V. Những lời về mối liên hệ giữa từng giai đoạn công tác của Đức Chúa Trời và danh hiệu của Đức Chúa Trời
231. Công tác của Đức Chúa Trời xuyên suốt mọi sự quản lý của Ngài là hoàn toàn rõ ràng: Thời đại Ân điển là Thời đại Ân điển, và thời kỳ sau rốt là thời kỳ sau rốt. Có những khác biệt rõ rệt giữa mỗi thời đại, vì trong mỗi thời đại, Đức Chúa Trời làm công tác đại diện cho thời đại đó. Để công tác của thời kỳ sau rốt được hoàn thành, phải có sự thiêu đốt, sự phán xét, hình phạt, cơn thịnh nộ, và sự hủy diệt để kết thúc thời đại. Thời kỳ sau rốt ám chỉ thời đại cuối cùng. Trong thời đại cuối cùng, chẳng phải Đức Chúa Trời sẽ kết thúc thời đại sao? Để kết thúc thời đại, Đức Chúa Trời phải mang theo hình phạt và sự phán xét với Ngài. Chỉ bằng cách này, Ngài mới có thể kết thúc thời đại. Mục đích của Jêsus là để con người có thể tiếp tục tồn tại, tiếp tục sống, và để họ có thể tồn tại theo cách tốt hơn. Ngài đã cứu rỗi con người khỏi tội lỗi hầu cho họ không còn rơi vào sự suy đồi và không còn sống trong âm phủ và địa ngục nữa, và bằng cách cứu rỗi con người khỏi âm phủ và địa ngục, Jêsus đã cho phép họ tiếp tục sống. Giờ đây, thời kỳ sau rốt đã đến. Đức Chúa Trời sẽ tiêu diệt con người và hủy diệt hoàn toàn loài người, nghĩa là Ngài sẽ chuyển hóa sự phản nghịch loài người. Vì lý do này, với tâm tính nhân từ và yêu thương của quá khứ, sẽ là bất khả thi để Đức Chúa Trời chấm dứt thời đại hoặc mang lại thành quả cho kế hoạch quản lý sáu nghìn năm của Ngài. Mỗi thời đại đều là một đại diện đặc biệt cho tâm tính của Đức Chúa Trời, và mỗi thời đại đều chứa đựng công tác phải được Đức Chúa Trời thực hiện. Vì vậy, công tác được chính Đức Chúa Trời thực hiện trong mỗi thời đại chứa đựng sự biểu lộ tâm tính thật của Ngài, và cả danh xưng của Ngài lẫn công tác Ngài làm đều thay đổi cùng với thời đại – tất cả chúng đều mới. Trong Thời đại Luật pháp, công tác hướng dẫn nhân loại đã được thực hiện dưới danh Đức Giê-hô-va, và giai đoạn công tác đầu tiên đã được khởi đầu trên đất. Ở giai đoạn này, công tác bao gồm việc xây dựng đền thờ, bàn thờ, và dùng luật pháp để hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên và làm việc giữa họ. Bằng cách hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên, Ngài đã thiết lập một căn cứ cho công tác của Ngài trên đất. Từ căn cứ này, Ngài đã mở rộng công tác của mình ra ngoài Y-sơ-ra-ên, nghĩa là, bắt đầu từ Y-sơ-ra-ên, Ngài đã mở rộng công tác của mình ra bên ngoài, hầu cho các thế hệ sau dần dần biết rằng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, rằng chính Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời đất và muôn vật, và rằng chính Đức Giê-hô-va đã dựng nên mọi sinh vật. Ngài đã lan truyền công tác của mình thông qua dân Y-sơ-ra-ên ra bên ngoài họ. Vùng đất Y-sơ-ra-ên là thánh địa đầu tiên cho công tác của Đức Giê-hô-va trên đất, và chính tại vùng đất của Y-sơ-ra-ên mà Đức Chúa Trời lần đầu tiên làm việc trên đất. Đó là công tác của Thời đại Luật pháp. Trong Thời đại Ân điển, Jêsus là Đức Chúa Trời đã cứu rỗi con người. Những gì Ngài có và là chính là ân điển, tình yêu, lòng nhân từ, sự nhẫn nại, sự nhịn nhục, sự khiêm nhường, sự quan tâm, và lòng khoan dung, và rất nhiều công tác Ngài đã làm là để cứu chuộc con người. Tâm tính của Ngài là lòng nhân từ và tình yêu, và vì Ngài nhân từ và yêu thương, nên Ngài đã phải chịu đóng đinh trên thập tự giá vì con người, để chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời yêu thương con người như chính Ngài, nhiều đến nỗi Ngài đã phó dâng toàn bộ bản thân mình. Trong Thời đại Ân điển, danh của Đức Chúa Trời là Jêsus, có nghĩa là, Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời đã cứu con người, và Ngài là một Đức Chúa Trời nhân từ và yêu thương. Đức Chúa Trời đã ở với con người. Tình yêu của Ngài, lòng nhân từ, và sự cứu rỗi của Ngài đã đồng hành với mỗi một con người. Chỉ bằng cách chấp nhận danh Jêsus và sự hiện diện của Ngài thì con người mới có thể đạt được sự bình an và niềm vui, để nhận được phước lành của Ngài, những ân điển bao la và vô lượng của Ngài, cùng sự cứu rỗi của Ngài. Thông qua sự chịu đóng đinh trên thập tự giá của Jêsus, tất cả những ai theo Ngài đều đã nhận được sự cứu rỗi và được tha tội. Trong Thời đại Ân điển, Jêsus là danh của Đức Chúa Trời. Nói cách khác, công tác của Thời đại Ân điển đã được thực hiện chủ yếu dưới danh Jêsus. Trong thời đại Ân điển, Đức Chúa Trời được gọi là Jêsus. Ngài đã thực hiện một giai đoạn công tác mới ngoài Cựu Ước, và công tác của Ngài đã kết thúc bằng việc chịu đóng đinh trên thập tự giá. Đây là toàn bộ công tác của Ngài. Do đó, trong Thời đại Luật pháp, Đức Giê-hô-va là danh của Đức Chúa Trời, và trong Thời đại Ân điển, danh Jêsus đã đại diện cho Đức Chúa Trời. Trong thời kỳ sau rốt, danh của Ngài là Đức Chúa Trời Toàn Năng – Đấng Toàn Năng, Đấng dùng quyền năng của Ngài để hướng dẫn con người, chinh phục con người, thu nhận con người, và cuối cùng sẽ kết thúc thời đại. Trong mọi thời đại, ở mọi giai đoạn công tác của Đức Chúa Trời, tâm tính của Ngài đều rõ ràng.
– Khải tượng về công tác của Đức Chúa Trời (3), Lời, Quyển 1 – Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời
232. “Giê-hô-va” là danh mà Ta đã lấy trong thời gian Ta làm việc ở Y-sơ-ra-ên, và nó có nghĩa là Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên (dân sự được Đức Chúa Trời chọn), Đấng có thể thương xót con người, rủa sả con người, và hướng dẫn đời sống của con người; Đức Chúa Trời sở hữu quyền năng to lớn và đầy sự khôn ngoan. “Jêsus” là Em-ma-nu-ên, nghĩa là của lễ chuộc tội đầy tình yêu thương, đầy lòng nhân từ và cứu chuộc con người. Ngài đã làm công tác của Thời đại Ân điển, Ngài đại diện cho Thời đại Ân điển, và chỉ có thể đại diện cho một phần công tác của kế hoạch quản lý. Điều đó có nghĩa là, chỉ có Đức Giê-hô-va mới là Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên được chọn, Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, Đức Chúa Trời của Gia-cốp, Đức Chúa Trời của Môi-se, và Đức Chúa Trời của toàn thể dân Y-sơ-ra-ên. Và như vậy, trong thời đại hiện nay, toàn thể dân Y-sơ-ra-ên, ngoại trừ dân Do Thái, đều thờ phượng Đức Giê-hô-va. Họ dâng vật hi sinh cho Ngài trên bàn thờ và mặc áo choàng của các thầy tế lễ hầu việc Ngài trong đền thờ. Điều họ hy vọng là sự tái xuất hiện của Đức Giê-hô-va. Chỉ có Jêsus mới là Đấng Cứu Chuộc của nhân loại, và Ngài là của lễ chuộc tội đã cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi. Nghĩa là, danh của Jêsus đã đến từ Thời đại Ân điển và đã ra đời vì công tác cứu chuộc trong Thời đại Ân điển. Danh Jêsus đã ra đời để cho phép những người trong Thời đại Ân điển được tái sinh và cứu rỗi, và là một danh đặc biệt cho sự cứu chuộc toàn thể nhân loại. Do đó, danh Jêsus đại diện cho công tác cứu chuộc, và biểu thị cho Thời đại Ân điển. Danh Giê-hô-va là một danh đặc biệt cho người dân Y-sơ-ra-ên đã sống dưới luật pháp. Trong từng thời đại và từng giai đoạn công tác, danh của Ta không phải là vô căn cứ, mà mang ý nghĩa đại diện: Mỗi danh đại diện cho một thời đại. “Giê-hô-va” đại diện cho Thời đại Luật pháp, và là danh tôn kính mà dân Y-sơ-ra-ên gọi Đức Chúa Trời họ thờ phượng. “Jêsus” đại diện cho Thời đại Ân điển, và là danh của Đức Chúa Trời của tất cả những ai đã được cứu chuộc trong Thời đại Ân điển.
– Đấng Cứu Thế đã trở lại trên một “đám mây trắng”, Lời, Quyển 1 – Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời
233. Thời đại Ân điển bắt đầu với danh Jêsus. Khi Jêsus bắt đầu thực hiện chức vụ của Ngài, Đức Thánh Linh đã bắt đầu chứng thực cho danh Jêsus, và danh Đức Giê-hô-va không còn được nhắc đến nữa; thay vào đó, Đức Thánh Linh đã đảm nhận công tác mới chủ yếu dưới danh Jêsus. Những người tin vào Ngài đã mang chứng ngôn cho Đức Chúa Jêsus Christ, và công tác họ làm cũng là vì Đức Chúa Jêsus Christ. Sự kết thúc của Thời đại Luật pháp trong Cựu Ước có nghĩa là công tác chủ yếu được thực hiện dưới danh Đức Giê-hô-va đã kết thúc. Từ đây trở đi, danh của Đức Chúa Trời không còn là Giê-hô-va nữa; thay vào đó, Ngài được gọi là Jêsus, và kể từ đây, Đức Thánh Linh đã bắt đầu công tác chủ yếu dưới danh Jêsus. Vì vậy, người nào mà ngày nay vẫn còn ăn uống lời của Đức Giê-hô-va, và vẫn làm mọi việc theo công tác của Thời đại Luật pháp – chẳng phải ngươi đang mù quáng tuân thủ những luật lệ sao? Chẳng phải ngươi đang bị mắc kẹt trong quá khứ sao? Các ngươi giờ đây biết rằng thời kỳ sau rốt đã đến. Lẽ nào khi Jêsus đến, Ngài vẫn được gọi là Jêsus? Đức Giê-hô-va đã bảo dân Y-sơ-ra-ên rằng một Đấng Mê-si sẽ đến, nhưng khi Ngài đến, Ngài đã không được gọi là Đấng Mê-si mà là Jêsus. Jêsus đã phán rằng Ngài sẽ trở lại, và rằng Ngài sẽ đến như Ngài đã rời đi. Đây là những lời của Jêsus, nhưng ngươi đã nhìn thấy cách Jêsus rời đi chưa? Jêsus đã cưỡi trên một đám mây trắng rời đi, nhưng có thể nào Ngài sẽ đích thân trở lại giữa con người trên một đám mây trắng? Nếu theo cách như vậy, chẳng phải Ngài vẫn sẽ được gọi là Jêsus sao? Khi Jêsus trở lại, lúc đó thời đại đã thay đổi, vậy lẽ nào Ngài vẫn được gọi là Jêsus? Phải chăng Đức Chúa Trời chỉ có thể được biết đến với danh Jêsus? Chẳng lẽ Ngài không thể được gọi bằng một danh mới trong một thời đại mới? Liệu ảnh tượng của một con người và một danh xưng cụ thể có thể đại diện cho toàn bộ Đức Chúa Trời được không? Trong từng thời đại, Đức Chúa Trời làm công tác mới và được gọi bằng một danh mới; làm sao Ngài có thể làm cùng một công tác trong các thời đại khác nhau? Làm sao Ngài có thể bám lấy cái cũ? Danh Jêsus đã được dùng cho công tác cứu chuộc, vậy Ngài có còn được gọi bằng cùng một danh đó khi Ngài trở lại trong thời kỳ sau rốt không? Liệu Ngài có còn làm công tác cứu chuộc không? Tại sao Đức Giê-hô-va và Jêsus là một, nhưng Họ lại được gọi bằng những danh xưng khác nhau trong các thời đại khác nhau? Chẳng phải vì thời đại của công tác Họ làm khác nhau sao? Liệu chỉ một danh xưng có thể đại diện cho toàn bộ Đức Chúa Trời được không? Như vậy, Đức Chúa Trời phải được gọi bằng một danh xưng khác trong một thời đại khác, và Ngài phải dùng danh xưng để thay đổi thời đại và đại diện cho thời đại. Vì không một danh xưng nào có thể đại diện đầy đủ cho chính Đức Chúa Trời, và mỗi danh xưng chỉ có thể đại diện cho khía cạnh đương thời của tâm tính Đức Chúa Trời trong một thời đại nhất định; tất cả những gì nó cần làm là đại diện cho công tác của Ngài. Do đó, Đức Chúa Trời có thể chọn bất kỳ danh xưng nào phù hợp với tâm tính của Ngài để đại diện cho toàn bộ thời đại. Bất kể đó là thời đại của Đức Giê-hô-va hay thời đại của Jêsus, mỗi thời đại đều được đại diện bằng một danh xưng.
– Khải tượng về công tác của Đức Chúa Trời (3), Lời, Quyển 1 – Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời
234. Khi Jêsus đến để làm công tác của Ngài, đó là dưới sự chỉ dẫn của Đức Thánh Linh; Ngài đã làm những gì Đức Thánh Linh muốn, chứ không phải theo Thời đại Luật pháp trong Cựu Ước hay theo công tác của Đức Giê-hô-va. Mặc dù công tác Jêsus đã đến làm không tuân theo luật pháp của Đức Giê-hô-va hay các điều răn của Đức Giê-hô-va, nhưng nguồn gốc của Họ là một và như nhau. Công tác Jêsus đã làm đại diện cho danh Jêsus, và nó đại diện cho Thời đại Ân điển; còn công tác được thực hiện bởi Đức Giê-hô-va thì đại diện cho Đức Giê-hô-va, và đại diện cho Thời đại Luật pháp. Công tác của Họ là công tác của một Thần trong hai thời đại khác nhau. Công tác Jêsus đã làm chỉ có thể đại diện cho Thời đại Ân điển, còn công tác Đức Giê-hô-va đã làm chỉ có thể đại diện cho Thời đại Luật pháp trong Cựu Ước. Đức Giê-hô-va đã chỉ hướng dẫn người dân của Y-sơ-ra-ên và của Ê-díp-tô, cùng mọi quốc gia ngoài Y-sơ-ra-ên. Công tác của Jêsus trong Thời đại Ân điển của Tân Ước là công tác của Đức Chúa Trời dưới danh Jêsus khi Ngài dẫn dắt thời đại. … Chỉ có thể có một thời đại mới khi Jêsus đến để làm công tác mới, để khai mở một thời đại mới, để đột phá công tác đã làm trước đó ở Y-sơ-ra-ên, và để thực hiện công tác của Ngài không theo công tác do Đức Giê-hô-va đã thực hiện ở Y-sơ-ra-ên, hay các luật lệ cũ của Ngài, hay tuân theo bất kỳ quy định nào, mà là để làm công tác mới Ngài phải làm. Chính Đức Chúa Trời đến để khai mở thời đại, và chính Đức Chúa Trời đến để kết thúc thời đại. Con người không có khả năng làm công tác mở đầu thời đại và kết thúc thời đại. Nếu Jêsus đã không kết thúc công tác của Đức Giê-hô-va sau khi Ngài đến, thì đó sẽ là bằng chứng cho thấy Ngài chỉ đơn thuần là một con người và không có khả năng đại diện cho Đức Chúa Trời. Chính bởi vì Jêsus đã đến và kết thúc công tác của Đức Giê-hô-va, tiếp tục công tác của Đức Giê-hô-va, và hơn nữa là thực hiện công tác của riêng mình, một công tác mới, nên điều đó chứng tỏ rằng đây là một thời đại mới, và rằng Jêsus chính là Đức Chúa Trời. Họ đã thực hiện hai giai đoạn công tác khác nhau rõ ràng. Một giai đoạn đã được thực hiện trong đền thờ, và giai đoạn kia đã được tiến hành ngoài đền thờ. Một giai đoạn là để dẫn dắt đời sống của con người theo luật pháp, và giai đoạn kia là để dâng lên một của lễ chuộc tội. Hai giai đoạn công tác này khác nhau rõ rệt; điều này phân chia thời đại mới với thời đại cũ, và tuyệt đối chính xác khi nói chúng là hai thời đại khác nhau. Địa điểm công tác của Họ khác nhau, nội dung công tác của Họ khác nhau, và mục tiêu công tác của Họ khác nhau. Như vậy, chúng có thể được chia thành hai thời đại: Tân Ước và Cựu Ước, nghĩa là thời đại mới và thời đại cũ. Khi Jêsus đến, Ngài đã không đi vào đền thờ, điều đó chứng tỏ thời đại của Đức Giê-hô-va đã hết. Ngài đã không bước vào đền thờ bởi vì công tác của Đức Giê-hô-va trong đền thờ đã hoàn tất, không cần được thực hiện lại, và thực hiện lại sẽ là lặp lại nó. Chỉ bằng cách rời khỏi đền thờ, bắt đầu một công tác mới và mở ra một con đường mới bên ngoài đền thờ, Ngài mới có thể đưa công tác của Đức Chúa Trời lên đỉnh cao. Nếu Ngài không ra khỏi đền thờ để làm công tác của Ngài, thì công tác của Đức Chúa Trời sẽ bị đình trệ trên các nền móng của đền thờ, và sẽ không bao giờ có bất kỳ thay đổi mới nào. Và vì vậy, khi Jêsus đến, Ngài đã không bước vào đền thờ, và không làm công tác của Ngài trong đền thờ. Ngài đã làm công tác của Ngài bên ngoài đền thờ, và dẫn dắt các môn đồ, bắt tay vào công tác của Ngài một cách tự do. Đức Chúa Trời rời khỏi đền thờ để làm công tác của Ngài có nghĩa là Đức Chúa Trời đã có một kế hoạch mới. Công tác của Ngài đã được tiến hành bên ngoài đền thờ, và đó phải là công tác mới không bị gò bó trong cách thức thực hiện. Ngay khi Jêsus đến, Ngài đã kết thúc công tác của Đức Giê-hô-va trong thời đại Cựu Ước. Mặc dù Họ đã được gọi bằng hai danh xưng khác nhau, nhưng đó là cùng một Thần hoàn tất cả hai giai đoạn công tác, và công tác được thực hiện là liên tục. Vì danh xưng khác nhau và nội dung của công tác khác nhau, nên thời đại cũng khác nhau. Khi Đức Giê-hô-va đến, đó là thời đại của Đức Giê-hô-va, và khi Jêsus đến, đó là thời đại của Jêsus. Và như vậy, với mỗi lần đến, Đức Chúa Trời đều được gọi bằng một danh xưng, Ngài đại diện cho một thời đại, và Ngài khai mở một con đường mới; và trên mỗi con đường mới, Ngài mang một danh mới, điều cho thấy Đức Chúa Trời luôn mới và không bao giờ cũ và công tác của Ngài không bao giờ ngừng tiến triển về phía trước. Lịch sử luôn tiến về phía trước, và công tác của Đức Chúa Trời luôn tiến về phía trước. Để kế hoạch quản lý sáu nghìn năm của Ngài đi đến hồi kết, nó phải tiếp tục tiến triển về phía trước. Mỗi ngày Ngài phải làm công tác mới, mỗi năm Ngài phải làm công tác mới; Ngài phải mở ra những con đường mới, khai mở những thời đại mới, bắt đầu công tác mới và vĩ đại hơn, và cùng với đó, mang những danh mới và công tác mới.
– Khải tượng về công tác của Đức Chúa Trời (3), Lời, Quyển 1 – Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời
235. Giả sử công tác của Đức Chúa Trời trong mọi thời đại luôn giống nhau, và Ngài luôn được gọi bằng cùng một danh xưng, thì làm sao con người biết được Ngài? Đức Chúa Trời phải được gọi là Đức Giê-hô-va, và ngoài một Đức Chúa Trời được gọi là Đức Giê-hô-va, bất kỳ ai được gọi bằng bất kỳ danh nào khác đều không phải là Đức Chúa Trời. Nếu không thì Đức Chúa Trời chỉ có thể là Jêsus, và ngoài danh Jêsus, Ngài không thể được gọi bằng bất kỳ danh nào khác; ngoài Jêsus, Đức Giê-hô-va không phải là Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời Toàn Năng cũng không phải là Đức Chúa Trời. Con người tin rằng quả thật Đức Chúa Trời là toàn năng, nhưng Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời ở với con người, và Ngài phải được gọi là Jêsus, vì Đức Chúa Trời ở với con người. Làm thế là tuân theo giáo lý, và giới hạn Đức Chúa Trời trong một phạm vi nhất định. Vì vậy, trong mọi thời đại, công tác Đức Chúa Trời làm, danh Ngài được gọi, và ảnh tượng Ngài mang – công tác Ngài làm ở mọi giai đoạn cho đến tận ngày nay – những điều này không tuân theo một quy định nào, và không phải chịu bất kỳ giới hạn nào. Ngài là Đức Giê-hô-va, nhưng Ngài cũng là Jêsus, cũng là Đấng Mê-si, và Đức Chúa Trời Toàn Năng. Công tác của Ngài có thể trải qua sự biến đổi dần dần, với những thay đổi tương ứng trong danh của Ngài. Không một danh xưng nào có thể đại diện đầy đủ cho Ngài, nhưng mọi danh Ngài được gọi đều có thể đại diện cho Ngài, và công tác Ngài làm trong từng thời đại đều đại diện cho tâm tính của Ngài.
– Khải tượng về công tác của Đức Chúa Trời (3), Lời, Quyển 1 – Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời
236. Vài người bảo rằng tên của Đức Chúa Trời không thay đổi. Vậy thì tại sao tên của Đức Giê-hô-va lại trở thành Jêsus? Điều đã được tiên tri là Đấng Mê-si sẽ đến, vậy thì tại sao một con người tên Jêsus lại đến? Tại sao tên của Đức Chúa Trời lại thay đổi? Chẳng phải việc này đã được thực hiện từ lâu sao? Chẳng lẽ Đức Chúa Trời ngày nay không thực hiện công tác mới hơn sao? Công tác của ngày hôm qua có thể được thay đổi, và công tác của Jêsus có thể tiếp tục từ công tác của Đức Giê-hô-va. Vậy thì công tác của Jêsus không thể được tiếp nối bởi công tác khác sao? Nếu tên của Đức Giê-hô-va có thể được chuyển thành Jêsus, vậy thì không phải tên của Jêsus cũng có thể được thay đổi sao? Điều này không có gì lạ; chỉ là mọi người quá khờ khạo mà thôi. Đức Chúa Trời sẽ mãi là Đức Chúa Trời. Bất kể công tác của Ngài thay đổi thế nào, và bất kể tên gọi của Ngài có thể thay đổi ra sao, thì tâm tính và sự khôn ngoan của Ngài sẽ mãi không thay đổi. Nếu ngươi tin rằng Đức Chúa Trời chỉ có thể được gọi bằng tên của Jêsus, thì kiến thức của ngươi quá hạn hẹp. Ngươi có dám khẳng định rằng Jêsus sẽ mãi là tên của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời sẽ mãi mãi và luôn luôn mang danh Jêsus, và rằng điều này sẽ không bao giờ thay đổi không? Ngươi có dám khẳng định chắc chắn rằng chính cái tên “Jêsus” đã khép lại Thời đại Luật pháp và cũng sẽ khép lại thời đại cuối cùng không? Ai có thể nói rằng ân điển của Jêsus có thể khép lại thời đại?
– Con người đã giới hạn Đức Chúa Trời theo quan niệm của mình sao có thể nhận lãnh sự mặc khải của Đức Chúa Trời được? Lời, Quyển 1 – Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời
237. Có thể nào danh Jêsus – “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” – đại diện cho toàn bộ tâm tính của Đức Chúa Trời không? Có thể nào nó nói rõ được đầy đủ về Đức Chúa Trời không? Nếu con người nói rằng Đức Chúa Trời chỉ có thể được gọi là Jêsus và không thể có bất kỳ danh nào khác bởi vì Đức Chúa Trời không thể thay đổi tâm tính của Ngài, thì những lời này quả thật là báng bổ! Ngươi có tin rằng danh Jêsus, Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta, một mình có thể đại diện cho toàn bộ Đức Chúa Trời được không? Đức Chúa Trời có thể được gọi bằng nhiều danh xưng, nhưng trong số nhiều danh xưng này, không một danh nào có thể tóm lược mọi điều về Đức Chúa Trời, không một danh nào có thể đại diện đầy đủ cho Đức Chúa Trời. Và vì vậy, Đức Chúa Trời có rất nhiều danh xưng, nhưng nhiều danh xưng này không thể nói rõ đầy đủ tâm tính của Đức Chúa Trời, vì tâm tính của Đức Chúa Trời quá phong phú đến nỗi nó đơn giản vượt quá khả năng hiểu biết của con người về Ngài. Sử dụng ngôn ngữ của loài người, con người không có cách nào để tóm lược đầy đủ về Đức Chúa Trời. Nhân loại chỉ có một vốn từ vựng hạn chế để tóm lược mọi điều họ biết về tâm tính của Đức Chúa Trời: vĩ đại, đáng kính, kỳ diệu, không thể dò lường, tối cao, thánh khiết, công chính, khôn ngoan, v.v. Quá nhiều từ! Vốn từ vựng hạn chế này không có khả năng mô tả chút ít những gì con người đã chứng kiến về tâm tính của Đức Chúa Trời. Theo thời gian, nhiều người khác đã thêm vào những từ mà họ nghĩ có thể mô tả tốt hơn sự sốt sắng trong lòng: Đức Chúa Trời quá vĩ đại! Đức Chúa Trời quá thánh khiết! Đức Chúa Trời quá đáng mến! Ngày nay, những câu nói như thế này của con người đã đạt đến cực hạn, nhưng con người vẫn không có khả năng bày tỏ rõ chính mình. Và vì vậy, đối với con người, Đức Chúa Trời có nhiều danh xưng, nhưng Ngài lại không có một danh xưng nào, và đó là do Đức Chúa Trời quá phong phú, còn ngôn ngữ của con người thì quá nghèo nàn. Một từ hay một danh xưng cụ thể không thể đại diện cho toàn bộ Đức Chúa Trời, vậy ngươi có nghĩ danh Ngài có thể nào cố định được không? Đức Chúa Trời vô cùng vĩ đại và vô cùng thánh khiết, thế mà ngươi sẽ không cho phép Ngài thay đổi danh Ngài trong mỗi thời đại mới sao? Do đó, trong từng thời đại mà Đức Chúa Trời đích thân làm công tác riêng của mình, Ngài dùng một danh xưng phù hợp với thời đại để tóm lược công tác Ngài dự định làm. Ngài dùng danh xưng cụ thể này, một danh xưng có ý nghĩa đương thời, để đại diện cho tâm tính của Ngài trong thời đại đó. Đây là Đức Chúa Trời dùng ngôn ngữ của loài người để bày tỏ tâm tính của chính Ngài. Ngay cả như vậy, nhiều người đã có những trải nghiệm thuộc linh và đã đích thân nhìn thấy Đức Chúa Trời, nhưng vẫn cảm thấy một danh xưng cụ thể này không thể đại diện cho toàn bộ Đức Chúa Trời – than ôi, đành vậy thôi – vì vậy, con người không còn gọi Đức Chúa Trời bằng bất kỳ danh xưng nào, mà chỉ đơn giản gọi Ngài là “Đức Chúa Trời”. Như thể tấm lòng của con người đầy tình yêu nhưng cũng đầy mâu thuẫn, vì con người không biết cách nào để giải thích Đức Chúa Trời. Những gì về Đức Chúa Trời quá phong phú đến nỗi đơn giản là không có cách nào để mô tả. Không một danh xưng nào có thể tóm lược tâm tính của Đức Chúa Trời, và không có một danh xưng nào có thể mô tả tất cả Đức Chúa Trời có gì và là gì. Nếu ai đó hỏi Ta rằng: “Chính xác thì Ngài dùng danh nào?” Ta sẽ bảo họ rằng: “Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời!” Chẳng phải đó là danh xưng tốt nhất dành cho Đức Chúa Trời sao? Chẳng phải đó là sự tóm lược tốt nhất về tâm tính của Đức Chúa Trời sao? Như vậy, tại sao các ngươi lại tốn quá nhiều công sức để tìm kiếm danh của Đức Chúa Trời? Tại sao các ngươi phải vắt óc suy nghĩ, mất ăn mất ngủ, tất cả chỉ vì một danh xưng? Sẽ đến ngày Đức Chúa Trời không được gọi là Đức Giê-hô-va, Jêsus, hay Đấng Mê-si – Ngài sẽ chỉ đơn giản là Đấng Tạo Hóa. Lúc đó, mọi danh xưng Ngài đã mang trên đất sẽ chấm dứt, vì công tác của Ngài trên đất đã kết thúc, sau đó những danh xưng của Ngài sẽ không còn nữa. Khi mọi thứ đều chịu sự thống trị của Đấng Tạo Hóa, thì Ngài cần gì một danh xưng rất phù hợp nhưng không đầy đủ nữa? Giờ đây ngươi vẫn đang tìm kiếm danh của Đức Chúa Trời sao? Ngươi vẫn dám nói rằng Đức Chúa Trời chỉ được gọi là Đức Giê-hô-va sao? Ngươi vẫn dám nói rằng Đức Chúa Trời chỉ có thể được gọi là Jêsus sao? Ngươi có thể gánh lấy tội báng bổ Đức Chúa Trời không? Ngươi nên biết Đức Chúa Trời ban đầu không có danh xưng. Ngài đã chỉ lấy một, hoặc hai, hoặc nhiều danh xưng vì Ngài có công tác phải làm và phải quản lý nhân loại. Bất kỳ danh xưng nào Ngài được gọi – chẳng phải chính Ngài đã tự do lựa chọn danh đó sao? Ngài có cần ngươi – một trong những loài thọ tạo của Ngài – quyết định điều đó không? Danh xưng Đức Chúa Trời được gọi là một danh xưng phù hợp với những gì con người có thể hiểu được, với ngôn ngữ của loài người, nhưng danh xưng này không phải là điều con người có thể khái quát hóa. Ngươi chỉ có thể nói rằng có một Đức Chúa Trời trên trời, rằng Ngài được gọi là Đức Chúa Trời, rằng Ngài là chính Đức Chúa Trời có quyền năng vĩ đại, Đấng quá khôn ngoan, quá cao quý, quá kỳ diệu, quá mầu nhiệm và quá toàn năng, và sau đó ngươi không thể nói thêm gì nữa; chút ít này là tất cả những gì ngươi có thể biết. Như vậy, chỉ đơn thuần danh Jêsus có thể đại diện cho chính Đức Chúa Trời được không? Khi thời kỳ sau rốt đến, mặc dù vẫn là Đức Chúa Trời làm công tác của Ngài, nhưng danh của Ngài phải thay đổi, vì đó là một thời đại khác.
– Khải tượng về công tác của Đức Chúa Trời (3), Lời, Quyển 1 – Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời
238. Mỗi lần Đức Chúa Trời đến thế gian, Ngài thay đổi danh xưng, giới tính, ảnh tượng, và công tác của mình; Ngài không lặp lại công tác của mình. Ngài là một Đức Chúa Trời luôn mới và không bao giờ cũ. Khi Ngài đến trước đây, Ngài đã được gọi là Jêsus; có thể nào lần này Ngài vẫn được gọi là Jêsus khi Ngài tái lâm? Khi Ngài đến trước đây, Ngài là nam; có thể nào lần này Ngài lại là nam không? Công tác của Ngài khi Ngài đến trong Thời đại Ân điển là chịu đóng đinh trên thập tự giá; khi Ngài tái lâm, lẽ nào Ngài vẫn cứu chuộc loài người khỏi tội lỗi? Lẽ nào Ngài lại bị đóng đinh trên thập tự giá? Chẳng phải như thế sẽ là lặp lại công tác của Ngài sao? Chẳng lẽ ngươi không biết rằng Đức Chúa Trời luôn mới và không bao giờ cũ sao? Có những người nói rằng Đức Chúa Trời là bất biến. Điều đó là chính xác, nhưng nó nói đến sự bất biến của tâm tính Đức Chúa Trời và thực chất của Ngài. Những thay đổi trong danh xưng và công tác của Ngài không chứng minh rằng thực chất của Ngài đã thay đổi; nói cách khác, Đức Chúa Trời sẽ luôn là Đức Chúa Trời, và điều này sẽ không bao giờ thay đổi. Nếu ngươi cho rằng công tác của Đức Chúa Trời không thay đổi, thì liệu Ngài có thể hoàn thành kế hoạch quản lý sáu nghìn năm của mình không? Ngươi chỉ biết rằng Đức Chúa Trời mãi mãi không thay đổi, nhưng ngươi có biết rằng Đức Chúa Trời luôn mới và không bao giờ cũ? Nếu công tác của Đức Chúa Trời không thay đổi, thì Ngài có thể dẫn dắt loài người đến tận ngày nay không? Nếu Đức Chúa Trời là bất biến, vậy thì tại sao Ngài đã thực hiện xong công tác của hai thời đại? Công tác của Ngài không bao giờ ngừng tấn tới, điều đó có nghĩa là tâm tính của Ngài dần dần được tỏ lộ cho con người, và những gì được tỏ lộ là tâm tính vốn có của Ngài. Ban đầu, tâm tính của Đức Chúa Trời đã bị ẩn giấu khỏi con người, Ngài không bao giờ công khai tỏ lộ tâm tính của mình cho con người, và con người hoàn toàn không biết gì về Ngài. Vì vậy, Ngài dùng công tác của mình để dần dần tỏ lộ tâm tính Ngài cho con người, nhưng làm việc theo cách này không có nghĩa là tâm tính của Đức Chúa Trời thay đổi trong mọi thời đại. Không phải là tâm tính của Đức Chúa Trời liên tục thay đổi bởi vì ý muốn của Ngài luôn thay đổi. Đúng hơn, đó là bởi những thời đại công tác của Ngài là khác nhau, Đức Chúa Trời mang toàn bộ tâm tính vốn có của Ngài, và từng bước tỏ lộ nó cho con người, hầu cho con người có thể biết Ngài. Nhưng điều này không thể là bằng chứng cho thấy ban đầu Đức Chúa Trời không có tâm tính riêng hoặc tâm tính của Ngài đã dần thay đổi qua các thời đại – cách hiểu như thế là sai lầm. Đức Chúa Trời tỏ lộ cho con người về tâm tính riêng vốn có của Ngài – Ngài là gì – qua các thời đại; công tác của một thời đại riêng lẻ không thể biểu lộ toàn bộ tâm tính của Đức Chúa Trời. Và vì vậy, những lời “Đức Chúa Trời luôn mới và không bao giờ cũ” nói về công tác của Ngài, và những lời “Đức Chúa Trời là bất biến” nói về Đức Chúa Trời vốn có gì và là gì. Dù sao đi nữa, ngươi không thể khiến công tác của sáu nghìn năm xoay quanh một điểm duy nhất, hoặc giới hạn nó bằng những lời đã chết. Đó là sự ngu ngốc của con người. Đức Chúa Trời không đơn giản như con người tưởng tượng, và công tác của Ngài không thể nấn ná trong bất kỳ thời đại nào. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va không thể luôn luôn đại diện cho danh của Đức Chúa Trời; Đức Chúa Trời còn có thể làm công tác của Ngài dưới danh Jêsus. Đây là một dấu hiệu cho thấy công tác của Đức Chúa Trời luôn tiến triển về phía trước.
Đức Chúa Trời luôn là Đức Chúa Trời, và Ngài sẽ không bao giờ trở thành Sa-tan; Sa-tan luôn là Sa-tan, và nó sẽ không bao giờ trở thành Đức Chúa Trời. Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, sự kỳ diệu của Đức Chúa Trời, sự công chính của Đức Chúa Trời, và sự oai nghi của Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ thay đổi. Thực chất của Ngài cùng những gì Ngài có và những gì về Ngài sẽ không bao giờ thay đổi. Tuy nhiên, đối với công tác của Ngài, nó luôn tiến triển về phía trước, luôn đi sâu hơn, vì Ngài luôn mới và không bao giờ cũ. Trong mỗi thời đại, Đức Chúa Trời mang một danh mới, trong mỗi thời đại, Ngài làm công tác mới, và trong mỗi thời đại, Ngài cho phép các loài thọ tạo của Ngài thấy được ý muốn mới và tâm tính mới của Ngài. Nếu trong một thời đại mới, mọi người không nhìn thấy sự biểu hiện tâm tính mới của Đức Chúa Trời, chẳng phải họ sẽ đóng đinh Ngài trên thập tự giá mãi mãi sao? Và bằng cách làm như vậy, chẳng phải họ sẽ định nghĩa Đức Chúa Trời sao?
– Khải tượng về công tác của Đức Chúa Trời (3), Lời, Quyển 1 – Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời
239. Nếu con người vẫn mong mỏi sự hiện đến của Jêsus Đấng Cứu Thế trong thời kỳ sau rốt, và vẫn mong chờ Ngài đến trong hình tượng mà Ngài đã mang lấy tại xứ Giu-đê, thì toàn bộ kế hoạch quản lý sáu nghìn năm hẳn sẽ dừng lại trong Thời đại Cứu chuộc, và không thể tiến triển xa thêm chút nào. Hơn thế nữa, thời kỳ sau rốt hẳn sẽ không bao giờ đến, và thời đại này hẳn sẽ không bao giờ kết thúc. Điều này là do Jêsus Đấng Cứu Thế chỉ dành cho sự cứu chuộc và cứu rỗi nhân loại. Ta đã lấy danh Jêsus chỉ vì lợi ích của tất cả tội nhân trong Thời đại Ân điển, nhưng đó không phải là danh mà bởi đó Ta sẽ kết thúc toàn thể nhân loại. Mặc dù Giê-hô-va, Jêsus và Đấng Mê-si đều đại diện cho Thần của Ta, nhưng những danh này chỉ biểu thị các thời đại khác nhau trong kế hoạch quản lý của Ta, và không đại diện toàn bộ về Ta. Những danh mà mọi người trên đất gọi Ta không thể diễn đạt toàn bộ tâm tính của Ta và mọi điều về Ta. Chúng chỉ đơn thuần là những danh khác nhau mà Ta được gọi trong các thời đại khác nhau. Và vì vậy, khi thời đại cuối cùng – thời đại của thời kỳ sau rốt – đến, danh Ta sẽ lại thay đổi. Ta sẽ không được gọi là Đức Giê-hô-va, hay Jêsus, càng không phải là Đấng Mê-si – Ta sẽ được gọi là chính Đức Chúa Trời Toàn Năng quyền năng, và với danh này, Ta sẽ chấm dứt toàn bộ thời đại. Ta đã từng được biết đến là Đức Giê-hô-va. Ta cũng đã được gọi là Đấng Mê-si, và mọi người đã từng gọi Ta là Jêsus Đấng Cứu thế với tình yêu thương và sự quý trọng. Tuy nhiên, ngày nay Ta không còn là Đức Giê-hô-va hay Jêsus mà mọi người đã biết trong quá khứ nữa; Ta là Đức Chúa Trời, Đấng đã trở lại trong thời kỳ sau rốt, Đức Chúa Trời sẽ chấm dứt thời đại. Ta chính là Đức Chúa Trời trỗi dậy từ địa cực, đầy đủ toàn bộ tâm tính của Ta, và đầy thẩm quyền, danh dự và vinh hiển. Mọi người chưa từng tiếp xúc với Ta, chưa từng biết đến Ta, và vẫn luôn không biết gì về tâm tính của Ta. Từ lúc sáng thế cho đến ngày nay, không một ai từng nhìn thấy Ta. Đây là Đức Chúa Trời, Đấng hiện ra cho con người trong thời kỳ sau rốt nhưng lại ẩn giấu giữa con người. Ngài cư ngụ giữa con người, chân thật và thực tế, như mặt trời thiêu đốt và ngọn lửa cháy rực, đầy dẫy quyền năng và tràn đầy thẩm quyền. Sẽ không có một người hay một vật gì không bị phán xét bởi những lời của Ta, và sẽ không có một người hay một vật gì không được làm cho thanh sạch thông qua sự thiêu đốt của ngọn lửa. Cuối cùng, mọi quốc gia sẽ được phước nhờ những lời của Ta, và cũng bị đập tan thành từng mảnh vì những lời của Ta. Theo cách này, tất cả mọi người trong thời kỳ sau rốt sẽ thấy rằng Ta là Đấng Cứu Thế tái lâm, và rằng ta là Đức Chúa Trời Toàn Năng chinh phục toàn thể nhân loại. Và tất cả sẽ thấy rằng Ta đã từng là của lễ chuộc tội cho con người, nhưng trong thời kỳ sau rốt Ta còn trở thành những tia mặt trời thiêu đốt mọi thứ, cũng như là Mặt Trời công chính phơi bày muôn vật. Đây là công tác của Ta trong thời kỳ sau rốt. Ta đã lấy danh này và sở hữu tâm tính này hầu cho tất cả mọi người có thể thấy rằng Ta là một Đức Chúa Trời công chính, mặt trời thiêu đốt, ngọn lửa cháy rực, và hầu cho tất cả có thể thờ phượng Ta, Đức Chúa Trời có một và thật, và hầu cho họ có thể nhìn thấy dung nhan thật của Ta: Ta không chỉ là Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên, và Ta không chỉ là Đấng Cứu Chuộc; mà Ta là Đức Chúa Trời của mọi tạo vật trên khắp các từng trời, đất và biển.
Nếu Đấng Cứu Thế đến trong thời kỳ sau rốt và vẫn được gọi là Jêsus, và một lần nữa được sinh ra ở xứ Giu-đê và làm công tác của Ngài ở đó, thì điều này sẽ chứng tỏ rằng Ta đã chỉ tạo dựng nên dân Y-sơ-ra-ên và chỉ cứu chuộc dân Y-sơ-ra-ên, và Ta chẳng liên quan gì đến dân ngoại. Chẳng phải điều này sẽ mâu thuẫn với những lời của Ta rằng “Ta là Chúa, Đấng đã tạo dựng nên trời đất và muôn vật” sao? Ta đã rời khỏi xứ Giu-đê và làm công tác của mình giữa dân ngoại vì Ta không chỉ đơn thuần là Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên, mà còn là Đức Chúa Trời của mọi muôn loài thọ tạo. Ta hiện ra giữa dân ngoại trong thời kỳ sau rốt bởi vì Ta không chỉ là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên, mà hơn thế nữa, vì Ta là Đấng Tạo Hóa của tất cả những người Ta chọn trong số dân ngoại. Ta đã không chỉ tạo dựng nên Y-sơ-ra-ên, Ê-díp-tô và Li-ban, mà còn tạo dựng nên tất cả các quốc gia dân ngoại ngoài Y-sơ-ra-ên. Vì điều này, Ta là Chúa của mọi tạo vật. Ta chỉ đơn thuần đã dùng Y-sơ-ra-ên làm điểm khởi đầu cho công tác của Ta, dùng xứ Giu-đê và Ga-li-lê làm thành trì cho công tác cứu chuộc của Ta, và giờ đây Ta sử dụng các quốc gia dân ngoại làm cơ sở mà từ đó Ta sẽ kết thúc toàn bộ thời đại. Ta đã thực hiện hai giai đoạn công tác ở Y-sơ-ra-ên (hai giai đoạn công tác này là Thời đại Luật pháp và Thời đại Ân điển), và Ta đang thực hiện thêm hai giai đoạn công tác nữa (Thời đại Ân điển và Thời đại Vương quốc) trên khắp những vùng đất bên ngoài Y-sơ-ra-ên. Giữa các quốc gia dân ngoại, Ta sẽ làm công tác chinh phục, và như vậy kết thúc thời đại. Nếu con người luôn gọi Ta là Jêsus Christ, nhưng lại không biết rằng Ta đã bắt đầu một thời đại mới trong thời kỳ sau rốt và đã bắt tay vào công tác mới, và nếu con người tiếp tục ám ảnh chờ đợi sự hiện đến của Jêsus là Đấng Cứu Thế, thì Ta sẽ gọi những người như thế là những người không tin vào Ta; họ là những người không biết Ta, và niềm tin của họ vào Ta là sai trật. Những người như thế có thể chứng kiến sự hiện đến của Jêsus Đấng Cứu Thế từ trời sao? Điều họ chờ đợi không phải là sự hiện đến của Ta, mà là sự hiện đến của Vua dân Do Thái. Họ không khao khát Ta hủy diệt thế giới xưa cũ ô uế này, mà thay vào đó lại mong mỏi lần hiện đến thứ hai của Jêsus, khi đó họ sẽ được cứu chuộc. Họ mong chờ Jêsus một lần nữa cứu chuộc toàn thể nhân loại khỏi vùng đất nhơ nhuốc và bất chính này. Làm sao những người như thế có thể trở thành những người hoàn thành công tác của Ta trong thời kỳ sau rốt? Những ham muốn của con người không có khả năng đáp ứng những mong muốn của Ta hoặc hoàn thành công tác của Ta, vì con người chỉ đơn thuần ngưỡng mộ hoặc trân trọng công tác mà Ta đã làm trước đây, và không biết rằng Ta chính là Đức Chúa Trời luôn luôn mới và không bao giờ cũ. Con người chỉ biết rằng Ta là Đức Giê-hô-va và Jêsus, mà không có chút ý niệm mơ hồ nào rằng Ta là Đấng của thời kỳ sau rốt, là Đấng sẽ kết thúc nhân loại. Tất cả những gì con người khao khát và hiểu biết đều xuất phát từ các quan niệm của riêng họ, và chỉ đơn thuần là thứ mà họ có thể nhìn thấy tận mắt. Nó không phù hợp với công tác Ta làm, mà bất đồng với nó.
– Đấng Cứu Thế đã trở lại trên một “đám mây trắng”, Lời, Quyển 1 – Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời