64. Sự thức tỉnh của một lãnh đạo giả
Năm 2019, tôi bắt đầu thực hiện bổn phận lãnh đạo, tôi biết đây là sự cất nhắc của Đức Chúa Trời, nên tôi đã thề với lòng sẽ thực hiện thật tốt bổn phận. Sau đó, ngày nào tôi cũng bận rộn với các cuộc họp, giải quyết khó khăn mà các anh chị em gặp phải trong bổn phận, giám sát tiến độ công tác, và tôi cảm thấy rất mãn nguyện. Sau một thời gian, vì những công tác quản lý, nên khối lượng công việc của tôi tăng lên, ngày nào tôi cũng làm việc tới tận khuya, và cảm thấy hơi bận bịu. Tôi nghĩ, “Lo liệu cho toàn bộ công tác thực sự hơi quá sức và mệt mỏi. Ngày nào đầu óc cũng căng thẳng. Không đơn giản như thực hiện bổn phận riêng”. Sau đó, tôi tham dự một buổi họp nhóm với sự có mặt của chị Triệu. Tôi nghĩ, “Trước đây, mình là cộng sự của chị Triệu, chị ấy rất có trách nhiệm trong bổn phận, tích cực tìm kiếm lẽ thật để giải quyết khó khăn gặp phải. Chị ấy giám sát công tác trong nhóm này, nên mình đỡ phải lo nghĩ nhiều”. Sau đó, tôi ít khi họp với nhóm của họ. Một đêm nọ, một số anh chị em viết thư báo rằng công tác nhóm của chị Triệu có một số vấn đề và khuyết điểm và họ nhờ tôi nhanh chóng giải quyết vấn đề. Tôi định tìm lời Đức Chúa Trời trước rồi tìm giải pháp, nhưng tôi có quá nhiều vấn đề cần xử lý vốn không thể xong ngay được. Tôi nghĩ, “Muộn lắm rồi, mà mình thì mệt quá. Mình không làm nổi nữa. Hơn nữa, mình đã viết thư cho chị Triệu về những vấn đề và khuyết điểm của chị ấy, chị ấy rất có trách nhiệm, nên sẽ chủ động thông công và giải quyết chúng, mình sẽ không cần phải làm việc đó. Nếu mình tự làm tất cả mọi việc thì làm sao xong hết nổi? Mình sẽ chỉ thông công với chị ấy về việc này trong buổi họp”. Sau đó, khi tôi tìm hiểu sự việc, thì chị Triệu đã thông công với nhóm rồi, và mọi người đã có thể đề xuất con đường thực hành cho những vấn đề đó, như vậy khiến tôi đỡ phải lo lắng về việc chị Triệu dẫn dắt nhóm đó. Sau đó, tôi chẳng mấy khi hỏi về công tác của nhóm đó.
Một thời gian trôi qua, tôi đến họp với nhóm của chị Triệu, và tôi phát hiện ra thông công của chị Triệu rất vòng vo, chị ấy cứ phát biểu dài lê thê mà không đi vào trọng tâm. Tôi tự nhủ: “Chị ấy đang ở trong tình trạng xấu sao? Sao chị ấy lại phát biểu rời rạc thế nhỉ?” Nhưng rồi tôi lại nghĩ: “Có lẽ chị ấy lo lắng vì có mình ở đây. Chị ấy cần chút thời gian để điều chỉnh. Giờ mình còn việc khác phải làm”. Nên tôi ra về mà không thông công với chị ấy. Sau đó, tôi phát hiện công tác của nhóm đó kém hiệu quả. Tôi nghĩ: “Trong nhóm này có vấn đề sao?” Nhưng sau đó tôi lại nghĩ, “Họ mới thông công về những vấn đề và khuyết điểm trong bổn phận, ai cũng có vẻ sẵn sàng hối cải, chưa có thành quả cũng là bình thường”. Nhìn nhận như thế rồi, tôi không còn nghĩ nhiều về nó nữa. Sau đó, chị Vương bảo tôi rằng chị Triệu ham mê địa vị, không hợp tác với người khác, không phù hợp làm trưởng nhóm. Tôi nghĩ, “Chị Triệu có hơi chú trọng địa vị, nhưng chị ấy rất có trách nhiệm. Nếu chị ấy không hợp tác với người khác, chắc hẳn là vì chị ấy đang ở trong tình trạng xấu và bị tâm tính bại hoại khống chế. Chị ấy chỉ cần thời gian để tự điều chỉnh”. Nghĩ như thế, tôi nói với chị Vương, “Chị Triệu có trách nhiệm trong bổn phận, và chị ấy vẫn có khả năng làm trưởng nhóm. Nếu chị ấy bộc lộ sự bại hoại, chúng ta có thể giúp chị ấy, và phơi bày chị ấy nếu có vấn đề. Hôm nay tôi bận nên không có thời gian, nhưng tôi sẽ thông công với chị ấy sau”. Chị Vương nghe tôi nói thế thì không nói thêm gì nữa. Sau đó, quá bận bịu làm công việc khác, tôi quên mất không thông công với chị Triệu. Một đêm nọ, tôi bỗng nhớ ra: “Không biết tình trạng chị Triệu thế nào rồi. Có nên đi gặp chị ấy không?” Nhưng rồi tôi nghĩ, “Chị ấy có tố chất tốt, trước đây khi rơi vào tình trạng xấu, chị ấy đã mau chóng tìm kiếm lẽ thật và tự mình giải quyết. Lần này chị ấy cũng sẽ có thể tự điều chỉnh. Hơn nữa, chỗ chị ấy sống rất xa, nếu mình lặn lội tới đó, chưa nói đến vất vả, lỡ chị ấy không có nhà, chẳng phải chuyến đi thành vô ích hay sao? Thôi bỏ đi, xong tháng này rồi làm cũng được”. Nào ngờ, tôi hoàn toàn chết lặng khi kiểm tra công tác của họ vào cuối tháng. Có quá nhiều vấn đề và khuyết điểm trong công tác của chị Triệu, và công tác của chị ấy ngày càng kém hiệu quả. Các anh chị em mà chị ấy phụ trách đều ở trong tình trạng tiêu cực, và công tác của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi đó tôi mới nhận ra sự việc rất nghiêm trọng. Nên tôi vội vàng tới gặp chị Triệu để thông công và chỉ ra những vấn đề của chị ấy, nhưng chị ấy không chịu tiếp nhận, lại còn viện cớ và tranh cãi, không hề hiểu bản thân. Sau khi thảo luận với các cộng sự của tôi về chị ấy, chúng tôi quyết định chị Triệu không làm trưởng nhóm được nữa, và cuối cùng tước bổn phận của chị ấy. Sau đó, các anh chị em đã báo cáo rằng chị Triệu đố kỵ, xao lãng bổn phận, và hay gây bất hòa, khiến một chị cảm thấy bị chị ấy kìm kẹp, trở nên chán nản và muốn từ bỏ bổn phận. Chị Vương đã báo cáo tình hình của chị ấy, nhưng bị chèn ép và bác bỏ. Các chị em khác cũng cảm thấy bị chị ấy kìm kẹp, bổn phận của họ bị ảnh hưởng, khiến công tác bị cản trở mất mấy tháng. Sau khi chị Triệu bị thay thế, chị ấy có hiểu được bản thân không? Chị ấy không những không ăn năn, mà còn trả đũa người khác. Sau khi bị phơi bày và mổ xẻ, chị ấy vẫn không hiểu hay hối hận về những việc ác của mình. Sau đó, vì tôi không thực hiện công tác thực tế, xao lãng bổn phận, không thay thế chị Triệu kịp thời, gây tổn hại nghiêm trọng công tác của hội thánh, nên tôi cũng bị thay thế. Lúc đó, tôi cảm thấy rất khổ sở. Chỉ khi đó tôi mới bắt đầu suy ngẫm lý do tại sao chị Triệu lại gây những mối bất hòa đố kỵ lâu như vậy và quấy phá nghiêm trọng công tác của hội thánh, mà tôi lại bỏ qua, không nhận ra. Tôi chỉ có nhận thức nông cạn rằng mình không thực hiện công tác thực tế và không thể phân định người khác, mà không chú tâm vào việc hiểu và phân tích tâm tính bại hoại của mình.
Trong một buổi họp, tôi đọc được những lời Đức Chúa Trời vạch trần những lãnh đạo giả không thực hiện công tác thực tế và cuối cùng tôi cũng hiểu ra. Lời Đức Chúa Trời phán, “Các lãnh đạo giả không bao giờ tự cập nhật hay theo dõi tình hình thực của các giám sát nhóm, họ cũng không cập nhật, theo dõi hay nỗ lực nắm bắt tình hình liên quan đến lối vào sự sống, cũng như thái độ đối với công việc và bổn phận cùng nhiều thái độ khác nhau đối với Đức Chúa Trời và niềm tin nơi Đức Chúa Trời, về các giám sát nhóm và nhân sự phụ trách công việc quan trọng; các lãnh đạo giả không tự cập nhật về những sự biến cải, tiến bộ của họ, hay những vấn đề khác nhau nảy sinh trong công việc của họ, đặc biệt là khi nói đến hiệu quả trong công tác của hội thánh và tác động lên những người được Đức Chúa Trời chọn, về những sai phạm và sai lệch đã xảy ra trong nhiều giai đoạn khác nhau của công việc. Nếu không thể hiểu chính xác các tình huống như vậy thì họ không thể giải quyết chúng kịp thời – và nếu họ không thể giải quyết chúng kịp thời thì họ sẽ không thể sửa chữa kịp thời tác động tiêu cực và thiệt hại mà các giám sát của nhiều nhóm khác nhau đã gây ra cho công tác. Do đó, về mặt này, các lãnh đạo giả chưa thực hiện trách nhiệm của mình. Không thực hiện trách nhiệm của mình là xao lãng bổn phận; họ không thực hiện vai trò của mình là giám sát những người khác, tìm hiểu thêm về họ, nắm bắt tình hình một cách đầy đủ và theo dõi họ”. “Lãnh đạo giả: loại người này có phải là người ngu ngốc không? Họ ngu ngốc và khờ khạo. Điều gì khiến họ ngu ngốc? Họ vô tư đặt niềm tin vào người ta, tin rằng vì khi họ chọn người này, người này đã thề nguyện, và đã cam kết, đã mặt mày giàn giụa nước mắt mà cầu nguyện, thì không thể có bất cứ chuyện gì bất ổn nghiêm trọng với người này, và sẽ không bao giờ có bất kỳ vấn đề gì với người này trong tương lai. Những lãnh đạo giả không hiểu biết gì về bản tính của con người; họ không hiểu tâm tính bại hoại là gì. Họ nói: ‘Làm thế nào mà một người nào đó có thể thay đổi khi đã được chọn làm giám sát? Làm thế nào mà một người có vẻ rất nghiêm túc và đáng tin cậy lại trốn tránh công việc của mình chứ? Họ sẽ không như vậy, phải không? Họ có đầy nhân cách’. Bởi vì lãnh đạo giả có những sự tưởng tượng như vậy, và quá tin tưởng vào trực giác của riêng họ, điều này cuối cùng khiến họ không có khả năng kiểm soát được nhiều vấn đề nảy sinh ở người giám sát, và không thể kịp thời thay thế cũng như phân bổ lại. Đây là một vấn đề với các lãnh đạo giả, phải không? (Phải). Và chính xác thì vấn đề ở đây là gì? Phương pháp tiếp cận công việc của lãnh đạo giả có liên quan gì đến sự biếng nhác không? Thứ nhất là, họ nghĩ rằng đó không phải là môi trường thích hợp cho họ, rằng họ không tiện đến đó, và vì vậy vô tư cử một người giám sát thay mình, tự nhủ rằng: ‘Vấn đề đã được khắc phục, mình không cần để tâm đến nó nữa. Sự bức hại của con rồng lớn sắc đỏ ngày càng trở nên tồi tệ hơn – quá nguy hiểm nếu mình cứ tiếp tục đến đó. Hơn nữa, thật khó để đến được đó. Tốt hơn hết là mình nên tránh rắc rối nếu có thể’. Đây có phải là sự biếng nhác không? (Phải). Đó là sự biếng nhác; đó là lòng tham đối với sự an nhàn về thể chất. Họ cũng có một thiếu sót lớn: họ nhanh chóng tin người dựa trên những sự tưởng tượng của riêng họ. Và điều này là do không hiểu lẽ thật, không phải sao? Đây có phải là cách mà lời của Đức Chúa Trời đánh giá mỗi người không? Tại sao ngươi nên tin người trong khi Đức Chúa Trời thì không tin họ? Thay vì phán xét con người qua vẻ bề ngoài, Đức Chúa Trời liên tục quan sát lòng họ – vậy tại sao con người lại tùy tiện như vậy khi đánh giá người khác và đặt niềm tin vào họ? Những lãnh đạo giả quá tự phụ, không phải sao? Họ nghĩ là: ‘Mình đã không sai khi phát hiện ra người này. Không gì có thể trở nên tồi tệ cả; họ chắc chắn không phải là người hay gây rối, thích vui vẻ và ghét công việc nặng nhọc. Họ tuyệt đối có thể cậy dựa và đáng tin. Họ sẽ không thay đổi; nếu họ có như vậy, thì điều đó có nghĩa là mình đã sai về họ, phải không?’. Đây là loại lôgic gì vậy? Ngươi có phải là một dạng chuyên gia không? Đây có phải là kỹ năng đặc biệt của ngươi không? Ngươi có thị lực xuyên thấu không? Ngươi có thể sống với người này trong một hoặc hai năm, nhưng liệu ngươi có thể nhìn thấy họ thực sự là ai nếu không có một môi trường thích hợp để bóc trần hoàn toàn bản tính và bản chất của họ không? Nếu họ không bị Đức Chúa Trời vạch trần, ngươi có thể sống bên cạnh họ trong ba, hay thậm chí năm năm, và vẫn sẽ khó mà thấy được chính xác họ có dạng bản tính và bản chất gì. Và điều đó còn đúng hơn đến mức nào nữa khi ngươi hiếm khi nhìn thấy họ, hiếm khi ở bên họ? Ngươi đánh giá họ dựa trên một ấn tượng thoáng qua hay một vài lời nói từ họ, ngươi quá tùy tiện trong việc tin tưởng ai. Về việc này, chẳng phải ngươi cực kỳ mù quáng và bốc đồng sao? Và khi làm việc như vậy thì chẳng phải các lãnh đạo giả cực kỳ vô trách nhiệm sao?” (“Nhận diện các lãnh đạo giả (3)” trong Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt). Đức Chúa Trời đã vạch trần các lãnh đạo giả ham muốn sự an nhàn, vô trách nhiệm trong bổn phận. Khi tìm được người phụ trách, họ sẵn sàng tin tưởng những người này theo quan điểm và quan niệm của mình. Họ không theo dõi, giám sát công tác, và không muốn trả giá để kiểm tra công tác. Họ cố tránh rắc rối bất cứ khi nào có thể. Kết quả là gây tổn hại nghiêm trọng đến công tác của hội thánh. Thấy Đức Chúa Trời vạch trần rất nhiều biểu hiện của những lãnh đạo giả không làm công tác thực tế, tôi cảm giác như thể Đức Chúa Trời đang trực tiếp phơi bày tôi. Thực sự rất khó chịu và tôi cảm thấy tội lỗi. Là một lãnh đạo, tôi đã rất vô trách nhiệm. Để khỏi phải lo lắng và chịu đau khổ xác thịt, tôi đã giở trò và không theo dõi công tác. Tôi chỉ dựa vào ấn tượng nhất thời của mình về chị Triệu, nghĩ chị ấy có trách nhiệm trong bổn phận và là một trưởng nhóm có năng lực, nên tôi đã chọn cách không can thiệp, không giám sát công tác của chị ấy. Khi thấy công tác của chị ấy có vấn đề, và tôi phải chịu khổ và trả giá mới giải quyết được, tôi đã không thực hiện công tác thực tế, viện cớ rằng mọi người vẫn chưa hiểu rõ. Khi người khác báo cáo rằng chị ấy có vấn đề và không phải phù hợp làm nhóm trưởng, tôi vẫn dựa vào quan niệm và tưởng tượng của mình mà cho rằng đó là sự bại hoại nhất thời và sẽ không ảnh hưởng bổn phận chị ấy. Tôi trì hoãn việc giải quyết vấn đề của chị Triệu hết lần này đến lần khác, mãi đến khi công tác của nhóm đó bị tê liệt và lối vào sự sống của các anh chị em bị tổn hại nặng nề. Tôi đã quá ngu muội và vô trách nhiệm. Tôi là một lãnh đạo giả ham muốn sự an nhàn mà không thực hiện công tác thực tế. Thực tế là các lãnh đạo và đồng sự mà hội thánh bầu chọn, kể cả tôi, chưa được hoàn thiện, chúng tôi có rất nhiều tâm tính bại hoại, và chúng tôi có thể quấy phá và quấy nhiễu trong bổn phận bất cứ lúc nào. Kể cả khi chúng tôi có vẻ như có một số hành vi tốt, nhưng như thế không có nghĩa chúng tôi đủ tư cách. Chúng tôi không hiểu lẽ thật, nên chỉ có thể thấy được bề ngoài của mọi người, không thể thấy rõ thực chất của họ, nên cần có trách nhiệm thường xuyên theo dõi và giám sát công tác của người khác. Tôi không hiểu lẽ thật mà lại tự tin một cách mù quáng, kết quả là đã gây ra tổn hại rất lớn cho công tác của hội thánh, tôi đã vi phạm ngay trước mặt Đức Chúa Trời. Nhận ra việc này, tôi cảm thấy vô cùng hối hận. Nếu khi chị Vương nhắc tôi, mà tôi không quá tự cho mình công chính, lười nhác, hay ham muốn sự an nhàn, mà kịp thời tìm hiểu, phát hiện và giải quyết vấn đề, tước bổn phận chị Triệu, tôi đã không khiến công tác của hội thánh bị trì hoãn đến thế. Không những tôi không giúp ích cho công tác của hội thánh trong bổn phận, mà còn cư xử như kẻ đồng lõa của Sa-tan và bao che cho các lãnh đạo và đồng sự giả. Càng nghĩ tôi càng thấy khổ sở. Tôi nhớ đến việc khi Đức Chúa Trời nhập thể công tác, Ngài đã đi đến mọi hội thánh, thực sự chịu khổ và trả giá. Đáp lại toàn bộ sự bại hoại và khuyết điểm của chúng ta, Đức Chúa Trời thông công lẽ thật không quản mệt nhọc, khích lệ và giúp đỡ chúng ta, Ngài nỗ lực hết sức mình để hoàn toàn cứu rỗi chúng ta khỏi quyền lực của Sa-tan. Còn tôi là một loài thọ tạo không hiểu lẽ thật, không nhìn rõ mọi việc, nhưng tôi lại không muốn chịu khổ hay trả giá trong bổn phận, không kịp thời giải quyết vấn đề khi phát hiện ra, và đã gây tổn hại nặng nề đến công tác của chúng tôi. Thực hiện bổn phận như thế này thật khiến Đức Chúa Trời ghê tởm và căm ghét! Khi nhận ra những điều này, tôi thầm cầu nguyện Đức Chúa Trời, “Lạy Đức Chúa Trời, con đã sai. Con muốn phản tỉnh và ăn năn với Ngài. Xin hãy bao dung với con”.
Lúc đó, tôi đọc được hai đoạn lời Đức Chúa Trời vạch trần các lãnh đạo giả. “Rất nhiều công việc bị đình trệ đơn giản là vì những lãnh đạo giả đã không kiểm tra mọi việc, không để mắt đến chúng, không giải quyết bất kỳ vấn đề nào; đơn giản bởi vì họ đã tắc trách nghiêm trọng trong bổn phận của mình. Tất nhiên, điều này cũng là do những lãnh đạo giả này không nghiêm túc với trách nhiệm của họ. Họ miệt mài với những lợi lộc của địa vị và thích hô hào khẩu hiệu, họ không muốn bản thân tham gia vào công việc thực tế, điều mà thường dẫn đến vô số vấn đề với các nhiệm vụ cụ thể, và có nghĩa là những vấn đề này mất nhiều thời gian để giải quyết; thường chẳng có ai đến hỏi han hay cố gắng chấn chỉnh những sai lệch sau khi công việc phát sinh đã lâu; cũng vậy, thường có những sơ suất lớn trong công việc, những sơ suất mà ngay cả một tên ngốc cũng có thể nhìn thấy, nhưng những lãnh đạo giả lại mù tịt và không thể nhận thức được; lẽ dĩ nhiên, việc khắc phục những vấn đề này là không thể. Khi những vấn đề trong công việc không được khắc phục, khi những sai lệch không được chấn chỉnh và những sơ suất không được giải quyết kịp thời, thì hiệu quả công việc sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Công việc chỉ đơn thuần là đang được tiến hành – nhưng nó có tác dụng gì trong việc chứng thực cho Đức Chúa Trời? Nó có lợi cho mọi người khi họ nhìn thấy nó không, nó có để lại ấn tượng nơi họ không? Nó có truyền cảm hứng cho họ để tìm hiểu con đường thật không? Không. Nó không có bất kỳ tác dụng nào trong số này, và điều này đơn thuần là do lãnh đạo giả tắc trách trong bổn phận của họ và phạm quá nhiều sai lầm. Và vì thế, trong khi thực hiện nhiều hạng mục khác nhau của công việc, thật sự có nhiều vấn đề, những sự sai lệch, và sơ suất mà các lãnh đạo giả phải giải quyết, chấn chỉnh và khắc phục – nhưng, bởi vì họ không có ý thức trọng trách, bởi vì họ chỉ có thể đóng vai trò của một quan chức chính phủ và không làm công việc thật, kết quả là họ gây ra một mớ hỗn độn tai hại, đến nỗi một số nhóm thậm chí mất đoàn kết, và các thành viên trong nhóm ngầm phá hoại nhau, trở nên ngờ vực và cảnh giác với nhau, và thậm chí còn cảnh giác với nhà Đức Chúa Trời. Khi các lãnh đạo giả đối mặt với tình huống này, họ không thực hiện bất kỳ công việc cụ thể nào” (“Nhận diện các lãnh đạo giả (4)” trong Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt). “Nhìn bề ngoài, những lãnh đạo giả này không cố ý làm điều ác như những kẻ địch lại Đấng Christ, không cố tình thiết lập thái ấp của riêng họ và đi theo con đường riêng của họ. Nhưng trong phạm vi công việc của họ, các lãnh đạo giả không thể nhanh chóng giải quyết các vấn đề khác nhau do những người giám sát gây ra, họ không thể bổ nhiệm lại và thay thế kịp thời những người giám sát không đạt tiêu chuẩn, và điều này gây thiệt hại nghiêm trọng cho công việc của hội thánh, và tất cả đều do tính cẩu thả của các lãnh đạo giả” (“Nhận diện các lãnh đạo giả (3)” trong Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt). Tôi đã thấy cách Đức Chúa Trời vạch trần sự cẩu thả của các lãnh đạo giả, cách họ không theo dõi hay kiểm tra công tác, họ không giám sát và kiểm soát những người phụ trách ra sao, và kết quả là, nhiều vấn đề trong công tác không được giải quyết, và công tác của nhà Đức Chúa Trời bị tổn hại nghiêm trọng. Tôi đã kiểm điểm hành động của mình. Tôi ham muốn sự an nhàn, sao lãng bổn phận, vô trách nhiệm, tôi đã tin tưởng chị Triệu dựa vào quan niệm của mình và không giám sát hay theo dõi công tác của chị ấy. Khi người khác báo cáo vấn đề của chị ấy, tôi không hề đếm xỉa đến, không giải quyết vấn đề hay kịp thời tước bổn phận của chị ấy, để mặc chị ấy gây mối bất hòa đố kỵ quá lâu, quấy phá và quấy nhiễu nhóm đó, và không đóng góp vai trò tích cực, khiến công tác của nhóm đó kém hiệu quả nhiều tháng và trì hoãn tiến độ nghiêm trọng. Khi các anh chị em khuyên nhủ, chị ấy chèn ép, bài xích, và áp bức họ một thời gian dài, khiến nhóm đó cảm thấy bị kìm kẹp và không có động lực trong bổn phận, nhưng tôi chẳng hề hay biết, và nghĩ chị ấy đang làm tốt. Nhà Đức Chúa Trời đã sắp xếp cho tôi thực hiện bổn phận lãnh đạo, không những tôi không có trách nhiệm, mà khi có nhiều vấn đề với công tác hội thánh, tôi lại mù quáng, không thể nhìn ra, và giải quyết chúng kịp thời, khiến cho công tác của hội thánh và lối vào sự sống của các anh chị em bị tổn hại nặng nề. Tôi đã quá lơ là trong bổn phận của mình! Dù tôi không cố ý hành ác như một kẻ địch lại Đấng Christ để quấy nhiễu công tác của nhà Đức Chúa Trời, nhưng sự lơ là bổn phận của tôi cũng đã gây tổn hại nặng nề đến công tác của hội thánh. Tôi căm ghét bản thân vì đã quá ngu ngốc, mù quáng và vô trách nhiệm, tôi đã vi phạm ngay trước mặt Đức Chúa Trời. Tôi thấy rất buồn và tội lỗi, cảm thấy mình mắc nợ Đức Chúa Trời và các anh chị em.
Sau đó, tôi đã phản tỉnh. Tại sao tôi luôn chỉ quan tâm đến xác thịt, giở đủ mọi thủ đoạn và mánh khóe trong bổn phận? Rồi tôi đọc được một đoạn lời Đức Chúa Trời rất có ích cho tôi. Lời Đức Chúa Trời phán, “Độc tố của Sa-tan là gì – nó có thể được thể hiện ra như thế nào? Ví dụ, nếu ngươi hỏi: ‘Người ta nên sống thế nào? Người ta nên sống vì điều gì?’ thì người ta sẽ trả lời: ‘Người không vì mình, trời tru đất diệt’. Chỉ một câu nói này đã thể hiện chính gốc rễ của vấn đề. Triết lý này của Sa-tan đã trở thành cuộc sống của con người. Bất kể người ta theo đuổi điều gì thì họ cũng chỉ vì bản thân họ và do đó họ sống chỉ cho bản thân họ. ‘Người không vì mình, trời tru đất diệt’ – đây là cuộc sống và triết lý của con người, và chúng cũng đại diện cho bản tính của con người. Những lời này đã trở thành bản tính của nhân loại bại hoại, chân dung thật của bản tính Sa-tan của nhân loại bại hoại, và bản tính Sa-tan này đã trở thành nền tảng tồn tại của nhân loại bại hoại; trong hàng ngàn năm qua, nhân loại bại hoại đã sống theo độc tố này của Sa-tan, mãi cho đến tận ngày nay. Mọi việc Sa-tan làm đều là vì ham muốn, tham vọng và mục đích của chính nó; nó mong muốn vượt qua Đức Chúa Trời, thoát khỏi Đức Chúa Trời, và chiếm quyền kiểm soát muôn vật do Đức Chúa Trời tạo dựng. Ngày nay, con người đã bị Sa-tan làm cho bại hoại tới mức như vậy: Tất cả bọn họ đều có bản tính Sa-tan, tất cả đều cố chối bỏ và chống đối Đức Chúa Trời, họ muốn tự kiểm soát số phận của mình và cố chống đối sự sắp đặt và dàn xếp của Đức Chúa Trời, tham vọng và ham muốn của họ giống hệt của Sa-tan. Do đó, bản tính của con người là bản tính của Sa-tan” (“Làm thế nào để đi con đường của Phi-e-rơ” trong Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt). Tôi nghiền ngẫm lời Đức Chúa Trời và cuối cùng nhận ra rằng tôi lười nhác, vô trách nhiệm trong bổn phận, và vô lương tâm vì quy tắc của Sa-tan “người không vì mình, trời tru đất diệt” đã bám rễ quá sâu trong tôi, nó trở thành bản tính của tôi. Tôi luôn sống theo nó, chỉ quan tâm đến lợi ích xác thịt trong mọi việc, và trở nên ngày càng ích kỷ và hèn hạ. Khi có chuyện làm tôi lo lắng hay cần tôi phải chịu đau khổ và trả giá, tôi lại giở thủ đoạn và mánh khóe để trốn tránh, làm đủ mọi việc để chịu đau khổ càng ít càng tốt. Khi thấy bổn phận lãnh đạo cần nhiều lo lắng và chịu đau khổ, tôi lại muốn thực hiện bổn phận riêng lẻ. Khi khối lượng công việc tăng lên, tôi muốn đỡ lo và đỡ phải trả giá, và bắt đầu chọn cách tiếp cận không can thiệp tới công tác của chị Triệu và lờ nó đi. Sau đó, khi thấy chị ấy ở trong tình trạng xấu, tôi không muốn giải quyết. Dù Đức Chúa Trời đã nhắc nhở tôi thông qua chị Vương rằng chị ấy không phù hợp với bổn phận này, tôi lấy cớ bận việc để trì hoãn tìm hiểu mãi đến khi vấn đề của chị Triệu trở nên nghiêm trọng và chị ấy phải bị tước bổn phận. Đức Chúa Trời đã cất nhắc tôi với bổn phận lãnh đạo hội thánh để cho tôi cơ hội thực hành, với hy vọng rằng tôi sẽ tiếp nhận sự ủy thác của Ngài, chịu trách nhiệm, giám sát các anh chị em, để họ có thể thực hiện bổn phận và làm thỏa lòng Ngài. Nhưng tôi đã làm gì chứ? Thay vì cố gắng thực hiện tốt bổn phận, tôi lại ham muốn sự an nhàn, làm mọi việc có thể để đỡ phải lo lắng hay chịu đau khổ. Tôi đã tin vào Đức Chúa Trời nhiều năm và tận hưởng sự chăm tưới từ rất nhiều lời Đức Chúa Trời, nhưng khi sự việc xảy ra, tôi chỉ quan tâm đến sự an nhàn, chứ không tìm cách thực hiện tốt bổn phận. Tôi quá ích kỷ và hèn hạ, làm Đức Chúa Trời ghê tởm! Tôi căm ghét sự vô nhân tính và thiếu lý trí của mình, tôi đã phản bội ý định tốt đẹp của Đức Chúa Trời. Tôi bèn cầu nguyện với Đức Chúa Trời, “Lạy Đức Chúa Trời, con chỉ biết quan tâm đến xác thịt và bỏ bê công tác thực tế, gây tổn hại nghiêm trọng đến công tác hội thánh, nhưng Ngài đã không đối xử con theo sự vi phạm của con. Ngài đã cho con cơ hội ăn năn và phản tỉnh. Con muốn ăn năn với Ngài. Sau này, cho dù bổn phận của con là gì, con sẽ không nuông chiều xác thịt và ham muốn sự an nhàn. Con muốn chịu trách nhiệm và thực hiện bổn phận một cách thực tế”.
Sau đó tôi đọc được thêm hai đoạn lời Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời Toàn Năng phán: “Những người có tấm lòng có thể lưu tâm đến ý muốn của Đức Chúa Trời; những người không có tấm lòng là những cái vỏ rỗng không, những gã hề, họ không biết lưu tâm đến ý muốn của Đức Chúa Trời: ‘Tôi không quan tâm việc này khẩn cấp đến mức nào đối với Đức Chúa Trời, tôi sẽ làm những gì tôi muốn – trong bất kỳ trường hợp nào, tôi cũng không nhàn rỗi hay lười biếng’. Những người như vậy không lưu tâm đến ý muốn của Đức Chúa Trời, họ cũng không hiểu làm thế nào để lưu tâm đến ý muốn của Đức Chúa Trời. Trong trường hợp như vậy, họ có sở hữu đức tin thật không? Nô-ê đã lưu tâm đến ý muốn của Đức Chúa Trời, ông có đức tin thật. Và như vậy, cố gắng hết sức là chưa đủ; trong lòng ngươi, phải có sự lưu tâm thực sự – đó là lương tâm được tìm thấy trong nhân tính, là điều mà con người phải có, và là điều được tìm thấy ở Nô-ê. Các ngươi nói xem, để làm một việc như vậy vào thời điểm đó, đáng lẽ đã mất bao nhiêu năm để đóng tàu nếu Nô-ê chần chừ, và không có ý thức cấp bách, không lo lắng, không có hiệu quả? Liệu nó có được hoàn thành trong 100 năm không? (Không.) Có thể phải đến vài thế hệ xây đóng liên tục. Một mặt, việc đóng một vật thể rắn như một con tàu sẽ mất nhiều năm; hơn thế nữa, việc thu thập và chăm sóc tất cả các sinh vật sống cũng sẽ mất nhiều năm như vậy. Việc thu thập những sinh vật sống này có dễ dàng không? Không dễ. Và vì vậy, sau khi nghe những lời chỉ dẫn của Đức Chúa Trời và hiểu rõ được ý muốn khẩn thiết của Đức Chúa Trời, Nô-ê đã ý thức được rằng việc này không dễ dàng và cũng không đơn giản. Ông đã nhận ra rằng mình phải hoàn thành nó, và hoàn tất sự ủy thác này, phù hợp với ý định của Đức Chúa Trời, để Đức Chúa Trời được hài lòng và yên tâm, để bước tiếp theo trong công tác của Đức Chúa Trời có thể tiến hành suôn sẻ. Đó là tấm lòng của Nô-ê. Và đây là dạng tấm lòng gì? Đó là một tấm lòng lưu tâm đến ý muốn của Đức Chúa Trời” (“Bài bàn thêm 3: Nô-ê và Áp-ra-ham đã lắng nghe lời Đức Chúa Trời và vâng phục Ngài như thế nào (Phần 2)” trong Vạch trần kẻ địch lại Đấng Christ). “Bất kể công việc quan trọng nào mà lãnh đạo hay người làm công thực hiện, và bản chất của công việc này là gì, thì ưu tiên số một của họ cũng là hoàn toàn hiểu rõ công việc đang diễn ra thế nào. Họ phải có mặt trực tiếp để theo dõi mọi thứ và đặt câu hỏi, nhận thông tin trực tiếp. Họ không được đơn thuần nghe gì tin nấy, hoặc nghe báo cáo của người khác; thay vào đó, họ phải tận mắt quan sát xem nhân viên đang làm việc như thế nào, công việc đang tiến triển ra sao, đang có những khó khăn nào, có bất kỳ lĩnh vực nào trái với yêu cầu của Bề trên hay không, liệu các nhiệm vụ chuyên môn có vi phạm nguyên tắc hay không, có bất kỳ sự nhiễu loạn hay phá vỡ nào hay không, liệu có thiếu thiết bị hay tài liệu hướng dẫn cần thiết cho một nhiệm vụ nhất định hay không – họ phải kiểm soát được tất cả những điều này. Bất kể bao nhiêu báo cáo mà họ nghe được, hoặc bao nhiêu thông tin họ có được từ việc nghe ngóng, thì không điều nào trong số này có thể sánh bằng đích thân đi xem tận mắt cả. Việc tận mắt chứng kiến sự việc sẽ chính xác và đáng tin cậy hơn; một khi họ đã quen với tình hình, họ sẽ nắm bắt tốt về những gì đang diễn ra. Điều quan trọng hơn nữa là phải nắm bắt rõ ràng và chính xác ai là người có tố chất tốt và đáng để bồi dưỡng, và điều này rất quan trọng nếu các lãnh đạo và người làm công định thực hiện công việc của họ một cách đúng đắn. Khi các lãnh đạo và người làm công cũng có một đường lối về cách nuôi dưỡng và đào tạo những người có tố chất tốt, biết cách giải quyết các loại vấn đề và khó khăn khác nhau xảy ra trong quá trình công tác, có những ý tưởng và đề xuất của riêng họ về công việc sẽ tiến triển thế nào, và nó sẽ ra sao trong tương lai, và nhắm mắt cũng có thể nói rành mạch về những điều như thế mà không ngờ vực hay nghi ngại gì, thì công việc này sẽ dễ thực hiện hơn nhiều. Và khi làm điều này, lãnh đạo sẽ xứng tầm trách nhiệm của họ, không phải sao? Các lãnh đạo và người làm công phải xét đến tất cả những điều này, họ phải ghi nhớ tất cả những điều này, họ phải liên tục nghĩ về những điều này trong đầu. Khi đối mặt với khó khăn, họ phải quay lại với mọi người để thông công và thảo luận những điều này, tìm kiếm lẽ thật để khắc phục vấn đề. Nếu công việc của họ bởi đó mà có cơ sở thực tế thì sẽ không có khó khăn nào là không thể giải quyết cả” (“Nhận diện các lãnh đạo giả (4)” trong Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt). Lời Đức Chúa Trời đã cho tôi thấy con đường thực hiện bổn phận, đó là phải quan tâm tới ý muốn của Ngài, lo lắng cho mong muốn của Ngài, thực hiện tốt bổn phận, không gây tổn hại đến lợi ích của nhà Đức Chúa Trời. Như Nô-ê, người đã chân thành quan tâm đến ý muốn của Đức Chúa Trời. Khi Đức Chúa Trời bảo ông đóng một con thuyền lớn, ông đã không bận tâm đến việc được mất của mình, chỉ nghĩ cách để đóng thuyền thật nhanh theo yêu cầu của Ngài. Dù tôi không thể sánh với Nô-ê, nhưng tôi muốn noi gương Nô-ê, học cách quan tâm đến ý muốn của Đức Chúa Trời, làm hết sức mình để đạt yêu cầu của Đức Chúa Trời. Tôi cũng hiểu rằng đối với các lãnh đạo và người làm công, để thực hiện tốt công tác thực tế, chúng ta phải theo sát công tác, khi phát hiện trở ngại hay sự gián đoạn trong công tác, chúng ta phải thông công và xử lý chúng kịp thời để đảm bảo tiến độ công tác vẫn bình thường.
Sau đó, lãnh đạo giao cho tôi phụ trách công tác Phúc Âm và chăm tưới một số hội thánh, và tôi nghĩ, “Không được để xảy ra chuyện như lần trước. Mình không được chỉ quan tâm đến an nhàn xác thịt và vô trách nhiệm với bổn phận. Mình cần phải thực tế và nỗ lực hết sức mình để thực hiện bổn phận”. Sau đó, tôi tập trung trang bị cho mình lẽ thật về khải tượng. Nếu có mục tiêu Phúc Âm tiềm năng, tôi tích cực làm chứng cho công tác thời kỳ sau rốt của Đức Chúa Trời với họ. Buổi tối, tôi tìm kiếm và trang bị cho mình lời Đức Chúa Trời dựa theo quan niệm tôn giáo của họ. Một hôm, khi tôi định kiểm tra công tác của một hội thánh, tôi nghĩ, “Các lãnh đạo và chấp sự Phúc Âm của hội thánh này đã tin vào Đức Chúa Trời từ rất lâu. Họ có tố chất tốt, có năng lực và trách nhiệm. Họ có thể giải quyết tốt công tác, nên mình không cần phải theo dõi, đỡ phải hao tổn công sức”. Khi có suy nghĩ này, tôi nhận ra mình lại dùng thủ đoạn và mánh khóe để viện cớ không giám sát hay theo dõi. Hiện tại, tôi phụ trách hội thánh này, nên việc thực hiện và giám sát công tác hội thánh là trách nhiệm và bổn phận của tôi. Tôi không được viện cớ để quan tâm đến xác thịt và trì hoãn bổn phận nữa. Nghĩ như thế, tôi cẩn thận kiểm tra công tác của hội thánh đó. Tôi phát hiện vấn đề trong các buổi họp của người mới và người chăm tưới không làm tốt công việc. Hôm sau, tôi đã gặp người đó để thông công lẽ thật và giải quyết vấn đề. Không lâu sau, tôi nghe nói những buổi họp của người mới đã trở lại bình thường, việc đó khiến tôi cảm thấy rất an toàn và yên tâm. Tôi đã thấy lãnh đạo và người làm công trong nhà Đức Chúa Trời cần phải thực sự trả giá, họ cần phải theo dõi và giám sát công tác. Đây là cách duy nhất để kịp thời phát hiện, giải quyết vấn đề và thực hiện tốt bổn phận. Nhờ sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời mà hôm nay tôi đã hiểu ra và thay đổi. Tạ ơn Đức Chúa Trời Toàn Năng!