Chương 1
Đúng như Đức Chúa Trời đã phán: “Không ai có thể nắm bắt được nguồn gốc của lời Ta, và họ cũng không biết mục đích của Ta khi phán những lời đó”, nếu không bởi sự dẫn dắt của Thần của Đức Chúa Trời, và nếu không bởi sự đến của những lời phán của Ngài, thì hết thảy mọi người sẽ bị diệt vong dưới hình phạt của Ngài. Tại sao Đức Chúa Trời đã mất một thời gian dài như thế để thử thách hết thảy mọi người? Và mất đến năm tháng? Đây chính là trọng tâm thông công của chúng ta cũng như tâm điểm trong sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể giả định như sau: Nếu không có giai đoạn đưa con người vào thử luyện này, và nếu không có việc Đức Chúa Trời đánh đập, giết chóc và loại bỏ kịch liệt loài người bại hoại, nếu việc xây dựng hội thánh tiếp tục cho đến ngày hôm nay, thì kết quả sẽ ra sao? Vì vậy, Đức Chúa Trời đã đi thẳng vào vấn đề ngay trong câu đầu tiên, trực tiếp chỉ ra hiệu quả mong muốn trong vài tháng công tác này – quả thật, Ngài đã đánh đúng ngay trọng tâm! Điều này đủ để cho thấy sự khôn ngoan trong những việc làm của Đức Chúa Trời trong khoảng thời gian vài tháng này: Chúng đã khiến cho mọi người có thể học được, thông qua sự thử luyện, làm thế nào để thuận phục và làm thế nào để họ dâng mình một cách chân thành, cũng như làm thế nào để biết đến Đức Chúa Trời nhiều hơn qua sự tinh luyện đau đớn. Mọi người trải qua nỗi tuyệt vọng càng lớn, họ càng hiểu rõ bản thân mình. Và nói thật, họ càng đối mặt với sự tinh luyện đầy đau khổ, họ càng biết đến sự bại hoại của chính mình, đến mức thừa nhận rằng họ không xứng đáng thậm chí làm một kẻ phục vụ cho Đức Chúa Trời, và rằng dâng sự phục vụ là được Ngài nâng lên. Và vì vậy, sau khi đạt được kết quả này, khi con người đã sử dụng toàn bộ bản thân mình, Đức Chúa Trời trực tiếp cất tiếng phán về lòng thương xót, mà không ẩn giấu bất kỳ điều gì. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng phương pháp làm việc của Đức Chúa Trời, sau vài tháng này, lấy ngày hôm nay làm điểm khởi đầu; Ngài đã làm rõ điều này ra cho mọi người thấy. Bởi vì, trong quá khứ, Đức Chúa Trời thường phán rằng: “thật không dễ để có quyền được gọi là dân của Đức Chúa Trời”, Ngài đã chứng tỏ những lời này trong những người được nhắc đến là kẻ phục vụ, điều đó đủ cho thấy rằng Đức Chúa Trời là hoàn toàn đáng tin cậy. Bất cứ điều gì Đức Chúa Trời phán sẽ trở thành sự thật, ở các mức độ khác nhau, và không cách nào là lời sáo rỗng.
Khi hết thảy mọi người đầy dẫy nỗi buồn rầu đau khổ đến mức phân tâm, những lời như thế này từ Đức Chúa Trời đánh trúng đích, làm hồi sinh hết thảy họ giữa sự vô vọng. Để loại bỏ bất kỳ nghi ngờ nào nữa khỏi tâm trí con người, Đức Chúa Trời đã thêm vào những lời sau đây: “Tuy họ được gọi là dân của Ta, danh hiệu này cũng không kém gì so với việc được gọi là ‘các con trai’ của Ta”. Điều này đủ để cho thấy rằng chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể bảo vệ được thẩm quyền của chính Ngài, và một khi mọi người đã đọc được điều này, họ sẽ càng tin chắc hơn rằng, đó không chỉ là một phương pháp làm việc, mà còn là một sự thật. Đi xa thêm một bước nữa, hầu cho khải tượng của mọi người có thể vẫn chưa bị che khuất, thân phận của mọi người đều được tỏ rõ trong cách thức mới của Ngài. Điều này đủ để cho thấy sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và khiến cho mọi người có thể biết rõ hơn rằng Đức Chúa Trời có thể nhìn vào tấm lòng của con người; trong suy nghĩ và hành động của mình thì con người như những con rối, với sự giật dây của Đức Chúa Trời, và điều này là chắc chắn và không còn nghi ngờ gì nữa.
Quay trở lại thuở ban đầu, những gì Đức Chúa Trời đã làm ngay từ đầu là trực tiếp chỉ ra rằng bước công tác đầu tiên của Ngài, việc “làm cho tinh sạch hội thánh”, đã kết thúc. “Tình hình bây giờ không phải như trước đây, và công tác của Ta đã bước vào một khởi điểm mới”. Từ tuyên bố này, người ta có thể thấy rằng công tác của Đức Chúa Trời đã bước vào một khởi điểm mới, ngay sau đó, Ngài đã chỉ cho chúng Ta những kế hoạch cho bước công tác tiếp theo của Ngài – một khi việc xây dựng hội thánh kết thúc, cuộc sống của Thời đại Vương quốc sẽ bắt đầu: “vì bây giờ không còn là kỷ nguyên xây dựng hội thánh nữa, mà là kỷ nguyên vương quốc được xây dựng thành công”. Hơn nữa, Ngài đã tuyên bố rằng, khi mọi người vẫn còn trên đất, sự nhóm họp của họ vẫn sẽ tiếp tục được nhắc đến là hội thánh, theo cách này thì tránh được việc hiện thực hóa một “vương quốc” phi thực tế như mọi người đã tưởng tượng ra. Tiếp theo là sự thông công về vấn đề khải tượng.
Tại sao mọi sự nhóm họp vẫn được gọi là hội thánh mặc dù bây giờ là thời đại xây dựng vương quốc và kết thúc của việc xây dựng hội thánh? Trong quá khứ người ta đã nói rằng hội thánh là tiền thân của vương quốc, và không có hội thánh thì không thể nói đến vương quốc. Sự khởi đầu của Thời đại Vương quốc là sự khởi đầu chức vụ của Đức Chúa Trời trong xác thịt, và Đức Chúa Trời nhập thể đã mở ra Thời đại Vương quốc. Những gì Ngài mang đến là Thời đại Vương quốc, chứ không phải là sự giáng xuống chính thức của vương quốc. Điều này không khó để tưởng tượng; điều Ta muốn nói dân của Đức Chúa Trời nghĩa là những người trong Thời đại Vương quốc, chứ không phải là những người của chính vương quốc. Đó là lý do tại sao nói rằng sự nhóm họp trên đất vẫn nên được gọi là hội thánh sẽ hợp lý. Trong quá khứ, Ngài đã hành động trong nhân tính bình thường của Ngài mặc dù chưa được làm chứng với tư cách là chính Đức Chúa Trời, và vì thế Thời đại Vương quốc chưa bắt đầu giữa con người; nghĩa là, như Ta đã phán, Thần của Ta chưa chính thức bắt đầu làm việc trong xác thịt nhập thể của Ta. Giờ đây, chính Đức Chúa Trời đã được làm chứng, vương quốc được hiện thực hóa giữa con người. Điều này biểu thị rằng Ta sẽ bắt đầu làm việc trong thần tính của Ta, và vì vậy những người có thể cảm kích những lời Ta phán và những việc Ta làm trong thần tính của Ta sẽ được biết đến với tư cách dân của Ta trong Thời đại Vương quốc. Chính từ điều này mà “dân của Đức Chúa Trời” đã được ra đời. Trong giai đoạn này, chủ yếu là thần tính của Ta hành động và phán dạy. Con người hoàn toàn không thể can thiệp, họ cũng không thể phá vỡ kế hoạch của Ta. Một khi Đức Chúa Trời đã đạt đến một giai đoạn nhất định trong việc phán dạy của Ngài, danh của Ngài được làm chứng, và từ thời điểm này, việc Ngài thử luyện loài người sẽ bắt đầu. Đây là đỉnh cao của sự khôn ngoan trong công tác của Đức Chúa Trời. Nó đặt một nền tảng vững chắc và cắm rễ cho sự bắt đầu của bước tiếp theo cũng như sự kết thúc của bước vừa qua. Đây là điều mà không ai, với tư cách là một con người, đã có thể dự đoán được; đó là giao điểm của phần thứ nhất và thứ hai của kỷ nguyên phán xét. Không có vài tháng mà Ta tinh luyện con người, thì thần tính của Ta sẽ không có cách nào để làm việc. Vài tháng tinh luyện đó đã mở đường cho bước công tác tiếp theo của Ta. Việc kết thúc vài tháng làm việc này là một dấu hiệu cho thấy giai đoạn công tác tiếp theo sẽ sâu sắc hơn. Nếu con người ta thực sự hiểu lời Đức Chúa Trời, thì họ có thể nắm bắt được rằng Ngài đang sử dụng khoảng thời gian vài tháng này để bắt đầu bước công tác tiếp theo của Ngài, từ đó khiến nó có thể đạt được kết quả thậm chí còn tốt hơn nữa. Bởi vì sự cản trở trong nhân tính của Ta đã gây trở ngại cho bước công tác tiếp theo của Ta, cho nên qua vài tháng tinh luyện qua đau khổ này, cả đôi bên đều được khai sáng và đã nhận được lợi ích đáng kể. Vì vậy, chỉ bây giờ con người mới bắt đầu trân trọng cách Ta nhắc đến họ. Do đó, khi Đức Chúa Trời phán rằng Ngài sẽ không còn gọi con người là “những kẻ phục vụ” nữa mà thay vào đó là “dân của Đức Chúa Trời” bằng một nét bút của Ngài, thì hết thảy họ đều tràn đầy niềm vui. Đây là nhược điểm chí mạng của con người. Chính vì nắm bắt được nhược điểm chí mạng này của con người mà Đức Chúa Trời đã phán như thế.
Để tiếp tục chinh phục hết thảy mọi người hơn nữa và có được niềm tin son sắt của họ, và để chỉ ra sự thật rằng sự tận tâm của một số người bị pha trộn với sự bất khiết, Đức Chúa Trời đã thực hiện thêm một bước để kêu gọi sự chú ý đến tất cả các kiểu xấu xa khác nhau của con người, và khi làm như vậy Ngài đã làm ứng nghiệm lời Ngài: “Có bao nhiêu người chân thành yêu Ta? Ai không hành động vì cân nhắc cho tương lai của chính họ? Ai chưa bao giờ phàn nàn trong những sự thử luyện của họ?” Từ những lời như thế này, mọi người đều có thể nhận ra sự phản nghịch, bất trung và thiếu thảo kính của chính mình, và qua đó thấy được rằng lòng thương xót và nhân ái của Đức Chúa Trời theo sau hết thảy những ai tìm kiếm Ngài, trên mọi bước đường. Có thể thấy điều này từ những lời sau đây: “Khi một số người đang sắp sửa rút lui, khi hết thảy những ai hy vọng Ta thay đổi cách thức phán dạy của Ta đã mất hy vọng, lúc đó Ta cất tiếng phán về sự cứu rỗi, đưa hết thảy những ai chân thành yêu kính Ta trở lại vương quốc của Ta, trước ngôi Ta”. Ở đây, cụm từ “những ai chân thành yêu kính Ta”, và câu hỏi tu từ “Có bao nhiêu người chân thành yêu kính Ta?” không mâu thuẫn với nhau. Chúng minh họa cho việc “lòng chân thành” trong bối cảnh này chứa đựng sự bất khiết như thế nào. Không phải là Đức Chúa Trời không biết gì; đúng hơn, chính vì Đức Chúa Trời có thể nhìn vào tận thâm tâm của con người mà Ngài dùng những từ như “lòng chân thành”, là một sự mỉa mai nhắm vào loài người bại hoại, để khiến mọi người cảm nhận họ mắc nợ Đức Chúa Trời sâu sắc hơn và tự trách móc mình nghiêm khắc hơn, cũng như nhận ra sự thật rằng những mối bất bình trong lòng họ hoàn toàn đến từ Sa-tan. Mọi người đều ngạc nhiên khi thấy một cụm từ như “sự tận tâm”, nghĩ thầm rằng: “Nhiều lần tôi đã than trời trách đất, và nhiều lần muốn bỏ đi, nhưng vì tôi kính sợ các sắc lệnh quản trị của Đức Chúa Trời nên tôi sẽ giải quyết đại khái mọi vấn đề chỉ để cho qua và bắt chước theo đám đông, chờ đợi Đức Chúa Trời xử lý tôi, nghĩ rằng, nếu mọi thứ trở nên thực sự vô vọng, thì vẫn còn đủ thời gian để tôi từ từ rút lui. Nhưng bây giờ Đức Chúa Trời đang gọi chúng ta là những người tận tụy với Ngài. Đức Chúa Trời có thực sự là một Đức Chúa Trời có thể nhìn tận thâm tâm của con người không?” Để tránh hiểu lầm kiểu này nên chỉ đến tận cuối cùng, Đức Chúa Trời mới lưu ý vào các trạng thái tâm lý của nhiều loại người khác nhau, khiến mọi người chuyển từ trạng thái mà bên trong thì nghi ngờ còn bên ngoài thì họ tỏ ra vui vẻ sang trạng thái mà họ bị thuyết phục bằng tấm lòng, bằng lời và bằng sự chứng kiến. Theo cách này, con người đã có ấn tượng sâu sắc hơn về lời Đức Chúa Trời, kết quả đương nhiên là con người trở nên sợ hãi hơn một chút, kính sợ hơn một chút và hơn nữa đã hiểu rõ hơn về Đức Chúa Trời. Cuối cùng, để xoa dịu nỗi lo lắng của con người, Đức Chúa Trời đã phán: “…Nhưng vì quá khứ là quá khứ, và giờ đây đã là hiện tại, nên chẳng cần phải hoài niệm vấn vương về quá khứ nữa, hay cũng chẳng cần phải nghĩ ngợi về tương lai”. Cách thức phán dạy theo kiểu căng thẳng, hài hòa nhưng súc tích này thậm chí còn có tác dụng lớn hơn, khiến cho hết thảy những ai đọc lời Ngài đều thấy sự sáng một lần nữa từ giữa sự tuyệt vọng của quá khứ, cho đến khi họ nhìn thấy sự khôn ngoan và những việc làm của Đức Chúa Trời, có được danh xưng “dân của Đức Chúa Trời”, loại bỏ những đám mây nghi ngờ trong lòng họ, và sau đó biết đến bản thân từ những khuôn mẫu thay đổi trong trạng thái tâm lý của họ. Những tình cảnh này lần lượt dao động lên xuống, dẫn đến nỗi bất hạnh và sự đau buồn, niềm hạnh phúc và sự vui vẻ. Trong chương này, Đức Chúa Trời đã phác họa đường nét của con người giống y như thật và sống động trong từng chi tiết đến mức hoàn hảo. Đó thực sự là điều mà con người không thể đạt được, điều thực sự vạch trần những bí mật trong nơi thầm kín nhất trong lòng người. Liệu đây có thể là điều mà con người có khả năng thực hiện không?
Ngay sau đây, và thậm chí còn quan trọng hơn, là phân đoạn bên dưới, trực tiếp tiết lộ sắc lệnh quản trị của Đức Chúa Trời đến con người, và hơn nữa, là phần quan trọng nhất: “Là con người, bất cứ ai đi ngược lại hiện thực, và không làm theo sự hướng dẫn của Ta đều sẽ không có kết cục tốt đẹp, mà chỉ tự chuốc lấy rắc rối. Trong mọi sự xảy ra trong vũ trụ, chẳng có sự gì mà Ta không có phán quyết cuối cùng”. Chẳng lẽ đây không phải là sắc lệnh quản trị của Đức Chúa Trời sao? Điều này đủ cho thấy rằng có rất nhiều trường hợp những người chống lại sắc lệnh quản trị này. Dựa vào những điều trên, Đức Chúa Trời tiếp tục khuyên giục mọi người đừng suy nghĩ cho vận mệnh của bản thân. Nếu con người dám ước muốn thoát khỏi sự sắp đặt của Đức Chúa Trời, thì hậu quả sẽ thảm khốc ngoài sức tưởng tượng. Sau đó điều này khiến cho hết thảy những ai đã trải nghiệm sự khai sáng và soi sáng trong những lời này hiểu rõ hơn về sắc lệnh quản trị của Đức Chúa Trời cũng như hiểu được rằng sự oai nghi của Ngài là không thể bị xúc phạm, và do đó trở nên dày dạn và vững chãi hơn, xanh tươi như một cây tùng, dãi gió dầm sương, đứng vững trước mối đe dọa của giá rét khắc nghiệt, tiếp tục tăng thêm sức sống xanh tươi cho thiên nhiên. Hầu hết mọi người, khi gặp phải phân đoạn này, cảm thấy hoang mang như thể họ đã lạc vào một loại mê cung nào đó; điều này là vì nội dung của lời Đức Chúa Trời thay đổi tương đối nhanh, và vì vậy chín trong số mười người bước vào một mê cung khi họ cố gắng hiểu những tâm tính bại hoại của chính mình. Để công tác có thể diễn ra suôn sẻ hơn trong tương lai, để những nghi ngờ trong lòng của hết thảy mọi người có thể được xóa bỏ, và để hết thảy có thể tiến xa thêm một bước trong niềm tin của họ vào sự thành tín của Đức Chúa Trời, Ngài nhấn mạnh ở cuối phân đoạn đó rằng: “Mỗi một người chân thành yêu mến Ta sẽ chắc chắn quay trở về trước ngôi Ta”. Do đó, tâm trí của những người đã trải qua vài tháng công tác của Ngài ngay lập tức giảm bớt phần nào sự lo sợ của mình. Hơn nữa, trái tim của họ, đã lơ lửng trong không trung, trở lại tình trạng của chúng trước đây như thể là trút được một gánh nặng. Họ không còn phải suy nghĩ cho số phận của mình; hơn nữa, họ tin rằng Đức Chúa Trời sẽ không còn phán những lời sáo rỗng. Bởi vì con người tự cho mình là đúng, nên không có một người nào không cho rằng họ thể hiện sự tận tâm tột độ đối với Đức Chúa Trời; đây là lý do tại sao Đức Chúa Trời cố tình nhấn mạnh vào từ “một người chân thành” – để đạt được kết cục tốt hơn. Điều này là để mở đường và đặt nền tảng cho bước công tác tiếp theo của Ngài.