Chương 9
Trong trí tưởng tượng của con người, Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời và con người là con người. Đức Chúa Trời không nói ngôn ngữ của con người, mà con người cũng không thể nói ngôn ngữ của Đức Chúa Trời. Với Đức Chúa Trời, việc đáp ứng những yêu cầu của nhân loại đối với Ngài thì dễ như ăn bánh – từng miếng một dễ dàng – trong khi những yêu cầu của Đức Chúa Trời đối với nhân loại thì không thể đạt được và không thể tưởng tượng nổi đối với con người. Tuy nhiên, sự thật thì hoàn toàn ngược lại: Đức Chúa Trời chỉ yêu cầu “0,1%” ở con người. Điều này không chỉ đáng kinh ngạc đối với mọi người, mà còn làm cho họ cảm thấy vô cùng hoang mang, như thể tất cả bọn họ đều đang mông lung. Chỉ nhờ vào sự khai sáng và ân điển của Đức Chúa Trời mà mọi người đã có được chút hiểu biết về tâm ý của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, vào ngày 1 tháng 3, hết thảy mọi người một lần nữa đã hoang mang và gãi đầu; Đức Chúa Trời yêu cầu rằng dân của Ngài phải như tuyết trắng lấp lánh, chứ không phải như những đám mây trôi. Vậy thì, từ “tuyết trắng” này ám chỉ điều gì? Và “đám mây trôi” nói đến điều gì? Ở đây, Đức Chúa Trời đang cố tình không tỏ lộ gì về ý nghĩa sâu sắc hơn của những từ này. Điều này đẩy con người vào sự mơ hồ, và vì thế gia tăng đức tin của họ khi họ tìm kiếm sự hiểu biết – vì đây là một yêu cầu cụ thể đặt ra cho dân của Đức Chúa Trời, và không có gì khác; do đó hết thảy mọi người đều thấy bản thân mình vô tình dành nhiều thời gian hơn suy ngẫm về những lời không thể hiểu thấu này. Kết quả là, nhiều ý tưởng khác nhau nảy sinh trong trí não của họ, những bông tuyết trôi ánh lên trước mắt họ, và những đám mây trôi trên bầu trời lập tức xuất hiện trong tâm trí họ. Tại sao Đức Chúa Trời yêu cầu dân của Ngài phải như tuyết trắng, và không được như những đám mây trôi? Ý nghĩa thật sự ở đây là gì? Những lời này ám chỉ cụ thể điều gì? “Tuyết trắng” không chỉ làm đẹp thiên nhiên mà còn tốt cho đất trồng; nó tốt cho việc diệt khuẩn. Sau một trận mưa tuyết lớn, tất cả vi khuẩn đều được bao phủ bởi tuyết trắng lấp lánh, và ngay lập tức, cả khu vực tràn đầy sức sống. Tương tự như vậy, dân của Đức Chúa Trời không những phải biết Đức Chúa Trời nhập thể, mà còn phải khép mình vào kỷ luật dựa trên sự thật về sự nhập thể của Đức Chúa Trời; làm như thế, họ sẽ sống bày tỏ ra nhân tính bình thường. Đây là cách tuyết trắng làm đẹp thiên nhiên; cuối cùng, sự trưởng thành của dân của Đức Chúa Trời sẽ mang lại sự kết thúc cho con rồng lớn sắc đỏ, thiết lập vương quốc của Đức Chúa Trời trên đất, rao truyền và làm vinh hiển danh thánh của Đức Chúa Trời hầu cho cả vương quốc trên đất được đầy dẫy sự công chính của Đức Chúa Trời, tỏa sáng với sự rực rỡ của Ngài, và lấp lánh với sự vinh hiển của Ngài. Khắp nơi sẽ có những cảnh bình an và thỏa lòng, hạnh phúc và thành tựu, và vẻ đẹp liên tục được đổi mới. Các bệnh dịch khác nhau hiện đang tồn tại – những tâm tính Sa-tan bại hoại như là bất chính, lươn lẹo và giả dối, những ham muốn xấu xa, v.v. – tất cả sẽ bị triệt tiêu, và như thế cả trời và đất sẽ được đổi mới. Đây là ý nghĩa đích thực của cụm từ “sau một trận mưa tuyết lớn”. Những ai như là đám mây trôi giống như loại người hùa theo bầy đàn mà Đức Chúa Trời đề cập; nếu có bất kỳ thử thách nào từ Sa-tan hay sự thử luyện nào từ Đức Chúa Trời, thì ngay lập tức họ sẽ trôi giạt đi, không còn tồn tại nữa. Ngay cả thực chất của họ cũng sẽ không tồn tại, mà đã tiêu biến từ lâu rồi. Nếu con người như những đám mây trôi, thì họ không những không có khả năng sống bày tỏ ra ảnh tượng của Đức Chúa Trời, mà còn làm ô danh Ngài, vì những người như thế có nguy cơ bị bắt đi bất cứ lúc nào hay bất cứ nơi nào; họ là thức ăn mà Sa-tan tiêu thụ – và khi Sa-tan bắt giữ họ, họ sẽ phản bội Đức Chúa Trời và phục vụ Sa-tan. Điều này rõ ràng làm ô danh Đức Chúa Trời, và là điều Đức Chúa Trời phẫn nộ nhất trong tất cả. Những người như thế là kẻ thù của Đức Chúa Trời. Do đó, họ không có cả thực chất của một con người bình thường lẫn bất kỳ giá trị thực tế nào. Chính vì điều này mà Đức Chúa Trời đưa ra những yêu cầu như thế đối với dân của Ngài. Tuy nhiên, sau khi hiểu được điều gì đó về những lời này, mọi người cảm thấy lúng túng không biết tiếp theo phải làm gì, bởi chủ đề về lời Đức Chúa Trời đã chuyển thành chính Đức Chúa Trời, điều đặt họ vào thế khó: “Bởi vì Ta đến từ vùng đất thánh, nên Ta không giống như hoa sen, thứ hữu danh vô thực, vì nó đến từ bùn lầy chứ không phải vùng đất thánh”. Tại sao Đức Chúa Trời miêu tả sự ra đời của chính Ngài sau khi phán về những yêu cầu của Ngài đối với dân của Ngài? Có thể nào có một mối liên hệ giữa hai điều này không? Thật vậy, có một mối liên hệ vốn có giữa chúng; nếu không, Đức Chúa Trời đã không phán với con người điều đó. Giữa những chiếc lá xanh, hoa sen đu đưa trong làn gió nhẹ. Nó trông thật đẹp mắt, và được trân trọng vô cùng. Con người chỉ đơn giản là không thể nào tận hưởng cho đủ, rất muốn nhảy xuống nước hái một hoa sen và nhìn nó kỹ hơn. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời phán rằng hoa sen đến từ bùn lầy, và hữu danh vô thực; dường như Đức Chúa Trời không xem trọng hoa sen, và lời Ngài cho thấy rõ rằng Ngài có một sự ghê tởm nhất định đối với chúng. Trong suốt các thời đại, nhiều người đã không tiếc lời ca ngợi hoa sen bởi vì chúng mọc lên từ chỗ ô uế mà không bị vấy bẩn, và dường như còn ngụ ý rằng không gì sánh bằng hoa sen và chúng tuyệt vời không thể tả. Dù vậy, trong mắt Đức Chúa Trời, hoa sen vô giá trị – đó chính là sự khác biệt giữa Đức Chúa Trời và con người. Do vậy, có thể thấy rằng sự khác biệt giữa Đức Chúa Trời và con người lớn như khoảng cách giữa vòm trời và tận đáy trái đất. Bởi vì hoa sen đến từ bùn lầy, nên tất cả những chất dinh dưỡng nó cần cũng đều đến từ đó. Chỉ đơn giản là hoa sen có thể ngụy trang, và do đó làm mãn nhãn con người. Nhiều người chỉ nhìn thấy bề ngoài đẹp đẽ của hoa sen, nhưng không ai thấy được đời sống che giấu bên trong thì bẩn thỉu và không tinh sạch. Do đó, Đức Chúa Trời phán rằng nó chỉ hữu danh vô thực – điều đó hoàn toàn đúng và chính xác. Chẳng phải đây chính xác là tình trạng của dân của Đức Chúa Trời ngày nay sao? Sự thuận phục và đức tin của họ vào Đức Chúa Trời chỉ là vẻ bề ngoài. Trước Đức Chúa Trời, họ nịnh hót và phô trương bản thân để làm cho Ngài hài lòng với họ; tuy nhiên bên trong, họ đầy dẫy tâm tính Sa-tan bại hoại, và bụng họ chứa đầy những thứ không tinh sạch. Đây là lý do tại sao Đức Chúa Trời đặt câu hỏi cho con người, hỏi rằng lòng trung thành của họ đối với Đức Chúa Trời có bị vấy bẩn bởi những điều không tinh sạch hay là nó tinh sạch và một lòng một dạ. Khi là những kẻ phục vụ, nhiều người đã lớn tiếng ngợi khen Đức Chúa Trời nhưng lại nguyền rủa Ngài trong lòng. Họ đã thuận phục Đức Chúa Trời bằng lời nói, nhưng trong lòng, họ phản nghịch Ngài. Miệng của họ đã thốt ra những lời tiêu cực, và họ chấp chứa sự chống đối Đức Chúa Trời trong lòng. Thậm chí có những người phối hợp các bộ điệu với nhau: Miệng họ thì phát ngôn tục tĩu còn tay họ thì múa lên, hoàn toàn phóng đãng, và biểu lộ sống động, như thật bộ mặt thật của con rồng lớn sắc đỏ. Những người như thế thực sự xứng đáng được gọi là dòng giống của con rồng lớn sắc đỏ. Thế mà ngày nay, họ đứng trong vị trí của những kẻ phục vụ trung thành và hành động như thể họ là dân trung thành của Đức Chúa Trời – thật là trơ trẽn! Dù vậy, điều này không có gì ngạc nhiên; họ đến từ vũng bùn, vì vậy họ không thể không bộc lộ bản chất thật của mình. Bởi vì Đức Chúa Trời là thánh khiết và tinh sạch, thật và thực tế, nên xác thịt của Ngài đến từ Thần. Điều này là chắc chắn và không thể bàn cãi. Không những có thể làm chứng cho chính Đức Chúa Trời, mà còn có thể hoàn toàn hiến thân mình để tuân theo ý chỉ của Đức Chúa Trời: những điều này chính là một mặt trong thực chất của Đức Chúa Trời. Việc xác thịt đến từ Thần với một ảnh tượng có nghĩa là xác thịt mà Thần mặc lấy về bản chất khác với xác thịt của con người, và sự khác biệt này chủ yếu nằm trong tâm linh của họ. Điều mà “Thần với một ảnh tượng” ám chỉ là cách thần tính, do đã được che phủ bởi nhân tính bình thường, có thể làm việc một cách bình thường từ bên trong. Điều này không có chút gì là siêu nhiên, và không bị hạn chế bởi nhân tính. “Ảnh tượng của Thần” ám chỉ thần tính hoàn toàn, và không bị hạn chế bởi nhân tính. Như vậy, tâm tính vốn có và ảnh tượng thật của Đức Chúa Trời có thể được sống trọn hoàn toàn trong xác thịt nhập thể, là xác thịt không những bình thường và ổn định, mà còn sở hữu sự oai nghi và cơn thạnh nộ. Xác thịt nhập thể đầu tiên chỉ có thể đại diện Đức Chúa Trời mà con người có thể mường tượng; nghĩa là, Ngài chỉ có thể làm các phép lạ, dấu kỳ và nói tiên tri. Do đó, Ngài đã không hoàn toàn sống bày tỏ ra thực tế của Đức Chúa Trời, và vì thế không phải là sự hiện thân của Thần với một ảnh tượng; Ngài chỉ là sự xuất hiện trực tiếp của thần tính. Hơn nữa, bởi vì Ngài đã vượt lên trên nhân tính bình thường, Ngài không được gọi là chính Đức Chúa Trời thực tế hoàn toàn, mà có một chút của Đức Chúa Trời mơ hồ ở trên trời trong Ngài; Ngài là Đức Chúa Trời của những quan niệm của con người. Đây là sự khác biệt cơ bản giữa hai xác thịt nhập thể.
Từ điểm cao nhất trong vũ trụ, Đức Chúa Trời dõi theo mọi động thái của nhân loại và tất cả những gì con người nói và làm. Thậm chí Ngài còn quan sát tất cả những ý nghĩ thầm kín nhất của họ với sự rõ ràng tuyệt đối, không bao giờ bỏ sót chúng; như thế, lời Ngài xuyên thấu lòng con người, đánh vào từng suy nghĩ của họ, và lời Ngài sắc sảo, không sai sót. “Mặc dù con người ‘biết’ Thần Ta, nhưng họ vẫn xúc phạm đến Thần Ta. Lời của Ta phơi bày những bộ mặt xấu xa của hết thảy mọi người, cũng như những suy nghĩ thầm kín nhất của họ và khiến cho hết thảy mọi người trên đất rơi vào giữa sự soi xét của Ta”. Từ đây thấy rõ rằng mặc dù những yêu cầu của Đức Chúa Trời đối với loài người không quá cao, nhưng con người vẫn không thể chịu được sự soi xét của Thần Đức Chúa Trời. “Tuy nhiên, dù rơi xuống, lòng của họ vẫn không dám lạc xa Ta. Trong số những loài thọ tạo, có ai không bắt đầu yêu mến Ta bởi vì những việc làm của Ta không?” Điều này thậm chí còn thể hiện rõ hơn toàn bộ sự khôn ngoan và toàn năng của Đức Chúa Trời, và vì thế, tỏ lộ mọi điều dân của Đức Chúa Trời suy nghĩ khi họ ở vị trí của những kẻ phục vụ: Sau một “thương vụ” kết thúc thất bại, thì “hàng trăm ngàn” hay “hàng triệu” trong đầu họ đã chẳng đi đến đâu. Tuy nhiên, bởi vì các sắc lệnh quản trị của Đức Chúa Trời và bởi vì sự oai nghi và cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời – mặc dù họ gục đầu trong đau buồn – họ vẫn phục vụ Đức Chúa Trời với một tư duy tiêu cực, và tất cả những sự thực hành của họ trong quá khứ chỉ trở thành lời nói suông và hoàn toàn bị lãng quên. Thay vào đó, để bản thân được giải trí, để cho qua hoặc giết thời gian, họ đã làm mọi thứ tùy thích để làm cho mình và mọi người khác vui vẻ. … Đây là những gì thực sự đang diễn ra giữa con người. Do đó, Đức Chúa Trời mở lòng với nhân loại và phán rằng: “Có ai không khao khát Ta bởi vì lời Ta không? Có ai không nảy sinh những tình cảm gắn bó bởi vì tình yêu của Ta không?” Thành thật mà nói, hết thảy con người đều sẵn lòng chấp nhận lời Đức Chúa Trời, và không một ai trong số họ không thích đọc lời Đức Chúa Trời; chỉ là họ không thể đưa lời Đức Chúa Trời vào thực hành, vì họ bị bản tính của mình ngăn trở. Sau khi đọc lời Đức Chúa Trời, nhiều người không thể chịu được việc rời xa chúng, và tình yêu dành cho Đức Chúa Trời nảy sinh trong họ. Do đó, Đức Chúa Trời một lần nữa nguyền rủa Sa-tan, một lần nữa phơi bày bộ mặt xấu xí của nó. “Thời đại mà Sa-tan lộng hành và bạo ngược điên cuồng này” cũng chính là thời đại Đức Chúa Trời khởi đầu công tác vĩ đại chính thức của Ngài trên đất. Tiếp theo, Ngài bắt đầu công tác hủy diệt thế giới. Nói cách khác, Sa-tan càng lộng hành, thì ngày của Đức Chúa Trời càng đến sớm. Do đó, Đức Chúa Trời càng phán về sự làm càn của Sa-tan, thì ngày Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt thế giới càng đến gần. Đây là lời tuyên bố của Đức Chúa Trời đối với Sa-tan.
Tại sao Đức Chúa Trời liên tục phán rằng: “…ngoài ra, sau lưng Ta, họ còn thực hiện những giao dịch bẩn thỉu ‘đáng khen’. Ngươi nghĩ rằng xác thịt mà Ta mặc cho mình, không biết gì về những hành động của ngươi, hành vi của ngươi và lời nói của ngươi sao?” Ngài đã phán những lời này không chỉ một hoặc hai lần. Tại sao vậy? Một khi mọi người đã được Đức Chúa Trời an ủi, và nhận thức được nỗi đau buồn của Đức Chúa Trời vì nhân loại, thì họ trở nên dễ dàng quên đi quá khứ khi họ phấn đấu tiến lên. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không khoan nhượng chút nào đối với con người: Ngài tiếp tục nhắm vào những tư tưởng của họ. Do đó, Ngài hết lần này đến lần khác bảo mọi người phải biết chính mình, chấm dứt sự trác táng của họ, để không còn tham gia vào những giao dịch bẩn thỉu đáng khen như thế, và để không bao giờ lừa gạt Đức Chúa Trời trong xác thịt lần nữa. Mặc dù bản tính của mọi người không thay đổi, nhưng nhắc nhở họ một vài lần là việc có lợi. Sau đó, Đức Chúa Trời phán từ góc độ của con người để tiết lộ những bí ẩn trong họ: “Nhiều năm qua, Ta đã chịu đựng gió mưa, và vì thế Ta cũng đã nếm trải sự cay đắng của thế giới loài người; tuy nhiên, suy ngẫm kỹ hơn thì dù đau khổ đến mức nào thì cũng không thể làm cho con người xác thịt mất hy vọng vào Ta, càng không có bất kỳ sự ngọt ngào nào có thể khiến con người xác thịt trở nên lạnh lùng, chán nản hay khinh khi đối với Ta. Phải chăng tình yêu của họ dành cho Ta thực sự chỉ giới hạn ở việc không có đau thương mà cũng không có ngọt ngào?” “Mọi thứ trên đời đều trống rỗng” – những lời này thực sự có hàm ý. Do đó, Đức Chúa Trời đang phán rằng không gì có thể khiến con người mất hy vọng vào Ngài hoặc trở nên lạnh nhạt đối với Ngài. Nếu con người không yêu mến Đức Chúa Trời, thì họ cũng có thể chết; nếu họ không yêu mến Đức Chúa Trời, thì đau khổ của họ là vô ích và niềm hạnh phúc họ hưởng là trống rỗng, và được thêm vào tội lỗi của họ. Bởi vì không một con người nào thực sự yêu mến Đức Chúa Trời, nên Ngài phán: “Phải chăng tình yêu của họ dành cho Ta thực sự chỉ giới hạn ở việc không có đau thương mà cũng không có ngọt ngào?” Trong thế giới loài người, làm sao bất kỳ ai có thể tồn tại mà không có đau khổ hay ngọt ngào? Hết lần này đến lần khác, Đức Chúa Trời phán: “Không một người nào từng thực sự nhìn thấy diện mạo của Ta, hay thực sự nghe giọng nói của Ta, bởi vì con người không thực sự biết Ta”. Đức Chúa Trời phán rằng con người không thực sự biết Ngài, nhưng tại sao Ngài lại yêu cầu con người phải biết đến Ngài? Chẳng phải đây là một sự mâu thuẫn sao? Mỗi một lời của Đức Chúa Trời đều có mục đích nhất định. Bởi vì con người đã trở nên tê liệt, nên Đức Chúa Trời áp dụng nguyên tắc thực hiện 100% công tác của Ngài qua con người để cuối cùng có được 0,1% tấm lòng của từng người họ. Đó là phương pháp làm việc của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời phải hành động như thế để đạt những mục đích của Ngài. Đây cũng chính là sự khôn ngoan trong lời Đức Chúa Trời. Các ngươi đã nắm bắt được điều này chưa?
Đức Chúa Trời phán: “Khi Ta trực tiếp tỏ lộ những lẽ mầu nhiệm của Ta và hiển lộ tâm ý của Ta trong xác thịt, các ngươi không chú ý; các ngươi lắng nghe những âm thanh nhưng không hiểu ý nghĩa của chúng. Ta vô cùng buồn bã. Mặc dù Ta ở trong xác thịt, nhưng Ta không thể thực hiện công tác trong chức vụ của xác thịt”. Một mặt, những lời này làm cho mọi người bởi sự tê liệt của mình mà chủ động hợp tác với Đức Chúa Trời; mặt khác, Đức Chúa Trời tỏ lộ mặt thật của thần tính Ngài trong xác thịt nhập thể. Bởi vì con người quá nhỏ bé về vóc giạc, sự tỏ lộ về thần tính trong thời gian Đức Chúa Trời ở trong xác thịt chỉ đến theo khả năng chấp nhận của họ. Trong bước công tác này, hầu hết mọi người vẫn không có khả năng chấp nhận điều đó hoàn toàn, đủ cho thấy họ không có khả năng tiếp thu như thế nào. Do đó, trong công tác này, thần tính không thực hiện toàn bộ chức năng ban đầu của nó; nó chỉ thực hiện một phần nhỏ trong đó. Điều này cho thấy rằng trong công tác tương lai, thần tính sẽ dần dần được tỏ lộ theo tình trạng phục hồi của nhân loại. Tuy nhiên, thần tính không phát triển dần dần; mà thay vào đó là những gì Đức Chúa Trời nhập thể sở hữu về bản chất, và không giống như vóc giạc của con người.
Có một mục đích và ý nghĩa trong việc Đức Chúa Trời tạo ra con người, đó là lý do tại sao Ngài đã phán: “Nếu toàn thể nhân loại đều bị hủy diệt bởi cơn thạnh nộ của Ta, thì sự sáng tạo ra trời và đất của Ta sẽ có ý nghĩa gì?” Sau khi con người bị bại hoại, Đức Chúa Trời đã lên kế hoạch để thu phục một phần trong số họ vì sự vui hưởng của Ngài; chứ không phải là để hết thảy con người sẽ bị hủy diệt hay bị xóa sổ vì một vi phạm nhỏ nhất các sắc lệnh quản trị của Đức Chúa Trời. Đó không phải là tâm ý của Đức Chúa Trời; như Đức Chúa Trời đã phán, đó sẽ là điều vô nghĩa. Chính vì “sự vô nghĩa” này mà sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời được hiển lộ. Chẳng phải còn có ý nghĩa lớn lao hơn trong việc Đức Chúa Trời phán dạy và làm việc thông qua nhiều phương tiện để hành phạt, phán xét và đánh vào hết thảy mọi người, cuối cùng chỉ chọn ra những ai thực sự yêu mến Ngài sao? Chính theo cách này mà những việc làm của Đức Chúa Trời được tỏ lộ, và vì thế, việc tạo ra con người càng trở nên ý nghĩa hơn. Do đó, phần lớn lời Đức Chúa Trời được phán ra chỉ đơn giản là trôi qua họ; điều này là để đạt được một mục đích, và điều này chính xác là sự thực tế trong một phần của lời Ngài.