khi thời điểm đó đến ngươi muốn vứt bỏ tất cả những thứ mà Sa-tan đã tiêm nhiễm trong ngươi, rồi ngươi sẽ cắt đứt hoàn toàn với Sa-tan và sẽ thực sự ghê tởm tất cả những gì Sa-tan đã mang đến cho ngươi. Chỉ khi đó, nhân loại mới thật lòng kính mến và khao khát Đức Chúa Trời.

b. Sa-tan dùng khoa học để làm bại hoại con người

Chúng ta vừa nói về cách Sa-tan sử dụng kiến thức để làm bại hoại con người, vậy thì tiếp theo chúng ta hãy thông công về cách Sa-tan sử dụng khoa học để làm con người bại hoại. Trước tiên, Sa-tan nhân danh khoa học để làm thỏa mãn sự tò mò của con người, mong muốn khám phá khoa học và tìm hiểu những điều huyền bí của con người. Nhân danh khoa học, Sa-tan làm thỏa mãn nhu cầu vật chất của con người và nhu cầu liên tục cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. Như vậy, dựa vào cái cớ này mà Sa-tan sử dụng khoa học để làm bại hoại con người. Có phải Sa-tan sử dụng khoa học theo cách này chỉ làm cho tư duy của con người hoặc tâm trí của con người bị bại hoại mà thôi? Trong số con người, sự kiện và những thứ xung quanh chúng ta mà chúng ta có thể nhìn thấy và tiếp xúc, thì còn thứ gì khác mà Sa-tan sử dụng khoa học để làm cho bại hoại? (Môi trường tự nhiên.) Đúng. Có vẻ như các ngươi đã bị tổn hại sâu sắc và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi điều này. Bên cạnh việc sử dụng tất cả những kết quả và kết luận khác nhau của khoa học để mê hoặc con người, Sa-tan cũng sử dụng khoa học như là một phương tiện để thực hiện sự hủy diệt và khai thác bừa bãi trong môi trường sống đã được Đức Chúa Trời ban cho con người. Nó làm điều này dựa vào cái cớ rằng nếu con người thực hiện các nghiên cứu khoa học, thì môi trường sống và chất lượng cuộc sống của con người sẽ liên tục được cải thiện, và hơn nữa, rằng mục đích của sự phát triển khoa học là phục vụ nhu cầu vật chất ngày càng cao của con người và nhu cầu liên tục cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Đây là cơ sở lý thuyết về sự phát triển khoa học của Sa-tan. Tuy nhiên, khoa học đã mang lại cho loài người những gì? Chẳng phải môi trường sống của chúng ta – và môi trường sống của toàn thể nhân loại – đã bị ô uế sao? Chẳng phải không khí mà con người hít thở đã bị ô uế sao? Chẳng phải nước mà chúng ta uống đã bị ô uế sao? Thực phẩm chúng ta ăn có còn hữu cơ và tự nhiên không? Hầu hết các loại ngũ cốc và rau củ đều bị biến đổi gen, chúng được trồng bằng phân bón, và một số loại là các biến thể được tạo ra bằng cách sử dụng khoa học. Các loại rau và trái cây chúng ta ăn cũng không còn tự nhiên. Ngay cả trứng tự nhiên cũng không còn dễ tìm, và trứng không còn có vị như trước đây, đã bị cái gọi là khoa học của Sa-tan xử lý. Nhìn tổng thể, toàn bộ bầu không khí đã bị phá hủy và ô nhiễm; núi, hồ, rừng, sông, biển, và mọi thứ trên và dưới mặt đất đều đã bị hủy hoại bởi cái được gọi là thành tựu khoa học. Tóm lại, toàn bộ môi trường tự nhiên, môi trường sống được Đức Chúa Trời ban cho loài người, đã bị hủy diệt và hủy hoại bởi cái gọi là khoa học. Mặc dù có nhiều người đã đạt được những gì họ luôn luôn hy vọng về chất lượng cuộc sống mà họ tìm kiếm, thỏa mãn cả những mong muốn và xác thịt của họ, nhưng môi trường mà con người đang sống về thực chất đã bị hủy diệt và hủy hoại bởi “những thành tựu” khác nhau do khoa học mang lại. Bây giờ, chúng ta không còn quyền hít dù chỉ một hơi thở trong lành. Chẳng phải đây là nỗi đau buồn của loài người sao? Có còn sót lại niềm hạnh phúc nào để con người nhắc đến, khi họ phải sống trong dạng không gian như thế này không? Không gian và môi trường sống mà con người đang sống trong đó, ngay từ đầu, đã được Đức Chúa Trời tạo nên cho con người. Nước con người uống, không khí con người hít thở, những loại thực phẩm khác nhau con người ăn, cũng như thực vật và các hữu thể sống, và thậm chí núi non, hồ nước, và đại dương – mọi phần trong môi trường sống này đều được Đức Chúa Trời ban cho con người; nó tự nhiên, vận hành theo một qui luật tự nhiên do Đức Chúa Trời đặt ra. Nếu không có khoa học, con người sẽ vẫn làm theo những phương pháp được Đức Chúa Trời ban cho, họ sẽ có thể tận hưởng tất cả những gì nguyên sơ và tự nhiên, và họ sẽ hạnh phúc. Tuy nhiên, giờ đây tất cả những thứ này đã bị Sa-tan hủy diệt và hủy hoại; không gian sống cơ bản của con người không còn nguyên sơ nữa. Nhưng không ai có thể nhận ra điều gì đã gây nên điều này hoặc nó xảy ra như thế nào, và nhiều người tiếp cận khoa học hơn nữa và hiểu nó thông qua những ý tưởng mà Sa-tan đã tiêm nhiễm trong họ. Chẳng phải điều này hoàn toàn đáng ghét và đáng thương sao? Với việc Sa-tan bây giờ đang chiếm giữ không gian mà con người đang hiện hữu, cũng như là môi trường sống của họ, và khiến họ ở trong tình trạng bại hoại này, và với việc loài người đang tiếp tục phát triển theo cách này, vậy Đức Chúa Trời có cần đích thân hủy diệt những con người này không? Nếu con người tiếp tục phát triển theo cách này, thì họ sẽ đi theo hướng nào? (Họ sẽ bị tiêu diệt.) Họ sẽ bị tiêu diệt như thế nào? Ngoài sự tìm kiếm danh lợi tham lam của con người, họ liên tục thực hiện những khám phá khoa học và đào sâu nghiên cứu, và rồi không ngừng hành động theo cách để thỏa mãn nhu cầu và ham muốn vật chất của họ; vậy thì những hậu quả dành cho con người là gì? Trước hết, sự cân bằng sinh thái bị phá vỡ, và khi điều này xảy ra, cơ thể con người, các cơ quan nội tạng của họ, bị hỏng và hư hại bởi sự mất cân bằng môi trường này, và nhiều bệnh truyền nhiễm, bệnh dịch khác nhau tràn lan khắp thế giới. Chẳng phải đây thật sự là tình cảnh hiện tại mà con người không kiểm soát nổi sao? Giờ đây khi các ngươi hiểu được điều này, nếu nhân loại không theo Đức Chúa Trời, mà luôn theo Sa-tan theo cách này – dùng kiến thức để liên tục làm giàu cho bản thân, dùng khoa học để không ngừng khám phá tương lai của sự sống con người, dùng dạng phương pháp này để tiếp tục sống – các ngươi có thể nhận ra điều này sẽ kết thúc như thế nào đối với nhân loại không? Nhân loại sẽ tự nhiên diệt vong: từng bước một, nhân loại tiến tới sự hủy diệt, hướng tới sự hủy diệt của chính mình! Chẳng phải điều này mang lại sự hủy diệt cho chính họ sao? Và chẳng phải đó là hệ quả của tiến bộ khoa học sao? Giờ đây có vẻ như khoa học là một loại thuốc ma thuật mà Sa-tan đã chuẩn bị cho con người, hầu cho khi các ngươi cố gắng để nhận thức rõ các sự việc thì các ngươi lại làm điều đó trong màn sương mờ; bất kể các ngươi nhìn kỹ thế nào, các ngươi cũng không thể thấy rõ sự vật, và bất kể các ngươi cố gắng cật lực thế nào, các ngươi vẫn không thể tìm ra chúng được. Tuy nhiên, Sa-tan lại dùng danh nghĩa khoa học để kích thích sự ham muốn của ngươi và dắt mũi ngươi, cứ thế mà tiến, hướng tới địa ngục và sự chết. Và trong trường hợp này, người ta sẽ thấy rõ rằng thực ra, sự hủy diệt của con người là bởi tay Sa-tan mà ra – Sa-tan là kẻ cầm đầu. Chẳng phải như vậy sao? (Đúng là như vậy.) Đây là cách thứ hai mà Sa-tan làm bại hoại nhân loại.

c. Sa-tan dùng văn hóa truyền thống để làm bại hoại con người

Văn hóa truyền thống là cách thứ ba mà Sa-tan làm con người bại hoại. Có nhiều điểm giống nhau giữa văn hóa truyền thống và sự mê tín, nhưng sự khác biệt là văn hóa truyền thống có những câu chuyện, sự ám chỉ, và nguồn gốc nhất định. Sa-tan đã bịa đặt và hư cấu nhiều câu chuyện dân gian hoặc những câu chuyện xuất hiện trong những sách lịch sử, để lại cho con người những ấn tượng sâu sắc về văn hóa truyền thống hoặc các nhân vật mê tín. Ví dụ như, ở Trung Quốc có “Tám người bất tử vượt biển”, “Tây du ký”, “Ngọc Hoàng Thượng Đế”, “Na Tra chinh phục Long Vương”, và “Phong Thần Diễn Nghĩa”. Chẳng phải những thứ này đã ăn sâu vào tâm trí của con người sao? Ngay cả khi một vài người trong số các ngươi không biết tất cả các chi tiết, nhưng các ngươi vẫn biết những câu chuyện khái quát, và chính nội dung khái quát này khắc sâu vào lòng ngươi và tâm trí ngươi, vì thế ngươi không thể quên được chúng. Đây là những ý tưởng hoặc truyền thuyết đa dạng mà Sa-tan đã chuẩn bị cho con người từ rất lâu, và đã bị gieo rắc ở những thời điểm khác nhau. Những thứ này trực tiếp gây tổn hại và ăn mòn linh hồn của con người và làm con người bị mê hoặc hết lần này đến lần khác. Điều đó có nghĩa là một khi ngươi đã chấp nhận văn hóa truyền thống, những câu chuyện, hoặc những thứ mê tín như vậy, một khi chúng đã thành nếp trong tâm trí ngươi, và một khi chúng khắc sâu vào lòng ngươi, thì điều đó giống như ngươi bị mê hoặc – ngươi bị mắc kẹt và bị chi phối bởi những cái bẫy văn hóa này, những ý tưởng và câu chuyện truyền thống này. Chúng chi phối đời sống của ngươi, quan điểm sống của ngươi, và sự phán xét của ngươi về mọi thứ. Còn hơn thế, chúng chi phối sự theo đuổi con đường sống thực sự của ngươi: Đây thực sự là một sự mê hoặc gian ác. Dù cố gắng hết sức có thể, thì ngươi cũng không thể rũ bỏ chúng; ngươi chặt vào chúng nhưng ngươi không thể đốn ngã chúng; ngươi đánh vào chúng nhưng ngươi không thể đánh lui chúng. Hơn nữa, sau khi con người vô tình bị mê hoặc như thế, thì họ vô tình bắt đầu thờ phượng Sa-tan, nuôi dưỡng hình ảnh của Sa-tan trong lòng mình. Nói cách khác, họ lập Sa-tan làm thần tượng của mình, một đối tượng để họ thờ phượng và tôn kính, thậm chí còn đi xa đến mức xem nó là Đức Chúa Trời. Một cách vô tình, những thứ này ở trong lòng con người, kiểm soát lời nói và hành động của họ. Hơn nữa, đầu tiên ngươi xem những câu chuyện và truyền thuyết này là sai, nhưng sau đó ngươi vô tình thừa nhận sự tồn tại của chúng, tạo chúng thành những nhân vật có thật, và biến chúng thành những đối tượng thật và hiện hữu. Trong sự không hay biết của ngươi, ngươi tiếp nhận những ý tưởng này và sự hiện hữu của những thứ này theo tiềm thức. Theo tiềm thức ngươi cũng tiếp rước những con quỷ, Sa-tan, và các thần tượng vào nhà riêng của mình và vào lòng mình – đây thực sự là một sự mê hoặc. Ngươi có đồng cảm với những lời này không? (Có.) Có ai trong số các ngươi đã từng đốt nhang và thờ lạy Phật không? (Có.) Vậy thì mục đích của việc đốt nhang và thờ lạy Phật là gì? (Cầu nguyện cho sự bình an.) Bây giờ hãy nghĩ về điều đó, chẳng phải đó là điều vô lý khi cầu nguyện với Sa-tan vì sự bình an sao? Sa-tan có mang lại sự bình an không? (Không.) Vậy thì chẳng lẽ ngươi không thấy mình ngu dốt thế nào sao? Loại hành vi đó là ngớ ngẩn, ngu dốt và ngây thơ, chẳng phải sao? Sa-tan chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để làm ngươi bại hoại. Sa-tan không thể mang lại cho ngươi sự bình an, chỉ có một sự nghỉ ngơi trong chốc lát. Nhưng để có được sự nghỉ ngơi này thì ngươi phải thề, và nếu ngươi không giữ lời hứa hoặc lời thề mà ngươi đã hứa với Sa-tan, thì ngươi sẽ thấy nó làm khổ ngươi như thế nào. Khi bắt ngươi thề, nó thực sự muốn kiểm soát ngươi. Khi các ngươi cầu nguyện về sự bình an, các ngươi có được bình an không? (Không.) Các ngươi đã không có được sự bình an, nhưng ngược lại những nỗ lực của các ngươi đã mang lại bất hạnh và những thảm họa không ngừng – thực sự là một biển khổ vô biên. Sự bình an không nằm dưới quyền lực của Sa-tan, và đây là sự thật. Đây là hậu quả mà sự mê tín phong kiến và văn hóa truyền thống đã mang lại cho loài người.

d. Sa-tan dùng xu hướng xã hội để làm bại hoại con người

Cách cuối cùng mà Sa-tan làm bại hoại và kiểm soát con người là thông qua các xu hướng xã hội. Các xu hướng xã hội gồm nhiều khía cạnh, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như tôn thờ các nhân vật nổi tiếng và vĩ đại, cũng như các thần tượng điện ảnh và âm nhạc, tôn thờ người nổi tiếng, các trò chơi trực tuyến, v.v. – tất cả những thứ này đều là một phần của xu hướng xã hội, và không cần phải đi vào chi tiết ở đây. Chúng ta sẽ chỉ nói về những ý tưởng mà các xu hướng xã hội mang lại cho con người, cách chúng khiến con người hành xử trong thế gian, mục tiêu và quan điểm sống chúng mang lại nơi con người. Những điều này rất quan trọng; chúng có thể kiểm soát và ảnh hưởng đến những suy nghĩ và quan điểm của con người. Những xu hướng này nảy sinh nối tiếp nhau, và tất cả chúng đều mang những tác động tà ác liên tục hạ thấp phẩm giá loài người, khiến con người mất đi lương tâm, nhân tính và lý trí, làm suy yếu đạo đức và nhân phẩm của họ hơn bao giờ hết, đến mức mà chúng ta thậm chí có thể nói rằng đa số mọi người bây giờ không có sự liêm chính, không có nhân tính, và cũng không có chút lương tâm nào, chứ đừng nói gì đến lý trí. Vậy thì những xu hướng xã hội này là gì? Chúng là những xu hướng mà ngươi không thể nhìn bằng mắt thường. Khi một xu hướng mới càn quét khắp thế giới, thì có lẽ chỉ một số ít người tiên phong, đóng vai trò là những người tạo ra xu hướng. Họ bắt đầu làm một số điều mới, sau đó chấp nhận một vài ý tưởng hoặc một vài quan điểm. Tuy nhiên, đa số mọi người sẽ liên tục bị ảnh hưởng, bị lôi cuốn và bị đồng hóa bởi xu hướng này trong trạng thái không nhận thức được, cho đến khi tất cả họ đều vô tình và không chủ tâm chấp nhận nó và bị nhấn chìm trong nó và bị nó kiểm soát. Lần lượt, những xu hướng như thế khiến mọi người, những người có thân thể và tâm trí không được mạnh mẽ, không biết lẽ thật là gì, và không thể phân biệt giữa những điều tích cực và tiêu cực, vui vẻ chấp nhận chúng cũng như những quan điểm sống và các giá trị đến từ Sa-tan. Họ chấp nhận điều Sa-tan nói với họ về cách tiếp cận cuộc sống và cách sống mà Sa-tan “ban” cho họ, và họ không có sức mạnh cũng như khả năng, càng không có nhận thức, để chống lại. Vậy thì làm thể nào để nhận ra những xu hướng như thế? Ta đã chọn ra một ví dụ đơn giản mà các ngươi có thể dần dần hiểu ra. Ví dụ như, con người trong quá khứ làm kinh doanh theo cách mà không ai bị lừa gạt; họ bán các mặt hàng đồng một mức giá bất kể người mua hàng là ai. Chẳng phải điều này truyền đạt một vài yếu tố về lương tâm và nhân tính tốt ở đây sao? Khi con người tiến hành công việc kinh doanh của họ như thế này, một cách trung thực, thì có thể thấy rằng họ vẫn có chút lương tâm và chút nhân tính vào thời điểm đó. Nhưng với nhu cầu về tiền bạc ngày càng tăng không ngừng của con người, thì con người vô tình ngày càng trở nên yêu tiền bạc, lợi lộc, và lạc thú. Chẳng phải con người ưu tiên tiền bạc hơn họ đã từng sao? Khi con người coi tiền bạc là rất quan trọng, thì họ vô tình bắt đầu ít coi trọng danh giá, tiếng tăm, danh tiếng tốt và sự thanh liêm của mình, không phải vậy sao? Khi ngươi tham gia vào kinh doanh, ngươi thấy những người khác làm giàu bằng cách lừa gạt mọi người. Mặc dù đồng tiền kiếm được là bất chính, nhưng họ ngày càng giàu hơn. Chứng kiến tất cả những gì mà gia đình họ được hưởng, ngươi thấy khó chịu: “Cả hai đều làm kinh doanh nhưng họ thì giàu có. Tại sao mình không thể kiếm được nhiều tiền chứ? Mình không thể chấp nhận điều này – mình phải tìm cách kiếm nhiều tiền hơn”. Sau đó, tất cả những gì ngươi nghĩ đến là làm thế nào để làm giàu. Một khi ngươi đã từ bỏ niềm tin rằng “nên kiếm tiền bằng lương tâm, bằng cách không lừa ai”, thì khi đó, do lợi ích của chính mình thúc đẩy, cách suy nghĩ của ngươi dần thay đổi, các nguyên tắc đằng sau những hành động của ngươi cũng thay đổi. Khi ngươi lừa dối ai đó lần đầu, ngươi cảm thấy lương tâm cắn rứt, và lòng ngươi tự nhủ: “Khi xong chuyện này thì đây là lần cuối cùng mình lừa dối ai đó. Nếu luôn lừa dối mọi người thì sẽ bị báo ứng!”. Đây là chức năng của lương tâm con người – khiến ngươi cảm thấy lưỡng lự và khiển trách ngươi, để ngươi sẽ cảm thấy không tự nhiên khi lừa gạt ai đó. Nhưng sau khi ngươi đã lừa gạt người nào đó thành công, ngươi thấy rằng giờ đây ngươi có nhiều tiền hơn trước, và ngươi nghĩ rằng cách này có thể rất có lợi cho ngươi. Bất chấp nỗi đau âm ỉ trong lòng, ngươi vẫn có cảm giác muốn tự chúc mừng cho thành công của mình, và cảm thấy khá hài lòng với chính mình. Lần đầu tiên, ngươi chấp thuận hành vi, những cách lừa gạt của chính mình. Một khi con người đã bị nhiễm phải sự lừa lọc này, nó giống như một người vướng vào cờ bạc và rồi trở thành một con bạc. Trong vô thức, ngươi đồng tình với hành vi lừa gạt của chính mình và chấp nhận nó. Trong vô thức, ngươi xem việc lừa gạt là một hành vi kinh doanh hợp pháp và là phương kế hữu dụng nhất cho sự sinh tồn và sinh kế của mình; ngươi nghĩ rằng bằng cách này ngươi có thể làm giàu một cách nhanh chóng. Đây là một quá trình: Ban đầu, con người không chấp nhận loại hành vi này và họ xem thường hành vi và sự thực hành này. Sau đó họ bắt đầu tự mình thử nghiệm hành vi này, thử làm theo cách riêng của mình, và lòng họ bắt đầu dần dần biến đổi. Đây là loại biến đổi gì? Chính là sự chấp thuận và thừa nhận xu hướng này, ý tưởng này tiêm nhiễm trong ngươi bởi xu hướng xã hội. Vô hình trung, nếu ngươi không lừa gạt mọi người khi làm ăn với họ, thì ngươi cảm thấy tệ hại hơn; nếu ngươi không lừa gạt mọi người, thì ngươi cảm thấy như thể ngươi đã mất đi thứ gì đó. Vô tình, sự lừa gạt này trở thành chính linh hồn của ngươi, xương sống của ngươi, và một loại hành vi không thể thiếu, mà đã là một nguyên tắc trong cuộc sống của ngươi. Sau khi con người đã chấp nhận hành vi và tư duy này, chẳng phải điều này đã mang lại một sự thay đổi trong lòng họ sao? Lòng ngươi đã thay đổi, vì thế sự liêm chính của ngươi cũng thay đổi đúng không? Nhân tính của ngươi có thay đổi không? Lương tâm của ngươi có thay đổi không? Toàn bộ con người của ngươi, từ lòng dạ đến tư tưởng của ngươi, từ trong ra ngoài, đã thay đổi, và đây là một sự thay đổi về phẩm chất. Sự thay đổi này kéo ngươi ngày càng xa Đức Chúa Trời, và ngươi càng trở nên gần gũi với Sa-tan hơn; ngươi ngày càng trở nên giống Sa-tan hơn, với kết quả là sự bại hoại của Sa-tan biến ngươi thành ma quỷ.

Khi nhìn vào những xu hướng xã hội này, ngươi có nói rằng chúng có ảnh hưởng lớn đến con người không? Chúng có tác hại sâu sắc đến con người không? Chúng có tác hại sâu sắc đến con người. Sa-tan sử dụng mỗi một khuynh hướng này để làm bại hoại những khía cạnh nào của con người? Sa-tan chủ yếu làm bại hoại lương tâm, ý thức, nhân tính, đạo đức, và quan điểm sống của con người. Và chẳng phải những xu hướng xã hội này dần dần làm con người suy đồi và bại hoại sao? Sa-tan sử dụng những xu hướng xã hội này để dụ dỗ con người từng bước một vào trong tổ quỷ, để những người bị sa vào những xu hướng xã hội này vô tình cổ vũ cho tiền bạc và những ham muốn vật chất, sự tà ác và bạo lực. Một khi những thứ này đã bước vào lòng con người, thì con người sẽ trở thành gì? Con người trở thành ma quỷ và Sa-tan! Tại sao? Bởi vì, chiều hướng tâm lý nào tồn tại trong lòng con người? Con người tôn kính những gì? Con người bắt đầu yêu thích sự gian ác và bạo lực, không tỏ ra yêu mến cái đẹp hoặc điều tốt lành, càng không yêu mến sự bình an. Con người không sẵn lòng sống một cuộc sống đơn giản của một nhân tính bình thường, mà thay vào đó lại muốn tận hưởng địa vị cao sang và sự giàu có, để say sưa với những thú vui của xác thịt, cố hết sức để làm thỏa mãn xác thịt mình, không có chút hạn chế, không kìm nén chúng; nói cách khác, họ làm bất cứ điều gì họ muốn. Vậy thì khi con người đã đắm chìm trong những loại xu hướng này, thì kiến thức mà ngươi đã học được có thể giúp ngươi tự giải thoát mình không? Sự hiểu biết về văn hóa truyền thống và sự mê tín có thể giúp ngươi thoát khỏi tình thế đáng sợ này không? Đạo đức và các nghi lễ truyền thống mà con người biết đến có thể giúp họ giữ chừng mực không? Hãy lấy Luận ngữ của Khổng Tử và Đạo Đức Kinh làm ví dụ. Chúng có thể giúp con người nhấc chân ra khỏi tình trạng sa lầy trong những xu hướng tà ác này không? Tuyệt đối không. Do đó, con người ngày càng trở nên tà ác, kiêu ngạo, trịch thượng, ích kỷ và hiểm độc. Không còn bất kỳ tình cảm nào giữa người với người, không còn bất kỳ tình yêu thương nào giữa các thành viên trong gia đình, không còn bất kỳ sự cảm thông nào giữa người thân và bạn bè; Những mối quan hệ giữa con người đã trở nên được đặc trưng bởi bạo lực. Mỗi một con người đều cố gắng sử dụng những phương pháp bạo lực để sống giữa đồng loại của mình; họ chộp lấy thức ăn hàng ngày bằng bạo lực; họ giành lấy vị trí và có được lợi nhuận bằng bạo lực, và sử dụng những cách bạo lực và tà ác để làm bất cứ điều gì họ muốn. Chẳng phải loài người thế này thật kinh khủng sao? Phải, rất kinh khủng: họ không chỉ đóng đinh Đức Chúa Trời vào cây thập tự, mà còn tàn sát tất cả những ai theo Ngài – bởi vì con người quá gian ác. Sau khi nghe tất cả những gì Ta vừa phán, các ngươi không nghĩ rằng thật khủng khiếp khi sống trong môi trường này, trong thế giới này, và giữa những loại người này, môi trường mà trong đó Sa-tan làm bại hoại con người sao? (Có.) Vậy thì, có bao giờ các ngươi cảm thấy mình thật đáng thương chưa? Ngươi phải cảm thấy đôi chút về điều đó vào thời điểm này, đúng vậy không? (Con có cảm thấy.) Nghe giọng điệu của các ngươi, có vẻ như các ngươi đang nghĩ rằng: “Sa-tan có rất nhiều cách khác nhau để làm con người bại hoại. Nó nắm lấy mọi cơ hội và có mặt khắp mọi nơi chúng ta đi. Con người có thể vẫn được cứu không?”. Con người có thể vẫn được cứu không? Con người có thể tự cứu mình không? (Không.) Ngọc Hoàng Thượng Đế có thể cứu con người không? Khổng Tử có thể cứu con người không? Quan Thế Âm Bồ Tát có thể cứu con người không? (Không.) Vậy thì ai có thể cứu con người? (Đức Chúa Trời.) Tuy nhiên, một vài người sẽ đặt ra trong lòng họ những câu hỏi như: “Sa-tan làm tổn hại chúng con một cách tàn nhẫn, trong cơn điên loạn cuồng trí đến mức chúng con không có hy vọng sống, cũng không có chút tự tin nào để sống. Dù sao đi nữa tất cả chúng con đều sống trong sự bại hoại, và mỗi một người đều chống đối Đức Chúa Trời, và bây giờ lòng của chúng con đã chìm tận đáy sâu. Vậy Đức Chúa Trời ở đâu trong lúc Sa-tan đang làm cho chúng con trở nên bại hoại? Đức Chúa Trời đang làm gì? Bất kỳ điều gì Đức Chúa Trời làm cho chúng con, chúng con cũng không bao giờ cảm nhận được!” Một số người không tránh được cảm giác thất vọng và có phần chán nản. Đối với các ngươi, cảm giác này là rất sâu sắc, bởi vì tất cả những gì Ta đã và đang phán dạy là để cho con người từ từ hiểu được, để càng ngày càng cảm nhận rằng họ không có hy vọng, để càng ngày càng cảm nhận rằng họ đã bị Đức Chúa Trời từ bỏ. Nhưng đừng lo lắng. Đề tài thông công của chúng ta hôm nay là “sự tà ác của Sa-tan”, không phải là chủ đề thực sự của chúng ta. Tuy nhiên, để nói về thực chất trong sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, thì trước tiên chúng ta phải thảo luận về cách Sa-tan làm cho con người bại hoại và sự tà ác của Sa-tan để cho con người hiểu rõ hơn về tình cảnh của con người hiện nay. Một mục đích của việc nói về điều này là để cho con người biết được sự tà ác của Sa-tan, còn mục đích khác là để con người hiểu sâu hơn sự thánh khiết thực sự là gì.

So với lần trước, chẳng phải Ta đã nói chi tiết hơn về những điều chúng ta vừa thảo luận sao? Sự hiểu biết của các ngươi bây giờ có sâu sắc hơn chút nào không? (Có.) Ta biết rằng bây giờ có rất nhiều người đang mong đợi Ta phán về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời chính xác là gì, nhưng khi Ta phán về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời thì trước tiên Ta sẽ nói về những việc Đức Chúa Trời làm. Tất cả các ngươi nên chú ý lắng nghe. Sau đó, Ta sẽ hỏi các ngươi sự thánh khiết của Đức Chúa Trời chính xác là gì. Ta sẽ không phán dạy trực tiếp với các ngươi, nhưng thay vào đó để các ngươi cố gắng tìm ra điều đó; ngươi nghĩ thế nào về phương pháp này? (Nghe có vẻ hay.) Vậy thì hãy cẩn thận lắng nghe khi Ta trình bày.

Hiểu về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời qua những gì Ngài làm cho con người

Bất cứ khi nào Sa-tan làm cho con người bại hoại hoặc gây ra những tổn hại vô độ cho con người, Đức Chúa Trời không đứng yên, và Ngài cũng không gạt sang một bên hoặc nhắm mắt làm ngơ đối với những người mà Ngài đã chọn. Đức Chúa Trời hiểu rất rõ về tất cả những gì Sa-tan làm. Bất kể Sa-tan làm gì, bất kể nó khơi dậy xu hướng nào, thì Đức Chúa Trời cũng biết tất cả những gì Sa-tan đang cố gắng làm, và Đức Chúa Trời không từ bỏ những người mà Ngài đã chọn. Thay vào đó, không thu hút bất kỳ sự chú ý nào – một cách bí mật, âm thầm – Đức Chúa Trời làm mọi thứ cần thiết. Khi Đức Chúa Trời bắt đầu làm việc trên ai đó, khi Ngài đã chọn ai đó, thì Ngài không công bố tin này cho bất kỳ ai, cũng không công bố nó cho Sa-tan, càng không ra bất kỳ dấu hiệu lớn lao nào. Ngài chỉ rất lặng lẽ, rất tự nhiên, làm những gì cần thiết. Trước tiên, Ngài chọn cho ngươi một gia đình; hoàn cảnh gia đình của ngươi, cha mẹ, ông bà của ngươi – tất cả những điều này, Đức Chúa Trời đều quyết định trước. Nói cách khác, Đức Chúa Trời không đưa ra những quyết định này một cách nhất thời; mà đúng hơn, Ngài đã bắt đầu công tác này từ lâu. Khi Đức Chúa Trời đã chọn cho ngươi một gia đình, thì sau đó Ngài chọn ngày ngươi sẽ được sinh ra. Sau đó, Đức Chúa Trời dõi theo khi ngươi được sinh ra và cất tiếng khóc chào đời. Ngài dõi theo sự ra đời của ngươi, dõi theo khi ngươi bập bẹ những từ đầu tiên, dõi theo khi ngươi vấp ngã và chập chững những bước đầu tiên khi ngươi tập đi. Đầu tiên ngươi bước một bước và rồi một bước nữa – và bây giờ ngươi có thể chạy, nhảy, nói, và bày tỏ cảm xúc của mình… Khi con người lớn lên, Sa-tan nhìn chằm chằm từng người một, giống như một con hổ đang nhìn con mồi của nó. Nhưng trong khi Đức Chúa Trời làm công tác của Ngài, Ngài chưa bao giờ giới hạn con người, sự kiện hay sự vật, về không gian hoặc thời gian; Ngài làm những gì Ngài nên làm và phải làm. Trong quá trình lớn lên, ngươi có thể gặp phải nhiều điều mà ngươi không thích, như là bệnh tật và sự thất vọng. Nhưng khi ngươi đi trên con đường này, thì đời sống và tương lai của ngươi hoàn toàn nằm dưới sự chăm sóc của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời ban cho ngươi một sự đảm bảo thực sự cho suốt cuộc đời ngươi, bởi Ngài ở ngay bên cạnh ngươi, bảo vệ ngươi và chăm sóc ngươi. Ngươi lớn lên mà không hề hay biết về điều này. Ngươi bắt đầu tiếp xúc với những điều mới mẻ và bắt đầu biết về thế giới này và loài người này. Mọi thứ đều tươi mới đối với ngươi. Ngươi thích làm một vài thứ. Ngươi sống trong nhân tính của chính mình, ngươi sống trong không gian của chính mình và ngươi không có chút nhận thức nào về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Trời dõi theo từng bước trên con đường ngươi lớn lên, và Ngài dõi theo ngươi khi ngươi sải từng bước về phía trước. Ngay cả khi ngươi học hỏi kiến thức hoặc nghiên cứu khoa học, Đức Chúa Trời không bao giờ rời ngươi một bước. Ngươi cũng giống như những người khác ở chỗ, trong quá trình tìm hiểu thế giới và tương tác với nó, ngươi đã thiết lập những lý tưởng của riêng mình, ngươi có những sở thích riêng, những mối quan tâm riêng, và ngươi cũng nuôi dưỡng những tham vọng cao cả. Ngươi thường suy ngẫm về tương lai của chính mình, thường phác thảo ra xem tương lai mình sẽ thế nào. Nhưng bất kể chuyện gì xảy ra trong suốt quá trình, thì Đức Chúa Trời đều nhìn thấy mọi việc diễn ra một cách rõ ràng. Có thể chính ngươi đã quên đi quá khứ của mình, nhưng với Đức Chúa Trời, không ai có thể hiểu ngươi rõ hơn Ngài. Ngươi sống dưới sự quan sát của Đức Chúa Trời, lớn lên, trưởng thành. Trong suốt giai đoạn này, nhiệm vụ quan trọng nhất của Đức Chúa Trời là điều mà chưa ai có thể hiểu được, điều mà không ai biết được. Chắc chắn Đức Chúa Trời không nói điều đó với ai. Vậy thì điều quan trọng nhất này là gì? Có thể nói rằng đó là sự đảm bảo rằng Đức Chúa Trời sẽ cứu rỗi một người. Điều này có nghĩa là nếu Đức Chúa Trời muốn cứu rỗi người này, thì Ngài phải làm nhiệm vụ này. Nhiệm vụ này cực kỳ quan trọng đối với cả con người lẫn Đức Chúa Trời. Các ngươi có biết đó là gì không? Có vẻ như các ngươi không có chút cảm giác nào về điều này, hoặc bất kỳ khái niệm nào về nó, vậy thì Ta sẽ phán dạy các ngươi. Từ lúc ngươi được sinh ra cho đến bây giờ, Đức Chúa Trời đã thực hiện nhiều công việc trên ngươi, nhưng Ngài không cho ngươi biết tất cả những gì Ngài đã làm. Đức Chúa Trời không để ngươi biết điều này, và Ngài cũng không kể với ngươi. Tuy nhiên, đối với nhân loại, mọi thứ Ngài làm đều quan trọng. Nhưng đối với Đức Chúa Trời, thì đó là điều Ngài phải làm. Trong lòng Ngài có điều quan trọng Ngài cần làm vượt xa tất cả những điều này. Đó là, từ khi một người được sinh ra cho đến ngày nay, Đức Chúa Trời phải bảo đảm sự an toàn của họ. Khi ngươi nghe những lời này, ngươi có thể cảm thấy dường như các ngươi chưa hiểu đầy đủ. Ngươi có thể hỏi rằng: “Sự an toàn này quan trọng thế sao?”. “Sự an toàn” theo nghĩa đen có nghĩa là gì? Có thể các ngươi hiểu nó có nghĩa là sự bình an hoặc có lẽ các ngươi hiểu nó có nghĩa không bao giờ trải qua bất kỳ thảm họa hoặc tai ương nào, sống tốt, sống một cuộc sống bình thường. Nhưng trong lòng mình, ngươi phải biết rằng nó không đơn giản như vậy. Vậy thì điều mà Ta đã và đang nói đến, điều mà Đức Chúa Trời phải làm chính xác là gì? Đối với Đức Chúa Trời, an toàn có nghĩa là gì? Liệu nó có thực sự là một sự đảm bảo trong ý nghĩa bình thường của “sự an toàn” không? Không. Vậy thì Đức Chúa Trời làm gì? “Sự an toàn” này có nghĩa là ngươi sẽ không bị Sa-tan nuốt chửng. Điều này có quan trọng không? Không bị Sa-tan nuốt chửng – điều này có liên quan đến sự an toàn của ngươi hay không? Có, điều này liên quan đến sự an toàn cá nhân của ngươi, và không có điều gì quan trọng hơn thế. Một khi ngươi đã bị Sa-tan nuốt chửng, thì linh hồn và xác thịt của ngươi không còn thuộc về Đức Chúa Trời nữa. Đức Chúa Trời sẽ không cứu rỗi ngươi nữa. Đức Chúa Trời từ bỏ những linh hồn và con người đã bị Sa-tan nuốt chửng. Vì vậy Ta phán rằng điều quan trọng nhất Đức Chúa Trời phải làm là bảo đảm an toàn cho ngươi, bảo đảm rằng ngươi sẽ không bị Sa-tan nuốt chửng. Điều này rất quan trọng, không phải vậy sao? Vậy tại sao các ngươi không trả lời? Có vẻ như các ngươi không thể cảm nhận được lòng nhân từ cao cả của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời còn làm nhiều việc nữa ngoài việc bảo đảm an toàn cho con người, bảo đảm rằng họ sẽ không bị Sa-tan nuốt chửng. Ngài cũng làm nhiều công việc chuẩn bị trước khi chọn và cứu rỗi người nào đó. Trước tiên, Đức Chúa Trời chuẩn bị tỉ mỉ về việc ngươi sẽ có tính cách nào, ngươi sẽ được sinh ra trong gia đình nào, cha mẹ của ngươi sẽ là ai, ngươi sẽ có bao nhiêu anh chị em, và hoàn cảnh, tình trạng kinh tế và tình cảnh của gia đình mà ngươi được sinh ra thì như thế nào. Các ngươi có biết kiểu gia đình nào mà đa số dân sự được Đức Chúa Trời chọn được sinh ra không? Liệu đó có phải là những gia đình nổi bật không? Chúng ta không thể nói chắc chắn rằng không có người nào được sinh ra trong những gia đình nổi bật. Có thể có một vài người, nhưng số đó là rất ít. Liệu họ có được sinh ra trong những gia đình đặc biệt giàu có, những gia đình tỷ phú hoặc triệu phú không? Không, họ hầu như không bao giờ được sinh ra trong những gia đình kiểu này. Vậy kiểu gia đình mà Đức Chúa Trời sắp xếp cho đa số những người này là loại gì? (Những gia đình bình thường.) Vậy thì những gia đình nào được coi như “gia đình bình thường”? Họ bao gồm những gia đình lao động, đó là những người tồn tại phụ thuộc vào đồng lương, có thể chi trả cho những nhu cầu cơ bản, và không quá dư giả; họ cũng bao gồm những gia đình nông dân. Người nông dân dựa vào việc trồng trọt để có thực phẩm, có ngũ cốc để ăn, quần áo để mặc, và không bị đói hay rét. Rồi có vài gia đình kinh doanh nhỏ, và vài gia đình có cha mẹ là trí thức, và những gia đình này có thể được tính là những gia đình bình thường. Cũng có những cha mẹ là nhân viên văn phòng, hoặc viên chức nhỏ của chính phủ, những người không thể được tính là thuộc các gia đình nổi bật. Phần lớn được sinh ra trong các gia đình bình thường, và tất cả điều này đều do Đức Chúa Trời sắp đặt. Điều đó có nghĩa là, trước hết, môi trường mà ngươi sống không phải là một gia đình đầy đủ mọi phương tiện mà con người có thể tưởng tượng ra, và đây là gia đình do Đức Chúa Trời quyết định cho ngươi, và phần lớn mọi người sẽ sống trong phạm vi của kiểu gia đình này. Vậy còn địa vị xã hội thì sao? Điều kiện kinh tế của phần lớn các bậc cha mẹ đều ở mức trung bình và họ không có địa vị xã hội cao – đối với họ chỉ cần có việc làm là tốt rồi. Họ có bao gồm các thống đốc không? Hoặc là các chủ tịch nước? Không có, phải không? Cùng lắm họ cũng chỉ là những người quản lý những doanh nghiệp nhỏ hoặc những người chủ của các doanh nghiệp nhỏ. Địa vị xã hội của họ thì trung bình, và điều kiện kinh tế của họ cũng trung bình. Một yếu tố khác là môi trường sống của gia đình. Trước hết, không có cha mẹ nào trong những gia đình này sẽ tác động rõ rệt đến con cái của họ trong việc đi theo con đường bói toán hay xem quẻ; có rất ít người tham gia vào những chuyện như vậy. Phần lớn các bậc cha mẹ đều bình thường. Khi Đức Chúa Trời lựa chọn con người thì đồng thời Ngài cũng thiết lập loại môi trường này cho họ, điều này rất có lợi cho công tác cứu rỗi loài người của Đức Chúa Trời. Nhìn bề ngoài, có vẻ Đức Chúa Trời không làm điều gì đặc biệt quan trọng cho con người; Ngài chỉ âm thầm và kín đáo tiến hành làm tất cả những việc Ngài cần làm, khiêm nhường và lặng lẽ. Nhưng trên sự thật, tất cả những gì Đức Chúa Trời làm, Ngài làm là để đặt nền móng cho sự cứu rỗi của ngươi, để chuẩn bị con đường phía trước và tất cả những điều kiện cần thiết cho sự cứu rỗi của ngươi. Kế đến, Đức Chúa Trời đem từng người trở lại trước Ngài, mỗi người vào thời điểm đã được ấn định: Đó chính là khi ngươi nghe thấy tiếng Đức Chúa Trời, đó chính là khi ngươi đến trước Ngài. Vào thời điểm điều này xảy ra, thì một số người đã trở thành cha mẹ, trong khi những người khác vẫn còn là con cái của người nào đó. Nói cách khác, một số người đã lập gia đình và có con cái trong khi một số khác vẫn còn độc thân, chưa bắt đầu gia đình riêng của họ. Nhưng bất kể hoàn cảnh của con người thế nào, Đức Chúa Trời đã ấn định thời điểm mà ngươi sẽ được chọn và Phúc âm và lời Ngài sẽ đến được với ngươi. Đức Chúa Trời đã đặt ra những tình cảnh, quyết định một người nào đó hoặc một ngữ cảnh nào đó mà qua đó Phúc âm sẽ được truyền đến cho ngươi, để ngươi có thể nghe thấy lời Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã chuẩn bị sẵn cho ngươi tất cả những điều kiện cần thiết. Bằng cách này, mặc dù con người không biết điều đó đang xảy ra, con người đến trước Ngài và trở về với gia đình của Đức Chúa Trời. Con người cũng vô tình đi theo Đức Chúa Trời và bước vào từng giai đoạn trong công tác của Ngài, bước vào từng giai đoạn trong cách làm của Ngài mà Ngài đã chuẩn bị cho con người. Đức Chúa Trời sử dụng những cách nào khi Ngài làm mọi thứ cho con người vào thời điểm này? Trước tiên, tối thiểu nhất là sự chăm sóc và bảo vệ mà con người tận hưởng. Ngoài điều này ra, Đức Chúa Trời đã sắp đặt những con người, sự kiện và những thứ khác nhau để qua chúng con người có thể thấy sự hiện hữu của Ngài và những việc làm của Ngài. Ví dụ như, có những người tin Đức Chúa Trời bởi vì trong gia đình họ có người bị bệnh. Khi người khác giảng Phúc âm cho họ, thì họ bắt đầu tin Đức Chúa Trời, và niềm tin này xảy ra vì tình cảnh. Vậy thì ai đã sắp đặt tình cảnh này? (Đức Chúa Trời.) Qua bệnh tật, có một số gia đình trong đó mọi người đều là tín đồ, còn những gia đình khác thì chỉ có vài người tin. Nhìn bề ngoài, có vẻ như có người trong gia đình ngươi bị bệnh, nhưng sự thật đó là một tình thế ban cho ngươi để ngươi có thể đến trước Đức Chúa Trời – đây là sự nhơn từ của Đức Chúa Trời. Bởi vì đối với một số người có đời sống gia đình khó khăn và họ không tìm thấy sự bình an, một cơ hội tình cờ có thể tự xuất hiện – người nào đó giảng về Phúc âm và nói: “Hãy tin nhận Đức Chúa Jêsus và bạn sẽ có sự bình an”. Như vậy, tình cờ họ bắt đầu tin vào Đức Chúa Trời trong một hoàn cảnh rất tự nhiên, vậy chẳng phải đây là một dạng tình thế sao? Và chẳng phải thực tế rằng gia đình của họ ở trong sự bình an là một ân điển được Đức Chúa Trời ban cho họ sao? Cũng có một vài người bắt đầu tin Đức Chúa Trời vì những lý do khác. Có những lý do khác nhau và cách tin khác nhau, nhưng bất kể ngươi tin Ngài vì lý do gì, thì tất cả đều được Đức Chúa Trời sắp đặt và hướng dẫn. Trước tiên, Đức Chúa Trời sử dụng nhiều cách để lựa chọn ngươi và đem ngươi vào gia đình của Ngài. Đây là ân điển mà Đức Chúa Trời ban cho mỗi một con người.

Trong giai đoạn công tác hiện tại của Đức Chúa Trời trong những ngày sau rốt, Ngài không còn chỉ ban ân điển và các phước lành trên con người như Ngài đã làm trước đây, cũng không dỗ dành để con người tiến về phía trước. Trong giai đoạn công tác này, con người đã thấy gì từ tất cả các khía cạnh trong công tác của Đức Chúa Trời mà họ đã trải qua? Con người đã thấy tình yêu thương của Đức Chúa Trời, sự phán xét và hình phạt của Đức Chúa Trời. Trong suốt giai đoạn này, Đức Chúa Trời chu cấp, hỗ trợ, khai sáng và hướng dẫn con người, để con người dần dần biết đến những ý định của Ngài, biết đến những lời Ngài phán dạy và lẽ thật Ngài ban trên con người. Khi con người yếu đuối, khi họ tiêu cực, khi họ không có nơi nào để đi, thì Đức Chúa Trời sẽ dùng những lời của Ngài để an ủi, khuyên nhủ, và khích lệ con người, để vóc giạc nhỏ bé của con người có thể dần dần lớn mạnh, chổi dậy trong sự quả quyết và trở nên sẵn sàng hợp tác với Đức Chúa Trời. Nhưng khi con người phản nghịch Đức Chúa Trời hoặc chống đối Ngài, hoặc khi con người tỏ lộ sự bại hoại của họ, thì Đức Chúa Trời sẽ không thể hiện sự nhân từ trong việc trừng phạt và sửa dạy con người. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời sẽ thể hiện sự khoan dung và nhẫn nại đối với sự dại dột, ngu dốt, yếu đuối và non nớt của con người. Bằng cách này, qua tất cả những công tác Đức Chúa Trời làm cho con người, thì con người dần dần trưởng thành, tăng trưởng, và bắt đầu biết đến ý định của Đức Chúa Trời, biết đến những lẽ thật nhất định, biết điều gì là tích cực và điều gì là tiêu cực, biết được sự tà ác và đen tối là gì. Đức Chúa Trời không dùng một cách tiếp cận duy nhất là luôn luôn trừng phạt và sửa dạy con người, mà Ngài cũng không luôn luôn thể hiện sự khoan dung và nhẫn nại. Thay vào đó, Ngài chu cấp cho mỗi người theo những cách khác nhau vào những giai đoạn khác nhau và tùy theo vóc giạc và tố chất khác nhau của họ. Ngài làm nhiều thứ cho con người và với một giá rất cao; con người không nhận thấy gì về những điều này hoặc về cái giá ấy, nhưng trong thực tế thì tất cả những gì Ngài làm đều thực sự được thực hiện trên từng con người. Tình yêu của Đức Chúa Trời rất thực tế: Bởi ân điển của Đức Chúa Trời mà con người tránh được hết thảm họa này đến thảm họa khác, và đồng thời Đức Chúa Trời thể hiện sự khoan dung đối với sự yếu đuối của con người hết lần này đến lần khác. Sự phán xét và hình phạt của Đức Chúa Trời để cho con người dần dần biết được sự bại hoại và thực chất tà ác của loài người. Những thứ mà Đức Chúa Trời chu cấp, sự khai sáng của Ngài cho con người và sự hướng dẫn của Ngài, tất cả là để cho loài người biết ngày càng nhiều về thực chất của lẽ thật, và ngày càng biết con người cần gì, họ nên đi con đường nào, họ sống vì điều gì, giá trị và ý nghĩa cuộc sống của họ là gì, và làm thế nào để bước tiếp trên con đường phía trước. Tất cả những điều này mà Đức Chúa Trời làm không thể tách rời khỏi một mục đích ban đầu của Ngài. Vậy thì, mục đích này là gì? Tại sao Đức Chúa Trời sử dụng các phương pháp này để thực hiện công tác của Ngài trên con người? Ngài muốn đạt được kết quả gì? Nói cách khác, Ngài muốn thấy gì ở con người? Ngài muốn có được gì từ con người? Điều Đức Chúa Trời muốn thấy là tấm lòng của con người có thể được hồi sinh. Những phương pháp này mà Ngài sử dụng để làm việc trên con người là một nỗ lực không ngừng để đánh thức tấm lòng của con người, để đánh thức linh hồn của con người, để giúp con người hiểu được nguồn gốc của họ, ai đang hướng dẫn, hỗ trợ và chu cấp cho họ, và ai đã cho phép con người được sống đến ngày nay; chúng là những phương tiện để giúp con người hiểu được Đấng Tạo Hóa là ai, họ nên thờ phượng ai, họ nên đi trên con đường nào, và họ nên đến trước Đức Chúa Trời bằng cách nào; chúng là một phương tiện để dần dần làm hồi sinh tấm lòng của con người, để con người biết và hiểu tấm lòng của Đức Chúa Trời, và thấu hiểu sự quan tâm chăm sóc lớn lao và tâm tư đằng sau công tác cứu rỗi con người của Ngài. Khi tấm lòng của con người được hồi sinh, thì con người không còn muốn sống với một tâm tính suy đồi, bại hoại, nhưng thay vào đó lại ước muốn theo đuổi lẽ thật để làm thỏa lòng Đức Chúa Trời. Khi tấm lòng con người đã được đánh thức, thì con người có thể hoàn toàn tách mình ra khỏi Sa-tan. Họ không còn bị Sa-tan hãm hại, không còn bị nó kiểm soát hoặc lừa phỉnh. Thay vào đó, con người có thể chủ động phối hợp trong công tác của Đức Chúa Trời và những lời của Ngài để làm thỏa lòng Đức Chúa Trời, theo đó trở nên kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác. Đây là mục đích ban đầu trong công tác của Đức Chúa Trời.

Cuộc thảo luận mà chúng ta vừa thực hiện về sự tà ác của Sa-tan khiến mọi người cảm thấy rằng dường như con người đang sống giữa sự bất hạnh lớn và rằng cuộc sống của con người bị bủa vây bởi những điều không may. Nhưng bây giờ khi Ta đang phán về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời và công tác Ngài thực hiện trên con người, thì điều đó khiến ngươi cảm thấy như thế nào? (Rất vui.) Bây giờ chúng ta có thể thấy rằng mọi thứ Đức Chúa Trời làm, tất cả những gì Ngài cẩn thận sắp đặt cho con người, đều chuẩn xác. Mọi việc Đức Chúa Trời làm đều không có sai sót, có nghĩa rằng nó hoàn hảo, không cần ai chỉnh sửa, góp ý, hoặc thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với nó. Tất cả những điều Đức Chúa Trời làm cho mỗi cá nhân đều là chắc chắn; Ngài nắm tay dẫn dắt mọi người, chăm sóc ngươi từng khoảnh khắc trôi qua và chưa từng một lần rời khỏi ngươi. Khi con người lớn lên trong loại môi trường này và với bối cảnh này, thì chúng ta có thể nói rằng con người thật ra lớn lên trong lòng bàn tay của Đức Chúa Trời không? (Có.) Vậy thì bây giờ các ngươi còn cảm giác mất mát không? Có ai còn cảm thấy tiêu cực không? Có ai cảm thấy rằng Đức Chúa Trời đã từ bỏ loài người không? (Không.) Vậy thì chính xác thì Đức Chúa Trời đã làm gì? (Ngài đã canh giữ loài người.) Sự quan tâm và chăm sóc lớn lao mà Đức Chúa Trời đặt vào trong mọi thứ Ngài làm là không thể bàn cãi. Hơn thế nữa, trong khi thực hiện công tác của Ngài, Ngài đã luôn luôn làm vậy một cách vô điều kiện. Ngài không bao giờ yêu cầu rằng bất kỳ ai trong số các ngươi phải biết cái giá mà Ngài đã trả cho ngươi để khiến các ngươi cảm thấy biết ơn Ngài sâu sắc. Đức Chúa Trời có bao giờ yêu cầu điều này ở ngươi không? (Không.) Suốt trong cuộc đời dài của con người, hầu hết mọi người đều đã gặp phải những tình huống nguy hiểm và đối mặt nhiều sự cám dỗ. Đó là vì Sa-tan đang đứng bên cạnh ngươi, mắt nó liên tục dán vào ngươi. Khi thảm họa xảy đến với ngươi, thì Sa-tan vui mừng trong việc này; khi tai ương giáng trên ngươi, khi chẳng có gì là thuận lợi với ngươi, khi ngươi vướng vào lưới của Sa-tan, thì Sa-tan vô cùng thích thú về những điều này. Còn về những điều Đức Chúa Trời đang làm, Ngài đang bảo vệ ngươi từng khoảnh khắc trôi qua, dẫn dắt ngươi tránh hết bất hạnh này đến bất hạnh khác và hết thảm họa này đến thảm họa khác. Đây là lý do tại sao Ta phán rằng tất cả mọi thứ con người có được – sự bình an và vui sướng, các phước lành và sự an toàn cá nhân – sự thật là tất cả đều nằm dưới sự kiểm soát của Đức Chúa Trời; Ngài hướng dẫn và quyết định số phận của từng cá nhân. Nhưng Đức Chúa Trời có thổi phồng ý niệm về tâm tính của Ngài như một số người nói không? Đức Chúa Trời có tuyên bố với ngươi rằng: “Ta là Đấng vĩ đại nhất. Chính Ta chịu trách nhiệm về các ngươi. Các ngươi phải cầu xin sự thương xót của Ta, và nếu các ngươi không thật thà sẽ bị phạt tội chết” không? Có bao giờ Đức Chúa Trời đe dọa loài người theo cách này không? (Không.) Có bao giờ Ngài phán: “Loài người bại hoại, nên Ta đối xử với họ thế nào không quan trọng, và họ có thể bị đối xử theo bất kỳ cách nào; Ta không cần phải sắp xếp đàng hoàng cho họ” không? Đức Chúa Trời có nghĩ theo cách này không? Đức Chúa Trời có hành động theo cách này không? (Không.) Ngược lại, Đức Chúa Trời đối xử với từng người một cách nghiêm túc và có trách nhiệm. Ngài đối xử với ngươi có trách nhiệm thậm chí còn hơn ngươi đối xử với chính mình. Chẳng phải vậy sao? Đức Chúa Trời không phán một cách vu vơ, và Ngài không phô trương địa vị cao trọng của mình hoặc qua loa chiếu lệ với con người. Thay vào đó Ngài trung thực và lặng lẽ làm những việc chính Ngài cần làm. Những điều này đem lại phước lành, sự bình an và niềm vui cho con người. Chúng đem con người đến trước mặt Đức Chúa Trời và vào gia đình Ngài một cách bình an và vui mừng; sau đó họ sống trước Đức Chúa Trời và chấp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời với lý trí và tư duy bình thường. Vậy thì Đức Chúa Trời có bao giờ ăn ở hai lòng với con người trong công tác của Ngài không? Ngài có bao giờ giả dối về sự nhân từ của Ngài, dùng vài lời thuận tai để đối đãi với con người theo cách qua loa chiếu lệ rồi sau đó quay lưng lại với họ không? (Không.) Đức Chúa Trời có bao giờ nói một đằng làm một nẻo không? Đức Chúa Trời có bao giờ hứa những lời hứa suông và khoe khoang, phán với mọi người rằng Ngài có thể làm điều này cho họ hoặc giúp làm điều kia cho họ, nhưng sau đó lại biến mất không? (Không.) Không có sự dối trá trong Đức Chúa Trời, không có sự giả dối. Đức Chúa Trời là thành tín, và Ngài trung thực trong mọi việc Ngài làm. Ngài là Đấng duy nhất mà con người có thể tin tưởng; Ngài là Đức Chúa Trời mà con người có thể giao phó cuộc sống của họ và tất cả những gì họ có. Vì không có sự dối trá trong Đức Chúa Trời, chúng ta có thể nói rằng Đức Chúa Trời là Đấng chân thành nhất không? (Có.) Tất nhiên chúng ta có thể nói! Mặc dù từ “chân thành” quá nhẹ, quá con người khi áp dụng cho Đức Chúa Trời, nhưng có từ nào khác để chúng ta sử dụng không? Đó là những hạn chế trong ngôn ngữ con người. Mặc dù có vẻ không phù hợp khi nói Đức Chúa Trời “chân thành”, nhưng dẫu sao chúng ta cũng sẽ sử dụng từ này trong thời điểm này. Đức Chúa Trời là thành tín và chân thành. Vậy thì khi chúng ta nói về những khía cạnh này, là chúng ta đang đề cập đến điều gì? Có phải chúng ta đang đề cập đến những sự khác biệt giữa Đức Chúa Trời và con người và những sự khác biệt giữa Đức Chúa Trời và Sa-tan không? Phải, chúng ta có thể nói như thế. Đó là vì con người không thể thấy được một dấu vết của tâm tính bại hoại của Sa-tan trong Đức Chúa Trời. Ta nói điều này có đúng không? A-men? (A-men!) Không có tâm tính tà ác nào của Sa-tan được tỏ lộ trong Đức Chúa Trời. Tất cả những việc Đức Chúa Trời làm và mặc khải đều hoàn toàn có lợi và giúp ích cho con người, hoàn toàn được thực hiện để chu cấp cho con người, đầy sự sống và ban cho con người một con đường để đi theo và một hướng để chọn. Đức Chúa Trời không bại hoại và, hơn nữa, giờ đây khi nhìn vào mọi việc Đức Chúa Trời làm, chúng ta có thể nói rằng Đức Chúa Trời thánh khiết không? Vì Đức Chúa Trời không có tâm tính bại hoại nào của loài người, cũng không có gì giống với bản chất Sa-tan của nhân loại bại hoại, nên từ quan điểm này, chúng ta hoàn toàn có thể nói rằng Đức Chúa Trời là thánh khiết. Đức Chúa Trời không thể hiện bất kỳ sự bại hoại nào, và trong khi Đức Chúa Trời hoạt động, Ngài tỏ lộ thực chất của chính Ngài, là điều hoàn toàn khẳng định rằng chính Đức Chúa Trời là thánh khiết. Các ngươi có thấy điều này không? Để biết được thực chất thánh khiết của Đức Chúa Trời, bây giờ chúng ta hãy nhìn vào hai khía cạnh này: Thứ nhất là không có một dấu vết về tâm tính bại hoại trong Đức Chúa Trời, và thứ hai là thực chất trong công tác của Đức Chúa Trời trên con người cho phép con người thấy được thực chất của chính Đức Chúa Trời, và bản thể này là hoàn toàn tích cực. Bởi những điều mà mọi phần trong công tác của Đức Chúa Trời mang đến cho con người là đều tích cực. Trước hết, Đức Chúa Trời yêu cầu con người phải trung thực – chẳng phải điều này là tích cực sao? Đức Chúa Trời ban cho con người sự khôn ngoan – chẳng phải điều này là tích cực sao? Đức Chúa Trời khiến con người có thể phân biệt giữa thiện và ác – chẳng phải điều này là tích cực sao? Ngài cho phép con người hiểu được ý nghĩa và giá trị của đời sống con người – chẳng phải điều này là tích cực sao? Ngài cho phép con người nhìn thấu bản chất của con người, sự kiện, và mọi thứ phù hợp với lẽ thật – chẳng phải điều này là tích cực sao? Đúng vậy. Và kết quả của tất cả những điều này chính là con người không còn bị Sa-tan mê hoặc, sẽ không tiếp tục bị hãm hại và kiểm soát bởi Sa-tan. Nói cách khác, những điều này cho phép con người tự giải phóng hoàn toàn khỏi sự bại hoại của Sa-tan, và theo đó dần dần đi trên con đường kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác. Hiện nay các ngươi đã đi trên con đường này được bao xa rồi? Điều đó thật khó nói, không phải sao? Nhưng ít ra bây giờ các ngươi cũng có được sự hiểu biết ban đầu về việc Sa-tan làm cho con người bại hoại như thế nào, về những điều tà ác và những điều tiêu cực phải không? Các ngươi ít ra bây giờ đang đi con đường đúng trong cuộc sống. Nói thế có ổn không? Có, hoàn toàn ổn.

Có một điều phải thông công về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Dựa trên tất cả những gì các ngươi đã nghe và hiểu, thì ai trong số các ngươi có thể nói sự thánh khiết của Đức Chúa Trời là gì? Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời mà Ta phán đề cập đến những gì? Hãy suy nghĩ về điều đó trong giây lát. Có phải sự thánh khiết của Đức Chúa Trời là sự trung thực của Ngài không? Có phải sự thánh khiết của Đức Chúa Trời là sự thành tín của Ngài không? Có phải sự thánh khiết của Đức Chúa Trời là sự vị tha của Ngài không? Có phải là sự khiêm nhu của Ngài không? Có phải là tình yêu của Ngài dành cho con người không? Đức Chúa Trời hào phóng ban cho con người lẽ thật và sự sống – đây có phải là sự thánh khiết của Ngài không? Đúng vậy, tất cả. Tất cả những điều Đức Chúa Trời tỏ lộ hoàn toàn độc nhất và không tồn tại trong nhân tính bại hoại, và cũng không thể nhìn thấy trong con người. Không một dấu vết nhỏ nào của điều đó có thể được nhìn thấy trong quá trình Sa-tan làm bại hoại con người, cũng không có trong tâm tính bại hoại của Sa-tan hoặc trong thực chất hoặc bản tính của Sa-tan. Tất cả những gì Đức Chúa Trời có và là gì, đều độc nhất; chỉ có chính Đức Chúa Trời có và sở hữu những loại thực chất này. Đến thời điểm này trong cuộc thảo luận của chúng ta, có ai trong các ngươi thấy giữa loài người một người nào đó thánh khiết như Ta vừa mô tả không? (Không.) Vậy có ai thánh khiết như thế giữa các thần tượng, những người nổi tiếng, hoặc những vĩ nhân của loài người mà các ngươi tôn sùng không? (Không.) Vậy khi chúng ta nói rằng sự thánh khiết của Đức Chúa Trời là độc nhất, thì đây có phải là một sự cường điệu không? Quả thực không phải. Hơn thế nữa, sự độc nhất thánh khiết của Đức Chúa Trời cũng có một mặt thực tế. Có bất kỳ sự khác biệt nào giữa sự thánh khiết Ta phán bây giờ và sự thánh khiết mà trước đây các ngươi đã nghĩ đến và tưởng tượng ra không? (Có.) Có một sự khác biệt rất lớn. Con người thường muốn nói đến điều gì khi nói về sự thánh khiết? (Một vài hành vi bên ngoài.) Khi con người nói rằng một hành vi hoặc một vài thứ khác thánh khiết, thì họ nói điều đó chỉ vì họ thấy nó thanh sạch hoặc mang lại cảm giác dễ chịu. Tuy nhiên, những điều này luôn luôn thiếu bản chất thật của sự thánh khiết – đây là khía cạnh lý thuyết. Bên cạnh đó, điều được nói đến về khía cạnh thực tế của sự thánh khiết mà con người hình thành trong tâm trí của họ là gì? Đó có phải là phần lớn những điều họ tưởng tượng ra hoặc phán xét không? Ví dụ như, một số Phật tử qua đời trong khi đang làm lễ, lìa đời trong khi họ ngồi ngủ. Vài người nói rằng họ đã trở nên thánh và bay lên trời. Đây cũng là một sản phẩm của trí tưởng tượng. Rồi cũng có những người khác nghĩ rằng một nàng tiên bay lơ lửng xuống từ trời là thánh. Thực ra, khái niệm của con người về từ “thánh khiết” chỉ luôn là một kiểu tưởng tượng và lý thuyết rỗng, về cơ bản không có thực chất, và hơn nữa không liên quan gì đến thực chất của sự thánh khiết. Thực chất của sự thánh khiết là tình yêu thực sự, nhưng hơn thế nữa, đó là bản chất của lẽ thật, sự công chính và sự sáng. Từ “thánh khiết” chỉ phù hợp khi được áp dụng cho Đức Chúa Trời; không gì trong tạo hóa xứng đáng được gọi là “thánh khiết”. Con người phải hiểu được điều này. Từ giờ trở đi, chúng ta sẽ chỉ áp dụng từ “thánh khiết” cho Đức Chúa Trời. Điều này có thích đáng không? (Vâng, có.)

Những mánh khóe mà Sa-tan dùng để làm bại hoại con người

Bây giờ chúng ta hãy quay lại nói về việc Sa-tan sử dụng những phương tiện nào để làm cho con người bại hoại. Chúng ta vừa nói về những cách khác nhau mà Đức Chúa Trời làm việc trên con người, và điều mà mỗi người trong các ngươi có thể tự mình trải nghiệm, vì vậy Ta sẽ không nói quá chi tiết. Nhưng trong lòng các ngươi, có lẽ không rõ về những thủ đoạn và chiến lược mà Sa-tan sử dụng để làm bại hoại con người, hoặc ít nhất ngươi cũng không hiểu cụ thể về chúng. Liệu có lợi gì để Ta phán về điều này lần nữa không? Các ngươi có muốn biết về điều này không? Có thể một vài người trong các ngươi sẽ hỏi: “Tại sao lại nói về Sa-tan một lần nữa? Khi nhắc đến Sa-tan, chúng con trở nên giận dữ, và khi chúng con nghe tên của nó chúng con cảm thấy thật phiền phức”. Cho dù điều đó có khiến ngươi khó chịu đến đâu, thì ngươi cũng phải đối mặt với sự thật. Những điều này phải được nói một cách thẳng thắng và làm rõ vì có lợi cho sự hiểu biết của con người; nếu không con người không thể thoát khỏi ảnh hưởng của Sa-tan.

Trước đây chúng ta đã thảo luận về năm cách Sa-tan làm cho con người bại hoại, bao gồm các thủ đoạn của Sa-tan. Các cách mà Sa-tan làm bại hoại con người chỉ là lớp bề mặt; xảo quyệt hơn là các thủ đoạn dấu bên dưới bề mặt này, với những thủ đoạn này Sa-tan đạt được các mục tiêu của nó. Những thủ đoạn này là gì? Nào, hãy tóm tắt chúng. (Nó lừa gạt, dụ dỗ và ép buộc.) Ngươi càng liệt kê nhiều thủ đoạn, thì ngươi càng hiểu. Có vẻ như các ngươi đã bị Sa-tan làm tổn hại sâu sắc và có những cảm xúc mạnh về chủ đề này. (Nó cũng sử dụng sự hùng biện nghe có vẻ hợp lý. Nó ảnh hưởng và cưỡng ép chiếm hữu con người.) Cưỡng ép chiếm hữu – điều này để lại một ấn tượng đặc biệt sâu sắc. Con người sợ sự cưỡng ép chiếm hữu của Sa-tan. Còn có thủ đoạn nào khác không? (Nó làm tổn hại con người một cách tàn bạo, đưa ra lời đe dọa và những lời mời chào nhằm dụ dỗ, và nó nói dối.) Nói dối là một trong những việc nó làm. Sa-tan nói dối để mà nó có thể lừa gạt ngươi. Bản chất của việc nói dối là gì? Chẳng phải nói dối thì cũng giống như lừa gạt sao? Thực ra mục tiêu của việc nói dối là để lừa gạt ngươi. Còn có thủ đoạn nào khác không? Hãy nói cho Ta nghe tất cả những thủ đoạn của Sa-tan mà các ngươi biết. (Nó cám dỗ, hãm hại, bịt mắt, và mê hoặc.) Hầu hết các ngươi đều cảm thấy như nhau về sự mê hoặc này. Còn gì khác nữa? (Nó kiểm soát con người, nắm giữ con người, khủng bố con người và không cho con người tin vào Đức Chúa Trời.) Ta biết ý nghĩa tổng thể của những điều các ngươi đang nói với Ta, và điều này tốt. Tất cả các ngươi đều biết đôi chút về điều này, vậy thì bây giờ chúng ta hãy tóm lược về những thủ đoạn này.

Có sáu thủ đoạn chính mà Sa-tan dùng để làm bại hoại con người.

Đầu tiên là kiểm soát và ép buộc. Nghĩa là, Sa-tan sẽ làm mọi thứ có thể làm để kiểm soát lòng ngươi. “Ép buộc” có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là sử dụng các chiến thuật mạnh mẽ và đe dọa để khiến ngươi nghe theo, khiến ngươi suy nghĩ về hậu quả nếu ngươi không nghe theo. Ngươi sợ và không dám chống lại nó, vì thế sau đó ngươi quy phục nó.

Thứ nhì là lừa gạt và xảo quyệt. “Lừa gạt và xảo quyệt” bao hàm điều gì? Sa-tan dựng lên những câu chuyện và những lời bịa đặt, lừa ngươi tin vào chúng. Nó không bao giờ bảo ngươi rằng con người do Đức Chúa Trời tạo nên, mà cũng không nói thẳng ra rằng ngươi không được Đức Chúa Trời tạo nên. Nó hoàn toàn không dùng từ “Đức Chúa Trời”, nhưng thay vào đó dùng một thứ gì đó khác như là một vật thay thế, sử dụng thứ này để mê hoặc ngươi để ngươi về cơ bản không biết gì về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, “sự xảo quyệt” này bao gồm nhiều khía cạnh, không chỉ có khía cạnh này mà thôi.

Thứ ba là sự truyền bá tư tưởng mạnh mẽ. Con người được truyền bá tư tưởng một cách mạnh mẽ bằng những thứ gì? Có phải sự truyền bá mạnh mẽ được thực hiện bởi sự lựa chọn riêng của con người không? Nó có được thực hiện với sự đồng thuận của con người không? Chắc chắn là không. Ngay cả khi ngươi không đồng thuận, thì ngươi cũng không thể làm được gì. Trong sự không hay biết của ngươi, Sa-tan truyền bá tư tưởng vào ngươi, tiêm nhiễm vào ngươi tư duy của nó, các quy tắc sống và thực chất của nó.

Thứ tư là sự đe dọa và dụ dỗ. Nghĩa là, Sa-tan sử dụng những thủ đoạn khác nhau để khiến ngươi chấp nhận nó, đi theo nó và phục vụ nó. Nó sẽ làm bất cứ điều gì để đạt được mục tiêu của nó. Đôi khi nó ban cho ngươi chút ân huệ, trong khi dụ dỗ ngươi phạm tội. Nếu ngươi không đi theo nó, nó sẽ làm ngươi đau khổ và hành phạt ngươi, và sử dụng những cách khác nhau để tấn công và âm mưu ám hại ngươi.

Thứ năm là sự mê hoặc và làm tê liệt. “Sự mê hoặc và làm tê liệt” là khi Sa-tan làm tiêm nhiễm vào con người một số từ ngữ và ý tưởng nghe có vẻ ngọt ngào phù hợp với những quan niệm của họ và có vẻ hợp lý, để làm cho nó có vẻ như đang quan tâm đến tình trạng xác thịt của con người, đến đời sống và tương lai của họ, trong khi thực sự mục tiêu của nó là lừa phỉnh ngươi. Sau đó nó làm ngươi tê liệt để ngươi không biết điều gì đúng và điều gì sai, để ngươi vô tình bị lừa và do đó ở dưới sự kiểm soát của nó.

Thứ sáu là sự hủy diệt thân thể và tâm trí. Sa-tan hủy diệt bộ phận nào của con người? Sa-tan hủy diệt tâm trí ngươi, khiến ngươi bất lực không thể chống cự, có nghĩa rằng, từng chút một, lòng của ngươi hướng về Sa-tan dù ngươi không muốn thế. Nó tiêm nhiễm những điều này trong ngươi hằng ngày, hằng ngày bằng cách sử dụng những tư tưởng và văn hóa để gây ảnh hưởng và chải chuốt cho ngươi, làm suy yếu ý chí của ngươi từng chút một, để cuối cùng ngươi không còn mong muốn trở thành một người tốt, để ngươi không còn muốn ủng hộ cho điều mà ngươi gọi là “chính nghĩa” nữa. Một cách vô tình, ngươi không còn nghị lực để bơi ngược dòng, mà thay vào đó lại trôi theo nó. “Sự hủy diệt” có nghĩa là Sa-tan hành hạ con người đến mức họ trở thành những cái bóng của chính mình, không còn là con người nữa. Đây là khi Sa-tan đánh đập, bắt giữ và nuốt chửng họ.

Từng thủ đoạn trong những thủ đoạn mà Sa-tan sử dụng để làm bại hoại con người đều làm cho con người trở nên bất lực không thể chống cự; bất kỳ thủ đoạn nào trong số đó cũng có thể làm chết người. Nói cách khác, bất kỳ điều gì Sa-tan làm và bất kỳ thủ đoạn nào nó sử dụng cũng có thể khiến ngươi suy đồi, có thể đặt ngươi dưới sự kiểm soát của nó và có thể khiến ngươi sa lầy vào tình trạng tà ác và tội lỗi. Đó là những thủ đoạn mà Sa-tan sử dụng để làm cho con người bại hoại.

Chúng ta có thể nói rằng Sa-tan tà ác, nhưng để khẳng định điều này, chúng ta vẫn phải xem hậu quả của việc Sa-tan làm bại hoại con người là gì và nó đem lại cho con người tâm tính cùng thực chất nào. Tất cả các ngươi đều biết đôi chút về điều này, vậy thì hãy phát biểu đi. Hậu quả của việc Sa-tan làm cho con người bại hoại là gì? Họ thể hiện và bộc lộ những tâm tính bại hoại nào? (Tính kiêu ngạo và kiêu căng, ích kỷ và đê tiện, lươn lẹo và dối trá, xảo quyệt và nham hiểm và hoàn toàn thiếu nhân tính.) Nhìn chung, chúng ta có thể nói họ không có nhân tính. Bây giờ, hãy để anh chị em khác phát biểu. (Một khi con người đã bị Sa-tan làm cho bại hoại, thì điển hình nhất là họ kiêu ngạo và tự nên công chính, tự cao tự đại và tự phụ, tham lam và ích kỷ. Con cảm thấy rằng đây là những vấn đề nghiêm trọng nhất.) (Sau khi con người đã bị Sa-tan làm cho bại hoại, thì họ không từ một thủ đoạn nào để có được của cải vật chất. Và họ thậm chí còn trở nên thù địch với Đức Chúa Trời, chống đối Đức Chúa Trời, phản nghịch Đức Chúa Trời, và họ đánh mất lương tâm và lý trí mà con người nên có.) Về cơ bản thì những điều các ngươi vừa nói đều giống nhau, dù có vài sự khác biệt nhỏ; một vài người trong số các ngươi chỉ đơn giản là thêm những chi tiết nhỏ. Tóm lại, những đặc điểm nổi trội nhất về một nhân tính bại hoại là sự kiêu ngạo, dối trá, nham hiểm và ích kỷ. Tuy nhiên, tất cả các ngươi đều cùng bỏ qua một điều. Con người không có lương tâm, họ đã mất đi lý trí của họ và không có nhân tính – nhưng có một điều rất quan trọng khác mà các ngươi chưa đề cập đến, đó là “sự phản bội”. Hậu quả cuối cùng của những tâm tính này tồn tại trong bất kỳ người nào một khi họ đã bị Sa-tan làm cho bại hoại chính là sự phản bội của họ đối với Đức Chúa Trời. Bất kể Đức Chúa Trời phán dạy con nguời những gì hoặc Ngài làm công việc gì trên họ, thì họ không chú ý đến những điều họ biết là lẽ thật. Nghĩa là, họ không còn thừa nhận Đức Chúa Trời và họ phản bội Ngài; đây là hậu quả của việc Sa-tan làm bại hoại con người. Nó cũng tương tự đối với tất cả những tâm tính bại hoại của con người. Trong số những cách mà Sa-tan sử dụng để làm bại hoại con người – kiến thức mà con người học được, khoa học mà họ biết, sự hiểu biết của họ về mê tín và văn hóa truyền thống, cũng như là các xu hướng xã hội – có bất kỳ điều nào mà con người có thể dùng để nói rằng điều gì chính nghĩa và điều gì bất chính không? Có điều nào có thể giúp con người biết được điều gì thánh khiết và điều gì tà ác không? Có tiêu chuẩn nào để đo lường những điều này không? (Không.) Không có tiêu chuẩn và cơ sở nào có thể giúp con người. Mặc dù con người có thể biết từ “thánh khiết”, nhưng không có ai thực sự biết thánh khiết là gì. Vậy thì những thứ mà Sa-tan đem đến cho con người có thể giúp họ biết về lẽ thật không? Chúng có thể giúp con người sống có nhân tính hơn không? Chúng có thể giúp con người sống theo cách mà họ có thể thờ phượng Đức Chúa Trời nhiều hơn không? (Không.) Rõ ràng là chúng không thể giúp con người thờ phượng Đức Chúa Trời hoặc hiểu về lẽ thật, cũng không thể giúp con người biết sự thánh khiết và tà ác là gì. Ngược lại, con người ngày càng trở nên suy đồi, ngày càng rời xa Đức Chúa Trời hơn. Đây là lý do tại sao chúng ta nói Sa-tan tà ác. Sau khi mổ xẻ rất nhiều thực chất tà ác của Sa-tan, các ngươi có thấy được bất kỳ yếu tố thánh khiết nào trong Sa-tan, cả trong thực chất của nó lẫn trong sự hiểu biết của ngươi về bản chất của nó không? (Không.) Bấy nhiêu đó là điều chắc chắn. Vậy thì ngươi có thấy bất kỳ khía cạnh nào trong thực chất của Sa-tan có nét nào tương đồng với Đức Chúa Trời không? (Không.) Có bất kỳ sự bày tỏ nào của Sa-tan có nét nào tương đồng với Đức Chúa Trời không? (Không.) Vậy bây giờ Ta hỏi các ngươi: Hãy dùng từ ngữ của riêng mình, sự thánh khiết của Đức Chúa Trời chính xác là gì? Trước hết, những từ “sự thánh khiết của Đức Chúa Trời” được nói ra có liên quan đến điều gì? Có phải chúng được nói ra liên quan đến bản thể của Đức Chúa Trời không? Hoặc chúng được nói ra liên quan đến vài khía cạnh trong tâm tính của Ngài không? (Chúng được nói ra liên quan đến thực chất của Đức Chúa Trời.) Chúng ta phải xác định rõ ràng điểm mấu chốt để tiếp cận chủ đề yêu thích của chúng ta. Những từ này được nói ra có liên quan đến thực chất của Đức Chúa Trời. Trước hết, chúng ta đã sử dụng sự tà ác của Sa-tan như là một vật làm nền cho thực chất của Đức Chúa Trời, vậy thì ngươi có thấy bất kỳ bản thể nào của Sa-tan trong Đức Chúa Trời không? Còn về thực chất của loài người thì sao? (Không, chúng con không thấy. Đức Chúa Trời không kiêu ngạo, không ích kỷ và không phản bội, và từ điều này chúng con thấy thực chất thánh khiết của Đức Chúa Trời được tỏ lộ.) Còn điều gì khác để bổ sung không? (Đức Chúa Trời không có dấu vết nào của tâm tính bại hoại của Sa-tan. Những gì Sa-tan có là hoàn toàn tiêu cực, trong khi Đức Chúa Trời không có gì khác ngoài điều tích cực. Chúng con có thể thấy rằng Đức Chúa Trời luôn luôn ở cạnh chúng con, dõi theo chúng con và bảo vệ chúng con, từ khi chúng con còn rất nhỏ, trong suốt cuộc đời chúng con và đến tận ngày nay, và đặc biệt là khi chúng con bối rối và lạc lối. Không có sự dối trá nào trong Đức Chúa Trời, không có sự lừa gạt. Ngài phán một cách rõ ràng và đơn giản, và đây cũng là thực chất thực sự của Đức Chúa Trời.) Tốt lắm! (Chúng con không thể thấy tâm tính bại hoại của Sa-tan trong Đức Chúa Trời, không ăn ở hai lòng, không khoe khoang, không có những lời hứa sáo rỗng và không dối trá. Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất mà con người có thể tin. Đức Chúa Trời thành tín và chân thành. Từ công tác của Đức Chúa Trời, chúng con có thể thấy rằng Đức Chúa Trời phán dạy con người phải trung thực, ban cho họ sự khôn ngoan, khiến họ có thể phân biệt tốt xấu và phân biệt được những con người, sự kiện và sự vật khác nhau. Trong điều này chúng con có thể thấy được sự thánh khiết của Đức Chúa Trời.) Các ngươi đã nói hết chưa? Các ngươi có hài lòng về những gì các ngươi vừa nói không? Trong lòng mình, các ngươi thực sự hiểu Đức Chúa Trời được bao nhiêu? Đã lĩnh hội về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời được bao nhiêu? Ta biết rằng mỗi một người trong các ngươi đều có một mức độ hiểu biết nào đó trong lòng, bởi vì mỗi cá nhân đều có thể cảm nhận công tác của Đức Chúa Trời làm trên họ, và ở những mức độ khác nhau, họ có được nhiều điều từ Đức Chúa Trời: Ân điển và các phước lành, sự khai sáng và soi sáng, sự phán xét và hình phạt của Đức Chúa Trời, và bởi những điều này mà con người có được một vài hiểu biết đơn giản vể thực chất của Đức Chúa Trời.

Cho dù sự thánh khiết của Đức Chúa Trời mà chúng ta đang thảo luận hôm nay có vẻ lạ lẫm với hầu hết mọi người thì bất chấp điều này, chúng ta giờ đây đã bắt đầu chủ đề này, và khi các ngươi đi trên con đường phía trước, các ngươi sẽ có được sự hiểu biết sâu hơn. Điều đó đòi hỏi các ngươi dần dần cảm nhận và hiểu trong trải nghiệm của riêng mình. Đối với hiện tại, sự hiểu biết dựa trên cảm thụ của các ngươi về thực chất của Đức Chúa Trời vẫn cần một khoảng thời gian dài để học hỏi, để xác thực, để cảm nhận và trải nghiệm nó, cho đến ngày các ngươi sẽ biết từ thâm tâm rằng “sự thánh khiết của Đức Chúa Trời” có nghĩa là thực chất của Đức Chúa Trời là hoàn mỹ, rằng tình yêu của Đức Chúa Trời là vị tha, tất cả những gì Đức Chúa Trời cung cấp cho con người là vị tha, và các ngươi sẽ hiểu được rằng sự thánh khiết của Đức Chúa Trời là không tì vết và không thể chê trách. Những phương diện này trong thực chất của Đức Chúa Trời không chỉ là những lời Ngài dùng để phô trương thân phận của Ngài, mà đúng hơn là Đức Chúa Trời dùng thực chất của Ngài để đối đãi với từng cá nhân bằng sự chân thành thầm lặng. Nói cách khác, thực chất của Đức Chúa Trời không trống rỗng, cũng không phải là lý thuyết hay học thuyết, và hiển nhiên không phải là một dạng kiến thức. Nó không phải là một dạng giáo dục cho con người; thay vào đó, nó là sự mặc khải thật sự của những hành động của Đức Chúa Trời và thực chất được tỏ hiện của việc Đức Chúa Trời có gì và là gì. Con người nên biết thực chất này và hiểu thấu đáo nó, bởi vì mọi việc Đức Chúa Trời làm và mọi lời Ngài nói đều có giá trị to lớn và ý nghĩa vĩ đại với mỗi một con người. Khi ngươi bắt đầu hiểu thấu đáo sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, khi ấy ngươi có thể thật sự tin vào Đức Chúa Trời; khi ngươi bắt đầu hiểu thấu đáo sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, khi ấy ngươi có thể thật sự nhận ra ý nghĩa thực của những lời như “chính Đức Chúa Trời, Đấng vô song”. Ngươi sẽ không còn tưởng tượng, nghĩ rằng có những con đường khác ngoài con đường này mà ngươi có thể chọn lựa để đi, và ngươi sẽ không còn sẵn lòng phản bội mọi việc Đức Chúa Trời đã sắp đặt cho ngươi. Bởi vì thực chất của Đức Chúa Trời là thánh khiết, điều đó nghĩa là chỉ thông qua Đức Chúa Trời, ngươi mới có thể đi qua cuộc đời trên con đường công chính của sự sáng; chỉ thông qua Đức Chúa Trời, ngươi mới có thể biết ý nghĩa của sự sống; chỉ thông qua Đức Chúa Trời, ngươi mới có thể sống bày tỏ ra nhân tính thật sự và vừa sở hữu vừa biết được lẽ thật. Chỉ thông qua Đức Chúa Trời, ngươi mới có thể đạt được sự sống từ lẽ thật. Chỉ chính Đức Chúa Trời mới có thể giúp ngươi lánh khỏi điều ác và đưa ngươi ra khỏi sự tàn hại và kiểm soát của Sa-tan. Ngoài Đức Chúa Trời, không ai và không điều gì có thể cứu rỗi ngươi khỏi bể khổ để ngươi không phải chịu khổ lâu hơn nữa. Điều này được định rõ bởi thực chất của Đức Chúa Trời. Chỉ chính Đức Chúa Trời mới cứu rỗi ngươi một cách vị tha như vậy; chỉ Đức Chúa Trời mới chịu trách nhiệm sau hết cho tương lai của ngươi, cho vận mệnh của ngươi và cho sự sống của ngươi, và Ngài sắp đặt mọi sự cho ngươi. Đây là điều mà những tạo vật hay không phải tạo vật đều không thể đạt được. Bởi những tạo vật hay không phải tạo vật đều không sở hữu một thực chất như thực chất của Đức Chúa Trời, nên không người hay vật nào có khả năng cứu ngươi hay dẫn dắt ngươi. Đây là tầm quan trong của thực chất của Đức Chúa Trời đối với con người. Có lẽ các ngươi cảm thấy rằng những lời Ta đã nói có thể giúp ích đôi chút, về cơ bản. Nhưng nếu ngươi theo đuổi lẽ thật, nếu ngươi yêu lẽ thật, vậy thì ngươi sẽ trải nghiệm được rằng những lời này sẽ không chỉ thay đổi vận mệnh của ngươi, mà hơn thế nữa, chúng sẽ đưa ngươi đến con đường đúng của sự sống con người. Các ngươi hiểu điều này, phải không? Vậy giờ đây các ngươi có chút quan tâm gì đến việc biết được thực chất của Đức Chúa Trời không? (Có.) Thật hay khi biết rằng các ngươi có quan tâm. Đối với hôm nay, tại điểm này chúng ta sẽ kết thúc chủ đề thông công về việc biết được sự thánh khiết của Đức Chúa Trời.

***

Ta muốn phán dạy các ngươi về điều các ngươi đã làm khi bắt đầu buổi họp mặt của chúng ta hôm nay mà khiến Ta ngạc nhiên. Có lẽ vài người trong số các ngươi đang nuôi dưỡng một cảm giác biết ơn, có lẽ ngươi đang cảm thấy biết ơn, và vì thế cảm xúc của ngươi đã dẫn đến một hành động tương ứng. Điều ngươi đã làm không phải là điều cần phải chê trách; nó không đúng cũng không sai. Nhưng Ta muốn các ngươi hiểu đôi điều. Điều Ta muốn các ngươi hiểu là gì? Trước tiên, Ta muốn hỏi các ngươi về điều các ngươi vừa mới làm bây giờ. Đó là hành động cúi lạy hay là quỳ xuống để thờ phượng? Ai có thể nói cho Ta biết không? (Chúng con nghĩ đó là cúi lạy.) Các ngươi nghĩ đó là cúi lạy, vậy cúi lạy có nghĩa là gì? (Thờ phượng.) Vậy thì, quỳ xuống để thờ phượng là gì? Trước đây Ta chưa thông công về điều này với các ngươi, nhưng hôm nay Ta nghĩ là cần phải làm điều đó. Các ngươi có cúi lạy trong các buổi nhóm họp thường xuyên không? (Không.) Các ngươi có cúi lạy khi cầu nguyện không? (Có.) Các ngươi có cúi lạy mỗi lần các ngươi cầu nguyện, khi tình cảnh cho phép không? (Có.) Điều đó tốt. Nhưng điều Ta muốn các ngươi hiểu ngày hôm nay là Đức Chúa Trời chỉ chấp nhận sự quỳ lạy của hai kiểu người. Chúng ta không cần tham khảo Kinh Thánh hoặc những hành động và hành vi của bất kỳ nhân vật thuộc linh nào. Thay vào đó, ở đây và bây giờ, Ta sẽ phán dạy các ngươi một điều đúng đắn. Trước tiên, cúi lạy và quỳ xuống để thờ phượng không giống nhau. Tại sao Đức Chúa Trời chấp nhận sự quỳ lạy của những ai phủ phục xuống? Đó là vì Đức Chúa Trời gọi ai đó đến gặp Ngài và gọi người này để nhận sự ủy nhiệm của Đức Chúa Trời, vì vậy Đức Chúa Trời cho phép người này phủ phục trước Ngài. Đây là kiểu người thứ nhất. Kiểu thứ hai là sự quỳ xuống để thờ phượng của người nào kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác. Chỉ có hai kiểu người này. Vậy thì các ngươi thuộc loại nào? Các ngươi có thể nói không? Đây là sự thật, mặc dù nó có thể làm tổn thương cảm xúc của ngươi một chút. Không có gì phải nói về sự quỳ lạy của con người trong khi cầu nguyện – điều này là đúng đắn và nên làm như thế, bởi vì khi con người cầu nguyện thì hầu như là cầu nguyện cho một điều gì đó, mở lòng họ ra với Đức Chúa Trời và mặt đối mặt với Ngài. Đó là sự truyền đạt và trao đổi, từ tấm lòng đến tấm lòng với Đức Chúa Trời. Việc quỳ gối thờ phượng không nên là một hình thức đơn thuần. Ta không có ý khiển trách các ngươi về những gì các ngươi đã làm hôm nay. Ta chỉ muốn nói rõ với các ngươi để các ngươi hiểu nguyên tắc này – các ngươi biết điều này, đúng vậy không? (Đúng, chúng con biết.) Ta phán dạy các ngươi điều này để nó không xảy ra lần nữa. Vậy thì, con người có bất kỳ cơ hội nào để cúi lạy và quỳ gối trước mặt Đức Chúa Trời không? Không phải là sẽ không bao giờ có cơ hội này. Sớm hay muộn thì ngày đó sẽ đến, nhưng không phải bây giờ. Ngươi có hiểu không? Điều này có làm các ngươi buồn lòng không? (Không.) Tốt. Có thể những lời này sẽ thúc đẩy hoặc khích lệ các ngươi để các ngươi có thể biết trong lòng mình về tình cảnh hiện nay giữa Đức Chúa Trời và con người, và mối quan hệ hiện đang tồn tại giữa Đức Chúa Trời và con người là loại gì. Mặc dù gần đây chúng ta đã có nói chuyện và trao đổi thêm, nhưng sự hiểu biết về Đức Chúa Trời của con người vẫn còn lâu mới đầy đủ. Con người vẫn còn một chặng đường dài để đi trên con đường này cố gắng hiểu về Đức Chúa Trời. Ta không có ý định khiến ngươi làm việc này thật cấp bách, hoặc vội vã bày tỏ những kiểu nguyện vọng hoặc cảm xúc này. Những gì các ngươi đã làm hôm nay có thể tỏ lộ và bày tỏ cảm xúc thật của các ngươi, và Ta đã cảm nhận được chúng. Vì lúc trong khi các ngươi làm thế, Ta chỉ muốn đứng lên và ban cho các ngươi những lời chúc tốt lành của Ta, bởi vì Ta mong muốn tất cả các ngươi đều được tốt lành. Vì thế, trong từng lời và từng hành động của Ta, Ta làm hết sức mình để giúp đỡ các ngươi, để hướng dẫn các ngươi, hầu cho các ngươi có thể có được sự hiểu biết đúng đắn và cái nhìn đúng đắn về muôn vật. Các ngươi có thể lĩnh hội điều này, phải vậy không? (Có.) Tốt. Mặc dù con người có đôi chút hiểu biết về những tâm tính khác nhau của Đức Chúa Trời, những khía cạnh về việc Đức Chúa Trời có gì và là gì, và công tác mà Ngài làm, nhưng phần lớn sự hiểu biết này không vượt ra ngoài việc đọc những ngôn từ trên một trang giấy, hoặc hiểu chúng về nguyên tắc, hoặc chỉ suy nghĩ về chúng mà thôi. Điều con người thiếu nhất là sự hiểu biết và sự thông sáng đến từ kinh nghiệm thực tế. Mặc dù Đức Chúa Trời sử dụng những phương pháp khác nhau để thức tỉnh tấm lòng của con người, thì vẫn còn một chặng đường dài để đi trước khi việc này có thể hoàn thành. Ta không muốn thấy bất kỳ ai cảm thấy dường như Đức Chúa Trời đã bỏ họ lại trong giá lạnh, rằng Đức Chúa Trời đã từ bỏ họ hoặc quay lưng lại với họ. Tất cả những gì Ta muốn thấy là mọi người đang trên đường để theo đuổi lẽ thật và cố gắng hiểu về Đức Chúa Trời, mạnh dạn tiến lên với quyết tâm không hề lay chuyển, không có bất kỳ nỗi lo âu hoặc gánh nặng nào. Dù cho ngươi đã phạm sai lầm gì, dù cho ngươi đã đi lạc bao xa hay ngươi đã vi phạm nghiêm trọng thế nào, đừng để những điều nàytrở thành gánh nặng hoặc hành lý quá tải trên con đường theo đuổi sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Cứ tiếp tục tiến lên. Vào mọi lúc, Đức Chúa Trời luôn giữ sự cứu rỗi con người trong lòng Ngài; điều này không bao giờ thay đổi. Đây là phần quý giá nhất trong thực chất của Đức Chúa Trời. Bây giờ các ngươi có cảm thấy khá hơn chút nào không? (Có.) Ta hy vọng rằng các ngươi có thể có cách tiếp cận đúng đối với mọi điều và với những lời Ta vừa phán dạy. Vậy thôi, chúng ta hãy kết thúc buổi thông công này ở đây. Tạm biệt!

Ngày 11 tháng 1 năm 2014

Trước: Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất V

Tiếp theo: Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất VII

Hồi chuông thời sau hết báo động đã vang lên, đại thảm họa đã ập xuống, bạn có muốn cùng gia đình nghênh đón được Thiên Chúa, và có cơ hội nhận được sự che chở của Thiên Chúa không?

Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời Về việc biết Đức Chúa Trời Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt Vạch rõ kẻ địch lại Đấng Christ The Responsibilities of Leaders and Workers Về việc mưu cầu lẽ thật I Về việc mưu cầu lẽ thật Sự phán xét khởi từ nhà Đức Chúa Trời Những lời trọng yếu từ Đức Chúa Trời Toàn Năng, Đấng Christ của thời kỳ sau rốt Lời Đức Chúa Trời hằng ngày Các thực tế lẽ thật mà người tin Đức Chúa Trời phải bước vào Theo Chiên Con và hát những bài ca mới Những chỉ dẫn cho việc truyền bá Phúc Âm của vương quốc Chiên của Đức Chúa Trời nghe tiếng của Đức Chúa Trời Lắng nghe tiếng Đức Chúa Trời thấy được sự xuất hiện của Đức Chúa Trời Những câu hỏi và câu trả lời thiết yếu về Phúc Âm của Vương quốc Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 1) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 2) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 3) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 4) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 5) Tôi đã quay về với Đức Chúa Trời Toàn Năng như thế nào

Cài đặt

  • Văn bản
  • Chủ đề

Màu Đồng nhất

Chủ đề

Phông

Kích cỡ Phông

Khoảng cách Dòng

Khoảng cách Dòng

Chiều rộng Trang

Mục lục

Tìm kiếm

  • Tìm kiếm văn bản này
  • Tìm kiếm cuốn sách này

Liên hệ với chúng tôi qua Messenger