Đức Chúa Trời phải hủy diệt Sô-đôm

26/09/2020

Sách sáng thế 18:26 Ðức Giê-hô-va phán rằng: “Nếu ta tìm được trong Sô-đôm năm mươi người công bình, vì tình thương bấy nhiêu người đó ta sẽ tha hết cả thành”.

Sách sáng thế 18:29 Áp-ra-ham cứ thưa rằng: “Ngộ trong thành chỉ có bốn mươi người công bình”. Ngài phán rằng: “Ta sẽ chẳng diệt đâu”.

Sách sáng thế 18:30 Áp-ra-ham cứ tiếp: “Ngộ trong đó chỉ có ba mươi người”. Ngài phán: “Ta sẽ chẳng diệt đâu”.

Sách sáng thế 18:31 Áp-ra-ham thưa rằng: “Nếu chỉ có hai mươi người”. Ngài rằng: “Ta sẽ chẳng diệt thành đâu”.

Sách sáng thế 18:32 Áp-ra-ham lại thưa: “Ngộ chỉ có mười người”. Ngài phán rằng: “Ta cũng sẽ chẳng diệt thành đâu”.

Đây là vài đoạn trích mà Ta đã chọn từ Kinh Thánh. Chúng không phải là bản gốc trọn vẹn. Nếu các ngươi muốn xem những đoạn này, các ngươi có thể tự tìm trong Kinh Thánh; để tiết kiệm thời gian, Ta đã bỏ đi một phần nội dung gốc. Ở đây Ta chỉ chọn một số đoạn và câu chính yếu, bỏ ra vài câu không liên quan đến buổi thông công của chúng ta hôm nay. Ở tất cả những đoạn này và nội dung mà chúng ta thông công, trọng tâm của chúng ta bỏ qua những chi tiết của câu chuyện và cách cư xử của con người trong các câu chuyện; thay vào đó, chúng ta chỉ nói về những ý nghĩ và ý tưởng của Đức Chúa Trời vào lúc đó. Trong những ý nghĩ và ý tưởng của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ thấy được tâm tính của Đức Chúa Trời, và từ mọi việc Đức Chúa Trời đã làm, chúng ta sẽ thấy được chính Đức Chúa Trời thật – ở đây, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu của mình.

Đức Chúa Trời chỉ quan tâm đến những ai có thể nghe lời Ngài và theo sự sai bảo của Ngài

Những đoạn trên chứa vài từ quan trọng: các con số. Lúc đầu, Đức Giê-hô-va phán rằng nếu Ngài tìm được năm mươi người công bình trong thành thì Ngài sẽ tha hết cả thành, nghĩa là, Ngài sẽ không hủy diệt thành. Như vậy thực tế là có năm mươi người công bình trong Sô-đôm không? Không có. Không lâu sau đó, Áp-ra-ham đã nói gì với Đức Chúa Trời? Ông nói, Ngộ trong thành chỉ có bốn mươi người công bình, thì sẽ ra sao? Ngài phán rằng: Ta sẽ chẳng diệt đâu. Tiếp theo, Áp-ra-ham hỏi xem nếu trong đó chỉ có ba mươi người, thì sẽ ra sao. Ngài phán: Ta chẳng diệt đâu. Và ngộ nhỡ hai mươi? Ta sẽ chẳng diệt đâu? Mười? Ta sẽ chẳng diệt đâu. Thực tế là có mười người công bình trong thành không? Không có mười – nhưng có một. Và một người đó là ai? Đó là Lót. Vào lúc ấy, chỉ có một người công bình trong thành Sô-đôm, nhưng có phải Đức Chúa Trời rất chặt chẽ hay chính xác khi nói đến con số này không? Không, Ngài không như vậy! Và do đó khi con người cứ hỏi “Bốn mươi thì sao?” “Ba mươi thì sao?” cho đến khi họ còn “Mười thì sao?”. Đức Chúa Trời phán: “Ngay cả khi chỉ có mười, Ta sẽ chẳng diệt thành đâu; Ta sẽ tha cho, và tha thứ cho những người khác bên cạnh mười người này”. Nếu chỉ có mười người, thì con số đó đã khá là nhỏ mọn, nhưng hóa ra, trên thực tế, thậm chí số người công chính đó cũng không có ở Sô-đôm. Như vậy, các ngươi thấy rằng trong mắt Đức Chúa Trời, tội lỗi và sự tà ác của người dân trong thành khiến Đức Chúa Trời không có chọn lựa nào ngoài hủy diệt họ. Ý của Đức Chúa Trời là gì khi Ngài nói rằng Ngài sẽ chẳng hủy diệt thành nếu có năm mươi người công bình? Những con số này không quan trọng với Đức Chúa Trời. Điều quan trọng là thành có người công bình mà Ngài muốn hay không. Nếu thành chỉ có một người công bình, Đức Chúa Trời sẽ không để họ bị hại do sự hủy diệt thành của Ngài. Ý nghĩa của điều này là, bất kể Đức Chúa Trời có hủy diệt thành hay không, và bất kể có bao nhiêu người công bình trong đó, thì đối với Đức Chúa Trời, thành phố tội lỗi này đã bị rủa sả và đáng ghét, và phải bị hủy diệt, nên biến khỏi mắt Đức Chúa Trời, trong khi người công bình thì nên ở lại. Bất kể kỷ nguyên nào, bất kể giai đoạn phát triển nào của nhân loại, thái độ của Đức Chúa Trời cũng không thay đổi: Ngài ghét cái ác, và quan tâm đến những người công bình trong mắt Ngài. Thái độ rõ ràng này của Đức Chúa Trời cũng là sự tỏ lộ thật về thực chất của Đức Chúa Trời. Bởi vì chỉ có một người công bình trong thành, Đức Chúa Trời đã không lưỡng lự nữa. Kết quả sau cùng là Sô-đôm không thể tránh bị hủy diệt. Các ngươi thấy gì ở việc này? Trong thời đại đó, Đức Chúa Trời sẽ không hủy diệt thành nếu có năm mươi người công bình trong đó, cũng không hủy diệt nếu có mười người, nghĩa là Đức Chúa Trời sẽ quyết định tha và khoan dung đối với nhân loại, hay sẽ làm công tác hướng dẫn, nhờ bởi một số ít người có thể kính sợ và thờ phượng Ngài. Đức Chúa Trời có niềm tin rất lớn vào những việc làm công chính của con người, Ngài có niềm tin rất lớn vào những ai có thể thờ phượng Ngài, và Ngài có niềm tin rất lớn vào những ai có thể làm những việc lành trước Ngài.

Từ buổi ban sơ cho đến ngày nay, các ngươi có bao giờ đọc trong Kinh Thánh về việc Đức Chúa Trời truyền đạt lẽ thật, hay phán về đường lối của Đức Chúa Trời, với bất kỳ người nào không? Không, không bao giờ. Những lời của Đức Chúa Trời với con người mà chúng ta đọc chỉ dạy bảo con người phải làm gì. Một số người đã đi và làm theo, một số người thì không; một số người tin, và một số không tin. Tất cả chỉ là vậy. Như thế, người công chính của thời đại đó – những người công chính trong mắt Đức Chúa Trời – đơn thuần là những người có thể nghe lời Đức Chúa Trời và làm theo những sự phán dạy của Ngài. Họ là những kẻ tôi tớ thực hiện lời Đức Chúa Trời giữa con người. Liệu những người như thế có thể được gọi là những người biết Đức Chúa Trời không? Liệu họ có thể được gọi là những người được Đức Chúa Trời làm cho hoàn thiện không? Không, họ không thể. Như vậy, bất kể số người là bao nhiêu, thì trong mắt Đức Chúa Trời, những người công chính này có đáng được gọi là bạn tâm tình của Đức Chúa Trời không? Họ có thể được gọi là các chứng nhân của Đức Chúa Trời không? Chắc chắn là không! Họ chắc chắn không xứng đáng được gọi là bạn tâm tình và chứng nhân của Đức Chúa Trời. Như vậy, Đức Chúa Trời đã gọi những người đó là gì? Trong Kinh Thánh Cựu Ước, có nhiều trường hợp Đức Chúa Trời gọi họ là “tôi tớ của Ta”. Nói thế nghĩa là, vào lúc đó, trong mắt Đức Chúa Trời, những người công chính này là những kẻ tôi tớ của Đức Chúa Trời, họ là những người phụng sự Ngài trên đất. Và Đức Chúa Trời đã nghĩ về cách gọi này như thế nào? Tại sao Ngài đã gọi họ như thế? Liệu Đức Chúa Trời có các tiêu chuẩn trong lòng Ngài về những cách gọi mà Ngài gọi con người không? Ngài chắc chắn là có. Đức Chúa Trời có các tiêu chuẩn, dù là để Ngài gọi con người là công chính, hoàn thiện, ngay thẳng, hay tôi tớ. Khi Ngài gọi ai đó là tôi tớ của Ngài, Ngài có niềm tin vững vàng rằng người này có thể đón nhận các sứ giả của Ngài, có thể theo những sự phán dạy của Ngài, và có thể thực hiện những gì được truyền dạy bởi các sứ giả. Người này thực hiện những gì? Họ thực hiện điều mà Đức Chúa Trời phán dạy con người phải làm và thực hiện trên đất. Vào lúc đó, liệu những điều Đức Chúa Trời bảo con người làm và thực hiện trên đất có thể được gọi là đường lối của Đức Chúa Trời không? Không, không thể. Bởi vào lúc đó, Đức Chúa Trời chỉ bảo con người làm vài điều đơn giản; Ngài đã phán vài lời phán dạy đơn giản, bảo con người chỉ làm việc này hay việc kia, và không gì hơn thế nữa. Đức Chúa Trời đã hoạt động theo kế hoạch của Ngài. Bởi vì, vào lúc đó, nhiều điều kiện chưa có, thời điểm chưa chín muồi, và nhân loại khó mà hướng theo đường lối của Đức Chúa Trời, do đó đường lối của Đức Chúa Trời vẫn chưa bắt đầu được ban ra từ lòng Ngài. Đức Chúa Trời đã xem những người công chính mà Ngài nói tới, những người mà chúng ta thấy ở đây – dù là ba mươi hay hai mươi người – là tôi tớ của Ngài. Khi các sứ giả của Đức Chúa Trời đến trên các tôi tớ này, họ sẽ có thể đón nhận các vị ấy, và làm theo sự truyền dạy của các vị ấy, và hành động theo lời các vị ấy. Đây chính là việc nên làm, và nên đạt được, bởi những ai đã là tôi tớ trong mắt Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời sáng suốt trong những cách gọi của Ngài đối với con người. Ngài đã gọi họ là tôi tớ không phải bởi vì họ giống như các ngươi bây giờ – không phải bởi họ đã nghe được nhiều lời giáo huấn, đã biết Đức Chúa Trời muốn làm gì, đã hiểu nhiều về tâm ý của Đức Chúa Trời, và thấu hiểu kế hoạch quản lý của Ngài – mà bởi vì họ trung thực trong nhân tính của họ và họ có thể tuân theo lời Đức Chúa Trời; khi Đức Chúa Trời phán dạy họ, họ đã có thể gạt bỏ điều mình đang làm và thực hiện điều Đức Chúa Trời phán dạy. Như vậy đối với Đức Chúa Trời, một lớp ý nghĩa khác trong danh hiệu kẻ tôi tớ chính là họ hợp tác với công tác của Ngài trên đất, và mặc dù họ không phải là các sứ giả của Đức Chúa Trời, họ là những người thi hành và thực hiện lời Đức Chúa Trời trên đất. Như vậy, các ngươi thấy rằng những kẻ tôi tớ hay những người công chính này có vị trí rất quan trọng trong lòng Đức Chúa Trời. Công tác mà Đức Chúa Trời bắt tay vào trên đất không thể không có con người hợp tác với Ngài, và vai trò mà những tôi tớ của Đức Chúa Trời đảm nhận là không thể được thay thế bởi các sứ giả của Đức Chúa Trời. Mỗi nhiệm vụ mà Đức Chúa Trời phán dạy cho những tôi tớ này có tầm quan trọng rất lớn với Ngài, và do đó Ngài không thể đánh mất họ. Không có sự hợp tác của những tôi tớ này với Đức Chúa Trời, thì công tác của Ngài giữa nhân loại sẽ giậm chân tại chỗ, như thế kế hoạch quản lý của Đức Chúa Trời và những hy vọng của Ngài sẽ trở nên vô ích.

Đức Chúa Trời giàu lòng thương xót với những ai Ngài quan tâm, và thịnh nộ vô cùng với những kẻ Ngài ghét bỏ

Trong những câu chuyện từ Kinh Thánh, có mười kẻ tôi tớ của Đức Chúa Trời ở Sô-đôm không? Không, không có! Thành phố có đáng được Đức Chúa Trời tha cho không? Chỉ một người trong thành – là Lót – được đón nhận các sứ giả của Đức Chúa Trời. Ngụ ý của điều này là chỉ có một kẻ tôi tớ của Đức Chúa Trời trong thành, và do đó Đức Chúa Trời không có chọn lựa nào khác ngoài cứu Lót và hủy diệt thành Sô-đôm. Những trao đổi giữa Áp-ra-ham và Đức Chúa Trời đã trích dẫn bên trên có vẻ đơn giản, nhưng chúng minh họa một điều rất sâu xa: Có những nguyên tắc trong hành động của Đức Chúa Trời, và trước khi đưa ra quyết định, Ngài sẽ dành một thời gian dài quan sát và cân nhắc; Ngài chắc chắn sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định nào hay vội vàng đưa ra kết luận trước khi thời điểm thật phù hợp. Cuộc trao đổi giữa Áp-ra-ham và Đức Chúa Trời cho chúng ta thấy rằng quyết định của Đức Chúa Trời về việc hủy diệt thành Sô-đôm là không hề sai, bởi Đức Chúa Trời đã biết rằng trong thành không có bốn mươi người công chính, cũng không có ba mươi người công chính, cũng không có hai mươi. Thậm chí không có lấy mười. Người công chính duy nhất trong thành là Lót. Tất cả những gì đã xảy ra ở Sô-đôm và những hoàn cảnh của nó đều được Đức Chúa Trời quan sát, và quen thuộc với Đức Chúa Trời như lòng bàn tay Ngài. Do đó, quyết định của Ngài không thể sai. Trái lại, so với sự toàn năng của Đức Chúa Trời, con người quá tê dại, quá ngu ngốc và thiếu hiểu biết, quá thiển cận. Đây là điều chúng ta thấy được trong cuộc trao đổi giữa Áp-ra-ham và Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã toát ra tâm tính Ngài từ buổi ban đầu cho đến ngày nay. Ở đây, tương tự, cũng có tâm tính của Đức Chúa Trời mà chúng ta nên thấy. Những con số thì đơn giản – chúng chẳng minh họa gì cả – nhưng ở đây có một sự bày tỏ rất quan trọng về tâm tính của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời sẽ không hủy diệt thành nhờ bởi năm mươi người công chính. Điều này có phải bởi lòng thương xót của Đức Chúa Trời không? Có phải bởi tình yêu và lòng khoan dung của Ngài không? Các ngươi đã thấy được phương diện này của tâm tính Đức Chúa Trời chưa? Thậm chí nếu chỉ có mười người công chính, Đức Chúa Trời hẳn đã không hủy diệt thành, vì mười người công chính này. Có phải đây là lòng khoan dung và tình yêu của Đức Chúa Trời hay không? Bởi lòng thương xót, khoan dung, và quan tâm của Đức Chúa Trời đối với những người công chính ấy, Ngài hẳn đã không hủy diệt thành. Đây là lòng khoan dung của Đức Chúa Trời. Và cuối cùng, chúng ta thấy kết quả gì? Khi Áp-ra-ham nói “Ngộ chỉ có mười người”, Đức Chúa Trời phán rằng: “Ta cũng sẽ chẳng diệt thành đâu”. Sau đó, Áp-ra-ham không nói gì nữa – bởi trong Sô-đôm không có mười người công chính mà ông đã đề cập, và ông không còn gì để nói nữa, và vào lúc đó ông đã hiểu tại sao Đức Chúa Trời quyết hủy diệt Sô-đôm. Ở đây, các ngươi thấy tâm tính gì của Đức Chúa Trời? Loại quyết tâm nào Đức Chúa Trời đã đưa ra? Đức Chúa Trời đã quyết rằng, nếu thành này không có mười người công chính, Ngài sẽ không cho phép nó tồn tại, và hủy diệt nó là điều không thể tránh khỏi. Chẳng phải đây là cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời sao? Cơn thịnh nộ này có đại diện cho tâm tính Đức Chúa Trời không? Tâm tính này có phải là sự tỏ lộ thực chất thánh khiết của Đức Chúa Trời không? Nó có là sự tỏ lộ thực chất công chính của Đức Chúa Trời mà con người không được xúc phạm không? Khi đã xác nhận rằng không có mười người công chính ở Sô-đôm, Đức Chúa Trời chắc chắn hủy diệt thành, và sẽ trừng phạt nặng những người trong thành đó, bởi họ đã chống đối Đức Chúa Trời, bởi họ quá nhơ bẩn và bại hoại.

Tại sao chúng ta phân tích những đoạn này theo cách này? Đó là vì vài câu đơn giản này là sự bày tỏ đầy đủ tâm tính của Đức Chúa Trời đầy thương xót và vô cùng thịnh nộ. Cùng lúc với việc trân quý người công chính, có lòng thương xót, khoan dung và chăm lo cho họ, trong lòng Đức Chúa Trời có sự ghê tởm sâu cay đối với những kẻ đã bị bại hoại ở Sô-đôm. Đây có phải là giàu lòng thương xót và vô cùng thịnh nộ hay không? Đức Chúa Trời đã hủy diệt thành phố bằng phương tiện gì? Bằng lửa. Và tại sao Ngài lại hủy diệt bằng cách dùng lửa? Khi ngươi thấy thứ gì đó bị lửa thiêu cháy, hoặc khi ngươi sắp đốt thứ gì đó, ngươi cảm thấy thế nào về nó? Tại sao ngươi lại muốn đốt nó? Ngươi có cảm thấy mình không còn cần nó, rằng ngươi không còn muốn nhìn thấy nó không? Ngươi có muốn từ bỏ nó không? Việc Đức Chúa Trời dùng lửa có nghĩa là loại bỏ, căm ghét, và rằng Ngài không còn muốn nhìn thấy Sô-đôm nữa. Đây là cảm xúc khiến Đức Chúa Trời phá hủy Sô-đôm bằng lửa. Việc sử dụng lửa đại diện cho việc Đức Chúa Trời đã giận dữ như thế nào. Lòng thương xót và khoan dung của Đức Chúa Trời quả thật có hiện hữu, nhưng sự thánh khiết và công chính của Đức Chúa Trời khi Ngài xả cơn thịnh nộ của Ngài cũng cho con người thấy phương diện không cho phép sự xúc phạm nào của Đức Chúa Trời. Khi con người hoàn toàn có khả năng thuận phục những sự phán dạy của Đức Chúa Trời và hành động theo những yêu cầu của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời đầy lòng thương xót đối với con người; khi con người đã đầy bại hoại, căm hờn và thù địch đối với Ngài, thì Đức Chúa Trời vô cùng giận dữ. Ngài vô cùng giận dữ đến mức độ nào? Cơn thịnh nộ của Ngài sẽ kéo dài cho đến khi Đức Chúa Trời không còn thấy sự chống đối và những việc ác của con người nữa, cho đến khi chúng không còn ở trước mắt Ngài nữa. Chỉ khi đó cơn giận của Đức Chúa Trời mới biến mất. Nói cách khác, cho dù người đó là ai, nếu lòng họ trở nên xa cách với Đức Chúa Trời và quay lưng với Đức Chúa Trời, không bao giờ trở lại, vậy thì bất kể như thế nào, đối với mọi biểu hiện hay những ham muốn chủ quan của họ, dù họ muốn thờ phượng, theo chân và thuận phục Đức Chúa Trời trong thân thể họ hay trong suy nghĩ của họ, thì ngay khi lòng họ rời xa Đức Chúa Trời, cơn thịnh nộ của Ngài cũng sẽ được tuôn xả không ngừng. Sẽ như thế này, khi Đức Chúa Trời giải phóng hoàn toàn cơn giận của Ngài, sau khi đã cho con người vô số cơ hội, thì khi được xả ra, sẽ không có cách nào rút lại, và Ngài sẽ không bao giờ thương xót và khoan dung với một nhân loại như thế lần nữa. Đây là một phương diện của tâm tính Đức Chúa Trời, phương diện không khoan thứ cho sự xúc phạm nào. Ở đây, việc Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt một thành phố có vẻ bình thường đối với con người, bởi trong mắt Đức Chúa Trời, một thành phố đầy tội lỗi không thể tồn tại và tiếp tục duy trì, và là hợp lý khi nó bị Đức Chúa Trời hủy diệt. Thế nhưng ở những điều xảy ra trước và sau sự hủy diệt Sô-đôm của Ngài, chúng ta thấy trọn vẹn tâm tính Đức Chúa Trời. Ngài khoan dung và thương xót những điều tử tế, xinh đẹp và tốt lành; còn đối với những thứ ác, tội lỗi, và những thứ tà ác, thì Ngài vô cùng thịnh nộ, đến mức Ngài không nguôi cơn thịnh nộ của Ngài. Đây là hai phương diện chính và nổi bật nhất của tâm tính Đức Chúa Trời, và hơn nữa, chúng được tỏ lộ bởi Đức Chúa Trời từ đầu đến cuối: đầy thương xót và vô cùng thịnh nộ. Hầu hết các ngươi đều đã trải nghiệm điều gì đó trong lòng thương xót của Đức Chúa Trời, nhưng rất ít người trong các ngươi nhận thức rõ cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Lòng thương xót và yêu thương nhân từ của Đức Chúa Trời có thể được nhìn thấy ở mọi người; nghĩa là, Đức Chúa Trời đã giàu lòng thương xót đối với mỗi người. Tuy nhiên rất hiếm khi – hoặc có thể nói là không bao giờ – Đức Chúa Trời vô cùng thịnh nộ với bất kỳ cá nhân nào hay nhóm người nào giữa các ngươi. Thư giãn đi! Không sớm thì muộn, cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời cũng sẽ được nhìn thấy và trải nghiệm bởi mọi người, nhưng bây giờ thì chưa đến lúc. Tại sao lại như vậy? Đó là vì khi Đức Chúa Trời liên tục giận dữ với ai đó, nghĩa là, khi Ngài xả cơn thịnh nộ vô cùng của Ngài trên họ, điều này có nghĩa là Ngài đã ghét bỏ người này từ lâu, rằng Ngài khinh miệt sự tồn tại của họ, và rằng Ngài không thể chịu đựng sự tồn tại của họ; ngay khi cơn giận của Ngài đến trên họ, họ sẽ biến mất. Ngày nay, công tác của Đức Chúa Trời chưa đạt đến điểm đó. Không ai trong các ngươi sẽ có thể chịu được khi Đức Chúa Trời trở nên vô cùng giận dữ. Vậy thì, các ngươi thấy rằng vào lúc này, Đức Chúa Trời chỉ giàu lòng thương xót đối với hết thảy các ngươi, và các ngươi chưa thấy cơn giận sâu cay của Ngài. Nếu có những người vẫn không bị thuyết phục, các ngươi có thể hỏi xin cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời đến trên các ngươi, hầu cho các ngươi có thể trải nghiệm xem cơn giận của Đức Chúa Trời và tâm tính không chịu đựng sự xúc phạm nào từ con người của Ngài có thật sự tồn tại hay không. Các ngươi có dám không?

Con người của những ngày sau rốt chỉ thấy cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời trong những lời Ngài, và không thật sự trải nghiệm cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời

Hai phương diện của tâm tính Đức Chúa Trời được nhìn thấy trong những đoạn Kinh thánh này có đáng để thông công không? Sau khi đã nghe câu chuyện này, các ngươi có sự hiểu biết mới nào lập lại về Đức Chúa Trời không? Các ngươi có dạng hiểu biết nào? Có thể nói rằng từ lúc sáng thế cho đến hôm nay, không nhóm người nào được vui hưởng nhiều ân điển hay lòng thương xót và nhân từ của Đức Chúa Trời nhiều như nhóm cuối cùng này. Mặc dù, trong giai đoạn sau cùng, Đức Chúa Trời đã làm công tác phán xét và hành phạt, và đã làm công tác của Ngài với sự oai nghi và thịnh nộ, phần lớn thời gian Đức Chúa Trời chỉ dùng lời để hoàn thành công tác của Ngài; Ngài dùng lời để dạy bảo và tưới tắm, để chu cấp và nuôi dưỡng. Trong khi đó, cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời thì luôn được che giấu, và ngoài việc trải nghiệm tâm tính thịnh nộ của Đức Chúa Trời trong những lời Ngài, rất ít người đích thân trải nghiệm cơn giận của Ngài. Nói vậy nghĩa là, trong công tác phán xét và hành phạt của Đức Chúa Trời, mặc dù cơn thịnh nộ được tỏ lộ trong lời Đức Chúa Trời cho phép con người trải nghiệm sự oai nghi của Đức Chúa Trời và việc Ngài không khoan thứ cho sự xúc phạm, cơn thịnh nộ này không vượt quá những lời của Ngài. Nói cách khác, Đức Chúa Trời dùng lời để quở trách con người, phơi bày con người, phán xét con người, hành phạt con người, và thậm chí lên án con người – nhưng Đức Chúa Trời vẫn chưa giận dữ sâu cay với con người, và thậm chí hầu như không xả cơn thịnh nộ của Ngài trên con người ngoại trừ bằng những lời của Ngài. Như thế, lòng thương xót và yêu thương nhân từ của Đức Chúa Trời mà con người đã trải nghiệm trong thời đại này là sự tỏ lộ tâm tính thật của Đức Chúa Trời, trong khi cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời mà con người đã trải nghiệm thì chỉ là hiệu ứng của giọng điệu và cảm nhận từ những lời phán của Ngài. Nhiều người hiểu lầm hiệu ứng này là sự trải nghiệm thật và nhận thức thật về cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Do đó, hầu hết mọi người tin rằng họ đã thấy lòng thương xót và nhân từ của Đức Chúa Trời trong những lời Ngài, rằng họ cũng đã thấy Đức Chúa Trời không khoan thứ cho sự xúc phạm của con người, và hầu hết họ thậm chí đã bắt đầu nhận thức rõ lòng thương xót và khoan dung của Đức Chúa Trời đối với con người. Nhưng cho dù hành vi của con người có xấu xa như thế nào, hay tâm tính của họ bại hoại như thế nào, Đức Chúa Trời cũng luôn chịu đựng. Trong sự chịu đựng, mục đích của Ngài là đợi cho những lời Ngài đã phán, những nỗ lực Ngài đã bỏ ra và cái giá mà Ngài đã trả sẽ đạt được một hiệu quả trong những người Ngài mong muốn thu phục. Việc chờ đợi một kết quả như thế cần thời gian, và đòi hỏi sự tạo ra những môi trường khác nhau cho con người, cũng giống như việc con người không trở thành người lớn ngay khi họ ra đời; cần mười tám đến mười chín năm, và một số người thậm chí cần hai mươi hay ba mươi năm trước khi họ trưởng thành thành một người lớn thật sự. Đức Chúa Trời chờ đợi quá trình này hoàn tất, Ngài chờ đợi một thời điểm như thế đến, và Ngài chờ đợi kết quả này đến. Suốt thời gian Ngài chờ đợi, Đức Chúa Trời rất giàu lòng thương xót. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian công tác của Đức Chúa Trời, một số lượng cực kỳ ít người bị đánh gục, và một số bị trừng phạt bởi sự chống đối nghiêm trọng của họ với Đức Chúa Trời. Những ví dụ như thế thậm chí càng là bằng chứng to lớn hơn rằng tâm tính của Đức Chúa Trời không chịu đựng sự xúc phạm của con người, và hoàn toàn xác nhận sự hiện hữu thật sự của lòng khoan dung và chịu đựng của Đức Chúa Trời đối với những người được chọn. Dĩ nhiên, trong những ví dụ điển hình này, sự tỏ lộ một phần tâm tính của Đức Chúa Trời nơi những người này không ảnh hưởng đến kế hoạch quản lý tổng thể của Đức Chúa Trời. Trên thực tế, trong giai đoạn cuối này của công tác của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời đã chịu đựng xuyên suốt khoảng thời gian Ngài chờ đợi, và Ngài đã đánh đổi sự chịu đựng và sự sống của Ngài để cứu rỗi những ai theo Ngài. Các ngươi có thấy điều này không? Đức Chúa Trời không làm xáo trộn kế hoạch của Ngài mà không có lý do. Ngài có thể xả cơn thịnh nộ của Ngài, và Ngài cũng có thể thương xót; đây là sự tỏ lộ hai phần chính của tâm tính Đức Chúa Trời. Điều này có rõ ràng hay không? Nói cách khác, khi nói đến tâm tính Đức Chúa Trời, đúng và sai, công bằng và bất công, tích cực và tiêu cực – tất cả những điều này đều được thể hiện rõ với con người. Ngài sẽ làm gì, Ngài thích gì, Ngài ghét gì – tất cả những điều này đều có thể được phản ánh trực tiếp trong tâm tính của Ngài. Những điều như thế cũng có thể rất rõ ràng và được thấy rõ trong công tác của Đức Chúa Trời, và chúng không mơ hồ hay chung chung; thay vào đó, chúng cho phép tất cả mọi người được thấy tâm tính của Đức Chúa Trời, thấy Ngài có gì và là gì theo một cách đặc biệt cụ thể, chân thật và thiết thực. Đây là chính Đức Chúa Trời thật.

Tâm tính của Đức Chúa Trời chưa bao giờ bị giấu đi khỏi con người – lòng con người đã chệch khỏi Đức Chúa Trời

Nếu Ta không thông công về những điều này, không ai trong các ngươi có thể thấy tâm tính thật của Đức Chúa Trời trong những câu chuyện từ Kinh Thánh. Đây là thực tế. Đó là vì, mặc dù những câu chuyện Kinh Thánh này ghi lại một số việc mà Đức Chúa Trời đã làm, Đức Chúa Trời chỉ phán vài lời, và đã không trực tiếp giới thiệu tâm tính Ngài hay công khai ban ra tâm ý của Ngài với con người. Các thế hệ sau đã xem những bản ghi chép này chẳng gì hơn là những câu chuyện, và do đó có vẻ như đối với con người thì Đức Chúa Trời ẩn giấu chính Ngài khỏi con người, rằng không phải là thân vị của Đức Chúa Trời ẩn đi khỏi con người, mà là tâm tính và tâm ý của Ngài. Sau buổi thông công của Ta hôm nay, các ngươi có còn cảm thấy rằng Đức Chúa Trời hoàn toàn ẩn đi khỏi con người không? Các ngươi có còn tin rằng tâm tính Đức Chúa Trời bị ẩn đi khỏi con người không?

Kể từ lúc sáng thế, tâm tính Đức Chúa Trời đã đồng điệu với công tác của Ngài. Nó chưa bao giờ bị ẩn giấu khỏi con người, mà được công khai hoàn toàn và minh bạch với con người. Ấy thế mà, theo thời gian, lòng người đã ngày càng xa cách Đức Chúa Trời hơn bao giờ hết, và bởi sự bại hoại của con người đã trở nên sâu xa hơn, con người và Đức Chúa Trời đã trở nên ngày càng xa cách hơn nữa. Một cách chầm chậm nhưng chắc chắn, con người đã biến mất khỏi mắt Đức Chúa Trời. Con người đã trở nên không thể “thấy” Đức Chúa Trời, khiến họ không có bất kỳ “tin tức” nào về Đức Chúa Trời; do đó, họ không biết Đức Chúa Trời có tồn tại hay không, và thậm chí đi xa tới mức hoàn toàn phủ nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Do đó, việc con người không hiểu về tâm tính Đức Chúa Trời, về việc Ngài có gì và là gì, không phải vì Đức Chúa Trời ẩn đi khỏi con người, mà là vì lòng họ đã quay lưng với Đức Chúa Trời. Mặc dù con người tin Đức Chúa Trời, lòng con người lại không có Đức Chúa Trời, và họ không biết yêu Đức Chúa Trời như thế nào, họ cũng không muốn yêu Đức Chúa Trời, bởi lòng họ không bao giờ đến gần Đức Chúa Trời và họ luôn tránh Đức Chúa Trời. Kết quả là, lòng người xa cách khỏi Đức Chúa Trời. Như vậy, lòng họ ở đâu? Thực ra, lòng người chưa đi đâu cả: Thay vì dâng nó cho Đức Chúa Trời hay tỏ lộ nó cho Đức Chúa Trời thấy, họ lại giữ nó cho chính mình. Điều này bất chấp thực tế rằng một số người thường cầu nguyện với Đức Chúa Trời và nói, “Lạy Đức Chúa Trời, hãy xem lòng con – Ngài biết tất cả những gì con nghĩ”, và một số người thậm chí còn thề để Đức Chúa Trời xem xét họ, rằng họ có thể bị trừng phạt nếu họ phá lời tuyên thệ. Mặc dù con người để cho Đức Chúa Trời nhìn vào trong lòng mình, điều này không có nghĩa là con người có khả năng thuận phục những sự dàn xếp và sắp đặt của Đức Chúa Trời, họ cũng không để số phận, tiền đồ và mọi thứ về mình dưới sự kiểm soát của Đức Chúa Trời. Do đó, bất kể những lời tuyên thệ mà ngươi đã lập với Đức Chúa Trời hay những gì ngươi đã tuyên bố với Ngài, trong mắt Đức Chúa Trời, lòng ngươi vẫn đóng lại với Ngài, bởi ngươi chỉ cho phép Đức Chúa Trời xem xét lòng mình mà không cho phép Ngài kiểm soát nó. Nói cách khác, ngươi chưa hề dâng lòng mình cho Đức Chúa Trời, và chỉ nói những lời xuôi tai để Đức Chúa Trời nghe; trong khi đó, ngươi che giấu những ý định lừa dối khác nhau của mình khỏi Đức Chúa Trời, cùng với những mưu đồ, gian kế, kế hoạch của ngươi, và nắm chặt lấy tiền đồ và số phận của ngươi trong tay, vô cùng sợ hãi rằng chúng sẽ bị Đức Chúa Trời lấy đi. Do đó, Đức Chúa Trời không bao giờ thấy sự chân thành của con người đối với Ngài. Mặc dù Đức Chúa Trời có quan sát bề sâu của lòng người, và có thể thấy con người đang suy nghĩ và mong ước gì trong lòng, và có thể thấy những điều họ đang giữ trong lòng, nhưng lòng người không thuộc về Đức Chúa Trời, và họ chưa dâng nó cho Đức Chúa Trời kiểm soát. Nói vậy nghĩa là, Đức Chúa Trời có quyền quan sát, nhưng Ngài không có quyền kiểm soát. Trong ý thức chủ quan của con người, con người không muốn hay có ý định để Đức Chúa Trời sắp đặt cho mình. Con người không chỉ khép mình lại với Đức Chúa Trời, mà thậm chí còn có những người nghĩ về những cách gói gém lòng họ lại, dùng lời nói ngon ngọt và xu nịnh để tạo ra ấn tượng sai lầm và đạt được sự tin tưởng của Đức Chúa Trời, và che đậy bộ mặt thật của họ khỏi tầm nhìn của Đức Chúa Trời. Mục tiêu của họ khi không để Đức Chúa Trời nhìn thấy chính là không để cho Đức Chúa Trời cảm nhận họ thực sự như thế nào. Họ không muốn dâng lòng họ cho Đức Chúa Trời, mà giữ chúng cho chính mình. Ẩn ý của điều này là tất cả những gì con người làm và muốn đều được lên kế hoạch, tính toán, và quyết định bởi chính con người; họ không yêu cầu sự tham dự hay can thiệp của Đức Chúa Trời, càng không cần đến sự dàn xếp hay sắp đặt của Đức Chúa Trời. Do đó, cho dù liên quan đến những sự phán dạy của Đức Chúa Trời, sự ủy nhiệm của Ngài, hay những yêu cầu mà Đức Chúa Trời đã đưa ra cho con người, thì những quyết định của con người đều dựa trên những ý định và sở thích của họ, trên tình trạng và hoàn cảnh của riêng họ vào thời điểm đó. Con người luôn dùng nhận thức và sự hiểu biết mà họ quen thuộc, và trí năng của riêng họ, để xét đoán và chọn con đường mà họ nên đi, và không cho phép sự can thiệp hay kiểm soát của Đức Chúa Trời. Đây là lòng người mà Đức Chúa Trời nhìn thấy.

Từ buổi đầu cho đến nay, chỉ con người là có khả năng trò chuyện với Đức Chúa Trời. Nghĩa là, trong hết thảy mọi sinh vật sống và trong hết thảy loài thọ tạo của Đức Chúa Trời, chỉ có con người mới có thể trò chuyện với Đức Chúa Trời. Con người có đôi tai cho phép họ nghe, và mắt để họ thấy; họ có ngôn ngữ, những ý tưởng riêng của họ, và ý chí tự do. Họ sở hữu tất cả những gì cần thiết để nghe Đức Chúa Trời phán, và hiểu tâm ý của Đức Chúa Trời, và chấp nhận sự ủy nhiệm của Đức Chúa Trời, chính vì thế mà Đức Chúa Trời đặt tâm nguyện của Ngài trên con người, muốn giữ con người làm bạn đồng hành, đồng tâm hợp ý với Ngài và có thể bước đi cùng Ngài. Kể từ khi Đức Chúa Trời bắt đầu quản lý, Ngài đã chờ đợi con người dâng lòng họ cho Ngài, để Đức Chúa Trời làm tinh sạch và trang bị cho nó, để làm cho họ vừa ý Đức Chúa Trời và được Đức Chúa Trời yêu thương, để làm cho họ kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác. Đức Chúa Trời mãi mong ngóng và chờ đợi kết quả này.

– Công tác của Đức Chúa Trời, tâm tính của Đức Chúa Trời, và chính Đức Chúa Trời II, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Hồi chuông thời sau hết báo động đã vang lên, đại thảm họa đã ập xuống, bạn có muốn cùng gia đình nghênh đón được Thiên Chúa, và có cơ hội nhận được sự che chở của Thiên Chúa không?

Nội dung liên quan

Liên hệ với chúng tôi qua Messenger