Công tác của Đức Chúa Trời, tâm tính của Đức Chúa Trời, và chính Đức Chúa Trời I

Hôm nay chúng ta thông công về một đề tài quan trọng. Đây là một đề tài đã được thảo luận kể từ lúc bắt đầu công tác của Đức Chúa Trời và có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi một người. Nói cách khác, đây là một vấn đề mà mọi người sẽ gặp phải trong quá trình tin Đức Chúa Trời; đó là một vấn đề phải được đối mặt. Nó là một vấn đề cốt yếu, không thể tránh được mà nhân loại không thể ngoảnh mặt làm ngơ. Nói về tầm quan trọng, điều quan trọng nhất đối với mọi tín đồ của Đức Chúa Trời là gì? Một số người nghĩ rằng điều quan trọng nhất là hiểu được tâm ý của Đức Chúa Trời; một số người tin rằng điều quan trọng nhất là ăn uống lời Đức Chúa Trời nhiều hơn; một số thì cảm thấy điều quan trọng nhất là biết được bản thân họ; những người khác thì có quan niệm rằng điều quan trọng nhất là biết cách tìm được sự cứu rỗi thông qua Đức Chúa Trời, cách theo Đức Chúa Trời, và cách đáp ứng tâm ý của Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ đặt tất cả những vấn đề này sang một bên hôm nay. Vậy thì chúng ta đang bàn luận điều gì? Đề tài là Đức Chúa Trời. Có phải đây là đề tài quan trọng nhất đối với mỗi người không? Đề tài này bao hàm những gì? Dĩ nhiên, nó chắc chắn không thể tách khỏi tâm tính Đức Chúa Trời, thực chất Đức Chúa Trời, và công tác của Đức Chúa Trời. Như vậy hôm nay, chúng ta hãy thảo luận “công tác của Đức Chúa Trời, tâm tính của Đức Chúa Trời, và chính Đức Chúa Trời”.

Từ lúc con người bắt đầu tin vào Đức Chúa Trời, họ đã đối diện với những đề tài như công tác của Đức Chúa Trời, tâm tính của Đức Chúa Trời, và chính Đức Chúa Trời. Khi nói đến công tác của Đức Chúa Trời, một số người sẽ nói: “Công tác của Đức Chúa Trời được thực hiện trên chúng tôi; chúng tôi trải nghiệm nó mỗi ngày, do đó chúng tôi không xa lạ với nó”. Khi nói về tâm tính của Đức Chúa Trời, một số người sẽ nói: “Tâm tính của Đức Chúa Trời là một chủ đề mà chúng tôi nghiên cứu, khám phá, và tập trung vào suốt cả đời mình, do đó chúng tôi phải quen thuộc với nó”. Đối với chính Đức Chúa Trời, một số người sẽ nói: “Chính Đức Chúa Trời là Đấng chúng tôi theo, là Đấng chúng tôi giao phó đức tin, và là Đấng mà chúng tôi theo đuổi; chúng tôi cũng không phải là không được thông tin về Ngài”. Đức Chúa Trời chưa bao giờ dừng công tác của Ngài kể từ khi sáng thế; xuyên suốt công tác của Ngài, Ngài đã liên tục bày tỏ tâm tính Ngài và dùng những phương tiện khác nhau để bày tỏ lời Ngài. Đồng thời, Ngài chưa bao giờ ngưng bày tỏ chính Ngài và thực chất của Ngài với nhân loại, bày tỏ tâm ý của Ngài đối với con người và những gì Ngài yêu cầu từ con người. Bởi thế, theo nghĩa đen, không ai xa lạ với những đề tài này. Tuy nhiên, đối với những người theo Đức Chúa Trời hôm nay, công tác của Đức Chúa Trời, tâm tính của Đức Chúa Trời, và chính Đức Chúa Trời thật sự đều rất lạ lẫm. Tại sao lại như vậy? Khi con người trải nghiệm công tác của Đức Chúa Trời, họ cũng bắt đầu tiếp xúc với Đức Chúa Trời, khiến họ cảm thấy như thể họ hiểu tâm tính của Đức Chúa Trời, hoặc có kiến thức nào đó về việc nó sẽ như thế nào. Theo đó, con người không nghĩ mình xa lạ với công tác của Đức Chúa Trời hay tâm tính của Đức Chúa Trời. Thay vào đó, con người nghĩ họ rất quen thuộc với Đức Chúa Trời và hiểu nhiều về Đức Chúa Trời. Thế nhưng với tình hình hiện tại, sự hiểu biết này về Đức Chúa Trời, cùng nhiều điều khác, bị giới hạn trong những gì họ đọc từ sách, trong trải nghiệm cá nhân, bị kiềm chế bởi trí tưởng tượng, và hơn hết, bị bó buộc bởi những thực tế mà họ có thể thấy bằng chính mắt họ – tất cả những điều mà khác xa với chính Đức Chúa Trời thật. Và “khác xa” như vậy là bao xa? Có lẽ chính bản thân con người cũng không rõ, hay có lẽ con người có chút ý thức, một sự hiểu biết qua loa – nhưng khi nói đến chính Đức Chúa Trời, sự hiểu biết của con người về Ngài quá khác với thực chất của chính Đức Chúa Trời thật. Đây là lý do tại sao, đối với một đề tài như “công tác của Đức Chúa Trời, tâm tính của Đức Chúa Trời, và chính Đức Chúa Trời”, chúng ta bắt buộc phải tham gia thông công theo cách có hệ thống và cụ thể.

Trên thực tế, tâm tính của Đức Chúa Trời cởi mở với mọi người và không ẩn giấu, bởi vì Đức Chúa Trời chưa bao giờ chủ ý tránh né bất kỳ người nào và chưa bao giờ chủ ý tìm cách che giấu chính Ngài để ngăn con người biết Ngài hay hiểu Ngài. Tâm tính của Đức Chúa Trời luôn cởi mở và đối mặt với mỗi người một cách thẳng thắn. Trong sự quản lý của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời làm công tác của Ngài, đối diện với mọi người, và công tác của Ngài được thực hiện trên mỗi một con người. Khi Ngài làm công tác này, Ngài liên tục tỏ lộ tâm tính Ngài và liên tục dùng thực chất của Ngài, Ngài có gì và là gì, để hướng dẫn và chu cấp cho mỗi một người. Trong mỗi thời đại và mỗi giai đoạn, bất kể hoàn cảnh là tốt hay xấu, tâm tính của Đức Chúa Trời cũng luôn cởi mở với mỗi cá nhân, và những vật sở hữu và hữu thể của Ngài luôn cởi mở với mỗi cá nhân, cũng như sự sống của Ngài liên tục và không ngừng chu cấp, hỗ trợ cho nhân loại. Bất kể tất cả những điều này, tâm tính của Đức Chúa Trời vẫn còn là sự ẩn giấu đối với một số người. Tại sao? Bởi vì ngay cả khi những người này sống trong công tác của Đức Chúa Trời và theo Đức Chúa Trời, họ cũng không bao giờ cố gắng hiểu Đức Chúa Trời, cũng không muốn biết được Đức Chúa Trời, huống chi đến gần Đức Chúa Trời hơn. Đối với những người này, việc hiểu tâm tính Đức Chúa Trời là điềm báo rằng sự kết thúc của họ đã gần kề; điều này nghĩa là họ sắp bị phán xét và kết án bởi tâm tính của Đức Chúa Trời. Vì lẽ ấy, họ chưa bao giờ khao khát hiểu Đức Chúa Trời hay tâm tính của Ngài, cũng không bao giờ thèm muốn một sự hiểu biết hay kiến thức sâu hơn về tâm ý của Đức Chúa Trời. Họ không cố gắng để hiểu thấu tâm ý của Đức Chúa Trời thông qua sự phối hợp có chủ ý – họ cứ mãi vui hưởng và không bao giờ mệt mỏi làm những điều họ muốn làm; tin vào vị Đức Chúa Trời mà họ muốn tin; tin vào vị Đức Chúa Trời chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của họ, vị Đức Chúa Trời chỉ tồn tại trong những quan niệm của họ, và tin vào một vị Đức Chúa Trời không thể tách khỏi họ trong đời sống hàng ngày. Khi nói đến chính Đức Chúa Trời thật, họ hoàn toàn lãnh đạm và chẳng khao khát hiểu Ngài hay chú ý đến Ngài, và càng ít muốn đến gần Ngài hơn. Họ chỉ dùng những lời Đức Chúa Trời bày tỏ để tô điểm cho bản thân họ, để bao bọc chính họ. Đối với họ, điều này đã làm cho họ thành những tín đồ thành công và những người có đức tin nơi Đức Chúa Trời trong lòng. Trong lòng họ, họ được hướng dẫn bởi những sự tưởng tượng của họ, những quan niệm của họ, và thậm chí những định nghĩa của cá nhân họ về Đức Chúa Trời. Mặt khác, chính Đức Chúa Trời thật, lại tuyệt đối không có gì liên quan đến họ. Bởi vì, nếu họ hiểu chính Đức Chúa Trời thật, hiểu tâm tính thật của Đức Chúa Trời, và hiểu Đức Chúa Trời có gì và là gì, điều đó sẽ có nghĩa là những hành động của họ, đức tin của họ, và những sự mưu cầu của họ sẽ bị kết án. Đó là lý do tại sao họ ghét hiểu thực chất của Đức Chúa Trời, ghét và không sẵn lòng chủ động tìm kiếm hay cầu nguyện để hiểu Đức Chúa Trời rõ hơn, biết tâm ý của Đức Chúa Trời rõ hơn, và hiểu tâm tính của Đức Chúa Trời rõ hơn. Họ thà rằng Đức Chúa Trời là điều gì đó được dựng nên, điều gì đó trống rỗng và mơ hồ. Họ thà rằng Đức Chúa Trời là ai đó y như họ đã tưởng tượng về Ngài, ai đó có thể chịu sự sai khiến của họ, chu cấp vô tận và luôn sẵn có. Khi họ muốn được hưởng ân điển của Đức Chúa Trời, họ đòi hỏi Đức Chúa Trời phải là ân điển đó. Khi họ cần phúc lành của Đức Chúa Trời, họ đòi hỏi Đức Chúa Trời phải là phúc lành đó. Khi đối mặt với nghịch cảnh, họ xin Đức Chúa Trời làm cho họ bạo dạn, làm lá chắn phía sau của họ. Kiến thức của những người này về Đức Chúa Trời bị mắc kẹt trong ranh giới của ân điển và phúc lành. Sự hiểu biết của họ về công tác của Đức Chúa Trời, tâm tính của Đức Chúa Trời, và chính Đức Chúa Trời cũng chỉ giới hạn trong những sự tưởng tượng của họ, những câu chữ và giáo lý. Nhưng có một số người thiết tha được hiểu tâm tính của Đức Chúa Trời, muốn thật sự được nhìn thấy chính Đức Chúa Trời, và thật sự hiểu tâm tính của Đức Chúa Trời, hiểu Ngài có gì và là gì. Những người này đang theo đuổi hiện thực của lẽ thật và của sự cứu rỗi bởi Đức Chúa Trời, và tìm kiếm để nhận lãnh sự chinh phục, cứu rỗi, và hoàn thiện bởi Đức Chúa Trời. Họ dùng con tim họ để đọc lời Đức Chúa Trời, dùng con tim họ để cảm kích mọi tình huống và mọi người, sự kiện, và sự việc mà Đức Chúa Trời đã sắp xếp cho họ, và họ cầu nguyện, tìm kiếm bằng sự chân thành. Điều họ muốn biết nhất là tâm ý của Đức Chúa Trời, muốn hiểu nhất là tâm tính và thực chất thật của Đức Chúa Trời, rằng họ không còn xúc phạm Đức Chúa Trời, và thông qua những trải nghiệm của họ, có thể thấy được sự đáng mến của Đức Chúa Trời và phương diện thật của Ngài nhiều hơn. Điều đó cũng là để một Đức Chúa Trời thật đích thực sẽ hiện hữu trong lòng họ, và để Đức Chúa Trời sẽ có một chỗ trong lòng họ, như thế họ sẽ không còn sống giữa những sự tưởng tượng, quan niệm, hay sự mơ hồ nữa. Đối với những người này, lý do họ có sự khao khát luôn thôi thúc được hiểu tâm tính của Đức Chúa Trời và thực chất của Ngài là vì tâm tính và thực chất của Đức Chúa Trời là những gì nhân loại cần vào mọi khoảnh khắc trong quá trình trải nghiệm của họ; chính tâm tính và thực chất của Ngài chu cấp sự sống xuyên suốt cuộc đời của một người. Một khi họ hiểu tâm tính của Đức Chúa Trời, họ sẽ có thể kính sợ Đức Chúa Trời tốt hơn, phối hợp với công tác của Đức Chúa Trời tốt hơn, ân cần hơn với tâm ý của Đức Chúa Trời và làm tốt bổn phận của họ. Đó là những thái độ của hai kiểu người đối với tâm tính Đức Chúa Trời. Kiểu thứ nhất không muốn hiểu tâm tính Đức Chúa Trời. Ngay cả khi họ nói rằng họ muốn hiểu tâm tính Đức Chúa Trời, biết chính Đức Chúa Trời, thấy Đức Chúa Trời có gì và là gì, và thật sự cảm kích tâm ý của Đức Chúa Trời, thì tận sâu thẳm, họ muốn rằng Đức Chúa Trời không tồn tại. Đó là vì kiểu người này liên tục phản nghịch và chống đối Đức Chúa Trời; họ chiến đấu với Đức Chúa Trời vì địa vị trong lòng của họ và thường hoài nghi hay thậm chí phủ nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Họ không muốn để tâm tính của Đức Chúa Trời hay chính Đức Chúa Trời thật chiếm ngự lòng họ. Họ chỉ muốn đáp ứng những khao khát, sự tưởng tượng, và tham vọng của riêng họ. Như vậy, những người này có thể tin Đức Chúa Trời, theo Đức Chúa Trời, và cũng có thể từ bỏ gia đình, công việc vì Ngài, nhưng họ không bỏ được những con đường tà ác của họ. Một số người thậm chí ăn cắp hoặc hoang phí các của lễ, hay nguyền rủa Đức Chúa Trời trong âm thầm, trong khi những người khác thì có thể dùng vị trí của họ để hết lần này đến lần khác tự chứng thực, tự phóng đại bản thân họ, tranh giành con người và địa vị với Đức Chúa Trời. Họ dùng những biện pháp và phương pháp khác nhau để làm cho mọi người thờ phượng họ, liên tục cố gắng giành lấy mọi người và kiểm soát họ. Một số người thậm chí còn cố ý lường gạt để mọi người nghĩ rằng họ là Đức Chúa Trời, để họ có thể được đối đãi như Đức Chúa Trời. Họ sẽ không bao giờ nói với ai rằng họ đã bị bại hoại – rằng họ cũng sa ngã và kiêu ngạo, đừng thờ phượng họ, và rằng bất kể họ làm tốt như thế nào, thì tất cả đều là bởi sự đề cao của Đức Chúa Trời và rằng dù sao thì họ cũng đang làm điều họ phải làm. Tại sao họ không nói những điều này? Bởi vì họ vô cùng lo sợ đánh mất vị trí của họ trong lòng mọi người. Đây là lý do tại sao những người như thế không bao giờ tán tụng Đức Chúa Trời và không bao giờ làm chứng cho Đức Chúa Trời, bởi họ chưa bao giờ cố gắng hiểu Đức Chúa Trời. Họ có thể biết Đức Chúa Trời mà không hiểu Ngài không? Không thể! Như vậy, mặc dù những lời trong đề tài “công tác của Đức Chúa Trời, tâm tính của Đức Chúa Trời, và chính Đức Chúa Trời” có thể đơn giản, nhưng chúng lại có những ý nghĩa khác nhau đối với mỗi người. Đối với người thường xuyên phản nghịch Đức Chúa Trời, chống đối Đức Chúa Trời, và thù địch Đức Chúa Trời, những lời ấy là điềm báo sự kết án; trong khi người theo đuổi thực tế lẽ thật và thường đến trước Đức Chúa Trời để tìm kiếm tâm ý của Đức Chúa Trời thì sẽ như cá gặp nước khi nghe những lời ấy. Như vậy trong số các ngươi có những người mà, khi họ nghe nói về tâm tính Đức Chúa Trời và công tác của Đức Chúa Trời, họ bắt đầu cảm thấy nhức đầu, lòng họ đầy sự kháng cự, và họ trở nên cực kỳ không thoải mái. Nhưng có những người khác trong các ngươi thì cảm thấy rằng đề tài này chính là thứ họ cần, bởi vì nó rất bổ ích cho họ. Nó là điều không thể thiếu trong trải nghiệm sống của họ; nó là mấu chốt của mấu chốt, nền tảng của đức tin nơi Đức Chúa Trời, và là điều nhân loại không thể từ bỏ. Đối với hết thảy các ngươi, đề tài này có thể dường như vừa gần lại vừa xa, chưa biết tới nhưng lại quen thuộc. Nhưng dù thế nào, đây cũng là đề tài mà mọi người phải lắng nghe, phải biết, và phải hiểu. Cho dù ngươi đối phó với nó như thế nào, cho dù ngươi nhìn nhận nó như thế nào, hay ngươi hiểu nó ra sao, thì cũng không thể lơ là tầm quan trọng của đề tài này.

Đức Chúa Trời đã và đang làm công tác của Ngài kể từ khi Ngài tạo ra nhân loại. Vào lúc khởi đầu, đó là một công tác rất đơn giản, nhưng dù đơn giản, nó chứa đựng những sự bày tỏ về thực chất và tâm tính của Đức Chúa Trời. Mặc dù công tác của Đức Chúa Trời giờ đây đã được nâng tầm, và công tác này trên mỗi người theo Ngài đã trở nên lớn lao và cụ thể, với sự bày tỏ tuyệt vời của lời Ngài, thân vị của Đức Chúa Trời xuyên khắp đã ẩn đi khỏi nhân loại. Mặc dù Ngài đã được nhập thể hai lần, từ thời của những bản ghi chép Kinh Thánh cho đến những ngày hiện đại, ai đã từng thấy thân vị thật của Đức Chúa Trời? Dựa trên sự hiểu biết của các ngươi, có bất kỳ ai từng thấy thân vị thật của Đức Chúa Trời chưa? Chưa. Chưa ai từng thấy thân vị thật của Đức Chúa Trời cả, nghĩa là chưa ai từng thấy bản ngã thật của Đức Chúa Trời. Đây là điều mọi người đều đồng ý. Nói thế nghĩa là, thân vị thật của Đức Chúa Trời, hay Thần của Đức Chúa Trời, được che giấu khỏi toàn nhân loại, kể cả A-đam và Ê-va, những người mà Ngài đã tạo nên, và kể cả Gióp công chính, người mà Ngài đã chấp nhận. Không ai trong số họ đã nhìn thấy thân vị thật của Đức Chúa Trời. Nhưng tại sao Đức Chúa Trời lại chủ tâm che giấu thân vị thật của Ngài? Một số người nói: “Đức Chúa Trời e là sẽ làm con người sợ hãi”. Những người khác thì nói: “Đức Chúa Trời giấu đi thân vị thật của Ngài bởi vì con người quá nhỏ bé và Đức Chúa Trời thì quá vĩ đại; con người không thể nhìn thấy Ngài, nếu không họ sẽ chết”. Cũng có những người nói rằng: “Đức Chúa Trời bận quản lý công tác của Ngài mỗi ngày, và Ngài có thể không có thời gian để xuất hiện hầu cho mọi người có thể thấy Ngài”. Cho dù các ngươi tin như thế nào thì Ta cũng có một kết luận ở đây. Kết luận ấy là gì? Đó là Đức Chúa Trời đơn giản là không muốn mọi người thấy thân vị thật của Ngài. Ẩn đi khỏi nhân loại là điều Đức Chúa Trời làm một cách có chủ ý. Nói cách khác, ý định của Đức Chúa Trời là để cho con người không nhìn thấy thân vị thật của Ngài. Điều này nên rõ ràng với mọi người vào lúc này. Nếu Đức Chúa Trời chưa bao giờ tỏ lộ thân vị của Ngài với bất kỳ ai, vậy thì các ngươi nghĩ thân vị của Đức Chúa Trời có hiện hữu không? (Ngài có hiện hữu.) Dĩ nhiên Ngài có. Sự hiện hữu của thân vị Đức Chúa Trời là không chút nghi ngờ. Nhưng đối với việc thân vị của Đức Chúa Trời vĩ đại như thế nào hay Ngài trông ra sao, đây có phải là những câu hỏi mà nhân loại nên điều tra không? Không. Câu trả lời là không. Nếu thân vị của Đức Chúa Trời không phải là một đề tài mà chúng ta nên khám phá, vậy thì cái gì mới phải? (Tâm tính của Đức Chúa Trời.) (Công tác của Đức Chúa Trời.) Tuy nhiên, trước khi bắt đầu thông công về đề tài chính, chúng ta hãy quay lại điều vừa mới thảo luận: Tại sao Đức Chúa Trời không bao giờ tỏ lộ thân vị Ngài với nhân loại? Tại sao Đức Chúa Trời lại cố ý ẩn giấu thân vị của Ngài khỏi nhân loại? Chỉ có một lý do, và đó là: Mặc dù con người mà Đức Chúa Trời tạo dựng đã trải nghiệm hàng ngàn năm công tác của Ngài, vẫn không một người nào biết công tác của Đức Chúa Trời, tâm tính của Đức Chúa Trời, và thực chất của Đức Chúa Trời. Trong mắt Đức Chúa Trời, những người như thế là đối lập với Ngài, và Đức Chúa Trời sẽ không cho những người thù nghịch với Ngài thấy Ngài. Đây là lý do duy nhất khiến Đức Chúa Trời chưa bao giờ tỏ lộ thân vị của Ngài với nhân loại và tại sao Ngài lại chủ ý che đậy thân vị của Ngài trước con người. Bây giờ tầm quan trọng của việc biết tâm tính Đức Chúa Trời đã rõ ràng với các ngươi chưa?

Từ lúc tồn tại việc quản lý của Đức Chúa Trời, Ngài đã luôn toàn tâm thực hiện công tác của Ngài. Cho dù che giấu thân vị của Ngài khỏi con người, Ngài luôn bên cạnh con người, làm công tác trên con người, bày tỏ tâm tính Ngài, hướng dẫn toàn nhân loại với thực chất của Ngài, và làm công tác của Ngài ở mỗi một con người thông qua sự toàn năng, sự khôn ngoan, và thẩm quyền của Ngài, nhờ đó làm nên Thời đại Luật pháp, Thời đại Ân điển, và Thời đại Vương quốc của ngày nay. Mặc dù Đức Chúa Trời che giấu thân vị Ngài khỏi con người, nhưng tâm tính của Ngài, hữu thể của Ngài, những vật sở hữu của Ngài, và tâm ý của Ngài đối với nhân loại được tỏ lộ một cách cởi mở cho con người để con người nhìn thấy và trải nghiệm. Nói cách khác, mặc dù nhân loại không thể thấy hay chạm Đức Chúa Trời, tâm tính và thực chất của Đức Chúa Trời mà nhân loại gặp phải tuyệt đối là những sự bày tỏ của chính Đức Chúa Trời. Chẳng phải đó là sự thật sao? Bất kể cách thức hay góc độ tiếp cận mà Đức Chúa Trời chọn cho công tác của Ngài, Ngài luôn đối đãi với con người thông qua thân phận thật của Ngài, làm công tác trong phận sự của Ngài, và phán những lời Ngài buộc phải phán. Cho dù Đức Chúa Trời phán từ vị trí nào – Ngài có thể đứng ở tầng trời thứ ba, hay đứng trong xác thịt, hay thậm chí như một người bình thường – Ngài luôn phán với con người bằng cả tấm lòng Ngài và cả tâm trí Ngài, không chút dối trá hay che đậy. Khi Đức Chúa Trời thực hiện công tác của mình, Ngài bày tỏ lời Ngài và tâm tính Ngài, và bày tỏ Ngài có gì và là gì, không chút e dè nào cả. Ngài hướng dẫn nhân loại bằng sự sống của Ngài, bằng hữu thể và những vật sở hữu của Ngài. Đây là cách con người sống suốt Thời đại Luật pháp – thuở nằm nôi của nhân loại – dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời “không thể thấy được và không thể chạm được”.

Đức Chúa Trời đã trở nên xác thịt lần đầu tiên sau Thời đại Luật pháp – một sự nhập thể kéo dài ba mươi ba năm rưỡi. Đối với một con người, ba mươi ba năm rưỡi có là khoảng thời gian dài không? (Không dài.) Bởi tuổi thọ của con người thường dài hơn nhiều so với ba mươi mấy năm, đây không phải là một khoảng thời gian quá dài với con người. Nhưng đối với Đức Chúa Trời nhập thể, ba mươi ba năm rưỡi này quả thật là dài. Ngài đã trở thành một con người – một con người bình thường đảm nhận công tác và sự ủy nhiệm của Đức Chúa Trời. Điều này nghĩa là Ngài đã phải đảm đương công tác mà một người bình thường không thể xử lý, đồng thời cũng chịu sự đau khổ mà những người bình thường không thể chịu được. Mức đau khổ mà Đức Chúa Jêsus đã chịu trong Thời đại Ân điển, từ lúc bắt đầu công tác của Ngài đến khi Ngài bị đóng đinh lên cây thập tự, có thể không phải là điều con người ngày nay có thể đích thân chứng kiến, nhưng chí ít, chẳng lẽ các ngươi không thể có được ý tưởng nào về điều đó thông qua những câu chuyện trong Kinh Thánh sao? Bất kể có bao nhiêu chi tiết trong những sự kiện được ghi chép này thì nhìn chung, công tác của Đức Chúa Trời trong khoảng thời gian này đầy gian truân và đau khổ. Đối với một con người bại hoại, ba mươi ba năm rưỡi không phải là thời gian dài; chút đau khổ chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng đối với Đức Chúa Trời thánh khiết, không chút vết nhơ, Đấng đã phải chịu đựng toàn bộ tội lỗi của nhân loại, và ăn, uống, sống với những kẻ tội lỗi, nỗi đau này to lớn đến không tưởng. Ngài là Đấng Tạo Hóa, Đấng tể trị vạn vật và Đấng tể trị mọi sự, ấy thế mà khi Ngài đến thế gian, Ngài đã phải chịu sự áp bức và tàn ác của những con người bại hoại. Để hoàn thành công tác của Ngài và giải cứu nhân loại khỏi bể khổ, Ngài đã phải bị con người kết án và gánh tội cho toàn nhân loại. Mức độ đau khổ mà Ngài đã trải qua là không thể hiểu thấu, cũng không thể nhận thức rõ đối với những người bình thường. Sự đau khổ này đại diện cho điều gì? Nó đại diện cho sự tận tụy của Đức Chúa Trời với nhân loại. Nó đại diện cho sự nhục mạ mà Ngài đã chịu và cái giá mà Ngài đã trả vì sự cứu rỗi con người, để chuộc tội cho họ, và để hoàn thành giai đoạn này của công tác của Ngài. Nó cũng có nghĩa là con người sẽ được Đức Chúa Trời cứu chuộc khỏi cây thập tự. Đây là cái giá được trả bằng máu, bằng sự sống, và là một cái giá mà không loài thọ tạo nào có khả năng trả được. Chính bởi vì Ngài có thực chất của Đức Chúa Trời và sở hữu những gì Đức Chúa Trời có và là mà Ngài có thể chịu đựng dạng đau khổ này và làm dạng công tác này. Đây là điều không một loài thọ tạo nào có thể làm được thay cho Ngài. Đây là công tác của Đức Chúa Trời trong Thời đại Ân điển và là sự mặc khải về tâm tính Ngài. Điều này có tỏ lộ bất cứ điều gì về việc Đức Chúa Trời có gì và là gì không? Điều này có đáng để nhân loại biết không? Vào thời đại đó, mặc dù con người không nhìn thấy thân vị của Đức Chúa Trời nhưng họ đã nhận lãnh của lễ chuộc tội của Đức Chúa Trời và được Đức Chúa Trời cứu chuộc khỏi cây thập tự. Nhân loại có thể không xa lạ với công tác mà Đức Chúa Trời đã làm trong Thời đại Ân điển, nhưng có ai quen thuộc với tâm tính và tâm ý mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ trong khoảng thời gian đó không? Con người chỉ biết về những chi tiết trong công tác của Đức Chúa Trời qua những thời đại khác nhau và thông qua những kênh khác nhau, hoặc biết những câu chuyện liên quan đến Đức Chúa Trời đã diễn ra vào cùng lúc Đức Chúa Trời thực hiện công tác của Ngài. Những chi tiết và câu chuyện này cùng lắm chỉ là thông tin hay truyền thuyết nào đó về Đức Chúa Trời và không liên quan gì đến tâm tính và thực chất Đức Chúa Trời. Như vậy cho dù con người biết được bao nhiêu chuyện về Đức Chúa Trời, điều đó không có nghĩa rằng họ có sự hiểu biết và kiến thức sâu sắc về tâm tính của Đức Chúa Trời hay thực chất của Ngài. Cũng như trong Thời đại Luật pháp, mặc dù con người trong Thời đại Ân điển đã trải nghiệm sự gặp gỡ trực tiếp và mật thiết với Đức Chúa Trời trong xác thịt, kiến thức của họ về tâm tính Đức Chúa Trời và thực chất của Đức Chúa Trời hầu như không tồn tại.

Trong Thời đại Vương quốc, Đức Chúa Trời đã trở nên xác thịt một lần nữa, theo cùng một cách mà Ngài đã làm vào lần đầu. Trong khoảng thời gian công tác này, Đức Chúa Trời vẫn cởi mở bày tỏ lời Ngài, làm công tác mà Ngài buộc phải làm, và bày tỏ Ngài có gì và là gì. Đồng thời, Ngài tiếp tục chịu đựng và dung thứ cho sự phản nghịch và ngu xuẩn của con người. Chẳng phải Đức Chúa Trời cũng liên tục tỏ lộ tâm tính của Ngài và bày tỏ tâm ý của Ngài trong khoảng thời gian công tác này sao? Vì lẽ ấy, từ khi tạo dựng con người cho đến bây giờ, tâm tính của Đức Chúa Trời, hữu thể và những sự sở hữu của Ngài, và tâm ý của Ngài luôn cởi mở với mọi người. Đức Chúa Trời chưa bao giờ chủ ý giấu đi thực chất của Ngài, tâm tính của Ngài, hay tâm ý của Ngài. Chỉ là nhân loại không quan tâm về việc Đức Chúa Trời đang làm gì, tâm ý của Ngài là gì – đó là lý do tại sao con người có sự hiểu biết kém cỏi như thế về Đức Chúa Trời. Nói cách khác, mặc dù Đức Chúa Trời che giấu thân vị của Ngài, Ngài cũng đứng bên con người trong mọi khoảnh khắc, phản chiếu rõ tâm ý, tâm tính và bản thể của Ngài vào mọi lúc một cách cởi mở. Theo một ý nghĩa nào đó, thân vị của Đức Chúa Trời cũng cởi mở với con người, nhưng do sự mù quáng và phản nghịch của con người, họ không bao giờ có thể thấy được sự xuất hiện của Đức Chúa Trời. Như thế nếu đúng là vậy thì có phải việc hiểu về tâm tính Đức Chúa Trời và chính Đức Chúa Trời là không dễ đối với mọi người sao? Đó là một câu hỏi rất khó trả lời, phải không? Ngươi có thể nói rằng điều này dễ dàng, nhưng mặc dù một số người cố gắng để biết Đức Chúa Trời, họ không thể thật sự biết được Ngài hay có được sự hiểu biết rõ ràng về Ngài – điều này luôn mù mịt và mơ hồ. Nhưng nếu ngươi nói rằng không dễ thì cũng không đúng. Đã là đối tượng cho công tác của Đức Chúa Trời lâu như vậy, thì thông qua trải nghiệm của mình, mọi người hẳn đã có được những sự giao thiệp đích thực với Đức Chúa Trời. Họ chí ít đã cảm nhận Đức Chúa Trời ở một mức độ nào đó trong lòng mình, hay đã có một sự va chạm thuộc linh với Đức Chúa Trời, và họ chí ít đã có sự nhận biết sâu sắc nào đó về tâm tính Đức Chúa Trời hay đạt được sự hiểu biết nào đó về Ngài. Từ lúc con người bắt đầu theo Đức Chúa Trời cho đến nay, nhân loại đã nhận lãnh quá nhiều, nhưng bởi đủ mọi nguyên do – tố chất kém cỏi, sự ngu dốt, phản nghịch, và những ý định khác nhau của con người – mà nhân loại cũng đã tổn thất rất nhiều. Chẳng lẽ Đức Chúa Trời chưa ban cho nhân loại đủ sao? Mặc dù Đức Chúa Trời giấu đi thân vị của Ngài khỏi nhân loại, Ngài chu cấp cho nhân loại với việc Ngài có gì và là gì, và sự sống của Ngài; kiến thức của nhân loại về Đức Chúa Trời không nên chỉ như những gì trong hiện tại. Đó là lý do tại sao Ta nghĩ rằng cần phải thông công thêm với các ngươi về chủ đề công tác của Đức Chúa Trời, tâm tính của Đức Chúa Trời, và chính Đức Chúa Trời. Mục đích là để hàng ngàn năm chăm sóc và quan tâm mà Đức Chúa Trời đã ban cho con người không kết thúc cách vô ích, và để nhân loại có thể thật sự hiểu và cảm kích tâm ý của Đức Chúa Trời đối với họ. Điều này là để con người có thể tiến tới một giai đoạn mới trong kiến thức của mình về Đức Chúa Trời. Nó cũng sẽ đưa Đức Chúa Trời về lại vị trí thật của Ngài trong lòng con người; nghĩa là, công bằng với Ngài.

Để hiểu được tâm tính Đức Chúa Trời và chính Đức Chúa Trời, các ngươi phải bắt đầu từ việc nhỏ. Nhưng bắt đầu từ việc nhỏ ở đâu? Để mở đầu, Ta đã chọn một số chương từ Kinh Thánh. Thông tin bên dưới chứa các câu Kinh Thánh, toàn bộ đều liên quan đến chủ đề công tác của Đức Chúa Trời, tâm tính của Đức Chúa Trời, và chính Đức Chúa Trời. Ta tìm chính xác những đoạn trích này làm tài liệu tham khảo để giúp các ngươi biết công tác của Đức Chúa Trời, tâm tính của Đức Chúa Trời, và chính Đức Chúa Trời. Bằng cách chia sẻ chúng, chúng ta sẽ có thể thấy Đức Chúa Trời đã tỏ lộ dạng tâm tính nào thông qua công tác trước đây của Ngài và những khía cạnh nào của thực chất Ngài mà con người không biết. Những chương này có thể đã cũ, nhưng đề tài mà chúng ta đang thông công là điều mới mẻ mà con người không có và chưa bao giờ nghe qua. Một số người trong các ngươi có thể thấy không thể hiểu được – chẳng phải việc đưa ra A-đam, Ê-va và quay lại với Nô-ê sẽ là truy lại những bước y như cũ sao? Cho dù các ngươi nghĩ gì, những chương này rất bổ ích cho việc thông công về đề tài này và có thể đóng thân phận như tài liệu giáo lý hay tài liệu cơ bản cho buổi thông công hôm nay. Vào lúc Ta hoàn tất buổi thông công này, các ngươi sẽ hiểu những ý định của Ta đằng sau việc chọn các chương này. Những ai đã đọc Kinh Thánh trước đây có thể đã đọc vài câu này, nhưng có thể đã không thật sự hiểu chúng. Trước tiên, chúng ta hãy ôn nhanh lại, sau đó xem xét chi tiết từng câu một trong buổi thông công của chúng ta.

A-đam và Ê-va là tổ phụ của nhân loại. Nếu chúng ta muốn đề cập đến các nhân vật từ Kinh Thánh thì chúng ta phải bắt đầu với hai người họ. Tiếp theo là Nô-ê, tổ phụ thứ hai của nhân loại. Ai là tổ phụ thứ ba? (Áp-ra-ham.) Tất cả các ngươi đều biết câu chuyện về Áp-ra-ham chứ? Một số người trong các ngươi có thể biết, nhưng đối với những người khác thì có thể không rõ ràng cho lắm. Ai là nhân vật thứ tư? Ai được đề cập trong câu chuyện về sự hủy diệt Sô-đôm? (Lót.) Nhưng Lót không được đề cập ở đây. Nó ám chỉ ai? (Áp-ra-ham.) Điều chính yếu được đề cập trong câu chuyện của Áp-ra-ham là điều Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã phán. Các ngươi có thấy điều đó không? Ai là nhân vật thứ năm? (Gióp.) Chẳng phải Đức Chúa Trời đề cập nhiều đến câu chuyện của Gióp trong giai đoạn hiện tại này của công tác của Ngài sao? Vậy các ngươi có quan tâm rất nhiều về câu chuyện này không? Nếu các ngươi có quan tâm rất nhiều, các ngươi đã đọc kỹ câu chuyện về Gióp trong Kinh Thánh chưa? Các ngươi có biết Gióp đã nói những gì không, và ông đã làm những gì không? Đối với những người đã đọc nhiều nhất trong các ngươi, các ngươi đã đọc nó bao nhiêu lần? Các ngươi có đọc nó thường xuyên không? Các chị đến từ Hồng Kông, xin cho chúng tôi biết. (Trước đây tôi đọc hai lần khi chúng ta ở trong Thời đại Ân điển.) Ngươi không đọc lại kể từ đó ư? Thật đáng tiếc. Ta bảo các ngươi: Trong giai đoạn này của công tác của Đức Chúa Trời, Ngài đã đề cập đến Gióp nhiều lần, đây là một sự phản ánh những ý định của Ngài. Việc Ngài đã đề cập Gióp nhiều lần nhưng lại chẳng gợi lên được sự chú ý của các ngươi là bằng chứng cho một thực tế: các ngươi không quan tâm đến việc làm người tốt, và người kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác. Điều này là vì các ngươi thỏa mãn với việc chỉ có ý tưởng sơ bộ về câu chuyện của Gióp mà Đức Chúa Trời đã dẫn ra. Các ngươi hài lòng với sự hiểu biết đơn thuần về bản thân câu chuyện, nhưng các ngươi không quan tâm và không cố gắng hiểu những chi tiết của việc Gióp là ai và mục đích đằng sau lý do Đức Chúa Trời đề cập Gióp ở nhiều dịp như vậy. Nếu một người được Đức Chúa Trời khen ngợi như thế lại không khiến các ngươi quan tâm, vậy thì chính xác là các ngươi đang chú ý đến điều gì? Nếu các ngươi không quan tâm hay cố gắng hiểu một người quan trọng như thế mà Đức Chúa Trời đã đề cập, thì điều đó có thể nói lên điều gì về thái độ của các ngươi đối với lời Đức Chúa Trời? Chẳng phải sẽ là thật đáng trách sao? Chẳng phải nó sẽ chứng minh rằng đa số các ngươi không làm những điều thực tế hay theo đuổi lẽ thật sao? Nếu ngươi có theo đuổi lẽ thật, ngươi sẽ có sự chú ý tất yếu tới những người mà Đức Chúa Trời chấp thuận và những câu chuyện về các nhân vật mà Đức Chúa Trời đã nói đến. Bất kể ngươi có thể sống theo họ hay thấy những câu chuyện của họ rõ ràng hay không, ngươi sẽ sớm đi và đọc về họ, cố gắng hiểu thấu họ, tìm cách noi gương họ, và làm những gì ngươi có thể bằng khả năng tốt nhất của mình. Đây là cách ai đó khao khát lẽ thật phải hành động. Nhưng thực tế là, hầu hết các ngươi đang ngồi đây đều chưa bao giờ đọc chuyện về Gióp – và điều đó khá là rõ ràng.

Chúng ta hãy quay lại đề tài mà Ta vừa thảo luận. Trong phần này của Kinh Thánh, liên quan đến Thời đại Luật pháp của Cựu Ước, Ta đã quyết định tập trung vào những câu chuyện nhất định về các nhân vật mang tính đại diện cao mà hầu hết mọi người đã đọc Kinh Thánh đều quen thuộc. Bất kỳ ai đọc những câu chuyện về các nhân vật này đều sẽ có thể cảm thấy rằng công tác mà Đức Chúa Trời đã làm trên họ và những lời Đức Chúa Trời đã phán với họ cũng hữu hình và dễ tiếp cận ngang bằng đối với con người ngày nay. Khi ngươi đọc những câu chuyện này, những ghi chép từ Kinh Thánh, ngươi sẽ có thể hiểu rõ hơn về cách Đức Chúa Trời đã thực hiện công tác của Ngài và đã đối đãi với con người ở những thời đó trong lịch sử như thế nào. Nhưng nguyên nhân khiến Ta quyết định thảo luận về những chương này hôm nay không phải là để ngươi cố tập trung vào chính những câu chuyện hay các nhân vật trong đó. Đúng hơn, đó là để ngươi có thể – thông qua các câu chuyện của những nhân vật này – thấy được những việc làm của Đức Chúa Trời và tâm tính Ngài. Điều này sẽ cho phép các ngươi biết và hiểu Đức Chúa Trời dễ dàng hơn, thấy được phương diện thật của Ngài; nó sẽ xua tan những sự suy đoán vàquan niệm của ngươi về Ngài, và giúp hướng ngươi ra khỏi đức tin bị bủa vây bởi sự mơ hồ. Trừ khi ngươi có một nền tảng vững chắc, việc cố gắng hiểu ý nghĩa của tâm tính Đức Chúa Trời và biết được chính Đức Chúa Trời thường có thể dẫn tới một cảm giác vô vọng, bất lực, và bất định về cả việc bắt đầu từ đâu. Đây là điều đã thôi thúc Ta phát triển một phương pháp và đường hướng có thể giúp ngươi hiểu Đức Chúa Trời rõ hơn, cảm kích tâm ý của Đức Chúa Trời một cách chân thật hơn, biết đến tâm tính của Đức Chúa Trời và chính Đức Chúa Trời, và để ngươi thật sự cảm nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời và cảm kích tâm ý của Ngài đối với nhân loại. Chẳng phải điều này là vì tất cả lợi ích của các ngươi sao? Bây giờ khi các ngươi xem lại những câu chuyện và những phần này của Kinh Thánh, các ngươi cảm thấy gì trong lòng mình? Các ngươi có nghĩ những phần Kinh Thánh mà Ta đã chọn là thừa thãi không? Ta phải nhấn mạnh lại điều Ta vừa nói với các ngươi: Mục tiêu của việc bảo các ngươi đọc những câu chuyện về các nhân vật này là để giúp các ngươi thấy Đức Chúa Trời làm công tác của Ngài trên con người như thế nào và hiểu rõ hơn về thái độ của Ngài đối với nhân loại. Điều gì sẽ giúp các ngươi đạt đến sự hiểu biết này? Hiểu công tác mà Đức Chúa Trời đã làm trong quá khứ, và liên hệ nó với công tác mà Đức Chúa Trời đang làm ngay lúc này – điều này sẽ giúp các ngươi hiểu vô số các phương diện của Ngài. Vô số các phương diện này là có thật và phải được biết đến, được hiểu bởi tất cả những ai ao ước được biết Đức Chúa Trời.

Chúng ta hãy bắt đầu với câu chuyện về A-đam và Ê-va, mở đầu với một đoạn trích từ Kinh Thánh.

A. A-đam và Ê-va

1. Sự phán dạy của Đức Chúa Trời với A-đam

Sách sáng thế 2:15-17 Giê-hô-va Ðức Chúa Trời đem người ở vào cảnh vườn Ê-đen để trồng và giữ vườn. Rồi, Giê-hô-va Ðức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết.

Các ngươi góp nhặt được gì từ những câu này? Phần này của Kinh Thánh khiến các ngươi cảm thấy thế nào? Tại sao Ta lại quyết định nói về sự phán dạy của Đức Chúa Trời với A-đam? Mỗi người trong các ngươi giờ đây có hình tượng về Đức Chúa Trời và A-đam trong trí mình không? Các ngươi có thể thử tưởng tượng: Nếu các ngươi là người trong cảnh tượng đó, thì tận sâu thẳm, các ngươi nghĩ Đức Chúa Trời sẽ như thế nào? Việc suy nghĩ về điều này khiến các ngươi cảm thấy ra sao? Đây là một bức tranh cảm động và ấm lòng. Mặc dù chỉ có Đức Chúa Trời và con người trong đó, sự mật thiết giữa họ khiến ngươi đầy cảm giác ngưỡng mộ: Tình yêu tràn đầy của Đức Chúa Trời được ban một cách tự do trên con người và vây lấy con người; con người ngây thơ và tinh sạch, không vướng bận và vô tư, sống sung sướng dưới mắt Đức Chúa Trời; Đức Chúa Trời thể hiện sự quan tâm đối với con người, trong khi con người thì sống dưới sự bảo vệ và phúc lành của Đức Chúa Trời; mỗi một điều con người làm và nói đều liên kết chặt chẽ và không thể tách khỏi Đức Chúa Trời.

Đây có thể được gọi là sự phán dạy đầu tiên của Đức Chúa Trời với con người sau khi tạo ra họ. Sự phán dạy này truyền đạt điều gì? Nó truyền đạt tâm ý của Đức Chúa Trời, nhưng cũng có cả những sự lo lắng của Ngài đối với nhân loại. Đây là sự phán dạy đầu tiên của Đức Chúa Trời, và cũng là lần đầu Đức Chúa Trời bày tỏ sự lo lắng đối với con người. Nói thế nghĩa là, Đức Chúa Trời đã cảm thấy một trách nhiệm đối với con người kể từ thời khắc Ngài tạo ra họ. Trách nhiệm của Ngài là gì? Ngài phải bảo vệ, trông nom con người. Ngài hy vọng con người có thể tin cậy và vâng lời Ngài. Đây cũng là sự kỳ vọng đầu tiên của Đức Chúa Trời về con người. Chính với sự kỳ vọng này mà Đức Chúa Trời phán như sau: “Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết”. Những lời đơn giản này đại diện cho tâm ý của Đức Chúa Trời. Chúng cũng tỏ lộ rằng, trong lòng Ngài, Đức Chúa Trời đã bắt đầu thể hiện sự quan tâm lo lắng đối với con người. Trong muôn vật, chỉ A-đam được làm nên theo hình tượng của Đức Chúa Trời; A-đam là sinh vật sống duy nhất với hơi thở sự sống của Đức Chúa Trời; ông có thể đi dạo cùng Đức Chúa Trời, trò chuyện cùng Đức Chúa Trời. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời ban cho ông sự phán dạy này. Đức Chúa Trời đã nói rất rõ con người có thể và không thể làm gì trong sự phán dạy của Ngài.

Trong vài lời đơn giản này, chúng ta thấy được lòng Đức Chúa Trời. Nhưng nỗi lòng nào được tỏ bày? Có tình yêu trong lòng Đức Chúa Trời không? Có sự quan tâm lo lắng không? Trong những câu này, tình yêu và sự quan tâm của Đức Chúa Trời không chỉ có thể được nhận thức rõ, mà còn có thể được cảm nhận một cách mật thiết. Các ngươi không đồng ý sao? Sau khi nghe Ta nói điều này, các ngươi vẫn nghĩ rằng đây chỉ là vài lời đơn giản ư? Suy cho cùng thì chúng không đơn giản, phải không? Các ngươi có nhận biết về điều này trước kia không? Nếu Đức Chúa Trời đích thân nói với ngươi vài lời này, trong ngươi sẽ cảm thấy thế nào? Nếu ngươi không phải là một con người nhân đức, nếu lòng ngươi lạnh như băng, thì ngươi sẽ không cảm thấy gì, ngươi sẽ không cảm kích tình yêu của Đức Chúa Trời, và ngươi sẽ không cố gắng hiểu lòng Đức Chúa Trời. Nhưng khi là một người có lương tâm và ý thức về nhân tính, ngươi sẽ cảm nhận khác. Ngươi sẽ cảm nhận sự ấm áp, ngươi sẽ cảm nhận được chăm sóc và yêu thương, và ngươi sẽ cảm thấy hạnh phúc. Điều đó không đúng sao? Khi ngươi cảm nhận những điều này, ngươi sẽ hành động thế nào với Đức Chúa Trời? Ngươi sẽ cảm thấy gắn bó với Đức Chúa Trời chứ? Ngươi sẽ yêu thương và kính trọng Đức Chúa Trời từ đáy lòng mình chứ? Lòng ngươi sẽ trở nên gần gũi hơn với Đức Chúa Trời chứ? Từ điều này ngươi có thể thấy tình yêu của Đức Chúa Trời quan trọng với con người như thế nào. Nhưng điều thậm chí còn quan trọng hơn chính là sự cảm kích và thấu hiểu của con người đối với tình yêu của Đức Chúa Trời. Thực ra, chẳng phải Đức Chúa Trời nói rất nhiều điều tương tự trong giai đoạn công tác này của Ngài sao? Ngày nay có những người cảm kích lòng Đức Chúa Trời không? Các ngươi có thể cảm kích tâm ý của Đức Chúa Trời mà Ta vừa nói đến không? Các ngươi không thể thật sự cảm kích tâm ý của Đức Chúa Trời khi nó cụ thể, hữu hình và thật như thế này. Đó là lý do tại sao Ta nói các ngươi không có kiến thức và sự hiểu biết thật về Đức Chúa Trời. Điều này không thật sao? Nhưng lúc này thì chúng ta hãy tạm để đó.

2. Đức Chúa Trời tạo ra Ê-va

Sách sáng thế 2:18-20 Giê-hô-va Ðức Chúa Trời phán rằng: Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó. Giê-hô-va Ðức Chúa Trời lấy đất nắn nên các loài thú đồng, các loài chim trời, rồi dẫn đến trước mặt A-đam đặng thử xem người đặt tên chúng nó làm sao, hầu cho tên nào A-đam đặt cho mỗi vật sống, đều thành tên riêng cho nó. A-đam đặt tên các loài súc vật, các loài chim trời cùng các loài thú đồng; nhưng về phần A-đam, thì chẳng tìm được một ai giúp đỡ giống như mình hết.

Sách sáng thế 2:22-23 Giê-hô-va Ðức Chúa Trời dùng xương sường đã lấy nơi A-đam làm nên một người nữ, đưa đến cùng A-đam. A-đam nói rằng: Người nầy là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra. Người nầy sẽ được gọi là người nữ, vì nó do nơi người nam mà có.

Có một dòng chính trong phần này của Kinh Thánh: “tên nào A-đam đặt cho mỗi vật sống, đều thành tên riêng cho nó”. Như vậy, ai đã đặt tên cho hết thảy các sinh vật sống? Đó là A-đam, không phải Đức Chúa Trời. Dòng này nói với nhân loại một thực tế: Đức Chúa Trời đã ban cho con người trí thông minh khi Ngài tạo nên họ. Nói thế nghĩa là, trí thông minh của con người đến từ Đức Chúa Trời. Điều này là chắc chắn. Nhưng tại sao? Sau khi Đức Chúa Trời tạo ra A-đam, A-đam có đi học không? Ông có biết đọc không? Sau khi Đức Chúa Trời tạo ra nhiều sinh vật sống khác nhau, A-đam có nhận ra hết tất cả những sinh vật này không? Đức Chúa Trời có nói với ông tên của chúng là gì không? Dĩ nhiên, Đức Chúa Trời cũng không dạy ông cách nghĩ ra tên gọi cho các sinh vật này. Đó là sự thật! Vậy thì, làm thế nào A-đam biết cách đặt tên cho những sinh vật này và đặt cho chúng những loại tên nào? Điều này liên quan đến câu hỏi về việc Đức Chúa Trời đã thêm điều gì vào A-đam khi Ngài tạo ra ông. Những thực tế chứng tỏ rằng khi Đức Chúa Trời tạo ra con người, Ngài đã thêm trí thông minh của Ngài vào họ. Đây là một điểm then chốt, do đó hãy lắng nghe kỹ. Cũng có một điểm then chốt nữa mà các ngươi nên hiểu: Sau khi A-đam đặt tên cho những sinh vật sống này, những cái tên này trở nên được thiết lập trong từ vựng của Đức Chúa Trời. Tại sao Ta đề cập điều này? Bởi vì điều này cũng liên quan đến tâm tính của Đức Chúa Trời, và đây là một điểm mà Ta phải trình bày chi tiết thêm nữa.

Đức Chúa Trời đã tạo ra con người, thổi sự sống vào họ, và cũng cho họ chút trí thông minh của Ngài, những khả năng của Ngài, những gì liên quan đến việc Ngài có gì và là gì. Sau khi Đức Chúa Trời đã ban cho con người tất cả những điều này, con người có thể làm một số việc một cách độc lập và tự mình suy nghĩ. Nếu những gì con người đưa ra và thực hiện là tốt trong mắt Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời chấp nhận và không can thiệp. Nếu điều con người làm là đúng, Đức Chúa Trời sẽ để nó như thế. Vậy thì, cụm từ “tên nào A-đam đặt cho mỗi vật sống, đều thành tên riêng cho nó” biểu thị điều gì? Nó biểu thị rằng Đức Chúa Trời đã không thấy cần phải thay đổi bất kỳ tên nào được đặt cho những sinh vật sống khác nhau. Bất cứ tên gì A-đam gọi một sinh vật, Đức Chúa Trời cũng sẽ nói “Vậy thì là tên đó”, khẳng định tên của sinh vật. Đức Chúa Trời có bày tỏ bất kỳ ý kiến nào về chuyện này không? Không, Ngài hiển nhiên là không. Vậy thì, các ngươi góp nhặt được những gì từ đây? Đức Chúa Trời đã ban cho con người trí thông minh và con người đã dùng trí thông minh Đức Chúa Trời ban để làm mọi việc. Nếu điều con người làm là tích cực trong mắt Đức Chúa Trời, thì nó được khẳng định, công nhận, và chấp nhận bởi Đức Chúa Trời mà không có bất kỳ sự phán xét hay phê bình nào. Đây là điều không con người hay quỷ dữ nào, hay Sa-tan, có thể làm được. Các ngươi có thấy một sự mặc khải về tâm tính Đức Chúa Trời ở đây không? Liệu một con người, một người bại hoại, hay Sa-tan, có cho phép bất kỳ ai khác làm gì đó trên danh nghĩa họ, ngay trước mắt họ không? Dĩ nhiên là không! Liệu họ sẽ chiến đấu giành vị trí này với người hay thế lực khác với họ không? Dĩ nhiên họ sẽ như vậy! Nếu là một người bại hoại hay Sa-tan ở cùng A-đam vào lúc đó, họ hẳn sẽ bác bỏ điều A-đam đang làm. Để chứng tỏ rằng họ có khả năng suy nghĩ độc lập và có những sự hiểu biết sâu sắc độc nhất riêng của mình, họ tuyệt đối sẽ phủ nhận mọi điều A-đam đã làm: “Ông muốn gọi nó thế này à? Ừm, tôi sẽ không gọi như vậy đâu, tôi sẽ gọi nó thế kia; ông gọi nó là Tom nhưng tôi sẽ gọi nó là Harry. Tôi phải chứng tỏ mình thông minh như thế nào”. Đây là dạng bản chất gì? Chẳng phải là kiêu ngạo một cách ngông cuồng sao? Và Đức Chúa Trời thì sao? Ngài có một tâm tính như thế không? Đức Chúa Trời đã có bất kỳ sự phản đối bất thường nào với những gì A-đam làm không? Câu trả lời dứt khoát là không! Trong tâm tính mà Đức Chúa Trời tỏ lộ, không có chút dấu vết nào của tính thích tranh luận, kiêu ngạo, hay tự nên công chính cả. Bấy nhiêu đó là rất rõ ràng ở đây. Điều này có lẽ dường như là một điểm nhỏ nhặt, nhưng nếu ngươi không hiểu thực chất của Đức Chúa Trời, nếu lòng ngươi không cố gắng tìm hiểu cách Đức Chúa Trời hành động và thái độ của Đức Chúa Trời là gì, thì ngươi sẽ không biết tâm tính Đức Chúa Trời hay thấy được sự bày tỏ và mặc khải về tâm tính của Đức Chúa Trời. Chẳng phải như vậy sao? Các ngươi có đồng ý với những gì Ta vừa giải thích với các ngươi không? Đáp lại những hành động của A-đam, Đức Chúa Trời đã không tuyên bố long trọng rằng: “Ngươi đã làm tốt lắm, ngươi đã làm đúng, và Ta đồng ý!” Tuy nhiên, trong lòng Ngài, Đức Chúa Trời đã chấp thuận, cảm kích, và khen ngợi những gì A-đam đã làm. Đây là điều đầu tiên kể từ khi tạo dựng mà con người đã thực hiện cho Đức Chúa Trời theo sự hướng dẫn của Ngài. Đó là điều con người đã làm thay cho Đức Chúa Trời và đại diện cho Ngài. Trong mắt Đức Chúa Trời, điều này nảy sinh từ trí thông minh mà Ngài đã ban trên con người. Đức Chúa Trời đã xem nó như một điều tốt, một điều tích cực. Những gì A-đam đã làm vào lúc đó là biểu hiện đầu tiên của trí thông minh của Đức Chúa Trời nơi con người. Đó là một biểu hiện tốt từ quan điểm của Đức Chúa Trời. Điều Ta muốn nói với các ngươi ở đây là mục tiêu của Đức Chúa Trời trong việc truyền đạt cho con người điều gì đó về việc Ngài có gì và là gì và về trí thông minh của Ngài là hầu cho nhân loại có thể là sinh vật sống biểu hiện cho Ngài. Để cho một sinh vật sống như thế hành động thay cho Ngài chính là điều Đức Chúa Trời đã và đang mong mỏi được nhìn thấy.

3. Đức Chúa Trời làm áo bằng da thú cho A-đam và Ê-va

Sách sáng thế 3:20-21 A-đam gọi vợ là Ê-va, vì là mẹ của cả loài người. Giê-hô-va Ðức Chúa Trời lấy da thú kết thành áo dài cho vợ chồng A-đam, và mặc lấy cho.

Chúng ta hãy xem qua đoạn thứ ba này, đoạn tuyên bố rằng quả thật có một ý nghĩa đằng sau tên gọi mà A-đam đặt cho Ê-va. Điều này cho thấy rằng sau khi được tạo ra, A-đam đã có những ý nghĩ của riêng ông và đã hiểu nhiều điều. Nhưng lúc này, chúng ta sẽ không nghiên cứu hay khám phá ông đã hiểu gì hay ông đã hiểu nhiều bao nhiêu, bởi vì đó không phải là mục đích chính của Ta trong việc thảo luận đoạn thứ ba này. Như vậy, điểm chính mà Ta muốn nêu bật là gì? Chúng ta hãy xem dòng “Giê-hô-va Ðức Chúa Trời lấy da thú kết thành áo dài cho vợ chồng A-đam, và mặc lấy cho”. Nếu chúng ta không thảo luận dòng này của Kinh Thánh trong buổi thông công hôm nay, các ngươi có thể không bao giờ nhận ra những ẩn ý sâu xa hơn của những lời này. Trước hết, để Ta cho các ngươi một số gợi ý. Nếu các ngươi không phiền lòng, hãy tưởng tượng đến vườn Ê-đen với A-đam và Ê-va sống trong đó. Đức Chúa Trời đến thăm họ, nhưng họ trốn đi bởi họ trần truồng. Đức Chúa Trời không thể thấy họ, và sau khi Ngài gọi họ, họ nói: “Chúng con không dám gặp Ngài bởi thân thể chúng con trần truồng”. Họ không dám gặp Đức Chúa Trời bởi họ trần truồng. Như vậy, Giê-hô-va Đức Chúa Trời làm gì cho họ? Văn bản gốc nói rằng: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy da thú kết thành áo dài cho vợ chồng A-đam, và mặc lấy cho”. Từ đây, các ngươi có hiểu Đức Chúa Trời đã dùng gì để làm áo cho họ không? Đức Chúa Trời đã dùng da thú để làm áo cho họ. Nói thế nghĩa là, Đức Chúa Trời đã làm áo khoác lông thú cho con người mặc. Đây là những chiếc áo đầu tiên mà Đức Chúa Trời đã làm cho con người. Chiếc áo lông thú là một món đồ xa hoa theo tiêu chuẩn ngày nay và không phải là thứ ai cũng có điều kiện mặc. Nếu ai đó hỏi ngươi: “Chiếc áo đầu tiên tổ tiên chúng ta mặc là gì?” Ngươi có thể trả lời: “Đó là chiếc áo khoác lông thú”. “Ai đã làm chiếc áo lông thú này?” Khi ấy ngươi có thể đáp: “Đức Chúa Trời đã làm ra nó!” Đó là điểm chính ở đây: chiếc áo này được làm ra bởi Đức Chúa Trời. Chẳng phải đó là điều đáng thảo luận sao? Sau khi nghe miêu tả của Ta, trong trí các ngươi có hiện ra hình ảnh nào không? Chí ít là các ngươi nên có một sự phác họa sơ bộ. Mục đích nói với các ngươi hôm nay không phải là để các ngươi biết chiếc áo đầu tiên của con người là gì. Vậy thì điểm chính là gì? Điểm chính không phải là chiếc áo khoác lông thú, mà là cách con người bắt đầu biết – như được tỏ lộ bởi Đức Chúa Trời trong những gì Ngài đã làm ở đây – tâm tính Ngài, Ngài có gì, và Ngài là gì.

“Giê-hô-va Ðức Chúa Trời lấy da thú kết thành áo dài cho vợ chồng A-đam, và mặc lấy cho”. Trong khung cảnh này, chúng ta thấy Đức Chúa Trời đóng dạng thân phận gì khi Ngài ở với A-đam và Ê-va? Đức Chúa Trời tỏ hiện chính Ngài theo cách nào, trong thế giới chỉ với hai con người này? Ngài có tỏ hiện chính Ngài trong thân phận của Đức Chúa Trời không? Các anh chị em từ Hong Kong, xin mời trả lời. (Trong thân phận của một bậc phụ huynh.) Các anh chị em từ Hàn Quốc, các anh chị em nghĩ Đức Chúa Trời trông như có dạng thân phận nào? (Gia trưởng.) Các anh chị em từ Đài Loan nghĩ gì? (Thân phận của một người trong gia đình A-đam và Ê-va, thân phận của một thành viên gia đình.) Một số người trong các ngươi nghĩ Đức Chúa Trời có vẻ như một thành viên gia đình của A-đam và Ê-va, trong khi một số khác thì nói Đức Chúa Trời trông có vẻ là gia trưởng của gia đình và những người khác thì nói như một bậc phụ huynh. Tất cả đều rất thích hợp. Nhưng các ngươi có thấy Ta đang hướng đến điều gì không? Đức Chúa Trời đã tạo ra hai người này và đối đãi với họ như bạn đồng hành của Ngài. Là gia đình duy nhất của họ, Đức Chúa Trời đã trông nom cuộc sống của họ và chăm sóc những nhu cầu ăn, mặc và ở cho họ. Ở đây, Đức Chúa Trời tỏ ra như một bậc phụ huynh của A-đam và Ê-va. Khi Đức Chúa Trời làm điều này, con người không thấy Đức Chúa Trời cao trọng như thế nào; họ không thấy được quyền tối cao của Đức Chúa Trời, lẽ mầu nhiệm của Ngài, và đặc biệt không thấy sự thạnh nộ hay oai nghi của Ngài. Tất cả những gì họ thấy là sự khiêm nhường của Đức Chúa Trời, tình cảm của Ngài, sự quan tâm của Ngài đối với con người cũng như trách nhiệm và sự chăm sóc của Ngài đối với họ. Thái độ và cách thức Đức Chúa Trời đối đãi với A-đam và Ê-va giống với cách những bậc cha mẹ thể hiện sự quan tâm với con cái mình. Nó cũng giống như cách cha mẹ yêu thương, trông nom, và chăm sóc các con trai và con gái của họ – chân thật, rõ ràng, và hữu hình. Thay vì nâng chính Ngài lên một vị trí cao và toàn năng, Đức Chúa Trời lại đích thân dùng da thú để làm áo cho con người. Chẳng quan trọng việc liệu chiếc áo khoác lông thú này được dùng để che đi sự e lệ của họ hay che chắn cho họ khỏi cái lạnh, mà điều quan trọng là chiếc áo dùng để che thân cho con người được đích thân Đức Chúa Trời tự tay làm. Thay vì đơn thuần hô biến ra chiếc áo hay dùng cách thần diệu nào đó, như con người có thể tưởng tượng Đức Chúa Trời sẽ làm, Đức Chúa Trời lại chính thức làm điều mà con người nghĩ Đức Chúa Trời sẽ không và không nên làm. Điều này có lẽ dường như là một thứ không đáng kể – một số người có lẽ thậm chí không nghĩ rằng nó đáng đề cập đến – nhưng nó cho phép bất kỳ ai theo Đức Chúa Trời mà lại bị ngăn trở bởi những khái niệm mơ hồ về Ngài có được hiểu biết sâu sắc về sự chân thật và đáng mến của Ngài, thấy được sự tận tụy và khiêm nhường của Ngài. Nó làm cho những kẻ kiêu ngạo một cách không thể chịu được, nghĩ mình cao trọng và phi thường, phải cúi cái đầu đầy tự phụ của mình trong hổ thẹn khi đối diện với sự chân thật và khiêm nhường của Đức Chúa Trời. Ở đây, sự chân thật và khiêm nhường của Đức Chúa Trời càng cho phép con người thấy Ngài đáng mến như thế nào. Trái lại, Đức Chúa Trời “bao la”, Đức Chúa Trời “đáng mến”, và Đức Chúa Trời “có quyền tuyệt đối” mà con người giữ trong lòng đã trở nên tầm thường và xấu xí, và mong manh dễ sụp đổ. Khi ngươi thấy câu này và nghe câu chuyện này, ngươi có xem thường Đức Chúa Trời bởi Ngài đã làm một điều như thế không? Một số người có thể như vậy, nhưng những người khác thì sẽ có phản ứng ngược lại. Họ sẽ nghĩ Đức Chúa Trời chân thật và đáng mến, và chính sự chân thật và đáng mến của Đức Chúa Trời đã khiến họ cảm động. Càng thấy phương diện thật của Đức Chúa Trời, họ càng cảm kích sự hiện hữu thật của tình yêu của Đức Chúa Trời, tầm quan trọng của Đức Chúa Trời trong lòng họ, và cách Ngài đứng bên cạnh họ trong mọi khoảnh khắc.

Bây giờ, chúng ta hãy liên hệ những thảo luận của chúng ta với hiện tại. Nếu Đức Chúa Trời có thể làm đủ loại những điều nhỏ nhặt này cho con người mà Ngài đã tạo ngay từ đầu, thậm chí những điều mà con người không bao giờ dám nghĩ tới hay kỳ vọng, vậy thì Đức Chúa Trời có thể làm những điều như thế với con người ngày nay không? Một số người nói “Có!” Tại sao lại như vậy? Bởi vì thực chất của Đức Chúa Trời không ngụy tạo, và sự đáng mến của Ngài không ngụy tạo. Thực chất của Đức Chúa Trời thật sự tồn tại và không phải là điều được những người khác thêm vào, và hiển nhiên không phải là điều có thể thay đổi theo thời gian, nơi chốn và kỷ nguyên khác nhau. Sự chân thật và đáng mến của Đức Chúa Trời có thể thật sự được tỏ rõ bằng cách duy nhất là làm điều gì đó mà con người nghĩ là không đáng kể và không quan trọng – điều gì đó thật tầm thường đến nỗi con người thậm chí không nghĩ Ngài có bao giờ làm tới. Đức Chúa Trời không tỏ ra đạo mạo. Không có sự phóng đại, trá hình, tự cao, hay kiêu ngạo trong tâm tính và thực chất của Ngài. Ngài không bao giờ huênh hoang, mà thay vào đó là yêu thương, thể hiện sự quan tâm, trông nom, và dẫn dắt, với sự tận tụy và chân thành, với nhân loại mà Ngài đã tạo nên. Cho dù con người có thể cảm kích, cảm nhận hay nhìn thấy những việc Đức Chúa Trời làm ít ỏi như thế nào, Ngài chắc chắn cũng đang làm. Liệu việc biết rằng Đức Chúa Trời có một thực chất như thế có ảnh hưởng đến tình yêu của con người đối với Ngài không? Liệu nó có ảnh hưởng đến sự kính sợ của họ với Đức Chúa Trời không? Ta hy vọng khi ngươi hiểu phương diện thật của Đức Chúa Trời, ngươi sẽ càng trở nên gần gũi với Ngài hơn và có thể thật sự cảm kích tình yêu và sự chăm sóc của Ngài với nhân loại hơn, cũng như có thể dâng lòng mình cho Đức Chúa Trời và được giải cứu khỏi những sự ngờ vực và hoài nghi về Ngài. Đức Chúa Trời đang âm thầm làm mọi thứ cho con người, làm mọi thứ trong thầm lặng thông qua sự chân thành, tận tụy và tình yêu của Ngài. Nhưng Ngài chưa bao giờ có bất kỳ sự e sợ hay hối tiếc nào đối với bất kỳ điều gì Ngài làm, Ngài cũng không bao giờ cần bất kỳ ai đáp trả cho Ngài theo bất kỳ cách nào hay có ý định đạt lấy bất kỳ điều gì từ nhân loại. Mục đích duy nhất của mọi việc Ngài từng làm là để Ngài có thể nhận được đức tin và tình yêu thương đích thực của nhân loại. Và với điều đó, Ta sẽ khép lại đề tài đầu tiên hôm nay.

Những sự thảo luận này đã hữu ích cho các ngươi chưa? Chúng đã hữu ích như thế nào? (Chúng tôi đã có nhiều sự hiểu biết và kiến thức về tình yêu của Đức Chúa Trời hơn.) (Phương pháp thông công này có thể giúp chúng tôi trong tương lai để cảm kích lời Đức Chúa Trời tốt hơn, thấu hiểu những xúc cảm mà Ngài đã có và những ý nghĩa đằng sau những điều Ngài đã phán khi Ngài phán dạy về chúng, và cảm nhận được những gì Ngài đã cảm thấy vào lúc đó.) Có ai trong các ngươi nhận biết rõ ràng hơn về sự hiện hữu thực sự của Đức Chúa Trời sau khi đọc những lời này không? Các ngươi có cảm thấy sự hiện hữu của Đức Chúa Trời không còn trống rỗng hay mơ hồ không? Một khi các ngươi có được cảm giác này, các ngươi có thể cảm nhận rằng Đức Chúa Trời ở ngay bên cạnh các ngươi không? Có lẽ cảm giác không rõ ràng ngay lúc này hoặc có lẽ các ngươi chưa thể cảm nhận được. Nhưng đến một ngày, khi thật sự có được sự cảm kích sâu sắc và kiến thức thật về tâm tính và thực chất của Đức Chúa Trời trong lòng các ngươi, ngươi sẽ cảm nhận rằng Đức Chúa Trời ở ngay bên cạnh ngươi – ngươi chỉ là chưa bao giờ thật sự đón nhận Đức Chúa Trời vào lòng mình. Và đây là sự thật!

Các ngươi nghĩ gì về phương pháp thông công này? Các ngươi có thể theo kịp không? Các ngươi có nghĩ kiểu thông công này về đề tài công tác của Đức Chúa Trời và tâm tính của Đức Chúa Trời là rất nặng nề không? Các ngươi cảm thấy thế nào? (Rất hay, rất hào hứng.) Điều gì làm các ngươi cảm thấy hay? Tại sao các ngươi hào hứng? (Giống như trở về Vườn Ê-đen, trở lại bên cạnh Đức Chúa Trời.) “Tâm tính Đức Chúa Trời” thật ra là một đề tài khá xa lạ với mọi người, bởi vì những gì các ngươi thường tưởng tượng, và những gì các ngươi đọc trong sách hay nghe trong những buổi thông công, có xu hướng làm ngươi cảm thấy chút gì đó như thầy bói xem voi – ngươi chỉ cảm nhận xung quanh bằng tay, chứ ngươi không thể thật sự hình dung bất cứ điều gì. Việc dò dẫm mò mẫm xung quanh không thể cho ngươi dù chỉ một sự hiểu biết sơ bộ về Đức Chúa Trời, huống chi một khái niệm rõ ràng về Ngài; nó chỉ càng kích thích trí tưởng tượng của ngươi, ngăn trở ngươi định nghĩa chính xác tâm tính và thực chất của Đức Chúa Trời là gì, và những sự bất định nảy sinh từ trí tưởng tượng của ngươi sẽ luôn khiến lòng ngươi đầy hoài nghi. Khi ngươi không thể chắc chắn về điều gì đó nhưng vẫn cố gắng để hiểu nó, sẽ luôn có những sự mâu thuẫn và xung đột trong lòng ngươi, và thậm chí một cảm giác nhiễu loạn, khiến ngươi mất phương hướng và bối rối. Khi muốn tìm kiếm Đức Chúa Trời, muốn biết Đức Chúa Trời, và muốn thấy rõ Ngài, nhưng dường như lại không bao giờ có thể tìm được câu trả lời thì chẳng phải là điều khổ sở sao? Dĩ nhiên, những lời này chỉ nhắm đến những ai khao khát tìm kiếm để kính sợ và đáp ứng Đức Chúa Trời một cách đầy kính sợ. Đối với những người không chú ý đến những việc đó thì điều này thật sự không quan trọng, bởi vì điều họ hy vọng nhất chính là tính thực tế và sự hiện hữu của Đức Chúa Trời chỉ đơn thuần là một truyền thuyết hay sự tưởng tượng, để họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn, để họ có thể được to lớn nhất và quan trọng nhất, để họ có thể làm những việc ác mà không màng đến hậu quả, để họ sẽ không phải đối mặt với sự trừng phạt hay chịu bất kỳ trách nhiệm nào, và để ngay cả những điều Đức Chúa Trời phán về những kẻ ác cũng sẽ không áp dụng cho họ. Những người này không sẵn lòng thấu hiểu tâm tính của Đức Chúa Trời. Họ chán ghét việc cố gắng biết đến Đức Chúa Trời và mọi điều về Ngài. Họ thà rằng Đức Chúa Trời không tồn tại. Những người này chống đối Đức Chúa Trời, và họ nằm trong số những kẻ sẽ bị đào thải.

Tiếp theo, chúng ta sẽ thảo luận câu chuyện về Nô-ê và cách câu chuyện liên hệ với chủ đề công tác của Đức Chúa Trời, tâm tính của Đức Chúa Trời, và chính Đức Chúa Trời.

Các ngươi thấy Đức Chúa Trời làm gì với Nô-ê trong phần này của Kinh Thánh? Có lẽ mọi người ngồi đây đều biết chút ít về điều này từ việc đọc Kinh Thánh: Đức Chúa Trời sai Nô-ê đóng tàu, sau đó Đức Chúa Trời hủy diệt thế gian bằng một trận lụt. Đức Chúa Trời đã sai Nô-ê đóng tàu để cứu gia đình tám người của ông, cho phép họ được sống và trở thành tổ tiên thế hệ tiếp theo của nhân loại. Bây giờ chúng ta hãy hướng sang Kinh Thánh.

B. Nô-ê

1. Đức Chúa Trời dự định hủy diệt thế gian bằng một trận lụt và hướng dẫn Nô-ê đóng tàu

Sách sáng thế 6:9-14 Nầy là dòng dõi của Nô-ê. Nô-ê trong đời mình là một người công bình và toàn vẹn, đồng đi cùng Ðức Chúa Trời. Nô-ê sanh ba con trai là Sem, Cham và Gia-phết. Thế gian bấy giờ đều bại hoại trước mặt Ðức Chúa Trời và đầy dẫy sự hung ác. Nầy, Ðức Chúa Trời nhìn xem thế gian, thấy điều bại hoại, vì hết thảy xác thịt làm cho đường mình trên đất phải bại hoại. Ðức Chúa Trời bèn phán cùng Nô-ê rằng: Kỳ cuối cùng của mọi xác thịt đã đưa đến trước mặt ta; vì cớ loài người mà đất phải đầy dẫy điều hung hăng; vậy, ta sẽ diệt-trừ họ cùng đất. Ngươi hãy đóng một chiếc tàu bằng cây gô-phe, đóng có từng phòng, rồi trét chai bề trong cùng bề ngoài.

Sách sáng thế 6:18-22 Nhưng ta sẽ lập giao ước cùng ngươi, rồi ngươi và vợ, các con và các dâu của ngươi, đều hãy vào tàu. Về các loài sanh vật, ngươi hãy dẫn xuống tàu mỗi loài một cặp, có đực có cái, có trống có mái, hầu cho ở cùng ngươi đặng giữ tròn sự sống; chim tùy theo loại, súc vật tùy theo loại, côn trùng tùy theo loại, mỗi thứ hai con, sẽ đến cùng ngươi, để ngươi giữ tròn sự sống cho. Lại, ngươi hãy lấy các thứ đồ ăn đem theo, đặng để dành làm lương thực cho ngươi và các loài đó. Nô-ê làm các điều nầy y như lời Ðức Chúa Trời đã phán dặn.

Bây giờ các ngươi đã có sự hiểu biết tổng quát về việc Nô-ê là ai sau khi đọc hai đoạn này chưa? Nô-ê là dạng người gì? Văn bản gốc ghi là: “Nô-ê trong đời mình là một người công bình và toàn vẹn”. Theo sự hiểu biết của những người hiện đại, dạng người nào là “người công bình” vào thời đó? Một người công bình phải là một người toàn vẹn. Các ngươi có biết liệu con người toàn vẹn này là toàn vẹn trong mắt con người, hay toàn vẹn trong mắt Đức Chúa Trời không? Chắc chắn rằng, con người toàn vẹn này là một người toàn vẹn trong mắt Đức Chúa Trời chứ không phải trong mắt con người. Điều này là chắc chắn! Đây là bởi con người mù quáng và không thể nhìn thấy, và chỉ Đức Chúa Trời mới nhìn khắp thế gian và mỗi một con người, và chỉ Đức Chúa Trời mới biết rằng Nô-ê là một người toàn vẹn. Vì lẽ ấy, kế hoạch hủy diệt thế gian bằng một trận lụt của Đức Chúa Trời bắt đầu từ khoảnh khắc Ngài triệu gọi Nô-ê.

Trong thời đại đó, Đức Chúa Trời đã có ý định triệu gọi Nô-ê làm điều gì đó rất quan trọng. Tại sao nhiệm vụ này lại phải được thực hiện? Bởi vì Đức Chúa Trời đã có một kế hoạch trong lòng Ngài vào khoảnh khắc đó. Kế hoạch của Ngài là hủy diệt thế gian bằng một trận lụt. Tại sao Ngài lại hủy diệt thế gian? Như ở đây có nói: “Thế gian bấy giờ đều bại hoại trước mặt Ðức Chúa Trời và đầy dẫy sự hung ác”. Các ngươi góp nhặt được gì từ cụm từ “thế gian đầy dẫy sự hung ác”? Đó là một hiện tượng trên đất mà thế gian và con người sống trong đó đã trở nên bại hoại đến tột độ; do đó mà “thế gian đầy dẫy sự hung ác”. Theo cách nói ngày nay, “đầy dẫy sự hung ác” có nghĩa là mọi thứ đều hỗn loạn. Đối với con người, nó có nghĩa là mọi thứ trông có trật tự đều mất đi trong mọi phương diện cuộc sống, và rằng mọi thứ đã trở nên hỗn loạn và không thể quản lý được. Trong mắt Đức Chúa Trời, điều này nghĩa là con người của thế gian đã trở nên quá bại hoại. Nhưng bại hoại đến độ nào? Bại hoại đến độ Đức Chúa Trời không còn có thể chịu đựng được nữa khi theo dõi hay kiên nhẫn với họ nữa. Bại hoại đến độ Đức Chúa Trời định hủy diệt họ. Khi Đức Chúa Trời quyết hủy diệt thế gian, Ngài đã lên kế hoạch tìm ai đó đóng tàu. Đức Chúa Trời đã chọn Nô-ê để thực hiện nhiệm vụ này; nghĩa là, Ngài sai Nô-ê đóng một chiếc tàu. Tại sao Ngài chọn Nô-ê? Trong mắt Đức Chúa Trời, Nô-ê là một người công chính; dù Đức Chúa Trời hướng dẫn ông làm gì thì Nô-ê cũng làm theo đó. Nói thế nghĩa là, Nô-ê sẵn lòng làm bất cứ điều gì Đức Chúa Trời bảo ông làm. Đức Chúa Trời muốn tìm ai đó như thế này để làm việc với Ngài, để hoàn thành những gì Ngài đã giao phó – để hoàn thành công tác của Ngài trên đất. Khi ấy, có người nào khác ngoài Nô-ê có thể hoàn thành một nhiệm vụ như thế không? Chắc chắn là không! Nô-ê là ứng viên duy nhất, người duy nhất có thể hoàn thành điều Đức Chúa Trời giao phó, và do đó Đức Chúa Trời đã chọn ông. Nhưng những giới hạn và tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời đối với việc cứu rỗi con người ngày nay có giống y như khi ấy không? Câu trả lời là, chắc chắn có một sự khác biệt! Và tại sao Ta lại hỏi câu này? Nô-ê là người công chính duy nhất trong mắt Đức Chúa Trời trong thời gian đó, điều này ngụ ý rằng cả vợ ông lẫn các con trai hay con dâu của ông cũng đều không phải là người công chính, nhưng Đức Chúa Trời vẫn tha cho họ vì Nô-ê. Đức Chúa Trời đã không đặt ra yêu cầu với họ theo cách Ngài làm bây giờ, và thay vào đó đã giữ cả tám thành viên gia đình Nô-ê được sống sót. Họ đã nhận được phúc lành của Đức Chúa Trời bởi sự công chính của Nô-ê. Không có Nô-ê, không ai trong số họ có thể hoàn thành điều Đức Chúa Trời đã giao phó. Vì lẽ ấy, Nô-ê đúng ra là người duy nhất sống sót qua sự hủy diệt thế gian ấy, và những người khác chỉ là được hưởng theo. Điều này cho thấy rằng, vào kỷ nguyên trước khi Đức Chúa Trời chính thức bắt đầu công tác quản lý của Ngài, những nguyên tắc và tiêu chuẩn mà Ngài dùng để đối đãi với con người và yêu cầu ở họ là tương đối dễ chịu. Đối với con người ngày nay, cách Đức Chúa Trời đối đãi với gia đình tám người của Nô-ê có vẻ thiếu “công bằng”. Nhưng so với lượng công tác khổng lồ mà Ngài hiện đang làm trên con người và số lượng to lớn những lời phán dạy mà Ngài hiện đang truyền đạt, sự đối đãi của Đức Chúa Trời với gia đình tám người của Nô-ê đơn thuần là một nguyên tắc làm việc bởi bối cảnh công tác của Ngài vào lúc đó. Nếu so sánh thì bên nào nhận được nhiều hơn từ Đức Chúa Trời, gia đình tám người của Nô-ê, hay con người ngày nay?

Việc Nô-ê được triệu gọi là một thực tế đơn giản, nhưng điểm chính của điều chúng ta đang nói đến – tâm tính Đức Chúa Trời, tâm ý của Ngài, và thực chất của Ngài qua việc này – thì không đơn giản cho lắm. Để hiểu một số phương diện này của Đức Chúa Trời, chúng ta trước hết phải hiểu dạng người mà Đức Chúa Trời mong muốn triệu gọi, và thông qua điều này, hiểu tâm tính, tâm ý, và thực chất của Ngài. Điều này là rất cần thiết. Như vậy trong mắt Đức Chúa Trời, con người mà Ngài triệu gọi này thuộc dạng người nào? Đây phải là một người có thể lắng nghe lời Ngài và có thể theo những hướng dẫn của Ngài. Đồng thời, đây cũng phải là một người có ý thức trách nhiệm, người sẽ thực hiện lời Đức Chúa Trời bằng cách coi đó như trách nhiệm và bổn phận mà họ buộc phải làm tròn. Vậy thì người này có cần phải là ai đó biết Đức Chúa Trời không? Không. Vào thời đó, Nô-ê đã chưa nghe được nhiều về những lời giáo huấn của Đức Chúa Trời hay đã trải nghiệm bất kỳ công tác nào của Đức Chúa Trời. Vì lẽ ấy, Nô-ê đã có rất ít kiến thức về Đức Chúa Trời. Mặc dù ở đây ghi chép rằng Nô-ê đã đi cùng Đức Chúa Trời, ông có bao giờ thấy bản thể của Đức Chúa Trời không? Câu trả lời chắc chắn là không! Bởi vì vào thời ấy, chỉ các sứ giả của Đức Chúa Trời đến giữa con người. Mặc dù họ có thể đại diện cho Đức Chúa Trời để phán và làm việc, họ chỉ đơn thuần truyền đạt tâm ý của Đức Chúa Trời và ý chỉ của Ngài. Bản thể của Đức Chúa Trời không được tỏ lộ mặt đối mặt với con người. Trong phần này của Kinh Thánh, về cơ bản thì tất cả những gì chúng ta thấy là điều Nô-ê đã phải làm và điều Đức Chúa Trời đã hướng dẫn ông. Như vậy thực chất được Đức Chúa Trời bày tỏ ở đây là gì? Mọi điều Đức Chúa Trời làm đều được lên kế hoạch chính xác. Khi Ngài thấy một việc hay một tình huống xuất hiện, trong mắt Ngài, có một tiêu chuẩn để đo lường nó, và tiêu chuẩn này quyết định liệu Ngài sẽ đưa ra một kế hoạch để xử lý nó hay sẽ dùng phương pháp nào để xử lý việc này hay tình huống này. Ngài không lãnh đạm hay vô cảm đối với mọi thứ. Thật ra là đối lập hoàn toàn. Có một câu ở đây tuyên bố điều Đức Chúa Trời đã phán với Nô-ê: “Kỳ cuối cùng của mọi xác thịt đã đưa đến trước mặt ta; vì cớ loài người mà đất phải đầy dẫy điều hung hăng; vậy, ta sẽ diệt-trừ họ cùng đất”. Khi Đức Chúa Trời phán điều này, Ngài có ý rằng Ngài sắp hủy diệt chỉ mỗi loài người không? Không! Đức Chúa Trời nói Ngài sẽ hủy diệt mọi sinh vật sống thuộc xác thịt. Tại sao Đức Chúa Trời lại muốn hủy diệt? Có một sự tỏ lộ khác về tâm tính Đức Chúa Trời ở đây; trong mắt Đức Chúa Trời, có một giới hạn trong sự kiên nhẫn của Ngài đối với sự bại hoại của con người, đối với sự nhơ bẩn, hung ác, và phản nghịch của mọi xác thịt. Giới hạn của Ngài là gì? Như Đức Chúa Trời đã phán: “Nầy, Ðức Chúa Trời nhìn xem thế gian, thấy điều bại hoại, vì hết thảy xác thịt làm cho đường mình trên đất phải bại hoại”. Cụm từ “vì hết thảy xác thịt làm cho đường mình trên đất phải bại hoại” nghĩa là gì? Nó có nghĩa là bất kỳ sinh vật sống nào, bao gồm những người theo Đức Chúa Trời, những người kêu cầu danh Đức Chúa Trời, những người từng làm của lễ thiêu cho Đức Chúa Trời, những người chính miệng công nhận Đức Chúa Trời và thậm chí tán dương Đức Chúa Trời – một khi hành vi của họ đầy bại hoại và đến mắt Đức Chúa Trời, Ngài sẽ phải hủy diệt họ. Đó là giới hạn của Đức Chúa Trời. Như vậy thì Đức Chúa Trời đã giữ kiên nhẫn với con người và sự bại hoại của mọi xác thịt đến mức độ nào? Đến mức độ mà hết thảy mọi người, dù là những người theo Đức Chúa Trời hay những người ngoại đạo, đều không đi trên con đường đúng đắn. Đến mức độ mà con người không chỉ bại hoại về đạo đức và đầy tà ác, mà cũng chẳng có ai tin vào sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, huống chi có ai tin rằng thế giới được Đức Chúa Trời cai trị và rằng Đức Chúa Trời có thể mang sự sáng và con đường đúng cho con người. Đến mức độ mà con người ghét sự hiện hữu của Đức Chúa Trời và đã không cho phép Đức Chúa Trời được hiện hữu. Một khi sự bại hoại của con người đạt đến điểm này, Đức Chúa Trời không thể chịu đựng được nữa. Điều gì sẽ thay thế nó? Cơn thịnh nộ và hình phạt của Đức Chúa Trời sẽ đến. Chẳng phải đó là sự tỏ lộ phần nào tâm tính Đức Chúa Trời sao? Trong thời đại hiện tại này, không có người nào là công chính trong mắt Đức Chúa Trời sao? Không có người nào là hoàn thiện trong mắt Đức Chúa Trời sao? Thời đại này có phải là thời đại mà hành vi của mọi xác thịt trên đất đều bại hoại trong mắt Đức Chúa Trời không? Vào ngày nay và thời đại này, chẳng phải mọi con người xác thịt – ngoại trừ những người Đức Chúa Trời muốn làm cho trọn vẹn, và những người có thể theo Đức Chúa Trời và chấp nhận sự cứu rỗi của Ngài – đều đang thách thức giới hạn kiên nhẫn của Đức Chúa Trời sao? Chẳng phải mọi thứ diễn ra bên cạnh các ngươi – những gì các ngươi mắt thấy tai nghe, và đích thân trải nghiệm mỗi ngày trong thế giới này – không đầy sự hung ác sao? Trong mắt Đức Chúa Trời, chẳng lẽ một thế gian như thế, thời đại như thế, không nên bị kết thúc sao? Mặc dù bối cảnh của thời đại hiện tại hoàn toàn khác với bối cảnh thời Nô-ê, những cảm xúc và cơn thịnh nộ mà Đức Chúa Trời có đối với sự bại hoại của con người vẫn y nguyên. Đức Chúa Trời có thể kiên nhẫn bởi công tác của Ngài, nhưng xét đến những tình huống và điều kiện, thì trong mắt Đức Chúa Trời, thế gian này đã phải bị hủy diệt từ lâu. Những tình huống vượt xa những gì trước kia, khi thế gian bị hủy diệt bởi trận lụt. Nhưng sự khác biệt là gì? Đây cũng là điều làm buồn lòng Đức Chúa Trời nhất, và có lẽ là điều không ai trong các ngươi có thể nhận thức rõ.

Khi Đức Chúa Trời hủy diệt thế gian bằng trận lụt, Ngài đã có thể triệu gọi Nô-ê để đóng tàu và làm một số công tác chuẩn bị. Đức Chúa Trời đã có thể triệu gọi một người – Nô-ê – làm hàng loạt những việc này cho Ngài. Nhưng trong thời đại hiện tại, Đức Chúa Trời không có bất kỳ ai để có thể triệu gọi. Tại sao lại như thế? Mỗi một người ngồi ở đây đều có thể hiểu và biết lý do rất rõ. Các ngươi có cần Ta nói rõ ra không? Việc nói to ra có thể làm các ngươi mất mặt và khiến mọi người khó chịu. Một số người có thể nói: “Mặc dù chúng tôi không phải là những người công chính và chúng tôi không là những người hoàn thiện trong mắt Đức Chúa Trời, nhưng nếu Đức Chúa Trời có hướng dẫn chúng tôi làm điều gì đó, chúng tôi vẫn có khả năng làm được. Trước kia, khi Ngài phán rằng một thảm họa sẽ ập đến, chúng tôi bắt đầu chuẩn bị thức ăn và các vật dụng cần thiết cho một thảm họa. Chẳng phải toàn bộ việc này được thực hiện theo những yêu cầu của Đức Chúa Trời sao? Chẳng phải chúng tôi thật sự đang phối hợp với công tác của Đức Chúa Trời sao? Những điều chúng tôi đã làm không thể so sánh với những gì Nô-ê đã làm sao? Chẳng phải làm những điều chúng tôi đã làm là thuận phục thật sự sao? Chẳng phải chúng tôi đang theo những hướng dẫn của Đức Chúa Trời sao? Chẳng phải chúng tôi đã làm điều Đức Chúa Trời phán dạy bởi vì chúng tôi có đức tin vào lời Đức Chúa Trời sao? Vậy thì tại sao Đức Chúa Trời vẫn buồn? Tại sao Đức Chúa Trời phán rằng Ngài không có ai để triệu gọi?”. Có sự khác biệt nào giữa những hành động của các ngươi và của Nô-ê không? Sự khác biệt là gì? (Việc chuẩn bị thức ăn hôm nay cho thảm họa là ý định của riêng chúng tôi.) (Những hành động của chúng tôi không thể được coi là “công chính”, trong khi Nô-ê thì là một người công chính trong mắt Đức Chúa Trời.) Điều các ngươi nói không phải là quá sai. Điều Nô-ê đã làm thực chất là khác với những gì mọi người đang làm bây giờ. Khi Nô-ê làm như Đức Chúa Trời hướng dẫn, ông đã không biết những ý định của Đức Chúa Trời là gì. Ông đã không biết Đức Chúa Trời muốn đạt được gì. Đức Chúa Trời chỉ ban cho ông một sự phán dạy và đã hướng dẫn ông làm điều gì đó, và không giải thích nhiều, Nô-ê đã cứ thế mà làm. Ông đã không cố gắng âm thầm tìm hiểu ý của Đức Chúa Trời, ông cũng không chống đối Đức Chúa Trời hay thể hiện tính giả dối. Ông cứ thế mà làm theo với một tấm lòng tinh sạch và mộc mạc. Bất kể Đức Chúa Trời sai ông làm gì, ông cũng đã làm, và sự thuận phục, lắng nghe lời Đức Chúa Trời đã là nền tảng cho niềm tin của ông ở việc ông làm. Đó là cách ông đã xử lý một cách ngay thẳng và đơn giản với điều Đức Chúa Trời giao phó. Bản chất của ông – bản chất của hành động của ông là thuận phục, không đoán mò, không chống đối, và hơn nữa, không suy nghĩ về những ý thích cá nhân hay những điều thiệt hơn của riêng ông. Hơn nữa, khi Đức Chúa Trời phán Ngài sẽ hủy diệt thế gian bằng một trận lụt, Nô-ê đã không hỏi khi nào hay hỏi các sự việc sẽ trở nên như thế nào, và ông hẳn đã không hỏi Đức Chúa Trời rằng Ngài sẽ hủy diệt thế gian như thế nào. Ông chỉ đơn thuần làm như Đức Chúa Trời hướng dẫn. Đức Chúa Trời muốn làm nó như thế nào và làm bằng cái gì đi nữa, ông cũng đã làm chính xác như Đức Chúa Trời phán dạy và cũng đã triển khai hành động ngay lập tức. Ông đã hành động theo những hướng dẫn của Đức Chúa Trời với một thái độ muốn làm vừa lòng Đức Chúa Trời. Có phải ông làm như thế để giúp bản thân tránh thảm họa không? Không. Ông có hỏi Đức Chúa Trời còn bao lâu nữa thì thế gian sẽ bị hủy diệt không? Ông đã không hỏi. Ông có hỏi Đức Chúa Trời hay ông có biết sẽ mất bao lâu để đóng tàu không? Ông cũng đã không biết điều đó. Ông đơn thuần thuận phục, lắng nghe, và hành động theo đó. Con người ngày nay không giống như vậy: Ngay khi một mẩu thông tin bị rò rỉ thông qua lời Đức Chúa Trời, ngay khi con người cảm nhận dù chỉ là tiếng lá xào xạc trong gió, họ ngay lập tức nhảy xổ vào hành động, cho dù và bất kể giá nào, để chuẩn bị những gì họ sẽ ăn, uống, và sử dụng sau đó, thậm chí lên kế hoạch những lối thoát cho họ khi thảm họa tấn công. Càng thú vị hơn nữa là, vào khoảnh khắc chính yếu này, bộ não con người rất giỏi “sắp xếp đâu vào đấy”. Trong những tình huống mà Đức Chúa Trời không ban bất kỳ sự hướng dẫn nào, con người có thể lên kế hoạch mọi thứ một cách rất thích hợp. Các ngươi có thể dùng từ “hoàn hảo” để miêu tả những kế hoạch đó. Đối với những gì Đức Chúa Trời phán dạy, những ý định của Đức Chúa Trời, hay những gì Đức Chúa Trời muốn, thì không ai quan tâm và không ai cố gắng để hiểu rõ cả. Chẳng phải đó là điểm khác biệt lớn nhất giữa con người ngày nay và Nô-ê sao?

Trong bản ghi này về câu chuyện của Nô-ê, các ngươi có thấy một phần tâm tính Đức Chúa Trời không? Có một giới hạn cho sự kiên nhẫn của Đức Chúa Trời đối với sự bại hoại, nhơ bẩn, và hung ác của con người. Khi Ngài đạt đến giới hạn đó, Ngài sẽ không còn kiên nhẫn và thay vào đó sẽ bắt đầu sự quản lý mới và kế hoạch mới của Ngài, bắt đầu làm điều Ngài phải làm, tỏ lộ những việc làm của Ngài và mặt kia của tâm tính Ngài. Hành động này của Ngài không phải để chứng minh rằng con người không bao giờ được xúc phạm Ngài hay rằng Ngài đầy thẩm quyền và sự thịnh nộ, và không phải để cho thấy rằng Ngài có thể hủy diệt nhân loại. Mà chính là tâm tính Ngài và thực chất thánh khiết của Ngài không còn cho phép hay còn kiên nhẫn để dạng nhân loại này sống trước Ngài, sống dưới sự thống trị của Ngài nữa. Nói thế nghĩa là, khi toàn thể nhân loại chống lại Ngài, khi trên khắp thế gian không còn ai để Ngài có thể cứu rỗi, Ngài sẽ không còn kiên nhẫn với một nhân loại như thế nữa, và chắc chắn sẽ thực hiện kế hoạch của Ngài – hủy diệt dạng nhân loại này. Một hành động như thế của Đức Chúa Trời được quyết định bởi tâm tính Ngài. Đây là một hậu quả cần thiết, và là một hậu quả mà mọi loài thọ tạo dưới sự thống trị của Đức Chúa Trời phải chịu. Chẳng phải điều này cho thấy rằng trong thời đại hiện tại này, Đức Chúa Trời rất nóng lòng để hoàn thành kế hoạch của Ngài và cứu rỗi những người Ngài muốn cứu rỗi sao? Trong những hoàn cảnh này, Đức Chúa Trời quan tâm đến điều gì nhất? Không phải là việc những người hoàn toàn không theo Ngài hay những người chống đối Ngài đối đãi với Ngài hay cự tuyệt Ngài như thế nào, hay nhân loại đang phỉ báng Ngài ra sao. Ngài chỉ quan tâm đến việc liệu những người theo Ngài, những đối tượng của sự cứu rỗi trong kế hoạch quản lý của Ngài, đã được Ngài làm cho trọn vẹn hay chưa, liệu họ có trở nên xứng đáng với sự thỏa nguyện của Ngài hay không. Đối với những người khác ngoài những ai theo Ngài, Ngài chỉ thỉnh thoảng đưa ra chút hình phạt để thể hiện cơn thịnh nộ của Ngài. Ví dụ: sóng thần, động đất, và núi lửa phun trào. Đồng thời, Ngài cũng mạnh mẽ bảo vệ và trông nom những ai theo Ngài và sắp sửa được Ngài cứu rỗi. Tâm tính Đức Chúa Trời là thế này: Một mặt, Ngài có thể có sự kiên nhẫn và chịu đựng cực độ với những người mà Ngài dự định làm cho trọn vẹn, và Ngài có thể chờ họ chừng nào Ngài có thể; mặt khác, Đức Chúa Trời cực kỳ căm ghét và ghê tởm những người kiểu Sa-tan, không theo Ngài và chống đối Ngài. Mặc dù Ngài không quan tâm liệu những loại Sa-tan này có theo Ngài hay thờ phượng Ngài hay không, Ngài vẫn khinh ghét họ dù trong lòng có sự kiên nhẫn với họ, và khi Ngài quyết định kết cục của những loại Sa-tan này, Ngài cũng chờ đợi đến những bước trong kế hoạch quản lý của Ngài.

Chúng ta hãy xem đoạn tiếp theo.

2. Phúc lành của Đức Chúa Trời với Nô-ê sau trận lụt

Sách sáng thế 9:1-6 Ðức Chúa Trời ban phước cho Nô-ê cùng các con trai người, mà phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy trên mặt đất. Các loài vật ở trên đất, các loài chim trời, và các vật hành động trên đất, cùng các cá biển, đều sẽ kinh khủng ngươi và bị phú vào tay ngươi. Phàm vật chi hành động và có sự sống thì dùng làm đồ ăn cho các ngươi. Ta cho mọi vật đó như ta đã cho thứ cỏ xanh. Song các ngươi không nên ăn thịt còn hồn sống, nghĩa là có máu. Quả thật, ta sẽ đòi máu của sự sống ngươi lại, hoặc nơi các loài thú vật, hoặc nơi tay người, hoặc nơi tay của anh em người. Hễ kẻ nào làm đổ máu người, thì sẽ bị người khác làm đổ máu lại; vì Ðức Chúa Trời làm nên người như hình của Ngài.

Các ngươi thấy gì từ đoạn này? Tại sao Ta lại chọn những câu này? Tại sao Ta lại không chọn một đoạn trích về Nô-ê và cuộc sống của gia đình ông trên tàu? Bởi vì thông tin đó không liên quan nhiều với đề tài mà chúng ta đang trao đổi hôm nay. Điều chúng ta đang tập trung vào chính là tâm tính Đức Chúa Trời. Nếu các ngươi muốn biết về những chi tiết ấy, vậy thì các ngươi có thể cầm Kinh Thánh lên mà tự mình đọc. Chúng ta sẽ không nói về điều đó ở đây. Điều chính yếu mà chúng ta đang nói đến hôm nay là về cách biết được những hành động của Đức Chúa Trời.

Sau khi Nô-ê đón nhận sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời và đóng tàu sống qua những ngày Đức Chúa Trời dùng một trận lụt để hủy diệt thế gian, cả gia đình tám người của ông đã sống sót. Ngoài gia đình tám người của Nô-ê ra, toàn thể nhân loại đều bị hủy diệt, và mọi sinh vật sống trên đất đều bị hủy diệt. Đối với Nô-ê, Đức Chúa Trời đã ban phúc lành, phán một số điều với ông và các con trai ông. Những điều này là những gì Đức Chúa Trời ban cho ông và cũng là phúc lành của Đức Chúa Trời với ông. Đây là phúc lành và lời hứa mà Đức Chúa Trời ban cho người có thể lắng nghe Ngài và đón nhận sự hướng dẫn của Ngài, và cũng là cách Đức Chúa Trời ban thưởng cho con người. Nói thế nghĩa là, bất kể Nô-ê có là một người hoàn thiện hay một người công chính trong mắt Đức Chúa Trời hay không, và bất kể ông biết nhiều bao nhiêu về Đức Chúa Trời, thì nói ngắn gọn, Nô-ê và ba con trai của ông đều nghe lời Đức Chúa Trời, phối hợp với công tác của Đức Chúa Trời, và đã làm điều họ phải làm theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Kết quả là, họ đã bảo tồn được con người và nhiều loại sinh vật sống khác nhau cho Đức Chúa Trời sau sự hủy diệt thế gian bằng một trận lụt, đóng góp rất lớn cho bước tiếp theo trong kế hoạch quản lý của Đức Chúa Trời. Bởi mọi điều ông đã làm, Đức Chúa Trời ban phúc lành cho ông. Có lẽ đối với con người ngày nay, điều Nô-ê đã làm thậm chí không đáng đề cập. Một số người thậm chí nghĩ: “Nô-ê đã chẳng làm gì cả; Đức Chúa Trời đã quyết tha cho ông, do đó ông chắc chắn sẽ được tha. Sự sống sót của ông không phải do những thành quả của riêng ông. Đây là điều Đức Chúa Trời muốn xảy ra, bởi vì con người bị động”. Nhưng đó không phải là điều Đức Chúa Trời nghĩ. Đối với Đức Chúa Trời, bất kể một người là vĩ đại hay tầm thường, miễn sao họ có thể nghe lời Ngài, thuận phục sự hướng dẫn của Ngài và những gì Ngài giao phó, và có thể phối hợp với công tác của Ngài, ý chỉ của Ngài, và kế hoạch của Ngài, hầu cho ý chỉ và kế hoạch của Ngài có thể được hoàn thành suôn sẻ, vậy thì hạnh kiểm đó xứng đáng để Ngài nhớ đến và nhận được phúc lành của Ngài. Đức Chúa Trời trân quý những người như thế, và Ngài yêu mến những hành động của họ, tình yêu của họ và tình cảm của họ đối với Ngài. Đây là thái độ của Đức Chúa Trời. Như vậy tại sao Đức Chúa Trời lại ban phúc lành cho Nô-ê? Bởi vì đây là cách Đức Chúa Trời đối đãi với những hành động và sự thuận phục như thế của con người.

Liên quan đến phúc lành của Đức Chúa Trời với Nô-ê, một số người sẽ nói: “Nếu con người lắng nghe Đức Chúa Trời và đáp ứng Ngài, thì Đức Chúa Trời sẽ ban phúc lành cho con người. Chẳng phải điều đó là không cần bàn cãi sao?”. Chúng ta có thể nói như thế không? Một số người nói: “Không”. Tại sao chúng ta không thể nói như thế? Một số người nói: “Con người không đáng được hưởng phúc lành của Đức Chúa Trời”. Điều đó không hoàn toàn đúng. Bởi vì khi một người đón nhận những gì Đức Chúa Trời giao phó cho họ, Đức Chúa Trời có một tiêu chuẩn để phán xét liệu những hành động của họ là tốt hay xấu và liệu người đó có thuận phục, liệu người đó có thỏa mãn tâm ý của Đức Chúa Trời và liệu họ có đạt tiêu chuẩn hay không. Điều Đức Chúa Trời quan tâm chính là tấm lòng của người đó, chứ không phải những hành động bề ngoài của họ. Không phải là Đức Chúa Trời sẽ ban phúc lành cho ai đó miễn sao họ làm điều gì đó, bất kể họ làm như thế nào. Đây là một sự hiểu lầm mà con người có về Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không chỉ nhìn vào kết quả sau cùng của các sự việc, mà còn chú trọng hơn vào việc lòng người và thái độ của con người như thế nào trong quá trình phát triển của các sự vật, và Ngài xem xét liệu có sự thuận phục, cân nhắc, và khao khát đáp ứng Đức Chúa Trời trong lòng họ hay không. Nô-ê đã biết được bao nhiêu về Đức Chúa Trời vào lúc đó? Có nhiều như những học thuyết mà các ngươi biết lúc này không? Xét về những phương diện của lẽ thật chẳng hạn như những khái niệm và kiến thức về Đức Chúa Trời, ông có nhận được nhiều sự chăm tưới và chăn dắt như các ngươi không? Không, ông đã không được như vậy! Thế nhưng có một thực tế không thể phủ nhận: Trong ý thức, tâm trí, và thậm chí tận sâu thẳm lòng người ngày nay, những khái niệm và thái độ của họ đối với Đức Chúa Trời là mơ hồ và nhập nhằng. Các ngươi thậm chí có thể nói rằng một bộ phận dân chúng còn có thái độ tiêu cực đối với sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Thế nhưng trong lòng Nô-ê và ý thức của ông, sự hiện hữu của Đức Chúa Trời là tuyệt đối và chẳng chút nghi ngại, và do đó sự thuận phục của ông đối với Đức Chúa Trời là thuần khiết và có thể chịu được thử thách. Lòng ông tinh sạch và cởi mở đối với Đức Chúa Trời. Ông đã không cần quá nhiều kiến thức học thuyết để thuyết phục bản thân mình làm theo mọi lời của Đức Chúa Trời, ông cũng đã không cần nhiều sự kiện để chứng minh sự hiện hữu của Đức Chúa Trời nhằm có thể chấp nhận điều Đức Chúa Trời đã giao phó cho ông và có khả năng làm bất cứ điều gì Đức Chúa Trời sai ông làm. Đây là sự khác biệt cơ bản giữa Nô-ê và con người ngày nay. Đó cũng là định nghĩa thật về việc một người hoàn thiện chính xác là như thế nào trong mắt Đức Chúa Trời. Điều Đức Chúa Trời muốn là những người như Nô-ê. Ông là kiểu người mà Đức Chúa Trời khen ngợi và cũng chính là kiểu người mà Đức Chúa Trời ban phúc lành. Các ngươi đã nhận được sự khai sáng nào từ điều này chưa? Con người nhìn vào con người từ bề ngoài, trong khi Đức Chúa Trời thì nhìn vào lòng người và bản chất của họ. Đức Chúa Trời không cho phép bất kỳ ai có bất kỳ sự nửa vời hay hoài nghi nào đối với Ngài, Ngài cũng không cho phép con người nghi ngờ hay kiểm tra Ngài theo bất kỳ cách nào. Do vậy, ngay cả khi con người ngày nay đối mặt với lời Đức Chúa Trời – các ngươi thậm chí có thể nói đối mặt với Đức Chúa Trời – thì bởi điều gì đó sâu trong lòng họ, sự hiện hữu của bản chất bại hoại của họ, và thái độ thù nghịch của họ với Đức Chúa Trời, mà con người bị cản trở không có được niềm tin thật nơi Đức Chúa Trời và bị ngăn chặn khỏi việc thuận phục Ngài. Bởi điều này, rất khó để họ đạt được phúc lành y như Đức Chúa Trời đã ban cho Nô-ê.

Tiếp theo, chúng ta hãy xem phần này của Kinh Thánh về cách Đức Chúa Trời đã dùng cầu vồng như một biểu tượng cho giao ước của Ngài với con người.

3. Đức Chúa Trời dùng cầu vồng làm biểu tượng cho giao ước của Ngài với con người

Sách sáng thế 9:11-13 Vậy, ta lập giao ước cùng các ngươi, và các loài xác thịt chẳng bao giờ lại bị nước lụt hủy diệt, và cũng chẳng có nước lụt để hủy hoại đất nữa. Ðức Chúa Trời lại phán rằng: Ðây là dấu chỉ về sự giao ước mà ta lập cùng các ngươi, cùng hết thảy vật sống ở với các ngươi, trải qua các đời mãi mãi. Ta đặt mống của ta trên từng mây, dùng làm dấu chỉ sự giao ước của ta với đất.

Hầu hết mọi người đều biết cầu vồng là gì và đã nghe một số câu chuyện liên quan đến cầu vồng. Đối với câu chuyện về cầu vồng trong Kinh Thánh, một số người tin và một số thì coi đó như truyền thuyết, trong khi những người khác thì không hề tin chút nào. Cho dù thế nào, tất cả những sự kiện đã xảy ra liên quan đến cầu vồng đều là công tác của Đức Chúa Trời và đã diễn ra trong quá trình quản lý con người của Đức Chúa Trời. Những sự kiện này đã được ghi chép chính xác trong Kinh Thánh. Những ghi chép này không cho chúng ta biết tâm trạng của Đức Chúa Trời vào lúc đó hay ý định đằng sau những lời Đức Chúa Trời đã phán. Hơn nữa, không ai có thể nhận thức rõ Đức Chúa Trời đang cảm thấy thế nào khi Ngài phán chúng. Tuy nhiên, trạng thái tinh thần của Đức Chúa Trời liên quan đến toàn bộ sự kiện này được tỏ lộ ẩn ý giữa các câu chữ. Như thể những ý nghĩ của Đức Chúa Trời vào lúc đó đã bật ra qua mỗi từ và cụm từ trong lời Ngài.

Những ý nghĩ của Đức Chúa Trời là điều con người nên quan tâm và là điều họ nên cố gắng biết được nhiều nhất. Đây là vì những ý nghĩ của Đức Chúa Trời có liên quan mật thiết với sự hiểu biết của con người về Đức Chúa Trời, và sự hiểu biết của con người về Đức Chúa Trời là một mối liên kết không thể thiếu cho lối vào sự sống của con người. Vậy thì, Đức Chúa Trời đã nghĩ gì vào lúc các sự kiện này diễn ra?

Ban đầu, Đức Chúa Trời đã tạo ra một nhân loại mà trong mắt Ngài là rất tốt và gần gũi với Ngài, nhưng họ đã bị hủy diệt bởi trận lụt sau khi phản nghịch Ngài. Đức Chúa Trời có đau lòng không khi một nhân loại như vậy lại ngay lập tức biến mất như thế? Dĩ nhiên là đau lòng! Vậy thì sự bày tỏ nỗi đau này của Ngài là gì? Nó được ghi chép như thế nào trong Kinh Thánh? Nó được ghi chép trong Kinh Thánh ở những lời sau: “Vậy, ta lập giao ước cùng các ngươi, và các loài xác thịt chẳng bao giờ lại bị nước lụt hủy diệt, và cũng chẳng có nước lụt để hủy hoại đất nữa”. Câu đơn giản này tỏ lộ những ý nghĩ của Đức Chúa Trời. Sự hủy diệt thế gian này đã khiến Ngài rất đau đớn. Theo cách nói của con người, Ngài đã rất buồn. Chúng ta có thể tưởng tượng: Thế gian từng đầy sự sống đã trông như thế nào sau khi bị hủy diệt bằng trận lụt? Thế gian từng đầy con người đã trông như thế nào vào lúc đó? Không có người ở, không sinh vật sống, nước ở khắp nơi và sự tàn phá hoàn toàn trên mặt nước. Một cảnh tượng như thế có phải là ý định ban đầu của Đức Chúa Trời khi Ngài tạo dựng thế gian không? Dĩ nhiên là không! Ý định ban đầu của Đức Chúa Trời là nhìn thấy sự sống trên khắp đất, thấy con người mà Ngài đã tạo dựng thờ phượng Ngài, chứ không phải để Nô-ê là người duy nhất thờ phượng Ngài hay người duy nhất có thể đáp lại lời kêu gọi của Ngài để làm trọn vẹn điều được giao phó cho ông. Khi nhân loại biến mất, Đức Chúa Trời đã không thấy điều Ngài dự định ban đầu, mà là điều trái ngược hoàn toàn. Làm sao lòng Ngài có thể không đau cho được? Như vậy khi Đức Chúa Trời tỏ lộ tâm tính Ngài và bày tỏ những cảm xúc của Ngài, Đức Chúa Trời đã đưa ra quyết định. Ngài đã đưa ra dạng quyết định nào? Đặt mống trên từng mây (nghĩa là cầu vồng mà chúng ta thấy) như một giao ước với con người, một lời hứa rằng Đức Chúa Trời sẽ không hủy diệt nhân loại bằng trận lụt lần nữa. Đồng thời, nó cũng là để nói với con người rằng Đức Chúa Trời đã hủy diệt thế giới bằng một trận lụt, hầu cho nhân loại sẽ nhớ mãi tại sao Đức Chúa Trời lại làm một điều như thế.

Sự hủy diệt thế gian vào thời đó có phải là điều Đức Chúa Trời muốn không? Đó chắc chắn không phải là điều Đức Chúa Trời muốn. Chúng ta hẳn có thể tưởng tượng một phần nhỏ cảnh tượng thương tâm của đất sau sự hủy diệt thế gian, nhưng chúng ta còn lâu mới tưởng tượng ra cảnh tượng lúc đó trong mắt Đức Chúa Trời như thế nào. Chúng ta có thể nói rằng, dù là con người của bây giờ hay lúc ấy, không ai có thể tưởng tượng hay nhận thức rõ Đức Chúa Trời đã cảm thấy thế nào khi Ngài nhìn thấy cảnh tượng ấy, hình ảnh thế giới sau sự hủy diệt bởi trận lụt. Đức Chúa Trời đã buộc phải làm điều này bởi sự phản nghịch của con người, nhưng nỗi đau mà lòng Ngài phải chịu từ sự hủy diệt thế gian bởi trận lụt này là một hiện thực mà không ai có thể hiểu thấu hay nhận thức rõ. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời đã lập một giao ước với nhân loại, thông qua đó Ngài nhắm đến việc bảo con người nhớ rằng Đức Chúa Trời đã từng làm điều như thế này, và để hứa với họ rằng Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ hủy diệt thế gian theo cách như vậy lần nữa. Trong giao ước này chúng ta thấy được lòng Đức Chúa Trời – chúng ta thấy rằng lòng Đức Chúa Trời đau đớn khi Ngài hủy diệt nhân loại này. Theo ngôn ngữ của con người, khi Đức Chúa Trời hủy diệt nhân loại và thấy nhân loại biến mất, lòng Ngài đổ lệ và máu. Chẳng phải đó là cách miêu tả hay nhất sao? Những từ này được con người dùng để minh họa xúc cảm của con người, nhưng bởi vì ngôn ngữ của con người quá nghèo nàn, việc sử dụng chúng để miêu tả những tình cảm và cảm xúc của Đức Chúa Trời có vẻ không quá tệ đối với Ta, và cũng không thái quá. Chí ít nó cho các ngươi một sự hiểu biết rất sống động, rất nhanh nhạy về việc tâm trạng của Đức Chúa Trời đã như thế nào vào lúc đó. Bây giờ các ngươi sẽ nghĩ gì khi thấy cầu vồng lần nữa? Chí ít các ngươi sẽ nhớ Đức Chúa Trời đã từng đau đớn như thế nào khi hủy diệt thế gian bằng trận lụt. Các ngươi sẽ nhớ cách mà lòng Đức Chúa Trời, cho dù Ngài ghét thế gian này và khinh miệt nhân loại này, đã đau đớn, chật vật khi phải buông bỏ, cảm thấy lưỡng lự, và thấy khó mà chịu đựng được khi Ngài hủy diệt nhân loại mà Ngài đã tự tay tạo ra. Sự an ủi duy nhất của Ngài là gia đình tám người của Nô-ê. Chính sự phối hợp của Nô-ê đã làm cho những nỗ lực cần cù để tạo nên muôn vật của Ngài không trở nên luống công vô ích. Vào lúc Đức Chúa Trời đau khổ, đây là điều duy nhất có thể bù đắp cho nỗi đau của Ngài. Từ điểm đó, Đức Chúa Trời đã đặt mọi kỳ vọng của Ngài với nhân loại lên gia đình Nô-ê, hy vọng họ có thể sống dưới những phúc lành của Ngài chứ không phải sự rủa sả của Ngài, hy vọng rằng họ sẽ không bao giờ thấy Đức Chúa Trời hủy diệt thế gian bằng một trận lụt lần nữa, và cũng hy vọng rằng họ sẽ không bị hủy diệt.

Chúng ta nên tìm hiểu phần nào của tâm tính Đức Chúa Trời từ điều này? Đức Chúa Trời đã khinh ghét con người bởi vì con người thù nghịch Ngài, nhưng trong lòng Ngài, sự chăm sóc, quan tâm, và lòng thương xót của Ngài đối với nhân loại vẫn không đổi. Ngay cả khi Ngài hủy diệt nhân loại, lòng Ngài vẫn không đổi. Khi nhân loại đầy bại hoại và phản nghịch với Đức Chúa Trời đến mức trầm trọng, Đức Chúa Trời đã phải hủy diệt nhân loại này, bởi tâm tính của Ngài và thực chất của Ngài, và theo những nguyên tắc của Ngài. Thế nhưng bởi thực chất của Đức Chúa Trời, Ngài vẫn cảm thương nhân loại, và thậm chí muốn dùng nhiều cách khác nhau để cứu chuộc nhân loại hầu cho họ có thể tiếp tục sống. Tuy nhiên, con người lại chống đối Đức Chúa Trời, tiếp tục phản nghịch Đức Chúa Trời, và không chịu chấp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời; nghĩa là, không chịu chấp nhận những ý định tốt của Ngài. Cho dù Đức Chúa Trời kêu gọi họ, nhắc nhở họ, chu cấp cho họ, giúp đỡ họ, hay khoan thứ họ như thế nào, con người cũng đã không hiểu hay cảm kích điều đó, họ cũng chẳng chú ý tới. Trong nỗi đau của Ngài, Đức Chúa Trời vẫn không quên ban cho con người lòng khoan dung tột độ của Ngài, chờ đợi con người hoán cải. Sau khi Ngài đạt đến giới hạn của Ngài, Ngài đã làm điều Ngài phải làm mà không chút lưỡng lự. Nói cách khác, có một khoảng thời gian và quá trình cụ thể từ khoảnh khắc Đức Chúa Trời lên kế hoạch hủy diệt nhân loại đến lúc khởi động công tác hủy diệt nhân loại của Ngài. Quá trình này hiện hữu với mục đích cho phép con người hoán cải, và đây là cơ hội cuối cùng Đức Chúa Trời ban cho con người. Vậy Đức Chúa Trời đã làm gì trong khoảng thời gian này trước khi hủy diệt nhân loại? Đức Chúa Trời đã làm một lượng đáng kể công tác nhắc nhở và khích lệ. Cho dù lòng Đức Chúa Trời đau đớn và buồn rầu thế nào, Ngài cũng tiếp tục ban sự chăm sóc, quan tâm, và lòng thương xót vô vàn với nhân loại. Chúng ta thấy gì từ điều này? Không nghi ngờ gì, chúng ta thấy được rằng tình yêu của Đức Chúa Trời đối với nhân loại là thật và không phải là điều Ngài chỉ nói suông. Nó thực tế, hữu hình và có thể nhận thức rõ, không bịa đặt, giả dối, lừa gạt hay vờ vịt. Đức Chúa Trời không bao giờ dùng bất kỳ sự lừa dối hay tạo ra những hình tượng giả nào để làm cho con người thấy rằng Ngài đáng mến. Ngài không bao giờ dùng chứng ngôn giả để con người thấy sự đáng mến của Ngài, hoặc khoe khoang về sự đáng mến và thánh khiết của Ngài. Chẳng lẽ những khía cạnh này của tâm tính Đức Chúa Trời không xứng đáng có được tình yêu của con người sao? Chẳng lẽ chúng không đáng thờ phượng sao? Chẳng lẽ chúng không đáng trân quý sao? Đến đây, Ta muốn hỏi các ngươi: Sau khi nghe những lời này, các ngươi có nghĩ rằng sự vĩ đại của Đức Chúa Trời đơn thuần là những lời sáo rỗng trên giấy không? Sự đáng mến của Đức Chúa Trời có phải chỉ là những lời sáo rỗng không? Không! Chắc chắn là không! Quyền tối cao, sự vĩ đại, thánh khiết, khoan dung, yêu thương, v.v. của Đức Chúa Trời – mỗi chi tiết của mỗi một trong số các phương diện khác nhau trong tâm tính và thực chất của Đức Chúa Trời đều bày tỏ thực tế mỗi khi Ngài làm công tác của Ngài, được thể hiện trong tâm ý của Ngài đối với con người, và cũng được làm tròn và phản ánh ở mỗi người. Cho dù trước kia ngươi có cảm thấy hay không, Đức Chúa Trời cũng đang chăm sóc cho mỗi người theo mọi cách có thể, sử dụng tấm lòng chân thành, sự khôn ngoan, và những phương pháp khác nhau của Ngài để sưởi ấm lòng mỗi người, và đánh thức linh hồn mỗi người. Đây là một thực tế không thể bàn cãi. Bất kể bao nhiêu người đang ngồi đây, mỗi người đều có những trải nghiệm và cảm giác khác nhau đối với lòng khoan dung, kiên nhẫn và đáng mến của Đức Chúa Trời. Những trải nghiệm này về Đức Chúa Trời và những cảm giác hay sự nhận thức về Ngài – nói ngắn gọn, tất cả những điều tích cực này đều từ Đức Chúa Trời. Vậy thì bằng cách tích hợp những trải nghiệm và kiến thức của mọi người về Đức Chúa Trời và kết hợp chúng với những bài đọc của chúng ta về các đoạn Kinh Thánh hôm nay, các ngươi giờ đây đã có sự hiểu biết thực hơn và đúng đắn hơn về Đức Chúa Trời chưa?

Sau khi đọc câu chuyện này và hiểu đôi chút về tâm tính Đức Chúa Trời được tỏ lộ thông qua sự kiện này, các ngươi có dạng kiến thức mới nào về Đức Chúa Trời? Nó có cho các ngươi sự hiểu biết sâu hơn về Đức Chúa Trời và lòng Ngài không? Các ngươi bây giờ có cảm thấy khác khi xem lại câu chuyện về Nô-ê không? Theo quan điểm của các ngươi, có phải việc thông công về những câu Kinh Thánh này là không cần thiết không? Giờ đây khi chúng ta đã thông công về chúng, các ngươi có nghĩ là không cần thiết không? Chắc chắn là cần thiết! Mặc dù những gì chúng ta đọc là một câu chuyện, nhưng nó là một ghi chép thật về công tác Đức Chúa Trời đã làm. Mục tiêu của Ta không phải là để cho các ngươi hiểu rõ các chi tiết của những câu chuyện này hay nhân vật này, cũng không phải để các ngươi có thể đi nghiên cứu về nhân vật này, và chắc chắn không phải để các ngươi quay lại và nghiên cứu Kinh Thánh lần nữa. Các ngươi có hiểu không? Vậy những câu chuyện này đã trợ giúp gì cho kiến thức của các ngươi về Đức Chúa Trời? Câu chuyện này đã bổ sung những gì vào sự hiểu biết của các người về Đức Chúa Trời? Hãy cho chúng tôi biết, mời các anh chị em từ Hong Kong. (Chúng tôi thấy rằng tình yêu của Đức Chúa Trời là điều mà không con người bại hoại nào như chúng tôi sở hữu được.) Hãy cho chúng tôi biết nào, các anh chị em từ Hàn Quốc. (Tình yêu của Đức Chúa Trời đối với con người là thật. Tình yêu của Đức Chúa Trời đối với con người mang tâm tính của Ngài và mang sự vĩ đại, thánh khiết, quyền tối cao, và lòng khoan dung của Ngài. Đáng để chúng ta cố gắng đạt được một sự hiểu biết sâu hơn về điều này.) (Thông qua sự thông công vừa xong, một mặt, tôi có thể thấy tâm tính công chính và thánh khiết của Đức Chúa Trời, và tôi cũng có thể thấy sự quan tâm lo lắng mà Đức Chúa Trời có đối với nhân loại, lòng thương xót của Đức Chúa Trời đối với nhân loại, và rằng mọi điều Đức Chúa Trời làm và mọi ý nghĩ, ý tưởng Ngài có đã tỏ lộ tình yêu và sự quan tâm của Ngài đối với nhân loại.) (Sự hiểu biết của tôi trước đây là Đức Chúa Trời đã dùng một trận lụt để hủy diệt thế gian bởi vì nhân loại đã trở nên tà ác đến mức trầm trọng, và như thể Đức Chúa Trời đã hủy diệt nhân loại này bởi Ngài ghê tởm họ. Chỉ sau khi Đức Chúa Trời nói về câu chuyện của Nô-ê hôm nay và nói rằng lòng Đức Chúa Trời rỉ máu, tôi mới nhận ra rằng Đức Chúa Trời thật sự do dự khi buông bỏ nhân loại này. Chính bởi nhân loại quá phản nghịch mà Đức Chúa Trời đã không có chọn lựa nào khác ngoài hủy diệt họ. Thực ra, lòng Đức Chúa Trời vào lúc ấy rất buồn. Từ điểm này, tôi có thể thấy trong tâm tính của Đức Chúa Trời có sự chăm sóc và quan tâm của Ngài đối với nhân loại. Đây là điều tôi đã không biết trước đây.) Hay lắm! Các ngươi có thể tiếp tục. (Tôi rất xúc động sau khi nghe. Trước đây tôi đã đọc Kinh Thánh, nhưng tôi chưa bao giờ có trải nghiệm như hôm nay khi Đức Chúa Trời trực tiếp mổ xẻ những điều này để chúng tôi có thể bắt đầu biết Ngài. Việc Đức Chúa Trời dìu dắt chúng tôi xem Kinh Thánh như thế này đã cho phép tôi biết rằng thực chất của Đức Chúa Trời trước sự bại hoại của con người là yêu thương và quan tâm đến nhân loại. Từ lúc con người trở nên bại hoại cho đến những ngày sau rốt này, mặc dù Đức Chúa Trời có một tâm tính công chính, tình yêu và sự quan tâm của Ngài vẫn không thay đổi. Điều này cho thấy rằng bản chất tình yêu của Đức Chúa Trời, từ lúc sáng thế cho đến nay, bất kể con người có bại hoại hay không, cũng không bao giờ thay đổi.) (Hôm nay tôi đã thấy rằng thực chất của Đức Chúa Trời sẽ không thay đổi theo sự thay đổi về thời gian hay địa điểm của công tác của Ngài. Tôi cũng đã thấy rằng, cho dù Đức Chúa Trời đang tạo ra thế gian hay hủy diệt nó sau khi con người trở nên bị bại hoại, thì mọi điều Ngài làm đều có ý nghĩa và chứa đựng tâm tính Ngài. Vì lẽ ấy tôi thấy rằng tình yêu của Đức Chúa Trời là vô tận và mênh mông, và tôi cũng thấy được, như các anh chị em khác đã đề cập, sự quan tâm và lòng thương xót của Đức Chúa Trời đối với nhân loại khi Ngài hủy diệt thế gian.) (Đây là những điều tôi quả thật đã không biết trước kia. Sau khi lắng nghe hôm nay, tôi cảm thấy rằng Đức Chúa Trời thật sự đáng tin, thật sự đáng trông cậy, đáng tin tưởng, và rằng Ngài quả thật hiện hữu. Tôi có thể thật sự nhận thức rõ trong lòng rằng tâm tính và tình yêu của Đức Chúa Trời thật sự rõ ràng chắc chắn như vậy. Đây là một cảm xúc mà tôi có sau khi nghe hôm nay.) Xuất sắc! Có vẻ tất cả các ngươi đều đã tiếp nhận vào trong lòng những gì đã nghe.

Các ngươi có để ý thấy điều gì đó từ tất cả các câu Kinh Thánh, bao gồm tất cả những câu chuyện mà chúng ta đã thông công hôm nay không? Đức Chúa Trời có bao giờ dùng ngôn ngữ của riêng Ngài để bày tỏ những ý nghĩ của riêng Ngài và giải thích tình yêu, sự chăm sóc của Ngài đối với nhân loại không? Có ghi chép nào về việc Ngài dùng ngôn ngữ đơn giản để nói rõ Ngài quan tâm hay yêu thương nhân loại nhiều như thế nào không? Không. Điều đó không đúng sao? Có rất nhiều người trong các ngươi đã đọc Kinh Thánh hay những cuốn sách khác ngoài Kinh Thánh. Có bất kỳ ai trong các ngươi thấy những lời như thế không? Câu trả lời chắc chắn là không! Nghĩa là, trong những ghi chép Kinh Thánh, bao gồm lời Đức Chúa Trời hay tài liệu về công tác của Ngài, trong bất kỳ kỷ nguyên hay khoảng thời gian nào, Đức Chúa Trời chưa bao giờ dùng những phương pháp riêng của Ngài để miêu tả các cảm xúc của Ngài hay bày tỏ tình yêu và sự chăm sóc của Ngài đối với nhân loại, Đức Chúa Trời cũng chưa bao giờ dùng lời nói hay bất kỳ hành động nào để truyền đạt những tình cảm hay cảm xúc của Ngài – đó chẳng phải là thực tế sao? Tại sao Ta lại nói điều đó? Tại sao Ta lại đề cập điều này? Đó là vì điều này cũng là hiện thân cho sự đáng mến của Đức Chúa Trời và tâm tính của Ngài.

Đức Chúa Trời đã tạo ra nhân loại; bất kể họ đã bại hoại hay họ có theo Ngài hay không, Đức Chúa Trời cũng đối đãi với họ như những người yêu quý nhất của Ngài – hoặc như cách nói của con người là những người thân thương nhất của Ngài – và không phải là những món đồ chơi của Ngài. Mặc dù Đức Chúa Trời nói Ngài là Đấng Tạo Hóa và rằng con người là loài thọ tạo của Ngài, điều nghe có vẻ hơi khác biệt về tầng lớp, nhưng hiện thực là mọi điều Đức Chúa Trời đã làm cho nhân loại đều vượt xa bản chất của mối quan hệ này. Đức Chúa Trời yêu nhân loại, chăm sóc cho nhân loại, và thể hiện sự quan tâm đối với nhân loại, cũng như liên tục và không ngừng chu cấp cho nhân loại. Ngài không bao giờ cảm thấy trong lòng rằng đây là một công việc phụ hay điều gì đó đáng được thật nhiều công trạng. Ngài cũng không cảm thấy rằng cứu rỗi nhân loại, chu cấp cho họ, và ban cho họ mọi thứ, là làm nên sự đóng góp khổng lồ cho nhân loại. Ngài đơn thuần chu cấp cho nhân loại một cách âm thầm và lặng lẽ, theo cách của riêng Ngài và thông qua thực chất của riêng Ngài, thông qua việc Ngài có gì và là gì. Cho dù nhân loại nhận được bao nhiêu sự chu cấp và giúp đỡ từ Ngài, Đức Chúa Trời cũng không bao giờ nghĩ đến hay cố gắng ghi vào công trạng. Điều này được quyết định bởi thực chất của Đức Chúa Trời, và cũng chính là sự bày tỏ thật về tâm tính Đức Chúa Trời. Đây là lý do tại sao, dù trong Kinh Thánh hay bất kỳ sách nào khác, chúng ta cũng không bao giờ thấy Đức Chúa Trời bày tỏ những ý nghĩ của Ngài, và chúng ta không bao giờ thấy Đức Chúa Trời miêu tả hay tuyên bố với con người – với mục đích làm cho nhân loại biết ơn Ngài hay tán dương Ngài – về việc tại sao Ngài lại làm những điều này, hay tại sao Ngài lại chăm sóc nhân loại nhiều như vậy. Ngay cả khi Ngài đau khổ, khi lòng Ngài cực kỳ đau đớn, Ngài cũng không bao giờ quên trách nhiệm của mình đối với nhân loại hay sự quan tâm của Ngài đối với nhân loại; tất cả đều trong lúc Ngài chịu sự đau khổ và đau đớn này một mình trong âm thầm. Mà trái lại, Đức Chúa Trời tiếp tục chu cấp cho nhân loại như Ngài đã luôn làm. Mặc dù nhân loại thường ca ngợi Đức Chúa Trời hay làm chứng cho Ngài, Đức Chúa Trời không đòi hỏi điều gì trong cách hành xử này cả. Điều này là vì Đức Chúa Trời không bao giờ có ý định rằng bất kỳ việc tốt nào Ngài làm cho nhân loại là hòng đổi lấy lòng biết ơn hay đáp trả. Trái lại, những người có thể kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác, những người có thể thật sự theo Đức Chúa Trời, lắng nghe Ngài và trung thành với Ngài, và những người có thể thuận phục Ngài – đây là những người sẽ thường xuyên nhận được phúc lành của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời sẽ ban những phúc lành như thế mà không tiếc tay. Hơn nữa, những phúc lành mà con người được nhận từ Đức Chúa Trời thường vượt ngoài trí tưởng tượng của họ, và cũng vượt tầm bất kỳ điều gì con người có thể biện minh thông qua những gì họ đã làm hay cái giá mà họ đã trả. Khi nhân loại vui hưởng những phúc lành của Đức Chúa Trời, có bất kỳ ai quan tâm đến việc Đức Chúa Trời đang làm gì không? Có bất kỳ ai thể hiện sự quan tâm nào với việc Đức Chúa Trời đang cảm thấy thế nào không? Có bất kỳ ai cố gắng nhận thức rõ nỗi đau của Đức Chúa Trời không? Câu trả lời dứt khoát là không! Có bất kỳ người nào, kể cả Nô-ê, nhận thức rõ nỗi đau mà Đức Chúa Trời đang cảm nhận vào khoảnh khắc đó không? Có bất kỳ ai hiểu rõ tại sao Đức Chúa Trời lại lập một giao ước như thế không? Họ không thể! Nhân loại không nhận thức rõ nỗi đau của Đức Chúa Trời không phải là vì họ không thể hiểu nỗi đau của Đức Chúa Trời, và không phải bởi khoảng cách giữa Đức Chúa Trời và con người hay sự khác biệt ở địa vị của họ; mà đúng hơn, chính là vì nhân loại không hề quan tâm đến bất kỳ cảm xúc nào của Đức Chúa Trời. Nhân loại nghĩ rằng Đức Chúa Trời độc lập – rằng Đức Chúa Trời không cần con người chăm sóc cho Ngài, hiểu Ngài hay thể hiện sự quan tâm với Ngài. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời, do đó Ngài không có nỗi đau, không có xúc cảm; Ngài sẽ không buồn, Ngài không cảm thấy đau khổ, Ngài thậm chí không khóc. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời, do đó Ngài không cần bất kỳ sự thể hiện tình cảm nào và Ngài không cần bất kỳ sự an ủi tình cảm nào. Nếu trong những hoàn cảnh nhất định, Ngài không cần những điều này, thì Ngài có thể đương đầu một mình và sẽ không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào từ nhân loại. Trái lại, chính những con người yếu đuối, non nớt mới cần đến sự yên ủi, chu cấp, khích lệ của Đức Chúa Trời, và thậm chí cần Ngài an ủi xúc cảm của họ mọi nơi mọi lúc. Những điều như thế ẩn sâu trong lòng nhân loại: Con người là kẻ yếu đuối; họ cần Đức Chúa Trời trông nom họ theo mọi cách, họ xứng đáng với tất cả những sự chăm sóc mà họ nhận được từ Đức Chúa Trời, và họ phải đòi hỏi ở Đức Chúa Trời bất cứ điều gì họ cảm thấy nên là của họ. Đức Chúa Trời là Đấng mạnh mẽ; Ngài có mọi thứ, và Ngài phải là Đấng bảo hộ và Đấng ban phúc lành cho nhân loại. Bởi vì Ngài đã là Đức Chúa Trời, Ngài có quyền tuyệt đối và không bao giờ cần bất cứ điều gì từ nhân loại.

Bởi con người không để ý đến bất kỳ sự mặc khải nào của Đức Chúa Trời, họ chưa bao giờ cảm nhận sự buồn phiền, đau đớn, hay niềm vui của Đức Chúa Trời. Nhưng trái lại, Đức Chúa Trời biết tất cả mọi biểu hiện của con người như biết rõ lòng bàn tay Ngài. Đức Chúa Trời chu cấp cho các nhu cầu của mọi người vào mọi lúc và ở mọi nơi, quan sát những ý nghĩ đổi thay của mỗi người và bởi đó an ủi, khích lệ họ, hướng dẫn và soi sáng họ. Đối với tất cả những điều mà Đức Chúa Trời đã làm cho nhân loại và mọi cái giá mà Ngài đã trả bởi vì họ, con người có thể tìm được đoạn nào trong Kinh Thánh hay từ bất cứ điều gì mà Đức Chúa Trời đã phán cho đến nay tuyên bố rõ rằng Đức Chúa Trời sẽ đòi hỏi điều gì đó từ con người không? Không! Trái lại, cho dù con người phớt lờ suy nghĩ của Đức Chúa Trời như thế nào, Ngài vẫn liên tục dìu dắt nhân loại, liên tục chu cấp cho nhân loại và giúp đỡ họ, tạo điều kiện cho họ theo con đường của Đức Chúa Trời hầu cho họ có thể đạt được đích đến tốt đẹp mà Ngài đã chuẩn bị cho họ. Khi nói đến Đức Chúa Trời, thì việc Ngài có gì và là gì, ân điển của Ngài, lòng thương xót của Ngài, và mọi sự ban thưởng của Ngài, sẽ được ban không tiếc tay cho những ai yêu thương và theo Ngài. Thế nhưng Ngài không bao giờ tỏ lộ với bất kỳ ai nỗi đau mà Ngài đã chịu hay trạng thái tinh thần của Ngài, và Ngài không bao giờ than phiền về bất kỳ ai việc họ không lưu tâm tới Ngài hay không biết tâm ý của Ngài. Ngài đơn thuần âm thầm chịu đựng tất cả những điều này, đợi đến ngày nhân loại sẽ có thể hiểu được.

Tại sao Ta nói những điều này ở đây? Các ngươi thấy gì từ những điều Ta đã nói? Có điều gì đó trong thực chất và tâm tính Đức Chúa Trời mà quá dễ bị bỏ qua, điều gì đó chỉ được sở hữu bởi Đức Chúa Trời chứ không bởi bất kỳ người nào, kể cả những người mà người khác nghĩ là các vĩ nhân, người tốt, hay là Đức Chúa Trời trong trí tưởng tượng của họ. Điều đó là gì? Đó là lòng vị tha của Đức Chúa Trời. Khi nói về lòng vị tha, có thể ngươi nghĩ mình cũng rất vị tha, bởi vì khi nói đến con cái ngươi, ngươi không bao giờ điều đình hay mặc cả với chúng, hoặc ngươi nghĩ mình cũng rất vị tha khi nói đến cha mẹ mình. Cho dù ngươi nghĩ gì, chí ít ngươi có một khái niệm về từ “vị tha” và nghĩ về nó như một từ tích cực, và rằng việc là một người vị tha là rất cao quý. Khi ngươi vị tha, ngươi cho là bản thân mình cao cả. Nhưng không ai có thể thấy sự vị tha của Đức Chúa Trời trong mọi sự, giữa những con người, sự kiện, và sự vật, và trong công tác của Ngài. Tại sao lại như vậy? Bởi vì con người quá ích kỷ! Tại sao Ta nói như thế? Nhân loại sống trong một thế giới vật chất. Có thể ngươi theo Đức Chúa Trời, nhưng ngươi không bao giờ thấy hay cảm kích cách Đức Chúa Trời chu cấp cho ngươi, yêu thương ngươi, và thể hiện sự quan tâm đối với ngươi. Vậy thì ngươi thấy gì? Ngươi thấy những người họ hàng ruột thịt của mình, những người yêu thương mình hay cưng chiều mình. Ngươi thấy những điều có lợi cho xác thịt của ngươi, ngươi quan tâm đến những người và vật mà ngươi yêu thương. Đây là điều được gọi là lòng vị tha của con người. Tuy nhiên, những người “vị tha” như thế không bao giờ quan tâm đến Đức Chúa Trời là Đấng ban sự sống cho họ. Trái ngược với lòng vị tha của Đức Chúa Trời, lòng vị tha của con người trở nên ích kỷ và đáng khinh. Lòng vị tha mà con người tin vào thì rỗng tuếch và không thực tế, giả tạo, không tương hợp với Đức Chúa Trời, và không liên quan tới Đức Chúa Trời. Lòng vị tha của con người là vì chính họ, trong khi lòng vị tha của Đức Chúa Trời là một sự mặc khải thật về thực chất Ngài. Chính bởi lòng vị tha của Đức Chúa Trời mà con người liên tục được Ngài chu cấp cho. Có thể các ngươi không quá cảm động bởi đề tài mà Ta đang nói đến hôm nay và chỉ đơn thuần gật gù chấp nhận, nhưng khi ngươi cố gắng cảm kích tấm lòng Đức Chúa Trời trong lòng mình, ngươi sẽ vô tình khám phá điều này: Trong số mọi người, sự việc, và sự vật mà ngươi có thể cảm nhận trong thế gian này, chỉ lòng vị tha của Đức Chúa Trời là thật và rõ ràng, bởi vì chỉ tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho ngươi là vô điều kiện và không chút vết nhơ. Ngoài Đức Chúa Trời ra, cái gọi là lòng vị tha của bất kỳ ai khác cũng đều là vờ vịt, hời hợt, không thực; nó có mục đích, có những ý đồ nhất định, mang sự đổi chác, và không thể chịu được thử thách. Các ngươi thậm chí có thể nói rằng nó nhơ bẩn và đáng khinh. Các ngươi có đồng ý với những lời này không?

Ta biết các ngươi rất xa lạ với những đề tài này và cần chút thời gian để hấp thụ chúng trước khi các ngươi có thể thật sự hiểu được. Các ngươi càng xa lạ với những vấn đề và đề tài này thì càng chứng tỏ rằng những chủ đề này đang thiếu vắng trong lòng các ngươi. Nếu Ta không bao giờ đề cập những đề tài này, liệu có ai trong các ngươi biết bất cứ điều gì về chúng không? Ta tin rằng các ngươi sẽ không bao giờ hiểu được chúng. Điều đó là chắc chắn. Cho dù các ngươi có thể cảm được hay hiểu được nhiều như thế nào, thì nói ngắn gọn, những đề tài mà Ta nói đến này là điều mà con người thiếu kém nhất và là điều họ nên biết nhiều nhất. Những đề tài này rất quan trọng đối với mọi người – chúng quý báu và chúng là sự sống, và chúng là những điều các ngươi phải sở hữu cho con đường phía trước. Không có những lời này để hướng dẫn, không có sự hiểu biết của các ngươi về tâm tính và thực chất của Đức Chúa Trời, ngươi sẽ luôn mang một dấu chấm hỏi khi nói đến Đức Chúa Trời. Làm sao ngươi có thể tin Đức Chúa Trời một cách đúng đắn nếu ngươi thậm chí không hiểu về Ngài? Ngươi không biết gì về những cảm xúc của Đức Chúa Trời, tâm ý của Ngài, trạng thái tinh thần của Ngài, những gì Ngài đang nghĩ, những gì làm Ngài buồn, và những gì làm Ngài vui, vậy thì làm sao ngươi có thể lưu tâm đến tấm lòng của Đức Chúa Trời được?

Bất cứ khi nào Đức Chúa Trời phiền lụy, Ngài đối mặt với một nhân loại chẳng hề chú ý gì đến Ngài, một nhân loại theo Ngài và tuyên bố yêu Ngài nhưng hoàn toàn bỏ mặc những cảm xúc của Ngài. Làm sao lòng Ngài lại không đau cho được? Trong công tác quản lý của Đức Chúa Trời, Ngài tận tâm thực hiện công tác của Ngài và phán với mỗi người, và Ngài đối mặt với họ mà không hạn chế hay che giấu; nhưng trái lại, mỗi người theo Ngài đều xa cách với Ngài, và không ai sẵn lòng chủ động đến gần Ngài hơn, hiểu lòng Ngài, hay chú ý đến những cảm xúc của Ngài. Thậm chí những người muốn trở nên thân cận với Đức Chúa Trời cũng không muốn đến gần Ngài, lưu tâm đến lòng Ngài, hay cố gắng hiểu Ngài. Khi Đức Chúa Trời đầy hứng khởi và vui vẻ, không ai chia sẻ niềm hạnh phúc của Ngài. Khi Đức Chúa Trời bị con người hiểu lầm, không ai an ủi trái tim tổn thương của Ngài. Khi lòng Ngài đau khổ, không một người nào sẵn lòng để cho Ngài giãi bày nơi họ. Qua hàng ngàn năm này của công tác quản lý của Đức Chúa Trời, không ai hiểu những cảm xúc của Đức Chúa Trời, cũng không ai thấu hiểu hay cảm kích chúng, huống chi bất kỳ ai có thể đứng bên cạnh Đức Chúa Trời để chia sẻ những niềm vui và nỗi buồn của Ngài. Đức Chúa Trời thật cô đơn. Ngài thật cô đơn! Đức Chúa Trời cô đơn không chỉ bởi nhân loại bại hoại chống đối Ngài, mà phần nhiều là vì những người tìm kiếm thuộc linh, những người tìm kiếm để được biết Đức Chúa Trời và hiểu Ngài, và thậm chí những người sẵn lòng dành cả cuộc đời mình cho Ngài, cũng không biết những ý nghĩ của Ngài hay hiểu tâm tính Ngài và những cảm xúc của Ngài.

Ở phần kết câu chuyện về Nô-ê, chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã dùng một phương pháp khác thường để bày tỏ những cảm xúc của Ngài vào lúc đó. Đó là một phương pháp rất đặc biệt: lập giao ước với con người, tuyên bố chấm dứt sự hủy diệt thế gian của Đức Chúa Trời bằng trận lụt. Ở bề ngoài, việc lập giao ước có vẻ là một điều rất bình thường. Nó không khác gì hơn là dùng từ ngữ để ràng buộc hai bên và ngăn họ vi phạm thỏa thuận của mình, nhằm bảo vệ lợi ích của cả hai. Về hình thức, đó là một điều rất bình thường, nhưng từ những động cơ đằng sau và ý định của Đức Chúa Trời khi làm điều này, đó là một sự tỏ lộ thật sự về tâm tính và trạng thái tinh thần của Đức Chúa Trời. Nếu ngươi chỉ gạt những lời này sang một bên và lờ chúng đi, nếu Ta không bao giờ nói với các ngươi sự thật về các sự việc, thì nhân loại sẽ thật sự không bao giờ biết được suy nghĩ của Đức Chúa Trời. Có lẽ trong trí tưởng tượng của ngươi, Đức Chúa Trời mỉm cười khi Ngài lập giao ước này, hay có lẽ sự bày tỏ của Ngài thật nghiêm túc, nhưng bất kể những sự bày tỏ thông thường nhất nào con người tưởng tượng ra cho Đức Chúa Trời, không ai có thể thấy được lòng Đức Chúa Trời hay nỗi đau của Ngài, huống chi sự cô đơn của Ngài. Không ai có thể làm cho Đức Chúa Trời tin tưởng họ hay xứng đáng với sự tin tưởng của Đức Chúa Trời, hay là người Ngài có thể bày tỏ những ý nghĩ của Ngài hay giãi bày nỗi đau của Ngài. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời không có sự chọn lựa nào khác hơn là làm một việc như thế. Ngoài mặt, Đức Chúa Trời đã làm một điều dễ dàng là từ biệt nhân loại như vốn dĩ, giải quyết vấn đề của quá khứ và đưa ra một kết cuộc hoàn hảo bằng trận lụt hủy diệt thế gian của Ngài. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã chôn giấu nỗi đau bởi khoảnh khắc này tận sâu trong lòng Ngài. Vào lúc Đức Chúa Trời không có bất kỳ ai để giãi bày, Ngài đã lập một giao ước với nhân loại, nói với họ rằng Ngài sẽ không hủy diệt thế gian bằng một trận lụt lần nữa. Khi cầu vồng xuất hiện, đó là để nhắc con người rằng một điều như thế đã xảy ra và để cảnh báo họ kiềm chế việc ác. Ngay cả trong trạng thái đau đớn như thế, Đức Chúa Trời đã không quên nhân loại và vẫn thể hiện sự quan tâm rất nhiều đối với họ. Chẳng phải đó là tình yêu và lòng vị tha của Đức Chúa Trời sao? Thế nhưng con người nghĩ gì khi họ đau khổ? Chẳng phải đây là lúc họ cần Đức Chúa Trời nhất sao? Vào những lúc như thế này, con người luôn lôi Đức Chúa Trời vào để Ngài có thể an ủi họ. Bất kể khi nào, Đức Chúa Trời cũng sẽ không bao giờ làm con người thất vọng, và Ngài sẽ luôn cho phép con người thoát ra khỏi những nguy khốn của họ và sống trong sự sáng. Mặc dù Đức Chúa Trời chu cấp cho nhân loại như vậy, trong lòng con người, Đức Chúa Trời không gì hơn là một viên thuốc an thần, một viên thuốc bổ. Khi Đức Chúa Trời đau khổ, khi lòng Ngài tổn thương, thì việc có một loài thọ tạo hay bất kỳ người nào đồng hành cùng Ngài hay an ủi Ngài hẳn nhiên sẽ chỉ là một ước muốn xa vời đối với Đức Chúa Trời. Con người chẳng bao giờ chú ý đến những cảm xúc của Đức Chúa Trời, do đó Đức Chúa Trời không bao giờ đòi hỏi cũng không kỳ vọng sẽ có ai đó có thể an ủi Ngài. Ngài chỉ dùng những phương pháp của riêng Ngài để bày tỏ tâm trạng của Ngài. Con người không nghĩ rằng việc Đức Chúa Trời trải qua nỗi đau khổ nào đó không phải là một gian khổ to lớn, mà chỉ khi ngươi thật sự cố gắng hiểu Đức Chúa Trời, khi ngươi có thể thật sự cảm kích những ý định thiết tha của Đức Chúa Trời trong mọi việc Ngài làm, thì ngươi mới có thể cảm nhận sự vĩ đại của Đức Chúa Trời và lòng vị tha của Ngài. Mặc dù Đức Chúa Trời đã dùng cầu vồng để lập một giao ước với nhân loại, Ngài chưa bao giờ nói với bất kỳ ai tại sao Ngài làm như vậy – tại sao Ngài lập giao ước này – nghĩa là Ngài chưa bao giờ nói với bất kỳ ai những ý nghĩ thật của Ngài. Điều này là bởi không ai có thể hiểu thấu chiều sâu của tình yêu mà Đức Chúa Trời có đối với nhân loại mà Ngài đã tự tay tạo nên, và cũng không ai có thể nhận thức rõ lòng Ngài đã chịu bao đau đớn khi Ngài hủy diệt nhân loại. Vì lẽ ấy, ngay cả khi Ngài có nói với con người Ngài cảm thấy thế nào, họ cũng sẽ không thể đảm nhận sự tin tưởng này. Bất chấp đau đớn, Ngài vẫn tiếp tục với bước tiếp theo trong công tác của Ngài. Đức Chúa Trời luôn ban phần tốt nhất của Ngài và những điều tốt nhất của Ngài cho nhân loại, đồng thời tự mình âm thầm chịu đựng mọi đau khổ. Đức Chúa Trời không bao giờ công khai tiết lộ những sự đau khổ này. Thay vào đó, Ngài chịu đựng chúng và chờ đợi trong thinh lặng. Sự chịu đựng của Đức Chúa Trời không lạnh lùng, tê dại, hay bất lực, nó cũng không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Đúng hơn, tình yêu và thực chất của Đức Chúa Trời luôn vị tha. Đây là sự tỏ lộ tự nhiên của thực chất và tâm tính Ngài, và là hiện thân đích thực cho thân phận của Đức Chúa Trời – Đấng Tạo Hóa thật.

Nói như thế, một số người có thể diễn dịch sai ý Ta và nghĩ: “Có phải việc miêu tả những cảm xúc của Đức Chúa Trời chi tiết như vậy, với quá nhiều sự gây xúc động, là nhằm làm cho con người cảm thấy tội nghiệp Đức Chúa Trời không?”. Đó có phải là ý định ở đây không? (Không.) Mục đích duy nhất của Ta khi nói những điều này là để làm cho các ngươi biết Đức Chúa Trời rõ hơn, hiểu vô số phương diện của Ngài, hiểu những xúc cảm của Ngài, nhận thức rõ thực chất và tâm tính của Ngài, một cách cụ thể và từng chút một, được bày tỏ qua công tác của Ngài, là đối lập với điều được miêu tả thông qua những lời rỗng tuếch của con người, những câu chữ và giáo lý của họ, hay trí tưởng tượng của họ. Nói thế nghĩa là, Đức Chúa Trời và thực chất của Đức Chúa Trời thật sự hiện hữu – đó không phải là những bức vẽ, cũng không phải là sự tưởng tượng, không được xây dựng bởi con người, và hiển nhiên không do con người chế tạo nên. Bây giờ các ngươi có nhận ra điều này không? Nếu các ngươi có nhận ra, vậy thì những lời của Ta hôm nay đã đạt được mục tiêu.

Chúng ta đã thảo luận ba đề tài hôm nay. Ta tin rằng mọi người đã thu nhặt được rất nhiều từ buổi thông công của chúng ta về ba đề tài này. Ta có thể nói chắc chắn rằng, thông qua ba chủ đề này, những ý nghĩ của Đức Chúa Trời mà Ta đã miêu tả hay tâm tính và thực chất của Đức Chúa Trời mà Ta đề cập đã cải hóa những tưởng tượng và sự hiểu biết của con người về Đức Chúa Trời, thậm chí cải hóa niềm tin của mọi người nơi Đức Chúa Trời, và hơn nữa, đã cải hóa hình tượng của Đức Chúa Trời mà mọi người ngưỡng mộ trong lòng. Cho dù thế nào, Ta hy vọng những gì các ngươi đã biết được về tâm tính Đức Chúa Trời trong hai phần này của Kinh Thánh sẽ có lợi cho các ngươi, và Ta hy vọng sau khi các ngươi trở lại, các ngươi sẽ suy ngẫm thêm về nó. Buổi gặp gỡ hôm nay kết thúc ở đây. Tạm biệt!

Ngày 4 tháng 11 năm 2013

Trước: Cách nhận biết tâm tính của Đức Chúa Trời và các kết quả mà công tác của Ngài sẽ đạt được

Tiếp theo: Công tác của Đức Chúa Trời, tâm tính của Đức Chúa Trời, và chính Đức Chúa Trời II

Hồi chuông thời sau hết báo động đã vang lên, đại thảm họa đã ập xuống, bạn có muốn cùng gia đình nghênh đón được Thiên Chúa, và có cơ hội nhận được sự che chở của Thiên Chúa không?

Cài đặt

  • Văn bản
  • Chủ đề

Màu Đồng nhất

Chủ đề

Phông

Kích cỡ Phông

Khoảng cách Dòng

Khoảng cách Dòng

Chiều rộng Trang

Mục lục

Tìm kiếm

  • Tìm kiếm văn bản này
  • Tìm kiếm cuốn sách này

Liên hệ với chúng tôi qua Messenger