Bài bàn thêm 2: Nô-ê và Áp-ra-ham đã lắng nghe lời Đức Chúa Trời và thuận phục Ngài như thế nào (Phần 1)

I. Nô-ê đóng tàu

Hôm nay Ta sẽ bắt đầu bằng cách kể cho các ngươi nghe vài câu chuyện. Hãy lắng nghe chủ đề mà Ta sẽ nói, và xem nó có bất kỳ sự kết nối nào với các đề tài đã nói trước đó không. Những câu chuyện này không sâu xa nên có lẽ các ngươi đều hiểu được. Những câu chuyện này chúng ta đã kể trước đây và đều là chuyện cũ. Đầu tiên là câu chuyện về Nô-ê. Trong thời Nô-ê, nhân loại cực kỳ bại hoại: người ta thờ thần tượng, chống đối Đức Chúa Trời, và phạm đủ các kiểu hành ác. Sự hành ác của họ đã bị mắt Đức Chúa Trời nhìn thấy, những lời họ nói đã đến tai Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời đã quyết định rằng Ngài sẽ hủy diệt nhân loại này bằng một trận lụt, rằng Ngài sẽ xóa sổ thế gian này. Như vậy, có phải tất cả mọi người đều bị tiêu diệt, không một ai còn lại? Không. Một người đã được may mắn, ông được Đức Chúa Trời ưu ái, và sẽ không là mục tiêu hủy diệt của Đức Chúa Trời: người này là Nô-ê. Nô-ê còn lại sau khi Đức Chúa Trời đã hủy diệt thế gian bằng trận lụt. Sau khi quyết định rằng Ngài sẽ kết thúc kỷ nguyên này và hủy diệt loài người này, Đức Chúa Trời đã làm một điều. Đó là gì? Một ngày nọ, Đức Chúa Trời triệu gọi Nô-ê từ trời. Ngài phán: “Nô-ê, sự tà ác của loài người này đã đến tai Ta, và Ta đã quyết định hủy diệt thế gian này bằng trận lụt. Ngươi hãy đóng một chiếc tàu bằng cây gô-phe. Ta sẽ cho ngươi biết các kích thước của chiếc tàu, và ngươi phải tập hợp mọi loại sinh vật sống để đưa vào trong tàu. Khi tàu được hoàn thành và một đực cùng một cái của mọi sinh vật sống do Đức Chúa Trời tạo ra đã được tập hợp bên trong, ngày của Đức Chúa Trời sẽ đến. Vào lúc đó, Ta sẽ cho ngươi một dấu hiệu”. Sau khi phán những lời này, Đức Chúa Trời rời đi. Và sau khi nghe lời Đức Chúa Trời, Nô-ê bắt đầu thực hiện mỗi một nhiệm vụ Đức Chúa Trời đã phán, không sót gì. Ông đã làm gì? Ông tìm cây gô-phe mà Đức Chúa Trời đã phán, và các vật liệu khác nhau cần để đóng tàu. Ông cũng đã chuẩn bị cho việc thu thập và nuôi dưỡng mọi loại sinh vật sống. Cả hai việc trọng đại này đều được khắc sâu vào lòng ông. Kể từ khi Đức Chúa Trời giao phó việc đóng tàu cho Nô-ê, không thời điểm nào Nô-ê thầm nghĩ: “Khi nào Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt thế gian? Khi nào thì Ngài sẽ cho mình dấu hiệu rằng Ngài sẽ làm điều đó?”. Thay vì suy ngẫm những chuyện như vậy, Nô-ê đã nghiêm túc ghi khắc từng điều mà Đức Chúa Trời đã bảo ông vào lòng rồi sau đó thực hiện từng điều một. Sau khi tiếp nhận những gì được Đức Chúa Trời giao phó cho mình, Nô-ê bắt tay vào thực hiện và hoàn thành việc đóng tàu được Đức Chúa Trời nói đến như thể đó là điều quan trọng nhất trong cuộc đời của ông, không chút ý nghĩ thờ ơ hay sơ suất nào. Ngày trôi qua, năm trôi qua, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Đức Chúa Trời không hề giám sát hay thúc ép Nô-ê, nhưng xuyên suốt thời gian này, Nô-ê kiên trì với nhiệm vụ quan trọng mà Đức Chúa Trời đã giao phó cho ông. Mỗi lời và sự biểu đạt mà Đức Chúa Trời đã phán ra đều được ghi khắc vào lòng Nô-ê như những lời được khắc trên một tấm bia đá. Không quan tâm đến những thay đổi ở thế giới bên ngoài, đến sự chế giễu của những người xung quanh ông, đến những gian khổ liên quan, hoặc đến những khó khăn mà ông đã gặp phải, ông đã kiên trì xuyên suốt với những gì đã được Đức Chúa Trời giao phó cho ông, không bao giờ tuyệt vọng hay nghĩ đến việc bỏ cuộc. Lời Đức Chúa Trời đã được ghi khắc vào lòng Nô-ê, và chúng đã trở thành thực tế hàng ngày của ông. Nô-ê đã chuẩn bị mỗi một vật liệu cần thiết cho việc đóng tàu, và hình dạng cũng như những đặc điểm kỹ thuật của con tàu do Đức Chúa Trời lệnh cho đã dần thành hình với từng nhát búa và đục cẩn thận của Nô-ê. Dù mưa hay gió, và bất kể người ta có chế nhạo hay phỉ báng ông ra sao, cuộc sống của Nô-ê vẫn tiếp diễn theo cách này, năm này qua năm khác. Đức Chúa Trời đã bí mật dõi theo mọi hành động của Nô-ê, không bao giờ phán ra lời nào khác với ông, và lòng Ngài cảm động vì Nô-ê. Tuy nhiên, Nô-ê không hay biết hay cảm nhận được điều này; từ đầu đến cuối, ông chỉ việc đóng tàu, và tập hợp mọi loại sinh vật sống, với lòng trung thành kiên định với lời Đức Chúa Trời. Trong lòng Nô-ê, không có lời chỉ dẫn nào cao hơn mà ông phải làm theo và thực hiện: lời Đức Chúa Trời là phương hướng và mục tiêu suốt đời ông. Vì vậy, bất kể Đức Chúa Trời phán gì với ông, bất kể Đức Chúa Trời bảo ông làm gì, ra lệnh cho ông làm gì, Nô-ê cũng hoàn toàn tiếp nhận và ghi khắc vào lòng, ông xem đó là điều quan trọng nhất cả đời của mình và thực hiện như thế. Ông không những không quên, ông không những ghi khắc điều đó vào lòng, mà còn thực hiện nó trong đời sống thường nhật, dùng mạng sống của mình để tiếp nhận và thực hiện sự ủy nhiệm của Đức Chúa Trời. Và theo cách này, từng miếng ván một, con tàu được đóng lên. Mọi động thái của Nô-ê, mỗi ngày của ông, đều dành riêng cho những lời và điều răn của Đức Chúa Trời. Có thể có vẻ như không phải là Nô-ê đang thực hiện một công việc trọng đại, nhưng trong mắt của Đức Chúa Trời, tất cả những gì Nô-ê đã làm, thậm chí từng bước ông thực hiện để đạt được điều gì đó, mọi công sức do chính tay ông thực hiện – tất cả đều quý giá và đáng tưởng nhớ, và đáng để nhân loại này tích cực noi gương. Nô-ê đã tuân theo những gì Đức Chúa Trời đã giao phó cho ông. Ông đã kiên định với niềm tin của mình rằng mọi lời Đức Chúa Trời phán đều là thật; về việc này, ông đã không nghi ngờ gì. Và kết quả là, con tàu đã được hoàn thành, và mọi loại sinh vật sống đều có thể sống trên đó. Trước khi Đức Chúa Trời hủy diệt thế gian, Ngài đã cho Nô-ê một dấu hiệu, là bảo Nô-ê rằng trận lụt sắp xảy ra, và rằng ông phải lên tàu mà không trì hoãn. Nô-ê đã làm chính xác như Đức Chúa Trời phán. Khi Nô-ê lên tàu, khi một dòng nước lụt lớn từ các từng trời đổ xuống, Nô-ê thấy rằng lời Đức Chúa Trời đã thành sự thật, rằng lời Ngài đã được ứng nghiệm: cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời đã giáng xuống thế gian, và không ai có thể thay đổi được tất cả những điều này.

Nô-ê đã mất bao nhiêu năm để đóng tàu? (Thưa, 120 năm.) Đối với con người ngày nay, 120 năm đại diện cho điều gì? Nó dài hơn cuộc đời của một người bình thường, thậm chí còn dài hơn cuộc đời của hai người cộng lại. Ấy thế mà trong 120 năm này, Nô-ê đã làm một việc, ngày nào ông cũng làm cùng một việc. Trong thời kỳ tiền công nghiệp ấy, trong kỷ nguyên trước khi có thông tin liên lạc ấy, trong thời đại mà mọi thứ đều dựa vào hai bàn tay và sức lao động thể chất của con người ấy, mà Nô-ê đã ngày ngày làm cùng một việc, làm suốt 120 năm mà không bỏ cuộc hay gián đoạn. Một trăm hai mươi năm: chúng ta có thể khái niệm hóa điều này như thế nào? Trong nhân loại này, liệu có ai khác kiên trì làm cùng một việc trong suốt 120 năm không? (Thưa, không có.) Không ai có thể kiên trì làm một việc trong 120 năm là chuyện không có gì đáng ngạc nhiên. Ấy thế mà có một người có thể kiên trì giữ vững, không thay đổi suốt 120 năm, với những gì Đức Chúa Trời đã giao phó cho ông, không bao giờ than oán hay bỏ cuộc, không để bất kỳ hoàn cảnh nào bên ngoài quấy nhiễu mình, và cuối cùng đã hoàn thành chính xác theo lời Đức Chúa Trời phán. Đây là chuyện gì vậy? Trong loài người, chuyện này không những hy hữu và hiếm thấy, mà còn là có một không hai. Trong toàn bộ dòng lịch sử lâu dài của nhân loại, trong toàn bộ những người đã theo Đức Chúa Trời, chuyện này hoàn toàn là có một không hai. Xét về tầm vóc lớn lao, mức độ khó khăn của công trình này, mức độ thể lực và sinh lực mà nó yêu cầu, và thời gian mà nó đòi hỏi, thì đây không phải là một việc dễ dàng, đó là lý do tại sao khi Nô-ê làm điều này, nó là chuyện có một không hai trong nhân loại, và ông là một kiểu mẫu và gương mẫu cho tất cả những ai đi theo Đức Chúa Trời. Nô-ê không được nghe giảng đạo nhiều, thời đó Đức Chúa Trời cũng không bày tỏ nhiều lời, vì vậy chắc chắn Nô-ê không hiểu nhiều lẽ thật. Ông không am tường khoa học hiện đại hay kiến thức tân tiến. Ông là một người quá đỗi bình thường, một thành viên không có gì nổi bật của loài người. Ấy thế mà, ông lại có một điều mà không một con người nào có được: chính là ông biết nghe lời Đức Chúa Trời, biết cách thi hành theo và tuân thủ lời Đức Chúa Trời, ông biết vị trí của con người là gì, và ông có thể thực sự tin và thuận phục lời Đức Chúa Trời – chỉ vậy mà thôi. Một vài tín điều đơn giản này đủ cho phép Nô-ê hoàn thành tất cả những gì Đức Chúa Trời đã giao phó cho ông, và ông kiên trì với điều này không phải trong vài tháng, cũng không phải vài năm, cũng không phải vài thập kỷ, mà là hơn một thế kỷ. Chẳng phải con số này đáng kinh ngạc sao? Ai có thể làm được điều này ngoài Nô-ê? (Thưa, không ai cả.) Và tại sao lại không làm được? Có người nói rằng đó là do không hiểu lẽ thật – nhưng nói vậy thì không phù hợp với sự thật, Nô-ê đã hiểu được bao nhiêu lẽ thật chứ? Tại sao Nô-ê lại có thể làm được mọi việc này? Những người tin Đức Chúa Trời ngày nay đã được đọc nhiều lời Đức Chúa Trời, họ hiểu được chút lẽ thật – vậy tại sao họ lại không làm được? Có người nói rằng đó là do những tâm tính bại hoại của mọi người – nhưng Nô-ê không có tâm tính bại hoại sao? Tại sao Nô-ê lại có thể làm được, còn con người ngày nay thì không? (Thưa, vì con người ngày nay không tin lời Đức Chúa Trời, không xem lời Ngài như lẽ thật mà đối đãi và tuân thủ.) Và tại sao họ không thể xem những lời của Đức Chúa Trời là lẽ thật? Tại sao họ không có khả năng tuân thủ lời Đức Chúa Trời? (Thưa, họ không có lòng kính sợ Đức Chúa Trời.) Vậy khi con người không hiểu lẽ thật, cũng chưa nghe nhiều lẽ thật, thì làm sao nảy sinh lòng kính sợ Đức Chúa Trời được? (Thưa, họ phải có nhân tính và lương tâm.) Đúng vậy. Trong nhân tính của con người, hai điều quý giá nhất phải có là: thứ nhất là lương tâm, và thứ hai là lý trí của nhân tính bình thường. Có lương tâm và lý trí của nhân tính bình thường là tiêu chuẩn tối thiểu để làm người; đây là tiêu chuẩn tối thiểu và cơ bản nhất để đánh giá một người. Nhưng con người ngày nay lại không có những điều này, và vì vậy dù họ có nghe và hiểu bao nhiêu lẽ thật, thì vẫn không thể có được lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Vậy sự khác biệt về thực chất của con người ngày nay so với Nô-ê là gì? (Thưa, là họ không có nhân tính.) Và thực chất của sự thiếu nhân tính này là gì? (Thưa, họ là súc sinh và ma quỷ.) “Súc sinh và ma quỷ”, lời này dù có hơi khó nghe, nhưng lại phù hợp với sự thật; nói một cách tao nhã hơn là họ không có nhân tính. Người không có nhân tính và lý trí thì không phải là người, thậm chí còn không bằng súc sinh. Việc Nô-ê có thể hoàn thành sự ủy thác của Đức Chúa Trời là bởi vì khi Nô-ê nghe được lời Đức Chúa Trời, ông có thể ghi khắc những lời đó vào lòng; xem sự ủy thác của Đức Chúa Trời là đại sự cả đời mà làm, tin vững vàng không nghi hoặc, trăm năm cũng không thay lòng. Chính vì Nô-ê có lòng kính sợ Đức Chúa Trời, là một con người đích thực và ông cực kỳ có lý trí, nên Đức Chúa Trời đã giao phó việc đóng tàu cho ông. Những người có nhân tính và lý trí được như Nô-ê là rất hiếm, sẽ rất khó để tìm được người thứ hai như vậy.

Thực ra, Nô-ê chỉ có thể làm được một điều. Rất đơn giản: Sau khi nghe lời Đức Chúa Trời, ông đã đưa lời Ngài vào thực hành, và đã thực hành mà không kỳ kèo gì. Ông không bao giờ hoài nghi, cũng không bao giờ bỏ cuộc. Đức Chúa Trời bảo ông làm gì thì ông đơn thuần làm nấy. Đức Chúa Trời bảo làm như thế nào thì ông chấp hành và thực hiện theo mà không kỳ kèo gì, không suy nghĩ về lý do tại sao hay sự được mất của bản thân. Ông ghi nhớ lời Đức Chúa Trời: “Đức Chúa Trời muốn hủy diệt thế giới. Ngươi phải nhanh chóng đóng một chiếc tàu; khi tàu được đóng xong và nước lụt đến thì tất cả các ngươi sẽ lên tàu, ai không lên tàu đều sẽ chết”. Ông không biết khi nào chuyện Đức Chúa Trời phán sẽ ứng nghiệm, chỉ biết rằng những gì Ngài nói nhất định sẽ ứng nghiệm, và mọi lời Ngài đều là chân thực, không có lời nói dối nào, còn về việc lời Ngài khi nào ứng nghiệm và khi nào thành sự thật thì là chuyện của Đức Chúa Trời. Ông biết nhiệm vụ duy nhất của mình lúc đó là ghi khắc mọi lời Đức Chúa Trời phán vào lòng, sau đó nhanh chóng thực hiện. Suy nghĩ của Nô-ê là như vậy. Đây là điều ông đã nghĩ, đã làm, và những điều này là sự thật. Vậy, sự khác biệt về thực chất giữa các ngươi và Nô-ê là gì? (Thưa, sau khi nghe lời Đức Chúa Trời, chúng con không đưa vào thực hành.) Đây là biểu hiện, còn sự khác biệt về thực chất là gì? (Thưa, chúng con không có nhân tính.) Đó là Nô-ê có hai thứ tối thiểu mà con người nên có – lương tâm và lý trí của nhân tính bình thường. Các ngươi không có những thứ này. Có thể nói rằng Nô-ê được gọi là con người còn các ngươi không xứng được gọi là con người không? (Thưa, có thể.) Tại sao Ta nói như vậy? Sự thật bày ra ở ngay đây: Xét về chuyện Nô-ê đã làm thì dù chỉ một phần nhỏ các ngươi cũng không làm được chứ đừng nói một nửa. Nô-ê đã có thể kiên trì trong 120 năm. Các ngươi có thể kiên trì trong bao nhiêu năm? 100 năm? 50 năm? 10 năm? Năm năm? Hai năm? Nửa năm? Ai có thể kiên trì trong nửa năm? Ra ngoài tìm loại gỗ mà Đức Chúa Trời gọi tên, đốn hạ, lột vỏ, phơi nắng rồi cắt thành nhiều hình dạng và kích cỡ, các ngươi có thể kiên trì trong nửa năm không? Đa số các ngươi đều lắc đầu, nửa năm cũng không kiên trì nổi. Vậy, ba tháng thì sao? Có một số người nói: “Con cho rằng ba tháng cũng sẽ vất vả. Con có thân thể nhỏ bé, da mỏng thịt mềm. Trong rừng cây có muỗi, rệp, còn có kiến và bọ chét, nếu chúng đều cắn con thì con sẽ không chịu nổi. Ngoài ra, đốn hạ gỗ mỗi ngày, làm những công việc bẩn thỉu, mệt mỏi đó, phơi nắng phơi gió ngoài trời, thì chưa đến hai ngày con đã bị cháy da. Con không muốn làm loại công việc đó, có công việc nào nhẹ nhàng hơn mà Đức Chúa Trời có thể ra lệnh cho con làm không?”. Ngươi có thể chọn những gì Đức Chúa Trời ra lệnh cho ngươi làm không? (Thưa, không thể.) Nếu ngươi không thể kiên trì trong ba tháng thì ngươi có thực sự thuận phục không? Ngươi có thực tế của sự thuận phục không? (Thưa, không.) Không thể kiên trì trong ba tháng, vậy có ai có thể kiên trì trong nửa tháng không? Có một số người nói: “Con không biết cây gô-phe, cũng không biết đốn hạ cây. Con còn không biết khi đốn hạ thì cây đổ về hướng nào, nhỡ đổ vào con thì sao? Hơn nữa, sau khi đốn hạ cây, con chỉ có thể vác nhiều nhất là một hoặc hai thân cây, nếu vác nhiều thì chẳng phải cái lưng, cái vai của con sẽ phế luôn sao?”. Dù chỉ nửa tháng cũng không kiên trì được, vậy các ngươi có thể làm gì? Bảo các ngươi nghe lời Đức Chúa Trời, thuận phục lời Ngài, thực hiện lời Ngài, các ngươi có thể làm được việc gì? Ngoài việc sử dụng máy tính và ra lệnh thì các ngươi còn biết làm gì? Nếu như ở thời đại của Nô-ê, các ngươi có phải là đối tượng mà Đức Chúa Trời kêu gọi không? Tuyệt đối không phải! Các ngươi không phải đối tượng mà Đức Chúa Trời kêu gọi, không phải là đối tượng mà Đức Chúa Trời vừa ý. Tại sao ư? Bởi vì ngươi không phải là người có thể thuận phục sau khi nghe lời Đức Chúa Trời. Nếu ngươi không phải người như vậy thì ngươi có đáng sống không? Ngươi có đáng sống khi trận hồng thủy ập đến không? (Thưa, không đáng.) Nếu ngươi không đáng sống thì sẽ là đối tượng bị diệt vong. Nếu ngươi không thể kiên trì thực hiện lời Đức Chúa Trời dù chỉ nửa tháng, vậy ngươi là thứ gì? Ngươi có phải là người thực sự tin Đức Chúa Trời không? Nếu ngươi không thể chấp hành sau khi lắng nghe lời Đức Chúa Trời, nếu ngươi không thể kiên trì trong nửa tháng, không thể chịu đựng đau khổ dù chỉ hai tuần, thì một chút lẽ thật mà ngươi hiểu có tác dụng gì? Nếu ngay cả một chút tác dụng ràng buộc ngươi cũng không có, thì lẽ thật đối với ngươi cũng chỉ là câu chữ và chẳng có ích gì. Ngươi hiểu nhiều lẽ thật như vậy, nhưng khi được yêu cầu thực hiện lời Đức Chúa Trời và chịu đựng đau khổ trong 15 ngày thì ngươi không chịu nổi, vậy ngươi là loại người gì? Trong mắt Đức Chúa Trời, ngươi có phải là loài thọ tạo đạt tiêu chuẩn không? (Thưa, không phải.) Xét về sự chịu khổ và 120 năm kiên trì của Nô-ê thì khoảng cách giữa các ngươi và Nô-ê không phải chỉ là một chút mà là miễn so sánh. Sở dĩ Đức Chúa Trời gọi Nô-ê và giao phó cho ông mọi chuyện Ngài muốn làm là vì Đức Chúa Trời thấy Nô-ê có thể nghe lời Ngài, là người có thể được giao phó đại sự, là người đáng tin cậy và có thể biến những chuyện Đức Chúa Trời muốn làm thành hiện thực; đây là một con người chân chính trong mắt Đức Chúa Trời. Còn các ngươi? Các ngươi không có những điều này. Không khó để tưởng tượng tất cả các ngươi là gì trong mắt Đức Chúa Trời. Các ngươi có phải là con người không? Các ngươi có xứng được gọi là con người không? Câu trả lời rất rõ ràng: Các ngươi không xứng! Ta đã rút ngắn thời gian nhiều nhất có thể xuống 15 ngày, chỉ hai tuần, mà không ai trong số các ngươi nói mình có thể làm được. Điều này chứng tỏ điều gì? Đức tin, lòng trung thành và sự thuận phục của các ngươi bằng không. Những gì các ngươi cho là đức tin, lòng trung thành và sự thuận phục thì Ta đều thấy không là gì cả! Các ngươi tự cho rằng mình không tệ nhưng Ta thấy các ngươi còn kém rất xa!

Trong câu chuyện về Nô-ê, điều đáng kinh ngạc nhất, đáng khâm phục nhất, đáng noi theo nhất là 120 năm kiên trì, 120 năm thuận phục và trung thành của ông. Các ngươi thấy đấy, Đức Chúa Trời có chọn nhầm người không? (Thưa, không.) Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời xem kỹ tận đáy lòng của con người. Trong biển người mênh mông đó, Ngài đã chọn trúng Nô-ê, Ngài kêu gọi Nô-ê và Ngài đã không chọn sai: Nô-ê đã không phụ lòng Đức Chúa Trời, ông hoàn thành thuận lợi chuyện mà Đức Chúa Trời giao phó. Đây gọi là lời chứng. Đây là điều Đức Chúa Trời muốn, đây chính là lời chứng! Nhưng trong các ngươi, có chút hình bóng, có chút phảng phất gì thuộc loại này không? Không có. Rõ ràng, trong các ngươi không có lời chứng nào như vậy. Những gì bộc lộ trong các ngươi, những gì Đức Chúa Trời thấy, đều là dấu hiệu của sự sỉ nhục; không chuyện nào trong số đó khi được nói đến mà làm mọi người cảm động rơi nước mắt. Về những biểu hiện khác nhau của Nô-ê, đặc biệt là sự tin tưởng vững chắc của ông vào lời Đức Chúa Trời mà không nghi ngờ, không thay lòng trong một thế kỷ, cũng như sự kiên trì của ông để đóng con tàu mà không dao động trong một thế kỷ, và về đức tin và nghị lực này của ông, thì không ai trong thời hiện đại có thể so sánh được, không ai sánh bằng ông. Tuy nhiên, không ai coi trọng lòng trung thành và sự thuận phục của Nô-ê, không ai cho rằng trong việc này có điều gì đáng trân trọng và noi theo. Ngược lại, con người ngày nay chú trọng điều gì hơn? Hô khẩu hiệu và nói đạo lý. Họ dường như hiểu rất nhiều lẽ thật, dường như đạt được lẽ thật, nhưng so với Nô-ê thì họ chưa đạt được một phần trăm, một phần nghìn những chuyện ông đã làm. Họ kém xa biết bao! Khác nhau một trời một vực. Xét từ chuyện Nô-ê đóng tàu, các ngươi đã khám phá ra Đức Chúa Trời yêu thích loại người nào chưa? Những người được Đức Chúa Trời yêu thích có phẩm chất, tấm lòng và nhân cách nào? Các ngươi có tất cả những điều mà Nô-ê có không? Nếu ngươi cho rằng bản thân có đức tin và nhân phẩm của Nô-ê, thì việc ngươi đặt điều kiện và giao dịch với Đức Chúa Trời có thể được tha thứ phần nào. Nếu ngươi cho rằng bản thân hoàn toàn không có những điều này thì Ta sẽ nói thật cho ngươi biết: Đừng ảo tưởng, ngươi không là gì cả. Trong mắt Đức Chúa Trời, ngươi không bằng một con giòi. Ngươi vẫn còn mặt mũi để đặt điều kiện và giao dịch với Ngài sao? Có một số người nói: “Nếu con không bằng một con giòi thì con có thể làm chó trong nhà Đức Chúa Trời không?”. Không, ngươi không xứng. Tại sao ư? Đến cả cửa nhà Đức Chúa Trời ngươi cũng không thể canh chừng, nên trong mắt Ta, ngươi còn không bằng một con chó giữ nhà. Những lời này có làm tổn thương các ngươi không? Nghe lời này các ngươi có cảm thấy khó chịu không? Nói như vậy không phải là có ý định làm tổn thương sự tự tôn của các ngươi; đây là lời nói dựa trên sự thật, có sao nói vậy, không có chút gì là giả. Đây chính là cách các ngươi làm, cách các ngươi thể hiện, cách các ngươi đối xử với Đức Chúa Trời và cũng là cách các ngươi đối xử với tất cả những gì Đức Chúa Trời giao phó cho các ngươi. Những điều Ta nói đều là tình hình thực tế và đều là lời từ đáy lòng. Chúng ta sẽ dừng nói về câu chuyện của Nô-ê tại đây.

II. Áp-ra-ham dâng Y-sác

Có một câu chuyện khác cũng đáng để kể một chút: câu chuyện về Áp-ra-ham. Một hôm, có hai sứ giả đến nhà Áp-ra-ham và ông đã vui vẻ tiếp đón. Nhiệm vụ của các sứ giả tới lần này là muốn báo với Áp-ra-ham rằng Đức Chúa Trời sẽ ban cho ông một đứa con trai. Ngay khi nghe được điều này, trong lòng Áp-ra-ham rất vui mừng: “Tạ ơn Chúa tôi!”. Nhưng Sa-ra, vợ của Áp-ra-ham lại cười thầm sau lưng họ. Việc bà cười thầm có nghĩa là: “Điều đó là không thể, tôi đã bao nhiêu tuổi rồi chứ – làm sao tôi có thể sinh con được? Nói muốn ban cho một đứa con trai, đây chẳng phải là một trò đùa à!”. Sa-ra đã không tin điều đó. Các sứ giả có nghe thấy tiếng cười của Sa-ra không? (Thưa, có.) Tất nhiên là họ có nghe thấy, và Đức Chúa Trời cũng nhìn thấy. Và Đức Chúa Trời đã làm thế nào? Đức Chúa Trời đang âm thầm theo dõi. Sa-ra, người phụ nữ ngu muội và vô tri ấy, đã không tin điều đó – nhưng điều mà Đức Chúa Trời xác định muốn làm thì có chịu sự quấy nhiễu của con người không? (Thưa, không.) Sẽ không chịu sự quấy nhiễu của bất kỳ ai. Khi Đức Chúa Trời xác định muốn làm điều gì đó, thì một số người nói: “Tôi không tin, tôi phản đối, tôi từ chối, tôi kháng nghị, tôi có ý kiến”. Lời nói của họ có hợp lý không? (Thưa, không.) Vậy khi Đức Chúa Trời thấy rằng có những người không đồng ý, có những người có ý kiến, có những người không tin, Ngài có cần giải thích với họ không? Ngài có cần giải thích rõ với họ về đạo lý trong đó không? Đức Chúa Trời có làm như thế không? Ngài không làm như thế. Ngài không để ý đến cách làm, câu nói của những người vô tri này, Ngài không quan tâm thái độ của họ là gì. Trong lòng Ngài, điều mà Đức Chúa Trời xác định muốn làm thì đã được quy định xong từ lâu: Ngài phải làm như thế. Mọi sự việc và sự vật đều nằm trong tay Đức Chúa Trời và sự tể trị của Đức Chúa Trời, bao gồm việc ai đó có con khi nào và có đứa con như thế nào; điều đó càng không cần phải nói nữa, chúng cũng nằm trong tay Đức Chúa Trời. Khi Đức Chúa Trời cử các sứ giả đến nói với Áp-ra-ham rằng Ngài sẽ ban cho ông một đứa con trai thì thật ra, Đức Chúa Trời đã lên kế hoạch xong xuôi về rất nhiều điều mà Ngài xác định muốn làm tiếp theo đó từ lâu rồi. Đứa con trai này sẽ đảm nhận những trách nhiệm gì trong tương lai, nó sẽ có cuộc đời như thế nào trong tương lai, con cháu của nó sẽ như thế nào – Đức Chúa Trời đã lên hết kế hoạch cho hàng loạt sự việc này từ lâu, và sẽ không có chỗ lầm lẫn hay sự sửa đổi gì. Và như vậy, cái cười thầm của một người phụ nữ ngu dốt nào đó có thể thay đổi bất cứ điều gì không? Nó không thể thay đổi được gì cả. Và khi đến thời điểm, Đức Chúa Trời đã làm theo những gì Ngài lên kế hoạch, và tất cả những sự việc này được ứng nghiệm như Đức Chúa Trời đã phán và đã xác định.

Khi Áp-ra-ham 100 tuổi, Đức Chúa Trời đã ban cho ông một đứa con trai. Đã sống 100 năm mà không có con trai, ngày tháng của Áp-ra-ham thật vô vị và cô đơn. Một người đàn ông 100 tuổi không có con, đặc biệt là không có con trai, tâm trạng đó là gì? “Đời này của tôi không hoàn hảo. Đức Chúa Trời đã không ban cho tôi một đứa con trai, và tôi cảm thấy đời này mình có chút cô đơn, có chút tiếc nuối”. Nhưng tâm trạng của Áp-ra-ham như thế nào khi Đức Chúa Trời cử các sứ giả đến nói với ông rằng Ngài muốn ban cho ông ta một đứa con trai? (Thưa, vui mừng.) Bên cạnh niềm vui mừng, ông cũng đầy mong đợi. Ông tạ ơn ân điển của Đức Chúa Trời đã cho phép ông được dưỡng dục một đứa con trong những năm sinh thời. Đây quả là một điều kỳ diệu biết bao, mà chuyện kỳ diệu này lại xảy ra như thế. Vậy có bao nhiêu chuyện đáng để ông vui mừng? (Thưa, ông đã có hậu duệ, có thể nối dõi tông đường rồi.) Đó là một điều. Còn một điều đáng vui mừng nhất nữa – đó là gì? (Thưa, đứa con này đã được Đức Chúa Trời đích thân ban cho.) Đúng vậy. Khi một người bình thường sắp có con, Đức Chúa Trời có đến và nói với họ không? Ngài có nói: “Đích thân Ta ban cho ngươi đứa con mà Ta đã hứa với ngươi trước đây” không? Đức Chúa Trời có làm như thế không? Không. Vậy sự đặc biệt ở đứa con này nằm ở đâu? Đức Chúa Trời đã cử các sứ giả đến đích thân nói với Áp-ra-ham rằng: “Ở tuổi 100, ông sẽ có được một đứa con, một đứa con do đích thân Đức Chúa Trời ban cho”. Đứa trẻ này đặc biệt ở chỗ đó, Áp-ra-ham được Đức Chúa Trời nói đến, và được Đức Chúa Trời đích thân ban cho. Đây là một chuyện đáng vui mừng biết bao! Và có phải ý nghĩa đặc biệt của đứa trẻ này đáng để người ta suy nghĩ không dứt không? Áp-ra-ham có tâm trạng gì khi chứng kiến sự ra đời của đứa con này? “Cuối cùng tôi cũng có một đứa con. Lời Đức Chúa Trời phán đã được ứng nghiệm; Đức Chúa Trời phán Ngài sẽ ban cho tôi một đứa con, và Ngài đã thực sự làm như vậy!”. Khi đứa trẻ này được sinh ra và chính tay ông ôm nó vào lòng, cảm giác đầu tiên của ông có lẽ là: “Đứa con này tôi không nhận được từ tay con người, mà là nhận được từ tay Đức Chúa Trời. Đứa con đến thật đúng lúc. Nó được Đức Chúa Trời ban cho, và tôi phải nuôi nấng nó cho tốt, phải dạy dỗ nó cho tốt, bảo nó thờ phượng Đức Chúa Trời, và nghe theo lời của Đức Chúa Trời, vì nó đến từ Đức Chúa Trời”. Có phải ông cần tương đối trân quý đứa con này không? (Thưa, phải.) Đây là một đứa con đặc biệt, thêm vào đó là ở độ tuổi của Áp-ra-ham thì không khó để tưởng tượng mức độ trân quý của ông đối với đứa con này. Sự thương yêu, thương xót và chiều chuộng của một người bình thường đối với con cái, Áp-ra-ham đều có cả. Áp-ra-ham tin những lời Đức Chúa Trời phán và đã tận mắt làm chứng cho sự ứng nghiệm của lời Ngài. Đồng thời, ông cũng đã là một người làm chứng cho lời Đức Chúa Trời từ khi chúng được phán ra đến khi ứng nghiệm ở lần này. Ông cảm thấy lời Đức Chúa Trời có thẩm quyền như thế, những việc làm của Ngài kỳ diệu như thế và điều quan trọng nhất là, Đức Chúa Trời chú ý đến con người như thế. Mặc dù, khi nhìn đứa con, tâm trạng của Áp-ra-ham phức tạp và xúc động, nhưng trong lòng ông chỉ có một câu duy nhất muốn nói với Đức Chúa Trời. Các ngươi nói xem, nên là câu gì? (Thưa, là tạ ơn Đức Chúa Trời!) “Tạ ơn Chúa tôi!”. Trong lúc cảm kích, Áp-ra-ham cũng dâng lời cảm tạ, ngợi khen sâu sắc lên Đức Chúa Trời. Đối với Đức Chúa Trời và Áp-ra-ham, đứa con này có ý nghĩa phi thường. Đó là bởi vì, từ lúc Đức Chúa Trời phán rằng Ngài sẽ ban cho Áp-ra-ham một đứa con, Đức Chúa Trời đã lên kế hoạch và xác định rằng Ngài sẽ hoàn thành một chuyện: đó là những vấn đề quan trọng, những vấn đề lớn lao mà Ngài muốn hoàn thành nơi đứa trẻ này. Đó là ý nghĩa của đứa trẻ đối với Đức Chúa Trời. Còn đối với Áp-ra-ham, vì có ân điển đặc biệt của Đức Chúa Trời đối với ông, vì có đứa con mà Đức Chúa Trời ban cho ông, nên trong quá trình phát triển của lịch sử toàn thể nhân loại, đối với toàn thể nhân loại mà nói, sự tồn tại của ông có một giá trị và ý nghĩa không tầm thường, không hề bình thường. Câu chuyện đến đây là kết thúc rồi sao? Không phải vậy. Trọng điểm vẫn chưa bắt đầu.

Sau khi Áp-ra-ham có được Y-sác từ Đức Chúa Trời, ông đã nuôi nấng Y-sác theo sự căn dặn và yêu cầu của Đức Chúa Trời. Trong những năm tháng của mỗi một ngày bình thường đó, Áp-ra-ham đã dẫn Y-sác đi dâng của lễ, và kể cho Y-sác nghe những câu chuyện về Đức Chúa Trời ở trên trời. Y-sác hiểu chuyện từng chút một. Cậu học cách cảm tạ Đức Chúa Trời và ngợi khen Đức Chúa Trời, và cậu học cách nghe lời và dâng của lễ. Cậu biết khi nào thì của lễ được dâng, và bàn thờ ở đâu. Trọng điểm của câu chuyện đến rồi đây. Một ngày nọ, vào lúc Y-sác mới hiểu chuyện một chút, vẫn chưa trưởng thành, Đức Chúa Trời phán với Áp-ra-ham rằng: “Ta không muốn một con chiên cho lần dâng của lễ này. Hãy dâng Y-sác lên đi”. Đối với một người coi Y-sác là của báu như Áp-ra-ham, lời Đức Chúa Trời vừa phát ra có giống như sấm sét giữa trời quang không? Không bàn đến người ở độ tuổi của Áp-ra-ham; có bao nhiêu người ở độ tuổi tráng niên, 30 - 40 tuổi – có thể chịu đựng được khi nghe thấy tin như thế? Có ai có thể chịu đựng được không? (Thưa, không.) Và phản ứng của Áp-ra-ham sau khi nghe những lời của Đức Chúa Trời là gì? “Sao? Có phải Đức Chúa Trời đã phán nhầm rồi không? Đức Chúa Trời sẽ không phán nhầm, vậy có phải là tôi lớn tuổi, tai nghe nhầm rồi không? Tôi sẽ xác nhận lại”. Ông hỏi: “Lạy Đức Chúa Trời, có phải Ngài đang yêu cầu con dâng Y-sác lên không? Có phải Y-sác là của lễ mà Ngài muốn không?”. Đức Chúa Trời phán: “Phải, không sai!”. Sau khi xác nhận lần nữa, Áp-ra-ham biết rằng lời Đức Chúa Trời phán sẽ không sai, cũng sẽ không thay đổi. Đó chính xác là ý của Đức Chúa Trời. Áp-ra-ham nghe xong thì có buồn trong lòng không? (Thưa, có.) Buồn đến mức nào? Lòng Áp-ra-ham nghĩ: “Những năm này, đứa con cuối cùng đã khôn lớn. Nếu dâng nó như một của lễ sống, điều đó có nghĩa là nó sẽ bị giết trên bàn thờ như một con chiên bị giết thịt. Bị giết nghĩa là nó sẽ chết, chết có nghĩa là từ hôm nay trở đi, tôi sẽ không còn đứa con này nữa…” Nghĩ đến đây, Áp-ra-ham có dám nghĩ gì xa hơn không? (Thưa, không.) Tại sao không? Nghĩ xa hơn nữa thì đau khổ sẽ càng lớn, như một nhát dao cứa vào tim. Nghĩ xa hơn nữa không phải là một chuyện hạnh phúc vui vẻ, mà là sự đau đớn. Chuyện này không giống như chuyện đứa con bị dẫn đi, không thể nhìn thấy trong vài ngày hoặc vài năm nhưng vẫn còn sống, ông chỉ nhớ mong trong lòng và đến lúc nó trưởng thành ông sẽ gặp lại nó vào một thời điểm thích hợp nào đó. Không phải là như thế. Một khi đứa con đã được dâng lên bàn thờ, nó sẽ không còn nữa, ông sẽ không thể nhìn thấy nó nữa, nó sẽ được dâng cho Đức Chúa Trời, nó sẽ trở về với Đức Chúa Trời. Mọi thứ sẽ như trước đây: trước khi có đứa con này, sống rất cô đơn. Nếu tiếp tục sống tiếp như thế, tiếp tục không có đứa con này, vậy thì có đau khổ không? (Thưa, không quá đau đớn.) Sau khi có được lại mất đi, sự đau khổ này là quá lớn. Đây là chuyện chết người đấy! Trả lại đứa con này cho Đức Chúa Trời có nghĩa là từ đó về sau sẽ không thể nhìn thấy đứa con nữa, không thể nghe thấy nó nói chuyện nữa, không thể nhìn thấy nó chơi đùa nữa, không thể nuôi nấng nó, không thể làm nó vui vẻ, không thể thấy nó trưởng thành, không thể tận hưởng tất cả những niềm vui của tình cha con khi nó ở bên cạnh bầu bạn. Tất cả những gì còn lại sẽ là nỗi đau và nỗi nhớ. Áp-ra-ham càng nghĩ càng buồn. Nhưng dù buồn thế nào, trong lòng ông vẫn rõ ràng một điều: “Những gì Đức Chúa Trời phán và muốn làm không phải là một trò đùa, không thể sai, càng không thể thay đổi. Hơn nữa, bản thân đứa con này đến từ Đức Chúa Trời, việc nó được dâng cho Đức Chúa Trời là việc đương nhiên con người nên làm, và khi Đức Chúa Trời muốn, tôi có bổn phận phải trả nó lại cho Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn và không thể thoái thác. Niềm vui của tình cha con trong mười năm này là độc đắc, tôi đã hưởng thụ đủ nhiều rồi; tôi nên tạ ơn Đức Chúa Trời, và không nên có những yêu cầu vô lý với Đức Chúa Trời. Đứa con này vốn thuộc về Đức Chúa Trời, tôi không nên chiếm làm của riêng, nó không phải là tài sản riêng của tôi. Tất cả mọi người đều đến từ Đức Chúa Trời. Ngay cả khi tôi được yêu cầu dâng mạng sống của chính mình lên, tôi cũng không nên nói chuyện phải trái hay đặt điều kiện với Đức Chúa Trời, huống hồ gì đứa con này đã được đích thân Đức Chúa Trời nói đến và ban cho. Nếu Đức Chúa Trời bảo dâng nó thì tôi sẽ dâng!”.

Từng phút, từng giây, thời gian trôi qua như thế, thời khắc dâng của lễ ngày càng đến gần. Trong lòng, Áp-ra-ham không phải càng ngày càng buồn mà là dần dần bình tĩnh lại. Vì sao ông có thể bình tĩnh lại? Bởi vì điều gì mà có thể khiến Áp-ra-ham bước ra khỏi nỗi đau và trong lòng có thái độ đúng đắn đối với chuyện này? Ông cho rằng, thái độ đối với tất cả những gì Đức Chúa Trời đã làm chỉ nên là thái độ thuận phục, và con người không nên nói chuyện phải trái với Đức Chúa Trời. Nghĩ đến đây, ông không còn đau đớn nữa. Dắt cậu bé Y-sác, ông bước từng bước một tới bàn thờ. Trên bàn thờ không có gì, không có con chiên đã chuẩn bị sẵn như mọi khi. “Cha ơi, cha vẫn chưa chuẩn bị của lễ hôm nay ư?” Y-sác hỏi. “Nếu chưa thì hôm nay sẽ dâng của lễ gì?”. Áp-ra-ham có tâm trạng gì khi Y-sác hỏi điều này? Ông có thể vui lên không? (Thưa, không.) Vậy ông đã làm gì? Trong lòng ông có hận Đức Chúa Trời không? Ông có oán trách Đức Chúa Trời không? Ông có kháng cự lại không? (Thưa, không.) Ông không có những điều này. Làm sao có thể nhìn ra được? Xét từ hàng loạt sự việc xảy ra tiếp theo, Áp-ra-ham thực sự không có những ý nghĩ này. Ông đặt củi mà ông sẽ đốt lên bàn thờ và gọi Y-sác đến. Thời khắc này, mọi người nhìn nhận thế nào về hình ảnh Áp-ra-ham gọi Y-sác đến trước bàn thờ? “Ông già này nhẫn tâm quá. Ông không có nhân tính, không có nhân cách của con người! Cậu ấy là con trai của ông, ông thật sự nhẫn tâm làm như thế sao? Ông có thể thực sự xuống tay được không? Trái tim ông độc ác như vậy sao? Ông có trái tim không?”. Chẳng phải họ nhìn nhận như vậy sao? Áp-ra-ham có nghĩ đến những điều này không? (Thưa, không.) Ông đã gọi Y-sác lại bên mình, một câu cũng không nói ra được, ông lấy ra sợi dây mà mình đã chuẩn bị sẵn và trói tay chân Y-sác lại. Xét từ hàng loạt động tác mà ông đã làm, thì ông đang dâng của lễ thật hay là giả? Ông đang dâng của lễ thật, không có một chút uế tạp nào, không phải làm ra vẻ. Ông nhấc Y-sác lên vai, bất kể đứa trẻ vùng vẫy và gào thét như thế nào, Áp-ra-ham cũng không có bất kỳ ý từ bỏ nào. Ông kiên quyết dứt khoát đặt đứa con trai chưa thành niên mà mình đích thân sinh ra lên đống củi sắp được đốt trên bàn thờ. Y-sác đã khóc, la hét, vùng vẫy – nhưng Áp-ra-ham vẫn thực hiện hàng loạt động tác để dâng của lễ cho Đức Chúa Trời, chuẩn bị mọi thứ cho việc dâng của lễ. Sau khi đặt Y-sác lên bàn thờ, Áp-ra-ham lấy ra một con dao thường dùng để mổ chiên, cầm chắc bằng cả hai tay khi giơ dao lên qua đầu, và nhắm chuẩn vào Y-sác. Khi ông nhắm mắt lại và đang muốn hạ dao xuống, thì Đức Chúa Trời phán với ông. Đức Chúa Trời đã phán gì? “Áp-ra-ham, hãy dừng tay!”. Áp-ra-ham tuyệt đối không nghĩ đến chuyện Đức Chúa Trời lại phán một lời như thế khi ông sắp trả lại Y-sác cho Ngài. Có nghĩ ông cũng không dám nghĩ. Nhưng lời Đức Chúa Trời lại dội vào tim ông, từng từ từng từ một như thế. Cứ như thế, Y-sác đã được cứu. Hôm ấy, của lễ thật sự phải được dâng cho Đức Chúa Trời ở đằng sau Áp-ra-ham; đó là một con chiên. Đức Chúa Trời đã chuẩn bị sẵn từ lâu, nhưng Đức Chúa Trời đã không báo trước cho Áp-ra-ham bất cứ dấu hiệu nào, mà thay vào đó Ngài bảo ông dừng lại khi ông giơ con dao lên và sắp sửa hạ nó xuống. Không ai có thể nghĩ đến điều này, cả Áp-ra-ham lẫn Y-sác đều không nghĩ đến. Nhìn từ chuyện Áp-ra-ham dâng Y-sác thì việc Áp-ra-ham dâng của lễ lần này là thật lòng hay giả vờ? (Thưa, thật lòng.) Ông làm việc này thật lòng, không có chút uế tạp hay lừa gạt nào.

Áp-ra-ham đã dâng máu thịt của chính mình làm của lễ cho Đức Chúa Trời, và khi Đức Chúa Trời bảo ông dâng lễ, Áp-ra-ham đã không cố nói phải trái như: “Có thể đổi người khác không? Dâng bản thân con hoặc bất kỳ người nào khác cũng được”. Thay vì nói những điều này, Áp-ra-ham đã dâng đứa con trai yêu quý nhất và quý giá nhất của mình cho Đức Chúa Trời. Việc dâng của lễ này được thực hiện như thế nào? Ông nghe Đức Chúa Trời phán câu thì liền theo vậy mà làm. Theo cách nhìn của con người, việc Đức Chúa Trời ban cho Áp-ra-ham một đứa con, và sau khi đứa trẻ lớn lên, Ngài bảo Áp-ra-ham trả lại đứa trẻ và muốn lấy đứa trẻ đi, thì có hợp tình hợp lý không? (Thưa, không.) Theo cách nhìn của con người, đó không phải là cố tình gây sự sao? Không phải là bày trò đùa sao? Một ngày, Đức Chúa Trời ban đứa trẻ này cho Áp-ra-ham, chỉ vài năm sau, Ngài lại muốn lấy đi. Nếu muốn đứa trẻ thì Đức Chúa Trời cứ việc lấy đi; đâu cần phải khiến con người đau khổ đến vậy khi bảo họ dâng con của mình trên bàn thờ. Việc dâng đứa trẻ trên bàn thờ có nghĩa gì? Rằng Áp-ra-ham phải tự tay giết đứa trẻ rồi tự tay đốt nó. Con người có chịu được điều này không? (Thưa, không.) Đức Chúa Trời có ý gì khi bảo Áp-ra-ham dâng lễ? Rằng Áp-ra-ham phải tự mình làm những việc này: tự tay trói con trai của mình, tự tay đặt nó lên bàn thờ, tự tay dùng dao giết nó, rồi tự tay đốt nó để dâng cho Đức Chúa Trời. Theo cách nhìn của con người, không chuyện nào trong số này là quan tâm đến cảm xúc của con người; không chuyện nào trong số này hợp lý nếu chiếu theo quan niệm, tư duy, triết lý luân lý hay đạo đức và phong tục của họ. Áp-ra-ham không sống trong chân không hay trong thế giới thần tiên, ông sống trong nhân loại. Ông có tư tưởng và quan điểm của con người. Ông đã nghĩ gì khi tất cả những chuyện này xảy đến với mình? Ngoài sự đau khổ và ngoài một số nghi hoặc, không hiểu nổi, ông có nổi loạn, từ chối, hay là tấn công và chửi rủa Đức Chúa Trời không? Không hề, mà hoàn toàn ngược lại. Từ lúc Đức Chúa Trời ra lệnh cho Áp-ra-ham làm chuyện này, ông không dám thờ ơ mà bắt đầu chuẩn bị ngay. Trong lúc chuẩn bị, tâm trạng của ông như thế nào? Ông có vui vẻ, sung sướng và hạnh phúc không? Hay ông đau khổ, bi ai và nặng nề? (Thưa, ông đau khổ và bi ai.) Ông đau khổ! Mỗi bước ông đi đều trĩu nặng. Từ khi biết được chuyện này và nghe xong lời Đức Chúa Trời, Áp-ra-ham sống một ngày bằng một năm; ông không còn hạnh phúc, không còn cảm thấy niềm vui và lòng ông trĩu nặng. Nhưng niềm tin duy nhất của ông là gì? (Thưa, là nghe lời Đức Chúa Trời.) Đúng vậy, đó là nghe lời Đức Chúa Trời. Ông tự nhủ: “Phước thay danh Đức Chúa Giê-hô-va của tôi; mình là dân của Đức Chúa Trời và nên nghe lời Ngài. Bất kể lời Ngài đúng hay sai và Y-sác đến với mình như thế nào, nếu Đức Chúa Trời muốn thì mình phải trao cho Ngài; đây là lý trí và thái độ mà con người nên có”. Không phải Áp-ra-ham không thấy đau khổ hay khó khăn chút nào sau khi tiếp nhận lời Đức Chúa Trời; ông đau khổ và có khó khăn của riêng mình, và những điều này không dễ vượt qua! Tuy nhiên, kết quả cuối cùng là gì? Như Đức Chúa Trời mong muốn, Áp-ra-ham đã đưa con trai ruột còn là đứa trẻ đến trước bàn thờ, và mọi việc ông làm đều được Đức Chúa Trời quan sát. Cũng giống như quan sát Nô-ê, Đức Chúa Trời đã quan sát mọi hành động của Áp-ra-ham, và mọi hành động của ông đều khiến Đức Chúa Trời cảm động. Mặc dù kết quả cuối cùng của chuyện này đi ngược lại với dự liệu của con người nhưng những gì Áp-ra-ham làm là có một không hai trong toàn nhân loại. Ông có nên trở thành hình mẫu cho tất cả những người theo Đức Chúa Trời không? (Thưa, có.) Ông là tấm gương cho tất cả những người đi theo Đức Chúa Trời trong nhân loại. Tại sao Ta nói ông là tấm gương cho nhân loại? Áp-ra-ham không hiểu nhiều lẽ thật, không được nghe đích thân Đức Chúa Trời nói cho bất kỳ lẽ thật hay bài giảng đạo nào. Ông chỉ đơn giản tin, thừa nhận và nghe lời. Nhân tính của ông có gì khác với người thường? (Thưa, ông có lý trí của loài thọ tạo.) Lời nào phản ánh điều này? (Thưa, ông nói: “Phước thay danh Đức Chúa Giê-hô-va của tôi; mình nên lắng nghe lời Đức Chúa Trời, và dù lời Ngài có phù hợp với quan niệm của con người hay không thì mình cũng nên thuận phục”.) Trong chuyện này, Áp-ra-ham có lý trí của nhân tính bình thường. Ông còn có lương tâm của nhân tính bình thường. Lương tâm này được thể hiện ở đâu? Áp-ra-ham biết Y-sác là do Đức Chúa Trời ban, là của Ngài và thuộc về Ngài, khi Đức Chúa Trời muốn thì Áp-ra-ham nên trả lại cho Ngài chứ không nên luôn chiếm giữ; như thế mới là lương tâm mà con người nên có.

Con người ngày nay có lương tâm và lý trí không? (Thưa, không có.) Điều này được thể hiện trong chuyện nào? Bất kể Đức Chúa Trời ban cho con người bao nhiêu ân điển, và họ được hưởng bao nhiêu phước lành hay ân điển thì khi được yêu cầu đền đáp tình yêu thương của Đức Chúa Trời, họ có thái độ nào? (Thưa, là chống cự, có lúc thì sợ khổ, sợ mệt.) Sợ khổ, sợ mệt là một biểu hiện cụ thể của không có lương tâm và lý trí. Con người ngày nay viện cớ, đặt điều kiện và muốn giao dịch đổi chác, phải không? (Thưa, phải.) Họ còn oán trách, qua loa chiếu lệ, dùng mánh lới, thèm hưởng thụ an nhàn xác thịt, đây đều là các biểu hiện cụ thể. Con người ngày nay không có lương tâm, họ vẫn thường ca ngợi ân điển của Đức Chúa Trời, đếm mọi ân điển của Ngài, khi đếm còn xúc động đến rơi nước mắt. Nhưng đếm xong là xong chuyện; họ vẫn qua loa, vẫn chiếu lệ, vẫn lừa dối, vẫn dùng mánh lới, không có chút biểu hiện hối cải cụ thể nào, vậy thì ngươi đếm có ích gì? Đây là biểu hiện của không có lương tâm. Vậy, biểu hiện của không có lý trí là như thế nào? Khi Đức Chúa Trời tỉa sửa thì ngươi oán trách, đau lòng, không còn muốn thực hiện bổn phận của mình, và nói Đức Chúa Trời không có tình yêu thương; nếu ngươi phải chịu chút đau khổ khi thực hiện bổn phận của mình, hoặc nếu môi trường mà Đức Chúa trời sắp đặt hơi khó khăn, hơi gian nan, hơi khổ, thì ngươi không còn muốn thực hiện nữa; ngươi không thể tìm kiếm sự thuận phục trong bất kỳ hoàn cảnh nào mà Đức Chúa Trời sắp đặt, ngươi chỉ quan tâm đến xác thịt, chỉ muốn buông thả, phóng đãng. Như vậy có phải là không có lý trí không? Ngươi không muốn tiếp nhận sự tể trị và an bài của Đức Chúa Trời, chỉ muốn hưởng lợi ích từ Ngài. Khi thực hiện một việc nhỏ và chịu đựng chút khổ, thì ngươi khoe tư cách của mình, ăn trên ngồi trước, hưởng thụ lợi ích của địa vị, và bắt đầu ra vẻ như một quan chức. Ngươi không muốn làm bất kỳ công việc thực tế nào, cũng không thực hiện được bất kỳ công tác thực tế nào, chỉ muốn ra lệnh, muốn làm quan, muốn chuyên quyền độc đoán, muốn hành động tùy tiện, muốn làm xằng làm bậy. Ngoài sự buông thả và phóng đãng thì nơi ngươi không còn biểu hiện gì khác nữa. Như vậy có phải là có lý trí không? (Thưa, không phải.) Nếu như Đức Chúa Trời ban cho các ngươi một đứa con ngoan rồi Ngài nói thẳng với ngươi rằng Ngài sẽ lấy đứa trẻ đi, thì thái độ của ngươi sẽ thế nào? Ngươi có thể có thái độ như Áp-ra-ham không? (Thưa, không thể.) Có một số người nói: “Tại sao không thể? Con của con hai mươi tuổi rồi và con đã dâng nó cho nhà Đức Chúa Trời, nó đang thực hiện bổn phận ở đó!”. Đây được gọi là dâng ư? Cùng lắm ngươi chỉ đang dẫn con mình đi theo chính đạo, nhưng ngươi còn có mục đích khác. Ngươi sợ con mình sẽ chết trong tai họa, chẳng phải như vậy sao? Việc ngươi làm không được gọi là dâng, hoàn toàn không giống chuyện Áp-ra-ham dâng Y-sác, không thể so sánh được. Sau khi Áp-ra-ham nghe Đức Chúa Trời ra lệnh, đối với Áp-ra-ham hoặc bất kỳ người nào trong nhân loại, việc chấp hành mệnh lệnh này khó đến mức nào? Đó là điều khó nhất, không có gì khó hơn. Đây không đơn giản là dâng thứ gì đó như một con chiên hay chút tiền của, không phải của cải hay vật chất trên đời cũng không phải con vật không liên quan gì đến người dâng. Những thứ đó ai nỗ lực một lần cũng có thể dâng lên được, nhưng của lễ mà Đức Chúa Trời bảo Áp-ra-ham dâng là sinh mạng của người khác, là cốt nhục của chính Áp-ra-ham. Chuyện này hẳn khó khăn biết bao! Ngoài ra, đứa trẻ này còn có xuất thân đặc biệt, là đứa con mà Đức Chúa Trời ban cho. Mục đích của Đức Chúa Trời khi ban đứa trẻ cho Áp-ra-ham là gì? Là để ông nuôi nấng nó trưởng thành, cho nó kết hôn, sinh con và nối dõi tông đường. Nhưng bây giờ, đứa trẻ này được trả lại cho Đức Chúa Trời trước khi nó trưởng thành, những chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa, vậy việc Đức Chúa Trời ban đứa trẻ cho Áp-ra-ham có ý nghĩa gì? Người ngoài cuộc có thể hiểu nổi chuyện này không? Theo quan niệm của con người thì chuyện này là không thể hiểu nổi. Nhân loại bại hoại đều tư lợi; không ai có thể hiểu nổi chuyện này. Áp-ra-ham cũng không thể hiểu nổi; ông không biết rốt cuộc Đức Chúa Trời muốn làm gì, chỉ biết Ngài bảo ông dâng Y-sác mà thôi. Vậy, ông đã lựa chọn như thế nào? Thái độ của ông là gì? Dù không thể hiểu nổi chuyện này nhưng ông vẫn có thể làm theo lệnh của Đức Chúa Trời, nghe lời Đức Chúa Trời và thuận phục từng câu từng chữ trong yêu cầu của Ngài mà không phản kháng, lựa chọn, càng không đặt điều kiện hay nói phải trái với Đức Chúa Trời. Trước khi Áp-ra-ham hiểu được sự tình, ông đã có thể nghe lời và thuận phục – đây là điều đáng quý và không ai trong số các ngươi ở đây làm được. Áp-ra-ham không biết chuyện gì đang xảy ra, Đức Chúa Trời không cho ông biết ngọn ngành; tuy nhiên, ông rất nghiêm túc, cho rằng con người nên thuận phục bất cứ điều gì Đức Chúa Trời muốn làm, không nên đặt câu hỏi, và nếu Đức Chúa Trời không nói gì thêm thì đó là điều con người không cần hiểu. Có người nói: “Vậy thì không được hỏi cho rõ ràng được à? Dù có chết thì cũng phải chết cho rõ ràng”. Đây có phải thái độ mà loài thọ tạo nên có không? Đức Chúa Trời không cho ngươi hiểu thì ngươi có nên hiểu không? Bảo ngươi làm gì thì làm nấy, sao nhiều chuyện như vậy? Nếu Đức Chúa Trời muốn ngươi hiểu, Ngài đã sớm cho ngươi biết rồi; ngươi không cần hiểu những gì Ngài chưa cho ngươi biết. Khi không cần ngươi hiểu, và khi ngươi không có khả năng hiểu, mọi thứ đều phụ thuộc vào cách ngươi làm và liệu ngươi có thể thuận phục Đức Chúa Trời hay không. Điều này có khó khăn với các ngươi không? Trong tình huống này, các ngươi không thuận phục và trong các ngươi chẳng còn gì ngoài sự oán trách, hiểu lầm và đối đầu. Áp-ra-ham hoàn toàn trái ngược với những gì được biểu hiện trong các ngươi. Cũng giống như các ngươi, ông không biết rốt cuộc Đức Chúa Trời muốn làm gì, không biết nguyên nhân đằng sau hành động của Đức Chúa Trời; ông không hiểu. Vậy ông có muốn đặt câu hỏi không? Ông có muốn biết chuyện gì đang xảy ra không? Ông cũng có nghĩ tới, nhưng nếu Đức Chúa Trời không phán cho ông gì cả, thì ông có thể đi đâu để hỏi? Có thể hỏi ai? Chuyện của Đức Chúa Trời là huyền bí; ai có thể giải đáp chuyện của Ngài? Ai có thể hiểu được chuyện của Ngài? Con người không thể thay thế Đức Chúa Trời. Hỏi người khác thì họ cũng sẽ không hiểu. Trong lòng, ngươi có thể nghĩ cũng không thông, có nghĩ cũng không hiểu. Vậy, có phải là nếu không hiểu thì ngươi không cần nghe lời Đức Chúa Trời không? Nếu ngươi không hiểu chuyện gì đó, liệu ngươi có thể chỉ quan sát, trì hoãn, chờ đợi cơ hội và tìm sự lựa chọn khác không? Nếu ngươi không hiểu được chuyện gì đó – nếu chuyện đó không rõ ràng đối với ngươi – có phải là ngươi không cần thuận phục không? Phải chăng như vậy có nghĩa là ngươi có thể bám vào nhân quyền của mình và nói: “Con có nhân quyền; con là người độc lập tự chủ, Ngài dựa vào đâu để bảo con làm những chuyện hồ đồ? Con đội trời đạp đất nên có thể không cần lắng nghe lời Ngài”. Áp-ra-ham có làm như thế không? (Thưa, không.) Chính vì ông cho rằng bản thân chỉ là loài thọ tạo bình thường và không có gì nổi bật, là một người dưới sự tể trị của Đức Chúa Trời, nên ông đã chọn nghe lời và thuận phục, không thờ ơ trước lời Đức Chúa Trời mà thực hành một cách trọn vẹn. Đức Chúa Trời phán điều gì và cho con người biết phải làm thế nào thì con người không có lựa chọn khác; họ nên lắng nghe, sau đó đưa vào thực hành. Hơn nữa, khi đưa vào thực hành, con người nên thực hành triệt để và an tâm thuận phục. Nếu ngươi cho rằng Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của ngươi, thì ngươi nên nghe lời Ngài, dành một vị trí trong lòng cho Ngài, và đưa lời Ngài vào thực hành. Nếu Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của ngươi thì ngươi không nên phân tích lời Ngài; Ngài phán điều gì thì nó là như vậy, việc ngươi không hiểu hay không lý giải được đều không quan trọng. Quan trọng là ngươi nên tiếp nhận, thuận phục lời Đức Chúa Trời. Đây là thái độ của Áp-ra-ham đối với lời Đức Chúa Trời. Chính vì Áp-ra-ham có thái độ như vậy nên ông mới có thể nghe lời Đức Chúa Trời, thuận phục chuyện mà Ngài ra lệnh cho ông làm, và có thể trở thành người công chính và hoàn hảo trong mắt Đức Chúa Trời. Mặc dù trong mắt những người cao lớn và tự cao tự đại đó, Áp-ra-ham thật ngốc và hồ đồ, vì tín ngưỡng của bản thân mà không quan tâm đến tính mạng của chính con mình, thản nhiên đặt nó lên bàn thờ để giết thịt. Họ cho rằng cách làm này vô trách nhiệm biết bao, ông là người cha không xứng đáng và quá sức nhẫn tâm, và ông đã quá ích kỷ vì tín ngưỡng của mình! Trong mắt tất cả mọi người, Áp-ra-ham là như vậy. Nhưng trong mắt Đức Chúa Trời, Áp-ra-ham có như vậy không? Không. Trong mắt Đức Chúa Trời thì ông như thế nào? Áp-ra-ham đã có thể nghe lời và thuận phục lời Đức Chúa Trời phán. Ông có thể thuận phục đến mức nào? Hoàn toàn thuận phục. Khi Đức Chúa Trời muốn thứ quý giá nhất của ông, ông có thể trả lại cho Ngài, dâng lên Ngài. Đức Chúa Trời bảo làm gì, Áp-ra-ham đều có thể nghe lời và thuận phục. Cho dù theo quan niệm của con người hoặc trong mắt của kẻ bại hoại, yêu cầu của Đức Chúa Trời bất hợp lý đến đâu, thì Áp-ra-ham vẫn có thể thuận phục; đây chính là nhân cách của ông, là có đức tin và sự thuận phục chân chính đối với Đức Chúa Trời. Đức tin và sự thuận phục chân chính được thể hiện ở đâu? Chỉ ở hai từ: nghe lời. Đây là điều quý báu nhất, giá trị nhất nơi một loài thọ tạo chân chính, và cũng là điều đáng quý nhất. Nhưng chính điều quý báu nhất và đáng quý nhất này lại không thấy được chút gì nơi những người theo Đức Chúa Trời ngày nay.

Con người ngày nay có văn hóa, có tri thức. Họ hiểu về khoa học hiện đại, và đã bị tiêm nhiễm, hun đúc và ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa truyền thống và những tập tục xã hội bại hoại; tư tưởng của họ hoạt động mạnh mẽ, quan niệm của họ phức tạp, còn nội tâm thì hỗn độn. Sau rất nhiều năm nghe các bài giảng đạo, dưới tiền đề thừa nhận và tin Đức Chúa Trời là Đấng tể trị muôn vật, họ vẫn có thái độ khinh mạn và phớt lờ đối với từng câu mà Đức Chúa Trời phán. Dùng thái độ phớt lờ, làm như không thấy và có tai như điếc để đối đãi, thì họ là loại người gì? Chuyện gì họ cũng hỏi tại sao; chuyện gì họ cũng phải hiểu cho rõ, phải làm rõ đến tận cùng. Họ dường như rất nghiêm túc với lẽ thật; xét từ hành vi bên ngoài của họ, cái giá mà họ trả, và những thứ họ vứt bỏ, thì dường như họ có một thái độ bất khuất đối với đức tin nơi Đức Chúa Trời và tín ngưỡng. Tuy nhiên, hãy đặt tay lên ngực và tự hỏi, các ngươi đã giữ được mọi lời và mọi sự phân phó của Đức Chúa Trời chưa? Các ngươi đã thực hiện toàn bộ chúng chưa? Các ngươi có phải là người nghe lời không? Nếu ngươi một mực trả lời “không phải” và “không có” ở trong lòng thì tín ngưỡng của ngươi rốt cuộc là gì chứ? Ngươi rốt cuộc tin Đức Chúa Trời vì điều gì? Ngươi đã đạt được điều gì từ đức tin của mình nơi Ngài? Những điều này có đáng để con người nghiên cứu và thảo luận không? Chúng có đáng để đào sâu không? (Thưa, có.) Tất cả các ngươi đều đeo kính; các ngươi là những người hiện đại, văn minh. Hiện đại ở chỗ nào? Văn minh ở chỗ nào? Sự “hiện đại” và “văn minh” có chứng minh rằng ngươi là người nghe theo lời của Đức Chúa Trời không? Những điều này chẳng chứng minh được gì. Một số người nói: “Tôi có trình độ học vấn cao, và tôi đã học về thần học”. Một số người nói: “Tôi đã đọc Kinh Thánh cổ điển mấy lần, và tôi biết nói tiếng Do Thái”. Một số người nói: “Tôi đã đến Israel biết bao nhiêu lần, và đã tận tay chạm vào thập giá mà Đức Chúa Jêsus đã vác”. Một số người nói: “Tôi đã đến núi A-ra-rát và nhìn thấy di tích của con tàu”. Một số người nói: “Tôi đã thấy Đức Chúa Trời”, và “Tôi đã được cất lên trước Đức Chúa Trời”. Tất cả những điều này có ích gì? Đức Chúa Trời không có bất cứ yêu cầu cao nào khác với ngươi, chỉ cần ngươi nghe theo lời của Ngài một cách thành thật. Nếu ngươi không đạt đến điều này, thì miễn bàn đến cái gì khác; ngươi nói cái gì cũng vô ích. Tất cả các ngươi đều biết những câu chuyện về Nô-ê và Áp-ra-ham, nhưng chỉ biết về những câu chuyện thôi thì cũng vô ích. Các ngươi đã bao giờ nghĩ điều gì là đáng quý nhất ở hai người đàn ông đó chưa? Các ngươi có muốn làm người như họ không? (Thưa, có.) Muốn đến mức nào? Một số người nói: “Tôi rất muốn làm người như họ; tôi nghĩ về điều đó bất cứ khi nào tôi ăn, nằm mơ, thực hiện bổn phận, đọc lời Đức Chúa Trời, và học thánh ca. Tôi đã cầu nguyện bao nhiêu lần, và thậm chí đã viết đơn tuyên thệ. Nguyện xin Đức Chúa Trời rủa sả tôi nếu tôi không nghe theo lời của Ngài. Chỉ là tôi không biết khi nào thì Đức Chúa Trời phán lời với tôi; Ngài không nói với tôi bằng sấm sét trên trời”. Những thứ này có ích lợi gì không? Những cái ngươi “muốn” đó là gì? (Thưa, nó là một mơ tưởng; là một nguyện vọng.) Nguyện vọng thì có tác dụng gì? Giống như một con bạc đến sòng bài mỗi ngày; đã thua sạch rồi nhưng vẫn đánh bạc lần nữa. Đôi khi họ cũng nghĩ đánh nốt lần này rồi dừng, sau này không bao giờ đánh bạc nữa. Họ nghĩ cả khi nằm mơ hay khi ăn, nhưng nghĩ rồi thì họ lại đến sòng bạc. Mỗi lần đi đánh bạc, họ đều nói rằng đây là lần cuối cùng; và mỗi lần rời khỏi cửa sòng bạc, họ đều nói rằng họ sẽ không bao giờ quay lại nữa. Kết quả là cả đời cũng không dừng được. Các ngươi có giống con bạc đó không? Ngươi thường hạ quyết tâm rồi lại phủ nhận quyết tâm, lừa dối Đức Chúa Trời thành thói, không dễ thay đổi.

III. Vạch rõ cách con người ngày nay đối xử với lời Đức Chúa Trời

Chủ đề của những câu chuyện Ta vừa kể là gì? (Thưa, là về thái độ đối với Đức Chúa Trời và về cách chúng con có thể nghe lời Ngài và thuận phục Ngài khi có chuyện xảy ra.) Điều chính mà hai câu chuyện này cho các ngươi hiểu được là gì? (Thưa, là nghe lời, thuận phục và hành động theo những yêu cầu trong lời Đức Chúa Trời.) Điều quan trọng là học cách nghe lời Đức Chúa Trời và thực hành nghe lời Đức Chúa Trời. Ngươi nói mình là người đi theo Đức Chúa Trời, là loài thọ tạo, là con người trong mắt Ngài nhưng trong cách ngươi sống thể hiện ra và biểu hiện, không có bất kỳ sự thuận phục hay thực hành nào sau khi nghe thấy lời Đức Chúa Trời. Vậy, có nên đặt dấu hỏi về các danh xưng “loài thọ tạo”, “người đi theo Đức Chúa Trời” và “con người trong mắt Đức Chúa Trời” được dùng cho ngươi không? Và với những dấu hỏi này, mong muốn được cứu rỗi của ngươi rốt cuộc lớn được đến mức nào? Đây là chuyện không biết được, rất mơ hồ, và bản thân ngươi cũng không dám nói. Ở trên, Ta đã kể hai câu chuyện kinh điển về cách nghe lời Đức Chúa Trời. Bất cứ ai đã đọc Kinh Thánh và đi theo Đức Chúa Trời nhiều năm đều biết hai câu chuyện này nhưng lại không có ai từ trong những chuyện này mà nghiệm ra được một trong những lẽ thật quan trọng nhất: là nghe lời Đức Chúa Trời. Chúng ta đã nghe các câu chuyện về cách nghe lời Đức Chúa Trời, hãy quay lại những câu chuyện về người không nghe lời Ngài. Khi nói đến chuyện không nghe lời Đức Chúa Trời thì đây hẳn phải là những câu chuyện về con người ngày nay. Một số lời Ta nói có lẽ sẽ khó nghe, có thể làm tổn thương thể diện và sự tự tôn của các ngươi, và các ngươi sẽ bị thể hiện là không có nhân cách và tôn nghiêm.

Có một mảnh đất Ta bảo vài người trồng rau để những người thực hiện bổn phận được ăn chút rau hữu cơ, không phải mua rau vô cơ đã qua xử lý bằng thuốc trừ sâu. Đây là chuyện tốt phải không? Một mặt, mọi người sống cùng nhau, giống như một đại gia đình, cũng có thể cùng nhau tin Đức Chúa Trời, tránh xa trào lưu xã hội và sự tranh đấu trong xã hội. Tạo ra một môi trường như vậy sẽ giúp mọi người an tâm làm tốt bổn phận của mình. Đó là xét từ phương diện nhỏ. Xét từ phương diện lớn hơn, trồng chút rau nhằm cung cấp rau để ăn cho những người thực hiện bổn phận, và góp một phần sức vào việc mở mang phúc âm của Đức Chúa Trời, nhìn từ góc độ này thì làm vậy cũng là điều thích hợp. Khi Ta bảo: “Trồng chút rau để những người đang thực hiện bổn phận của mình ở xung quanh đều được ăn”, thì những lời này chẳng phải khá dễ hiểu sao? Khi Ta ra lệnh cho một người cụ thể làm việc này, thì hắn cũng hiểu và đã trồng một số loại rau thường ăn. Ta nghĩ trồng rau là chuyện đơn giản và người bình thường nào cũng làm được, không khó như việc rao truyền phúc âm hay thực hiện các hạng mục khác nhau trong công tác của hội thánh, nên Ta không chú ý nhiều đến chuyện này. Một thời gian sau, Ta đến đó thì thấy họ đều đang ăn rau mình tự trồng, còn nghe nói rằng thỉnh thoảng họ ăn không hết thì cho gà ăn. Ta mới bảo: “Các ngươi trồng nhiều rau và sản lượng khá lớn. Các ngươi đã gửi tới các hội thánh chưa? Người ở các hội thánh khác đã được ăn rau chúng ta trồng chưa?”. Có một số người nói họ không biết. Có một số người nói người ở nơi khác tự mua rau và không ăn rau ở đây. Mỗi người nói một kiểu. Không ai quan tâm đến chuyện này; chỉ cần bản thân họ có rau để ăn là được rồi. Làm như thế chẳng phải là kinh tởm sao? Sau đó, Ta nói với người phụ trách: “Các ngươi trồng rau và tự ăn là chuyện đương nhiên, nhưng những người khác cũng phải được ăn. Các ngươi trồng quá nhiều, ăn không hết, trong khi người ở những nơi khác vẫn phải mua rau, thì có thích hợp không? Chẳng phải trước đây Ta đã nói với ngươi rằng những loại rau này không chỉ trồng để các ngươi ăn mà còn phải gửi tới những hội thánh ở xung quanh sao?”. Các ngươi nói xem, chút chuyện như vậy, Ta có cần dặn dò lui tới và ra quy định rõ ràng không? Ta có cần gióng trống khua chiêng, triệu tập tất cả mọi người để họp và giảng đạo không? (Thưa, không cần.) Ta cũng nghĩ là không cần. Chẳng lẽ người ta không có được chút lòng này hay sao? Nếu không có được chút lòng này thì không phải là con người. Vì vậy, Ta đã bảo người đó một lần nữa: “Phải nhanh chóng gửi tới các hội thánh khác. Đi làm cho xong đi”. Người này nói: “Được rồi, để con xem”. Thái độ của hắn là vậy. Một thời gian sau, Ta lại đến đó và thấy một diện tích trồng rau rộng lớn với đủ loại trong vườn rau. Ta hỏi người trồng có thu hoạch được nhiều không thì họ nói có quá nhiều rau nên ăn không hết và một số rau bị thối rữa. Ta hỏi lần nữa xem họ có gửi tới các hội thánh ở xung quanh không thì họ nói không biết, không nắm rõ. Họ nói một cách rất mơ hồ và qua loa. Rõ ràng không ai coi trọng chuyện này, chỉ cần họ có đồ ăn chứ không quan tâm đến người khác. Ta lại đi tìm người phụ trách và hỏi hắn đã gửi rau đi hay chưa thì hắn nói đã gửi. Ta hỏi tình hình gửi đi như thế nào thì hắn nói là đã gửi xong rồi. Đến lúc này, các ngươi có nghe ra được vấn đề gì không? Những người này có thái độ không chính trực, không có thái độ trung thành và chịu trách nhiệm khi thực hiện bổn phận của mình. Làm như vậy thật đáng kinh tởm, nhưng những gì sắp xảy ra còn đáng kinh tởm hơn. Sau đó, Ta hỏi anh chị em tại các hội thánh ở xung quanh xem họ đã nhận được rau chưa. Họ phản ánh: “Rau gửi đến rồi nhưng còn tệ hơn rau vứt trên mặt đất ở chợ. Toàn lá rau bị thối, lẫn cát và đá dăm, không thể ăn được”. Khi nghe điều này, các ngươi cảm thấy thế nào? Trong lòng ngươi có nổi nóng không? Có bực tức không? (Thưa, có.) Và nếu các ngươi đều bực tức, vậy các ngươi nói xem Ta có tức giận không? Họ miễn cưỡng gửi một chút rau, nhưng gửi cũng chẳng ra làm sao. Ai đã gây ra chuyện tồi tệ này? Ở đó có một kẻ ác đã ngăn cản việc gửi rau. Hắn đã nói gì sau khi Ta ra lệnh gửi rau? “Vì ngài bảo con gửi nên con sẽ gửi cho họ chút lá rau thối rữa và rau chúng con không muốn ăn. Như vậy chẳng phải cũng là gửi đi rồi sao?”. Sau khi hiểu rõ tình hình này, Ta đã ra lệnh đuổi thứ ma quỷ này đi. Đây là nơi nào mà hắn dám hoành hành ngang ngược như vậy? Đây là nhà Đức Chúa Trời, không phải là xã hội, không phải là thị trường tự do. Nếu ngươi lăn lộn khóc lóc và hoành hành ngang ngược ở đây thì ngươi phải ra đi, và Ta không thể chấp nhận việc thấy ngươi ở trước mắt, hãy nhanh chóng biến đi! Hãy biến đi càng xa càng tốt, ngươi từ đâu đến thì biến về đó đi! Các ngươi nói xem, Ta xử lý như vậy có đúng không? (Thưa, đúng.) Tại sao đúng? (Thưa, loại người này thật vô nhân tính.) Vậy, tại sao có một số người vô nhân tính lại không bị đuổi đi? Có một số người không có lương tâm hay lý trí, không theo đuổi lẽ thật, nhưng họ không hành ác, không gây nhiễu loạn công tác của hội thánh, không ảnh hưởng đến việc thực hiện bổn phận của người khác, cũng không ảnh hưởng đến đời sống hội thánh. Loại người này nên tạm thời giữ lại để phục vụ, lúc nào họ hành ác, gây nhiễu loạn và gián đoạn thì đuổi đi vẫn chưa muộn. Vậy, tại sao Ta tống thứ này đi? Hắn muốn hoành hành ngang ngược và ra quyết định trong nhà Đức Chúa Trời. Hắn ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của anh chị em và công tác của nhà Đức Chúa Trời. Có một số người nói hắn quá ích kỷ, quá lười biếng, rằng hắn thực hiện bổn phận một cách qua loa chiếu lệ. Có phải như vậy không? Hắn muốn đối đầu với tất cả các anh chị em, tất cả những người thực hiện bổn phận, và hắn muốn đối đầu với Đức Chúa Trời. Hắn muốn bá chiếm nhà Đức Chúa Trời, muốn ra quyết định trong nhà Đức Chúa Trời. Nếu muốn ra quyết định thì hắn phải làm chút việc tốt. Nhưng hắn đã không làm việc tốt nào mà mọi chuyện hắn làm còn gây hại đến lợi ích của nhà Đức Chúa Trời và dân được Ngài chọn. Các ngươi có thể dung tha cho dạng người như vậy không? (Thưa, không thể.) Các ngươi đều không thể dung tha cho hắn, vậy các ngươi nói xem Ta có thể dung tha không? Bây giờ, có một số người vẫn không hài lòng với việc thanh trừ kẻ ác này. Họ không thể nhìn thấu hắn, và trong lòng vẫn đọ sức với Ta. Bây giờ, khi nhắc đến hắn, có một số người vẫn cho rằng Ta xử lý chuyện này không thích hợp, cho rằng nhà Đức Chúa Trời không công chính. Bè lũ này là thứ gì vậy? Các ngươi có biết người này hái rau cải thìa họ trồng như thế nào không? Bình thường, ngươi nhổ cả cây để ăn, đúng không? Có ai chỉ bẻ lá không? (Thưa, không.) Kẻ lập dị này không cho phép người khác nhổ cả cây mà bảo họ chỉ được bẻ lá. Đây là lần đầu tiên Ta gặp phải chuyện này. Các ngươi nói xem, tại sao hắn làm như vậy? Tại sao hắn không cho phép người khác nhổ cả cây? Vì nếu muốn nhổ cả cây thì vườn rau sẽ trống, phải cày xới và trồng trọt lại. Để bớt phiền phức, hắn yêu cầu những người khác bẻ lá. Khi hắn yêu cầu mọi người làm như vậy, không ai dám phản đối. Họ giống như nô lệ của hắn, bảo gì nghe nấy. Ở đó, hắn là người ra quyết định. Các ngươi nói xem, không đuổi hắn đi thì có được không? (Thưa, không được.) Giữ lại người như vậy là một tai họa. Thỉnh thoảng, hắn có chút biểu hiện tốt, thì là vì chuyện đó không liên quan đến lợi ích của hắn. Nếu xem xét kỹ mọi chuyện hắn làm thì không chuyện nào là không gây nhiễu loạn và phá hoại lợi ích của người khác, không chuyện nào là không làm tổn hại đến lợi ích của nhà Đức Chúa Trời. Hắn sinh ra là ma quỷ, là kẻ đối đầu với Đức Chúa Trời và là kẻ địch lại Đấng Christ. Người như vậy có được phép ở lại nhà Đức Chúa Trời không? Hắn có xứng thực hiện bổn phận không? (Thưa, không xứng.) Vẫn có một số người bênh vực người như vậy, thì họ phải hồ đồ đến mức nào? Làm như thế chẳng phải là đáng kinh tởm sao? Ngươi đang cố cho thấy mình có lòng yêu thương sao? Ngươi có lòng yêu thương thì cứ cung dưỡng hắn, để hắn gây tai họa cho ngươi chứ đừng để hắn làm tổn hại đến lợi ích của nhà Đức Chúa Trời! Ngươi có lòng yêu thương thì khi hắn bị thanh lọc đuổi đi, ngươi hãy đi với hắn – ngươi còn quanh quẩn ở đây làm gì? Những người này có nghe lời và thuận phục không? (Thưa, không.) Chúng sinh ra là một lũ ma quỷ! Ta nói gì, hắn cũng không nghe. Ta nói hướng tây thì hắn đi hướng đông, Ta nói hướng đông thì hắn đi hướng tây. Hắn khăng khăng đối nghịch với Ta trong mọi chuyện. Nghe lời Ta một chút mà sao lại khó khăn đến vậy? Có phải Ta bảo hắn gửi rau cho các anh chị em khác nghĩa là hắn bị tước phần của mình không? Ta có tước quyền được ăn những loại rau này của hắn không? (Thưa, không.) Vậy tại sao hắn không gửi rau đi? Hắn không phải tự mình mang chúng, không tốn chút công sức nào. Nhưng hắn chẳng những không gửi cho người khác bất kỳ loại rau ngon nào, mà còn gửi rau thối rữa. Hắn phải xấu xa đến mức nào mới làm như vậy? Hắn có thể được coi là con người không? Ta bảo hắn gửi rau, không phải gửi rác. Chuyện đơn giản như thế, dễ dàng như thế, động tay một chút là xong mà hắn còn không làm được. Đây là con người sao? Đến cả chút chuyện như thế này mà ngươi còn không làm được thì làm sao ngươi có thể nói về việc thuận phục Đức Chúa Trời? Ngươi đối chọi, đối kháng, nhưng vẫn tìm cách ăn bám tại nhà Đức Chúa Trời, có thể nào được không? Ngay cả bây giờ, vẫn có những người chưa quên: “Ngài đã từng làm đau lòng chúng con, đã từng đuổi một số người trong số chúng con nhưng chúng con đều không đồng ý; chúng con muốn họ ở lại nhưng ngài không cho họ cơ hội. Ngài có phải là đức chúa trời công chính không?”. Các ngươi nói xem, có thể nào có chuyện ma quỷ nói Đức Chúa Trời công chính không? (Thưa, không bao giờ.) Cho dù miệng chúng nói Đức Chúa Trời công chính nhưng khi Ngài làm chuyện gì đó thì chúng không phục, không thể ca ngợi sự công chính của Ngài. Chúng là ma quỷ và là những kẻ đạo đức giả.

Ngay từ một chuyện nhỏ như gửi rau, các ngươi thấy được điều gì? Có dễ dàng để con người thuận phục Đức Chúa Trời và nghe lời Ngài không? (Thưa, không.) Con người ăn của Ngài, sống trong nhà Ngài, dùng đồ của Ngài, nhưng khi Ngài bảo họ chia sẻ rau họ ăn không hết cho những người khác thì họ có thuận phục không? Họ có thể thực hiện những lời này không? Con người thì có thể thực hiện, có thể chấp hành. Nhưng ma quỷ, Sa-tan và kẻ địch lại Đấng Christ sẽ không bao giờ thực hiện, mà nghĩ rằng: “Nếu mình gửi những loại rau này đi thì có ai nhớ đến việc tốt này của mình không? Nếu những người khác ăn rau và nói rằng đó là sự ân đãi của đức chúa trời, rằng ngài bảo mình làm như vậy, nếu ai cũng cảm ơn ngài, thì ai sẽ cảm ơn mình? Mình là người hùng ở hậu trường, là người ra sức, là người trồng rau. Anh nên cảm ơn tôi. Anh mà không biết cảm ơn tôi, không biết tôi làm việc này thì đừng có mơ được ăn rau tôi trồng!”. Chẳng phải hắn nghĩ như vậy sao? Như vậy có phải là ác không? Quá ác! Làm sao kẻ ác có thể thực hành lẽ thật và nghe lời Đức Chúa Trời đây? Hắn sinh ra là ma quỷ và Sa-tan. Hắn đối lập với Đức Chúa Trời, kháng cự lẽ thật và xem thường lẽ thật. Nếu hắn không có khả năng nghe lời Đức Chúa Trời thì có cần hắn nghe lời không? Không cần. Vậy, chuyện này nên xử lý như thế nào? Đuổi hắn đi và tìm người có thể nghe lời để thay thế hắn là được. Đơn giản như vậy thôi. Xử lý chuyện này như thế có thích hợp không? (Thưa, thích hợp.) Ta cũng nghĩ vậy. Nếu không đi, hắn sẽ làm việc xấu và làm hại toàn thể mọi người. Có một số người nói: “Có phải Ngài không hài lòng vì hắn không nghe lời Ngài? Hắn chỉ không nghe lời Ngài thôi, nghiêm trọng đến thế sao? Ngài đuổi hắn vì chút chuyện nhỏ nhặt như vậy, nhưng thực ra hắn cũng không làm gì xấu cả. Hắn chỉ gửi đi chút rau thối rữa, có một vài lần không gửi gì cả và không nghe lời Ngài. Đó chẳng phải chỉ là chút chuyện nhỏ nhặt thôi sao?”. Chuyện có phải như vậy không? (Thưa, không phải.) Các ngươi nói xem, Ta thấy chuyện này như thế nào? Chút chuyện nhỏ nhặt như thế mà hắn cũng không thể nghe lời, lại còn gây chuyện cản trở ở đây. Nơi này là nhà Đức Chúa Trời, không thứ gì ở đây thuộc về hắn. Từng ngọn cỏ, từng cái cây, từng ngọn đồi, từng dòng nước ở đây – hắn không có quyền chi phối hay quyền ra quyết định gì ở đây cả. Hắn muốn được ra quyết định, muốn gây chuyện cản trở. Hắn là cái gì chứ? Không ai lấy hay dùng đồ của hắn, cũng chẳng bắt hắn gửi đi những gì thuộc về mình; mà chỉ bảo hắn động tay một chút và thực hiện trách nhiệm của bản thân, thế mà hắn cũng không làm được. Vì hắn không làm được nên Ta không công nhận hắn là một tín hữu, và hắn phải biến khỏi nhà Đức Chúa Trời, phải bị thanh trừ! Ta làm như vậy có hợp lý không? (Thưa, hợp lý.) Đây là các sắc lệnh quản trị của nhà Đức Chúa Trời. Nếu Ta thấy kẻ ác hành ác mà không thanh lọc chúng, nếu Ta không tỏ chút thái độ nào với chúng, thì các ngươi nói xem có bao nhiêu người bị làm hại? Chẳng phải như vậy sẽ khiến nhà Đức Chúa Trời trở nên lộn xộn sao? Và chẳng phải các sắc lệnh quản trị của nhà Đức Chúa Trời sẽ trở thành lời nói suông sao? Cho nên, các sắc lệnh quản trị của nhà Đức Chúa Trời quy định như thế nào đối với thứ ác ma và kẻ địch lại Đấng Christ không những không nghe lời mà còn gây nhiễu loạn, gây chuyện cản trở, và làm trò vô lại? Thanh trừ và đuổi chúng ra khỏi nhà Đức Chúa Trời, loại bỏ chúng khỏi hàng ngũ anh chị em. Chúng không được coi là thành viên trong nhà Đức Chúa Trời. Ngươi thấy việc xử lý chúng như vậy thì thế nào? Một khi những loại người này bị đuổi đi, thì mọi công tác sẽ thuận lợi. Ngay cả những chuyện nhỏ nhặt như chuyện ăn rau, ma quỷ và Sa-tan vẫn lợi dụng sơ hở, vẫn tìm cách ra quyết định, làm mưa làm gió. Những chuyện chúng ta nói đến đều là chuyện nhỏ, nhưng dù như vậy thì chúng vẫn liên quan đến điều căn bản nhất của mọi lẽ thật. Điều căn bản nhất của lẽ thật chính là nghe lời Đức Chúa Trời. Với những người còn không làm được điều này, thì tâm tính của họ là gì? Họ có lương tâm và lý trí của một người bình thường không? Không hề. Họ là những người không có nhân tính.

Trong cuộc sống hằng ngày, con người không chỉ ăn rau mà còn ăn thịt và trứng. Cho nên, Ta bảo một số người nuôi vài con gà, cho chúng ăn thóc lúa, rau, và những thứ tương tự, nuôi thả rông để trứng gà đẻ ra sẽ ngon hơn trứng bán ở chợ, thịt gà cũng là hữu cơ; ít nhất thì không có kích thích tố và không gây hại cho cơ thể khi con người ăn. Sản lượng trứng hoặc thịt gà có thể không nhiều nhưng chất lượng sẽ được đảm bảo. Ngươi có hiểu ý nghĩa của lời Ta nói không? (Thưa, có hiểu.) Các ngươi nói xem, có bao nhiêu thông tin trong lời Ta vừa nói? Thứ nhất, nuôi gà theo cách này thì chúng ta có thể có vài quả trứng hữu cơ để ăn, dù ăn bao nhiêu thì ít nhất chúng ta không phải ăn trứng có chứa chất kháng sinh. Đây là yêu cầu đối với trứng. Thứ hai, yêu cầu đối với thịt gà là không chứa kích thích tố nên mọi người có thể yên tâm ăn. Hai yêu cầu này của Ta có cao không? (Thưa, không cao.) Những yêu cầu của Ta không những không cao mà còn thiết thực phải không? (Thưa, phải.) Sau đó, gà con được mua về và cho ăn. Khi gà bắt đầu đẻ thì chúng ta ăn trứng; tuy nhiên, trứng có phảng phất mùi của chất kháng sinh, giống mùi vị của trứng mua ở siêu thị. Ta tự hỏi liệu họ có cho gà ăn thứ gì có chứa chất kháng sinh không? Sau đó, Ta đã hỏi những người nuôi gà xem họ đã cho gà ăn gì, thì họ nói là cho ăn bột xương. Ta nói: “Chúng ta không cần thúc gà đẻ trứng, chỉ cần cho chúng ăn theo phương pháp hữu cơ, nuôi thả rông bình thường, để chúng đẻ trứng bình thường. Chúng ta không nuôi gà để lấy nhiều trứng mà chỉ để ăn trứng hữu cơ. Yêu cầu chỉ có vậy”. Ta nói lời này có ý nghĩa gì? Ta bảo họ không cho gà ăn bất cứ thứ gì chứa chất kháng sinh, kích thích tố, và những thứ tương tự. Thức ăn cho những con gà này khác với thức ăn cho những con gà ở nơi khác. Ở nơi khác, nuôi ba tháng là chúng đã trưởng thành, ngày ngày đẻ trứng và trở thành máy đẻ trứng cho đến ngày bị giết thịt. Những quả trứng như vậy có tốt không? Và thịt có ngon không? (Thưa, không.) Ta yêu cầu nuôi gà thả rông, cho gà bới thức ăn ở bên ngoài, ăn côn trùng và cỏ dại, còn con người thì cho chúng ăn chút ngũ cốc, lương thực, và những thứ tương tự. Mặc dù làm như vậy cho lượng trứng ít hơn nhưng chất lượng sẽ tốt hơn, sẽ tốt cho gà và cho con người. Yêu cầu của Ta có dễ đạt được không? (Thưa, dễ.) Lời Ta nói có dễ hiểu không? Có khó khăn gì khi nghe lời Ta nói không? (Thưa, dễ hiểu, không có khó khăn gì.) Ta cũng cảm thấy không có khó khăn gì. Rất dễ. Ta không yêu cầu gì về số lượng trứng, chỉ yêu cầu chất lượng. Con người có lý trí bình thường và tư duy bình thường mà nghe thì sẽ hiểu ngay, sẽ cảm thấy chuyện này đơn giản, có thể làm được, và sau đó cứ thế mà thực hiện. Đây gọi là nghe lời. Vậy, người nuôi gà có làm như thế không? Họ có thể làm được như thế không? Làm được như thế nghĩa là có lý trí của nhân tính bình thường. Không làm được như thế nghĩa là có vấn đề. Không lâu sau khi Ta nói lời này thì thời tiết trở lạnh. Theo quy luật thông thường của tự nhiên, trời lạnh khiến gà ngừng đẻ trứng. Nhưng có một chuyện rất đáng chú ý: Thời tiết ngày càng lạnh mà số lượng trứng ngày càng tăng. Ngày nào cũng có trứng để ăn nhưng lòng đỏ không còn vàng như trước, còn lòng trắng thì ngày càng cứng, trứng ngày càng kém ngon. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Ta nói: “Rốt cuộc là đã xảy ra chuyện gì? Những con gà này không dễ gì sống sót qua mùa đông, tại sao bây giờ ngươi vẫn bắt chúng đẻ trứng cho con người? Làm như vậy hơi tàn nhẫn!”. Sau này, khi Ta đến hỏi thì mới biết gà vẫn được cho ăn thức ăn mua ở nơi khác để đảm bảo gà sẽ liên tục đẻ trứng bất kể xuân, hạ, thu, đông. Ta nói: “Bình thường, gà không đẻ trứng vào mùa này, chúng ta có thể không ăn trứng gà. Ngươi chỉ cần tiếp tục nuôi chúng. Mùa xuân năm sau, chúng sẽ lại đẻ với chất lượng trứng tốt. Đừng ham ăn. Ta không yêu cầu ngươi để gà đẻ trứng liên tục, cũng không yêu cầu ngươi vẫn cung cấp trứng vào mùa đông. Ta không yêu cầu ngươi, tại sao ngươi vẫn cho gà ăn thức ăn mà ngươi mua ở ngoài? Sau này, ngươi không được phép cho gà ăn thức ăn đó nữa”. Lời Ta nói có rõ ràng không? Thứ nhất, Ta không yêu cầu mùa nào cũng phải có trứng để ăn. Thứ hai, Ta bảo họ không cho gà ăn thức ăn đó nữa, không thúc gà đẻ trứng nữa. Yêu cầu nhỏ này có khó đạt được không? (Thưa, không khó.) Nhưng kết quả là, sau một khoảng thời gian, Ta lại ăn trứng của những con gà chúng ta nuôi. Ta tự nhủ rằng những người này thật hồ đồ, tại sao họ không nghe lời Ta nói? Gà vẫn đẻ trứng thì chắc chắn họ không hề thay đổi thức ăn. Chuyện là như vậy.

Các ngươi có thể nhận thấy điều gì từ chuyện nuôi gà? (Thưa, rằng con người không thuận phục, không nghe lời Đức Chúa Trời.) Có một số người nói: “Nghe lời đức chúa trời nghĩa là tuân theo ý chỉ của ngài. Chúng con phải nghe lời khi nói đến những chuyện lớn lao và cao cả, đó là những chuyện liên quan đến ý chỉ của ngài, việc tiến hành công tác của ngài, và công tác vĩ đại của ngài. Những gì ngài nói đều liên quan đến một số chuyện vụn vặt của đời sống hằng ngày, hoàn toàn không liên quan đến việc tuân theo ý chỉ của đức chúa trời, nên chúng con có thể không nghe lời ngài. Những gì ngài nói không liên quan đến bổn phận của chúng con, không liên quan đến sự thuận phục và nghe lời đức chúa trời của chúng con, nên chúng con có lý do để đối kháng ngài, cũng như có lý do để chọn có nghe lời hay không. Hơn nữa, ngài hiểu gì về đời sống của nhân tính bình thường, về chuyện gia đình? Ngài không hiểu nên ngài không có quyền phát ngôn. Đừng nói bừa với chúng con, chúng con có thể không nghe lời ngài về chuyện này”. Họ nghĩ như vậy phải không? Và nghĩ như vậy có đúng không? (Thưa, không đúng.) Sai ở đâu? (Thưa, tuân theo ý chỉ của Đức Chúa Trời thì không phân biệt chuyện lớn hay nhỏ. Miễn đó là lời Đức Chúa Trời thì con người nên nghe lời, thuận phục và đưa vào thực hành.) Có một số người nói: “Lời đức chúa trời mà là lẽ thật thì con nghe, còn không phải là lẽ thật thì con không cần nghe. Con chỉ thuận phục lẽ thật. ‘Tuân theo con đường của Đức Chúa Trời’ nghĩa là chỉ tuân theo, nghe lời và thuận phục phần lẽ thật trong những gì đức chúa trời phán, không cần nghe những lời liên quan đến đời sống con người và không liên quan gì đến lẽ thật”. Lĩnh hội như vậy có đúng không? (Thưa, không đúng.) Vậy các ngươi nhìn nhận lẽ thật và lời Đức Chúa Trời như thế nào? Chẳng phải họ đã tách biệt giữa lời Đức Chúa Trời và lẽ thật sao? Chẳng phải như thế là biến lẽ thật thành con số không sao? Chẳng phải họ xem lẽ thật là rất trống rỗng sao? Việc Đức Chúa Trời tạo ra vạn vật, hình dạng và màu sắc của lá trên cây, hình dạng và màu sắc của hoa, sự sinh tồn và sinh sôi của vạn vật, tất cả những thứ này có liên quan gì đến lẽ thật không? Có liên quan gì đến việc cứu rỗi con người không? Cấu tạo cơ thể con người có liên quan gì đến lẽ thật không? Không thứ nào trong số này liên quan đến lẽ thật, nhưng tất cả đều đến từ Đức Chúa Trời. Nếu không thứ nào trong số này liên quan đến lẽ thật, thì ngươi có thể không thừa nhận tính chính xác của chúng không? Ngươi có thể phủ nhận tính chính xác của chúng không? Ngươi có thể tùy ý phá hoại quy luật của vạn vật mà Đức Chúa Trời tạo ra không? (Thưa, không thể.) Vậy, thái độ của ngươi nên như thế nào? Ngươi phải tuân theo quy luật của vạn vật. Khi không hiểu chuyện gì thì ngươi hãy tin vào mọi lời Đức Chúa Trời phán, như thế là đúng đắn. Ngươi không cần nghiên cứu hay cố gắng hiểu quá sâu, ngươi chỉ cần không làm trái quy luật. Đây được gọi là tin và thuận phục. Đối với các thói quen, thường thức và quy luật của đời sống hằng ngày, v.v. mà Đức Chúa Trời yêu cầu trong đời sống hằng ngày của con người, không liên quan đến việc cứu rỗi nhân loại, mặc dù những điều này không đạt đến cấp độ hoặc đẳng cấp của lẽ thật, nhưng chúng đều là những điều tích cực. Hễ là điều tích cực thì đều đến từ Đức Chúa Trời, do đó mọi người nên tiếp nhận – như thế là đúng. Ngoài ra, là con người thì nên có lý trí và lương tâm gì? Đầu tiên, họ nên học cách nghe lời. Nghe lời ai? Nghe lời của ma quỷ và Sa-tan? Nghe lời con người? Nghe lời vĩ nhân, cao nhân? Nghe lời kẻ địch lại Đấng Christ? Đừng nghe ai trong số này cả, mà nên nghe lời Đức Chúa Trời. Các nguyên tắc và thực hành cụ thể của việc nghe lời Đức Chúa Trời là gì? Ngươi không cần phân tích đúng sai, không cần hỏi nguyên nhân, không cần đợi đến khi hiểu rồi mới đưa vào thực hành, mà trước tiên, cũng như thái độ đầu tiên của ngươi, là nghe, thực hiện, chấp hành, và tuân thủ. Chỉ khi đó, ngươi mới là một loài thọ tạo, một con người phù hợp và đúng đắn. Nếu ngay cả những tiêu chuẩn cơ bản nhất của việc làm người mà ngươi cũng không đạt được, và Đức Chúa Trời không thừa nhận ngươi là con người, thì ngươi có thể đến trước Ngài không? Ngươi có xứng nghe lời Ngài không? Ngươi có xứng nghe lẽ thật không? Ngươi có xứng được cứu rỗi không? Ngươi không có tư cách đâu.

Những người Ta vừa nói trong chuyện gà và trứng thì có nghe lời và thuận phục không? (Thưa không.) Họ coi lời Đức Chúa Trời như thế nào? Họ coi như gió thổi ngoài tai và trong lòng có chủ ý riêng của mình: “Ngài nói chuyện của ngài, con làm chuyện của con. Con không quan tâm đến những yêu cầu của ngài! Con cung cấp trứng cho ngài ăn là được rồi, đâu ai quan tâm ngài ăn trứng gì. Ngài muốn ăn trứng hữu cơ? Không có cách nào đâu, cứ mơ đi! Ngài bảo con nuôi gà thì con nuôi theo cách này, nhưng ngài còn thêm yêu cầu của mình vào nữa, ngài có quyền lên tiếng về chuyện này sao?”. Đây có phải là những người nghe lời và thuận phục không? (Thưa, không.) Họ đang muốn làm gì? Họ đang muốn tạo phản! Nhà Đức Chúa Trời là nơi Đức Chúa Trời phán lời và công tác, nơi lẽ thật nắm quyền. Nếu những người này không nghe lời, không thuận phục những gì Đức Chúa Trời phán trước mặt họ, thì liệu họ có thể thực hành lời Đức Chúa Trời ở sau lưng Ngài không? Điều đó càng không thể! Từ không thể đến càng không thể: xét về hai việc này thì Đức Chúa Trời có phải là Đức Chúa Trời của họ không? (Thưa, không phải.) Vậy, ai là đức chúa trời của họ? (Thưa, là bản thân họ.) Đúng vậy, họ coi bản thân như đức chúa trời, họ tin bản thân. Nếu thế thì họ còn quanh quẩn ở đây làm gì? Họ là đức chúa trời của chính mình thì họ còn giương ngọn cờ tin Đức Chúa Trời để làm gì? Chẳng phải là để lừa dối người khác sao? Chẳng phải họ đang lừa dối bản thân sao? Nếu những người như vậy có thái độ này đối với Đức Chúa Trời, thì họ có thể nghe lời không? (Thưa, tuyệt đối không thể.) Ngay cả với một chuyện nhỏ như vậy mà họ cũng không thể nghe lời Đức Chúa Trời hoặc thuận phục Ngài, thì lời Đức Chúa Trời không có tác dụng với họ, họ nghe không lọt tai và không thể thuận phục lời Ngài. Những người như vậy có thể được cứu rỗi không? (Thưa, không thể.) Vậy còn cách việc được cứu rỗi bao xa? Rất xa, thậm chí không có chút dính dáng nào! Trong lòng, Đức Chúa Trời có sẵn lòng cứu rỗi những người không nghe lời Ngài, những người đọ sức với Ngài không? Chắc chắn là không. Ngay cả suy xét theo tâm tư của con người thì họ cũng không sẵn lòng làm vậy. Nếu ma quỷ và Sa-tan như vậy đối nghịch với ngươi, đọ sức với ngươi khắp nơi, thì ngươi còn có thể cứu rỗi chúng không? Điều đó là không thể nào. Không ai sẵn lòng cứu rỗi dạng người như vậy. Không ai muốn kết bạn với những người như vậy. Trong chuyện nuôi gà nhỏ nhặt như vậy mà bản tính của con người đã bộc lộ ra; trong chuyện nhỏ nhặt như vậy mà con người có thể không nghe lời Ta, vấn đề này chẳng phải nghiêm trọng sao?

Tiếp theo, hãy nói chuyện liên quan đến cừu. Tất nhiên, chuyện này cũng đề cập đến con người. Mùa xuân đã đến. Thời tiết ấm áp, muôn hoa đua nở, cây xanh đâm chồi và cỏ mọc xanh tươi. Mọi thứ đều bắt đầu căng tràn sức sống. Lũ cừu đã ăn cỏ khô suốt mùa đông và không còn muốn ăn nữa, nên chúng mong chờ được ăn cỏ tươi khi cỏ xanh mọc. Vừa hay, đây cũng là lúc cừu cái sinh con nên càng cần ăn cỏ xanh. Chất lượng cỏ càng tốt và số lượng cỏ càng nhiều thì cừu cái càng có nhiều sữa và cừu non càng lớn nhanh; con người cũng vui mừng khi thấy như vậy vì điều này mang lại cho họ hy vọng sẽ có cừu béo, ngon lành để ăn khi mùa thu đến. Và vì con người có hi vọng như vậy, thì liệu có phải họ sẽ tìm mọi cách cho cừu được ăn thêm cỏ tốt để chúng béo khỏe không? Chẳng phải họ sẽ suy nghĩ: “Hiện tại, cỏ xanh ở ngoài đồng cỏ không tốt nên nếu cừu non ăn thì sẽ chậm lớn. Ở đâu có cỏ tốt đây?”. Chẳng phải họ nên bỏ chút công sức vào chuyện này sao? Nhưng ai biết được người nuôi cừu đang nghĩ gì. Một hôm, Ta đi xem đàn cừu. Ta thấy lũ cừu non rất khỏe mạnh, chúng nhảy lên khi thấy người, đặt hai chân trước lên cẳng chân người để với lấy họ, muốn nói chuyện với họ. Có một số cừu non mọc sừng nên Ta đã nắm những chiếc sừng nhỏ của chúng và chơi với chúng. Những con cừu non này rất khỏe mạnh nhưng thân rất gầy và khô. Ta suy nghĩ về sự mềm mại của thân cừu non, lông của chúng không dày nhưng vẫn ấm, và Ta nghĩ nếu chúng béo hơn chút thì chẳng phải sẽ tốt hơn sao? Ta nghĩ về chuyện này và hỏi người nuôi cừu: “Có phải cỏ này kém chất lượng không? Có phải cỏ ở ngoài đồng không đủ cho cừu ăn không? Có nên xới đất và trồng cỏ mới để cừu có đủ cỏ xanh ăn không?”. Hắn nói: “Không đủ cỏ xanh để ăn. Bây giờ, đàn cừu vẫn ăn cỏ khô”. Sau khi nghe điều này, Ta nói: “Bây giờ đang là mùa gì mà ngươi vẫn cho chúng ăn cỏ khô? Những con cừu cái đã sinh con, chúng nên được ăn cỏ xanh tươi ngon. Tại sao ngươi vẫn cho chúng ăn cỏ khô? Các ngươi đã nghĩ biện pháp giải quyết chuyện này chưa?”. Hắn đưa ra rất nhiều lý do. Ta bảo hắn xới đồng cỏ thì hắn nói không làm được vì nếu làm như vậy thì bây giờ đàn cừu sẽ không có gì để ăn. Các ngươi nghĩ gì sau khi nghe xong chuyện này? Có cảm thấy gánh nặng gì không? (Thưa, con nghĩ đến biện pháp tìm một đồng cỏ tốt hoặc cắt cỏ ở nơi khác.) Đó là một biện pháp để giải quyết chuyện này. Ngươi phải nghĩ ra biện pháp, đừng chỉ ăn no mà không quan tâm đến bất kỳ chuyện gì khác, cừu cũng cần được ăn no mà. Sau đó, Ta nói với một vài người khác: “Có thể xới đồng cỏ này không? Dù ngươi trồng cỏ vào mùa thu thì đàn cừu vẫn có thể ăn cỏ xanh vào năm sau. Ngoài ra, ở nơi khác còn có hai đồng cỏ. Có thể lùa đàn cừu đến đó mỗi ngày để chúng ăn cỏ tươi không? Nếu luân phiên hai đồng cỏ, chẳng phải đàn cừu sẽ có thể ăn cỏ tươi sao?”. Điều Ta nói có dễ thực hiện không? (Thưa, dễ.) Có một số người nói: “Nói thì dễ hơn làm. Ngài luôn nói mọi việc đều dễ thực hiện, sao có thể dễ dàng như vậy? Cừu thì rất nhiều, chúng mà chạy khắp nơi thì không dễ lùa chút nào”. Chỉ việc lùa cừu mà họ đã tốn công sức đến vậy, họ có rất nhiều lý do và khó khăn, nhưng cuối cùng cũng đồng ý. Vài ngày sau, Ta lại đi xem thì thấy cỏ đã mọc cao gần nửa người. Ta tự hỏi làm sao cỏ có thể mọc cao đến vậy khi đàn cừu vẫn đang ăn. Sau khi đặt một số câu hỏi, Ta biết được họ không hề đưa đàn cừu đến đây. Họ cũng có lý do: “Đồng cỏ đó không có chuồng nên cừu bị nóng”. Ta nói: “Sao không làm chuồng cho chúng? Chỉ có vài con cừu. Các ngươi đang làm gì ở đây vậy? Chút chuyện đơn giản này mà cũng không lo được sao?”. Họ trả lời: “Chúng con không tìm được ai làm chuồng”. Ta nói: “Có người làm chuyện khác, tại sao không có người làm chuyện này? Ngươi đã tìm người chưa? Ngươi chỉ quan tâm đến chuyện ăn thịt cừu chứ không quan tâm chuyện nuôi cừu, sao ngươi ích kỷ như vậy? Ngươi muốn ăn thịt cừu nhưng lại không cho chúng ăn cỏ xanh, sao ngươi thất đức như vậy?”. Sau khi bị dồn ép, họ đã làm chuồng và đàn cừu được ăn cỏ xanh. Cho cừu ăn chút cỏ tươi thì có dễ dàng không? Chuyện đơn giản như thế mà khi những người này thực hiện lại khó khăn đến vậy. Ở bước nào họ cũng có viện cớ. Khi có cớ hoặc có chút khó khăn thì họ không làm, chỉ đợi Ta đến xử lý. Ta luôn phải theo dõi, quan sát chuyện này, luôn phải dồn ép họ, không dồn ép thì không được. Tại sao Ta phải bận tâm về một chuyện nhỏ nhặt như cho cừu ăn? Ta chuẩn bị mọi thứ cho các ngươi, vậy tại sao phải tốn nhiều công sức như vậy để các ngươi nghe vài lời của Ta? Ta có bảo các ngươi lên núi đao, xuống biển lửa không? Hay chuyện này quá khó để thực hiện? Chuyện này chẳng phải nằm trong phận sự của ngươi sao? Tất cả những chuyện này đều trong khả năng của ngươi, trong phạm vi ngươi có thể làm. Yêu cầu của Ta không cao, tại sao ngươi không thể đạt được? Vấn đề nằm ở đâu? Ta có yêu cầu ngươi đóng tàu không? (Thưa, không.) Vậy, giữa chuyện Ta bảo ngươi làm và chuyện đóng tàu thì sự chênh lệch lớn đến mức nào? Quá lớn. Chuyện Ta bảo ngươi làm thì có thể làm xong chỉ trong một hoặc hai ngày, chỉ cần một vài lời, là chuyện có thể thực hiện được. Đóng tàu là chuyện lớn lao, phải mất hàng trăm năm. Ta dám nói rằng nếu các ngươi sinh cùng thời đại với Nô-ê, thì không ai trong số các ngươi có thể nghe lời Đức Chúa Trời. Khi Nô-ê nghe lời Đức Chúa Trời, khi ông đóng tàu từng chút một theo lệnh của Đức Chúa Trời, các ngươi sẽ là những người đứng một bên mà cản trở, châm biếm, chế giễu, chê cười ông. Các ngươi chắc chắn là loại người như vậy. Ngươi không hề có thái độ nghe lời và thuận phục mà ngược lại, ngươi yêu cầu Đức Chúa Trời ân đãi đặc biệt với ngươi, cũng như đặc biệt ban phúc và khai sáng cho ngươi. Sao ngươi có thể không biết liêm sỉ như vậy? Các ngươi nói xem, trong những chuyện Ta vừa nói, chuyện nào nằm trong phận sự của Ta? Chuyện nào Ta phải làm? (Thưa, không có chuyện nào cả.) Tất cả những chuyện này là của con người, không phải của Ta. Ta có thể bỏ mặc các ngươi. Vậy, tại sao Ta phải quan tâm? Ta làm vậy không phải vì đó là nghĩa vụ của Ta mà là vì lợi ích của các ngươi. Không ai trong số các ngươi bận tâm về chuyện này, không ai trong số các ngươi lo trách nhiệm này, không ai trong số các ngươi có lòng tốt này, nên Ta phải bận tâm nhiều hơn. Các ngươi chỉ cần nghe lời và phối hợp, đây là một chuyện rất đơn giản thế mà các ngươi còn không làm được chút gì. Các ngươi có còn là con người không?

Còn có một chuyện nghiêm trọng hơn. Có một nơi đang xây nhà. Ngôi nhà này khá cao, không gian khá rộng. Bên trong bài trí khá nhiều đồ đạc, và nếu muốn di chuyển chúng thuận tiện thì ít nhất phải có một bộ cửa đôi, cửa phải cao ít nhất tám thước. Người bình thường hẳn sẽ suy nghĩ về mọi chuyện này. Nhưng có người nhất quyết muốn lắp cửa đơn cao sáu thước. Hắn không nghe lời khuyên của người khác, ai nói gì hắn cũng không nghe. Hắn có phải là người hồ đồ không? Hắn là kẻ khốn nạn tột cùng. Sau này, khi có người nói cho Ta chuyện này thì Ta bảo hắn: “Ngươi phải lắp cửa đôi, và cửa phải cao hơn”. Hắn miễn cưỡng đồng ý. Ngoài mặt thì hắn đồng ý, nhưng sau lưng thì hắn nói gì? “Lắp cửa cao như thế làm cái gì? Cửa thấp hơn thì có gì sai?”. Sau đó, khi Ta đi xem lại thì thấy chỉ có thêm một cánh cửa được lắp còn chiều cao vẫn như cũ. Tại sao chiều cao vẫn thế? Không thể lắp cửa cao hơn hay cửa sẽ chạm trần nhà? Có chuyện gì vậy? Chỉ là hắn không muốn nghe lời, ý hắn là: “Ngài có thể ra quyết định sao? Con là trùm sò ở đây và có quyền ra quyết định. Chỉ có người khác nghe con chứ con không phải nghe người khác. Ngài biết gì chứ? Ngài có hiểu về kiến trúc không?”. Không hiểu về kiến trúc thì Ta không thấy được tỷ lệ trông như thế nào sao? Nhà cao mà cửa lại thấp như vậy, khi có người cao trên một mét chín bước qua mà không cúi xuống thì sẽ đập đầu vào khung. Đây là loại cửa gì vậy? Ta không cần hiểu về xây dựng – ngươi nói xem, ý kiến của Ta có hợp lý không? Có thiết thực không? Nhưng hắn không hiểu được sự thiết thực này, chỉ biết tuân theo quy định, còn nói: “Cửa chỗ chúng con đều như thế này, sao phải lắp cao như ngài nói. Ngài bảo con làm thì con làm theo cách này. Ngài không cần con làm thì thôi! Cách con làm là như vậy, con sẽ không nghe lời ngài!”. Đây là thứ gì vậy? Các ngươi nói xem, còn có thể dùng hắn nữa không? (Thưa, không.) Không thể dùng hắn thì nên làm sao? Mặc dù những người như vậy có ra sức một chút trong nhà Đức Chúa Trời và không bị đuổi ngay, và mặc dù các anh chị em có thể chịu đựng được, Ta có thể chịu đựng được, nhưng với nhân tính như vậy – chưa nói họ có hiểu lẽ thật hay không – thì làm việc và sống trong môi trường như nhà Đức Chúa Trời, liệu họ có thể ở lại được không? (Thưa, không thể.) Chúng ta có cần đuổi họ không? (Thưa, không cần.) Họ có thể ở lại hội thánh lâu không? (Thưa, không thể.) Tại sao không thể? Không nói đến việc liệu họ có thể hiểu được lời người khác không, tâm tính của họ là như vậy, bỏ ra chút sức thì đã muốn ra oai, đã muốn ra quyết định. Trong nhà Đức Chúa Trời thì có làm như vậy được không? Họ chẳng là gì cả thế mà vẫn nghĩ mình không tệ, cảm thấy mình là trụ cột, là rường cột trong nhà Đức Chúa Trời, vẫn muốn làm xằng làm bậy, muốn ra quyết định. Họ chắc chắn sẽ gặp chuyện và không ở lại lâu. Với những người như thế này, ngay cả khi nhà Đức Chúa Trời không đuổi họ, thì sau khi ở đây một thời gian, họ sẽ thấy mọi người trong nhà Đức Chúa Trời luôn nói về lẽ thật, về nguyên tắc; họ không hứng thú với chuyện này, những lề lối làm việc của họ không thi triển được ở đây. Dù đi đâu và làm gì thì họ cũng không thể phối hợp với người khác, và luôn muốn ra quyết định, nhưng lại không được và họ thấy mình bị hạn chế ở mọi nơi. Lâu ngày, hầu hết anh chị em đều hiểu lẽ thật và nguyên tắc; trong khi những người này hoành hành ngang ngược, muốn làm thủ lĩnh và ra quyết định, cũng như không hành động theo nguyên tắc, thì nhiều người nhìn họ bằng ánh mắt kỳ thị – họ có chịu nổi không? Đến lúc đó, họ sẽ cảm thấy không hợp với những người này, rằng họ bẩm sinh vốn không thuộc về nơi này, và đang ở sai chỗ: “Sao mình lại vô tình lạc vào nhà đức chúa trời nhỉ? Thì ra suy nghĩ của mình quá đơn giản, nghĩ rằng nếu ra sức một chút thì mình có thể tránh được tai họa, rồi sẽ được phúc. Nhưng không ngờ chuyện không phải vậy!”. Họ bẩm sinh vốn không thuộc về nhà Đức Chúa Trời; sau khi ở lại một thời gian, họ không còn hứng thú, không còn hăng hái, và không cần đuổi thì họ cũng tự bỏ đi.

Có một số người nói: “Sao chuyện gì Ngài cũng quan tâm vậy? Ngài thích chõ mũi vào chuyện người khác phải không? Ngài chõ mũi vào chuyện người khác để tạo dựng uy tín, tìm cảm giác tồn tại của mình, và cho người khác biết Ngài không gì là không làm được phải không?”. Các ngươi nói xem, Ta không quan tâm thì có được không? Thực ra, Ta không muốn quan tâm những chuyện này, chúng là trách nhiệm của lãnh đạo và người làm công, nhưng nếu Ta không quan tâm thì sẽ xảy ra chuyện xấu, và công tác sau này sẽ bị ảnh hưởng. Nếu các ngươi có thể giải quyết và nghe lời, thì Ta còn cần quan tâm những chuyện này sao? Nếu Ta không quan tâm các ngươi thì các ngươi sẽ không sống thể hiện ra bất kỳ hình dáng con người nào, sống cũng không tốt, làm gì cũng không xong. Ấy thế mà các ngươi vẫn không nghe lời Ta. Ta sẽ nói cho các ngươi về chuyện đơn giản nhất là vệ sinh và quản lý môi trường sống. Các ngươi làm như thế nào với chuyện vô cùng nhỏ này? Nếu Ta đến một nơi mà không báo trước cho các ngươi thì nơi đó sẽ cực kỳ bẩn thỉu, bừa bộn, và các ngươi phải dọn dẹp ngay, trong lòng sẽ thấy khó chịu và bất an. Nếu Ta đến mà báo trước cho các ngươi thì tình hình không tệ như thế, nhưng các ngươi nghĩ Ta không biết chuyện gì đang xảy ra sau lưng sao? Đây đều là những chuyện nhỏ, những khía cạnh đơn giản nhất và cơ bản nhất của nhân tính bình thường. Nhưng các ngươi đều lười biếng như vậy thì liệu có thể thực sự làm tốt bổn phận của mình không? Ta đã ở một số nơi của Trung Quốc đại lục trong mười năm, dạy con người ở đó cách gấp chăn, phơi chăn, quét nhà và đốt bếp lò trong nhà. Nhưng dạy mười năm mà vẫn không dạy được. Là do Ta không biết dạy sao? Không, là do những người này quá vô lại. Sau này, Ta không dạy nữa. Mỗi khi đến nơi nào thấy chăn chưa được gấp là Ta sẽ quay người rời đi. Tại sao Ta làm như vậy? Ta thấy có mùi và kinh tởm. Tại sao Ta phải ở lại một nơi còn tệ hơn chuồng lợn? Ta không ở đó đâu. Ngay cả những vấn đề nhỏ này, con người cũng khó thay đổi. Nếu Ta nâng lên đến mức tuân theo con đường của Đức Chúa Trời và ý chỉ của Ngài, thì Ta nói thẳng, các ngươi thậm chí còn không dính dáng được chút nào. Điểm chính mà Ta muốn nói hôm nay là gì? Nghe lời Đức Chúa Trời là rất quan trọng, đừng xem thường. Nghe lời Đức Chúa Trời không có nghĩa ngươi phải phân tích, nghiên cứu, thảo luận, thăm dò, truy xét nguyên nhân, cố gắng tìm ra nguyên do, mà có nghĩa là ngươi nên thực hiện, chấp hành lời Ngài. Khi Đức Chúa Trời phán với ngươi, ra lệnh cho ngươi làm nhiệm vụ hoặc giao phó việc cho ngươi, điều Ngài muốn thấy tiếp theo là hành động của ngươi và cách ngươi thực hiện từng bước một. Đức Chúa Trời không quan tâm ngươi có hiểu hay không, Ngài cũng không quan tâm liệu trong lòng ngươi có tò mò hay nảy sinh nghi ngờ về chuyện này hay không. Ngài muốn xem liệu ngươi có làm hay không, có thái độ nghe lời và thuận phục hay không.

Tình cờ, Ta nói chuyện với một số người về vấn đề trang phục cho các tiết mục. Nguyên tắc chính là màu sắc và kiểu dáng của trang phục phải đoan trang, đứng đắn, trang nhã và có khí chất. Quần áo không được lố lăng, ngoài ra, không cần tốn quá nhiều tiền, không cần phải đến từ nhà thiết kế đặc biệt, càng không cần phải đến các cửa hàng nhãn hiệu cao cấp để mua. Quan điểm của Ta là trang phục phải khiến người biểu diễn trông có khí chất, đoan trang, đứng đắn và phải chỉnh tề. Trang phục cũng không có giới hạn về màu sắc, ngoại trừ việc tránh bất cứ màu sắc nào trông quá buồn tẻ hoặc tối trên sân khấu. Hầu hết các màu sắc khác đều ổn: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím – không có quy định nào cả. Tại sao có nguyên tắc này? Vạn vật do Đức Chúa Trời tạo ra có đủ loại màu sắc. Hoa, cây cối, thực vật và các loài chim đều có đủ loại màu sắc. Cho nên, chúng ta không thể có bất kỳ quan niệm hay quy định nào về màu sắc. Nói xong, Ta sợ họ không hiểu nên đã hỏi lại, và khi tất cả người nghe nói rằng họ đều hiểu thì Ta mới yên tâm. Phần còn lại có thể được thực hiện theo nguyên tắc Ta đã nói. Chuyện này có đơn giản không? Có phải là chuyện lớn không? So với chuyện đóng tàu thì chuyện này lớn hơn hay nhỏ hơn? (Thưa, nhỏ hơn.) So với chuyện Áp-ra-ham dâng Y-sác thì chuyện này có khó không? (Thưa, không khó.) Chuyện này không có chút khó khăn nào, rất đơn giản, và chỉ là vấn đề quần áo. Con người đã tiếp xúc với quần áo từ khi sinh ra nên chuyện này không khó khăn gì. Nhất là Ta đã chỉ ra nguyên tắc rồi, nên con người càng dễ chấp hành hơn nữa, điều quan trọng là liệu họ có nghe lời và sẵn lòng làm hay không. Sau một thời gian, một số tiết mục và phim được sản xuất, Ta thấy tất cả trang phục của các nhân vật chính đều là màu lam. Ta suy nghĩ: “Đầu óc của những người sản xuất tiết mục này có vấn đề gì không? Những gì Ta nói đã rất rõ ràng. Ta không quy định rằng trang phục phải có màu lam, rằng ai không mặc màu lam thì không được phép lên sân khấu. Có chuyện gì với những người này vậy? Điều gì đã sai khiến và chi phối họ? Phải chăng xu hướng ở thế giới bên ngoài đã thay đổi, và bây giờ con người chỉ mặc màu lam? Cũng không đúng. Thế giới bên ngoài không có quy định nào về màu sắc và kiểu dáng, con người mặc đủ mọi loại màu sắc. Thật kỳ lạ khi tình hình này lại xảy ra trong hội thánh chúng ta. Ai kiểm tra trang phục lần cuối? Ai kiểm soát chuyện này? Có ai đang giật dây không?”. Quả thực có người đang giật dây chuyện này; cho nên, mọi trang phục dù theo kiểu dáng gì thì cũng chỉ có màu lam, không có ngoại lệ. Ta nói gì cũng không có tác dụng. Họ đã sớm quyết định rằng tất cả quần áo phải có màu lam, không được mặc gì khác ngoài màu lam. Màu lam đại diện cho thuộc linh và sự thánh khiết, là màu biểu tượng của nhà Đức Chúa Trời. Nếu trang phục không phải màu lam thì họ không cho phép biểu diễn, và cũng không dám biểu diễn. Ta nói những người này tiêu tùng rồi. Chuyện này đơn giản như vậy, Ta đã giải thích từng điểm rất rõ ràng và sau cùng còn xác nhận để chắc chắn họ đã hiểu; chỉ khi hai bên đều nhất trí thì Ta mới kết thúc chủ đề. Cuối cùng kết quả thế nào? Lời của Ta giống như không khí, không ai coi trọng. Họ vẫn làm và thực hành theo ý mình, không ai thực hiện và tiến hành theo lời Ta nói. Khi họ nói mình đã hiểu, thì ý họ là gì? Những người này đang trêu đùa Ta. Họ buôn chuyện suốt ngày như những bà bác ngoài đường. Cách họ nói chuyện và thái độ của họ với Ta cũng như vậy. Cho nên, trong lòng Ta cảm thấy thái độ của những người này với Đấng Christ cũng là thái độ của họ với Đức Chúa Trời, đó là thái độ rất đáng lo ngại, một tín hiệu nguy hiểm, một tín hiệu xấu. Các ngươi có muốn biết tín hiệu này là gì không? Các ngươi nên biết. Ta phải nói với các ngươi chuyện này, và các ngươi phải nghe cho rõ: Đánh giá từ biểu hiện của các ngươi và từ thái độ của các ngươi với lời Đức Chúa Trời, rất nhiều người sẽ rơi vào tai họa; một số người sẽ rơi vào tai họa và bị trừng phạt, một số người sẽ bị tinh luyện, và tai họa là điều khó tránh khỏi. Kẻ nào bị trừng phạt sẽ chết ngay, sẽ diệt vong; còn những người được tinh luyện trong tai họa, nếu có thể nghe lời, thuận phục, có thể đứng vững và có lời chứng, thì thử thách khó khăn nhất sẽ kết thúc; nếu không thì sau này họ không còn hi vọng nữa, sẽ gặp nguy hiểm và không còn cơ hội nữa. Các ngươi đã nghe rõ chưa? (Thưa, đã rõ.) Với các ngươi, đây có phải là chuyện tốt không? Tóm lại, với Ta đó không phải là điềm tốt. Ta cảm thấy đó là một tín hiệu xấu. Ta đã nói cho các ngươi sự thật; lựa chọn thế nào là quyền tự do của các ngươi. Ta không nói chuyện này thêm nữa, không nhắc lại và không nói lại lần thứ hai.

Chủ đề mà Ta thông công hôm nay là cách đối đãi với lời Đức Chúa Trời. Lắng nghe và thuận phục lời Ngài là rất quan trọng. Có thể chấp hành, thực hiện và đưa lời Ngài vào thực hành là rất quan trọng. Có một số người nói: “Ngay cả bây giờ, chúng con vẫn không biết cách đối đãi với Đấng Christ”. Cách đối đãi với Đấng Christ rất đơn giản: Thái độ của ngươi với Đấng Christ là thái độ của ngươi với Đức Chúa Trời. Trong mắt Đức Chúa Trời, thái độ của ngươi với Đức Chúa Trời là thái độ của ngươi với Đấng Christ. Tất nhiên, thái độ của ngươi với Đấng Christ là thái độ của ngươi với Đức Chúa Trời trên trời. Thái độ của ngươi với Đấng Christ là thực tế nhất, có thể thấy được, và đó chính xác là điều Đức Chúa Trời muốn dò xét. Con người muốn hiểu rốt cuộc nên đối đãi với Đức Chúa Trời như thế nào thì đúng ý Ngài muốn, chuyện này rất đơn giản. Có ba điều: thứ nhất là thành thật, thứ hai là tôn trọng, học cách tôn trọng Đấng Christ; và thứ ba, cũng là điều quan trọng nhất, là nghe lời Ngài. Để nghe lời Ngài thì nghe bằng tai hay bằng cái gì khác? (Thưa, bằng trái tim.) Ngươi có trái tim không? Nếu có thì hãy nghe bằng trái tim. Chỉ khi nghe bằng trái tim thì ngươi mới hiểu được và có thể đưa vào thực hành. Ba điều này đều rất đơn giản; theo đúng nghĩa đen thì dễ hiểu, về mặt đạo lý thì dễ làm. Nhưng làm thế nào và làm được hay không thì tùy thuộc vào các ngươi; Ta sẽ không giải thích thêm. Có một số người nói: “Ngài chỉ là một người bình thường. Tại sao chúng con phải thành thật với ngài? Tại sao phải tôn trọng ngài? Tại sao phải nghe lời ngài?”. Ta có lý do, và cũng là ba lý do. Hãy nghe kỹ và xem những gì Ta nói có lý hay không. Nếu thấy có lý, các ngươi nên tiếp nhận; nếu không thấy có lý thì có thể không tiếp nhận, và có thể tìm con đường khác. Lý do thứ nhất, kể từ khi ngươi tiếp nhận giai đoạn công tác này của Đức Chúa Trời, ngươi đã ăn, uống, hưởng thụ, và cầu nguyện-đọc từng lời Ta nói. Lý do thứ hai, bản thân ngươi thừa nhận mình là người đi theo Đức Chúa Trời Toàn Năng, rằng ngươi là một trong những tín đồ của Ngài. Vậy, có thể nói rằng ngươi thừa nhận mình là người đi theo xác thịt bình thường mà Đức Chúa Trời nhập thể không? Có thể nói như vậy. Tóm lại, lý do thứ hai là ngươi thừa nhận mình là người đi theo Đức Chúa Trời Toàn Năng. Lý do thứ ba, cũng là quan trọng nhất: Trong toàn thể nhân loại, chỉ có Ta xem các ngươi là con người. Điều này có quan trọng không? (Thưa, quan trọng.) Các ngươi không thể tiếp nhận điều nào trong ba điều này? Các ngươi nói xem, có điều nào Ta vừa nói mà không chân thực, không khách quan, không đúng sự thật không? (Thưa, không có.) Tổng cộng có sáu điều. Ta sẽ không đi vào chi tiết từng điều; các ngươi hãy tự ngẫm nghĩ. Ta đã nói rất nhiều về những chủ đề này nên các ngươi sẽ có thể hiểu được.

Ngày 4 tháng 7 năm 2020

Trước: Mục 10. Họ xem thường lẽ thật, ngang nhiên vi phạm các nguyên tắc và phớt lờ những sự sắp xếp của nhà Đức Chúa Trời (Phần 4)

Tiếp theo: Bài bàn thêm 3: Nô-ê và Áp-ra-ham đã lắng nghe lời Đức Chúa Trời và thuận phục Ngài như thế nào (Phần 2)

Hồi chuông thời sau hết báo động đã vang lên, đại thảm họa đã ập xuống, bạn có muốn cùng gia đình nghênh đón được Thiên Chúa, và có cơ hội nhận được sự che chở của Thiên Chúa không?

Cài đặt

  • Văn bản
  • Chủ đề

Màu Đồng nhất

Chủ đề

Phông

Kích cỡ Phông

Khoảng cách Dòng

Khoảng cách Dòng

Chiều rộng Trang

Mục lục

Tìm kiếm

  • Tìm kiếm văn bản này
  • Tìm kiếm cuốn sách này

Liên hệ với chúng tôi qua Messenger