Công tác và sự bước vào (6)

Công tác và sự bước vào vốn thực tế; chúng đề cập đến công tác của Đức Chúa Trời và sự bước vào của con người. Việc con người hoàn toàn không có khả năng nhìn thấu diện mạo thật của Đức Chúa Trời và công tác của Đức Chúa Trời đã mang đến khó khăn tột bậc cho sự bước vào của họ. Đến nay, nhiều người vẫn không biết Đức Chúa Trời sẽ hoàn thành công tác gì trong thời kỳ sau rốt, hoặc tại sao Đức Chúa Trời đã chịu sự sỉ nhục tột cùng để đến trong xác thịt mà đồng cam cộng khổ với con người. Từ mục tiêu công tác của Đức Chúa Trời cho đến mục đích kế hoạch của Đức Chúa Trời cho thời kỳ sau rốt, con người hoàn toàn mù tịt về những điều này. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, con người luôn lãnh đạm và lập lờ[1] về sự bước vào mà Đức Chúa Trời yêu cầu ở họ, điều đã mang đến sự khó khăn tột bậc cho công tác của Đức Chúa Trời trong xác thịt. Có vẻ như tất cả mọi người đều sẽ trở thành những chướng ngại, và đến nay, họ vẫn không rõ ràng. Vì lý do này, Ta nghĩ chúng ta nên nói về công tác mà Đức Chúa Trời làm trên con người, và tâm ý thiết tha của Đức Chúa Trời, để làm cho tất cả các ngươi thành tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời, những người mà, giống như Gióp, sẽ thà chết còn hơn chối bỏ Đức Chúa Trời, chịu mọi sự sỉ nhục; và những người mà, như Phi-e-rơ, sẽ dâng trọn con người mình cho Đức Chúa Trời và trở thành những người thân cận được Đức Chúa Trời thu phục trong thời kỳ sau rốt. Giá như tất cả các anh chị em đều có thể dốc hết sức mình và dâng trọn con người mình cho ý chỉ của Đức Chúa Trời, trở thành những tôi tớ thánh khiết trong nhà Đức Chúa Trời, và vui hưởng lời hứa vô tận mà Đức Chúa Trời đã ban, để lòng Đức Chúa Cha có thể sớm được hưởng sự nghỉ ngơi bình yên. “Hoàn thành ý chỉ của Đức Chúa Cha” nên là phương châm của tất cả những ai yêu Đức Chúa Trời. Những lời này nên là kim chỉ nam cho sự bước vào của con người và là la bàn hướng dẫn những hành động của họ. Đây là quyết tâm mà con người nên có. Hoàn thành triệt để công tác của Đức Chúa Trời trên đất và phối hợp với công tác của Đức Chúa Trời trong xác thịt – đây là bổn phận của con người, cho đến một ngày, khi công tác của Đức Chúa Trời hoàn tất, con người sẽ vui vẻ chia tay Ngài khi Ngài sớm trở về với Cha trên trời. Chẳng phải đây là trách nhiệm mà con người nên thực hiện sao?

Trong Thời đại Ân điển, khi Đức Chúa Trời trở lại tầng trời thứ ba, công tác cứu chuộc toàn thể nhân loại của Đức Chúa Trời thật ra đã chuyển sang phần cuối. Tất cả những gì còn lại trên đất là cây thập tự mà Jêsus đã vác trên lưng, tấm vải liệm bọc lấy Jêsus, mão gai và áo điều mà Jêsus đã mặc (đây là những vật mà người Do Thái đã dùng để nhạo báng Ngài). Nghĩa là, sau khi công tác bị đóng đinh vào thập tự giá của Jêsus đã gây chấn động mạnh, sự việc đã bình ổn lại. Từ đó trở đi, các môn đồ của Jêsus bắt đầu tiếp nối công tác của Ngài, chăn dắt và chăm tưới trong các hội thánh ở khắp nơi. Nội dung công việc của họ như sau: Họ đã yêu cầu mọi người ăn năn, xưng tội, và chịu phép báp-tem; và tất cả các sứ đồ đã đi loan tin nội tình câu chuyện, một sự thuật lại không bị thêm thắt, về việc chịu đóng đinh vào thập tự giá của Jêsus, và vì vậy, mọi người không thể không phủ phục trước Jêsus để xưng tội; và hơn nữa, các sứ đồ đã đi khắp nơi để truyền đạt những lời Jêsus đã phán. Từ thời điểm đó, việc xây dựng các hội thánh trong Thời đại Ân điển đã bắt đầu. Những gì Jêsus đã làm trong thời đại đó cũng là nói về cuộc sống của con người và tâm ý của Cha trên trời, chỉ là, bởi vì đó là một thời đại khác, nên nhiều lời phán và sự thực hành khi ấy khác rất nhiều so với ngày nay. Tuy nhiên, về thực chất thì chúng y như nhau: Chúng đều là công tác của Thần Đức Chúa Trời trong xác thịt, đích xác như vậy. Dạng công tác và lời phán này đã tiếp tục đến tận ngày nay, và do đó, những việc kiểu như vậy vẫn đều có trong các tổ chức tôn giáo ngày nay, và không có gì thay đổi. Khi công tác của Jêsus khép lại và các hội thánh đã đi đúng hướng của Jêsus Christ, Đức Chúa Trời tuy thế đã bắt đầu kế hoạch của Ngài cho một giai đoạn khác trong công tác của Ngài, là việc Ngài đến trong xác thịt vào thời kỳ sau rốt. Như con người thấy, việc chịu đóng đinh vào thập tự giá của Đức Chúa Trời đã khép lại công tác nhập thể của Đức Chúa Trời, cứu chuộc toàn thể nhân loại, và cho phép Ngài nắm giữ chìa khóa vào âm phủ. Mọi người đều nghĩ công tác của Đức Chúa Trời đã được hoàn tất toàn bộ. Thực ra, đối với Đức Chúa Trời, chỉ một phần nhỏ công tác của Ngài đã được hoàn thành. Tất cả những gì Ngài đã làm là cứu chuộc nhân loại; Ngài chưa chinh phục nhân loại, huống chi thay đổi diện mạo Sa-tan của con người. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời phán: “Mặc dù xác thịt nhập thể của Ta đã trải qua sự đau đớn của cái chết, nhưng đó không phải là toàn bộ mục tiêu nhập thể của Ta. Jêsus là Con yêu dấu của Ta và đã bị đóng đinh vào thập tự giá vì Ta, nhưng Ngài đã không khép lại toàn bộ công tác của Ta. Ngài chỉ làm một phần trong đó”. Do vậy, Đức Chúa Trời đã bắt đầu vòng thứ hai của những kế hoạch để tiếp tục công tác nhập thể. Ý định sau cùng của Đức Chúa Trời là hoàn thiện và thu phục tất cả những người được cứu rỗi khỏi nanh vuốt của Sa-tan, đó là lý do Đức Chúa Trời đã chuẩn bị để bất chấp nguy hiểm đến trong xác thịt một lần nữa. Ý nghĩa của “sự nhập thể” đề cập đến Đấng không mang lại sự vinh hiển (bởi vì công tác của Đức Chúa Trời chưa hoàn tất), mà là Đấng xuất hiện trong thân phận Con yêu dấu, và là Đấng Christ, Đấng mà Đức Chúa Trời rất hài lòng. Đó là lý do tại sao nói rằng “bất chấp nguy hiểm”. Xác thịt nhập thể có rất ít quyền năng và phải hết sức cẩn trọng[2], quyền năng của Ngài kém xa thẩm quyền của Cha trên trời; Ngài chỉ thi hành chức vụ của xác thịt, hoàn thành công tác của Đức Chúa Cha và sự ủy nhiệm của Ngài mà không tham gia vào công tác khác, và Ngài chỉ hoàn thành một phần của công tác. Đây là lý do tại sao Đức Chúa Trời được gọi là “Đấng Christ” ngay khi Ngài đến thế gian – đó là ý nghĩa sâu xa của tên gọi. Sở dĩ nói rằng sự đến đi cùng với những thử thách là vì chỉ một phần công tác được hoàn thành. Hơn nữa, lý do Đức Chúa Cha chỉ gọi Ngài là “Đấng Christ” và “Con yêu dấu”, mà không ban cho Ngài mọi vinh hiển chính là vì xác thịt nhập thể đến để làm một phần công tác, chứ không đại diện cho Cha trên trời, mà đúng hơn là thi hành chức vụ của Con yêu dấu. Khi Con yêu dấu hoàn thành toàn bộ sự ủy nhiệm Ngài đã nhận lãnh trên vai, Cha khi ấy sẽ ban cho Ngài đầy đủ sự vinh hiển với thân phận là Cha. Có thể nói đây là “luật trời”. Bởi vì Đấng đã đến trong xác thịt và Cha trên trời đang ở hai cõi khác nhau, hai Ngài chỉ nhìn nhau trong Thần, Cha dõi theo Con yêu dấu nhưng Con không thể thấy Cha từ xa. Đó là vì những chức năng xác thịt có khả năng làm quá ít ỏi và Ngài có thể bị giết bất cứ lúc nào, do đó, có thể nói sự đến này đầy nguy hiểm tột bậc. Điều này tương đương với việc Đức Chúa Trời một lần nữa bỏ Con yêu dấu của Ngài vào nanh cọp, khi mạng sống của Ngài gặp nguy hiểm, đặt Ngài vào nơi mà Sa-tan tập trung nhiều nhất. Ngay cả trong những hoàn cảnh kinh khủng này, Đức Chúa Trời vẫn giao Con yêu dấu của Ngài cho những người ở một nơi đầy sự nhơ bẩn và phóng túng để họ “nuôi dạy Ngài trưởng thành”. Đó là bởi làm như vậy là cách duy nhất để khiến cho công tác của Đức Chúa Trời có vẻ phù hợp và tự nhiên, và đó là cách duy nhất để thực hiện tất cả những mong muốn của Đức Chúa Cha và hoàn thành phần công tác cuối của Ngài giữa nhân loại. Jêsus đã chỉ hoàn thành một giai đoạn công tác của Đức Chúa Cha không hơn. Bởi vì rào cản bởi xác thịt nhập thể và những sự khác biệt trong công tác phải được hoàn thành, nên chính Jêsus đã không biết rằng sẽ có một sự trở lại lần thứ hai trong xác thịt. Do đó, không có một nhà diễn giải Kinh Thánh hay tiên tri nào dám tiên báo rõ rằng Đức Chúa Trời sẽ nhập thể lần nữa trong thời kỳ sau rốt, nghĩa là, Ngài sẽ đến trong xác thịt lần nữa để thực hiện phần công tác thứ hai của Ngài trong xác thịt. Vì lẽ ấy, không ai nhận ra rằng Đức Chúa Trời từ lâu đã ẩn mình trong xác thịt. Không mấy ngạc nhiên, bởi chỉ sau khi Jêsus được phục sinh và thăng thiên, Ngài mới chấp nhận sự ủy nhiệm này, vì lẽ ấy, không có lời tiên tri rõ ràng về sự nhập thể lần hai của Đức Chúa Trời, và đó là điều không thể lường được đối với tâm trí con người. Trong tất cả các sách tiên tri trong Kinh Thánh, không có lời nào đề cập rõ điều này. Nhưng khi Jêsus đến để làm công tác, đã có một lời tiên tri rõ ràng, nói rằng một nữ đồng trinh sẽ có con, và sẽ hạ sinh một con trai, nghĩa là Ngài được thai dựng thông qua Đức Thánh Linh. Mặc dù vậy, Đức Chúa Trời vẫn phán rằng điều này xảy ra với rủi ro chết người, huống chi là rủi ro đối với trường hợp ngày nay? Thảo nào Đức Chúa Trời phán sự nhập thể này có nguy cơ gặp nguy hiểm lớn hơn hàng ngàn lần so với Thời đại Ân điển. Ở nhiều nơi, Đức Chúa Trời đã tiên tri rằng Ngài sẽ thu phục một nhóm người đắc thắng ở xứ Si-ni. Bởi vì chính ở phương Đông của thế giới mà những người đắc thắng sẽ được thu phục, nên nơi Đức Chúa Trời đặt chân đến trong lần nhập thể thứ hai của Ngài chắc chắn là xứ Si-ni, vị trí chính xác nơi con rồng lớn sắc đỏ nằm cuộn mình. Ở đó, Đức Chúa Trời sẽ thu phục các con cháu của con rồng lớn sắc đỏ để nó hoàn toàn bị đánh bại và hổ thẹn. Đức Chúa Trời sẽ đánh thức những người nặng trĩu đau khổ này, đánh thức cho đến khi họ hoàn toàn tỉnh thức, và khiến họ bước ra khỏi sương mù cũng như chối bỏ con rồng lớn sắc đỏ. Họ sẽ thức dậy sau cơn mộng, nhận ra bản chất của con rồng lớn sắc đỏ, trở nên có thể dâng trọn lòng mình cho Đức Chúa Trời, vươn dậy khỏi sự áp bức của các thế lực bóng tối, đứng lên ở phương Đông của thế giới, và trở thành bằng chứng cho chiến thắng của Đức Chúa Trời. Chỉ theo cách này, Đức Chúa Trời mới đạt được sự vinh hiển. Chỉ vì lý do này, Đức Chúa Trời đã đưa công tác đã kết thúc ở Y-sơ-ra-ên sang vùng đất nơi con rồng lớn sắc đỏ nằm cuộn mình, và gần hai ngàn năm sau khi rời đi, Ngài đã đến một lần nữa trong xác thịt để tiếp tục công tác của Thời đại Ân điển. Trong mắt trần của con người, Đức Chúa Trời đang khởi đầu công tác mới trong xác thịt. Nhưng trong mắt Đức Chúa Trời, thì Ngài đang tiếp tục công tác của Thời đại Ân điển, nhưng chỉ là sau một khoảng tạm ngừng vài ngàn năm, và chỉ là với một sự thay đổi về địa điểm và chương trình công tác của Ngài. Mặc dù hình ảnh mà thân thể xác thịt mang trong công tác của ngày nay có vẻ hoàn toàn khác với Jêsus, nhưng các Ngài đều đến từ cùng một thực chất và cội rễ, và các Ngài đến từ cùng một nguồn gốc. Có thể các Ngài có nhiều điểm khác nhau ở bề ngoài, nhưng những sự thật bên trong công tác của các Ngài hoàn toàn giống nhau. Suy cho cùng, các thời đại khác nhau như ngày với đêm. Vậy thì làm sao công tác của Đức Chúa Trời có thể theo một khuôn mẫu không đổi được? Hay làm sao những giai đoạn công tác khác nhau của Ngài có thể cản trở nhau được?

Jêsus đã mang diện mạo của một người Do Thái, theo cách ăn mặc của người Do Thái, và ăn thức ăn Do Thái mà lớn lên. Đây là phương diện con người bình thường của Ngài. Nhưng ngày nay, xác thịt nhập thể mang hình hài một công dân châu Á và lớn lên trong quốc gia của con rồng lớn sắc đỏ. Những điều này không hề mâu thuẫn với mục tiêu nhập thể của Đức Chúa Trời. Thay vào đó, chúng bổ sung cho nhau, hoàn thiện đầy đủ hơn ý nghĩa nhập thể thực sự của Đức Chúa Trời. Bởi xác thịt nhập thể được gọi là “Con người” hay “Đấng Christ”, vẻ ngoài của Đấng Christ ngày nay không thể được so sánh tương đồng với Jêsus Christ. Suy cho cùng, xác thịt này được gọi là “Con người” và trong hình ảnh của một thân thể xác thịt. Mỗi giai đoạn công tác của Đức Chúa Trời đều chứa đựng ý nghĩa vô cùng sâu xa. Lý do Jêsus được thai dựng bởi Đức Thánh Linh là vì Ngài sẽ cứu chuộc những tội nhân. Ngài phải không có tội. Nhưng chỉ đến cuối cùng, khi Ngài buộc phải trở nên hình tượng giống xác thịt tội lỗi và gánh lấy tội lỗi của những tội nhân, thì Ngài mới cứu rỗi họ khỏi cây thập tự bị rủa sả, cây thập tự mà Đức Chúa Trời đã dùng để hành phạt nhân loại (cây thập tự là công cụ của Đức Chúa Trời để rủa sả và hành phạt nhân loại; bất cứ khi nào đề cập đến sự rủa sả và hành phạt thì đều liên quan cụ thể đến những tội nhân). Mục tiêu là để làm cho tất cả những tội nhân ăn năn và, thông qua việc chịu đóng đinh vào thập tự giá, khiến họ phải xưng tội. Nghĩa là, để cứu chuộc toàn thể nhân loại mà Đức Chúa Trời đã nhập thể trong một thân thể xác thịt do Đức Thánh Linh thai dựng và gánh lấy tội lỗi của toàn thể nhân loại. Nói theo ngôn ngữ thường ngày là Ngài đã dâng một thân thể xác thịt thánh khiết để đổi lấy tất cả tội nhân, tương đương với việc Jêsus bị đặt làm một “của lễ chuộc tội” trước Sa-tan để “cầu khẩn” Sa-tan mang toàn thể nhân loại vô tội mà nó đã giày xéo và giao họ lại cho Đức Chúa Trời. Đó là lý do tại sao sự thai dựng bởi Đức Thánh Linh là cần thiết để hoàn thành giai đoạn này của công tác cứu chuộc. Đây là một điều kiện cần, một “hiệp ước hòa bình” trong trận chiến giữa Đức Chúa Cha và Sa-tan. Đó là lý do tại sao chỉ sau khi Jêsus bị giao cho Sa-tan, thì giai đoạn công tác này mới kết thúc. Tuy nhiên, công tác cứu chuộc của Đức Chúa Trời ngày nay đã đạt được một mức độ trọng đại chưa từng có trước kia, và Sa-tan không còn cớ gì để đưa ra những yêu cầu nữa, do vậy, Đức Chúa Trời không còn cần được thai dựng bởi Đức Thánh Linh để nhập thể. Bởi vì Đức Chúa Trời vốn thánh khiết và vô tội, nên Đức Chúa Trời trong sự nhập thể này không còn là Jêsus của Thời đại Ân điển. Tuy nhiên, Ngài vẫn đang nhập thể vì ý chỉ của Đức Chúa Cha và vì việc hoàn thành những mong muốn của Đức Chúa Cha. Chắc chắn đây không phải là một cách giải thích vô lý về các sự việc chứ? Sự nhập thể của Đức Chúa Trời có phải tuân theo một bộ quy tắc nhất định không?

Nhiều người tìm kiếm bằng chứng trong Kinh Thánh, hy vọng tìm được một lời tiên tri về sự nhập thể của Đức Chúa Trời. Làm sao con người, với những ý nghĩ rối rắm và rời rạc của mình, có thể biết được rằng Đức Chúa Trời từ lâu đã ngừng “hoạt động” trong Kinh Thánh và đã “nhảy vọt” ra khỏi phạm vi của nó để đảm nhận, với lòng say mê và khao khát, công tác mà Ngài đã lên kế hoạch từ lâu nhưng chưa bao giờ nói với con người? Con người quá thiếu ý thức. Sau khi nếm trải một chút ít tâm tính của Đức Chúa Trời, họ trèo lên một cái bục và ngồi trên “chiếc xe lăn” cao cấp, hoàn toàn thơ ơ, thẩm xét công tác của Đức Chúa Trời, thậm chí đi xa đến mức bắt đầu dạy dỗ Đức Chúa Trời bằng lời lẽ khoa trương và dông dài về mọi thứ trên đời. Nhiều “ông cụ” đeo kính đọc sách và vuốt râu, lần giở những trang ố vàng của cuốn “niên giám cũ” (Kinh Thánh) mà ông đã đọc cả đời. Với những lời lẩm bẩm và đôi mắt dường như ánh lên khí thế, lúc thì ông ta quay sang Sách Khải Huyền, lúc thì sách Đa-ni-ên, còn lúc thì sách I-sai-a, những sách quá nổi tiếng với mọi người. Nhìn chằm chằm vào từng trang giấy đầy những con chữ li ti, ông đọc thầm, trí óc ông không ngừng ngẫm nghĩ. Bất chợt bàn tay đang vuốt râu dừng lại và bắt đầu giật mạnh. Thỉnh thoảng, người ta nghe tiếng râu bị đứt. Hành vi bất thường như thế khiến người ta sửng sốt. “Tại sao lại dùng lực như thế? Ông ta nổi điên như vậy vì điều gì?” Nhìn ông cụ một lần nữa, chúng ta thấy lông mày ông đang dựng cả lên. Những sợi lông mày bạc đã rũ xuống, như lông ngỗng, chính xác là cách hai xentimet từ mi mắt ông cụ này, như thể tình cờ nhưng lại thật hoàn hảo, vì ông cụ cứ dán mắt vào những trang giấy trông như thể bị nấm mốc. Sau khi đọc lại đúng những trang đó vài lần, ông không thể không bật dậy và bắt đầu huyên thuyên như thể đang nói chuyện phiếm[3] với ai đó, mặc dù ánh mắt ông vẫn chưa rời cuốn niên giám. Bất chợt, ông đóng trang sách hiện tại và chuyển sang một “thế giới khác”. Những động tác của ông quá vội vã[4] và đáng sợ, gần như khiến mọi người bất ngờ. Ngay lúc đó, con chuột mà trước đó đã chui ra khỏi hang, và trong sự im lặng của ông, nó đang vừa bắt đầu cảm thấy đủ thư giãn để di chuyển tự do, thì giờ đây lại trở nên hoảng hốt bởi những động tác bất ngờ của ông đến nỗi nó chạy nhanh trở lại hang và biến mất trong đó như một làn khói, không bao giờ xuất hiện trở lại. Và bây giờ, tay trái của ông cụ trở lại với động tác vuốt râu vừa bị tạm dừng, lên lên xuống xuống. Ông rời khỏi chỗ ngồi, bỏ lại cuốn sách trên bàn. Gió lùa qua khe cửa chính và cửa sổ để mở, vô tình thổi cuốn sách đóng lại, và rồi lại mở ra. Có một sự đìu hiu khôn tả trong cảnh tượng này, và ngoại trừ âm thanh của những trang sách bị gió thổi kêu sột soạt, mọi loài thọ tạo dường như đã chìm vào im lặng. Ông cụ, với hai tay chắp sau lưng, đi tới đi lui trong phòng, lúc dừng, lúc đi, thỉnh thoảng lại lắc đầu, và miệng ông có vẻ lặp lại những từ: “Ôi! Lạy Đức Chúa Trời! Ngài sẽ thật sự làm điều đó sao?” Thỉnh thoảng ông cũng vừa nói vừa gật gù: “Lạy Đức Chúa Trời! Ai có thể dò lường công tác của Ngài? Chẳng phải thật khó để tìm kiếm dấu chân của Ngài sao? Con tin Ngài không làm những việc gây khó mà không có lý do chính đáng”. Ngay lúc đó, ông cụ nhíu chặt mày và nhắm nghiền mắt, tỏ vẻ bối rối, và cũng là một vẻ mặt vô cùng đau đớn tột bậc, như thể ông ta sắp thực hiện một phép tính chậm rãi và thận trọng. Ông cụ đáng thương! Đã sống cả đời và rồi “không may” gặp phải vấn đề này quá muộn. Có thể làm được gì ở đây chứ? Ta cũng bối rối và bất lực không thể làm bất cứ điều gì. Do ai mà cuốn niên giám cũ của ông ngả vàng theo thời gian? Do ai mà râu và lông mày ông không ngừng phủ như tuyết trắng lên những phần khác nhau trên mặt ông? Như thể râu ông đại diện cho thâm niên của ông. Ấy thế mà ai biết được con người có thể trở nên ngu ngốc đến mức tìm sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong một cuốn niên giám cũ? Một cuốn niên giám cũ có được bao nhiêu trang giấy? Nó có thể thật sự ghi lại tất cả những việc làm của Đức Chúa Trời với độ chính xác tuyệt đối không? Ai dám đảm bảo điều đó? Ấy thế mà con người thật sự nghĩ đến việc tìm kiếm sự xuất hiện của Đức Chúa Trời và thỏa mãn tâm ý của Đức Chúa Trời bằng cách chẻ nhỏ câu từ và phân tích tủn mủn[5], hy vọng nhờ đó mà bước vào sự sống. Liệu bước vào sự sống theo cách này có dễ dàng như nghe có vẻ không? Chẳng phải đây là lý luận sai lầm thuộc dạng phi lý ngớ ngẩn nhất sao? Ngươi không thấy điều này nực cười sao?

Chú thích:

1. “Lập lờ” ám chỉ con người không có sự thông sáng rõ ràng về công tác của Đức Chúa Trời.

2. “Có rất ít quyền năng và phải hết sức cẩn trọng” ám chỉ những khó khăn của xác thịt là quá nhiều, và công tác được thực hiện thì quá hạn chế.

3. “Nói chuyện phiếm” là phép ẩn dụ cho bộ mặt xấu xa của con người khi họ nghiên cứu công tác của Đức Chúa Trời.

4. “Vội vã” ám chỉ những động tác hăm hở, vội vàng của “ông cụ” khi ông tham khảo Kinh Thánh.

5. “Chẻ nhỏ câu từ và phân tích tủn mủn” được dùng để chế nhạo các chuyên gia ngụy biện, những người phân tích quá tỉ mỉ lời lẽ nhưng không tìm kiếm lẽ thật hay biết về công tác của Đức Thánh Linh.

Trước: Công tác và sự bước vào (5)

Tiếp theo: Công tác và sự bước vào (7)

Hồi chuông thời sau hết báo động đã vang lên, đại thảm họa đã ập xuống, bạn có muốn cùng gia đình nghênh đón được Thiên Chúa, và có cơ hội nhận được sự che chở của Thiên Chúa không?

Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời Về việc biết Đức Chúa Trời Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt Vạch rõ kẻ địch lại Đấng Christ The Responsibilities of Leaders and Workers Về việc mưu cầu lẽ thật I Về việc mưu cầu lẽ thật Sự phán xét khởi từ nhà Đức Chúa Trời Những lời trọng yếu từ Đức Chúa Trời Toàn Năng, Đấng Christ của thời kỳ sau rốt Lời Đức Chúa Trời hằng ngày Các thực tế lẽ thật mà người tin Đức Chúa Trời phải bước vào Theo Chiên Con và hát những bài ca mới Những chỉ dẫn cho việc truyền bá Phúc Âm của vương quốc Chiên của Đức Chúa Trời nghe tiếng của Đức Chúa Trời Lắng nghe tiếng Đức Chúa Trời thấy được sự xuất hiện của Đức Chúa Trời Những câu hỏi và câu trả lời thiết yếu về Phúc Âm của Vương quốc Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 1) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 2) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 3) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 4) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 5) Tôi đã quay về với Đức Chúa Trời Toàn Năng như thế nào

Cài đặt

  • Văn bản
  • Chủ đề

Màu Đồng nhất

Chủ đề

Phông

Kích cỡ Phông

Khoảng cách Dòng

Khoảng cách Dòng

Chiều rộng Trang

Mục lục

Tìm kiếm

  • Tìm kiếm văn bản này
  • Tìm kiếm cuốn sách này

Liên hệ với chúng tôi qua Messenger