Jêsus làm phép lạ
1. Jêsus cho năm ngàn người ăn
Giăng 6:8-13 Một môn đồ, là Anh-rê, em của Si-môn Phi-e-rơ, thưa rằng: Ðây có một đứa con trai, có năm cái bánh mạch nha và hai con cá; nhưng đông người dường nầy, thì ngằn ấy có thấm vào đâu? Ðức Chúa Jêsus bèn phán rằng: Hãy truyền cho chúng ngồi xuống. Vả, trong nơi đó có nhiều cỏ. Vậy, chúng ngồi xuống, số người ước được năm ngàn. Ðức Chúa Jêsus lấy bánh, tạ ơn rồi, bèn phân phát cho những kẻ đã ngồi; Ngài cũng lấy cá phát cho chúng nữa, ai muốn bao nhiêu mặc ý. Khi chúng đã ăn được no nê, Ngài phán với môn đồ rằng: Hãy lượm những miếng còn thừa, hầu cho không mất chút nào. Vậy, môn đồ lượm những miếng thừa của năm cái bánh mạch nha, sau khi người ta đã ăn rồi, chứa đầy mười hai giỏ.
2. Sự sống lại của La-xa-rơ làm vinh hiển Đức Chúa Trời
Giăng 11:43-44 Khi Ngài nói xong, bèn kêu lên một tiếng lớn rằng: Hỡi La-xa-rơ, hãy ra! Người chết đi ra, chơn tay buộc bằng vải liệm và mặt thì phủ khăn. Ðức Chúa Jêsus phán cùng chúng rằng: Hãy mở cho người, và để người đi.
Trong số những phép lạ mà Đức Chúa Jêsus đã thực hiện, chúng ta chọn ra chỉ hai phép lạ này bởi vì chúng đủ để minh họa điều Ta muốn nói đến ở đây. Hai phép lạ này thật sự kinh ngạc và mang tính đại diện cao cho những phép lạ mà Đức Chúa Jêsus đã thực hiện trong Thời đại Ân điển.
Đầu tiên, chúng ta xem qua đoạn đầu: Jêsus cho năm ngàn người ăn.
Ý tưởng “năm cái bánh và hai con cá” là gì? Thông thường, năm cái bánh và hai con cá đủ cho bao nhiêu người ăn? Nếu các ngươi tính toán dựa trên sức ăn của một người bình thường, bây nhiêu đây chỉ đủ cho hai người. Đây là ý tưởng cơ bản nhất về “năm cái bánh và hai con cá”. Tuy nhiên, trong đoạn này, năm cái bánh và hai con cá đã dùng để cho bao nhiêu người ăn? Sau đây là điều đã được ghi trong Kinh Thánh: “Vả, trong nơi đó có nhiều cỏ. Vậy, chúng ngồi xuống, số người ước được năm ngàn”. So với năm cái bánh và hai con cá, năm ngàn có phải là một con số lớn không? Việc con số này quá lớn cho thấy điều gì? Từ góc độ con người, việc chia năm cái bánh và hai con cá cho năm ngàn người là điều bất khả thi, bởi vì sự chênh lệch giữa con người và thức ăn là quá lớn. Ngay cả khi mỗi người chỉ cắn một miếng bé tẹo thì cũng vẫn không đủ cho năm ngàn người. Nhưng ở đây, Đức Chúa Jêsus đã làm một phép lạ – Ngài không chỉ đảm bảo rằng năm ngàn người có thể ăn no, mà thậm chí còn thức ăn thừa. Kinh Thánh ghi rằng: “Khi chúng đã ăn được no nê, Ngài phán với môn đồ rằng: Hãy lượm những miếng còn thừa, hầu cho không mất chút nào. Vậy, môn đồ lượm những miếng thừa của năm cái bánh mạch nha, sau khi người ta đã ăn rồi, chứa đầy mười hai giỏ”. Phép lạ này cho con người thấy được thân phận và địa vị của Đức Chúa Jêsus, và thấy rằng không gì là không thể đối với Đức Chúa Trời – theo cách này, họ đã thấy được sự thật về quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời. Năm cái bánh và hai con cá đủ cho năm ngàn người ăn, nhưng nếu không có thức ăn gì cả, liệu Đức Chúa Trời có thể cho năm ngàn người ăn không? Dĩ nhiên Ngài có thể! Đây là một phép lạ, do đó con người chắc chắn cảm thấy nó không thể hiểu thấu, phi thường và bí ẩn, nhưng đối với Đức Chúa Trời, việc làm như thế chẳng là gì cả. Nếu đây là điều bình thường đối với Đức Chúa Trời, tại sao nó lại được đưa ra lúc này để diễn dịch? Bởi vì những gì nằm đằng sau phép lạ này chính là tâm ý của Đức Chúa Jêsus, điều mà nhân loại trước đây chưa từng nhận thức được.
Trước tiên, chúng ta hãy cố hiểu năm ngàn người này là dạng người gì. Họ có phải là những người theo Đức Chúa Jêsus hay không? Từ Kinh Thánh, chúng ta biết rằng họ không phải là những người theo Ngài. Họ có biết Đức Chúa Jêsus là ai không? Chắc chắn là không! Chí ít, họ đã không biết rằng người đang đứng trước họ là Đấng Christ, hoặc có thể một số người chỉ biết danh Ngài và đã biết hay nghe gì đó về những việc Ngài đã làm. Sự tò mò của họ về Đức Chúa Jêsus chỉ vừa dấy lên khi họ nghe những câu chuyện về Ngài, nhưng chắc chắn không thể nói rằng họ theo Ngài, càng không hiểu Ngài. Khi Đức Chúa Jêsus nhìn thấy năm ngàn người này, họ đang đói và chỉ có thể nghĩ đến việc ăn cho no, như vậy chính trong bối cảnh này mà Đức Chúa Jêsus đã thỏa mãn sự thèm khát của họ. Khi Ngài thỏa mãn sự thèm khát của họ, trong lòng Ngài nghĩ gì? Thái độ của Ngài như thế nào đối với những người chỉ muốn ăn cho no? Vào lúc đó, những ý nghĩ của Đức Chúa Jêsus và thái độ của Ngài có liên quan với tâm tính và thực chất của Đức Chúa Trời. Đối mặt năm ngàn người với cái bụng rỗng, những người chỉ muốn ăn một bữa no, đối mặt với những người đầy sự tò mò và hy vọng về Ngài, Đức Chúa Jêsus chỉ nghĩ đến việc sử dụng phép lạ này để ban ân điển trên họ. Tuy nhiên, Ngài đã không hy vọng rằng họ sẽ trở thành những người theo Ngài, bởi Ngài biết rằng họ chỉ muốn tham gia cuộc vui và ăn bánh no nê, do đó Ngài tận dụng tốt nhất những gì Ngài có ở đó và đã dùng năm cái bánh và hai con cá để cho năm ngàn người ăn. Ngài đã mở mắt cho những người thích những điều thú vị, những người muốn chứng kiến phép lạ, và họ đã tận mắt thấy những điều Đức Chúa Trời nhập thể có thể làm được. Mặc dù Đức Chúa Jêsus đã dùng sự thật để thỏa mãn sự tò mò của họ, trong lòng Ngài đã biết rằng năm ngàn người này chỉ muốn ăn bánh no nê, do đó Ngài đã không thuyết giảng cho họ hay nói bất cứ điều gì cả – Ngài chỉ để họ thấy phép lạ này như nó đã xảy ra. Ngài tuyệt đối không thể đối đãi với những người này theo cùng cách Ngài đối đãi với các môn đồ của mình, những người thật sự theo Ngài, nhưng trong lòng Đức Chúa Trời, tất cả mọi loài thọ tạo đều dưới sự thống trị của Ngài, và Ngài sẽ cho phép mọi loài thọ tạo trong tầm mắt của Ngài vui hưởng ân điển của Đức Chúa Trời khi cần thiết. Mặc dù những người này đã không biết Ngài là ai và đã không hiểu Ngài hay có bất kỳ ấn tượng đặc biệt nào về Ngài hay có lòng biết ơn đối với Ngài kể cả sau khi họ đã ăn bánh và cá, đây không phải là điều Đức Chúa Trời bận tâm – Ngài đã ban cho những người này một cơ hội tuyệt vời để được hưởng ân điển của Đức Chúa Trời. Một số người nói rằng Đức Chúa Trời có nguyên tắc trong những việc Ngài làm, rằng Ngài không coi sóc hay bảo vệ những người không tin, và rằng, đặc biệt, Ngài không cho phép họ hưởng ân điển của Ngài. Có thật như thế không? Trong mắt Đức Chúa Trời, miễn sao họ là những loài thọ tạo sống mà chính Ngài đã tạo ra, Ngài sẽ quản lý và chăm sóc họ, và theo nhiều cách, Ngài sẽ đối đãi với họ, lên kế hoạch cho họ, và cai trị họ. Đây là những ý nghĩ và thái độ của Đức Chúa Trời đối với muôn vật.
Mặc dù năm ngàn người ăn bánh và cá đã không có kế hoạch theo Đức Chúa Jêsus, Ngài đã không đưa ra yêu cầu gay go gì với họ; khi họ đã ăn no, các ngươi có biết Đức Chúa Jêsus đã làm gì không? Ngài có thuyết giảng cho họ không? Ngài đã đi đâu sau khi làm việc này? Kinh Thánh không ghi rằng Đức Chúa Jêsus đã nói bất cứ điều gì với họ, chỉ là Ngài âm thầm rời đi khi đã làm phép lạ của Ngài. Như vậy Ngài có đưa ra bất kỳ yêu cầu nào với những người này không? Có sự căm ghét nào không? Không, ở đây không có điều nào trong số này. Ngài đơn thuần không còn muốn chú ý gì đến những người không thể theo Ngài, và vào lúc này lòng Ngài đau đớn. Bởi Ngài đã thấy sự suy đồi của nhân loại và Ngài đã cảm thấy sự chối bỏ của nhân loại với Ngài, khi Ngài thấy những người này và Ngài ở cùng họ, Ngài buồn rầu bởi sự trì độn và ngu dốt của con người, và lòng Ngài đau đớn, tất cả những gì Ngài muốn là rời khỏi những người này nhanh nhất có thể. Chúa đã không đưa ra bất kỳ yêu cầu nào về họ trong lòng Ngài, Ngài đã không muốn bận tâm gì đến họ, và hơn thế nữa, Ngài đã không muốn dành năng lượng của Ngài cho họ. Ngài biết rằng họ không thể theo Ngài, nhưng bất chấp điều này, thái độ của Ngài với họ vẫn rất rõ ràng. Ngài chỉ muốn đối đãi tử tế với họ, ban ân điển trên họ, và quả thật đây là thái độ của Đức Chúa Trời đối với mọi loài thọ tạo dưới sự thống trị của Ngài – đối đãi tử tế với mọi loài thọ tạo, chu cấp cho chúng và nuôi dưỡng chúng. Chính vì lý do rằng Đức Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời nhập thể, Ngài đã tỏ lộ một cách rất tự nhiên thực chất của riêng Đức Chúa Trời và đối đãi tử tế với những người này. Ngài đã đối đãi với họ bằng lòng nhân từ và khoan dung, và với một tấm lòng như thế, Ngài cho họ thấy sự tử tế. Cho dù những người này nhìn nhận Đức Chúa Jêsus như thế nào, và cho dù sẽ có loại kết cục gì, Ngài cũng đối đãi với mọi loài thọ tạo dựa trên thân phận của Ngài là Chúa của mọi sự tạo dựng. Mọi điều Ngài tỏ lộ đều là tâm tính Đức Chúa Trời, Ngài có gì và là gì, không có ngoại lệ. Đức Chúa Jêsus đã âm thầm làm điều này, và sau đó âm thầm rời đi – đây là khía cạnh nào trong tâm tính Đức Chúa Trời? Các ngươi có thể nói rằng đây là lòng yêu thương nhân từ của Đức Chúa Trời không? Các ngươi có thể nói rằng đây là lòng vị tha của Đức Chúa Trời không? Có phải đây là điều một người bình thường có khả năng làm không? Chắc chắn là không! Về thực chất, năm ngàn người mà Đức Chúa Jêsus đã cho ăn bằng năm cái bánh và hai con cá là ai? Các ngươi có thể nói rằng họ là những người tương hợp với Ngài không? Các ngươi có thể nói rằng tất cả họ đều thù nghịch với Đức Chúa Trời không? Có thể nói một cách chắc chắn rằng họ tuyệt đối không tương hợp với Chúa, và thực chất của họ hoàn toàn thù nghịch với Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Trời đã đối đãi với họ như thế nào? Ngài đã dùng một phương pháp để xoa dịu sự thù nghịch của con người đối với Đức Chúa Trời – phương pháp này được gọi là “sự tử tế”. Nghĩa là, mặc dù Đức Chúa Jêsus xem những người này là những kẻ tội lỗi, nhưng trong mắt Đức Chúa Trời, họ dẫu sao vẫn là loài thọ tạo của Ngài, do đó Ngài vẫn đối đãi tử tế với những kẻ tội lỗi này. Đây là lòng khoan dung của Đức Chúa Trời, và lòng khoan dung này được quyết định bởi thân phận và thực chất của Đức Chúa Trời. Vì vậy, đây là điều mà không con người nào do Đức Chúa Trời tạo ra có khả năng cả – chỉ Đức Chúa Trời mới có thể làm điều này.
Khi ngươi có thể thật sự cảm kích những ý nghĩ và thái độ của Đức Chúa Trời đối với nhân loại, khi ngươi có thể thật sự hiểu những “tình cảm” và mối quan tâm của Đức Chúa Trời đối với mỗi loài thọ tạo, ngươi sẽ có thể hiểu sự tận tâm và tình yêu dành cho mỗi một con người mà Đấng Tạo Hóa đã tạo ra. Khi điều này xảy ra, ngươi sẽ dùng hai từ để miêu tả tình yêu của Đức Chúa Trời. Hai từ đó là gì? Một số người nói “vị tha”, còn một số người nói “nhân đức”. Trong hai từ này, “nhân đức” là kém thích hợp nhất để miêu tả tình yêu của Đức Chúa Trời. Đây là một từ mà con người dùng để miêu tả ai đó cao thượng hay rộng lượng. Ta ghét từ này, bởi vì nó ám chỉ việc phân phát lòng nhân đức ngẫu nhiên, bừa bãi, không suy xét nguyên tắc. Nó là quá tràn trề tình cảm, điều phổ biến với những người ngu ngốc và hồ đồ. Khi từ này được dùng để miêu tả tình yêu của Đức Chúa Trời, không thể tránh có một hàm ý phạm thượng. Ở đây Ta có hai từ miêu tả tình yêu của Đức Chúa Trời thích đáng hơn. Hai từ đó là gì? Từ đầu tiên là “mênh mông”. Chẳng phải từ này gợi lên rất nhiều sao? Từ thứ hai là “bao la”. Có một ý nghĩa thực tế đằng sau những từ mà Ta dùng để miêu tả về Đức Chúa Trời. Xét theo nghĩa đen, “mênh mông” miêu tả khối lượng hay sức chứa của một vật, nhưng bất kể vật đó to như thế nào, nó cũng là thứ con người có thể chạm vào và nhìn thấy. Điều này là vì nó có tồn tại – nó không phải là một vật trừu tượng, mà là thứ có thể cho con người những ý tưởng theo cách tương đối chính xác và thực tế. Cho dù ngươi nhìn nó từ một góc độ hai hay ba chiều, ngươi cũng không cần tưởng tượng về sự tồn tại của nó, bởi vì nó là một vật thật sự tồn tại theo cách có thật. Mặc dù việc dùng từ “mênh mông” để miêu tả tình yêu của Đức Chúa Trời có thể tạo cảm giác như một nỗ lực định lượng tình yêu của Ngài, nó cũng tạo cảm giác rằng tình yêu của Ngài là không thể định lượng. Ta nói rằng tình yêu của Đức Chúa Trời có thể được định lượng bởi vì tình yêu của Ngài không trống rỗng, và cũng không phải là điều gì trong truyền thuyết. Đúng hơn, nó là điều mà muôn vật dưới sự thống trị của Đức Chúa Trời đều có, điều mà mọi loài thọ tạo đều vui hưởng ở những mức độ khác nhau và từ những góc độ khác nhau. Mặc dù con người không thể thấy hay chạm nó, nhưng tình yêu này mang đến sự nuôi dưỡng và sự sống cho muôn vật khi nó được tỏ lộ, từng chút một, trong sự sống của chúng, và chúng đo đếm, làm chứng cho tình yêu của Đức Chúa Trời mà chúng vui hưởng trong từng khoảnh khắc trôi qua. Ta nói rằng tình yêu của Đức Chúa Trời là không thể định lượng được bởi vì lẽ mầu nhiệm về việc Đức Chúa Trời chu cấp và nuôi dưỡng muôn vật là điều khó dò lường đối với con người, những ý nghĩ của Đức Chúa Trời đối với muôn vật cũng vậy, và đặc biệt là đối với loài người. Nói thế nghĩa là, không ai biết máu và nước mắt mà Đấng Tạo Hóa đã đổ ra vì nhân loại. Không ai có thể hiểu thấu, không ai có thể hiểu được chiều sâu hay trọng lượng của tình yêu mà Đấng Tạo Hóa có đối với nhân loại mà Ngài đã tạo ra bằng chính tay Ngài. Việc miêu tả tình yêu của Đức Chúa Trời mênh mông là để giúp con người cảm kích, hiểu sự rộng lớn và thực tế về sự tồn tại của nó. Nó cũng là để con người có thể hiểu sâu hơn về ý nghĩa thực tế của từ “Đấng Tạo Hóa”, và hầu cho con người có thể đạt được sự hiểu biết sâu hơn về ý nghĩa thực của tên gọi “loài thọ tạo”. Từ “bao la” thường miêu tả điều gì? Nó thường được dùng để miêu tả đại dương hay vũ trụ, ví dụ: “vũ trụ bao la”, hay “đại dương bao la”. Độ rộng lớn và độ sâu thẳm của vũ trụ vượt khỏi tầm hiểu biết của con người; nó là điều thu hút trí tưởng tượng của con người, điều mà họ cảm thấy ngưỡng mộ vô cùng. Bí ẩn và bề sâu của nó nằm trong tầm nhìn, nhưng ngoài tầm với. Khi nghĩ về đại dương, ngươi nghĩ về sự rộng lớn của nó – nó trông vô tận, và ngươi có thể cảm nhận sự bí ẩn và sức chứa vĩ đại của nó với mọi vật. Đây là lý do tại sao Ta dùng từ “bao la” để miêu tả tình yêu của Đức Chúa Trời, để giúp con người cảm thấy nó quý giá như thế nào, cảm nhận vẻ đẹp sâu sắc của tình yêu của Ngài, và rằng quyền năng tình yêu của Đức Chúa Trời là vô tận và có phạm vi rộng. Ta dùng từ này để giúp con người cảm nhận sự thánh khiết của tình yêu của Ngài, và chân giá trị và tính không thể xúc phạm của Đức Chúa Trời được tỏ lộ thông qua tình yêu của Ngài. Bây giờ các ngươi có nghĩ rằng “bao la” là một từ thích hợp để miêu tả tình yêu của Đức Chúa Trời không? Tình yêu của Đức Chúa Trời có thể sánh với hai từ này: “mênh mông” và “bao la” không? Tuyệt đối là có! Theo ngôn ngữ của con người, hai từ này tự thân chúng đã phần nào thích hợp, và tương đối gần đúng để miêu tả tình yêu của Đức Chúa Trời. Các ngươi không nghĩ vậy sao? Nếu Ta bảo các ngươi miêu tả tình yêu của Đức Chúa Trời, liệu các ngươi sẽ dùng hai từ này không? Khả năng cao là các ngươi sẽ không dùng, bởi vì sự hiểu biết và cảm kích của các ngươi đối với tình yêu của Đức Chúa Trời bị giới hạn trong phạm vi của góc nhìn hai chiều, và chưa lên đến tầm cao của không gian ba chiều. Do đó nếu Ta bảo các ngươi miêu tả tình yêu của Đức Chúa Trời, các ngươi sẽ cảm thấy rằng mình thiếu từ ngữ và có lẽ các ngươi thậm chí sẽ chẳng có lời nào. Hai từ mà Ta đã nói đến hôm nay có thể khó hiểu đối với các ngươi, hay có thể các ngươi đơn thuần không đồng ý. Điều này chỉ cho thấy rằng sự cảm kích và hiểu biết của các ngươi về tình yêu của Đức Chúa Trời chỉ hời hợt và giới hạn trong một phạm vi hạn hẹp. Ta đã nói trước đây rằng Đức Chúa Trời vị tha; các ngươi nhớ từ này: “vị tha”. Có thể nào tình yêu của Đức Chúa Trời chỉ có thể được miêu tả là vị tha không? Chẳng phải đây là một phạm vi quá hạn hẹp sao? Các ngươi nên suy ngẫm về vấn đề này thêm nữa, để các ngươi có thể đạt được điều gì đó từ nó.
Trên đây là những gì chúng ta đã nhìn thấy về tâm tính của Đức Chúa Trời và thực chất của Ngài từ phép lạ đầu tiên. Mặc dù đây là một câu chuyện mà người ta đã và đang đọc vài nghìn năm nay, nó có một cốt truyện đơn giản, và cho phép con người thấy một hiện tượng đơn giản, nhưng trong cốt truyện đơn giản này chúng ta có thể thấy điều gì đó giá trị hơn, đó là tâm tính Đức Chúa Trời, Ngài có gì và là gì. Những điều về việc Ngài có gì và là gì đại diện cho chính Đức Chúa Trời và là một sự bày tỏ của những ý nghĩ của riêng Đức Chúa Trời. Khi Đức Chúa Trời bày tỏ những ý nghĩ của Ngài, đó là một sự bày tỏ tiếng lòng của Ngài. Ngài hy vọng rằng sẽ có những người có thể hiểu Ngài, biết Ngài và thấu hiểu tâm ý của Ngài, và những người có thể nghe tiếng lòng Ngài và sẽ có thể tích cực phối hợp để thỏa mãn tâm ý của Ngài. Những điều mà Đức Chúa Jêsus đã làm là một sự bày tỏ không lời về Đức Chúa Trời.
Tiếp theo, chúng ta hãy xem đoạn sau: Sự sống lại của La-xa-rơ làm vinh hiển Đức Chúa Trời.
Các ngươi có những ấn tượng gì sau khi đọc đoạn này? Ý nghĩa của phép lạ này mà Đức Chúa Jêsus đã làm to lớn hơn nhiều so với phép lạ trước, bởi vì không phép lạ nào gây kinh ngạc cho bằng đưa người chết trở về từ nấm mồ. Trong kỷ nguyên đó, việc Đức Chúa Jêsus làm điều như thế này là cực kỳ trọng đại. Bởi vì Đức Chúa Trời đã trở nên xác thịt, con người chỉ có thể thấy diện mạo vật lý của Ngài, phương diện thực tế của Ngài, và phương diện tầm thường của Ngài. Ngay cả khi con người thấy và hiểu điều gì đó về tính cách của Ngài hay một số khả năng đặc biệt mà Ngài dường như sở hữu, không ai biết Đức Chúa Jêsus đến từ đâu, Ngài thật sự là ai về thực chất của Ngài, và Ngài thật sự có khả năng làm những việc gì khác. Nhân loại không biết đến toàn bộ điều này. Rất nhiều người muốn tìm bằng chứng để trả lời những câu hỏi này về Đức Chúa Jêsus, và để biết sự thật. Liệu Đức Chúa Trời có thể làm điều gì đó để chứng minh thân phận của riêng Ngài không? Đối với Đức Chúa Trời, điều này quá nhẹ nhàng – nó chỉ là chuyện cỏn con. Ngài có thể làm điều gì đó ở mọi nơi, mọi lúc để chứng minh thân phận và thực chất của Ngài, nhưng Đức Chúa Trời có cách làm việc của riêng Ngài – với một kế hoạch, và theo các bước. Ngài đã không làm việc một cách bừa bãi, mà thay vào đó là tìm thời điểm và cơ hội thích hợp để làm điều gì đó mà Ngài sẽ cho phép con người nhìn thấy, điều thật sự mang đậm ý nghĩa. Theo cách này, Ngài đã chứng tỏ thẩm quyền và thân phận của Ngài. Như vậy thì, việc La-xa-rơ sống lại có thể chứng minh thân phận của Đức Chúa Jêsus không? Chúng ta hãy xem đoạn sau của Kinh Thánh: “Khi Ngài nói xong, bèn kêu lên một tiếng lớn rằng: Hỡi La-xa-rơ, hãy ra! Người chết đi ra…”. Khi Đức Chúa Jêsus làm việc này, Ngài đã nói chỉ một điều: “Hỡi La-xa-rơ, hãy ra!”. Sau đó La-xa-rơ ra khỏi mộ – điều này được hoàn thành bởi chỉ vài lời Chúa phán ra. Trong thời này, Đức Chúa Jêsus đã không lập bàn thờ, và Ngài đã không thực hiện bất kỳ hành động nào khác. Ngài chỉ phán một điều này. Điều này nên được gọi là phép lạ hay mạng lịnh? Hay nó có phải là một dạng ma thuật? Ở bề mặt, có vẻ như nó có thể được gọi là phép lạ, và nếu ngươi nhìn nhận nó từ một quan điểm hiện đại, dĩ nhiên ngươi vẫn có thể gọi nó là phép lạ. Tuy nhiên, nó chắc chắn không thể được xem là phép thuật kiểu như gọi một linh hồn trở về từ cõi chết, và nó tuyệt đối không phải là ma thuật thuộc bất kỳ dạng nào. Sẽ đúng đắn khi nói rằng phép lạ này là sự minh họa bình thường nhất, nhỏ bé nhất về thẩm quyền của Đấng Tạo Hóa. Đây là thẩm quyền và quyền năng của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời có thẩm quyền khiến cho một người chết, khiến hồn họ lìa khỏi xác và trở về âm phủ, hay bất cứ nơi nào khác mà nó nên đi. Thời gian chết của một người, và nơi họ sẽ đi sau khi chết – những điều này đều được quyết định bởi Đức Chúa Trời. Ngài có thể đưa ra những quyết định này mọi lúc mọi nơi, không bị chế ngự bởi con người, sự kiện, đối tượng, không gian hay địa lý. Nếu Ngài muốn làm, Ngài có thể làm, bởi muôn vật và sinh vật sống đều dưới sự thống trị của Ngài, và muôn vật và hữu thể sống đều dưới sự thống trị của Ngài, và muôn vật được sinh ra, sống và diệt mất bởi lời Ngài và thẩm quyền của Ngài. Ngài có thể làm người chết sống dậy, và đây cũng là điều Ngài có thể làm mọi lúc mọi nơi. Đây là thẩm quyền mà chỉ Đấng Tạo Hóa mới sở hữu.
Khi Đức Chúa Jêsus làm những việc như đưa La-xa-rơ trở về từ cõi chết, mục tiêu của Ngài là đưa ra bằng chứng cho con người và để Sa-tan nhìn thấy, và để con người và Sa-tan biết rằng mọi thứ về nhân loại, sự sống và chết của nhân loại đều được quyết định bởi Đức Chúa Trời, và rằng cho dù Ngài đã trở nên xác thịt, Ngài vẫn chỉ huy thế giới vật chất có thể được nhìn thấy cũng như cõi thuộc linh mà con người không thể nhìn thấy. Điều này là để nhân loại và Sa-tan biết rằng mọi thứ về nhân loại không nằm dưới sự chỉ huy của Sa-tan. Đây là một sự mặc khải và minh họa về thẩm quyền của Đức Chúa Trời, và nó cũng là một cách để Đức Chúa Trời gửi sứ điệp đến muôn vật, rằng sự sống và chết của nhân loại nằm trong tay Đức Chúa Trời. Việc Đức Chúa Jêsus làm La-xa-rơ sống lại là một trong những cách mà Đấng Tạo Hóa dạy dỗ và hướng dẫn nhân loại. Đó là một hành động cụ thể mà Ngài dùng quyền năng và thẩm quyền của Ngài để hướng dẫn và chu cấp cho nhân loại. Nó là một cách, không dùng lời nói, để Đấng Tạo Hóa cho phép nhân loại thấy được sự thật rằng Ngài chỉ huy muôn vật. Nó là một cách để Ngài nói với nhân loại thông qua những hành động thực tế rằng không có sự cứu rỗi nào khác hơn là thông qua Ngài. Phương tiện âm thầm này mà Ngài dùng để hướng dẫn nhân loại là trường tồn, còn mãi, mang đến cho lòng người một sự chấn động và khai sáng không bao giờ có thể phai mờ. Sự sống lại của La-xa-rơ đã làm vinh hiển Đức Chúa Trời – điều này có một tác động sâu sắc đến mỗi một người theo Đức Chúa Trời. Nó ấn định một cách vững vàng trong mỗi người, những người hiểu sâu sắc về sự kiện này, một sự hiểu biết, khải tượng rằng chỉ Đức Chúa Trời mới có thể chỉ huy sự sống và chết của nhân loại. Mặc dù Đức Chúa Trời có dạng thẩm quyền này, và mặc dù Ngài gửi một sứ điệp về quyền tối thượng của Ngài đối với sự sống và chết của nhân loại thông qua việc La-xa-rơ sống lại, nhưng đây không phải là công tác chính của Ngài. Đức Chúa Trời không bao giờ làm điều gì đó mà không có ý nghĩa. Mỗi một điều Ngài làm đều có giá trị to lớn và là một viên ngọc nổi trội trong một nhà kho báu. Ngài tuyệt đối sẽ không coi việc “khiến một người ra khỏi mộ” là mục tiêu hay hạng mục chính yếu hay duy nhất của công tác của Ngài. Đức Chúa Trời không làm bất cứ điều gì mà không có ý nghĩa. Việc La-xa-rơ sống dậy dù chỉ là một sự kiện đơn lẻ cũng đủ để minh họa thẩm quyền của Đức Chúa Trời và chứng minh thân phận của Đức Chúa Jêsus. Đây là lý do tại sao Đức Chúa Jêsus đã không lặp lại dạng phép lạ này. Đức Chúa Trời làm việc theo những nguyên tắc của riêng Ngài. Theo ngôn ngữ của con người, có thể nói rằng Đức Chúa Trời chỉ bận tâm đến những chuyện quan trọng. Nghĩa là, khi Đức Chúa Trời làm việc, Ngài không đi chệch khỏi mục đích công tác của Ngài. Ngài biết công tác mà Ngài muốn thực hiện trong giai đoạn này là gì, những gì Ngài muốn hoàn thành, và Ngài sẽ hoạt động theo kế hoạch của Ngài một cách nghiêm khắc. Nếu một người bại hoại có dạng khả năng đó, họ sẽ chỉ nghĩ về những cách để tỏ lộ khả năng của mình để những người khác biết họ ghê gớm như thế nào, để người ta sẽ khấu đầu với họ, để họ có thể kiểm soát và ăn sống nuốt tươi những người đó. Đây là sự tà ác đến từ Sa-tan – điều này được gọi là sự bại hoại. Đức Chúa Trời không có tâm tính như thế, và Ngài không có một thực chất như thế. Mục đích của Ngài trong việc làm những điều này không phải là để khoe khoang chính Ngài, mà là để chu cấp cho nhân loại thêm sự mặc khải và hướng dẫn, và đây là lý do tại sao con người thấy rất ít ví dụ trong Kinh Thánh về kiểu sự kiện này. Nói như vậy không phải là quyền năng của Đức Chúa Jêsus hữu hạn, hay Ngài không có khả năng với những điều như thế. Đơn giản là Đức Chúa Trời đã không muốn làm điều đó, bởi vì việc Đức Chúa Jêsus làm cho La-xa-rơ sống dậy có ý nghĩa rất thiết thực, và cũng vì công việc chính yếu của việc Đức Chúa Trời trở nên xác thịt không phải là làm phép lạ, không phải là làm cho con người sống dậy từ cõi chết, mà là công tác cứu chuộc nhân loại. Như vậy, phần lớn công tác mà Đức Chúa Jêsus đã hoàn thành là giảng dạy con người, chu cấp cho họ, và giúp đỡ họ, và những sự kiện như khiến La-xa-rơ sống dậy đơn thuần là một phần nhỏ trong chức vụ mà Đức Chúa Jêsus đã thực hiện. Hơn thế nữa, các ngươi có thể nói rằng “khoe khoang” không phải là một phần trong thực chất của Đức Chúa Trời, do đó Đức Chúa Jêsus không cố ý kiềm chế bằng cách không phô ra nhiều phép lạ nữa, điều này cũng không phải do những giới hạn của môi trường, và nó chắc chắn không phải do thiếu quyền năng.
Khi Đức Chúa Jêsus đưa La-xa-rơ trở về từ cõi chết, Ngài đã dùng chỉ vài lời này: “Hỡi La-xa-rơ, hãy ra!”. Ngài không nói gì ngoài điều này. Như vậy, những lời này chứng tỏ điều gì? Chúng chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời có thể hoàn thành bất cứ điều gì bằng cách phán bảo, kể cả việc làm người chết sống lại. Khi Đức Chúa Trời tạo ra muôn vật, khi Ngài sáng thế, Ngài đã thực hiện việc đó bằng lời nói – những mạng lệnh được phán ra, những lời chứa thẩm quyền, và theo cách này mà muôn vật đã được tạo nên, và như thế, công việc được hoàn tất. Vài lời phán này bởi Đức Chúa Jêsus cũng giống như những lời phán bởi Đức Chúa Trời khi Ngài tạo nên trời đất và muôn vật; theo cùng một cách, chúng mang thẩm quyền của Đức Chúa Trời và quyền năng của Đấng Tạo Hóa. Muôn vật được hình thành và đứng vững bởi những lời từ miệng Đức Chúa Trời, và theo cùng một cách, La-xa-rơ đã đi ra từ ngôi mộ bởi những lời từ miệng Đức Chúa Jêsus. Đây là thẩm quyền của Đức Chúa Trời, được chứng minh và thực hiện trong xác thịt nhập thể của Ngài. Dạng thẩm quyền và khả năng này thuộc về Đấng Tạo Hóa, và Con người mà Đấng Tạo Hóa đã được nhận ra trong đó. Đây là sự hiểu biết được dạy cho nhân loại thông qua việc Đức Chúa Trời khiến La-xa-rơ sống dậy từ cõi chết. Bây giờ, chúng ta sẽ kết thúc việc thảo luận về đề tài này ở đây.
– Công tác của Đức Chúa Trời, tâm tính của Đức Chúa Trời, và chính Đức Chúa Trời III, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời
Hồi chuông thời sau hết báo động đã vang lên, đại thảm họa đã ập xuống, bạn có muốn cùng gia đình nghênh đón được Thiên Chúa, và có cơ hội nhận được sự che chở của Thiên Chúa không?