Năm điều kiện cần đáp ứng để tiến vào đúng hướng của đức tin nơi Đức Chúa Trời

Trong tâm tính bại hoại của con người có một vấn đề chung, nó hiện diện trong nhân tính của tất cả mọi người, và là một vấn đề nghiêm trọng nhất. Vấn đề chung này là phần yếu đuối nhất, chí tử nhất trong nhân tính của họ, và trong thực chất bản tính của họ, nó là phần khó khai quật hoặc thay đổi nhất. Vấn đề này là gì? Là con người luôn muốn mình thành cao nhân, siêu nhân, hoàn hảo không khuyết điểm. Con người tự thân là loài thọ tạo. Loài thọ tạo có thể đạt được sự toàn năng sao? Họ có thể đạt được sự hoàn mỹ và không hề có tỳ vết không? Họ có thể đạt được sự thành thạo trong mọi thứ, hiểu được mọi thứ, nhìn thấu mọi thứ và có khả năng làm mọi thứ không? Họ không thể. Tuy nhiên, bên trong con người, có những tâm tính bại hoại, và một điểm yếu chí mạng: ngay khi mọi người học được một kỹ năng hoặc một nghề, thì họ cảm thấy rằng họ có khả năng, rằng họ là những người có địa vị và có giá trị, và họ là những nhà chuyên môn. Cho dù họ có tầm thường đến đâu, họ đều muốn tỏ ra như một bậc danh nhân hoặc cao nhân, biến mình thành một người nổi tiếng nào đó, và khiến người ta nghĩ rằng họ hoàn hảo và hoàn mỹ, không có một khuyết điểm nào; trong mắt người khác, họ muốn thành danh nhân, vĩ nhân, thành người mạnh mẽ, hùng mạnh, có khả năng làm bất cứ điều gì, không có gì họ không thể làm được. Họ cảm thấy rằng nếu họ tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác, thì họ sẽ tỏ ra không có khả năng, yếu đuối và kém cỏi, và mọi người sẽ coi thường họ. Vì lý do này, họ luôn muốn giữ một vỏ bọc. Một số người, khi được yêu cầu làm điều gì đó, thì nói rằng họ biết cách làm, trong khi họ thực sự không biết. Sau đó, họ bí mật tra cứu và cố học cách để làm điều đó, nhưng sau khi nghiên cứu nó trong vài ngày, họ vẫn không hiểu phải làm thế nào. Khi được hỏi đang tiến hành đến đâu rồi, họ nói: “Sắp rồi, sắp rồi!”. Nhưng trong thâm tâm, họ đang nghĩ: “Mình vẫn chưa xong, mình không biết gì cả, mình không biết phải làm gì! Mình không được để lộ ra, mình nhất định phải tiếp tục ra vẻ, mình không thể để người ta nhìn ra những thiếu kém và sự thiếu hiểu biết của mình, mình không thể để họ coi thường mình!”. Đây là vấn đề gì vậy? Đây là cố gắng giữ thể diện bằng mọi giá để rồi phải khổ. Đây là kiểu tâm tính gì vậy? Những người như thế kiêu ngạo vô cùng vô tận, họ đã mất hết lý trí. Họ không muốn giống như bao người khác, họ không muốn là người tầm thường, người bình thường, mà họ muốn là siêu nhân, muốn là một cao nhân, một người đầy năng lực. Đây thật là một vấn đề rất lớn! Đối với những nhược điểm, thiếu sót, sự ngu dốt, ngu ngốc và thiếu hiểu biết trong nhân tính bình thường, thì họ sẽ bưng bít nó, không để cho người khác thấy, rồi tiếp tục tự ngụy trang. Có một số người không nhìn ra được điều gì nhưng vẫn khẳng định trong lòng họ hiểu. Khi ngươi yêu cầu họ giải thích thì họ không thể. Sau khi người khác vừa giải thích điều đó, thì họ khẳng định rằng họ định nói y như vậy nhưng không kịp. Họ làm mọi cách để ngụy trang và cố làm ra vẻ mình giỏi giang. Ngươi nói xem, chẳng phải những người như này sống mơ mộng trên mây sao? Chẳng phải họ đang mơ sao? Họ không biết bản thân mình là ai, và họ cũng không biết sống bày tỏ ra nhân tính bình thường như thế nào. Họ chưa một lần nào hành động như những con người thực tế. Nếu ngươi sống mỗi ngày với đầu óc trên mây, làm việc cho có, không làm bất cứ điều gì một cách thực tế, luôn sống theo trí tưởng tượng của riêng mình, thì đây là rắc rối. Con đường nhân sinh mà ngươi chọn không đúng. Nếu ngươi làm điều này, thì cho dù ngươi tin vào Đức Chúa Trời như thế nào đi nữa, ngươi cũng sẽ không hiểu lẽ thật, và ngươi cũng sẽ không thể có được lẽ thật. Thành thật rằng mà nói, ngươi không thể đạt được lẽ thật bởi vì xuất phát điểm của ngươi sai. Ngươi phải học cách đi trên mặt đất và cách bước đi vững vàng, từng bước một. Nếu ngươi có thể bước đi, thì hãy bước đi; đừng cố gắng học cách chạy. Nếu ngươi có thể bước đi từng bước một, thì đừng cố gắng bước hai bước một. Ngươi phải hành xử với đôi chân mình đặt vững chắc trên mặt đất. Đừng cố gắng làm siêu nhân, vĩ nhân hay cao nhân. Con người bị tâm tính Sa-tan chi phối nên họ nuôi dưỡng những dã tâm và dục vọng ẩn sâu trong lòng mình. Họ không muốn sống với đôi chân trên mặt đất mà luôn muốn bay lên không trung, sống giữa những tầng mây. Chẳng phải họ đang mơ mộng sao? Người ta sống giữa không trung được không? Đấy là chốn của Sa-tan, không phải là nơi để con người sống. Đức Chúa Trời tạo ra con người từ cát bụi của địa cầu, Ngài bảo họ sống trên mặt đất, sống bình thường và có quy luật, học hỏi những hiểu biết thông thường về cách hành xử, học cách hành động, cách sống và cách thờ phượng Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đâu ban cho con người đôi cánh, Ngài cũng đâu có cho họ sống giữa không trung. Những kẻ lang thang giữa không trung là Sa-tan và đủ loại tà linh, đâu phải là con người. Nếu con người luôn có tham vọng này, luôn muốn trở thành siêu nhân, muốn biến thành một thứ gì đó khác, thì họ đang tự chuốc lấy rắc rối. Rất dễ để họ bị tẩu hỏa nhập ma! Trước hết, suy nghĩ và quan điểm này của ngươi sai lạc rồi. Nó phát xuất từ Sa-tan, hoàn toàn xa rời thực tế, hoàn toàn không tương hợp với yêu cầu của Đức Chúa Trời và hoàn toàn không có trong những lời của Đức Chúa Trời. Vậy suy nghĩ này là gì? Là luôn muốn thoát khỏi sự tầm thường, muốn xuất chúng, muốn trên mọi người khác, muốn tinh nhã không ai sánh bằng, muốn thành công vượt trội, muốn trở thành danh nhân, vĩ nhân và thần tượng trong lòng người ta, đây là những mục tiêu mà con người nên mưu cầu sao? Tuyệt đối là không. Trong toàn bộ lời Đức Chúa Trời, không có lời nào bảo con người mưu cầu trở thành siêu nhân, cường nhân, danh nhân hay vĩ nhân. Mọi thứ con người tưởng tượng này, không có gì là thật, không có gì tồn tại. Mưu cầu những thứ này là tự đào mộ chôn mình, càng mưu cầu chúng, ngươi càng nhanh chết. Đây là con đường dẫn đến sự diệt vong.

Vì Đức Chúa Trời đã phán rất nhiều lời rồi, các ngươi có biết những yêu cầu của Ngài đối với cách hành xử của con người chứ? (Thưa, Ngài muốn con người hành xử một cách thật thà.) (Thưa, Ngài muốn con người hành xử và hành động với đôi chân trên mặt đất, cần mẫn và không thu hút sự chú ý.) Dù đôi lời này đơn giản thôi, nhưng hầu hết mọi người đều không thể làm được, chỉ có những người trung thực mới có thể làm được. Thật ra, các ngươi có diễn đạt ra sao đi nữa thì nói ngắn gọn vẫn là Đức Chúa Trời yêu cầu con người phải trung thực. Chỉ có người trung thực mới có thể hành xử một cách thật thà, hành động với đôi chân trên mặt đất, không thu hút sự chú ý và cần mẫn, vậy nên làm người trung thực là việc đúng đắn và Đức Chúa Trời yêu thích người trung thực. Đức Chúa Trời ghét bỏ những kẻ giả dối. Những ai không hành xử thật thà, không hành động với đôi chân trên mặt đất, thì là kẻ giả dối. Nói như thế, các ngươi có hiểu không? Vậy nói Ta nghe, ngoài việc yêu cầu làm người trung thực, Đức Chúa Trời còn yêu cầu con người những điều gì nữa? (Thưa, họ phải hạ thấp bản thân.) Các ngươi nói “hạ thấp bản thân”, nhưng dùng từ này để mô tả con người liệu có hợp lý không? (Thưa, không hợp lý.) Tại sao lại không hợp lý? Nhân loại bị Sa-tan làm cho bại hoại, ban đầu vốn không có địa vị, ban đầu họ còn thua cả giòi bọ, vậy họ có thể hạ thấp bản thân thêm đến mức nào chứ? Nếu họ hạ thấp bản thân xuống thêm nữa, họ sẽ trở thành thứ gì? Họ chẳng trở thành ma quỷ hay súc sinh sao? Con người được Đức Chúa Trời tạo dựng, và hết thảy những ai được Đức Chúa Trời tạo dựng đều có bản năng con người. Với những thứ mà con người phải sở hữu, tức là những thứ thuộc về những cư xử và bộc lộ bình thường của họ, thì họ đều có thể đạt được. Trước hết, hãy nói về mừng, giận, buồn, vui, những cảm xúc của con người. Khi ai đó đau buồn hay sầu khổ, biểu hiện thông thường nhất là khóc. Nó là sự bộc lộ tự nhiên của nhân tính bình thường. Khi ngươi đau buồn hay thống khổ, ngươi có thể khóc, cứ để nước mắt tuôn ra. Đừng giả vờ. Có người nói rằng: “Tôi không khóc, tôi là nam tử hán, và nam nhi thì không dễ dàng rơi lệ!”. Người khác lại nói: “Dù là nữ nhi, nhưng tôi kiên cường. Tôi phải mạnh mẽ như đàn ông. Tôi sẽ là nữ anh hùng, chứ không phải phụ nữ yếu đuối”. Dạng suy nghĩ này có đúng đắn không? Đây là dạng nhân tính gì? Đây là giả vờ, không phải thật. Cái giả vờ thì không phải là sự bộc lộ của nhân tính bình thường, mà là hình tượng giả cho người khác thấy, hoàn toàn là sự bóp méo nhân tính bình thường. Vậy nên khi người ta có chuyện đau buồn hay lo âu, khi họ thở dài, khi họ lộ vẻ khá nghiêm trọng, hoặc khi họ không màng ăn uống, tất cả những chuyện này đều là sự bộc lộ nhân tính bình thường mà không một ai che đậy được. Khi gặp chuyện vui, người ta cười, đây cũng là sự bộc lộ bình thường. Có những người không dám cười to khi thấy vui. Họ luôn bịt miệng để che nụ cười, luôn sợ người khác giễu cợt. Như thế có bình thường không? (Thưa, không bình thường.) Đây cũng là giả vờ. Họ nghĩ là phụ nữ không được cười to ở nơi công cộng trước mặt đông người, nhất là không được để người ta thấy răng của mình, nếu không thì sẽ bị xem thường hoặc khinh thị, nên họ phải kiềm chế bản thân, không được tùy tiện. Đây là kết quả của sự giáo dục theo văn hóa truyền thống của Trung Quốc. Khi mừng, giận, buồn, vui của người ta bất thường thì người khác đâu thể thấy được những biểu đạt hay những nhu cầu trong nhân tính bình thường của họ. Dạng người này bình thường hay sao? (Thưa, họ không bình thường.) Chẳng phải trong suy nghĩ của họ có gì đó chi phối họ hay sao? Con người đã bị Sa-tan làm cho bại hoại quá đỗi. Họ là như thế, người không ra người, quỷ không ra quỷ. Đây là biểu hiện của những người bị bản tính ma quỷ chi phối. Họ cực kỳ giả tạo, giả vờ quá nhiều. Tại sao những người đã tin Đức Chúa Trời một vài năm mà lại hầu như chẳng thay đổi chút nào? Một mặt, người ta không có nhận thức chuẩn xác hay cái nhìn rõ ràng về con đường, các nguyên tắc, phương hướng và mục tiêu của việc làm người bình thường, họ cũng không thấy rõ con đường để mưu cầu lẽ thật. Mặt khác, dạng người này vô tri. Kể cả có sống đến bốn mươi, năm mươi tuổi, họ cũng chẳng biết gì về việc làm người trung thực, chẳng biết gì về những yêu cầu cần đạt được để sống thể hiện ra nhân tính bình thường. Điều này là bởi văn hóa truyền thống đã bén rễ quá sâu trong lòng người và họ luôn muốn làm ra vẻ mình là thánh nhân, vĩ nhân mà họ tưởng tượng, và nó khiến họ nhận thức mọi chuyện theo những cách kỳ quái, sai lầm và mù quáng. Giữa các ngươi không có những người như thế sao? Có người không bao giờ mở lòng với người khác, cũng không biết cách để nói về những suy nghĩ thâm sâu trong lòng. Họ dường như không có khó khăn gì, không hề tiêu cực hay yếu đuối, dường như họ chưa hề có bất kỳ khó khăn gì về lối vào sự sống. Họ không cần tìm kiếm bất kỳ điều gì, không cần thông công với người khác, cũng không cần sự cung ứng, giúp đỡ, hỗ trợ hay thông công từ bất kỳ ai. Họ dường như tự mình hiểu hết tất cả và có thể giải quyết bất kỳ chuyện gì. Khi ai đó hỏi xem họ đã bao giờ tiêu cực chưa, họ bảo: “Thỉnh thoảng tôi có tiêu cực, nhưng tôi cầu nguyện với Đức Chúa Trời, hạ quyết tâm, lập lời thề, rồi tôi ổn cả”. Đây là dạng người gì? Bề ngoài, có vẻ không có nhiều người như thế, nhưng trong thực tế, người có những tình trạng này không hề ít. Đến hôm nay, một người như thế chẳng biết tin Đức Chúa Trời nghĩa là gì. Họ nghĩ rằng tin Đức Chúa Trời chỉ có nghĩa là công nhận Ngài và làm người tốt, rồi đến một ngày họ sẽ “thành tiên đắc đạo” rồi vào thiên quốc, hệt như những lời lẽ của Phật giáo về lục căn thanh tịnh, thanh tâm quả dục. Họ nỗ lực, dốc sức theo hướng này, nhưng đây có phải là tin Đức Chúa Trời không? Đến tận bây giờ, họ chẳng biết tin Đức Chúa Trời là gì, cũng không biết phải mưu cầu điều gì, hoặc họ phải là dạng người nào. Bất kể đã nghe bao nhiêu bài giảng về lẽ thật, mục tiêu mưu cầu của họ vẫn không đổi, quan điểm của họ về việc tin Đức Chúa Trời vẫn không đổi. Đây là rắc rối lớn! Nếu ngươi còn không hiểu tin Đức Chúa Trời nghĩa là gì, thì làm sao ngươi có thể biết Đức Chúa Trời của ngươi là ai? Nếu ngươi còn không hiểu tin Đức Chúa Trời nghĩa là gì, thì làm sao ngươi có thể mưu cầu lẽ thật? Một người không hiểu gì về khải tượng của việc tin Đức Chúa Trời thì có thể nào yêu mến lẽ thật được không? Những ai không hiểu khải tượng của việc tin Đức Chúa Trời thì không thể đạt được lẽ thật. Hỏi dạng người này xem họ có yêu mến lẽ thật hay không thì chỉ là việc vô ích, họ đâu có hiểu việc tin Đức Chúa Trời hay mưu cầu lẽ thật là gì. Họ không hiểu những chuyện đó. Dù đã tin Đức Chúa Trời ba năm hay năm năm, tám năm hay mười năm, chẳng ai trong số họ hiểu được lẽ thật. Họ chỉ biết rằng tin Đức Chúa Trời nghĩa là làm người tốt, làm việc lành, tử tế và nhân đạo, và họ nghĩ đó là cách sống đáng trọng. Chẳng phải quan điểm này quá thiển cận và lạc hậu sao? Nó không tương hợp và hoàn toàn không liên quan gì đến những lẽ thật của việc tin Đức Chúa Trời. Người đã tin Đức Chúa Trời nhiều năm mà vẫn dùng những quan điểm, suy nghĩ và phương thức của người ngoại đạo, người theo Phật giáo, Đạo giáo mà tiếp cận chuyện tin Đức Chúa Trời, dựa vào các quan niệm truyền thống và tưởng tượng để đi con đường tin Đức Chúa Trời, lầm tưởng rằng nhận thức của họ là đúng đắn, nghĩ rằng tin Đức Chúa Trời như thế là cách duy nhất để mưu cầu lẽ thật, những người như vậy chẳng phải đang tự lừa dối mình sao?

Người Trung Quốc có nền tảng văn hóa truyền thống của Đạo giáo và Phật giáo. Dưới bóng nền tảng xã hội truyền thống lớn lao này, rất khó để người Trung Quốc giải phóng tư tưởng của họ khỏi những thứ này, vậy nên khi người Trung Quốc nói đến việc tin Đức Chúa Trời, những điều đầu tiên họ nghĩ đến là các quan điểm của Phật giáo và Đạo giáo về chuyện ăn chay niệm Phật, không sát sinh, bố thí và làm việc lành, giúp đỡ người khác, không đánh người chửi người, không giết người phóng hỏa, làm người tốt, vân vân. Vậy người ta phải mất bao lâu để loại bỏ những thứ này và hiểu được ý nghĩa thật sự của việc tin Đức Chúa Trời? Để hoàn toàn xoay chuyển những suy nghĩ và quan niệm sai lầm này, để hoàn toàn loại bỏ chúng, người ta cần mưu cầu sự hiểu biết về những lẽ thật nào? Chỉ bằng cách hiểu rõ những yêu cầu của Đức Chúa Trời và tin Đức Chúa Trời theo các nguyên tắc của lẽ thật thì người ta mới có thể bước vào con đường đúng đắn của việc tin Đức Chúa Trời, chỉ từ đó cuộc sống tin Đức Chúa Trời của họ mới chính thức bắt đầu. Nếu người ta vẫn còn mang trong lòng những điều mê tín phong kiến, những quan niệm, tưởng tượng, và quy định của tôn giáo truyền thống, vậy thì chúng chính là những thứ mà Đức Chúa Trời khinh ghét nhất. Họ phải tìm kiếm lẽ thật, phân định những điều này rồi từ bỏ chúng triệt để. Chỉ có người như thế mới yêu mến lẽ thật, mới nhận được công tác của Đức Thánh Linh. Chắc chắn là như vậy. Nếu ngươi không lấy lẽ thật trong lời Đức Chúa Trời làm căn cứ cho việc tin Ngài thì ngươi sẽ không bao giờ đạt được phước lành của Ngài. Một khi đã bước vào con đường đúng của việc tin Đức Chúa Trời, một khi đã bước qua được ngưỡng đó, thì tình trạng nội tâm của họ sẽ có thay đổi. Trước hết, suy nghĩ và quan điểm của họ không hão huyền, mà sẽ thực tế. Tình trạng, tâm tư và suy nghĩ của họ không trống rỗng, nhưng tương hợp với lẽ thật, hoàn toàn tương hợp với lời Đức Chúa Trời. Mục tiêu và phương hướng mưu cầu của họ không theo giáo điều, không vô hình hay hư ảo, mà là một điều tích cực, tương hợp với yêu cầu của Đức Chúa Trời và được Ngài khen ngợi. Toàn bộ tình trạng, tâm tư và suy nghĩ của họ đều thực tế và chân thực. Giờ ngươi tin Đức Chúa Trời, vậy tâm tư của ngươi nằm ở đâu? Nếu nó vẫn lơ lửng giữa không trung, không có định hướng chuẩn xác, nếu vẫn còn quá nhiều suy nghĩ không tương hợp với thực tế, nhiều suy nghĩ giáo điều sáo rỗng cùng đủ loại tư tưởng, quan niệm và tưởng tượng của con người, thì ngươi vẫn đang sống giữa không trung của tưởng tượng và không đáp xuống đất. Chuyện này rất nguy hiểm, bởi vì điều ngươi nghĩ và làm, những mục tiêu ngươi mưu cầu trong lòng chẳng liên quan gì đến lẽ thật của việc tin Đức Chúa Trời hoặc các yêu cầu của Ngài, không liên quan một chút nào. Vậy ngươi căn cứ điều gì để hành động? Ngươi căn cứ kinh nghiệm đúc kết của con người, các triết lý xử thế của con người, những điều mà ngươi học được từ xã hội, gia đình và đủ loại hoàn cảnh, cũng như những thứ mà ngươi tưởng tượng ra và đúc kết trong đầu. Ví dụ như khi gặp chuyện, ngươi hành động theo cách mà ngươi nghĩ là phải làm và ngươi nghĩ rằng làm thế là tương hợp với lẽ thật, nghĩ rằng những gì ngươi cho là đúng đắn và tích cực thì là lẽ thật. Đến một ngày, ngươi đâm đầu vào tường hoặc bị tỉa sửa, thì ngươi sẽ nhận ra rằng những hành động, quan điểm và tư tưởng của ngươi đều là quan niệm và tưởng tượng của con người, về căn bản không tương hợp với các nguyên tắc lẽ thật. Nói vậy nghĩa là, trước khi người ta chính thức đi vào con đường đúng đắn trong việc tin Đức Chúa Trời, nhiều việc họ làm chẳng liên quan gì đến các nguyên tắc lẽ thật. Chúng phát xuất từ trí óc và tưởng tượng của con người, từ những sở thích của họ, từ nhiệt tâm và nghị lực hoặc ước muốn và hy vọng tốt đẹp, thậm chí từ dục vọng của họ. Mọi điều này là xuất phát điểm và là căn nguyên hành động của con người.

Có tiêu chuẩn về những tình trạng nào mà người ta phải có để đi vào con đường đúng đắn trong việc tin Đức Chúa Trời, và tiêu chuẩn đó là họ phải có tình trạng bình thường khi trải nghiệm lời Đức Chúa Trời. Có người đã sống trong tình trạng này rồi, trong khi những người khác thì chưa bước vào tình trạng này, hoặc thỉnh thoảng có bước vào nhưng sau một thời gian lại trở về tình trạng cũ của mình. Vậy tình trạng này là gì? Là khi người ta, sau một khoảng thời gian trải nghiệm dựa vào nhiệt tâm, sở thích, quan niệm và tưởng tượng của bản thân, đột nhiên nhận ra rằng tin như thế này có vẻ không thể chấp nhận được, rằng họ không thể đạt được lẽ thật và tin như thế này thì chỉ là trống rỗng và phi thực tế. Họ nhận ra rằng bao lâu nay họ là một loài thọ tạo và họ phải là một loài thọ tạo thực sự, thật tâm thực hiện bổn phận của một loài thọ tạo bằng hết lòng và hết sức mình. Rồi họ bắt đầu hành động với đôi chân trên mặt đất, làm bổn phận bằng tất cả sự trung thành của mình. Khi hành động, họ bắt đầu suy ngẫm và tìm kiếm cách để hành động sao cho tương hợp với lẽ thật, sao cho thỏa mãn tâm ý của Đức Chúa Trời và được Ngài chấp nhận. Họ không hành động dựa trên quan niệm, tưởng tượng hay sở thích của mình. Chỉ đến thời điểm này, người ta mới có khao khát làm thỏa lòng Đức Chúa Trời và đền đáp tình yêu của Ngài. Vào thời điểm này, họ bắt đầu tìm kiếm lẽ thật, tìm kiếm tâm ý của Đức Chúa Trời và bắt đầu thỏa mãn những yêu cầu của Ngài. Khi ngươi có khao khát này, khi ngươi có tình trạng bình thường trong lòng, một mặt, ngươi đang đứng ở đúng vị trí của mình và làm một loài thọ tạo đích thực. Mặt khác, và là mặt chính yếu, ngươi thật sự tiếp nhận từ sâu trong lòng rằng Đức Chúa Trời là Chúa của ngươi và là Đức Chúa Trời của ngươi, và ngươi tiếp nhận mọi lời của Ngài, thấy chúng là lẽ thật. Ngươi cũng có thể thực hành và trải nghiệm lời Đức Chúa Trời, biến lời Ngài thành thực tế sự sống của ngươi, từ đó cho phép ngươi đạt được lẽ thật và sự sống. Khi ngươi có ý chí và khao khát này, cũng như có dạng nhu cầu này, và ngươi tiếp nhận lời Đức Chúa Trời cùng các yêu cầu của Ngài dành cho ngươi, khi ngươi muốn thuận phục Đức Chúa Trời và thỏa mãn tâm ý của Ngài, thì tình trạng sự sống của ngươi sẽ bắt đầu thay đổi. Bắt đầu từ thời điểm này, ngươi sẽ bước đi trên con đường đúng đắn trong việc tin Đức Chúa Trời.

Những lời ta đã thông công khi tổng kết lại thật ra rất đơn giản, đó là: một khi một người bắt đầu nhận ra mình là loài thọ tạo, thì người đó sẽ nảy sinh những hy vọng trở thành một loài thọ tạo đích thực để làm hài lòng Đức Chúa Trời. Đồng thời, những người như thế cũng sẽ chấp nhận Đức Chúa Trời làm Chúa của mình và Đức Chúa Trời của mình, mong muốn thuận phục mọi yêu cầu của Đức Chúa Trời, cũng như sự tể trị của Ngài. Do đó, họ sẽ thôi hành động bừa bãi, và sẽ tìm kiếm ý của Đức Chúa Trời cũng như tìm kiếm các nguyên tắc lẽ thật trong mọi việc họ làm. Họ sẽ không còn đơn thuần làm bất cứ điều gì mình muốn hay làm những việc theo kế hoạch của riêng mình nữa. Thay vì hành động dựa trên những ý tưởng cá nhân của mình, họ sẽ bắt đầu luôn có Đức Chúa Trời trong suy nghĩ của mình, và mong muốn chủ quan của họ sẽ là làm thỏa lòng Đức Chúa Trời trong mọi mặt, làm những việc phù hợp với lẽ thật và đáp ứng các yêu cầu của Đức Chúa Trời trong những hành động của mình. Những người ở trong trạng thái như thế chắc chắn đã bắt đầu học cách tìm kiếm lẽ thật, thực hành lẽ thật, và bước vào thực tế lẽ thật. Nếu ngươi ở trong trạng thái như thế và có được ý chí như thế, thì rất tự nhiên rằng ngươi sẽ bắt đầu học cách tìm kiếm tâm ý của Đức Chúa Trời, và bắt đầu tìm cách sao cho không làm ô danh Đức Chúa Trời, tôn Đức Chúa Trời là vĩ đại, kính sợ Đức Chúa Trời, và cách làm thỏa lòng Đức Chúa Trời; thay vì thỏa mãn tư dục hoặc thỏa mãn người nào khác, ngươi cố gắng làm thỏa lòng Đức Chúa Trời. Khi người ta bước vào tình trạng này, là họ đang sống trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời và không còn bị tâm tính bại hoại chỉ đạo. Khi ngươi bước vào tình trạng này, những sự ngươi nghĩ đến trong những ý nguyện chủ quan của ngươi sẽ là những điều tích cực. Ngay cả khi thỉnh thoảng ngươi bộc lộ một tâm tính bại hoại, thì ngươi sẽ ý thức về nó và sẽ có thể phản tỉnh, tìm kiếm lẽ thật để giải quyết nó. Do đó, mặc dù ngươi vẫn còn tâm tính bại hoại, thì tâm tính bại hoại của ngươi sẽ không còn có thể dẫn dắt mọi sự của ngươi, không còn có thể khống chế ngươi. Vào thời điểm này, lẽ thật của lời Đức Chúa Trời chẳng ngự trị trong ngươi sao? Ngươi không sống trong lời Đức Chúa Trời sao? Hiện tại, các ngươi đều có thể để lẽ thật nắm quyền trong lòng mình không? Điều này tùy thuộc vào việc ngươi có ý chí mưu cầu lẽ thật hay không. Nếu người ta hiểu rõ nhiều lẽ thật thì lẽ thật sẽ tự nhiên nắm quyền trong lòng họ. Nếu họ không hiểu nhiều lẽ thật, hoặc có quá nhiều độc chất Sa-tan, thì họ không thể để lẽ thật nắm quyền trong lòng họ. Có nhiều người sẵn lòng thực hành lẽ thật, nhưng khi gặp chuyện, họ vô thức khoa trương bản thân, mưu cầu danh lợi và địa vị, không biết kiềm chế hay kiểm soát gì, và họ để tâm tính bại hoại bộc lộ tùy ý nó. Tình trạng này là gì? Là khi người ta hiểu quá ít lẽ thật, vóc giạc họ quá nhỏ, và họ không thể thắng vượt xác thịt hay thế lực của Sa-tan. Rất khó để dạng người này cho phép lẽ thật nắm quyền trong lòng họ. Vậy nên, mưu cầu lẽ thật không phải là chuyện đơn giản, và không có vài năm trải nghiệm thì rất khó để giải quyết vấn đề tâm tính bại hoại. Ví dụ như, có người rất giả dối, không bao giờ nói ra những suy nghĩ thâm sâu trong lòng và không thể nói được dù chỉ một lời nói thật. Bất kể họ bàn luận chuyện gì, nói ra bao nhiêu lời, họ đều không nói cho rõ ràng, luôn nói vòng vo và không kiểm soát được bản thân. Đứng trước những tâm tính bại hoại của mình, trước thực chất bản tính Sa-tan tà ác của mình, người ta bộc lộ bản thân mình quá tầm thường, yếu đuối, vô lực và bó tay hết cách, nên họ thường phạm tội, phạm sai lầm và tiêu cực. Chuyện này là gì đây? (Thưa, họ không bước đi đúng đường trong việc tin Đức Chúa Trời.) Họ không bước đi đúng đường trong việc tin Đức Chúa Trời, câu này ngụ ý gì? (Thưa, là họ không hiểu rằng mình là loài thọ tạo, không sẵn lòng thuận phục và làm thỏa lòng Đức Chúa Trời.) Đây là hậu quả do việc không mưu cầu lẽ thật. Các ngươi ở trong tình trạng này, vậy các ngươi có thể nói mình chưa bắt đầu bước vào thực tế lẽ thật không? (Thưa, có.) Người chưa bước vào thực tế lẽ thật có được tính là đã đạt được lẽ thật hay không? (Thưa, không.) Người chưa đạt được lẽ thật thì có lẽ thật trong lòng không? (Thưa, không có.) Không có lẽ thật, người ta chẳng hành động dựa theo những tâm tính bại hoại của họ sao? Vậy để làm việc tích cực trong khi thực hiện bổn phận, người ta phải có điều gì? Họ cần phải hiểu lẽ thật hay không? Nếu người ta không thể thực hành lẽ thật trong khi làm bổn phận, thay vào đó chỉ biết hành động theo ý mình, vậy tính chất chuyện này là gì? Đây không phải là đem sức lực phục vụ sao? Nó đâu có khác gì Đức Chúa Trời thuê một người ngoại đạo đem sức lực phục vụ cho Ngài. Nếu ngươi không mưu cầu lẽ thật, không bước vào thực tế lẽ thật, thì ngươi đang đem sức lực phục vụ. Nói Ta nghe, Đức Chúa Trời cam tâm nhìn dân Ngài muốn cứu rỗi chỉ đem sức lực phục vụ Ngài mà không thực hành theo lời Ngài để đạt được ơn cứu rỗi sao? (Thưa, Ngài không cam tâm.) Tại sao Ngài không cam tâm? (Thưa, Đức Chúa Trời tạo ra con người để Ngài có thể thu phục họ.) Đúng, Đức Chúa Trời tạo ra con người để thể hiện chính Ngài, hơn nữa còn để thu phục họ. Tại sao Đức Chúa Trời không hài lòng khi người ta chỉ đem sức lực phục vụ cho Ngài? (Thưa, bởi vì hành động của người ta đâu phải là điều Đức Chúa Trời muốn.) Vậy Đức Chúa Trời muốn gì? (Thưa, Đức Chúa Trời muốn lòng thành của con người.) Đem sức lực phục vụ cho Đức Chúa Trời tự nó không thành tâm sao? Bất kể ngươi đem sức lực phục vụ có thành tâm thật ý hay không, nếu ngươi không mưu cầu lẽ thật thì dù ngươi có đem sức lực phục vụ cả đời cũng không đạt được lẽ thật. Nếu ngươi không đạt được lẽ thật, nghĩa là ngươi không đạt được Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời không thu phục được ngươi, vậy nên việc đem sức lực phục vụ mà ngươi dâng lên chẳng có giá trị hay ý nghĩa gì. Bất kể ngươi đem sức lực phục vụ bao nhiêu năm, nếu ngươi không mưu cầu lẽ thật và Đức Chúa Trời không thu phục được ngươi, nghĩa là ngươi vẫn chống đối Đức Chúa Trời. Ai gây ra chuyện này? Do bản thân người ta không dốc sức để hợp tác, tự người ta không mưu cầu lẽ thật, căn nguyên chỉ có vậy. Từ khía cạnh thực tế, có thể giải thích việc Đức Chúa Trời không thu phục được ai đó như thế nào? Là họ luôn có ý định riêng khi làm bổn phận, không dâng lòng cho Đức Chúa Trời, nên lòng họ không hướng về Ngài, không dành cho Ngài. Họ không quan tâm đến tâm ý của Ngài, càng không cố thực hiện tốt bổn phận để làm thỏa lòng Ngài. Giải thích đơn giản nhất là người này không thành tâm với Đức Chúa Trời, nên họ tuyệt đối không có chút hy vọng nào. Đức Chúa Trời dò xét con người để xem họ có thành tâm tin Ngài hay không. Ngài muốn sự thành tâm. Thành tâm nghĩa là gì? (Thưa, là có tấm lòng hướng về Đức Chúa Trời, tấm lòng thuận phục Đức Chúa Trời.) Đúng là thế. Nếu người ta không có lòng hướng về Đức Chúa Trời, thuận phục Ngài, thì có thể gọi họ là người tốt không? Đức Chúa Trời có thể thích người như thế không? Người không đồng lòng với Đức Chúa Trời thì liệu có đưa lẽ thật vào thực hành được không? Các ngươi có tấm lòng thuận phục Đức Chúa Trời không? Các ngươi có thể đứng về phía Đức Chúa Trời trong mọi sự không? Lòng các ngươi có hướng về Đức Chúa Trời không? Nói rằng các ngươi không có chút thành tâm nào thì bất công cho các ngươi, nhưng nói rằng các ngươi thật sự căm hận Sa-tan, có thể chống lại Sa-tan và hoàn toàn hướng về Đức Chúa Trời thì cũng không đúng. Điều này đòi hỏi các ngươi có tấm lòng thuận phục Đức Chúa Trời, mưu cầu lẽ thật và đạt được thêm nhiều nhận thức về lẽ thật. Đức Chúa Trời muốn người ta có loại tấm lòng nào? Trước hết, tấm lòng này phải trung thực, phải có thể thật thà làm bổn phận với đôi chân trên mặt đất, có thể bảo vệ công tác của hội thánh, không còn những “chí hướng lớn lao” hay “mục tiêu cao ngất”. Khi họ đi theo và thờ phượng Đức Chúa Trời, mỗi một bước đều để lại dấu chân, họ hành xử như loài thọ tạo, không còn mưu cầu làm cao nhân hay vĩ nhân, càng không mong làm người có dị năng, không tôn sùng những người ngoài hành tinh. Hơn nữa, lòng họ phải yêu mến lẽ thật. Trên hết, yêu mến lẽ thật nghĩa là gì? Nghĩa là yêu những điều tích cực, có ý thức chính nghĩa, có thể thành tâm dâng mình cho Đức Chúa Trời, thật sự yêu kính Ngài, thuận phục Ngài và làm chứng về Ngài. Dĩ nhiên, các ngươi chỉ có thể đạt được những điều này sau khi hiểu được lẽ thật. Người có dạng tấm lòng như thế này là người có nhân tính bình thường. Người có nhân tính bình thường thì ít nhất phải có lương tâm và lý trí. Làm sao để xác định một người có lương tâm và lý trí? Nếu lời nói và việc làm của họ về căn bản tương hợp với các tiêu chuẩn của lương tâm và lý trí, thì từ quan điểm của con người, họ là người tốt, là người đạt tiêu chuẩn chấp nhận được. Nếu họ còn có thể hiểu lẽ thật và hành động theo các nguyên tắc lẽ thật, thì họ đang làm tròn các yêu cầu của Đức Chúa Trời, vốn cao hơn tiêu chuẩn của lương tâm và lý trí. Có người nói rằng: “Con người được Đức Chúa Trời tạo dựng! Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sinh khí, và chính Đức Chúa Trời cung ứng, nuôi dưỡng và dẫn dắt chúng ta trưởng thành. Người có lương tâm và lý trí thì không được sống vì bản thân hay vì Sa-tan, mà phải sống vì Đức Chúa Trời, phải làm bổn phận của mình”. Đúng là thế, nhưng đó là một phác thảo thô, một dàn bài rộng. Khi nói đến chi tiết về cách sống vì Đức Chúa Trời trong thực tế, thì nó liên quan đến lương tâm và lý trí. Vậy làm sao để người ta sống vì Đức Chúa Trời? (Thưa, làm tròn bổn phận mà một loài thọ tạo phải làm.) Đúng. Hiện giờ, mọi việc các ngươi làm là thực hiện bổn phận của con người, nhưng thực ra, các ngươi làm việc đó vì ai? (Thưa, vì Đức Chúa Trời.) Vì Đức Chúa Trời, đây chính là hợp tác với Ngài! Sự ủy thác mà Đức Chúa Trời giao cho các ngươi chính là bổn phận của các ngươi! Nó là chuyện được Đức Chúa Trời mệnh định, tiền định và tể trị, nói cách khác, chính Đức Chúa Trời giao nhiệm vụ này cho ngươi và muốn ngươi hoàn thành. Vậy làm cách nào để ngươi có thể dựa vào lương tâm mình để hoàn thành và làm tốt nó? (Thưa, chúng con phải dốc hết mọi nỗ lực.) Các ngươi phải dốc hết mọi nỗ lực, đó là một biểu hiện của việc dựa vào lương tâm của mình. Hơn nữa, các ngươi phải dốc hết lòng và làm tròn trách nhiệm của mình, không được ứng phó chiếu lệ. Đức Chúa Trời đặt kỳ vọng và sự nỗ lực trả giá của Ngài trên chúng ta. Thấy Đức Chúa Trời đã tiền định rằng chúng ta phải thực hiện trách nhiệm này và thực hiện bổn phận của mình thì chúng ta không được phụ lòng Ngài, khiến Ngài thất vọng hay làm Ngài đau lòng. Chúng ta phải làm tròn bổn phận của mình và có lời đáp hoàn hảo, thỏa đáng cho Đức Chúa Trời. Chúng ta dựa vào Đức Chúa Trời trong việc mình không làm được, chúng ta học thêm về chuyên môn của mình và tìm kiếm thêm về các nguyên tắc lẽ thật. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự sống, nên chúng ta phải làm tốt bổn phận của mình, sống ngày nào thì phải làm tốt bổn phận của ngày đó. Chúng ta phải đặt điều mà Đức Chúa Trời ủy thác cho mình làm nhiệm vụ hàng đầu, đưa việc thực hiện bổn phận lên việc hàng đầu trong cuộc đời để hoàn thành bổn phận cho tốt. Dù không mưu cầu sự hoàn hảo, nhưng chúng ta có thể dốc sức vì lẽ thật, và hành động dựa trên lời Đức Chúa Trời và các nguyên tắc lẽ thật, để chúng ta có thể làm thỏa lòng Đức Chúa Trời, khiến Sa-tan phải hổ thẹn và để chúng ta không có gì phải hối tiếc. Đây là thái độ mà người tin Đức Chúa Trời phải có đối với bổn phận. Khi ngươi sống đến 40, 50 tuổi, hoặc 70, 80 tuổi, lúc nhìn lại những việc ngươi đã làm khi còn trẻ và vô tri, ngươi sẽ thấy dù tuổi đời chưa cao, nhưng ngươi đã làm mọi việc một cách tận tâm, tận lực, luôn hành động dựa trên lương tâm, không phụ lòng Đức Chúa Trời, không khiến Ngài thất vọng hay đau lòng, và trong lòng ngươi tiếp nhận sự dò xét và kiểm soát của Đức Chúa Trời. Khi mọi chuyện này hoàn tất và ngươi nộp bài thi hoàn thiện cho Đức Chúa Trời, Ngài sẽ phán: “Dù ngươi không làm đến mức tuyệt vời, kết quả của ngươi chỉ trung bình, nhưng ngươi đã dốc hết sức lực và không sao lãng bổn phận”. Đây không phải là hành động dựa theo lương tâm của ngươi sao? Vậy khi người ta thường xuyên bộc lộ sự bại hoại, có những chọn lựa, dục vọng và sở thích riêng của mình, thậm chí đến mức hoàn toàn vi phạm tiêu chuẩn của lương tâm mình, đánh mất nhân tính bình thường, thì phải làm gì? Ngươi phải cầu nguyện với Đức Chúa Trời, chống lại bản thân, không được để những thứ đó kìm hãm ngươi hoặc khống chế lương tâm và lý trí của ngươi. Khi lương tâm của ngươi có thể chỉ huy hành động, cuộc sống và sự sống của ngươi, thì ngươi sẽ dễ vượt qua những dục vọng ích kỷ của xác thịt và sẽ có thể đạt được khía cạnh này của lẽ thật. Đây là điều tối thiểu mà ngươi phải có. Về việc Đức Chúa Trời muốn dạng tấm lòng nào của con người, Ta đã phán về bao nhiêu khía cạnh rồi? (Thưa, ba khía cạnh: một tấm lòng trung thực, một tấm lòng yêu mến lẽ thật, và việc có lương tâm và lý trí.) Trong chuyện về một tấm lòng trung thực và yêu mến lẽ thật còn nhiều chi tiết nữa, sau này, các ngươi nên suy ngẫm và tổng kết nó. Tối thiểu, con người phải có lương tâm và lý trí mà một người có nhân tính bình thường phải có. Nếu ai đó không có lương tâm và lý trí, thì họ mất nhân tính bình thường của mình rồi, họ không thể làm tốt việc gì, không thể hoàn thành việc gì và cuối cùng, họ sẽ thất bại hoàn toàn. Nhưng nếu họ chỉ có lương tâm và lý trí, nếu họ sống dựa trên lương tâm và không làm việc ác gì, liệu như thế có tương đương với đi đúng đường trong việc tin Đức Chúa Trời không? Họ có thể được Đức Chúa Trời khen ngợi khi chỉ sống dựa trên lương tâm và lý trí không? Tuyệt đối không thể.

Đi đúng đường trong việc tin Đức Chúa Trời còn đòi hỏi ngươi có một tấm lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Trước hết, nói về địa vị, con người là loài thọ tạo, rất thấp hèn, còn Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, chí cao vô thượng. Nói theo lý trí của con người, thì người ta phải làm gì để kính sợ Đức Chúa Trời? Giả dụ như có chuyện xảy ra với ngươi, và ngươi nghĩ rằng hành động theo cách này là đi ngược với lẽ thật, nhưng ngươi không biết mình phải làm gì để tương hợp với tâm ý của Đức Chúa Trời. Nếu ngươi có lòng kính sợ Đức Chúa Trời thì ngươi sẽ làm gì? Ngươi phải cầu nguyện với Đức Chúa Trời, tìm kiếm lẽ thật, tìm ra con đường thực hành lẽ thật, rồi hành động. Nếu ai đó không có lòng kính sợ Đức Chúa Trời, họ sẽ hành xử thế nào? Họ sẽ muốn gì làm nấy, nghĩ rằng: “Trong bất kỳ trường hợp nào, tôi đều có ý tốt, nên tôi làm thế này là ổn cả”. Họ không muốn bất kỳ ai khuyên bảo, cũng không chịu nghe ai, họ quyết định làm bất kỳ điều gì họ vạch ra cho mình, không có chuyện gì ngăn họ được. Đây mà là người có tấm lòng kính sợ Đức Chúa Trời sao? (Thưa, không phải.) Có những người dù biết Đức Chúa Trời thích người trung thực và biết họ không được nói dối, nhưng lại nghĩ rằng trong một số việc, nếu nói thật thì sẽ mất thể diện, tổn hại đến lợi ích và thậm chí mất địa vị. Họ nghĩ tới nghĩ lui rồi vẫn nói dối, nghĩ bụng rằng: “Nói dối một lần đâu có là gì, đâu phải mình nói dối suốt. Kể cả mình có nói dối, cũng đâu có hậu quả gì, nên nếu mình nói dối thêm lần nữa cũng sẽ không sao đâu”. Sau khi tính toán xong, họ quyết định hành động, và họ không thấy có gì đáng khiển trách trong lòng, cũng không muốn cầu nguyện và tiếp nhận sự dò xét của Đức Chúa Trời. Đây mà là người có tấm lòng kính sợ Đức Chúa Trời sao? (Thưa, không phải.) Vậy nếu ai đó có lòng kính sợ Đức Chúa Trời, họ sẽ hành xử thế nào? (Thưa, họ sẽ không hành động khinh suất hoặc tùy ý.) Hai từ này khá phù hợp. Vậy làm sao để thực hành việc không hành động khinh suất hay tùy ý? (Thưa, phải có lòng tìm kiếm.) Khi đối mặt với một vấn đề, một số người tìm kiếm câu trả lời từ người khác, nhưng khi người kia nói theo lẽ thật thì họ lại không tiếp nhận, họ không thể thuận phục và trong lòng họ nghĩ: “Bình thường mình tốt hơn anh ta. Nếu mình nghe theo đề nghị của anh ta lần này, chẳng phải sẽ trông như anh ta vượt trội hơn mình sao? Không, mình không thể nghe theo anh ta về vấn đề này. Mình sẽ cứ làm theo cách của mình”. Sau đó, họ tìm một lý do và một cái cớ để hạ bệ quan điểm của người kia. Là dạng tâm tính gì khi một người nhìn thấy ai đó giỏi hơn họ và họ cố gắng hạ bệ người đó, tung tin đồn về người đó hoặc sử dụng những phương tiện đê hèn để bôi nhọ và phá ngầm danh tiếng của người đó – thậm chí là chà đạp người đó – để bảo vệ vị trí của chính họ trong tâm trí mọi người? Đây không chỉ là sự kiêu ngạo và tự phụ, mà còn là tâm tính của Sa-tan, là một tâm tính độc ác. Việc người này có thể tấn công và cô lập những người giỏi hơn và mạnh hơn họ là thật quỷ quyệt và tà ác. Và việc họ sẽ không từ bất cứ việc gì để hạ bệ người khác cho thấy rằng họ đầy quỷ tính! Sống theo tâm tính của Sa-tan, họ có thể hạ thấp mọi người, hãm hại và trừng trị người ta. Chẳng phải đây là hành ác sao? Và sống như vậy, họ vẫn nghĩ rằng họ ổn, rằng họ là một người tốt – ấy thế mà khi họ thấy ai đó giỏi hơn mình, họ có thể trừng trị người đó, chà đạp người đó. Vấn đề ở đây là gì? Những người có khả năng làm việc ác như thế chẳng phải là quá trắng trợn và hoành hành ngang ngược hay sao? Những người như vậy chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình, họ chỉ coi trọng cảm xúc của riêng mình, tất cả những gì họ muốn là đạt được những mong muốn, tham vọng và mục tiêu của riêng họ. Họ không quan tâm đến việc họ gây ra bao nhiêu thiệt hại cho công tác của hội thánh, và họ thà hy sinh lợi ích của nhà Đức Chúa Trời để bảo vệ địa vị của họ trong tâm trí mọi người và danh tiếng của riêng họ. Chẳng phải những người như thế này kiêu ngạo và tự nên công chính, ích kỷ và đê hèn sao? Những người như vậy không chỉ kiêu ngạo và tự nên công chính, họ còn cực kỳ ích kỷ và đê hèn. Họ hoàn toàn không quan tâm đến tâm ý của Đức Chúa Trời. Những người như vậy có kính sợ Đức Chúa Trời chút nào không? Họ không có chút kính sợ nào đối với Đức Chúa Trời. Đây là lý do tại sao họ hành động một cách bừa bãi và làm bất cứ điều gì họ muốn, không chút cảm giác tội lỗi, không hề băn khoăn, không hề e sợ hay lo lắng, và không cân nhắc đến hậu quả. Đây là điều họ thường làm, và cách họ đã luôn cư xử. Bản chất của hành vi như thế là gì? Nói một cách nhẹ nhàng, những người như vậy quá đố kỵ và có tham muốn quá mãnh liệt về danh tiếng và địa vị cá nhân; họ quá giả dối và thâm hiểm. Nói một cách gay gắt hơn, bản chất của vấn đề là lòng dạ của những người như vậy không hề kính sợ Đức Chúa Trời dù chỉ một chút. Họ không sợ Đức Chúa Trời, họ tin chỉ có họ là vĩ đại, và họ xem mọi khía cạnh của bản thân họ là cao hơn Đức Chúa Trời và cao hơn lẽ thật. Trong lòng họ, Đức Chúa Trời không đáng đề cập và tầm thường, và Đức Chúa Trời không hề có bất kỳ địa vị nào trong lòng họ. Những người không có chỗ cho Đức Chúa Trời trong lòng họ, và những người không kính sợ Đức Chúa Trời, có thể đưa lẽ thật vào thực hành không? Tuyệt đối không. Như vậy, khi họ thường xuyên đi loanh quanh khiến mình bận rộn một cách vui vẻ và dốc nhiều sức lực, thì họ đang làm gì? Những người như thế thậm chí tuyên bố đã từ bỏ mọi thứ để dâng mình cho Đức Chúa Trời và đã chịu khổ rất nhiều, nhưng thật ra, động cơ, nguyên tắc, và mục tiêu của tất cả những hành động của họ là vì lợi ích của địa vị và uy tín của riêng họ, của việc bảo vệ tất cả những lợi ích của họ. Các ngươi có nói rằng dạng người này là khủng khiếp hay không? Người đã tin Đức Chúa Trời nhiều năm nhưng lại không kính sợ Đức Chúa Trời là dạng người gì? Chẳng phải họ kiêu ngạo sao? Chẳng phải họ là Sa-tan sao? Và những thứ gì không kính sợ Đức Chúa Trời nhất? Không kể loài súc sinh, thì đó là những kẻ ác và những kẻ địch lại Đấng Christ, những kẻ cùng loại với ma quỷ và Sa-tan. Họ không hề tiếp nhận lẽ thật; họ không có lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Họ có khả năng làm bất kỳ việc ác nào; họ là kẻ thù của Đức Chúa Trời, và là kẻ thù của dân được Ngài chọn.

Trong cuộc sống thường nhật, trong những chuyện nào, các ngươi có lòng kính sợ Đức Chúa Trời? Và trong những chuyện nào, ngươi không như vậy? Ngươi có thể ghét ai đó khi họ xúc phạm ngươi hoặc động chạm đến lợi ích của ngươi không? Và khi ngươi ghét ai đó, ngươi có thể trừng phạt họ và trả thù không? (Thưa, có.) Vậy thì ngươi khá đáng sợ! Nếu ngươi không có lòng kính sợ Đức Chúa Trời, có thể làm việc ác, vậy thì tâm tính hung ác của ngươi quá nghiêm trọng rồi! Yêu và ghét là những điều mà nhân tính bình thường nên có, nhưng ngươi phải phân biệt rõ ràng giữa những gì ngươi yêu và những gì ngươi ghét. Trong lòng ngươi, ngươi nên yêu Đức Chúa Trời, yêu lẽ thật, yêu những điều tích cực và yêu các anh chị em mình, nhưng trái lại, ngươi nên ghét ma quỷ và Sa-tan, ghét những điều tiêu cực, ghét những kẻ địch lại Đấng Christ và ghét những kẻ ác. Nếu ngươi có thể đàn áp và báo thù anh chị em của mình vì sự căm ghét thì rất đáng sợ, và đây là tâm tính của một kẻ ác. Một số người chỉ có những suy nghĩ và ý tưởng căm ghét – những ác niệm, nhưng họ sẽ không bao giờ làm bất cứ việc ác nào. Họ không phải là kẻ ác, vì khi gặp chuyện, họ có thể tìm kiếm lẽ thật và để tâm đến các nguyên tắc về cách hành xử và xử lý mọi chuyện. Khi tương tác với người khác, họ không ép người khác; nếu họ hòa hợp với ai thì sẽ tiếp tục tương tác với họ; nếu họ không hòa hợp với ai thì sẽ thôi tương tác. Nó không hề ảnh hưởng đến việc thực hiện bổn phận hay lối vào sự sống của họ. Đức Chúa Trời ở trong lòng họ và họ kính sợ Ngài. Họ không sẵn lòng xúc phạm đến Đức Chúa Trời và họ sợ làm như thế. Mặc dù những người này có thể ấp ủ những tư tưởng và ý niệm không đúng nhưng họ có thể chống lại và buông bỏ chúng. Họ kiềm chế trong các hành động của mình, không thốt ra một lời nào vượt quá giới hạn hay xúc phạm Đức Chúa Trời. Người nói và hành động theo cách này là người có các nguyên tắc và là người thực hành lẽ thật. Ngươi có thể không tương hợp tính cách với ai đó, và ngươi có thể không thích họ, nhưng khi ngươi làm việc cùng với họ, ngươi vẫn giải quyết việc công và không trút những cơn bực bội của mình vào bổn phận hoặc vào lợi ích của nhà Đức Chúa Trời; ngươi có thể xử lý công chuyện theo nguyên tắc. Đây là biểu hiện của điều gì? Đây là biểu hiện của việc có lòng kính sợ cơ bản đối với Đức Chúa Trời. Nếu ngươi có nhiều hơn như thế một chút, khi ngươi thấy rằng người khác có khiếm khuyết hay điểm yếu, thì ngay cả khi họ đã xúc phạm ngươi hay có thành kiến với ngươi, ngươi vẫn đối xử với họ một cách đúng đắn và yêu thương giúp đỡ họ. Điều này có nghĩa là có tình yêu trong ngươi, rằng ngươi là một người sở hữu nhân tính, rằng ngươi là một người tốt bụng và có thể thực hành lẽ thật, rằng ngươi là một người trung thực sở hữu những thực tế lẽ thật, và rằng ngươi là một người có lòng kính sợ đối với Đức Chúa Trời. Nếu ngươi tuy vẫn có vóc giạc nhỏ bé nhưng có ý chí, và sẵn lòng phấn đấu cho lẽ thật, nỗ lực làm việc theo nguyên tắc, và ngươi có thể xử sự và đối đãi với người khác một cách có nguyên tắc, thì điều này cũng được coi là có chút kính sợ đối với Đức Chúa Trời; đây là điều cơ bản nhất. Nếu ngươi thậm chí không thể đạt được điều này, và không thể kiềm chế bản thân, thì ngươi đang gặp nguy hiểm lớn và ngươi khá đáng sợ. Nếu ngươi được giao cho một chức vụ cao, thì ngươi có thể trừng phạt mọi người và gây khó khăn cho họ; sau đó ngươi sẽ có thể trở thành một kẻ địch lại Đấng Christ bất cứ lúc nào. Bất kể người ta tốt hay xấu, tin Đức Chúa Trời như thế nào hay bước đi con đường gì, họ đều sẽ bị phơi bày trong vòng vài năm. Ngươi phải đối xử với họ một cách có nguyên tắc, bất chấp kết quả sẽ thế nào, bất chấp họ đáng được thưởng hay bị phạt, đó là chuyện của Đức Chúa Trời. Chỉ cần ngươi có thể phân định và đối xử với họ theo nguyên tắc là được. Bất kể ngươi đang kết giao với ai, chừng nào Đức Chúa Trời chưa quy định dạng kết cuộc nào mà những người đó sẽ có, hội thánh chưa khai trừ họ, và Đức Chúa Trời chưa trừng phạt họ, và họ đang được cứu rỗi, thì ngươi nên giúp họ một cách kiên nhẫn, bằng tình yêu thương; ngươi đừng nên tự quyết định kết cục cho những người như thế, cũng không nên dùng phương tiện của con người để trừng phạt họ. Nếu họ có những sự bộc lộ bại hoại, ngươi có thể tỉa sửa những người như thế, hoặc ngươi có thể thành thật mở lòng mình và thông công để giúp họ. Tuy nhiên, nếu ngươi dự tính trừng phạt, tẩy chay, và gài tội những người này, muốn thay trời hành đạo, thì ngươi sẽ gặp rắc rối. Liệu làm như thế có phù hợp với lẽ thật không? Việc có những ý nghĩ như thế là kết quả của sự nóng nảy; những ý nghĩ đó đến từ Sa-tan và phát xuất từ sự oán giận của con người, cũng như từ lòng đố kỵ và ghen ghét của con người. Cách hành xử như thế không tuân theo lẽ thật. Đây là điều sẽ mang lại sự báo ứng trên ngươi, và ngươi không được làm thế. Có phải các ngươi có khả năng nghĩ ra nhiều cách khác nhau để trừng phạt mọi người bởi vì các ngươi không thích họ hay bởi vì họ không hòa hợp với mình không? Trước đây các ngươi đã từng làm điều gì kiểu như thế chưa? Các ngươi đã làm bao nhiêu những điều như vậy? Chẳng phải các ngươi luôn gián tiếp coi thường mọi người, đưa ra những lời phê bình gay gắt và mỉa mai họ sao? Các ngươi đang ở trong trạng thái nào khi các ngươi làm những việc như thế? Lúc đó, các ngươi đang trút giận và cảm thấy vui; các ngươi đã chiếm thế thượng phong. Tuy nhiên, sau đó ngươi nghĩ thầm: “Mình đã làm một việc đáng khinh như thế. Mình không kính sợ Đức Chúa Trời và mình đã đối xử quá bất công với người đó”. Trong thâm tâm, các ngươi có cảm thấy tội lỗi không? (Thưa, có.) Mặc dù các ngươi không kính sợ Đức Chúa Trời, nhưng ít nhất các ngươi cũng có ý thức nào đó về lương tâm. Vậy thì, liệu các ngươi vẫn có khả năng làm điều này một lần nữa trong tương lai không? Liệu ngươi vẫn có thể tấn công và tìm cách trả thù người khác bất cứ khi nào ngươi ghét họ và không hòa thuận với họ, hoặc bất cứ khi nào họ không nghe lời hoặc thuận theo ngươi không? Một người làm chuyện như thế thì sở hữu loại nhân tính gì? Về mặt nhân tính, họ là người hiểm độc. Đánh giá trên tiêu chí của lẽ thật, họ không tôn kính Đức Chúa Trời. Người như thế không có nguyên tắc trong lời nói và hành động, hành xử bừa bãi, muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Người như thế có thực tế lẽ thật không? Dĩ nhiên là không, câu trả lời là “không”, tuyệt đối một trăm phần trăm. Liệu một người không có lòng kính sợ Đức Chúa Trời thì có thể thật sự thuận phục Ngài và thờ phượng Ngài không? Chắc chắn là không thể.

Có người nói rằng: “Khi thấy thảm họa đến, tôi thường xuyên cầu nguyện với Đức Chúa Trời, không dám rời Đức Chúa Trời giây phút nào, tôi xin Đức Chúa Trời hướng dẫn và bảo vệ. Khi đi trên đường một mình ban đêm, khi gặp nguy hiểm, tôi luôn cậy dựa vào Đức Chúa Trời, không dám rời xa Ngài, và tôi xin Ngài cứu giúp tôi. Khi làm bổn phận, tôi liên tục cầu nguyện với Đức Chúa Trời trong lòng và xin Ngài nhiều điều, để Ngài sẽ không để tôi làm việc chiếu lệ, và để Ngài nắm quyền. Tôi đã thử làm vậy rồi, và nếu Đức Chúa Trời không ra tay thì tôi chẳng thể làm gì, tự thân tôi chẳng là gì cả”. Đây có phải là người có tấm lòng kính sợ Đức Chúa Trời không? (Thưa, không phải.) Cậy dựa vào Đức Chúa Trời là sai lầm sao? Xin Đức Chúa Trời bảo vệ là sai lầm sao? Những lời này không phải là sai lầm, nhưng dạng tình trạng này là bất thường. Nó nghĩa là ngươi chỉ tìm Đức Chúa Trời vì ngươi không có gì để cậy dựa, không có chốn nào để đi, trong chuyện này, ngươi bị ép buộc và không còn lựa chọn nào, ngươi muốn lợi dụng Đức Chúa Trời làm nhiều việc cho ngươi để ngươi đạt được những mục đích của mình. Vậy mà là kính sợ Đức Chúa Trời sao? Một khi bình an vô sự, là ngươi sẽ hoàn toàn quên bẵng Đức Chúa Trời. Khi ngươi hạnh phúc nhất, khi ngươi đầy thành công, khi địa vị của ngươi cao vượt mọi người khác nên họ tâng bốc và tôn sùng ngươi, sao khi đó ngươi không cậy dựa Đức Chúa Trời? Sao khi đó ngươi không tiếp nhận sự dò xét của Đức Chúa Trời, không tìm sự hướng dẫn của Ngài? Sao khi đó ngươi không hỏi Đức Chúa Trời xem mọi việc ngươi làm có hợp tâm ý của Ngài không? Khi ngươi làm việc ác, khi ngươi đề cao và làm chứng cho bản thân, sao ngươi không hỏi Đức Chúa Trời xem làm thế có hợp tâm ý của Ngài không? Sao khi đó ngươi không phản tỉnh, không cậy dựa vào Đức Chúa Trời để kiềm chế bản thân? Đây là dạng vấn đề gì? Mọi tình trạng này gọi là gì? Là không có tấm lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Một người không có lòng kính sợ Đức Chúa Trời thì có làm tròn bổn phận được không? Họ có trở thành người tốt thật sự được không? Họ có thể bước vào thực tế lẽ thật không? (Thưa không, họ không thể.) Họ thật sự không thể. Không có lòng kính sợ Đức Chúa Trời thì dù có muốn họ cũng tuyệt đối không thể làm tròn bổn phận, cũng không thể đưa lẽ thật vào thực hành, không thể thuận phục Đức Chúa Trời. Không có lòng kính sợ Đức Chúa Trời, thì không dễ để thực hành lẽ thật. Nếu họ muốn làm tròn bổn phận, chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn và quấy nhiễu, và họ không thể thành công trong việc đưa lẽ thật vào thực hành. Hiện giờ, các ngươi phải tĩnh tâm và suy nghĩ một lát. Dựa trên vóc giạc hiện thời của các ngươi, vẫn rất khó để các ngươi thực hiện bổn phận đạt tiêu chuẩn chấp nhận được, bởi vì đa số các ngươi chỉ nắm bắt được câu chữ và đạo lý và quy định, cũng như có một số khao khát, lý tưởng và nhiệt tâm. Nhưng xuất phát điểm và tiêu chuẩn thực hành của các ngươi không được thiết lập trên nền tảng là lời Đức Chúa Trời. Các ngươi vẫn chưa thực sự bước vào thực tế lẽ thật, các ngươi chỉ đang giữ quy định mà thôi. Nếu các ngươi không mưu cầu lẽ thật, thì trong tương lai, tình hình sẽ rất nguy hiểm cho các ngươi. Nếu các ngươi tin Đức Chúa Trời mà không thực hành lẽ thật, không thuận phục Đức Chúa Trời, thì sớm hay muộn, các ngươi sẽ bị đào thải. Việc người ta tin thật hay giả không được đánh giá dựa trên số năm, các ngươi tin Đức Chúa Trời nhiều năm, trong một thời gian dài, không có nghĩa là các ngươi tin thật và Đức Chúa Trời sẽ chấp thuận các ngươi. Đến cuối cùng, Đức Chúa Trời sẽ không công nhận những ai không thực hành lẽ thật. Ngài sẽ tỏ lộ họ và đào thải họ. Các ngươi phải hiểu được điều này.

Chúng ta vừa thông công về bốn điều kiện cần đạt được để bước vào con đường đúng đắn trong việc tin Đức Chúa Trời. Nhưng còn một điều kiện nữa, điều kiện cuối cùng và quan trọng nhất, cũng là một điều mà các ngươi thường nói. Hãy ngẫm nghĩ một lát xem đó có thể là gì. (Thưa, là yêu kính Đức Chúa Trời.) Tạm thời, chúng ta sẽ không bàn đến việc kính yêu Đức Chúa Trời, hầu hết mọi người đều chưa đủ trình độ. Hãy bàn đến một chuyện thực tế và thiết thực hơn, liên quan đến lẽ thật mà người ta thật sự có thể với tới. (Thưa, là thuận phục Đức Chúa Trời.) Chính xác. Là việc có tấm lòng thuận phục Đức Chúa Trời. Khi gặp chuyện, hầu như lúc nào người ta cũng không biết các nguyên tắc thực hành đúng, cũng không biết nên theo hướng nào, nên nỗ lực hướng đến mục tiêu nào. Nhưng ở đây, có một vấn đề về thái độ và trạng thái: họ phải có tấm lòng thuận phục Đức Chúa Trời. Đây là điều mà người ta cần có nhất. Ví dụ như, ngươi gặp chuyện và không biết phải làm gì, cũng không có ai bảo ngươi phải làm gì. Vấn đề này có lẽ không tương hợp với quan niệm và tưởng tượng của ngươi, có lẽ không thật sự là thứ ngươi thích, nên trong lòng ngươi có sự chống đối và ngươi hơi buồn bực. Vậy, ngươi phải làm gì? Có một cách thực hành đơn giản nhất, đó là trước hết phải thuận phục. Sự thuận phục không phải là hành động hay lời nói bề ngoài, không phải là tuyên bố trên môi miệng, mà chuyện này có cả một trạng thái trong đó. Chuyện này hẳn không lạ gì với các ngươi. Dựa trên trải nghiệm thực tế của chính mình, các ngươi nghĩ khi thật sự thuận phục thì người ta sẽ nói năng, hành động, suy nghĩ như thế nào, có trạng thái và thái độ gì? (Thưa, với những chuyện con chưa hiểu, trước hết con gạt bỏ các quan niệm và tưởng tượng. Con tìm kiếm lẽ thật và tâm ý của Đức Chúa Trời. Nếu sau khi tìm kiếm mà con vẫn không hiểu thì con học cách chờ đợi đến thời điểm của Đức Chúa Trời.) Đây là một khía cạnh của chuyện này. Còn gì nữa? (Thưa, khi bị tỉa sửa, con không lý luận hay biện hộ cho mình.) Đây lại là một khía cạnh khác nữa trong tình trạng này. Có người, dù không lý luận hay biện hộ trước mặt ngươi, nhưng vẫn đầy oán trách và bất mãn. Họ không nói thẳng vào mặt ngươi, nhưng nói năng bừa bãi sau lưng ngươi, loan truyền khắp nơi. Đây là thái độ thuận phục sao? (Thưa, không phải.) Vậy thái độ thuận phục chính xác là gì? Trước hết, phải có thái độ tích cực: khi bị tỉa sửa, ngươi không được phân tích đúng sai trước hết, ngươi cứ việc tiếp nhận nó với tấm lòng thuận phục. Ví dụ như, có thể ai đó nói rằng ngươi đã làm sai gì đó. Mặc dù trong lòng ngươi không hiểu rõ và không biết mình đã làm sai gì, nhưng ngươi vẫn cứ tiếp nhận. Sự tiếp nhận trước hết là một thái độ tích cực. Ngoài ra, còn có một thái độ hơi tiêu cực hơn một chút, đó là giữ im lặng và không chống đối gì. Không chống đối thì kéo theo những kiểu hành xử gì? Là không lý luận, biện hộ cho mình, không viện lý do khách quan để bao biện. Nếu ngươi luôn viện cớ và đưa ra lý do để biện hộ cho bản thân, đẩy trách nhiệm qua người khác, vậy có phải là chống đối không? Đấy là tâm tính phản nghịch. Ngươi không được cự tuyệt, chống đối hay lý sự. Cho dù ngươi nói có lý thế nào đi nữa, thì đấy là lẽ thật sao? Nó là lý do khách quan của con người, đâu phải là lẽ thật. Hiện tại không phải hỏi ngươi về lý do khách quan – tại sao lại phát sinh chuyện đó, làm thế nào mà dẫn đến chuyện đó, mà là nói cho ngươi biết rằng tính chất việc ngươi làm những chuyện đó là không hợp với lẽ thật. Nếu ngươi có hiểu biết ở tầm mức này, ngươi sẽ thật sự có thể tiếp nhận và không chống đối. Điều mấu chốt là khi gặp chuyện, việc đầu tiên là có thái độ thuận phục. Có một số người khi bị tỉa sửa thì luôn lý sự và biện hộ cho mình rằng: “Đâu phải chỉ có mình tôi đáng bị trách tội vì chuyện này, sao trách nhiệm cứ trút hết lên đầu tôi vậy? Tại sao không ai nói đỡ cho tôi, để mình tôi chịu trách nhiệm cho chuyện này? Đây thật sự là kiểu ‘phúc thì chia nhau hưởng, họa thì chịu một mình’. Tôi thật quá xui xẻo mà!”. Đây là dạng cảm xúc gì? Là chống đối. Mặc dù bên ngoài họ gật đầu và thừa nhận sai lầm, chấp nhận nó trên môi miệng, nhưng trong lòng họ thì oán trách: “Nếu định tỉa sửa tôi thì cứ tỉa sửa, nhưng tại sao phải nói nặng lời đến vậy? Anh chỉ trích tôi trước mặt quá nhiều người, như vậy thì tôi biết giấu mặt vào đâu chứ? Anh không đối xử với tôi bằng tình yêu thương! Tôi mới phạm có một lỗi nhỏ mà tại sao anh cứ nói mãi không ngừng vậy?”. Do đó, trong lòng họ chống đối và cự tuyệt cách xử lý này, ngoan cố đối kháng với nó, họ vô lý và thích cãi lý lẽ. Người có những suy nghĩ và cảm giác này rõ ràng là người chống đối và đối kháng, vậy làm sao họ có thể có thái độ thuận phục thật sự được? Khi bị tỉa sửa, những hành động nào cấu thành thái độ thuận phục và tiếp nhận? Ít nhất, ngươi phải biết lý lẽ và có lý trí. Trước hết, ngươi phải thuận phục, không được phản kháng hay cự tuyệt, phải dùng lý tính mà đối đãi với chuyện này. Như thế, ngươi sẽ có lý trí tối thiểu. Nếu muốn đạt được sự tiếp nhận và thuận phục thì ngươi phải hiểu lẽ thật. Hiểu lẽ thật không phải là chuyện đơn giản. Trước hết, ngươi phải tiếp nhận mọi sự từ Đức Chúa Trời. Ít nhất, ngươi phải biết rằng bị tỉa sửa là chuyện mà Đức Chúa Trời cho phép xảy ra với ngươi, hoặc nó phát xuất từ Đức Chúa Trời. Bất kể việc tỉa sửa có hoàn toàn hợp lý hay không, ngươi phải có thái độ tiếp nhận và thuận phục. Đây là biểu hiện của sự thuận phục Đức Chúa Trời, đồng thời cũng là tiếp nhận sự dò xét của Đức Chúa Trời. Nếu ngươi cứ lý luận và biện hộ cho mình, nghĩ rằng việc tỉa sửa phát xuất từ con người chứ không phải từ Đức Chúa Trời, vậy thì hiểu biết của ngươi khiếm khuyết rồi. Một mặt, ngươi đã không tiếp nhận sự dò xét của Đức Chúa Trời, mặt khác, ngươi cũng không có thái độ hay hành vi thuận phục trong hoàn cảnh mà Đức Chúa Trời đã thiết lập cho ngươi. Đây là người không thuận phục Đức Chúa Trời. Có những người khi bị tỉa sửa, thì không tiếp nhận lẽ thật, không phản tỉnh, mà cứ mù quáng làm theo quy định. Hành động của họ rõ ràng là vi phạm nguyên tắc, mà họ đổ hết mọi tội lỗi lên Sa-tan. Họ nói: “Đáng đời nó! Ai để lão Sa-tan này mù quáng bộc lộ mình, mù quáng hành động, mù quáng gây gián đoạn và nhiễu loạn? Phải tỉa sửa Sa-tan, khiến hắn bị sỉ nhục, hổ thẹn đến nỗi không dám chường mặt ra! Sa-tan phải chịu trách nhiệm cho chuyện này, chuyện này chẳng liên quan gì đến tôi cả! Mọi tội lỗi phải trút lên đầu Sa-tan!”. Rồi họ sẽ thấy thoải mái trong lòng, nghĩ họ đã chiến thắng Sa-tan. Nghĩ như thế không phải là hoang đường hay sao? Rõ ràng, chính họ đã làm sai, mà họ nói là Sa-tan làm. Vậy là do họ hay do Sa-tan? (Thưa, là do chính họ làm.) Họ thật sự hiểu rằng họ chính là Sa-tan chứ? (Thưa, họ không hiểu như vậy.) Vậy họ thật sự hận Sa-tan, hay hận bản thân họ? Họ không nói rõ chuyện đó. Nói tóm lại, người không tiếp nhận việc bị tỉa sửa thì là người không thuận phục Đức Chúa Trời chút nào. Thuận phục là bài học khó học nhất. Với đa số người, khi gặp chuyện gì phù hợp với quan niệm và tưởng tượng của họ, phù hợp với ý thích của họ, thì họ thấy khá ổn, nên họ vui vẻ thuận phục, và mọi chuyện diễn ra êm đẹp. Lòng họ thanh thản và bình an, và họ vui mừng và thoải mái. Nhưng khi gặp chuyện không phù hợp với quan niệm của họ, chuyện bất lợi cho họ, thì dù có biết là nên thuận phục họ cũng không thể thuận phục. Họ cảm thấy đau khổ, không còn lựa chọn nào khác ngoài im lặng chịu đựng, và họ thấy thật khó để nói về những khó khăn của mình. Họ cảm thấy ức chế, lòng đầy oan ức không biết trút vào đâu, nên lòng họ cứ sôi sục: “Mấy người kia đúng đấy. Họ có địa vị cao hơn mình, sao mình không nghe lời họ được? Có lẽ mình cũng nên chấp nhận số phận thôi. Lần sau, mình sẽ phải cẩn thận hơn, không để lộ mặt nữa, ai mà lộ mặt ra thì sẽ bị tỉa sửa. Thuận phục thật không dễ dàng gì. Khó khăn lắm! Lửa nhiệt tâm của mình đã bị dội một gáo nước lạnh rồi. Mình muốn đơn giản và cởi mở, nhưng kết quả là mình cứ nói những điều không nên nói, rồi bị tỉa sửa. Sau này, mình sẽ im lặng, làm kẻ chiều lòng người khác thôi!”. Đây là dạng thái độ gì? Đây là đi từ thái cực này đến thái cực khác. Mục đích tối hậu trong việc Đức Chúa Trời để người ta học bài học thuận phục là gì? Bất kể ngươi chịu bao nhiêu đau khổ và oan ức lúc đó, bất kể ngươi bị sỉ nhục thế nào, phải chịu bao nhiêu tổn hại đến thể diện, hư vinh hay danh tiếng, tất cả chúng đều chỉ là thứ yếu. Điều quan trọng nhất là xoay chuyển tình trạng của ngươi. Và đó là tình trạng gì? Trong hoàn cảnh bình thường, một kiểu trạng trái cố chấp và dấy loạn tồn tại trong thâm tâm con người – điều này chủ yếu là bởi trong lòng họ có một kiểu tư duy lôgic của con người và một loạt quan niệm của con người, đó là: “Miễn là ý định của tôi là đúng đắn thì kết quả thế nào cũng không quan trọng, mấy người không nên tỉa sửa tôi, còn nếu mấy người tỉa sửa tôi thì tôi không cần phải tuân phục”. Họ không suy ngẫm xem liệu hành động của họ có phù hợp với các nguyên tắc lẽ thật, hay hậu quả sẽ như thế nào. Điều họ bám vào luôn là: “Miễn là ý định của tôi là tốt và đúng đắn thì Đức Chúa Trời nên chấp nhận tôi. Ngay cả khi kết quả có không tốt thì anh/chị cũng không được tỉa sửa tôi, càng không nên lên án tôi”. Đây là lập luận của con người, không phải sao? Đây là quan niệm của con người, không phải sao? Con người luôn khăng khăng bám vào lập luận của họ – có sự thuận phục nào ở đây không? Ngươi lấy lý lẽ của mình làm lẽ thật và gạt lẽ thật sang một bên. Ngươi tin rằng điều gì phù hợp với lý lẽ của ngươi thì là lẽ thật, và điều gì không phù hợp thì không phải là lẽ thật. Còn ai lố bịch hơn không? Còn ai kiêu ngạo và tự nên công chính hơn không? Tâm tính bại hoại nào phải được giải quyết để học được bài học về sự thuận phục? Thực ra đó là tâm tính kiêu ngạo và tự nên công chính, điều này là trở ngại lớn nhất cho những người thực hành lẽ thật và thuận phục Đức Chúa Trời. Những người có tâm tính ngạo mạn và tự nên công chính thì có khuynh hướng lý sự và bất tuân, họ luôn nghĩ là mình đúng, và vì vậy không gì cấp thiết hơn là việc giải quyết và tỉa sửa tâm tính ngạo mạn và tự nên công chính của con người. Một khi con người trở nên thuận phục và ngừng đưa ra các lý lẽ biện hộ cho mình, vấn đề dấy loạn sẽ được giải quyết và họ sẽ có khả năng thuận phục. Và nếu con người có thể đạt được sự thuận phục, họ có cần phải có mức độ lý tính nhất định không? Họ phải có lý trí của một con người bình thường. Chẳng hạn, trong một vấn đề nào đó, bất luận chúng ta làm đúng hay sai, nếu Đức Chúa Trời không hài lòng, chúng ta nên làm theo lời Ngài phán, xem lời Đức Chúa Trời là tiêu chuẩn cho mọi sự. Làm như vậy có lý tính không? Đó là lý trí mà con người nên có trước hết. Dù chúng ta có phải chịu đau khổ ra sao, và dù ý định, mục đích và lý lẽ của chúng ta thế nào, nếu Đức Chúa Trời không thỏa lòng – nếu chúng ta chưa đạt được yêu cầu của Ngài – thì hành động của chúng ta chắc chắn chưa phù hợp với lẽ thật, do đó chúng ta phải nghe và thuận phục Đức Chúa Trời, và không nên cố lý sự hay tranh luận với Đức Chúa Trời. Khi ngươi có sự hợp lý như thế, khi ngươi có lý trí của một con người bình thường, thì sẽ dễ giải quyết được vấn đề của ngươi, và ngươi sẽ thực sự thuận phục. Dù ngươi có ở hoàn cảnh nào đi nữa, ngươi cũng sẽ không phản nghịch, và sẽ không bất chấp những yêu cầu của Đức Chúa Trời, ngươi sẽ không phân tích xem liệu điều Đức Chúa Trời yêu cầu là đúng hay sai, tốt hay xấu, ngươi sẽ có thể thuận phục – từ đó giải quyết được tình trạng lý sự, cương ngạnh và dấy loạn của ngươi. Có phải mọi người đều có những tình trạng dấy loạn này bên trong không? Những trạng thái này thường xuất hiện ở mọi người và họ tự nhủ: “Miễn là cách tiếp cận, đề xuất, gợi ý của tôi hợp lý thì ngay cả khi tôi có vi phạm các nguyên tắc lẽ thật thì tôi cũng không nên bị tỉa sửa vì tôi đã không phạm điều ác”. Đây là trạng thái thường gặp ở con người. Quan điểm của họ là nếu họ không phạm điều ác thì không nên tỉa sửa họ; chỉ những người phạm điều ác mới nên bị tỉa sửa. Quan điểm này có đúng không? Chắc chắn là không. Tỉa sửa chủ yếu nhằm vào những tâm tính bại hoại của con người. Nếu ai đó có tâm tính bại hoại thì họ phải bị tỉa sửa. Nếu họ chỉ bị tỉa sửa sau khi phạm điều ác thì đã quá muộn vì đã gây ra rắc rối rồi. Nếu tâm tính của Đức Chúa Trời đã bị xúc phạm, ngươi sẽ gặp rắc rối, Đức Chúa Trời có thể ngừng hoạt động trong ngươi – trong trường hợp đó, tỉa sửa ngươi thì có ích gì chứ? Không có lựa chọn nào khác ngoài việc vạch trần ngươi và loại bỏ ngươi. Khó khăn chính ngăn cản con người thuận phục Đức Chúa Trời chính là tâm tính ngạo mạn của họ. Nếu con người có thể thực sự chấp nhận sự phán xét và hình phạt, họ sẽ có thể hóa giải tâm tính ngạo mạn của mình một cách hiệu quả. Bất kể họ có thể giải quyết nó ở mức độ nào đi nữa thì điều này cũng có ích lợi cho việc thực hành lẽ thật và thuận phục Đức Chúa Trời. Trên hết, việc chấp nhận sự phán xét và hình phạt là để hóa giải tâm tính bại hoại của một người, để được Đức Chúa Trời cứu rỗi. Và nếu con người thực sự có thể đạt được sự thuận phục tuyệt đối đối với Đức Chúa Trời, thì liệu họ có cần trải qua sự phán xét và hình phạt nữa không? Họ có cần phải trải qua việc tỉa sửa không? Họ không cần, vì những tâm tính bại hoại của họ đã được hóa giải. Khi đối mặt với sự phán xét, hình phạt, sự tỉa sửa của Đức Chúa Trời, con người luôn thích lý luận để biện hộ, nhưng dù ngươi có đưa ra bao nhiêu lý luận đi nữa, chúng cũng không phải là lẽ thật, chúng không có nghĩa là tâm tính bại hoại của ngươi đã được chỉnh đốn, càng không có nghĩa là ngươi thực sự thuận phục Đức Chúa Trời. Vì vậy, không có nghĩa lý gì khi lý sự để bao biện; giải quyết vấn đề mới là điều quan trọng nhất.

Nếu ai đó không có tấm lòng thuận phục Đức Chúa Trời thì họ gặp rắc rối rồi. Có lúc Đức Chúa Trời sắp đặt cho ngươi những hoàn cảnh không như ngươi tưởng tượng, nên ngươi chống đối. Ví dụ như, ngươi là người thích sạch sẽ, không thích những người nhếch nhác, luộm thuộm, thấy họ là ngươi thấy ghê tởm rồi. Ngươi có thể kiểm soát bản thân không? Ngươi phải làm gì? Trước hết, ngươi phải có thái độ đúng đắn. Là thái độ gì? (Thưa, là thái độ thuận phục.) Ngươi thuận phục như thế nào? Suy nghĩ nội tâm nào cấu thành thái độ thuận phục? Điều gì cấu thành thực tế của sự thuận phục? Khi ngươi gặp chuyện như thế này, hẳn phải có sự điều chỉnh từ cả hai phía. Trong chuyện này, không có gì là vấn đề cả. Trong đời người, mười chuyện thì hết chín chuyện là không như ước muốn của họ rồi. Có lẽ ngươi không thích chuyện này chuyện kia, và bất kể gặp phải chuyện gì, ngươi luôn tự biện hộ cho mình và oán trách rằng Đức Chúa Trời bất công với ngươi. Thực ra, đây là vấn đề của chính ngươi, nên đừng chuyện bé xé ra to. Khi ngươi đã tin Đức Chúa Trời một thời gian dài và có nhiều trải nghiệm về sự thất bại, thì ngươi sẽ biết rằng ngươi không thật sự tôn quý, ngươi không tốt hơn bất kỳ ai. Nghĩ về chuyện trước đây ngươi từng tin rằng mình tốt hơn, cao cả hơn và tôn quý hơn người khác, ngươi sẽ cảm thấy thật ngu xuẩn! Khi hiểu được một chút lẽ thật, người ta sẽ có lý trí hơn trước kia, nên họ dễ tiếp nhận lẽ thật hơn, dễ tìm kiếm lẽ thật và thuận phục Đức Chúa Trời hơn khi gặp chuyện. Ngươi phải học cách thích ứng theo hoàn cảnh của mình. Người tin Đức Chúa Trời phải có hiểu biết này trước hết: trong hội thánh có người từ mọi vùng miền, và mọi vùng miền đều có phong tục tập quán khác nhau. Những điều này không đại diện cho phẩm chất nhân tính của người ta, kể cả tập quán sống của họ có tốt, bình thường, và có quy luật, và họ có nhân phẩm cao đẹp, vẫn không có nghĩa là họ hiểu lẽ thật. Ngươi phải hiểu chuyện này và có nhận thức tích cực về nó. Ngoài ra, những khiếm khuyết của chính bản thân ngươi có rất nhiều và ngươi quá xét nét. Đức Chúa Trời ban cho ngươi môi trường quá tốt rồi, vậy ngươi phải học cách thích ứng theo nó, chứ không phải bới lông tìm vết người khác, hơn nữa, ngươi phải hòa đồng với người khác bằng tình yêu thương, gần gũi với họ, xem và học hỏi những điểm mạnh của họ, rồi cầu nguyện xin Đức Chúa Trời giúp ngươi khắc phục những khiếm khuyết của mình. Đây là thái độ thuận phục và việc thực hành thuận phục. Nếu ngươi không thích những người khác quá mức, và nó ảnh hưởng đến việc thực hiện bổn phận của ngươi, thì ngươi nên giữ khoảng cách, đừng nhiều chuyện với họ. Nhiều chuyện là gì? Là khi ngươi nói: “Tôi phải chỉnh đốn khiếm khuyết này của họ, nếu nó chưa thay đổi thì tôi không bỏ qua đâu!”. Đây là dạng hành xử gì? Là láo xược, kiêu ngạo và ngu muội. Đừng là dạng người này. Chúng ta đều là con người bình thường, đâu có trông khác biệt. Mỗi người ai cũng có một đầu, hai mắt, một mũi, một miệng. Ăn uống, đi lại, làm việc, ai cũng như nhau, chẳng có khác biệt gì, chúng ta cũng không tốt đẹp hơn những người khác, nên chúng ta không được xem mình là tôn quý hay vĩ đại. Kể cả khi ngươi có chút kỹ năng hay tài năng, cũng chẳng có gì để huênh hoang cả. Trước hết, ngươi phải chỉnh đốn vị trí của mình, và khi gặp chuyện, ngươi phải căn cứ lời Đức Chúa Trời mà xem xét chúng, rồi ngươi sẽ không chuyện bé xé ra to. Nếu ngươi gặp phải chuyện đặc biệt gì, và ngươi thật sự không thể thuận phục, nó lại còn ảnh hưởng đến bổn phận của ngươi, thì ngươi phải cầu nguyện với Đức Chúa Trời và tìm kiếm lẽ thật để giải quyết nó. Đừng cố làm việc không phải của mình. Mọi sự đều có ý tốt của Đức Chúa Trời. Ngài rèn luyện con người bằng đủ mọi loại hoàn cảnh, khiến họ đón nhận sự tôi luyện và học cách thuận phục, rồi cuối cùng sự tôi luyện này đem lại hoa trái. Họ có thể kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác, làm thỏa lòng Đức Chúa Trời, rồi họ có sự thay đổi thật sự. Để mưu cầu lẽ thật, trước hết ngươi phải có ý chí chịu khổ, và phải học cách thuận phục mọi hoàn cảnh. Thường thì hoàn cảnh của ngươi không quá đơn giản, ngươi có thể tiếp xúc với đủ mọi loại người và gặp đủ mọi chuyện lạ đời. Bất kể gặp chuyện gì, đừng dựa vào ý chí hay sự nóng nảy của mình, mà hãy đến trước Đức Chúa Trời trong lời cầu nguyện. Để làm được như thế, trước hết, ngươi phải có thái độ thuận phục, đây là tố chất nội tâm mà mọi con người bình thường phải có. Hơn nữa, nếu ngươi cầu nguyện và xin Đức Chúa Trời hành động, mà Ngài không hành động không mở đường thoát cho ngươi, vậy thì ngươi cũng phải thuận phục. Ngươi phải tiếp tục sống trong dạng hoàn cảnh này, để Đức Chúa Trời sắp đặt mọi sự cho ngươi, đừng dùng sức mình thúc ép và qua mặt Đức Chúa Trời. Đây là cách duy nhất để sống một cuộc đời có giá trị. Không dễ để bước vào thực tế của việc thuận phục Đức Chúa Trời, bởi vì đâu có ai sống trong hư không. Hãy nhìn vào cuộc sống của họ, mỗi người đều có tập quán sống và những suy nghĩ chủ quan, dục vọng và khát vọng riêng. Hãy nhìn vào những điều kiện khách quan, không một ai có thể hoàn toàn phù hợp với ý ngươi trong lời nói, việc làm của họ. Do đó, bài học quan thiết nhất là hãy để cho tất cả mọi người học cách thuận phục hoàn cảnh của họ, tìm kiếm tâm ý của Đức Chúa Trời trong những hoàn cảnh sống họ gặp. Dù hoàn cảnh sống của ngươi tốt hay xấu, an nhàn hay ác liệt, đều có bài học để ngươi nghiệm ra. Những ai tham hưởng an nhàn thoải mái thì phải học những bài học thuận phục và chịu khổ, họ phải đạt được năng lực sống sót trong mọi hoàn cảnh để làm tròn bổn phận và đứng vững trong lời chứng của mình. Chỉ khi đó họ mới có thể thỏa mãn tâm ý của Đức Chúa Trời. Dạng hoàn cảnh sống này không phải do Đức Chúa Trời sắp đặt và an bài sao? Con người ai ai cũng khao khát cuộc sống tốt đẹp, nhưng nếu sống trong những hoàn cảnh quá tiện nghi và lý tưởng, không hề có đau khổ gì, thì liệu họ sẽ có thể thuận phục Đức Chúa Trời và làm chứng cho Ngài không? Khi Đức Chúa Trời sắp đặt khó khăn và hoàn cảnh xấu cho ngươi, điều mấu chốt là ngươi có thể thuận phục hay không. Nếu ai cũng có thể quan tâm đến tâm ý của Đức Chúa Trời trong những hoàn cảnh này và thực hành theo những yêu cầu của Ngài, thì ngươi phải chịu đựng mọi điều ngươi không muốn thấy, những thứ ngươi không thích, hơn nữa, ngươi không được để những điều này kìm kẹp và có thể thực hiện bổn phận một cách bình thường. Trải nghiệm như thế này sẽ khiến sự sống của ngươi phát triển. Có người nói rằng: “Nếu người khác không thực hành lẽ thật, vậy thì tôi cũng không thực hành lẽ thật. Nếu họ không thuận phục, vậy tại sao tôi phải thuận phục? Nếu họ không khoan dung, vậy tại sao tôi phải khoan dung? Tại sao tôi luôn phải làm những việc mà họ không làm? Tại sao tôi luôn phải là người dốc quá nhiều nỗ lực đến vậy? Tôi cũng không làm việc đó đâu”. Thái độ này là sao? Việc ngươi thực hành lẽ thật là việc riêng của ngươi, nó là chuyện giữa ngươi và Đức Chúa Trời, chẳng liên quan gì đến bất kỳ ai khác. Không một ai khác có nghĩa vụ hợp tác với ngươi. Ngươi là ngươi, họ là họ. Nếu họ không thực hành lẽ thật, không bước vào thực tế lẽ thật, thì cuối cùng họ sẽ là những người bị loại bỏ, chứ không phải ngươi, ngươi sẽ không bị thiệt thòi. Người thuận phục Đức Chúa Trời thì có bị thiệt thòi không? Họ sẽ không bị thiệt thòi. Nếu các ngươi chưa thông tỏ chuyện này thì các ngươi quá ngu ngốc!

Về chuyện lối vào sự sống, dù chỉ thông công vài lời, nhưng nếu các ngươi thành tâm tiếp nhận chúng, có thể đưa chúng vào thực hành trong đời thực, biến chúng thành thực tế của các ngươi, vậy thì Ta đã không phán vô ích rồi. Bất kể là khía cạnh thực tế nào, kể cả khi chỉ nói vài lời, nhưng nếu lẽ thật đi vào lòng ngươi, nếu ngươi thực hành nó như lẽ thật, thì nó sẽ bén rễ, ra hoa và kết trái trong ngươi. Nó sẽ trở thành sự sống của ngươi, và ngươi sẽ có thể sống thể hiện ra nó, cho nó sinh hoa trái. Đây là kết quả tốt đẹp. Nếu Ta thông công với các ngươi hằng ngày, nhưng cho dù Ta phán nhiều thế nào mà các ngươi chẳng quan tâm, nếu như chẳng có ai để nó đi vào lòng mình, vẫn cứ muốn gì làm nấy, hành động bừa bãi và khinh suất, không chịu nghe những gì Ta phán và vẫn cứ sống theo ý muốn, tưởng tượng và quan niệm của mình, như vậy thì chẳng phải Ta đã phán vô ích sao? Ta phán bao nhiêu lời với các ngươi về chuyện này cũng không quan trọng, cái quan trọng là liệu các ngươi có chuyên tâm lắng nghe, tiếp nhận và thực hành chúng không. Lẽ thật thực sự là sự sống của con người. Nó không phải là một ngành học thuật, cũng không phải là tri thức, truyền thống dân gian hay luận điệu, lẽ thật là sự sống của con người. Lẽ thật có thể cho ngươi thoát khỏi xiềng xích của Sa-tan, thoát khỏi tâm tính bại hoại, sống mạnh mẽ hơn, có sức lực hơn, sống thoải mái hơn và sống có phương hướng, có mục tiêu. Lẽ thật thật sự có thể trở nên sự sống của con người. Nếu ngươi không tin Ta, thì cứ trải nghiệm lẽ thật và đưa lẽ thật vào thực hành một thời gian, xem thử có kết quả không, rồi ngươi sẽ biết. Nếu ngươi thường cảm thấy yếu đuối và tiêu cực, vậy thì Ta chỉ có thể nói rằng ngươi chưa đạt được lẽ thật. Nếu đã đạt được lẽ thật rồi, giờ ngươi đâu có ở trong tình trạng này, ngươi đâu có quá bất lực, yếu đuối và vô lực đến vậy, ngươi đâu có tiêu cực quá thường xuyên, cũng không chôn chân ở ngã ba đường, chẳng biết đi đâu. Chắc chắn tuyệt đối là vậy! Các ngươi có hiểu không? (Thưa, có.)

Hiện giờ, chúng ta đã thông công xong về năm điều kiện phải đạt được để bước vào con đường đúng đắn của việc tin Đức Chúa Trời. Năm điều kiện này là gì? (Thứ nhất, phải có tấm lòng trung thực; thứ hai, phải có tấm lòng yêu mến lẽ thật; thứ ba, phải có lương tâm và lý trí; thứ tư, phải có tấm lòng kính sợ Đức Chúa Trời; thứ năm, phải có tấm lòng thuận phục Đức Chúa Trời.) Hãy ghi nhớ năm điều kiện này, thông công về chúng, cầu nguyện-đọc chúng khi không có việc gì khác. Hãy xem các nguyên tắc lẽ thật nào các ngươi đã đưa vào thực hành trong thời gian này, liệu lời nói và hành động của ngươi có trung thực không, liệu ngươi có tấm lòng kính sợ Đức Chúa Trời không, liệu ngươi có tấm lòng trung thực khi làm bổn phận không, liệu ngươi có tình trạng ứng phó chiếu lệ không, liệu ngươi có suy nghĩ chểnh mảng, trốn tránh trách nhiệm hoặc là gian dối không, và liệu ngươi có tìm kiếm và thuận phục mọi yêu cầu của Đức Chúa Trời không. Ngươi phải kiểm điểm chuyện này một cách đều đặn. Chỉ có đạt được kết quả thì sự sống của ngươi mới tiến triển.

Ngày 15 tháng 9 năm 2015

Trước: Chỉ bằng cách thực hành lẽ thật thì mới có thể loại bỏ sự trói buộc của tâm tính bại hoại

Tiếp theo: Chỉ khi giải quyết tâm tính bại hoại của mình thì mới có thể chuyển biến thật sự

Hồi chuông thời sau hết báo động đã vang lên, đại thảm họa đã ập xuống, bạn có muốn cùng gia đình nghênh đón được Thiên Chúa, và có cơ hội nhận được sự che chở của Thiên Chúa không?

Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời Về việc biết Đức Chúa Trời Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt Vạch rõ kẻ địch lại Đấng Christ The Responsibilities of Leaders and Workers Về việc mưu cầu lẽ thật I Về việc mưu cầu lẽ thật Sự phán xét khởi từ nhà Đức Chúa Trời Những lời trọng yếu từ Đức Chúa Trời Toàn Năng, Đấng Christ của thời kỳ sau rốt Lời Đức Chúa Trời hằng ngày Các thực tế lẽ thật mà người tin Đức Chúa Trời phải bước vào Theo Chiên Con và hát những bài ca mới Những chỉ dẫn cho việc truyền bá Phúc Âm của vương quốc Chiên của Đức Chúa Trời nghe tiếng của Đức Chúa Trời Lắng nghe tiếng Đức Chúa Trời thấy được sự xuất hiện của Đức Chúa Trời Những câu hỏi và câu trả lời thiết yếu về Phúc Âm của Vương quốc Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 1) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 2) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 3) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 4) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 5) Tôi đã quay về với Đức Chúa Trời Toàn Năng như thế nào

Cài đặt

  • Văn bản
  • Chủ đề

Màu Đồng nhất

Chủ đề

Phông

Kích cỡ Phông

Khoảng cách Dòng

Khoảng cách Dòng

Chiều rộng Trang

Mục lục

Tìm kiếm

  • Tìm kiếm văn bản này
  • Tìm kiếm cuốn sách này

Liên hệ với chúng tôi qua Messenger