Con người là Chúa của ngày Sa-bát (Phần 2)

28/09/2020

Tiếp theo, chúng ta hãy xem câu cuối trong đoạn này: “Vì Con người là Chúa ngày Sa-bát”. Có khía cạnh thực tế nào cho câu này không? Các ngươi có nhìn ra được khía cạnh thực tế không? Mỗi một điều Đức Chúa Trời phán đều xuất phát từ lòng Ngài, vậy tại sao Ngài lại phán câu này? Các ngươi hiểu nó thế nào? Ngày nay các ngươi có thể hiểu được ý nghĩa của câu này, nhưng tại thời điểm nó được phán ra không có nhiều người hiểu được vì nhân loại chỉ mới vừa ra khỏi Thời đại Luật pháp. Đối với họ, lìa bỏ ngày Sa-bát là một điều rất khó thực hiện, chưa nói đến việc hiểu được một ngày Sa-bát thực sự là gì.

Câu “Con người là Chúa ngày Sa-bát” nói với mọi người rằng mọi thứ về Đức Chúa Trời không mang bản chất vật chất, và mặc dù Đức Chúa Trời có thể ban cho ngươi tất cả các nhu cầu vật chất, nhưng một khi tất cả các nhu cầu vật chất của ngươi đã được đáp ứng, liệu sự thỏa mãn từ những thứ này có thể thay thế được sự theo đuổi lẽ thật của ngươi không? Điều đó rõ ràng là không thể! Tâm tính của Đức Chúa Trời và Ngài có gì và là gì, mà chúng ta đã thông công, cả hai điều này đều là lẽ thật. Giá trị của nó không thể đo lường dựa trên bất kỳ đối tượng vật chất nào, bất kể quý giá đến đâu, cũng như giá trị của nó không thể định lượng được bằng tiền, bởi vì nó không phải là đối tượng vật chất và nó đáp ứng những nhu cầu trong lòng mỗi một con người. Đối với mỗi người, giá trị của những lẽ thật vô hình này phải lớn lao hơn giá trị của bất kỳ thứ vật chất nào mà ngươi có thể coi trọng, chẳng phải sao? Câu nói này là điều các ngươi cần nán lại xem xét. Điểm mấu chốt của những gì Ta đã phán đó là: Đức Chúa Trời có gì và là gì và mọi thứ về Đức Chúa Trời đều là những điều quan trọng nhất đối với mỗi một người và không thể bị thay thế bởi bất kỳ đối tượng vật chất nào. Ta sẽ cho ngươi một ví dụ: Khi ngươi đói, ngươi cần thức ăn. Thức ăn này có thể ít nhiều là ngon hoặc ít nhiều không như mong đợi, nhưng miễn là ngươi được ăn no, cảm giác khó chịu khi đói sẽ không còn ở đó nữa – nó sẽ biến mất. Ngươi có thể ngồi yên, và cơ thể của ngươi sẽ được nghỉ ngơi. Cơn đói của con người có thể được giải quyết bằng thức ăn, nhưng khi ngươi đang theo Đức Chúa Trời và cảm thấy rằng ngươi không hiểu gì về Ngài, ngươi làm cách nào có thể giải quyết được sự trống rỗng trong lòng ngươi? Liệu nó có thể được giải quyết bằng thức ăn không? Hoặc khi ngươi đang theo Đức Chúa Trời và không hiểu tâm ý của Ngài, ngươi có thể dùng điều gì để bù đắp cho cơn đói đó trong lòng ngươi? Trong quá trình trải nghiệm sự cứu rỗi của ngươi thông qua Đức Chúa Trời, trong khi theo đuổi sự thay đổi trong tâm tính ngươi, nếu ngươi không hiểu được tâm ý của Ngài hoặc không biết lẽ thật là gì, nếu ngươi không hiểu được tâm tính Đức Chúa Trời, thì chẳng lẽ ngươi lại không cảm thấy rất khó chịu sao? Chẳng lẽ ngươi không cảm thấy cơn đói khát cồn cào trong lòng mình? Chẳng lẽ những cảm xúc này không ngăn cản ngươi cảm thấy bình an trong lòng? Vậy ngươi làm thế nào có thể bù đắp cơn đói đó trong lòng – có cách nào để làm tiêu tan nó không? Một số người đi mua sắm, một số tìm kiếm bạn bè để tâm sự, một số vùi trong một giấc ngủ dài, những người khác đọc thêm những lời Đức Chúa Trời, hoặc họ làm việc chăm chỉ hơn và nỗ lực nhiều hơn để thực hiện bổn phận của mình. Liệu những điều này có thể giải quyết những khó khăn thực sự của ngươi không? Tất cả các ngươi đều hiểu rõ những loại thực hành này. Khi ngươi cảm thấy bất lực, khi ngươi cảm thấy một khao khát mạnh mẽ muốn đạt được sự khai sáng từ Đức Chúa Trời để cho phép ngươi biết thực tế lẽ thật và tâm ý của Ngài, thì ngươi cần gì nhất? Những gì ngươi cần không phải là một bữa ăn no nê, và không phải là một vài lời tử tế, chứ đừng nói đến sự thoải mái và hài lòng thoáng qua của xác thịt – những gì ngươi cần là để Đức Chúa Trời phán bảo trực tiếp và rõ ràng ngươi nên làm những gì và nên làm thế nào, để phán bảo rõ cho ngươi biết lẽ thật là gì. Sau khi ngươi đã hiểu điều này, dù cho ngươi chỉ đạt được một chút hiểu biết, thì chẳng lẽ ngươi không cảm thấy lòng mình thỏa mãn hơn là ăn một bữa ngon sao? Khi lòng ngươi được mãn nguyện, chẳng phải lòng ngươi và toàn bộ hữu thể ngươi được an yên thực sự sao? Thông qua phép suy diễn và phân tích này, bây giờ các ngươi có hiểu tại sao Ta muốn chia sẻ với các ngươi câu “Con người là Chúa ngày Sa-bát” không? Ý nghĩa của câu này đó là: những gì đến từ Đức Chúa Trời, Ngài có gì và là gì, và tất cả mọi thứ về Ngài, đều lớn lao hơn bất kỳ thứ gì khác, kể cả sự vật hoặc con người mà ngươi từng tin rằng mình quý trọng nhất. Điều đó có nghĩa là, nếu một người không nhận được lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời hoặc họ không hiểu được tâm ý của Ngài, họ không thể có được sự nghỉ ngơi. Trong những trải nghiệm tương lai của các ngươi, các ngươi sẽ hiểu lý do tại sao Ta muốn các ngươi xem đoạn này ngày hôm nay – điều này rất quan trọng. Tất cả những gì Đức Chúa Trời thực hiện là lẽ thật và sự sống. Lẽ thật là thứ mà mọi người không thể thiếu trong sự sống của họ, và đó là thứ họ không bao giờ có thể sống thiếu; ngươi cũng có thể nói rằng đó là điều lớn lao nhất. Mặc dù ngươi không nhìn thấy nó, không sờ chạm được nó, nhưng tầm quan trọng của nó đối với ngươi không thể bị bỏ qua; nó là điều duy nhất có thể mang lại sự yên lòng cho ngươi.

Liệu sự biểu biết của các ngươi về lẽ thật có ăn nhập gì với tình trạng riêng của các ngươi không? Trong đời sống thực, trước tiên ngươi phải nghĩ về những lẽ thật nào liên quan đến con người, sự vật và sự việc ngươi đã gặp phải; chính là từ trong những lẽ thật này mà ngươi có thể tìm thấy tâm ý của Đức Chúa Trời và kết nối những gì ngươi đã gặp với tâm ý của Ngài. Nếu ngươi không biết những khía cạnh nào trong lẽ thật liên quan đến những điều ngươi gặp phải, mà thay vào đó trực tiếp đi tìm kiếm tâm ý của Đức Chúa Trời, thì đây là một cách tiếp cận mù quáng không thể đạt được kết quả. Nếu ngươi muốn tìm kiếm lẽ thật và hiểu được tâm ý của Đức Chúa Trời, trước tiên ngươi cần xem xét loại sự việc nào đã xảy đến với ngươi, những khía cạnh nào của lẽ thật mà chúng liên quan đến, và tìm kiếm lẽ thật cụ thể trong lời Đức Chúa Trời liên quan đến những gì ngươi đã trải qua. Sau đó, ngươi tìm kiếm con đường thực hành phù hợp với mình trong lẽ thật đó; bằng cách này, ngươi có thể có được sự hiểu biết gián tiếp về tâm ý của Đức Chúa Trời. Tìm kiếm và thực hành lẽ thật không phải là áp dụng một cách máy móc một học thuyết hay làm theo một công thức. Lẽ thật không mang tính rập khuôn, nó cũng không phải một định luật. Nó không chết – nó chính là sự sống, nó là một sinh thể sống, và nó chính là quy tắc mà một loài thọ tạo phải tuân theo khi sống và là quy tắc mà một con người phải có khi sống. Đây là một điều mà ngươi bắt buộc phải hiểu, càng nhiều càng tốt, thông qua trải nghiệm. Bất kể ngươi đã đạt đến giai đoạn nào trong trải nghiệm của mình, ngươi cũng không thể tách rời khỏi lời Đức Chúa Trời hay lẽ thật, và những gì ngươi hiểu về tâm tính Đức Chúa Trời và những gì ngươi biết về Đức Chúa Trời có gì và là gì, tất cả đều được bày tỏ trong lời Đức Chúa Trời; chúng liên hệ chặt chẽ với lẽ thật. Tâm tính Đức Chúa Trời và Ngài có gì và là gì, tự thân chúng chính là lẽ thật; lẽ thật là một sự thể hiện chân thực của tâm tính Đức Chúa Trời và Ngài có gì và là gì. Nó làm cho Ngài có gì và là gì trở nên cụ thể, và nó đưa ra một khẳng định rõ ràng về Ngài có gì và là gì; nó nói cho ngươi một cách thẳng thắn hơn về những gì Đức Chúa Trời thích, những gì Ngài không thích, những gì Ngài muốn ngươi làm và những gì Ngài không cho phép ngươi làm, những người mà Ngài khinh ghét và những người mà Ngài thích thú. Đằng sau những lẽ thật mà Đức Chúa Trời bày tỏ, mọi người có thể thấy niềm vui, sự giận dữ, nỗi buồn và hạnh phúc của Ngài, cũng như thực chất của Ngài – đây là sự tiết lộ về tâm tính của Ngài. Bên cạnh việc biết được Đức Chúa Trời có gì và là gì, và hiểu được tâm tính Ngài từ lời Ngài, điều quan trọng nhất là cần phải đạt được sự hiểu biết này thông qua kinh nghiệm thực tế. Nếu một người thoát ly khỏi cuộc sống thực để biết Đức Chúa Trời, thì họ sẽ không thể đạt được điều đó. Dẫu cho có những người có thể đạt được một số hiểu biết từ lời Đức Chúa Trời, thì sự hiểu biết của họ cũng chỉ giới hạn trong các lý thuyết và ngôn từ, và sẽ có sự khác biệt với chính Đức Chúa Trời thực sự là thế nào.

Những gì chúng ta trao đổi lúc này hết thảy đều nằm trong phạm vi của những câu chuyện được ghi lại trong Kinh Thánh. Qua những câu chuyện này, và qua việc mổ xẻ những điều đã xảy ra, mọi người có thể hiểu được tâm tính Ngài và Ngài có gì và là gì mà Ngài đã bày tỏ, cho phép họ biết mọi khía cạnh của Đức Chúa Trời rộng hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn, và thấu đáo hơn. Vậy thông qua những câu chuyện này có phải là cách duy nhất để biết mọi khía cạnh của Đức Chúa Trời không? Không, đó không phải là cách duy nhất! Vì những gì Đức Chúa Trời phán và công tác Ngài làm trong Thời đại Vương quốc có thể giúp mọi người nhiều hơn trong việc biết về tâm tính của Ngài, và biết điều đó đầy đủ hơn. Tuy nhiên, Ta nghĩ rằng thông qua một số ví dụ hoặc câu chuyện được ghi lại trong Kinh Thánh mà mọi người quen thuộc thì sẽ dễ dàng hơn một chút để biết được tâm tính của Đức Chúa Trời và hiểu được Ngài có gì và là gì. Nếu Ta chọn lấy những lời phán xét và hình phạt cùng những lẽ thật mà Đức Chúa Trời bày tỏ ngày hôm nay, nguyên văn từng từ, để cho phép ngươi biết Ngài theo cách này, ngươi sẽ cảm thấy nó quá buồn chán và quá tẻ nhạt, và một số người thậm chí sẽ cảm thấy rằng những lời Đức Chúa Trời dường như là rập khuôn. Nhưng nếu Ta lấy những câu chuyện Kinh Thánh này làm ví dụ để giúp mọi người biết đến tâm tính của Đức Chúa Trời, họ sẽ không thấy nhàm chán. Ngươi có thể nói rằng trong quá trình giải thích những ví dụ này, những chi tiết về những gì diễn ra trong lòng Đức Chúa Trời lúc đó – tâm trạng hay cảm nghĩ của Ngài, hoặc những suy nghĩ và ý tưởng của Ngài – đã được nói với mọi người bằng ngôn ngữ của con người, và mục đích của tất cả những điều này là để cho phép họ nhận thức rõ, cảm nhận được rằng Đức Chúa Trời có gì và là gì không mang tính rập khuôn. Nó không phải là một huyền thoại, cũng không phải một điều gì đó mà mọi người không thể nhìn thấy hay chạm vào. Đó là một thứ thực sự tồn tại, mà mọi người có thể cảm nhận và thấy rõ. Đây chính là mục tiêu cuối cùng. Ngươi có thể nói rằng những người sống trong thời đại này thật may mắn. Họ có thể từ những câu chuyện Kinh Thánh rút ra được sự hiểu biết rộng hơn về công tác trước đây của Đức Chúa Trời; họ có thể thấy tâm tính của Ngài qua công tác mà Ngài đã thực hiện; họ có thể hiểu được tâm ý của Đức Chúa Trời đối với nhân loại thông qua những tâm tính mà Ngài đã bày tỏ, và hiểu những biểu hiện cụ thể của sự thánh khiết của Ngài và sự chăm sóc của Ngài đối với con người, và bằng cách này, họ có thể đạt được kiến thức chi tiết và sâu sắc hơn về tâm tính Đức Chúa Trời. Ta tin rằng tất cả các ngươi giờ đây đều có thể cảm thấy điều này!

Trong phạm vi công tác mà Đức Chúa Jêsus đã hoàn thành trong Thời đại Ân điển, ngươi có thể thấy một khía cạnh khác của Đức Chúa Trời có gì và là gì. Khía cạnh này được thể hiện qua xác thịt của Ngài, và mọi người có thể nhìn thấy và nhận thức rõ về nó nhờ vào nhân tính của Ngài. Trong Con người, người ta đã thấy Đức Chúa Trời trong xác thịt bày tỏ ra nhân tính của Ngài như thế nào, và họ đã thấy thần tính của Đức Chúa Trời thể hiện qua xác thịt. Hai kiểu bày tỏ này cho phép mọi người nhìn thấy một Đức Chúa Trời rất thực tế và chúng cho phép mọi người hình thành một quan niệm khác về Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian giữa sự sáng thế và sự kết thúc của Thời đại Luật pháp, nghĩa là trước Thời đại Ân điển, các khía cạnh duy nhất của Đức Chúa Trời được mọi người nhìn thấy, nghe thấy và trải nghiệm là thần tính của Đức Chúa Trời, là những điều mà Đức Chúa Trời đã thực hiện và phán dạy trong một cõi phi vật chất, và những điều mà Ngài thể hiện từ con người thật của Ngài mà không ai có thể nhìn thấy hay chạm vào. Nhiều khi, những điều này khiến mọi người cảm thấy rằng Đức Chúa Trời cao vợi vô cùng trong sự vĩ đại của Ngài đến nỗi họ không thể đến gần Ngài. Ấn tượng mà Đức Chúa Trời thường mang đến cho mọi người là Ngài thấp thoáng lúc trong lúc ngoài khả năng nhận thức của họ về Ngài, và mọi người thậm chí còn cảm thấy rằng mỗi một suy nghĩ và ý tưởng của Ngài đều rất bí ẩn và khó nắm bắt đến mức không có cách nào tiếp cận được với chúng, chứ đừng nói đến việc cố hiểu và nhận thức rõ được chúng. Đối với mọi người, mọi thứ về Đức Chúa Trời là rất xa vời, xa vời đến mức mọi người không thể nhìn thấy, không thể chạm vào. Ngài dường như đang ngự trên trời cao, và dường như chẳng hề tồn tại. Vì vậy, đối với mọi người, việc hiểu được tâm trí của Đức Chúa Trời hoặc bất kỳ suy nghĩ nào của Ngài là điều không thể đạt được, và thậm chí vượt quá tầm của họ. Mặc dù Đức Chúa Trời đã thực hiện một số công tác cụ thể trong Thời đại Luật pháp, và Ngài cũng phán dạy vài lời cụ thể và bày tỏ một số tâm tính cụ thể để cho phép mọi người thấy rõ và nhận thức được một số kiến thức thực sự về Ngài, nhưng suy cho cùng, những sự bày tỏ này về Đức Chúa Trời có gì và là gì đến từ một cõi phi vật chất, và những gì mọi người hiểu, những gì họ biết vẫn là về khía cạnh thần thánh của Ngài có gì và là gì. Loài người không có được một khái niệm cụ thể từ sự bày tỏ này của việc Ngài có gì và là gì, và ấn tượng của họ về Đức Chúa Trời vẫn bị mắc kẹt trong phạm vi của “một thân thể thuộc linh khó đến gần, thấp thoáng lúc trong lúc ngoài khả năng nhận thức”. Bởi vì Đức Chúa Trời không sử dụng một đối tượng cụ thể hoặc một hình tượng thuộc về cõi vật chất để xuất hiện trước mọi người, nên họ vẫn không thể định nghĩa Ngài bằng ngôn ngữ của con người. Trong tâm trí của mọi người, họ luôn muốn sử dụng ngôn ngữ của chính mình để lập nên một tiêu chuẩn cho Đức Chúa Trời, để biến Ngài thành hữu hình và mang nhân tính, chẳng hạn như Ngài cao bao nhiêu, Ngài to lớn như thế nào, Ngài trông ra sao, chính xác Ngài ưa thích điều gì và tính cách của Ngài thế nào. Thật ra, trong lòng Ngài, Đức Chúa Trời biết rằng mọi người đang nghĩ theo cách này. Ngài biết rất rõ nhu cầu của mọi người, và tất nhiên Ngài cũng biết Ngài nên làm những gì, vì vậy Ngài đã thực hiện công tác của mình theo một cách khác trong Thời đại Ân điển. Cách thức mới này vừa thần thánh vừa được nhân tính hóa. Trong khoảng thời gian mà Đức Chúa Jêsus thực hiện công tác, mọi người có thể thấy rằng Đức Chúa Trời có nhiều sự bày tỏ của con người. Chẳng hạn, Ngài có thể nhảy múa, Ngài có thể dự đám cưới, Ngài có thể tương giao với mọi người, nói chuyện với họ và thảo luận mọi chuyện với họ. Thêm vào đó, Đức Chúa Jêsus cũng đã hoàn thành rất nhiều công tác đại diện cho thần tính của Ngài, và tất nhiên tất cả công tác này là một sự bày tỏ và sự tỏ lộ về tâm tính của Đức Chúa Trời. Trong thời gian này, khi thần tính của Đức Chúa Trời được thể hiện ra trong xác thịt bình thường theo cách mà mọi người có thể nhìn thấy và chạm vào, thì họ không còn cảm thấy rằng Ngài thấp thoáng lúc trong lúc ngoài nhận thức, hay rằng họ không thể đến gần Ngài. Trái lại, họ có thể cố gắng nắm bắt tâm ý của Đức Chúa Trời hoặc hiểu được thần tính của Ngài qua mọi cử động, qua lời và qua công tác của Con người. Con người nhập thể đã bày tỏ thần tính của Đức Chúa Trời qua nhân tính của Ngài và truyền đạt tâm ý của Đức Chúa Trời cho nhân loại. Và qua sự bày tỏ tâm ý và tâm tính của Đức Chúa Trời, Ngài cũng mặc khải cho mọi người biết Đức Chúa Trời mà họ không thể nhìn thấy hay chạm vào, là Đấng trú ngụ trong cõi thuộc linh. Những gì mọi người nhìn thấy là chính Đức Chúa Trời ở dạng hữu hình, làm từ thịt và huyết. Vì vậy, Con người nhập thể đã làm cho những thứ như thân phận của chính Đức Chúa Trời, địa vị, hình tượng, tâm tính Đức Chúa Trời, và Ngài có gì và là gì, mang tính cụ thể và được nhân tính hóa. Mặc dù hình dáng bên ngoài của Con người có một số hạn chế về mặt hình tượng của Đức Chúa Trời, nhưng thực chất của Ngài và Ngài có gì và là gì hoàn toàn có thể đại diện cho thân phận và địa vị của chính Đức Chúa Trời – chỉ có một số khác biệt về hình thức thể hiện. Chúng ta không thể phủ nhận rằng Con người đại diện cho thân phận và địa vị của chính Đức Chúa Trời, cả dưới hình dạng nhân tính của Ngài lẫn thần tính của Ngài. Tuy nhiên, trong thời gian này, Đức Chúa Trời đã làm việc qua xác thịt, phán lời từ góc độ của xác thịt và đứng trước nhân loại với thân phận và địa vị của Con người, và việc này cho mọi người cơ hội gặp gỡ và trải nghiệm những lời và công tác thực tế của Đức Chúa Trời giữa nhân loại. Nó cũng cho phép mọi người hiểu sâu sắc về thần tính và sự vĩ đại của Ngài giữa sự khiêm nhường, cũng như cho phép họ có được sự hiểu biết và định nghĩa sơ bộ về tính xác thực và thực tế của Đức Chúa Trời. Mặc dù công tác được hoàn thành bởi Đức Chúa Jêsus, cách làm việc của Ngài, và quan điểm mà theo đó Ngài phán dạy là khác với bản thể thật của Đức Chúa Trời trong cõi thuộc linh, nhưng mọi thứ về Ngài vẫn thực sự đại diện cho chính Đức Chúa Trời, Đấng mà nhân loại chưa từng thấy trước đây – điều này không thể phủ nhận! Điều đó có nghĩa là, bất kể Đức Chúa Trời xuất hiện dưới hình thức nào, bất kể Ngài phán lời từ góc độ nào, hay đối diện với nhân loại trong hình tượng nào, thì Đức Chúa Trời cũng không đại diện cho điều gì khác ngoài chính Ngài. Ngài không thể đại diện cho bất kỳ một con người nào, cũng như bất kỳ nhân loại sa ngã nào. Đức Chúa Trời là chính Đức Chúa Trời, và điều này là không thể phủ nhận.

– Công tác của Đức Chúa Trời, tâm tính của Đức Chúa Trời, và chính Đức Chúa Trời III, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Hồi chuông thời sau hết báo động đã vang lên, đại thảm họa đã ập xuống, bạn có muốn cùng gia đình nghênh đón được Thiên Chúa, và có cơ hội nhận được sự che chở của Thiên Chúa không?

Nội dung liên quan

Dụ ngôn Con chiên lạc

Ma-thi-ơ 18:12-14 Các ngươi tưởng thế nào? Nếu người nào có một trăm con chiên, một con bị lạc mất đi, thì há chẳng để chín mươi chín con...

Jêsus làm phép lạ

1. Jêsus cho năm ngàn người ăn Giăng 6:8-13 Một môn đồ, là Anh-rê, em của Si-môn Phi-e-rơ, thưa rằng: Ðây có một đứa con trai, có năm cái...

Liên hệ với chúng tôi qua Messenger