48. Việc Đón Nhận Sự Chỉ Dẫn Và Giúp Đỡ Có Ích Cho Tôi Như Thế Nào
Tháng 9 năm 2023, tôi được chọn làm người giảng đạo phụ trách công tác của vài hội thánh. Sau hơn hai tháng làm việc cùng những hội thánh này, đời sống hội thánh và công tác chăm tưới người mới đều khởi sắc, nên lãnh đạo cấp trên mời tôi chia sẻ ý kiến về những con đường thực hành hay. Tôi khá hài lòng về bản thân, thấy mình có thể làm được một vài công tác thực tế. Nhưng đến cuối tháng 11, tôi nhận thấy công tác phúc âm không có nhiều tiến triển, nên đã tổng kết một số vấn đề tồn tại trong công tác, sau đó chia sẻ quan điểm và đề xuất của mình về những vấn đề ấy với một số trưởng nhóm phúc âm. Tôi cũng đã thông công với họ về tâm ý của Đức Chúa Trời để họ có thể tích cực rao truyền phúc âm. Sau khi phân công công việc xong, tôi thấy mình đã làm đủ tốt rồi, bản thân cũng đã làm công tác chi tiết, thế là tôi bắt đầu bận rộn với những chuyện khác. Vài ngày sau, tôi hỏi thăm các trưởng nhóm về tiến triển của họ trong công tác phúc âm. Có vài người không hồi âm, số khác thì nói phải vài ngày nữa mới gặp được người rao truyền phúc âm. Thấy một số trưởng nhóm vẫn đang phối hợp, tôi cũng không tiếp tục theo sát và nắm rõ tình hình cụ thể của công tác này. Hơn mười ngày sau, lãnh đạo cấp trên gửi thư hỏi tôi về tiến độ công tác phúc âm, tại sao chúng tôi làm không có hiệu quả, những người rao truyền phúc âm phối hợp ra sao và tôi đã giải quyết được những vấn đề thực tế nào. Vì không nhận được thư từ các trưởng nhóm, tôi cũng không rõ chi tiết tiến triển của công tác phúc âm, nên đã trả lời lãnh đạo cấp trên rằng đợi thư từ các trưởng nhóm rồi tôi sẽ báo cáo đầy đủ sau. Sau đó, tôi thúc giục các trưởng nhóm báo cáo kết quả cho tôi. Nhưng dù thúc giục nhiều lần, họ vẫn không trả lời và tôi bắt đầu bực bội, thấy họ quá vô trách nhiệm trong bổn phận. Lãnh đạo cứ liên tục gửi thư hỏi về tiến độ công tác, tôi càng lúc càng sốt ruột, nhưng tôi nghĩ trưởng nhóm không hồi âm thư của tôi thì tôi cũng chẳng làm được gì. Tôi nói với lãnh đạo rằng các trưởng nhóm không hồi âm thư của tôi để chị ấy biết vấn đề là do các trưởng nhóm chứ không phải do tôi.
Lãnh đạo nhanh chóng trả lời tôi, hỏi xem tôi có hiểu những khó khăn và vấn đề thực tế của các trưởng nhóm không, còn nói là khi xem xét công tác của tôi qua thư, có vẻ như tôi chưa dồn đủ tâm sức vào bổn phận của mình. Khi chúng tôi không đạt được kết quả trong công tác, tôi chỉ đổ lỗi cho người khác và không phản tỉnh vấn đề của chính mình. Chị ấy cũng nói rằng khi theo sát công tác, nếu chỉ hối thúc các trưởng nhóm phải có được kết quả, mà không xác định được vấn đề thực tế và cho mọi người những con đường thực hành cụ thể để giúp giải quyết vấn đề của họ thì chúng tôi không thể nào đạt được kết quả trong công tác. Đọc thư của chị ấy, tôi có chút chống đối, nghĩ rằng: “Tôi muốn làm tốt công tác, tôi đã tham gia công tác phúc âm, viết thư và thông công với các trưởng nhóm về tình trạng của họ, hối thúc họ liên lạc ngay nếu gặp bất kỳ khó khăn gì. Nếu họ không nói với tôi về vấn đề của mình thì tôi làm gì được? Trước đây, công tác ở những hội thánh này bị ngưng trệ do những vụ bắt bớ hàng loạt, nhưng chỉ hơn hai tháng sau khi tôi tới đây, mọi khía cạnh của công việc đều có khởi sắc. Tôi nghĩ điều ấy chứng tỏ tôi đã làm khá tốt, vậy mà chị muốn tôi phản tỉnh? Thông công như vậy thì tôi không thể chấp nhận nổi”. Lúc đó, tôi thấy ấm ức, không phục và muốn tranh cãi, càng nghĩ tôi càng tiêu cực, cảm thấy mình không thể nào làm bổn phận này nữa. Tôi nhận ra tình trạng của mình không đúng, nhưng lại không thể thoát ra khỏi đó, không biết mình phải học được gì từ tình huống đó. Sau đó, tôi cầu nguyện với Đức Chúa Trời, xin Ngài dẫn dắt để tôi hiểu được tâm ý của Ngài. Tôi tìm được một đoạn lời Đức Chúa Trời trong một video lời chứng trải nghiệm, rất phù hợp với tình trạng hiện tại của tôi. Đức Chúa Trời Toàn Năng phán: “Có người khi bị tỉa sửa trong lúc làm bổn phận thì nói rằng: ‘Với năng lực có hạn, tôi thật sự có thể làm được bao nhiêu chứ? Tôi không hiểu được nhiều, nên nếu muốn làm tròn việc này, chẳng phải tôi nên vừa làm vừa học hỏi sao? Như vậy có dễ dàng cho tôi không? Đức Chúa Trời chẳng hiểu con người, làm thế này có khác gì bắt người ta làm việc quá sức họ không? Cứ để người nào thông hiểu hơn tôi làm việc này đi. Tôi chỉ có thể làm thế này thôi, không thể nào làm hơn được’. Người ta thường nói và nghĩ những điều như vậy, phải không? (Thưa, phải.) Ai cũng có thể thừa nhận như thế. Không ai hoàn hảo, không ai là thiên thần cả, con người đâu có sống giữa chân không. Ai cũng có những suy nghĩ này và sự bộc lộ bại hoại. Ai cũng có thể có những thứ này bộc lộ ra và có thể thường xuyên sống trong những tình trạng này, và đó không phải là do ý muốn tự thân của họ, họ không kìm được lối suy nghĩ này. Trước khi gặp chuyện, người ta có tình trạng khá bình thường, nhưng khi gặp chuyện thì lại khác, một tình trạng tiêu cực bộc lộ nơi họ rất dễ dàng, không có cản trở hay chướng ngại gì cả, không cần sự thúc giục và xúi bẩy từ người khác, chỉ cần họ gặp phải chuyện gì không hợp ý, thì những tâm tính bại hoại của họ sẽ bộc lộ ở mọi nơi mọi lúc. Tại sao những tâm tính bại hoại này có thể bộc lộ mọi nơi mọi lúc? Điều này chứng tỏ rằng người ta có dạng tâm tính bại hoại và bản tính bại hoại này trong mình. Những tâm tính bại hoại của người ta không phải do người khác áp đặt lên họ hay tiêm nhiễm cho họ, càng không phải là do họ được người khác dạy bảo hay xúi giục, mà đúng hơn là chính họ đã có sẵn chúng rồi. Nếu người ta không giải quyết những tâm tính bại hoại này, thì họ không thể nào sống trong tình trạng đúng đắn, tích cực được” (Chỉ khi giải quyết tâm tính bại hoại của mình thì mới có thể chuyển biến thật sự, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt). Đức Chúa Trời phán rằng khi chưa gặp vấn đề, con người thường có tình trạng bình thường, nhưng ngay khi mọi chuyện không đúng theo quan niệm của họ, họ không tránh khỏi việc bộc lộ tình trạng chống đối, không phục và bất mãn. Đó là những thứ nằm trong bản tính của con người. Sau khi đọc lời Đức Chúa Trời, tôi đã liên hệ lời Ngài với tình trạng của mình. Khi lãnh đạo chỉ ra rằng tôi không để tâm vào công tác phúc âm, không làm công tác thực tế, tôi thấy ấm ức và chống đối, nghĩ rằng khả năng của mình cũng chỉ đến đây. Tôi đã tham gia công tác, thông công với các trưởng nhóm về tình trạng của họ và tôi không thể làm gì vì họ không báo cáo về tình hình hiện tại của mình. Tôi thấy lãnh đạo không hề hiểu tình hình của tôi. Tôi đã sống trong tình trạng nói lý lẽ và không phục, nghĩa là tôi không đón nhận lẽ thật. Thấy được mức độ nghiêm trọng của bản chất vấn đề này, tôi liền cầu nguyện với Đức Chúa Trời: “Lạy Đức Chúa Trời, con biết rằng khi bị tỉa sửa thì không phải có ai đang cố gây khó dễ cho con mà đó là sự cho phép của Ngài. Con biết có những chuyện mà mình nên phản tỉnh và bước vào, nhưng lúc đó con không thể nắm bắt được những chuyện ấy là gì. Xin Ngài khai sáng và dẫn dắt để con hiểu mình và rút ra bài học trong chuyện này”.
Sau đó, tôi đọc được đoạn lời này của Đức Chúa Trời: “Bất kể là hoàn cảnh nào, khi bị tỉa sửa, thì con người nên có thái độ gì? Đầu tiên, ngươi phải tiếp nhận. Bất kể ai đang tỉa sửa ngươi, vì lý do gì, nói có dễ nghe hay không, giọng điệu và lời lẽ như thế nào, ngươi cũng nên tiếp nhận. Sau đó, ngươi nên nhận ra mình đã làm sai điều gì, ngươi đã bộc lộ tâm tính bại hoại nào, và liệu ngươi có hành động theo các nguyên tắc lẽ thật hay không. Trước hết và trên hết, đây là thái độ mà ngươi nên có. Những kẻ địch lại Đấng Christ có một thái độ như vậy không? Họ không có; từ đầu đến cuối, thái độ họ bộc lộ ra là thái độ chống đối và ác cảm. Với một thái độ như thế, họ có thể lắng tĩnh trước Đức Chúa Trời và khiêm tốn tiếp nhận việc bị tỉa sửa không? Không thể. Vậy thì họ sẽ làm gì? Trước hết, họ sẽ cực lực phân bua biện bạch, biện hộ và biện bạch cho những việc sai trái mà họ đã làm và tâm tính bại hoại mà họ đã tỏ lộ, với hy vọng giành được sự thông hiểu và tha thứ của mọi người, để họ không cần phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào, cũng không cần tiếp nhận những lời tỉa sửa họ. Thái độ mà họ thể hiện khi đối mặt với việc bị tỉa sửa là gì? ‘Tôi không phạm tội. Tôi không làm gì sai cả. Tôi mà có làm sai thì cũng có lý do; tôi mà có làm sai thì cũng không phải do cố ý, tôi không nên chịu trách nhiệm về chuyện đó. Ai mà không sai phạm một vài lần chứ?’. Họ bám lấy những câu nói và câu chữ này, không tìm kiếm lẽ thật, cũng không thừa nhận sai lầm mà họ đã mắc phải hoặc tâm tính bại hoại mà họ đã bộc lộ, càng không thừa nhận ý định và mục đích của họ khi hành ác. … Cho dù những sự thật tỏ lộ tâm tính bại hoại của họ như thế nào, họ cũng không thừa nhận, không tiếp nhận, mà cứ tiếp tục phản kháng và chống đối. Bất kể người khác nói gì, họ cũng không tiếp nhận hay thừa nhận, mà trong lòng còn nghĩ: ‘Để xem ai nói hay hơn ai; để xem ai nói giỏi hơn’. Đây chính là dạng thái độ của những kẻ địch lại Đấng Christ có đối với việc bị tỉa sửa” (Lời, Quyển 4 – Vạch rõ kẻ địch lại Đấng Christ. Mục 9 (Phần 8)). Qua lời Đức Chúa Trời, tôi nhận ra khi được tỉa sửa, giúp đỡ và khuyên nhủ, bất kể thái độ hay giọng điệu của họ với tôi ra sao, dù những lời họ nói có không phù hợp với quan niệm của tôi đến mức nào, thì tôi vẫn nên đón nhận từ Đức Chúa Trời, thuận phục và phản tỉnh vấn đề của mình. Đây mới là thái độ mà con người nên có. Kẻ địch lại Đấng Christ thì chống đối, tranh luận, phản kháng, thậm chí còn đùn đẩy trách nhiệm khi bị tỉa sửa, khuyên nhủ và giúp đỡ, chẳng có chút thái độ đón nhận lẽ thật nào. So sánh chuyện này với hành vi của bản thân, khi lãnh đạo chỉ ra vấn đề của tôi, tôi liền chống đối và trong lòng cứ cãi lý mãi, cho rằng mình đã trả giá, lãnh đạo không hiểu tình hình mà lại tỉa sửa mình. Tôi thấy ấm ức vô cùng, nghĩ rằng mình chỉ có thể làm được đến mức này. Trong lòng tôi chống đối, không phục và đã bộc lộ tâm tính chán ghét lẽ thật. Tôi nghĩ đến chuyện mặc dù ban đầu mình đã phân công một số công việc, nhưng sau đó không thể thực sự tham gia và theo sát công tác, chỉ hối thúc mọi người đạt được kết quả mà không chịu hiểu khó khăn hay tình trạng của người rao truyền phúc âm. Thực hiện công tác như vậy thì căn bản không làm tròn trách nhiệm của mình. Tôi cũng không giải quyết được vấn đề thực tế, đó chính là không làm được công tác thực tế. Lãnh đạo đã tỉa sửa tôi vì những vấn đề mà tôi thực sự có, nhưng tôi không thể đón nhận việc bị tỉa sửa, thậm chí còn chống đối, tranh luận và đổ trách nhiệm cho người khác. Thực chất là tôi không tiếp nhận lẽ thật và chống đối Đức Chúa Trời. Nếu tôi không hối cải mà cứ sống trong tâm tính cương ngạnh như vậy thì cuối cùng sẽ khiến Đức Chúa Trời ghét bỏ và đào thải.
Sau đó, tôi đọc được một đoạn lời khác của Đức Chúa Trời: “Trong hội thánh, có những người nghĩ rằng ra sức cho nhiều hoặc làm vài việc mạo hiểm có nghĩa là họ có được công lao. Trên thực tế, dựa trên hành động của họ, thì họ quả thực đáng khen, nhưng tâm tính và thái độ của họ đối với lẽ thật lại khiến người ta ghê tởm và buồn nôn. Họ không yêu thích lẽ thật chút nào, mà lại chán ghét lẽ thật. Riêng điều này thôi đã khiến họ đáng buồn nôn rồi. Những người như thế vô giá trị. Khi Đức Chúa Trời thấy con người có tố chất kém, họ có một số thiếu sót nhất định, và có những tâm tính bại hoại hoặc thực chất chống đối Ngài, Ngài không ghê tởm họ, và không khiến họ tránh xa Ngài. Đó không phải là tâm ý của Đức Chúa Trời, và đó không phải là thái độ của Ngài đối với con người. Đức Chúa Trời không ghê tởm tố chất kém của con người, Ngài không ghê tởm sự ngu dốt của họ, và Ngài không ghê tởm việc họ có những tâm tính bại hoại. Đức Chúa Trời ghê tởm điều gì nhất ở con người? Đó là khi họ chán ghét lẽ thật. Nếu ngươi chán ghét lẽ thật, thì chỉ vì riêng điều đó thôi, Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ vui thích nơi ngươi. Điều này không gì có thể thay đổi được. Nếu ngươi chán ghét lẽ thật, nếu ngươi không yêu thích lẽ thật, nếu thái độ của ngươi đối với lẽ thật là lãnh đạm, khinh mạn và kiêu căng, hay thậm chí ác cảm, chống đối, và cự tuyệt – nếu ngươi có những hành vi này, thì Đức Chúa Trời hoàn toàn chán ghét ngươi, và ngươi chết chắc, không thể cứu được. Nếu ngươi thực sự yêu thích lẽ thật trong lòng mình, nhưng tố chất có phần kém cỏi, thiếu hiểu biết, và hơi ngu dốt; nếu ngươi thường phạm sai lầm nhưng không cố ý hành ác, và chỉ đơn thuần là làm vài việc ngu dại; nếu ngươi thực lòng muốn nghe sự thông công của Đức Chúa Trời về lẽ thật, và thực lòng khao khát lẽ thật; nếu thái độ của ngươi đối với lẽ thật và lời Đức Chúa Trời là chân thành và khao khát, và ngươi có thể coi trọng và trân quý lời Đức Chúa Trời – thế là đủ. Đức Chúa Trời thích những người như vậy. Mặc dù đôi lúc ngươi có thể hơi ngu dốt nhưng Đức Chúa Trời vẫn thích ngươi. Đức Chúa Trời quý tấm lòng của ngươi, tấm lòng khao khát lẽ thật, và Ngài yêu thái độ chân thành của ngươi đối với lẽ thật. Vì vậy, Đức Chúa Trời thương xót ngươi và ban ơn cho ngươi. Ngài không xét đến tố chất thấp kém hay sự ngu ngốc của ngươi, và Ngài cũng không xét đến những sự vi phạm của ngươi. Vì thái độ của ngươi đối với lẽ thật là thành khẩn và thiết tha, và tấm lòng ngươi là thật, thế thì vì nhìn vào tấm lòng thành và thái độ của ngươi, Ngài sẽ mãi luôn thương xót đối với ngươi, và Đức Thánh Linh sẽ công tác nơi ngươi, và ngươi sẽ có hy vọng được cứu rỗi. Mặt khác, nếu ngươi là người có lòng dạ chai đá và bê tha, nếu ngươi chán ghét lẽ thật, và không bao giờ chú ý đến lời Đức Chúa Trời và mọi thứ liên quan đến lẽ thật, và chống đối cũng như khinh bỉ từ tận đáy lòng, thì thái độ của Đức Chúa Trời đối với ngươi là gì? Ghê tởm, ác cảm, và thịnh nộ không ngừng” (Hiểu lẽ thật đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện bổn phận của một người cho đúng, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt). Đức Chúa Trời phán rằng Ngài rất coi trọng thái độ của con người với lẽ thật. Một số người thường có vẻ có thể trả giá và tương đối hiệu quả trong bổn phận, nhưng khi gặp vấn đề thì lại không tiếp nhận, thậm chí chán ghét lẽ thật. Đức Chúa Trời ghê tởm điều này. Nghĩ lại hai tháng qua, tôi đã trả giá đôi chút và đạt được một số kết quả trong bổn phận. Tôi thấy mình đã làm công tác thực tế và vì thế, lãnh đạo không nên chỉ ra vấn đề của tôi. Nhưng tôi nhận ra rằng Đức Chúa Trời không chỉ nhìn xem con người đã chịu khổ đến đâu, làm được bao nhiêu việc hay đạt được kết quả gì. Ngài còn xem xét thái độ của con người với lẽ thật, xem họ có đón nhận lẽ thật hay không. Khi bị tỉa sửa mà tôi cứ liên tục chống đối, không đón nhận, tranh luận và hành động đối nghịch với Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ ghê tởm tôi và tôi sẽ không nhận được công tác của Đức Thánh Linh. Tôi thấy sống trong tâm tính chán ghét lẽ thật thực sự quá nguy hiểm. Hiện tại, công tác phúc âm không hiệu quả là sự thật, tôi nên tiếp nhận lời khuyên của lãnh đạo, giải quyết một cách thực tế các vấn đề tồn tại trong công tác phúc âm.
Khi đang tìm kiếm, tôi nhớ đến một đoạn lời Đức Chúa Trời và đã tìm lại để đọc. Đức Chúa Trời phán: “Họ không tham gia vào bất kỳ công tác thực tế nào, không theo sát hay chỉ đạo, cũng chẳng tìm hiểu hay nghiên cứu để giải quyết vấn đề. Như vậy mà là làm tròn trách nhiệm lãnh đạo sao? Như vậy có thể làm tốt công tác của hội thánh sao? Chờ đến khi Bề trên hỏi họ về tình hình công tác, thì họ nói: ‘Công tác của hội thánh đều bình thường cả. Từng hạng mục công tác đều có người phụ trách đang làm rồi’. Nếu được hỏi thêm rằng có vấn đề gì trong công tác hay không, thì họ đáp: ‘Con không biết. Chắc là không có vấn đề gì!’. Đây chính là thái độ của lãnh đạo giả đối với công tác. Thân là lãnh đạo, công tác được giao cho ngươi mà ngươi không có trách nhiệm chút nào; chuyện gì cũng giao cho người khác mà không theo sát, tìm hiểu hay trợ giúp giải quyết vấn đề, chỉ ngồi như một người đốc công rảnh tay. Như vậy chẳng tắc trách sao? Chẳng quan liêu sao? Không làm bất kỳ công tác cụ thể nào, cũng không theo sát công tác, không giải quyết vấn đề thực tế – chẳng phải lãnh đạo này chỉ là đồ trang trí sao? Đây có phải là lãnh đạo giả không? Đây chính là điển hình của một lãnh đạo giả” (Chức trách của lãnh đạo và người làm công (4), Lời, Quyển 5 – Chức trách của lãnh đạo và người làm công). Lời Đức Chúa Trời đã vạch rõ tình trạng hiện tại của tôi: Công tác phúc âm là một trong những việc chính mà lãnh đạo cần theo sát và đó là trách nhiệm của tôi, nhưng sau khi phân công công việc, tôi lại nghĩ công tác phúc âm là trách nhiệm của các trưởng nhóm. Tôi nghĩ mình chỉ cần ngồi yên và chờ họ đạt được kết quả mà không tập trung tìm hiểu tình trạng của các trưởng nhóm hay các vấn đề phát sinh khi họ làm bổn phận. Nhưng khi lãnh đạo hỏi tôi về tiến độ công tác, tôi lại nói các trưởng nhóm chưa trả lời tôi. Rõ ràng tôi là người phụ trách công tác, vậy mà tôi lại không tham gia theo dõi cụ thể tiến độ công tác và lại chọn cách khoanh tay đứng nhìn. Chẳng phải đây chính là biểu hiện của một lãnh đạo giả sao? Lúc ấy, cuối cùng tôi đã có thể đón nhận lời khuyên của lãnh đạo trong lòng. Sau đó, tôi đọc được lời Đức Chúa Trời phán rằng: “Giám sát nghĩa là gì? Giám sát là kiểm tra và chỉ đạo, là tiến hành hỏi han một cách cụ thể và chi tiết về công tác, tìm hiểu, nắm rõ tiến độ công tác và những mắt xích yếu trong công tác, hiểu rõ khi làm công tác thì ai có trách nhiệm và ai không có trách nhiệm, ai có thể đảm đương công tác và ai không thể đảm đương, v.v.. Khi giám sát công tác, có lúc cần hỏi han, tìm hiểu và nghe ngóng tình hình, có lúc cần gặp mặt và hỏi han hoặc trực tiếp kiểm tra, đương nhiên càng có lúc cần gặp người phụ trách mà thông công trực diện, hỏi han về tình hình thực hiện công tác, xem họ có gặp khó khăn hay vấn đề nào không, v.v.. Trong khi giám sát, đối với những người làm việc chỉ có vẻ ngoài, làm màu làm mè, những người không biết thực hiện công tác cụ thể, những người biết cách thực hiện nhưng lại không làm công tác thực tế, v.v. ngươi đều có thể phát hiện được. Nếu phát hiện những vấn đề này rồi có thể kịp thời giải quyết, như vậy là tốt nhất. Mục đích của việc giám sát là gì? Chính là để thực hiện sự sắp xếp công tác tốt hơn, xem mình bố trí công tác có thích hợp hay không, có chỗ nào chưa chu đáo hoặc chưa nghĩ đến hay không, có chỗ nào không phù hợp với nguyên tắc hay không, có chỗ nào lệch lạc và sai sót hay không, v.v. hết thảy những vấn đề này đều có thể được phát hiện trong quá trình giám sát. Nhưng nếu ngươi ngồi yên ở nhà mà không làm công tác cụ thể này, thì có thể phát hiện ra những vấn đề này không? (Thưa, không thể.) Có rất nhiều vấn đề cần đến hiện trường mà hỏi han, quan sát và tìm hiểu thì mới có thể biết và nắm rõ được” (Chức trách của lãnh đạo và người làm công (10), Lời, Quyển 5 – Chức trách của lãnh đạo và người làm công). Qua lời Đức Chúa Trời, tôi học được rằng giám sát công tác không phải là chỉ phân công công việc cho người khác rồi chờ họ đạt được kết quả, mà phải tham gia công tác một cách thực tế, tìm hiểu trong quá trình thực hiện công tác tồn tại những vấn đề thực tế gì. Công việc đã phân công chưa phù hợp với mọi người, các anh chị em có tình trạng không tốt hay thái độ của mọi người với việc thực hiện bổn phận còn kém? Lãnh đạo phải hiểu và nắm bắt được chi tiết những điều này, cũng như thông công lẽ thật để giải quyết chúng kịp thời. Đấy mới là làm công tác thực tế. Tôi nghĩ lại việc mình chỉ phân công công việc cho các trưởng nhóm rồi liên tục hối thúc họ đạt được kết quả, không hề thực hiện chức trách của một người lãnh đạo. Tôi chẳng khác nào quan chức của con rồng lớn sắc đỏ, chỉ ngồi ở vị trí quyền lực mà chẳng bao giờ làm công tác thực sự. Dù làm việc gì đi nữa, quan chức chỉ biết hô khẩu hiệu, truyền đạt mệnh lệnh từ cấp trên xuống cấp dưới, và làm những việc để tạo hình ảnh tốt cho mình. Còn tôi thì theo sát công tác chỉ là để báo cáo với lãnh đạo, chứ không phải để giải quyết khó khăn và vấn đề thực tế còn tồn tại trong công tác phúc âm. Đức Chúa Trời ghê tởm thái độ làm việc này. Nếu không sửa đổi thái độ của mình, tôi sẽ làm tổn hại đến công tác của hội thánh và do đó, làm việc ác trong bổn phận của mình. Sau đó, tôi bắt đầu thực hành theo lời Đức Chúa Trời, nhanh chóng cố gắng sửa đổi những sai lệch của mình. Qua việc có được hiểu biết thực tế, tôi thấy một vài hội thánh thiếu người rao truyền phúc âm, một vài trưởng nhóm không phân công công việc đủ nhanh nên tiến độ bị chậm, còn có những anh chị em không thể thực hiện bổn phận bình thường do bị Trung Cộng bắt bớ và theo dõi. Do vậy và nhiều vấn đề khác nữa, mà công tác phúc âm không đạt hiệu quả. Sau đó, tôi đã thông công và giải quyết từng vấn đề một. Tôi không còn tìm lý do để đổ trách nhiệm cho người khác, cũng không chú ý xem người khác làm gì hay không làm gì nữa, mà tập trung thực hiện bổn phận theo nguyên tắc, làm nhiều công tác thực tế hơn. Sau một thời gian phối hợp, công tác phúc âm bắt đầu khởi sắc. Tôi vô cùng vui mừng, không ngờ rằng sau khi sửa đổi tình trạng của mình và phối hợp một cách thực tế, tôi lại được chứng kiến sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời.
Qua trải nghiệm này, tôi học được rằng việc tỉa sửa, khuyên nhủ hay giúp đỡ đều đến từ Đức Chúa Trời, đó là những điều tích cực giúp chúng ta điều chỉnh sai lệch trong bổn phận, để chúng ta có thể làm bổn phận đạt tiêu chuẩn. Những điều ấy cũng giúp chúng ta nhận biết và giải quyết những tâm tính bại hoại của mình. Đằng sau tất cả những điều đó là sự lao khổ tâm tư của Đức Chúa Trời. Qua trải nghiệm lần này, tôi trực tiếp học được lợi ích của việc đón nhận sự tỉa sửa, khuyên nhủ và giúp đỡ, đồng thời biết cách theo sát và giám sát công tác. Tạ ơn Đức Chúa Trời vì sự dẫn dắt của Ngài!