Chương 4
Để ngăn tất cả mọi người không quay đầu và bị cuốn đi mất sau sự chuyển hóa từ tiêu cực sang tích cực, trong chương cuối lời phán của Đức Chúa Trời, khi mà Đức Chúa Trời đã phán ra những yêu cầu cao nhất đối với dân của Ngài – khi mà Đức Chúa Trời đã bảo mọi người về tâm ý của Ngài ở giai đoạn này trong kế hoạch quản lý của Ngài – Ngài trao cho họ cơ hội để suy ngẫm lời Ngài, đó là để giúp họ đưa ra quyết định làm thỏa mãn tâm ý của Đức Chúa Trời vào lúc sau rốt. Khi con người ở trong những điều kiện lạc quan, Đức Chúa Trời lập tức bắt đầu hỏi họ về khía cạnh khác của vấn đề. Ngài hỏi một loạt các câu hỏi mà mọi người khó hiểu được: “Tình yêu của các ngươi dành cho Ta có bị nhơ bẩn bởi sự ô uế không? Lòng trung thành của các ngươi với Ta có thuần khiết và hết lòng không? Kiến thức của các ngươi về Ta có đúng không? Ta đã giữ bao nhiêu vị trí trong lòng các ngươi?” Và vân vân. Trong nửa đầu của đoạn này, ngoại trừ hai lời khiển trách, phần còn lại chỉ gồm toàn bộ các câu hỏi. Cụ thể một câu hỏi – “Những lời phán của Ta đã thức tỉnh bên trong các ngươi chưa?” – rất phù hợp. Nó thực sự đánh ngay vào những điều thầm kín nhất trong sâu thẳm lòng người, khiến họ bất giác tự hỏi bản thân: “Mình có thật sự trung thành yêu kính Đức Chúa Trời không?”. Trong lòng, mọi người vô thức nhớ lại những trải nghiệm trong quá khứ của mình trong việc phụng sự: Họ bị đắm chìm trong sự tự tha thứ, sự tự nên công chính, tính tự cao tự đại, tính tự mãn, sự thỏa mãn và tự kiêu. Họ như một con cá lớn bị mắc lưới – sau khi rơi vào lưới, không dễ dàng để tự thoát thân. Hơn thế nữa, họ thường xuyên không bị ràng buộc, thường xuyên đánh lừa nhân tính bình thường của Đức Chúa Trời, và họ đặt bản thân lên hàng đầu trong mọi việc mình làm. Trước khi được gọi là “kẻ phục vụ”, họ như một con hổ con sơ sinh, tràn đầy năng lượng. Dù họ tập trung sự chú ý vào đời sống tới một mức độ nào đó, nhưng thỉnh thoảng họ chỉ làm chiếu lệ; như những nô lệ, họ đối xử qua loa với Đức Chúa Trời. Trong thời gian bị vạch trần là những kẻ phục vụ, họ tiêu cực, họ tụt lại phía sau, họ tràn ngập nỗi buồn phiền, họ phàn nàn về Đức Chúa Trời, họ gục đầu trong sự chán nản, vân vân. Mỗi bước trong những câu chuyện cảm động, tuyệt vời của riêng họ cứ vương vấn trong đầu. Thậm chí nó còn khiến họ khó ngủ, và họ dành cả ngày trong trạng thái mụ mẫm. Họ dường như đã bị Đức Chúa Trời đào thải lần thứ hai, bị rơi xuống âm phủ, và không có khả năng trốn thoát. Dù Đức Chúa Trời đã không làm gì khác hơn là đưa ra một vài câu hỏi khó trong đoạn đầu, nhưng hãy đọc kỹ – chúng cho thấy mục đích của Đức Chúa Trời còn hơn cả việc hỏi những câu hỏi này chỉ để hỏi; trong chúng chứa đựng một tầng nghĩa sâu hơn, một tầng nghĩa phải được giải thích chi tiết hơn nữa.
Tại sao Đức Chúa Trời từng phán rằng ngày hôm nay, sau tất cả, là ngày hôm nay, và vì ngày hôm qua đã trôi qua, không cần phải hoài niệm – thế mà trong câu đầu tiên ở đây, Ngài lại hỏi mọi người những câu hỏi, và khiến họ nghĩ ngược về quá khứ? Hãy nghĩ về việc đó: Tại sao Đức Chúa Trời yêu cầu con người không hoài niệm về quá khứ, nhưng lại yêu cầu họ nghĩ về quá khứ? Có thể nào có một sai lầm trong lời Đức Chúa Trời không? Có thể nào nguồn gốc những lời này là sai? Tất nhiên là, những ai không chú ý đến lời Đức Chúa Trời sẽ không hỏi các câu hỏi thâm thúy như vậy. Nhưng lúc này, không cần phải nói về điều này. Trước hết, để Ta giải thích câu hỏi đầu tiên ở trên – câu “tại sao”. Dĩ nhiên, tất cả mọi người đều biết rằng Đức Chúa Trời đã nói Ngài không phán những lời sáo rỗng. Nếu lời được phán ra từ miệng Đức Chúa Trời, thì đều có một mục đích và ý nghĩa với chúng – đây hầu như là trọng tâm của câu hỏi. Thất bại lớn nhất của mọi người là sự bất lực trong việc thay đổi những cách thức ác độc và sự khó uốn nắn trong bản tính cũ của họ. Để cho tất cả mọi người biết được bản thân mình một cách thấu đáo và thực tế hơn, đầu tiên Đức Chúa Trời dẫn dắt họ nghĩ về quá khứ, hầu để họ có thể phản tư về bản thân sâu sắc hơn, và do đó bắt đầu biết được rằng không một lời nào trong những lời Đức Chúa Trời là sáo rỗng, và rằng hết thảy những lời Đức Chúa Trời được ứng nghiệm trên những người khác nhau ở các mức độ khác nhau. Trong quá khứ, cách Đức Chúa Trời tỉa sửa mọi người cho họ một chút kiến thức về Đức Chúa Trời và khiến sự chân thành hướng về Đức Chúa Trời của họ thành tâm hơn một chút. Từ “Đức Chúa Trời” chỉ chiếm 0.1 phần trăm trong mọi người và trong lòng họ. Đạt được nhiều thế này cho thấy Đức Chúa Trời đã thực hiện một lượng cứu rỗi khủng khiếp. Thật công bằng khi nói rằng sự hoàn thành của Đức Chúa Trời nhiều thế này trong nhóm người này – một nhóm bị lợi dụng bởi con rồng lớn sắc đỏ và bị Sa-tan chiếm hữu – đến độ họ không dám chỉ làm điều mình thích. Đó là vì việc Đức Chúa Trời chiếm hữu một trăm phần trăm lòng dạ của những kẻ đã bị Sa-tan sở hữu là điều không khả thi. Để tăng kiến thức của mọi người về Đức Chúa Trời trong bước tiếp theo, Đức Chúa Trời so sánh tình cảnh của những kẻ phục vụ trong quá khứ với tình cảnh của dân của Đức Chúa Trời ngày hôm nay, bởi thế tạo được một sự tương phản rõ rệt làm tăng sự hổ thẹn của mọi người. Đúng như Đức Chúa Trời đã phán: “không biết giấu sự xấu hổ vào đâu”.
Thế thì, tại sao Ta nói rằng Đức Chúa Trời không đơn thuần hỏi chỉ để hỏi? Việc đọc kỹ từ đầu đến cuối chỉ ra rằng, dù những câu hỏi do Đức Chúa Trời đặt ra chưa được giải thích thấu đáo, tất cả chúng đều đề cập đến mức độ trung thành của mọi người đối với Đức Chúa Trời và kiến thức về Đức Chúa Trời; nói cách khác, chúng đề cập đến những tình cảnh thực tế của mọi người, những tình cảnh đáng thương và khó để họ mở lòng về chúng. Từ đây có thể thấy rằng vóc giạc của mọi người quá gầy gò, rằng kiến thức về Đức Chúa Trời của họ quá hời hợt, và sự trung thành của họ đối với Ngài quá nhơ bẩn và ô uế. Như Đức Chúa Trời đã phán, hầu hết mọi người đều thừa nước đục thả câu và chỉ ở đó cho đủ số lượng. Khi Đức Chúa Trời phán “Các ngươi có thực sự tin rằng mình không đủ tiêu chuẩn để trở thành dân của Ta không?” ý nghĩa thực sự của những lời này là giữa hết thảy mọi người, không ai phù hợp để là dân của Đức Chúa Trời. Nhưng để đạt được hiệu quả tốt hơn, Đức Chúa Trời sử dụng cách thức đặt câu hỏi. Cách thức này hiệu quả hơn nhiều so với những lời trong quá khứ, những lời đã nhẫn tâm tấn công, chặt chém và giết chết mọi người, tới mức đâm thấu lòng họ. Giả sử Đức Chúa Trời đã trực tiếp phán thứ gì đó tẻ nhạt và vô vị như: “Các ngươi không trung thành với Ta, và sự trung thành của các ngươi bị vấy bẩn, Ta không giữ một vị trí tuyệt đối trong lòng các ngươi… Ta sẽ không để cho các ngươi còn nơi để tự trốn tránh bản thân mình, vì không ai trong các ngươi có khả năng làm dân của Ta”. Ngươi có thể so sánh hai kiểu này, và dù nội dung của chúng như nhau, nhưng giọng điệu của mỗi kiểu thì khác nhau. Sử dụng những câu hỏi thì hiệu quả hơn nhiều. Do vậy, Đức Chúa Trời khôn ngoan dùng giọng điệu thứ nhất, cho thấy tính nghệ thuật mà Ngài áp dụng để phán dạy. Điều này không thể đạt được bởi con người, và do thế không có gì lạ khi Đức Chúa Trời phán: “Con người chỉ là những dụng cụ để Ta sử dụng. Sự khác biệt duy nhất giữa họ là vài kẻ thì tầm thường, còn vài người thì quý giá”.
Khi con người tiếp tục đọc, những lời Đức Chúa Trời đến nhanh và dồn dập, hầu như không cho mọi người cơ hội để thở, vì tuyệt nhiên không bao giờ Đức Chúa Trời dễ dàng với con người cả. Khi mọi người cảm thấy cực kỳ hối tiếc, Đức Chúa Trời từng cảnh báo họ một lần nữa: “Nếu các ngươi hoàn toàn không biết tới các câu hỏi ở trên, thì điều này cho thấy rằng ngươi đang thừa nước đục thả câu, rằng các ngươi chỉ hiện diện cho có, và đến thời điểm Ta đã định trước, các ngươi chắc chắn sẽ bị đào thải và hất vào vực sâu không đáy lần thứ hai. Đây là những lời cảnh báo của Ta, bất kỳ ai xem nhẹ chúng sẽ phải chịu sự phán xét của Ta, và vào thời điểm ấn định, sẽ gặp thảm họa”. Đọc những lời như vậy, mọi người không thể không nghĩ đến lúc họ bị ném vào vực sâu không đáy: Bị đe dọa bởi tai ương, bị cai quản bởi các sắc lệnh quản trị của Đức Chúa Trời, kết cục của chính họ đang đợi họ, trong suốt một thời gian dài cảm thấy đau khổ, chán nản, bối rối, không thể nói lên nỗi sầu muộn trong lòng họ với bất kỳ ai – so với điều này, họ sẽ tốt hơn nếu xác thịt họ được thanh tẩy… Khi suy nghĩ họ đạt được đến mức này, họ không thể không cảm thấy đau khổ. Nghĩ về việc họ đã như thế nào trong quá khứ, họ như thế nào ngày hôm nay, và ngày mai họ sẽ như thế nào, nỗi buồn trong lòng họ lớn lên, họ bắt đầu vô thức run rẩy, và vì thế họ trở nên càng kính sợ các sắc lệnh quản trị của Đức Chúa Trời hơn. Khi họ chợt nghĩ ra rằng cụm từ “dân của Đức Chúa Trời” cũng chỉ là một cách nói, niềm vui trong lòng họ nhanh chóng chuyển thành nỗi đau đớn. Đức Chúa Trời đang sử dụng điểm yếu cốt tử của họ để tấn công họ, và lúc này, Ngài đang bắt đầu bước tiếp theo trong công tác của Ngài, khiến thần kinh của mọi người liên tục bị kích thích, và tăng ý thức của họ rằng các việc làm của Đức Chúa Trời là không thể dò lường, rằng Đức Chúa Trời là không thể với tới được, rằng Đức Chúa Trời thánh khiết và thuần khiết, và rằng họ không phù hợp để là một trong các dân của Đức Chúa Trời. Kết quả là, họ nỗ lực gấp đôi để cải thiện bản thân, không dám tụt lại phía sau.
Tiếp theo, để dạy mọi người một bài học, và khiến họ biết bản thân mình, kính sợ và sợ hãi Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời bắt đầu kế hoạch mới của Ngài: “Từ thuở sáng thế cho đến ngày nay, nhiều người đã phản nghịch lời Ta và do đó đã bị gạt đi và đào thải khỏi dòng chảy khôi phục của Ta; sau rốt là, thể xác của họ bị diệt vong và linh hồn của họ bị ném vào âm phủ, và thậm chí ngày nay họ vẫn phải chịu hành phạt nặng nề. Nhiều người đã tuân theo lời Ta, nhưng họ đã đi ngược lại sự khai sáng và soi sáng của Ta… và vài điều nữa…” Đây là những ví dụ thực tế. Trong những lời này, Đức Chúa Trời không chỉ cho toàn bộ dân của Đức Chúa Trời một lời cảnh báo thực tế để khiến họ biết việc làm của Đức Chúa Trời trong suốt các thời đại, mà còn đưa ra một sự miêu tả gián tiếp về một phần của những gì đang xảy ra ở cõi thuộc linh. Điều này cho phép mọi người biết được rằng chẳng có gì tốt đẹp có thể đến từ sự phản nghịch của họ đối với Đức Chúa Trời. Họ sẽ trở thành một vết ô nhục đời đời, và họ sẽ trở thành hiện thân của Sa-tan, và một bản sao của Sa-tan. Trong lòng Đức Chúa Trời, khía cạnh ý nghĩa này có tầm quan trọng thứ yếu, vì những lời này đã khiến con người run rẩy và không biết phải làm gì. Mặt tích cực của điều này là việc, khi con người run sợ, họ cũng học được vài chi tiết của cõi thuộc linh – nhưng chỉ vài chi tiết thôi, nên Ta phải giải thích một chút. Từ cánh cổng của cõi thuộc linh, có thể thấy rằng có đủ mọi loại linh hồn. Tuy nhiên, một số ở âm phủ, một số ở địa ngục, một số ở hồ lửa, và một số ở vực sâu không đáy. Ở đây Ta nói thêm một chút. Bề ngoài mà nói, những linh hồn này có thể được chia ra theo nơi chốn; tuy nhiên nếu nói cụ thể, một số bị trực tiếp xử lý bởi hình phạt của Đức Chúa Trời, và một số nằm trong sự trói buộc của Sa-tan, điều mà Đức Chúa Trời tận dụng. Cụ thể hơn nữa, hình phạt của họ khác nhau tùy theo mức độ nghiêm trọng của hoàn cảnh của họ. Tại điểm này, để Ta giải thích thêm một chút. Những ai bị hành phạt bởi tay Đức Chúa Trời không có linh hồn trên đất, nghĩa là họ không có cơ hội được tái sinh. Những linh hồn dưới quyền lực của Sa-tan – những kẻ thù mà Đức Chúa Trời nói đến khi Ngài phán “đã trở thành kẻ thù của Ta” – liên quan đến những vấn đề trần thế. Những tà ma khác nhau trên đất hết thảy đều là kẻ thù của Đức Chúa Trời, là đầy tớ của Sa-tan, và lý do tồn tại của chúng là để phục vụ, phục vụ hầu để chúng có thể là những vật làm nền cho các việc làm của Đức Chúa Trời. Do vậy, Đức Chúa Trời phán: “Những người này không chỉ bị Sa-tan bắt giữ mà đã trở thành tội nhân vĩnh cửu, trở thành kẻ thù của Ta, và họ trực tiếp chống đối Ta”. Sau đó, Đức Chúa Trời bảo mọi người về kiểu kết cục nào dành cho loại linh hồn này: “Họ là đối tượng phán xét ở đỉnh điểm cơn thịnh nộ của Ta”. Đức Chúa Trời cũng làm rõ tình cảnh hiện tại của họ: “Ngày nay chúng vẫn mù lòa, vẫn ở trong ngục tối”.
Để cho mọi người thấy tính chân thực của lời Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời đã dùng một ví dụ thực tế như là minh chứng (trường hợp của Phao-lô mà Ngài nói đến) hầu để lời cảnh báo của Ngài để lại trong mọi người một ấn tượng sâu sắc hơn. Để ngăn mọi người xem những điều được nói về Phao-lô như một câu chuyện, và để ngăn họ nghĩ bản thân mình như những người ngoài cuộc – và hơn thế nữa, để ngăn họ bắt đầu khoe khoang về những thứ đã xảy ra hàng ngàn năm trước mà họ đã học được từ Đức Chúa Trời – Đức Chúa Trời không tập trung vào những trải nghiệm của Phao-lô trong suốt cuộc đời của ông. Thay vào đó, Đức Chúa Trời tập trung vào những hậu quả đối với Phao-lô và về kiểu kết cuộc mà ông ấy gặp phải, lý do tại sao Phao-lô chống lại Đức Chúa Trời, và làm sao mà Phao-lô đã gặp kết cục mà ông đã gặp phải. Điều Đức Chúa Trời tập trung vào chính là nhấn mạnh việc cuối cùng Ngài đã từ chối những hi vọng hão huyền của Phao-lô, và trực tiếp phơi bày tình cảnh của Phao-lô trong cõi thuộc linh: “Phao-lô bị Đức Chúa Trời trực tiếp hành phạt”. Vì mọi người tê liệt và không có khả năng hiểu được bất cứ điều gì trong những lời Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời thêm vào một sự giải thích (đoạn tiếp theo của lời phán), và bắt đầu phán về vấn đề liên quan đến một khía cạnh khác: “Bất cứ ai chống đối Ta (bằng cách chống lại không chỉ bản thân xác thịt của Ta mà quan trọng hơn, lời Ta và Thần của Ta – nghĩa là – thần tính của Ta), đều nhận lấy sự phán xét của Ta trong xác thịt của chúng”. Mặc dù, bề ngoài mà nói, những lời này có vẻ như không liên quan đến những lời ở trên và dường như không có bất cứ sự tương quan nào giữa hai thứ, nhưng đừng hốt hoảng: Đức Chúa Trời có những mục đích riêng của Ngài; những từ đơn giản “ví dụ ở trên chứng minh rằng” kết hợp một cách tự nhiên hai vấn đề dường như không liên quan đến nhau – đây là sự tài tình của những lời Đức Chúa Trời. Do đó mọi người được khai sáng thông qua câu chuyện của Phao-lô, và thế nên, vì mối liên hệ giữa đoạn ở trên và ở dưới, thông qua bài học do Phao-lô đem lại, họ theo đuổi để biết Đức Chúa Trời còn nhiều hơn nữa, đó chính xác là hiệu quả Đức Chúa Trời mong đạt được khi nói những lời đó. Tiếp theo, Đức Chúa Trời phán vài lời cung cấp sự trợ giúp và sự khai sáng cho lối vào sự sống của mọi người. Không cần Ta phải nói về điều này, ngươi sẽ cảm thấy những điều này dễ hiểu. Tuy nhiên, điều Ta phải giải thích là khi Đức Chúa Trời phán: “Khi Ta làm việc trong nhân tính bình thường, hầu hết mọi người đều đã liệu chừng bản thân dựa trên cơn thạnh nộ và sự oai nghi của Ta, và đã biết một chút về sự khôn ngoan và tâm tính của Ta. Hôm nay, Ta phán và hành động trực tiếp trong thần tính, và vẫn còn một số người sẽ tận mắt thấy cơn thạnh nộ và sự phán xét của Ta; hơn nữa, công tác chính của phần thứ hai trong kỷ nguyên phán xét là làm cho toàn bộ dân của Ta trực tiếp biết việc làm của Ta trong xác thịt, và làm cho tất cả các ngươi trực tiếp thấy được tâm tính của Ta”. Một vài lời này kết lại công tác của Đức Chúa Trời trong nhân tính bình thường và chính thức bắt đầu phần thứ hai của công tác Đức Chúa Trời trong kỷ nguyên phán xét, được thực hiện trong thần tính, và báo trước kết thúc của một bộ phận dân chúng. Ở điểm này, điều đáng giải thích là Đức Chúa Trời đã không nói với mọi người rằng đây là phần thứ hai của kỷ nguyên phán xét khi họ đã trở thành dân của Đức Chúa Trời. Thay vào đó, Ngài chỉ giải thích rằng đây là phần thứ hai của kỷ nguyên phán xét sau khi nói với mọi người về tâm ý của Đức Chúa Trời mà những mục đích mà Đức Chúa Trời mong muốn đạt được trong giai đoạn này, và về bước cuối cùng trong công tác của Đức Chúa Trời trên đất. Không cần phải nói, ở đây cũng có sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Khi người ta vừa đứng dậy khỏi giường bệnh, điều duy nhất họ quan tâm là liệu họ có chết hay không, hay liệu căn bệnh của họ có bị trục xuất khỏi thân xác họ không. Họ không để ý đến việc liệu họ sẽ tăng cân, hay liệu họ ăn diện quần áo phù hợp không. Do đó, chỉ khi mọi người hoàn toàn tin rằng họ là một trong những dân của Đức Chúa Trời thì Đức Chúa Trời mới phán những yêu cầu của Ngài, từng bước một, và bảo với mọi người kỷ nguyên hiện tại của ngày hôm nay là gì. Đó là bởi vì mọi người chỉ có năng lượng để tập trung vào những bước quản lý của Đức Chúa Trời một vài ngày sau khi họ đã hồi phục, và vì thế đây là thời điểm phù hợp nhất để bảo họ. Chỉ sau khi mọi người hiểu thì họ mới bắt đầu phân tích: Vì đây là phần thứ hai của kỷ nguyên phán xét, những yêu cầu của Đức Chúa Trời đã trở nên khắt khe hơn, và tôi đã trở thành một trong những dân của Đức Chúa Trời. Phân tích như thế là đúng, và cách phân tích này con người có thể đạt được; đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời dùng phương pháp phán dạy này.
Một khi mọi người hiểu được một chút, một lần nữa Đức Chúa Trời lại bước vào cõi thuộc linh để phán, và thế là một lần nữa họ lại rơi vào trận địa phục kích. Trong loạt các câu hỏi này, mọi người đều gãi đầu, bối rối, không biết dụng ý của Đức Chúa Trời nằm ở đâu, không biết trả lời câu hỏi nào của Đức Chúa Trời, và hơn thế nữa, không biết dùng ngôn ngữ nào để trả lời các câu hỏi của Ngài. Người ta tự hỏi không biết nên cười hay khóc. Với mọi người, những lời này dường như ẩn chứa những lẽ mầu nhiệm rất sâu sắc – nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Ta cũng có thể giải thích thêm một chút cho ngươi ở đây – nó sẽ khiến não ngươi được nghỉ ngơi, và ngươi sẽ cảm thấy rằng đây là một điều đơn giản không cần phải nghĩ đến. Trên thực tế, dù có nhiều lời, chúng chỉ chứa đựng duy nhất một mục đích Đức Chúa Trời nắm giữ: thu phục được sự trung thành của mọi người thông qua những câu hỏi này. Nhưng không thích hợp để nói trực tiếp điều này, nên Đức Chúa Trời một lần nữa sử dụng các câu hỏi. Tuy vậy, giọng điệu mà Ngài phán lại đặc biệt mềm mỏng, rất khác với lúc ban đầu. Dù chúng được Đức Chúa Trời hỏi, nhưng kiểu tương phản này đem đến cho mọi người một chừng mực nhẹ nhõm. Ngươi cũng có thể đọc từng câu hỏi một; chẳng phải những điều này thường được đề cập trong quá khứ sao? Trong vài câu hỏi đơn giản này, có nội dung phong phú. Một số miêu tả về tâm tính của mọi người: “Các ngươi có sẵn lòng vui hưởng sự sống trên đất, điều tương tự như trên trời không?” Một số là “lời thề chiến binh” của mọi người mà họ thề trước Đức Chúa Trời: “Các ngươi có thực sự có thể cho phép bản thân mình bị Ta xử tử, và được dẫn dắt bởi Ta, như một con chiên không?” Và một số trong đó là những yêu cầu của Đức Chúa Trời với con người: “Nếu Ta không phán trực tiếp, ngươi có thể từ bỏ mọi thứ quanh mình và để bản thân cho Ta sử dụng không? Đây chẳng phải là hiện thực mà Ta yêu cầu sao? …” Chúng cũng bao gồm những lời khuyên bảo và sự trấn an của Đức Chúa Trời dành cho con người: “Tuy nhiên, Ta yêu cầu các ngươi không còn bị đè nặng bởi những mối nghi ngại nữa, rằng các ngươi phải chủ động trong việc bước vào và nắm bắt được sự uyên thâm nhất của lời Ta. Điều này sẽ ngăn ngươi hiểu sai lời Ta và không rõ về ý Ta, và vì thế mà vi phạm các sắc lệnh quản trị của Ta”. Cuối cùng, Đức Chúa Trời nói về những hi vọng của Ngài đối với con người: “Ta hy vọng rằng các ngươi nắm bắt được các tâm ý của Ta đối với các ngươi trong lời Ta. Không suy nghĩ gì thêm về tiền đồ của chính mình, và hành động theo quyết tâm ‘tuân theo sự sắp đặt của Đức Chúa Trời trong mọi sự’ mà các ngươi đã lập trước Ta”. Câu hỏi cuối cùng có một ý nghĩa sâu sắc. Nó khiến người ta phải suy nghĩ, nó gây ấn tượng trong lòng mọi người, và khó quên, không ngừng vang lên, như một cái chuông sát ngay tai họ…
Ở trên là vài lời giải thích để ngươi dùng tham khảo.