Cách mưu cầu lẽ thật (1)

Buổi nhóm họp trước, chúng ta đã thông công về chủ đề gì? (Thưa, tại sao con người phải mưu cầu lẽ thật.) Sau khi thông công xong, Ta đã giao cho các ngươi một chủ đề bài tập về nhà – đó là gì? (Thưa, cách mưu cầu lẽ thật.) Cách mưu cầu lẽ thật, các ngươi đã suy ngẫm về chủ đề này chưa? (Thưa, Đức Chúa Trời, con đã suy ngẫm một chút. Về cách mưu cầu lẽ thật, con thấy, một mặt là xem xét những bộc lộ của sự bại hoại và tâm tính bại hoại của chúng con trong tất cả những con người, sự việc và sự vật mà chúng con gặp phải hàng ngày, rồi sau đó tìm kiếm lẽ thật để giải quyết. Mặt khác, việc thực hiện bổn phận cũng liên quan đến các nguyên tắc nhất định, vì vậy chúng con phải tìm kiếm những lẽ thật có liên quan để biết được khi gặp các bổn phận khác nhau thì nên hành động theo các nguyên tắc như thế nào – đây cũng là một cách để thực hành mưu cầu lẽ thật.) Một mặt là tìm kiếm lẽ thật trong cuộc sống thường ngày, mặt khác là tìm kiếm các nguyên tắc lẽ thật trong khi thực hiện bổn phận. Còn mặt nào khác không? Chủ đề này chắc không khó, phải không? Các ngươi đã suy ngẫm về “cách mưu cầu lẽ thật” chưa? Các ngươi đã suy ngẫm như thế nào? Nên dành một khoảng thời gian nhất định để suy nghĩ về chủ đề này, sau đó ghi chép lại những hiểu biết đạt được sau khi suy ngẫm, như vậy mới gọi là suy ngẫm. Nếu ngươi chỉ nhìn lướt qua và ngẫm nghĩ một chút, mà không dành thời gian, sức lực và tâm tư để suy nghĩ, thì đó không phải là suy ngẫm. Suy ngẫm có nghĩa là ngươi suy nghĩ về vấn đề một cách nghiêm túc, cân nhắc một cách cẩn thận, đạt được một số hiểu biết cụ thể, và nhận được sự khai sáng và có ánh sáng, có được những thu hoạch nhất định – đây là những kết quả đạt được thông qua việc suy ngẫm. Vậy các ngươi đã suy ngẫm về chủ đề này chưa? Không ai trong các ngươi đã suy ngẫm về nó đúng không? Lần trước, Ta đã cho các ngươi bài tập về nhà, một chủ đề để các ngươi có thể chuẩn bị, nhưng không ai trong các ngươi đã suy ngẫm về chủ đề này và các ngươi đã không coi trọng việc này. Các ngươi muốn đợi ăn sẵn hay sao? Hay các ngươi nghĩ: “Chủ đề này rất đơn giản, chẳng có gì sâu sắc cả. Chúng con đã hiểu rõ được rồi, vì vậy không cần phải suy ngẫm – chúng con đã hiểu rồi”? Hay là ngươi không quan tâm đến những câu hỏi và vấn đề liên quan đến việc mưu cầu lẽ thật? Có chuyện gì vậy? Không thể là các ngươi quá bận rộn với công việc được, đúng không? Rốt cuộc thì lý do là gì? (Thưa, sau khi nghe những câu hỏi của Đức Chúa Trời và phản tỉnh bản thân, con nghĩ rằng nguyên nhân chính là do con không yêu lẽ thật. Con đã không coi trọng lời Đức Chúa Trời, và đã không nghiêm túc suy ngẫm về lẽ thật. Mặt khác, con cũng muốn ăn sẵn. Con đã hy vọng rằng khi Đức Chúa Trời thông công chủ đề này xong thì con sẽ có thể hiểu được. Đó là thái độ trong lòng con.) Có phải hầu hết mọi người đều như vậy không? Có vẻ như các ngươi đã quen ăn sẵn. Liên quan đến lẽ thật, các ngươi không quá chuyên tâm cũng không dốc nhiều sức. Các ngươi đặc biệt thích làm việc và chạy ngược xuôi một cách mù quáng. Tất cả những gì các ngươi làm là sống cho qua ngày đoạn tháng; đối với lẽ thật thì các ngươi cứ qua loa đại khái và chẳng coi trọng chút nào. Đó là tình trạng thực sự của các ngươi.

Cách mưu cầu lẽ thật là một trong những chủ đề thường được thông công nhất trong nhà Đức Chúa Trời. Hầu hết mọi người hiểu một vài giáo lý về cách mưu cầu lẽ thật, cũng như biết một số phương pháp và con đường để thực hành lẽ thật. Có một số người tin Đức Chúa Trời đã lâu, họ ít nhiều cũng có một số trải nghiệm thực tế, họ cũng từng trải nghiệm thất bại, vấp ngã, cũng như đã từng tiêu cực và yếu đuối. Trong quá trình mưu cầu lẽ thật, họ cũng đã trải nghiệm nhiều thăng trầm, và trong khi mưu cầu lẽ thật, họ đã có được thể nghiệm và đạt được một số thu hoạch. Đương nhiên, họ cũng gặp phải nhiều khó khăn và trở ngại, cũng như nhiều vấn đề thực tế khác nhau trong cuộc sống hay hoàn cảnh của họ. Nói tóm lại, hầu hết mọi người đều có một mức độ lĩnh hội nào đó về việc mưu cầu lẽ thật, dù chỉ ở hình thức hay thông qua một số vấn đề thực tế, và họ cũng có một số hiểu biết giáo lý về việc đó. Một khi con người bắt đầu tin vào Đức Chúa Trời hoặc bước đi trên con đường mưu cầu lẽ thật, bất kể họ đã thực sự trả giá trên con đường đó hay chỉ nỗ lực một chút đối với việc mưu cầu lẽ thật, thì tất cả bọn họ ít nhiều đều sẽ có một chút lĩnh hội. Đối với những người yêu lẽ thật, sự lĩnh hội này tượng trưng cho thu hoạch đích thực và quý giá, nhưng đối với những người không mưu cầu lẽ thật thì không có trải nghiệm, thể nghiệm và thu hoạch gì. Tóm lại, khi mưu cầu lẽ thật, phần lớn mọi người đều đang vừa do dự tiến bước với thái độ “chờ xem sao”, vừa lĩnh hội một chút cảm giác của việc mưu cầu lẽ thật. Trong suy nghĩ, quan điểm hay ý thức của hầu hết mọi người, mưu cầu lẽ thật là điều tích cực và có ý nghĩa nhất. Họ coi đó là mục tiêu mưu cầu mà đời người nên có, và hơn thế nữa, đó là con đường nhân sinh đúng đắn. Dù ở mức độ lý thuyết hay dựa trên thể nghiệm và hiểu biết thực tế của con người thì họ đều coi việc mưu cầu lẽ thật là điều tốt và điều tích cực nhất. Không có sự mưu cầu hay con đường nào của nhân loại có thể sánh được với việc mưu cầu lẽ thật hay con đường mưu cầu lẽ thật. Mưu cầu lẽ thật là con đường đúng đắn duy nhất mà con người nên đi theo. Là một thành viên của loài người, mỗi người phải xem việc mưu cầu lẽ thật là mục tiêu của đời người và là con đường đúng đắn phải đi. Vậy rốt cuộc thì, người ta nên mưu cầu lẽ thật như thế nào? Vừa rồi, các ngươi đã nói đến một số ý tưởng đơn giản, mang tính lý thuyết, mà có lẽ hầu hết mọi người sẽ đồng ý. Mọi người đều nghĩ rằng những kiểu mưu cầu và thực hành này có liên quan đến việc mưu cầu lẽ thật. Họ tin rằng những điều liên quan cụ thể đến việc mưu cầu lẽ thật chỉ đơn thuần là: biết mình, thú nhận tội lỗi và ăn năn, sau đó tìm kiếm từ lời Đức Chúa Trời các nguyên tắc lẽ thật có thể thực hành, và cuối cùng là sống thể hiện ra lời Ngài trong cuộc sống thường ngày của mình và bước vào thực tế lẽ thật. Đây là cách hiểu và nhận thức chung của hầu hết mọi người về cách mưu cầu lẽ thật. Ngoài những điều mà các ngươi có thể nhận ra và hiểu được, Ta đã tóm tắt một số con đường và phương pháp thực hành cụ thể hơn để mưu cầu lẽ thật. Hôm nay, chúng ta sẽ thông công chi tiết hơn về cách mưu cầu lẽ thật.

Ngoài một số phương pháp mà các ngươi liệt kê, Ta đã đi vào chi tiết hơn và tóm tắt hai phương pháp mưu cầu lẽ thật. Một phương pháp là “buông bỏ.” Phương pháp này có đơn giản không? (Thưa, đơn giản.) Phương pháp này không trừu tượng cũng không phức tạp, cũng dễ nhớ và dễ hiểu. Tất nhiên, thực hành nó thì có thể sẽ khó khăn ở một mức độ nhất định. Ngươi thấy đấy, phương pháp này đơn giản hơn nhiều so với những phương pháp các ngươi đưa ra. Những gì các ngươi nói chỉ là một mớ lý thuyết. Chúng có vẻ cao sâu, và tất nhiên cũng có một khía cạnh cụ thể, nhưng chúng phức tạp hơn nhiều so với những gì Ta vừa chỉ các ngươi. Phương pháp thứ nhất là “buông bỏ” và phương pháp thứ hai là “dốc mình”. Chỉ có hai phương pháp này, tổng cộng là bốn từ. Chỉ cần nhìn vào là người ta có thể hiểu được và biết cách thực hành mà không cần thông công về chúng – chúng cũng dễ nhớ nữa. Phương pháp đầu tiên là gì? (Thưa, là buông bỏ.) Phương pháp thứ hai là gì? (Thưa, là dốc mình.) Ngươi thấy chưa? Chúng không đơn giản sao? (Thưa, đơn giản.) Chúng súc tích hơn nhiều so với những gì các ngươi nói. Cái này gọi là gì? Đây gọi là sâu sắc. Việc dùng ít từ hơn có nhất thiết nghĩa là điều gì đó sâu sắc không? (Thưa, không phải.) Có sâu sắc hay không không quan trọng, điều mấu chốt là liệu có nêu ra được điểm then chốt hay không và liệu khi người ta đưa vào thực hành thì nó có hữu dụng hay không. Ngoài ra, điều quan trọng là phải xem những kết quả đạt được khi thực hành nó; liệu nó có giải quyết được những khó khăn thực tế của mọi người hay không; liệu nó có giúp mọi người đi theo con đường mưu cầu lẽ thật hay không; liệu nó có giúp mọi người giải quyết các tâm tính bại hoại của họ tận gốc hay không; và liệu thực hành nó có giúp mọi người đến trước Đức Chúa Trời, tiếp nhận lời Ngài và lẽ thật, từ đó đạt được kết quả và mục tiêu mà việc mưu cầu lẽ thật phải đạt được hay không. Có đúng thế không? (Thưa, đúng.) Hai phương pháp “buông bỏ” và “dốc mình” các ngươi đã nghe, đã biết rồi. Vậy mối quan hệ giữa hai phương pháp này với việc mưu cầu lẽ thật là gì? Chúng có liên quan đến những phương pháp các ngươi đã đề cập không hay mâu thuẫn với chúng? Điều này vẫn chưa rõ ràng lắm phải không? (Thưa, phải.) Nói chung, các phương pháp cụ thể để thực hành mưu cầu lẽ thật là hai phương pháp mà Ta vừa nói. Trong hai phương pháp này, nội dung cụ thể của phương pháp thứ nhất – buông bỏ – là gì? Điều đơn giản và trực tiếp nhất mà các ngươi có thể nghĩ đến khi nghe hai từ “buông bỏ” là gì? Làm thế nào để thực hành phương pháp này? Các phần và nội dung cụ thể của nó là gì? (Thưa, là từ bỏ tâm tính bại hoại.) Ngoài tâm tính bại hoại thì còn gì nữa? (Thưa, quan niệm và tưởng tượng.) Quan niệm và tưởng tượng, cảm xúc, ý muốn và sở thích của con người. Còn gì nữa? (Thưa, triết lý sống của Sa-tan, những nhân sinh quan và giá trị quan sai lầm.) (Thưa, ý định và dục vọng của con người.) Tóm lại, khi mọi người cố gắng nghĩ về những điều mà họ nên buông bỏ, ngoài những biểu hiện khác nhau liên quan đến tâm tính bại hoại, họ cũng nghĩ đến những thứ tạo nên suy nghĩ và quan điểm của con người. Vì vậy, có hai phần chính: một phần liên quan đến tâm tính bại hoại và phần còn lại liên quan đến suy nghĩ và quan điểm của con người. Ngoài hai điều này, các ngươi có thể nghĩ đến điều gì khác nữa? Các ngươi đang lúng túng, phải không? Lý do là gì? Lý do là những điều xuất hiện ngay lập tức trong đầu ngươi là những chủ đề mà ngươi thường xuyên gặp phải trong cuộc sống thường ngày kể từ khi ngươi bắt đầu tin vào Đức Chúa Trời, và là chủ đề mà mọi người thường nói đến. Nhưng đối với những vấn đề không ai đề cập đến, những vấn đề vẫn tồn tại trong con người, thì các ngươi không biết chúng, không ý thức được chúng, không thể nghĩ ra chúng và cũng chưa bao giờ coi chúng là vấn đề để suy ngẫm. Đây là lý do khiến các ngươi lúng túng. Ta thảo luận điều này với các ngươi bởi vì Ta muốn các ngươi suy nghĩ kỹ và xem xét cẩn thận vấn đề mà chúng ta sẽ thông công tiếp theo, để các ngươi có ấn tượng sâu sắc về vấn đề đó.

Giờ chúng ta sẽ thông công về hai điều chính liên quan đến cách mưu cầu lẽ thật: thứ nhất là buông bỏ và thứ hai là dốc mình. Trước hết, hãy thông công về cách đầu tiên – buông bỏ. Đây không chỉ đơn giản là buông bỏ tình cảm, triết lý thế gian, ý muốn cá nhân, mong cầu phước lành, và những diễn giải chung chung khác. Việc thực hành “buông bỏ” mà Ta sẽ thông công ngày hôm nay có một nghĩa cụ thể hơn và đòi hỏi mọi người phải xem xét và thực hành nó trong cuộc sống thường ngày. Khi nói đến sự buông bỏ, đầu tiên cần đề cập đến điều gì? Điều đầu tiên mà người ta phải buông bỏ khi mưu cầu lẽ thật là những cảm xúc khác nhau của con người. Các ngươi nghĩ gì khi Ta đề cập đến những cảm xúc khác nhau này? Những cảm xúc này bao gồm những gì? (Thưa, sự nóng nảy, tùy hứng và tiêu cực.) Nóng nảy có phải là một cảm xúc không? (Thưa, con hiểu cảm xúc có nghĩa là khi mọi người làm việc tùy theo tâm trạng trong khi thực hiện bổn phận của mình. Họ có những thái độ khác nhau đối với sự việc tùy thuộc vào việc họ có tâm trạng tốt hay không tốt.) Đây có phải là những cảm xúc mà Ta đang nói đến không? Đây có phải là cách giải thích về cảm xúc không? (Thưa Đức Chúa Trời, sự hiểu biết của con về cảm xúc là chúng chủ yếu bao gồm sự cáu kỉnh, khó chịu, bên cạnh hỷ nộ ai lạc.) Đây là một sự khái quát hóa thích hợp. Vậy, những gì vừa được đề cập về việc con người làm mọi việc tùy theo tâm trạng của họ, đó có phải là một cảm xúc không? (Thưa, đó chỉ là một biểu hiện mà thôi.) Đó là một kiểu biểu hiện của cảm xúc. Tâm trạng tồi tệ, cáu kỉnh và chán nản – đây đều là những biểu hiện của cảm xúc, nhưng chúng hoàn toàn không phải là định nghĩa của cảm xúc. Vậy, mọi người nên hiểu như thế nào về điều đầu tiên mà họ cần phải buông bỏ để mưu cầu lẽ thật – những cảm xúc khác nhau? Khi buông bỏ những cảm xúc khác nhau là con người đang buông bỏ điều gì? Đó là buông bỏ những tâm trạng, suy nghĩ và cảm xúc nảy sinh trong những hoàn cảnh và bối cảnh khác nhau, đối với con người, sự việc và sự vật khác nhau. Một số cảm xúc này trở thành ý muốn cá nhân của con người. Và, mặc dù một số không trở thành ý muốn cá nhân của con người, nhưng chúng vẫn có thể thường xuyên ảnh hưởng đến thái độ của người đó trong hành động của họ. Vậy, những cảm xúc này bao gồm những gì? Ví dụ, chúng bao gồm sự u sầu, thù hận, phẫn nộ, cáu kỉnh, bất an, cũng như sự kìm nén, mặc cảm tự ti và những giọt nước mắt vui sướng – tất cả những điều này có thể được coi là cảm xúc. Đây có phải là những biểu hiện cụ thể của cảm xúc không? (Thưa, phải.) Nói như thế thì các ngươi có biết cảm xúc là gì rồi, phải không? Chúng có liên quan gì đến sự tiêu cực và nóng nảy mà các ngươi đã đề cập không? (Thưa, không.) Chúng không có liên quan gì cả. Vậy, những điều các ngươi đã đề cập là gì? (Thưa, tâm tính bại hoại.) Chúng là một dạng biểu hiện của tâm tính bại hoại. Những cảm xúc mà Ta vừa liệt kê, sự kìm nén, u sầu, mặc cảm tự ti, v.v., có liên quan gì đến tâm tính bại hoại không? (Thưa, những cảm xúc mà Đức Chúa Trời vừa phán không liên quan đến tâm tính bại hoại, không cấu thành tâm tính bại hoại, hoặc là chưa đạt đến mức độ của tâm tính bại hoại.) Vậy, chúng là gì? Chúng là hỷ nộ ai lạc của nhân tính bình thường, và chúng là những cảm xúc phát sinh và biểu hiện bộc lộ ra khi con người gặp phải những hoàn cảnh nhất định. Một số có thể là do tâm tính bại hoại gây ra, trong khi số khác thì chưa đạt đến mức độ đó và không liên quan đến tâm tính bại hoại, nhưng những điều này thực sự có tồn tại trong suy nghĩ của con người. Trong những trường hợp như vậy, cho dù con người có gặp phải chuyện gì hay bối cảnh nào thì theo một cách tự nhiên, những cảm xúc này cũng thường ảnh hưởng đến phán đoán và quan điểm của họ ở một mức độ nào đó, và chúng sẽ ảnh hưởng đến lập trường mà con người nên đứng cũng như con đường mà họ nên đi. Những cảm xúc khác nhau mà chúng ta vừa nói đến hầu hết đều khá tiêu cực. Có cái nào hơi trung tính, không quá tiêu cực hay tích cực không? Không, không có cái nào tương đối tích cực cả. Chán nản, u sầu, thù hận, phẫn nộ, tự ti, cáu kỉnh, bất an và kìm nén – đây đều là những cảm xúc rất tiêu cực. Liệu có bất kỳ cảm xúc nào trong số này có thể giúp con người đối mặt tích cực với cuộc sống, cuộc đời này của con người và những hoàn cảnh mà họ gặp phải trong cuộc sống không? Không có cái nào là tích cực sao? (Thưa, không có.) Chúng đều là những cảm xúc rất tiêu cực. Vậy cảm xúc nào thì có phần tốt hơn? Thế còn mong mỏi và nhớ nhung thì sao? (Thưa, chúng khá trung tính.) Đúng, chúng có thể trung tính. Còn gì nữa không? Lưu luyến, hướng vọng và hoài niệm. Những cảm xúc mà chúng ta đang nói đến này đề cập đến điều gì? Chúng là những thứ thường ẩn giấu trong tận đáy lòng và linh hồn con người; chúng thường có thể chiếm giữ nội tâm và suy nghĩ của con người và thường có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của con người cũng như quan điểm và thái độ của họ khi làm mọi việc. Do đó, cho dù thấy những cảm xúc này trong đời thực của con người hay trong đức tin vào Đức Chúa Trời và việc mưu cầu lẽ thật của họ, thì ít nhiều chúng sẽ can thiệp hoặc ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của con người cũng như ảnh hưởng đến thái độ của họ đối với bổn phận của mình. Tất nhiên, chúng cũng sẽ ảnh hưởng đến phán đoán của con người và lập trường của họ khi mưu cầu lẽ thật, và đặc biệt, những cảm xúc phần nào tiêu cực này sẽ có tác động rất lớn đến con người. Khi con người có ký ức và bắt đầu cảm nhận được đa dạng những cảm xúc, hoặc bắt đầu hình thành ý thức để nhận biết các sự việc, sự vật, hoàn cảnh và những người khác, thì những cảm xúc khác nhau của họ bắt đầu dần dần nảy sinh và hình thành. Một khi những cảm xúc này hình thành, thì khi con người ngày càng thêm tuổi và trải nghiệm thêm nhiều chuyện thế sự thì những cảm xúc này ngày càng ăn sâu vào bên trong họ, trong sâu thẳm lòng họ, trở thành nét đặc trưng chủ đạo của nhân tính mỗi con người. Chúng dần dần định hướng tính cách cá nhân của họ, hỷ nộ ai lạc của họ, sở thích của họ, cũng như việc họ theo đuổi các mục tiêu và phương hướng trong cuộc đời, v.v. Đó là lý do tại sao những cảm xúc này là không thể thiếu đối với mỗi người. Tại sao Ta lại nói điều này? Bởi vì một khi con người bắt đầu có ý thức chủ quan về môi trường xung quanh họ, thì những cảm xúc này dần dần ảnh hưởng đến hỷ nộ ai lạc của họ, chúng ảnh hưởng đến sự phán đoán và nhận thức của họ về con người, sự việc và sự vật, cũng như ảnh hưởng đến tính cách của họ. Tất nhiên, chúng cũng sẽ ảnh hưởng đến thái độ và quan điểm của con người về cách họ đối mặt và đối xử với những con người, sự việc và sự vật xung quanh họ. Quan trọng hơn nữa, những cảm xúc tiêu cực này ảnh hưởng đến cách thức và nguyên tắc chi phối cách con người hành xử, cũng như các mục tiêu mà họ theo đuổi và ranh giới của họ về cách hành xử của con người. Các ngươi có thể cảm thấy rằng những gì Ta nói không dễ hiểu lắm, có thể hơi trừu tượng. Ta sẽ cho các ngươi một ví dụ và sau đó các ngươi có thể hiểu rõ hơn một chút. Ví dụ, có một số người khi còn nhỏ có ngoại hình bình thường, ăn nói vụng về, không nhanh trí cho lắm, khiến người trong gia đình và môi trường xã hội có những đánh giá không tốt về họ, nói những câu như: “Đứa trẻ này đần độn, chậm chạp và ăn nói vụng về. Nhìn con nhà người ta mà xem, chúng khéo mồm đến mức có thể sai khiến được người ta. Trong khi đứa trẻ này suốt ngày chỉ bĩu môi. Gặp người ta, nó không biết phải nói gì, làm gì sai cũng không biết giải thích hay biện minh cho bản thân và không thể làm mọi người vui. Đứa trẻ này là một đứa ngốc”. Cha mẹ nói thế, họ hàng và bạn bè nói thế, và giáo viên của họ cũng nói thế. Môi trường này tạo ra một áp lực vô hình nhất định đối với những cá nhân như vậy. Khi trải qua những môi trường này, họ vô tình phát triển một kiểu tâm lý nhất định. Là kiểu tâm lý gì? Họ nghĩ rằng họ không ưa nhìn, không được dễ mến cho lắm và người khác chẳng bao giờ vui khi gặp họ. Họ cho rằng mình học không giỏi, chậm chạp, luôn thấy xấu hổ khi mở miệng nói trước mặt người khác. Họ quá xấu hổ đến nỗi không nói được lời cảm ơn khi người ta cho họ thứ gì đó, họ tự nghĩ: “Tại sao mình luôn bị líu lưỡi như vậy chứ? Tại sao người khác lại ăn nói trôi chảy như vậy? Mình thật là ngu ngốc!”. Trong tiềm thức, họ cho rằng mình vô giá trị, nhưng vẫn không muốn thừa nhận mình vô giá trị, ngu ngốc như vậy. Trong thâm tâm họ luôn tự hỏi: “Mình có thực sự ngu ngốc như vậy không? Mình có thực sự khó ưa như vậy không?”. Cha mẹ không thích họ, anh chị em, giáo viên hay bạn học của họ cũng vậy. Và thỉnh thoảng người nhà, họ hàng, bạn bè nói về họ rằng: “Nó lùn, mắt mũi thì nhỏ, nhìn như vậy thì lớn lên sẽ không thành đạt được”. Thế là, khi nhìn vào gương, họ thấy mắt của họ thực sự nhỏ. Trong hoàn cảnh này, sự phản kháng, bất mãn, không muốn và không chấp nhận trong thâm tâm họ dần dần chuyển sang sự chấp nhận và thừa nhận những thiếu sót, khiếm khuyết và vấn đề của bản thân. Dù họ có thể chấp nhận thực tế này, nhưng thâm tâm họ vẫn nảy sinh một cảm xúc dai dẳng. Cảm xúc này được gọi là gì? Đó là mặc cảm tự ti. Những người cảm thấy tự ti không biết điểm mạnh của mình là gì. Họ chỉ nghĩ rằng họ không dễ mến, luôn cảm thấy ngu ngốc và không biết cách giải quyết mọi việc. Nói tóm lại, họ cảm thấy mình không thể làm được gì, không cuốn hút, không thông minh và phản ứng chậm chạp. Họ không nổi bật so với những người khác và không đạt điểm cao trong học tập. Sau khi lớn lên trong một môi trường như vậy, tư duy tự ti này dần chiếm lĩnh lòng họ. Nó trở thành một loại cảm xúc dai dẳng quấn lấy lòng ngươi, lấp đầy tâm trí ngươi. Cho dù ngươi đã trưởng thành, đã bước ra đời, đã kết hôn và có sự nghiệp, và bất kể địa vị xã hội của ngươi như thế nào đi nữa, thì cảm giác tự ti đã được gieo vào môi trường ngươi lớn lên này là điều không thể loại bỏ được. Ngay cả sau khi ngươi bắt đầu tin vào Đức Chúa Trời và gia nhập hội thánh, ngươi vẫn nghĩ rằng mình có ngoại hình trung bình, tố chất trí tuệ kém cỏi, không có tài ăn nói và không thể làm được gì. Ngươi nghĩ: “Mình sẽ chỉ làm những gì mình có thể. Mình không cần mưu cầu làm lãnh đạo, không cần mưu cầu những lẽ thật cao sâu, làm người kém quan trọng nhất là được rồi và cứ để người khác đối xử với mình tùy ý họ”. Khi những kẻ địch lại Đấng Christ và các lãnh đạo giả xuất hiện, ngươi cảm thấy không thể phân định hay vạch trần họ, thấy ngươi không có khả năng để làm điều đó. Ngươi cảm thấy rằng miễn là bản thân mình không phải là lãnh đạo giả hay kẻ địch lại Đấng Christ là tốt rồi, miễn là ngươi không gây nhiễu loạn và gián đoạn thì ổn cả, và chỉ cần ngươi có thể đứng vững ở vị trí của mình là được rồi. Trong thâm tâm, ngươi cảm thấy rằng mình không đủ giỏi và không giỏi như những người khác, rằng những người khác có lẽ là những đối tượng được cứu rỗi, còn ngươi cùng lắm chỉ là một kẻ phục vụ, thế nên ngươi cảm thấy mình không đủ khả năng để mưu cầu lẽ thật. Cho dù ngươi có thể hiểu được bao nhiêu lẽ thật, thì ngươi vẫn cảm thấy rằng, vì Đức Chúa Trời đã tiền định cho ngươi có được kiểu tố chất như vậy và ngoại hình như vậy, thì có lẽ Ngài đã tiền định cho ngươi chỉ là một kẻ phục vụ và ngươi không liên quan gì đến việc mưu cầu lẽ thật, đến việc trở thành lãnh đạo, trở thành người phụ trách hay được cứu rỗi; thay vào đó, ngươi cam lòng trở thành người tầm thường nhất. Có lẽ cảm giác tự ti này không phải ngươi bẩm sinh mà có, mà ở một mức độ khác, do hoàn cảnh gia đình và môi trường ngươi lớn lên nên ngươi đã phải chịu những đòn vừa phải hoặc những đánh giá không đúng đắn, và điều này khiến cho cảm giác tự ti nảy sinh trong ngươi. Cảm xúc này ảnh hưởng đến phương hướng đúng đắn trong việc mưu cầu của ngươi, ảnh hưởng đến khát vọng chính đáng trong việc mưu cầu của ngươi, và cũng áp chế những mưu cầu chính đáng của ngươi. Một khi sự mưu cầu chính đáng của ngươi và quyết tâm chính đáng mà ngươi nên có trong nhân tính của mình bị áp chế, thì động lực theo đuổi những điều tích cực và mưu cầu lẽ thật của ngươi sẽ bị áp chế. Sự áp chế này không phải do hoàn cảnh xung quanh ngươi hay do bất kỳ người nào gây ra, và tất nhiên Đức Chúa Trời không định rằng ngươi phải chịu như vậy, mà nó được tạo ra bởi một cảm xúc tiêu cực nghiêm trọng sâu trong đáy lòng ngươi. Không phải như vậy sao? (Thưa, phải.)

Nhìn bề ngoài, mặc cảm tự ti là một cảm xúc biểu hiện ở con người; nhưng thực ra, căn nguyên của nó chính là xã hội này, nhân loại này và môi trường con người đang sống. Nó cũng do nguyên nhân khách quan của chính con người tạo ra. Hiển nhiên rằng xã hội và nhân loại đến từ Sa-tan, bởi vì tất cả nhân loại đều nằm dưới quyền lực của kẻ ác, bị Sa-tan làm cho bại hoại sâu sắc, và không ai có thể căn cứ theo lẽ thật hoặc theo lời dạy của Đức Chúa Trời mà dạy dỗ thế hệ sau, thay vào đó, họ dạy dỗ thế hệ sau theo những điều đến từ Sa-tan. Vì vậy, hậu quả của việc dạy thế hệ sau và nhân loại những điều của Sa-tan, bên cạnh việc làm bại hoại tâm tính và thực chất của con người, còn khiến những cảm xúc tiêu cực nảy sinh trong con người. Nếu những cảm xúc tiêu cực nảy sinh chỉ là nhất thời, thì chúng sẽ không có ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống của người ta. Tuy nhiên, nếu một cảm xúc tiêu cực đã ăn sâu vào tận đáy lòng và tâm hồn của một người và kẹt ở đó mãi mãi, nếu họ hoàn toàn không thể quên hoặc thoát khỏi nó, thì nhất định nó sẽ ảnh hưởng đến mọi quyết định của người đó, cách tiếp cận của họ đối với mọi loại người, sự việc và sự vật, điều họ chọn khi đối mặt với những vấn đề lớn về nguyên tắc cũng như con đường họ sẽ đi trong cuộc đời – đây là tác động thực sự mà xã hội nhân loại gây ra đối với mỗi con người. Khía cạnh khác là nguyên nhân khách quan của chính con người. Đó là sự giáo dục và dạy dỗ mà con người nhận được khi lớn lên, tất cả những tư tưởng và quan điểm cùng với cách hành xử mà họ tiếp nhận, cũng như những câu nói khác nhau của con người, tất cả đều đến từ Sa-tan, đến mức con người không có khả năng xử lý và hóa giải những vấn đề mà họ gặp phải này từ góc độ và lập trường đúng đắn. Do đó, dưới ảnh hưởng của môi trường khắc nghiệt này, cùng với việc bị nó áp bức và kiểm soát, tự lúc nào không hay, con người không thể làm gì khác ngoài việc hình thành nhiều cảm xúc tiêu cực và dùng chúng để cố gắng chống lại những vấn đề mà họ không có khả năng giải quyết, thay đổi hoặc hóa giải. Hãy lấy cảm giác tự ti làm ví dụ. Cha mẹ, thầy cô, người lớn tuổi cùng những người xung quanh ngươi đều có những đánh giá không thực tế về tố chất, nhân tính và nhân cách của ngươi, và cuối cùng những gì điều này gây ra cho ngươi là sự đả kích, bức hại, áp chế, kiềm chế và trói buộc đối với ngươi. Cuối cùng, khi không còn sức lực để chống cự nữa, ngươi chỉ còn cách chọn một cuộc sống âm thầm chấp nhận những lời sỉ nhục và lăng mạ, dối lòng mình mà âm thầm chấp nhận kiểu thực tế bất công và không công bằng này. Khi chấp nhận thực tế này, những cảm xúc nảy sinh cuối cùng trong ngươi không phải là những cảm xúc vui vẻ, hài lòng, tích cực hay tiến bộ; ngươi không sống có động lực và định hướng hơn, huống gì là theo đuổi những mục tiêu chính xác và đúng đắn trong cuộc đời con người, mà thay vào đó, một cảm giác tự ti sâu sắc nảy sinh trong ngươi. Khi cảm xúc này nảy sinh trong lòng, ngươi cảm thấy mình như đã đi đến đường cùng. Khi gặp một vấn đề cần ngươi bày tỏ quan điểm, ngươi sẽ cân nhắc điều muốn nói và quan điểm muốn bày tỏ trong thâm tâm không biết bao nhiêu lần, nhưng vẫn không thể nói ra thành lời. Khi ai đó bày tỏ cùng quan điểm với ngươi, ngươi cho phép bản thân tự khẳng định trong lòng, xác nhận rằng ngươi không thua kém người khác. Nhưng khi tình huống tương tự lại xảy ra, ngươi vẫn tự nhủ: “Mình không được nói năng tùy tiện, làm điều gì hấp tấp, hoặc tự biến mình thành trò cười. Mình không giỏi giang gì, mình ngu ngốc, mình dại dột, mình là một đứa ngốc. Mình cần học cách ẩn mình và chỉ nghe chứ không nói”. Từ điều này, chúng ta có thể thấy rằng, từ khi cảm giác tự ti nảy sinh cho đến khi nó ăn sâu vào tận đáy lòng người, chẳng phải khi đó họ đã bị tước đoạt ý chí tự do và các quyền chính đáng mà Đức Chúa Trời ban cho họ sao? (Thưa, phải.) Họ đã bị tước đoạt những điều này. Chính xác thì ai đã tước đi những điều này của họ? Ngươi không thể biết chắc, đúng không? Không ai trong số các ngươi có thể biết chắc cả. Điều này là do, trong toàn bộ quá trình này, ngươi không chỉ là nạn nhân mà còn là thủ phạm – ngươi là nạn nhân của người khác, và ngươi cũng là nạn nhân của chính mình. Tại sao vậy? Ta vừa nói rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tự ti nảy sinh trong ngươi xuất phát từ những nguyên nhân khách quan của chính ngươi. Kể từ khi ngươi bắt đầu có sự tự nhận thức, cơ sở để ngươi phán đoán về các sự vật và sự việc đều bắt nguồn từ sự bại hoại của Sa-tan, và những quan điểm này được xã hội và nhân loại tiêm nhiễm vào ngươi chứ không phải do Đức Chúa Trời dạy cho ngươi. Do đó, bất kể cảm giác tự ti của ngươi nảy sinh khi nào hoặc trong bối cảnh nào, và bất kể cảm giác tự ti của ngươi đã phát triển đến mức độ nào, thì ngươi vẫn bị những cảm giác này trói buộc và kiểm soát một cách bất lực, và ngươi sử dụng những cách thức mà Sa-tan đã tiêm nhiễm vào ngươi này trong cách tiếp cận với con người, sự vật và sự việc xung quanh mình. Khi cảm giác tự ti đã ăn sâu vào lòng ngươi, chúng không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến ngươi mà còn nắm vai trò chủ đạo trong quan điểm của ngươi về con người và sự việc cũng như cách hành xử và hành động. Vậy thì những người bị cảm giác tự ti chi phối sẽ nhìn nhận con người và sự việc như thế nào? Họ coi người khác giỏi hơn mình, và họ cũng xem những kẻ địch lại Đấng Christ giỏi hơn mình. Mặc dù những kẻ địch lại Đấng Christ có tâm tính xấu xa và có nhân tính kém cỏi, nhưng họ vẫn coi đó như những người để noi theo và là hình mẫu để học hỏi. Họ thậm chí còn tự nhủ: “Hãy nhìn xem, mặc dù họ có tâm tính xấu và nhân tính tà ác, nhưng họ có ân tứ và có năng lực trong công tác hơn mình. Họ có thể thoải mái thể hiện khả năng trước mặt người khác và nói trước rất nhiều người mà không hề đỏ mặt hay tim đập nhanh. Họ thực sự can đảm. Mình không thể đọ lại với họ. Đơn giản là mình không đủ can đảm”. Điều gì đã gây ra điều này? Phải nói rằng một phần nguyên nhân là do cảm giác tự ti của ngươi đã ảnh hưởng đến sự phán đoán của ngươi về thực chất của mọi người, cũng như góc độ và lập trường của ngươi khi nhìn nhận người khác. Chẳng phải thế sao? (Thưa, phải.) Vậy cảm giác tự ti ảnh hưởng thế nào đến cách ngươi hành xử? Ngươi tự nhủ rằng: “Mình sinh ra đã ngu ngốc, không có ân tứ hay thế mạnh, và học hỏi chậm chạp. Nhìn người ta mà xem: dù đôi khi họ gây nhiễu loạn và gián đoạn, hành động tùy ý và tùy tiện, nhưng chí ít họ cũng có ân tứ và điểm mạnh. Đi đâu, họ cũng là kiểu người mà người ta muốn dùng, còn mình thì không”. Bất cứ khi nào gặp chuyện, điều đầu tiên ngươi làm là tự quy kết về bản thân và thu mình lại. Dù vấn đề là gì, ngươi cũng lui ra sau, tránh chủ động, và ngươi sợ phải chịu trách nhiệm. Ngươi tự nhủ: “Mình sinh ra đã ngu ngốc. Đi đâu cũng không ai thích mình. Mình không được xuất đầu lộ diện, không được khoe khoang những khả năng nhỏ nhoi của mình. Nếu có ai đề cử mình thì điều đó chứng tỏ rằng mình ổn. Nhưng nếu không có ai đề cử mình, thì mình sẽ không chủ động nói mình có thể đảm nhận và làm tốt công việc đó. Nếu không tự tin về điều đó, mình không thể nói rằng mình tự tin được – lỡ như mình làm hỏng việc thì sau đó mình phải làm sao? Nếu mình bị xử lý thì sao? Mình sẽ rất xấu hổ! Như thế chẳng nhục nhã sao? Không thể để chuyện đó xảy ra với mình được”. Hãy nhìn xem – nó không ảnh hưởng đến cách ngươi hành xử sao? Ở một mức độ nào đó, thái độ của ngươi đối với cách ngươi hành xử bị ảnh hưởng và kiểm soát bởi cảm giác tự ti của ngươi. Ở một mức độ nào đó, có thể gọi đó là hậu quả của việc ngươi cảm thấy tự ti.

Dưới ảnh hưởng của cảm giác tự ti này, cách ngươi nhìn nhận các loại người khác nhau, dù là người có nhân tính hay không, có nhân tính bình thường hay vô nhân tính hay nhân tính xấu xa, sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Không có quan điểm nào của ngươi về con người là phù hợp với lẽ thật hay lời Đức Chúa Trời, càng không đáp ứng được yêu cầu của Đức Chúa Trời. Đồng thời, dưới ảnh hưởng của cảm giác tự ti này, ngươi chọn cách cư xử cẩn thận, thận trọng và dè dặt, hầu như lúc nào ngươi cũng thụ động và chán nản. Ngươi không có chí tiến thủ hay động lực, và khi có một khuynh hướng tích cực và chủ động nào đó cũng như mong muốn đảm nhận một chút công việc thì ngươi lại nghĩ: “Đây chẳng phải là mình kiêu ngạo sao? Chẳng phải mình đang muốn được nổi trội sao? Chẳng phải mình đang khoe khoang bản thân sao? Chẳng phải mình đang thể hiện sao? Chẳng phải là mình khao khát địa vị sao?”. Ngươi không thể hiểu được tính chất chính xác trong hành động của chính mình là gì. Những nhu cầu, nguyện vọng, quyết tâm và mong muốn chính đáng của nhân tính, cũng như những gì ngươi có thể phấn đấu để đạt được, những gì là chính đáng và những gì ngươi nên làm, ngươi sẽ nghĩ đi nghĩ lại những điều này và suy ngẫm nhiều lần trong lòng. Đêm không ngủ được, ngươi sẽ suy đi nghĩ lại: “Mình có nên đảm nhận công việc đó không? Ồ, nhưng mình không đủ giỏi, mình không dám làm điều đó đâu. Mình ngu ngốc và đần độn. Mình không có những ân tứ mà người đó có, cũng không có tố chất!”. Khi ăn, ngươi nghĩ: “Họ ăn ngày ba bữa và làm tròn bổn phận của họ, họ sống có giá trị. Mình ăn ngày ba bữa nhưng lại không làm tròn bổn phận của mình và mình sống chẳng có giá trị gì. Mình mắc nợ Đức Chúa Trời và các anh chị em! Mình không xứng đáng và không nên ăn dù chỉ một đĩa thức ăn”. Khi người ta quá hèn nhát, thì họ vô giá trị và họ không thể hoàn thành bất cứ điều gì. Kẻ hèn nhát, dù gặp chuyện gì, hễ có khó khăn, họ sẽ lùi bước. Tại sao họ lại làm thế? Một lý do là điều này gây ra bởi cảm giác tự ti của họ. Vì tự ti nên họ không dám đứng trước mọi người, thậm chí không thể đảm nhận nghĩa vụ và trách nhiệm mà họ phải đảm nhận, cũng như không thể đảm nhận những gì mà họ thực sự có khả năng đạt được trong phạm vi năng lực và tố chất của họ, cũng như trong phạm vi trải nghiệm nhân tính của chính họ. Cảm giác tự ti này ảnh hưởng đến mọi khía cạnh nhân tính của họ, nó ảnh hưởng đến nhân cách của họ và tất nhiên cũng ảnh hưởng đến tính cách của họ. Khi ở gần người khác, họ hiếm khi bày tỏ quan điểm của mình, và ngươi hiếm khi nghe họ làm rõ lập trường hay ý kiến của họ. Khi gặp phải một vấn đề, họ không dám nói, mà thay vào đó liên tục thu mình lại và rút lui. Khi có ít người, họ cảm thấy đủ can đảm để ngồi giữa mọi người, nhưng khi có nhiều người, họ tìm một góc và hướng về nơi có ánh sáng mờ mờ, không dám đến giữa mọi người. Bất cứ khi nào cảm thấy muốn tích cực và chủ động nói điều gì đó, bày tỏ quan điểm và ý kiến riêng của mình để chứng tỏ những gì họ nghĩ là đúng, thì họ thậm chí còn không có can đảm để làm vậy. Bất cứ khi nào họ có những ý tưởng như vậy, cảm giác tự ti của họ ngay lập tức bộc lộ ra, kiểm soát họ, áp chế họ, bảo với họ rằng: “Đừng nói gì cả, mi không giỏi giang gì. Đừng bày tỏ quan điểm của mi, cứ giữ riêng cho mình thôi. Nếu trong lòng có điều gì thật sự muốn nói, cứ ghi chú vào máy tính và tự mình nghiền ngẫm. Không được để bất cứ ai khác biết về nó. Nếu nói điều gì sai thì sao? Sẽ rất xấu hổ đấy!”. Giọng nói này cứ bảo ngươi không được làm điều này, không được làm điều kia, không được nói điều này, không được nói điều kia, khiến ngươi phải nuốt xuống từng lời muốn nói. Khi có điều gì muốn nói mà trong lòng đã trăn trở từ lâu, thì ngươi rút lui không dám nói ra, hoặc nói ra thì ngượng ngùng, cho rằng mình không nên làm thế, và nếu ngươi làm điều đó thì ngươi cảm thấy như thể mình đã phá vỡ quy tắc nào đó hoặc đã phạm pháp. Và đến một ngày ngươi chủ động bày tỏ quan điểm của mình, thì sâu trong thâm tâm ngươi cảm thấy thấp thỏm và bất an vô cùng. Mặc dù cảm giác vô cùng bất an này dần dần phai nhạt đi nhưng cảm giác tự ti của ngươi sẽ từ từ che phủ những ý tưởng, dự định và kế hoạch của ngươi về việc muốn nói, muốn bày tỏ quan điểm, muốn trở thành một người bình thường và muốn giống như mọi người khác. Những người không hiểu ngươi cho rằng ngươi là người ít nói, trầm lặng, tính tình nhút nhát, người không thích nổi bật giữa đám đông. Khi nói trước nhiều người, ngươi cảm thấy xấu hổ và đỏ mặt; ngươi có phần hướng nội, và trên thực tế, chỉ có ngươi mới biết ngươi cảm thấy tự ti. Lòng ngươi đầy cảm giác tự ti và cảm giác này đã có từ lâu, nó không phải là tâm trạng nhất thời. Đúng hơn là, nó kiểm soát chặt chẽ những suy nghĩ của ngươi từ sâu thẳm tâm hồn ngươi, bịt chặt miệng ngươi, và do đó, bất kể ngươi có hiểu đúng sự việc như thế nào, hay có quan điểm và ý kiến như thế nào đối với con người, sự việc và sự vật, thì ngươi cũng chỉ dám suy nghĩ và suy xét tới lui trong lòng, không bao giờ dám nói ra. Cho dù người khác có thể tán thành những gì ngươi nói, hay là chấn chỉnh và chỉ trích ngươi, ngươi cũng sẽ không dám đối mặt hoặc thấy kết quả như vậy. Tại sao lại như vậy? Đó là bởi vì cảm giác tự ti ở bên trong ngươi, nói với ngươi rằng: “Đừng làm vậy, chỉ đơn giản là mi không đủ khả năng. Mi không có tố chất như thế, mi không có thực tế như thế, mi không nên làm như vậy, đơn giản đó không phải là mi. Giờ đừng làm bất cứ điều gì hay suy nghĩ bất cứ điều gì. Khi sống trong mặc cảm tự ti mi mới là chính mình. Mi không đủ tư cách để mưu cầu lẽ thật hoặc mở lòng và nói những gì mình muốn và kết nối với những người khác như người ta vẫn làm. Và đó là bởi vì mi không giỏi giang, mi không giỏi giang như họ”. Cảm giác tự ti này chỉ đạo suy nghĩ bên trong tâm trí con người; nó áp chế không cho họ thực hiện các nghĩa vụ mà một người bình thường phải thực hiện và sống cuộc sống của một nhân tính bình thường mà họ nên sống, đồng thời nó cũng định hướng phương thức và phương pháp, phương hướng và mục tiêu trong cách họ nhìn nhận con người và sự việc, cách họ hành xử và hành động. Ngay cả khi họ tin rằng họ phải là một người trung thực và họ thích làm một người trung thực, nhưng họ cũng không bao giờ dám bày tỏ mong muốn trở thành một người trung thực bằng lời nói hay việc làm để bước vào cuộc sống của một người trung thực. Vì mặc cảm tự ti, họ thậm chí không dám làm người trung thực – họ hoàn toàn không có dũng khí. Khi nói điều gì đó thật thà, họ vội nhìn những người xung quanh và nghĩ: “Có ai đang có ý kiến về mình không nhỉ? Liệu họ có nghĩ, ‘Anh đang cố gắng trở thành một người trung thực sao? Chẳng phải anh chỉ muốn trở thành một người trung thực để có thể được cứu rỗi sao? Đây không phải chỉ là mong muốn được ban phước sao?’. Ôi không, mình không dám nói gì đâu. Tất cả bọn họ đều có thể nói năng trung thực, chỉ có mình là không thể. Mình không đủ tư cách như họ, mình ở vị trí thấp kém nhất”. Từ những biểu hiện và bộc lộ cụ thể này, chúng ta có thể thấy rằng một khi cảm xúc tiêu cực này – cảm giác tự ti – bắt đầu phát tác và ăn sâu vào tận đáy lòng người, thì trừ khi mưu cầu lẽ thật, nếu không họ sẽ rất khó để nhổ tận gốc nó và thoát khỏi sự kìm kẹp của nó, và sẽ bị nó kiểm soát trong mọi việc họ làm. Mặc dù cảm giác này không thể được coi là một tâm tính bại hoại, nhưng nó đã gây ra một tác động tiêu cực nghiêm trọng; nó gây tổn hại nghiêm trọng đến nhân tính của họ và có tác động tiêu cực lớn đến các loại cảm xúc cũng như lời nói và hành động của nhân tính bình thường của họ, với những hậu quả rất nghiêm trọng. Ảnh hưởng nhỏ của nó là ảnh hưởng đến tính cách, sở thích và chí hướng của họ; ảnh hưởng chính của nó là ảnh hưởng đến mục tiêu và phương hướng của họ trong cuộc đời. Từ nguyên nhân của cảm giác tự ti này, từ quá trình của nó và từ hậu quả mà nó gây ra cho con người, dù nhìn từ khía cạnh nào đi nữa, đó chẳng phải là điều mà con người nên buông bỏ sao? (Thưa, phải.) Có người nói: “Con không nghĩ mình tự ti và con không bị kiểm soát dưới bất kỳ hình thức nào. Chưa từng có ai khiêu khích hay coi thường con, cũng như chưa từng có ai áp chế con. Con sống rất tự do, giải phóng, vậy chẳng phải nghĩa là con không có cảm giác tự ti sao?”. Thế có đúng không? (Thưa, không, đôi khi chúng con vẫn có cảm giác tự ti đó.) Ngươi vẫn có thể có cảm giác tự ti, ở mức độ ít hay nhiều. Nó có thể không chi phối thâm tâm ngươi, nhưng trong một số tình huống, nó có thể nảy sinh ngay tức khắc. Ví dụ, ngươi tình cờ gặp một người mà mình thần tượng, một người tài năng hơn ngươi nhiều, một người có nhiều kỹ năng và ân tứ đặc biệt hơn ngươi, một người áp đảo hơn ngươi, một người bá đạo hơn ngươi, một người độc ác hơn ngươi, một người cao hơn và hấp dẫn hơn ngươi, một người có địa vị trong xã hội, một người giàu có, một người có trình độ học vấn cao hơn và có địa vị cao hơn ngươi, một người lớn tuổi hơn và đã tin vào Đức Chúa Trời lâu hơn, một người có nhiều trải nghiệm và thực tế hơn trong đức tin vào Đức Chúa Trời, và khi đó ngươi không thể ngăn cảm giác tự ti nảy sinh. Khi cảm giác này nảy sinh, việc ngươi “sống rất tự do, giải phóng” biến mất, ngươi trở nên rụt rè và mất bình tĩnh, ngươi cân nhắc cách diễn đạt lời nói của mình, nét mặt trở nên mất tự nhiên, ngươi cảm thấy gò bó trong lời nói và cử chỉ của mình, và ngươi bắt đầu ngụy tạo bản thân. Những biểu hiện này và những biểu hiện khác xảy ra do cảm giác tự ti nảy sinh trong ngươi. Tất nhiên, cảm giác tự ti này chỉ là nhất thời, và khi cảm giác này nảy sinh, ngươi chỉ cần xét mình, biết phân định và không bị nó chi phối.

Những cảm xúc khác nhau cần phải buông bỏ mà chúng ta đang thảo luận hôm nay là những thứ đã ăn sâu vào tâm hồn con người. Ảnh hưởng của những điều này đối với ngươi không phải là nhất thời, mà đúng hơn, ảnh hưởng của chúng rất sâu rộng và sâu sắc. Khi ngươi thấy khó ngủ lúc nửa đêm, khi ngươi chỉ có một mình, thì những con người, sự việc và sự vật đã khiến những cảm xúc tiêu cực nảy sinh trong ngươi và ăn sâu vào ký ức của ngươi đó sẽ từng chút một hiện lên trong tâm trí ngươi. Một lời nói, một âm thanh, thậm chí là một câu chửi rủa, một trận đòn, một cảnh tượng, một sự vật, một nhóm người hay một chuỗi sự việc từ đầu đến cuối, tất cả những con người, sự việc, sự vật này từ sâu trong ký ức ngươi đã khiến tất cả những loại cảm xúc tiêu cực nảy sinh trong ngươi giờ đang xuất hiện trong tâm trí ngươi như một bộ phim. Nó lặp đi lặp lại, cho đến khi cuối cùng ngươi vô thức rút lui về phía những cảm xúc tiêu cực ẩn sâu trong tâm hồn mình, rút lui về khoảnh khắc đã ảnh hưởng đến cảm xúc, nhân tính, tính cách và cuộc sống tương lai của ngươi. Khi chỉ có một mình, khi đối mặt với khó khăn, khi phải đưa ra quyết định, và khi tuyệt vọng, ngươi không khỏi co rúm mình lại và trốn tránh mọi người, rút lui vào nội tâm của mình, vào hoàn cảnh, sự việc và nhóm người đã khiến ngươi đau đớn đó. Mặc dù những con người, sự việc và sự vật này khiến ngươi cảm thấy bị tấn công và chúng làm tổn thương ngươi, gieo vào ngươi đủ mọi loại cảm xúc tiêu cực, nhưng khi ngươi cảm thấy thất vọng và chán nản, khi ngươi đối mặt với thất bại, ngay cả khi ngươi đang bị tỉa sửa và xử lý hoặc bị anh chị em của mình loại bỏ, ngươi cũng không khỏi rút lui vào bên trong cảm giác tiêu cực đang ảnh hưởng đến cuộc sống của mình, cho dù đó là sự chán nản, hận thù, phẫn nộ hay tự ti. Mặc dù những cảm xúc này gây ra cho ngươi đủ loại đau đớn, không thì cũng khiến ngươi cảm thấy bất an, hoặc khiến ngươi khóc, hoặc khiến ngươi cáu kỉnh, nhưng ngươi vẫn không thể ngăn mình cứ mãi quay trở lại cảm xúc tiêu cực mà ngươi cảm thấy lúc đó. Khi quay lại khoảnh khắc đó, cảm xúc tiêu cực đó một lần nữa tăng cường sự ảnh hưởng lên ngươi. Khi cảm xúc tiêu cực này ảnh hưởng đến ngươi, nhắc nhở ngươi và cảnh báo ngươi hết lần này đến lần khác, nó sẽ gây nhiễu loạn việc ngươi lắng nghe lời Đức Chúa Trời cũng như sự hiểu biết của ngươi về các nguyên tắc lẽ thật một cách không thể nhận thấy được. Khi những cảm xúc tiêu cực này lại một lần nữa trỗi dậy trong thâm tâm ngươi, khi chúng nắm vai trò chủ đạo suy nghĩ của ngươi, thì sự quan tâm của ngươi đối với lẽ thật sẽ ngày càng yếu đi, thậm chí chuyển sang ác cảm hoặc có thể nảy sinh cảm giác chống đối. Vì những tổn thương và sự đối xử bất công mà ngươi đã phải chịu trong quá khứ, có thể ngươi sẽ nhìn nhận nhân loại và xã hội với sự thù địch lớn hơn, căm ghét mọi thứ đã xảy ra, và tất nhiên là cả mọi thứ sẽ xảy đến trong tương lai. Những cảm xúc này liên tục xuất hiện trong lòng ngươi và liên tục ảnh hưởng đến tâm trạng, trạng thái và tình trạng của ngươi. Chúng cũng liên tục ảnh hưởng đến tâm trạng của ngươi khi thực hiện bổn phận, cũng như thái độ và quan điểm của ngươi trong khi thực hiện bổn phận và tất nhiên, cả động lực và quyết tâm mưu cầu lẽ thật của ngươi. Đôi khi ngươi chỉ vừa mới hạ quyết tâm mưu cầu lẽ thật và không bao giờ cảm thấy chán nản nữa, không bao giờ tin rằng mình không đủ giỏi mà tháo chạy một lần nữa; tuy nhiên, khi một cảm xúc tiêu cực nhất thời ngập tràn lòng ngươi thì động lực mưu cầu lẽ thật của ngươi có thể biến mất hoàn toàn, tan biến không một dấu vết trong tích tắc. Khi động lực mưu cầu lẽ thật của ngươi tan biến không một dấu vết trong tình huống như thế này, ngươi sẽ cảm thấy rằng việc mưu cầu lẽ thật vô vị và việc tin vào Đức Chúa Trời và được cứu rỗi chẳng có ý nghĩa gì đối với ngươi. Kiểu cảm giác và trạng thái này nảy sinh khiến ngươi không muốn đến trước Đức Chúa Trời một lần nữa, không muốn cầu nguyện-đọc lời Đức Chúa Trời hay lắng nghe lời Đức Chúa Trời, và tất nhiên là, ngươi càng không có bất kỳ quyết tâm hay mong muốn nào để đưa lời Đức Chúa Trời vào thực hành, hoặc trở thành người mưu cầu lẽ thật. Đây là trở ngại và tác động to lớn mà những cảm xúc tiêu cực khác nhau này gây ra cho những người đi trên con đường mưu cầu lẽ thật. Nói chính xác hơn, chúng gây ra sự nhiễu loạn và tổn hại cho con người, và lúc này lúc kia chúng sẽ lấy đi chút ít tự tin mà ngươi vừa mới gây dựng được cùng một vài nguyên tắc hành xử mà ngươi chỉ vừa mới hiểu được và biến chúng thành vô nghĩa. Ngay lập tức, chúng khiến ngươi không thể nhận thức được trong thâm tâm mình về sự tồn tại của Đức Chúa Trời, các phước lành của Đức Chúa Trời, quyền tối thượng của Đức Chúa Trời và sự chu cấp của Ngài dành cho ngươi, và ngay lập tức ngươi tràn ngập một trong những cảm xúc tiêu cực bất kỳ. Khi tràn ngập những cảm xúc tiêu cực này, tâm tính bại hoại của ngươi sẽ ngay lập tức nắm quyền kiểm soát bên trong ngươi. Khi ngươi bị tâm tính bại hoại kiểm soát, ngươi ngay lập tức trở thành một người khác và ngươi thể hiện một bộ mặt khác với những con người, sự việc và sự vật xung quanh mình. Tình yêu thương trước đây ngươi có không còn nữa, sự nhẫn nại trước đây ngươi có cũng không còn, nghị lực mà ngươi từng có trước đây để chịu khổ và trả giá, chịu đựng gian khổ và làm việc chăm chỉ cũng không còn nữa, động lực mà ngươi từng có để bỏ ăn ngủ ít hơn một chút để làm tròn bổn phận của mình đã biến mất, và thay vào đó là sự thù địch đối với tất cả mọi người. Nguồn gốc chính của sự thù địch của ngươi đối với mọi người là gì? Nó đến từ tâm tính bại hoại của ngươi, nhưng những tình huống, con người, sự việc và sự vật ngươi đã trải qua trong quá khứ cũng đã khiến những cảm xúc tiêu cực nảy sinh trong ngươi. Ngươi nói: “Tôi bao dung người khác, nhưng ai bao dung cho tôi? Tôi thông cảm cho người khác, nhưng ai thông cảm cho tôi? Ngay cả cha mẹ hay anh chị em của tôi cũng không thông cảm cho tôi! Tất cả người khác đều mắc sai lầm, nên tôi cũng có thể mắc sai lầm! Bị xử lý, tỉa sửa thì người ta trút tiêu cực, sao tôi không thể như thế chứ? Người khác có thể tranh giành quyền lực và địa vị, vậy tại sao tôi lại không thể chứ? Anh làm được thì tôi cũng làm được! Người khác dùng mánh lới thủ đoạn khi thực hiện bổn phận, nên tôi cũng sẽ như vậy. Người khác không mưu cầu lẽ thật, nên tôi cũng không làm. Người khác hành động không theo nguyên tắc, nên tôi cũng sẽ như vậy. Người khác không bảo vệ lợi ích của nhà Đức Chúa Trời, nên tôi cũng sẽ không làm vậy. Tôi chỉ làm theo những gì người ta làm. Thế có gì sai?”. Đây là loại biểu hiện gì? Cho dù nhìn nó dưới góc độ suy nghĩ của ngươi hay tâm tính mà ngươi bộc lộ, thì đó chẳng khác gì một sự quay ngoắt 180 độ, như thể ngươi đã thành một người khác. Chuyện gì đang xảy ra ở đây? Nguyên nhân sâu xa là bên trong ngươi đã có một sự thay đổi. Bề ngoài, có thể ngươi trông vẫn như cũ và thói quen hàng ngày của ngươi không thay đổi, giọng điệu của ngươi không thay đổi, vẻ ngoài của ngươi không thay đổi và sau lưng ngươi không có ai dẫn dắt hay xúi giục cả, vậy tại sao lại đột ngột dâng trào cảm xúc? Một nguyên nhân là do những cảm xúc tiêu cực đã ăn sâu trong lòng ngươi gây ra. Một người luôn chứa chấp những cảm giác tiêu cực như thù hận và phẫn nộ bên trong, khi tâm trạng họ tốt thì sẽ thường đến trước Đức Chúa Trời để cầu nguyện, đọc lời Đức Chúa Trời và sẽ đảm bảo mọi thứ diễn ra bình thường khi mưu cầu lẽ thật và thực hiện bổn phận. Nếu họ gặp phải điều gì đó không như ý muốn, hoặc gặp phải một số trở ngại, thất bại hoặc mất mặt trong công tác hoặc cuộc sống, hoặc họ bị mất thể diện hoặc bị tổn hại đến lợi ích của mình, thì sự thù hận và phẫn nộ do những cảm xúc tiêu cực bên trong họ gây ra khiến họ trở nên điên cuồng thịnh nộ và nổi điên. Có lẽ trước đây họ đã trải qua một số sự việc không bình thường, chẳng hạn như bị ngược đãi, hoặc bị kẻ ác vô cớ đánh đập, hoặc bị chiếm đoạt tài sản, hoặc bị kẻ ác ức hiếp, hay thậm chí là làm nhục; một số người có thể bị đồng nghiệp hoặc cấp trên gây khó dễ trong công việc, và một số người có thể đã bị bạn học và giáo viên trong trường phân biệt đối xử và đối xử bất công do thành tích học tập kém, gia cảnh khó khăn hoặc vì cha mẹ họ là nông dân và thuộc tầng lớp thấp của xã hội, v.v. Khi một người phải chịu đủ mọi sự đối xử bất công trong xã hội, khi nhân quyền của họ bị tước bỏ, hoặc khi quyền lợi của họ bị tước đoạt hoặc tài sản của họ bị chiếm đoạt khỏi tay họ, thì mầm mống thù hận sẽ tự nhiên được gieo vào thâm tâm họ, và như một lẽ tất yếu, họ sẽ mang lòng thù hận này vào cách họ tiếp cận xã hội, nhân loại, và thậm chí gia đình, bạn bè và người thân. Quan điểm của những người mang lòng thù hận bị ảnh hưởng bởi sự thù hận này, và cảm xúc của họ cũng tự nhiên sẽ bị nhuốm màu thù hận.

Một khi sự thù hận đã bén rễ sâu trong lòng người ta, thì nó tự nhiên trở thành một cảm xúc, và khi người ta sống trong cảm xúc thù hận này, thì cách nhìn nhận của họ về nhân loại và bất kỳ vấn đề nào cũng không còn đúng đắn nữa. Quan điểm của họ về con người và mọi sự trở nên sai lệch và trái ngược với cách bình thường. Họ không thể hiểu đúng bất kỳ con người, sự việc hay sự vật bình thường và chính đáng nào, đồng thời cũng sẽ phán xét và lên án những con người, sự việc và sự vật này. Họ luôn tìm cơ hội để trút nỗi bất bình và thù hận. Họ hy vọng rằng, một ngày nào đó, họ sẽ có quyền lực và uy thế, và họ sẽ có thể giải quyết hết những bất bình này và trả thù những kẻ đã bắt nạt và làm tổn thương họ trong quá khứ. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, họ không có phương cách thích hợp nào để đạt được điều này, vì vậy cuối cùng một số người bọn họ sẽ bắt đầu tin vào Đức Chúa Trời. Sau khi bắt đầu tin vào Đức Chúa Trời, họ nghĩ: “Ồ, bây giờ mình đã tin vào Đức Chúa Trời và bây giờ mình có thể ngẩng cao đầu. Mình sẽ để Đức Chúa Trời định đoạt mọi sự cho mình để những kẻ độc ác đó nhận những điều họ đáng phải nhận. Như thế thật tuyệt!”. Vì vậy, khi đã tin vào Đức Chúa Trời, họ chôn chặt sự thù hận và phẫn nộ vào sâu bên trong, họ dốc hết sức dâng mình, trả giá, chịu khổ, chạy ngược xuôi và làm việc trong nhà Đức Chúa Trời, mong một ngày nào đó những nỗ lực của họ sẽ mang lại cho họ sự may mắn và xoay chuyển tình thế, mong rằng khi đến ngày họ trở nên mạnh mẽ hơn và không còn yếu đuối nữa, chắc chắn họ sẽ bắt những kẻ đã bắt nạt họ và làm nhục họ phải bị trừng phạt. Mục đích của họ khi làm tất cả những điều này là để tận mắt chứng kiến sự trừng phạt và quả báo dành cho những kẻ đã gây ra cho họ nỗi đau và sự sỉ nhục vô hạn. Họ mang cảm xúc này vào đức tin nơi Đức Chúa Trời, khi trả giá và dâng mình. Nhìn bề ngoài, có vẻ như họ không bao giờ phàn nàn, mong muốn hay đòi hỏi bất cứ điều gì, mà chỉ toàn tâm toàn ý dốc sức thực hiện bổn phận của mình trong nhà Đức Chúa Trời, và có thể chịu được mọi đau khổ. Tuy nhiên, trên thực tế, những cảm xúc thù hận và phẫn nộ trong thâm tâm họ vẫn chưa được giải quyết và họ chưa buông bỏ chúng được. Ngay lúc ai đó nêu ý kiến với họ và vạch trần tâm tính bại hoại của họ, thì ngay lập tức trong tiềm thức họ trở lại cảm xúc thù hận và phẫn nộ để đối mặt và giải quyết vấn đề này. Họ nghĩ: “Anh đang xem thường tôi à? Anh đang cố bắt nạt tôi vì nghĩ tôi thật thà à? Rất nhiều người bắt nạt tôi, nhưng anh cứ chờ xem họ sẽ ra sao!”. Ai đó chỉ cần nói điều gì về họ, ngay cả khi là nói vô tình, thì điều đó cũng làm họ tổn thương. Nhưng nếu người đó chạm vào vết thương lòng của họ, cảm xúc thù hận và phẫn nộ của họ sẽ bị kích động, khiến họ vô thức quay trở lại cảm giác thù hận tất cả. Rõ ràng là quan điểm này, cảm xúc này đã ảnh hưởng đến quan điểm và thái độ của họ đối với con người và mọi sự, cũng như phương thức và phương pháp mà họ hành xử và hành động. Bất kể ai nêu ý kiến và đề xuất chính đáng với họ, họ cũng luôn nghĩ: “Họ đang coi thường mình và muốn bắt nạt mình. Họ nghĩ mình dễ dàng bị ức hiếp sao?”. Họ dùng quan điểm này và cách làm này để xử lý tình huống, trong khi đó cảm xúc thù hận và phẫn nộ ngày càng ăn sâu trong lòng họ. Một khi những cảm xúc hận thù và tức giận đã ăn sâu vào tận đáy lòng họ, chúng sẽ liên tục phát triển và họ liên tục dùng chúng để đối mặt với mọi kiểu người, sự việc và sự vật, đồng thời họ cũng không ngừng nhắc nhở bản thân rằng họ phải căm ghét mọi người và không ai tốt với họ cả. Ngay cả khi trong một khoảnh khắc họ tin rằng có người đối tốt với họ, thì họ cũng sẽ rất nhanh chóng tự nhủ bản thân một cách vô thức và theo tiềm thức rằng: “Đừng nghĩ như vậy. Ngoài Đức Chúa Trời là Đấng thực sự tốt lành, thì không có người nào tốt cả. Mọi người hả hê trước những bất hạnh của mình và không ai chúc phúc cho mình cả. Họ nghĩ mình thật thà nên sẽ bắt nạt mình, và khi thấy mình thành công trong việc gì đó, thì chỉ tâng bốc và cố lấy lòng mình. Thế nên đừng tin bất cứ ai và đừng nhìn ai bằng sự tử tế. Phải đề phòng và ngờ vực người khác”. Bất cứ khi nào có người nói gì với họ, họ sẽ phân tích và nghĩ: “Anh ta đến tìm mình sao? Tại sao anh ta lại nói thế? Có phải anh ta đang cố tấn công mình và trả đũa mình vì điều gì đó không? Có phải anh ta đang cố bắt nạt mình không?”. Những cảm giác nghi ngờ, thù hận và phẫn nộ này liên tục nhắc nhở họ và khiến họ vô thức dùng những cảm giác này khi tiếp cận và đối phó với mọi loại người, sự việc và sự vật, nhưng chính họ lại hoàn toàn không hay biết đó đều là những loại cảm xúc tiêu cực. Những cảm xúc tiêu cực này kiểm soát chặt chẽ phán đoán của họ và trói chặt suy nghĩ của họ, đồng thời ngăn họ nhìn nhận bất kỳ con người, sự việc hoặc sự vật nào từ quan điểm hoặc lập trường đúng đắn. Khi một người bắt đầu sống dưới sự chi phối của những cảm xúc tiêu cực này thì sẽ rất khó để thoát khỏi sự kiểm soát của chúng. Trước khi người ta buông bỏ được những cảm xúc tiêu cực này, họ đã vô thức sống trong chúng, từ trong đó nhìn nhận con người, sự việc và sự vật, đối xử với con người, sự việc và sự vật với những quan điểm sai lầm phát sinh từ những cảm xúc tiêu cực này. Trước hết, chắc chắn điều này sẽ dẫn đến sự cực đoan, nghi kỵ, ngờ vực và thậm chí là nóng nảy, và người ta cũng sẽ nhìn người khác với thái độ thù địch và tấn công họ. Những cảm xúc tiêu cực này định hướng suy nghĩ và quan điểm trong lòng con người, và chúng định hướng mọi lời nói và hành động của họ. Đó là lý do tại sao, khi họ sa lầy trong những cảm xúc tiêu cực này, nếu họ là người mưu cầu lẽ thật, thì những cảm xúc tiêu cực này sẽ gây ra chướng ngại vật và ảnh hưởng đến tâm hồn và trí óc họ, và vì vậy họ thực hành lẽ thật ít hơn rất nhiều. Vì sự pha tạp, nhiễu loạn và phá hoại do những cảm xúc tiêu cực này gây ra, lẽ thật mà họ có thể đưa vào thực hành bị giới hạn và khi gặp phải tình huống nào đó, họ luôn bị tâm trạng chi phối. Tất nhiên, tác động quan trọng nhất là họ bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc tiêu cực khác nhau này, do đó việc thực hành lẽ thật trở nên vất vả đối với họ. Họ không thể sử dụng lương tâm và lý trí của nhân tính bình thường, ý chí tự do và bản năng do Đức Chúa Trời tạo dựng, cũng như các nguyên tắc lẽ thật mà con người nên thực hành và tuân thủ trong cách đối xử với mọi người và mọi sự xung quanh họ, cũng như trong phán đoán của họ về mọi người và mọi sự xung quanh mình.

Từ những điều Ta đã nói nãy giờ, cho dù là ngươi nhìn theo cách nào đi nữa thì rõ ràng là những cảm xúc tiêu cực khác nhau đều ít nhiều chiếm giữ tâm tư của mỗi người. Bởi vì chúng chiếm giữ tâm tư con người, nên sẽ nảy sinh một số khó khăn nhất định khi con người thực hành lẽ thật. Đó là lý do tại sao trong quá trình mưu cầu lẽ thật, con người phải liên tục buông bỏ những con người, sự việc và sự vật khiến họ nảy sinh những cảm xúc tiêu cực. Ví dụ như cảm xúc tiêu cực của mặc cảm tự ti mà chúng ta đã vừa thảo luận lúc nãy. Bất kể bối cảnh nào khiến ngươi nảy sinh cảm giác tự ti hoặc ai hay sự việc nào đã khiến nó nảy sinh, thì ngươi cũng nên có hiểu biết đúng đắn về tố chất, thế mạnh, tài năng và phẩm chất nhân tính của bản thân mình. Cảm thấy tự ti là không đúng, cảm thấy tự cao cũng không đúng – cả hai đều là những cảm xúc tiêu cực. Sự tự ti có thể trói buộc hành động của ngươi, trói buộc suy nghĩ của ngươi và ảnh hưởng đến quan điểm và lập trường của ngươi. Tương tự như thế, sự tự cao cũng có tác động tiêu cực này. Do đó, cho dù đó là tự ti hay một cảm xúc tiêu cực nào khác thì ngươi cũng nên có sự hiểu biết đúng đắn về những cách nói dẫn đến sự phát sinh của cảm xúc này. Trước tiên, ngươi nên hiểu rằng những cách nói đó là không chính xác, và cho dù đó là về tố chất, tài năng hay phẩm chất nhân tính của ngươi, thì những đánh giá và kết luận của họ về ngươi là luôn sai. Vậy làm sao ngươi có thể đánh giá và biết chính xác về bản thân mình, đồng thời thoát khỏi cảm giác tự ti? Ngươi nên lấy lời Đức Chúa Trời làm cơ sở để đạt được hiểu biết về bản thân mình, tìm hiểu nhân tính, tố chất và tài năng của mình như thế nào, và mình có điểm mạnh gì. Ví dụ, giả sử trước đây ngươi thích hát và hát rất hay, nhưng có người cứ chê bai ngươi, coi thường ngươi, nói ngươi không phân biệt được nốt nhạc và hát lạc điệu, nên giờ ngươi cảm thấy mình hát không hay và không còn dám hát trước mặt người khác. Bởi vì những người trần tục, ngớ ngẩn và tầm thường đó đã đưa ra những đánh giá và phán xét không chính xác về ngươi, nên hạn chế những quyền mà nhân tính ngươi xứng đáng được hưởng, và đè nén tài năng của ngươi. Kết quả là, ngươi thậm chí không dám hát một bài hát, và ngươi chỉ đủ can đảm để thoải mái và hát thật to khi không có ai xung quanh hoặc khi chỉ có một mình. Bởi vì ngươi thường cảm thấy bị kìm nén khủng khiếp, nên khi không ở một mình thì ngươi không dám hát một bài hát nào; ngươi chỉ dám hát khi ở một mình, tận hưởng khoảng thời gian khi có thể hát to, hát rõ, và đó là khoảng thời gian tự do, tuyệt vời biết bao! Chẳng phải thế sao? Vì những tổn hại mà người ta đã gây ra cho ngươi, ngươi không biết hoặc không thể thấy rõ những gì ngươi thực sự có thể làm, những gì ngươi giỏi và những gì ngươi không giỏi. Trong tình huống này, ngươi phải đánh giá đúng và đo lường chính xác bản thân theo lời Đức Chúa Trời. Ngươi nên xác định những gì mình đã học được, điểm mạnh của mình nằm ở đâu, và bước ra làm bất cứ điều gì ngươi có thể làm; còn những việc ngươi không làm được, những thiếu sót và khuyết điểm của mình thì ngươi nên tự phản tỉnh để biết, đồng thời cũng nên đánh giá chính xác và biết tố chất của mình như thế nào, tốt hay xấu. Nếu ngươi không thể hiểu hay có hiểu biết rõ ràng về các vấn đề của chính mình, thì hãy nhờ những người có hiểu biết quanh mình đánh giá ngươi. Cho dù những gì họ nói có chính xác hay không, thì ít nhất nó cũng cho ngươi thông tin để tham khảo và cân nhắc, đồng thời giúp ngươi có đánh giá hoặc nhận định cơ bản về bản thân mình. Sau đó, ngươi có thể giải quyết vấn đề về thực chất của những cảm xúc tiêu cực như tự ti, và dần dần thoát khỏi chúng. Những cảm giác tự ti như vậy rất dễ giải quyết nếu người ta có thể phân định được nó, tỉnh thức về nó và tìm kiếm lẽ thật.

Đối với những người bị đối xử bất bình đẳng, bị ngược đãi và phân biệt đối xử trong xã hội, trong các ngành nghề và các môi trường khác nhau, thì những cảm giác thù hận và phẫn nộ nảy sinh trong họ có dễ giải quyết không? (Thưa, có.) Chúng được giải quyết như thế nào? (Thưa, họ phải nhìn nhận tất cả mọi người, sự việc và sự vật theo lời Đức Chúa Trời, buông bỏ những cảm xúc tiêu cực thù hận và phẫn nộ này, cũng như buông bỏ những con người, sự việc và sự vật đã làm tổn thương họ trong quá khứ.) “Buông bỏ” chỉ là lời nói thôi – ngươi buông bỏ như thế nào? Ví dụ, một người phụ nữ hẹn hò với một người đàn ông và cuối cùng bị hắn lừa lên giường, lừa đưa tiền cho hắn, và cứ mỗi khi nghĩ đến điều này, cô đều ngay lập tức dâng trào sự phẫn nộ, và khi sự phẫn nộ này nổi lên, cô siết chặt tay và thâm tâm tràn đầy sự thù hận. Cô nghĩ về khuôn mặt của người đàn ông đó, nghĩ về tất cả những gì hắn đã nói, nghĩ về tất cả những điều hắn đã làm cô tổn thương, và càng nghĩ về những điều này, cô càng phẫn nộ, càng điên tiết, cơn thịnh nộ càng bùng lên và lòng thù hận của cô càng lớn. Cô cứ nghĩ đến điều đó và không muốn làm bổn phận nữa, tâm trạng ngày càng tệ hơn, cô tự nhủ bản thân không được nghỉ ngơi mà cứ phải làm việc, nói chuyện với người khác, đến đêm không ngủ được thì phải dựa vào thuốc ngủ mới ngủ được. Cô không dám ở một mình hay để lòng mình được thư thả. Lúc ở một mình, lúc được nghỉ ngơi, lòng thù hận này lại trào lên trong cô và cô muốn trả thù, muốn khiến kẻ đã làm tổn thương mình phải chết, cái chết càng kinh khủng càng tốt. Nếu một ngày nào đó cô thực sự nghe được tin người đàn ông đó đã chết một cách bi thảm, thì chỉ khi đó cô mới có thể buông bỏ được cảm giác thù hận và phẫn nộ. Thử nghĩ xem: nếu hắn ta thực sự chết, nếu hắn ta nhận quả báo và bị trừng phạt, liệu ngươi có thể xóa bỏ sự việc đã gây ra mối thù hận và sự tức giận cũng như ký ức chôn sâu trong đáy lòng mình đó được không? Ngươi thực sự có thể buông bỏ sự thù hận đối với sự việc đó không? Nó có thể thực sự biến mất không? (Thưa, không.) Như vậy, làm cho kẻ khiến ngươi tổn thương biến mất và bị trừng phạt, hoặc chết một cái chết kinh khủng nhất, hoặc chịu quả báo, hoặc đi đến một kết cục tồi tệ có phải là cách hóa giải thù hận và phẫn nộ không? Đó có phải là cách để buông bỏ thù hận và phẫn nộ không? (Thưa, không phải.) Thế nên, có người nói: “Khi phát hiện ra mình đang nung nấu những cảm xúc thù hận và phẫn nộ này thì ta nên buông bỏ chúng”. Đây có phải là con đường thực hành không? (Thưa, không phải.) Thế khi có người nói: “Ta nên buông bỏ chúng” nghĩa là gì? (Thưa, đó là giáo lý.) Đúng, đó là giáo lý, chứ không phải là con đường thực hành. Ta vừa nói cho các ngươi cách giải quyết cảm giác tự ti, và đây là một cách để buông bỏ mặc cảm tự ti. Giờ các ngươi đã có con đường thực hành chưa? (Thưa, rồi.) Vậy làm thế nào để các ngươi buông bỏ sự thù hận và phẫn nộ? Không nghĩ về chúng có phải là con đường thực hành không? (Thưa, không.) Có người nói hãy xóa chúng ra khỏi ký ức – đây có phải là cách để giải quyết vấn đề không? Liệu điều đó có nghĩa là ngươi đã buông bỏ được những điều này không? (Thưa, không.) Lắc đầu, nhắm mắt và không nghĩ ngợi đến bất cứ điều gì, hay là khiến bản thân bận rộn, đều không phải là cách để giải quyết vấn đề này, và đây không phải là con đường thực hành đúng đắn để buông bỏ những cảm xúc tiêu cực này. Vậy con đường thực hành cụ thể là gì? Làm sao ngươi có thể buông bỏ những điều này? Làm sao ngươi có thể giải quyết vấn đề này? Các ngươi có biện pháp nào hay để làm việc này không? Để buông bỏ những cảm xúc này, các ngươi phải đối mặt với chúng, không được trốn tránh hay chạy trốn chúng. Chẳng phải ngươi sợ ở một mình sao? Chẳng phải ngươi sợ nhớ lại sự việc này sao? Chẳng phải ngươi sợ có người sẽ khơi lại vết thương của mình sao? Vậy, hãy đối mặt với nó, và viết ra tất cả những con người, sự việc và sự vật đã khiến ngươi tổn thương và khiến ngươi cảm thấy thù hận, phẫn nộ trong quá khứ, cùng tất cả những người đã để lại ấn tượng sâu sắc cho ngươi và những người mà ngươi có thể nhớ, phân định nhân tính của từng người bọn họ theo lời Đức Chúa Trời, nhận biết tâm tính của họ, mổ xẻ, vạch trần và biết thực chất của họ, nhìn ra chính xác những người đó là gì. Kết luận cuối cùng của ngươi – kết luận duy nhất mà ngươi có thể đưa ra – sẽ là những người đó đều là kẻ ác, họ là ma quỷ chứ không phải là người! Cho dù họ dùng phương pháp nào để làm tổn thương ngươi hay hãm hại và làm hại ngươi, thì thực chất của họ vẫn là ma quỷ, chứ không phải con người và họ tuyệt đối không phải là đối tượng được Đức Chúa Trời lựa chọn. Không ai trong số những người đó có khả năng đến nhà Đức Chúa Trời, trong khi ngươi là người được Đức Chúa Trời chọn. Hiện tại, ngươi có thể nghe các bài giảng trong nhà Đức Chúa Trời, thực hiện bổn phận của mình trong nhà Đức Chúa Trời, và ngươi có thể đến trước Đức Chúa Trời – đây là Đức Chúa Trời nâng đỡ ngươi và ân đãi ngươi. Mặt khác, trong mắt Đức Chúa Trời, những người đó chưa bao giờ được coi là con người. Đó là lý do tại sao, một khi đã bắt đầu tin vào Đức Chúa Trời, ngươi nên giữ khoảng cách với họ. Nếu còn muốn giao du với họ, ngươi chắc chắn sẽ không thể đánh bại được họ, và ngươi sẽ bị họ đàn áp và trừng trị, bị họ phân biệt đối xử và sỉ nhục, bị họ làm hại, thậm chí là bị họ chà đạp. Mọi việc họ làm thể hiện những gì ma quỷ làm và những gì Sa-tan làm. Nếu thích giao du với họ và chiến đấu với họ, thì ngươi cũng không phải là con người. Ngươi cũng giống như họ, và ngươi có khả năng làm những việc giống như họ. Điều này là do ma quỷ không chỉ hãm hại con người mà còn làm hại lẫn nhau – đây là bản tính của ma quỷ. Vì ngươi đã được Đức Chúa Trời chọn và ngươi thuộc về loài người mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng, nên làm sao mà ma quỷ có thể không ức hiếp ngươi chứ? Làm sao mà chúng có thể không làm tổn thương và hãm hại ngươi chứ? Chúng làm hại tất cả mọi người. Chúng còn làm hại lẫn nhau thì sẽ càng không chịu buông tha hay để yên cho con người được! Điều này chứng tỏ rằng thế giới và nhân loại này thuộc về ma quỷ và hoàn toàn ngập tràn những việc làm của Sa-tan. Làm người tốt đã khó vô cùng, chỉ làm người bình thường không muốn bị ai ức hiếp cũng vô cùng khó. Ngươi có cố tránh cũng không thể được. Thế giới này là như thế. Từ khi có đủ hiểu biết để có thể bắt đầu đi học, đến khi bước vào xã hội và bắt đầu đi làm, cho đến khi chết, trong suốt cuộc đời, ai mà chưa bao giờ bị ức hiếp, hay lừa dối và bức hại chứ? Hoàn toàn không có ai như vậy. Cho dù ngươi có tài giỏi hay có năng lực đến đâu, thì sẽ luôn có một người nào đó ghê gớm hơn ức hiếp ngươi. Nhưng sự khác biệt là mỗi người có những triết lý sống khác nhau. Có người chịu đựng và cam chịu nghịch cảnh, nhưng có người lại khác. Sau nhiều lần bị lừa dối, bị bắt nạt đến mức không thể chịu được nữa và đã chịu đựng quá nặng nề, thì những cảm xúc như thù hận và phẫn nộ nảy sinh trong họ, và họ căm ghét cả nhân loại lẫn xã hội. Khi đã nhìn thấy rõ thực chất và bản tính của kẻ hãm hại mình, thấy rõ thực chất của chúng là ma quỷ, thì sự thù hận và phẫn nộ của ngươi không còn hướng về con người nữa mà hướng về ma quỷ, và chẳng phải khi đó sự thù hận của ngươi đã giảm đi sao? (Thưa, phải.) Lòng thù hận của ngươi giảm đi phần nào. Và lợi ích của việc lòng thù hận được giảm đi phần nào là gì? Đó là khi gặp lại tình huống như vậy, ngươi sẽ không xúc động nữa và sẽ không nhìn nhận tình huống một cách nóng nảy nữa. Thay vào đó, ngươi sẽ nhìn nhận nó một cách đúng đắn, ngươi sẽ dùng lời Đức Chúa Trời và lẽ thật mà phân định và tiếp cận nó, ngươi sẽ nhìn nhận những kẻ lại gây hại cho ngươi lần nữa từ góc độ của lương tâm và lý trí của con người, và ngươi sẽ dùng cách mà Đức Chúa Trời đã dạy ngươi, con đường và nguyên tắc mà Đức Chúa Trời đã chỉ bảo ngươi để đối xử với họ. Khi đối xử với họ theo cách Đức Chúa Trời đã phán dạy ngươi, sự thù hận và phẫn nộ sẽ không nảy sinh trong ngươi nữa, mà thay vào đó, ngươi sẽ bắt đầu nhận ra sự bại hoại của nhân loại, nhận biết được bộ mặt của ma quỷ, xác nhận và kiểm chứng được rằng lời Đức Chúa Trời là lẽ thật một cách sâu sắc và tiến bộ hơn nhiều. Khi ngươi dùng lời Đức Chúa Trời và cách Đức Chúa Trời đã phán bảo ngươi, cách Ngài đã dạy ngươi, để nhìn nhận vấn đề như thế này, thì vấn đề này không những sẽ không gây hại cho ngươi nữa, và không những không làm sâu sắc thêm sự thù hận và phẫn nộ của ngươi mà ngược lại, nó còn khiến sự thù hận và phẫn nộ trong thâm tâm ngươi giảm dần, và khi trải qua loại vấn đề này hết lần này đến lần khác, vóc giạc của ngươi sẽ phát triển và tâm tính ngươi sẽ thay đổi.

Về việc chính xác thì ngươi phải làm thế nào để buông bỏ sự thù hận và phẫn nộ trong quá khứ mà chúng ta đang thảo luận, một mặt là hiểu rõ những kẻ được gọi là không phải con người này, để thấy rõ thực chất bản tính của chúng là của quỷ Sa-tan, thực chất của chúng là gây hại cho con người, thực chất của chúng giống hệt và có cùng nguồn gốc với thực chất của quỷ Sa-tan và con rồng lớn sắc đỏ, chúng hãm hại ngươi, làm hại ngươi, giống như Sa-tan làm bại hoại nhân loại. Hiểu được điểm này rồi, chẳng phải khi đó các ngươi sẽ buông bỏ được phần nào cảm xúc thù hận và phẫn nộ của mình sao? (Thưa, phải.) Có người nói: “Chỉ hiểu những điều này thôi thì chưa đủ. Nhiều khi chỉ nghĩ đến thôi là đã thấy buồn rồi!”. Ngươi nên làm gì khi thấy buồn? Ngươi có thể hoàn toàn không buồn được không? Sẹo luôn để lại dấu vết, nhưng việc có những dấu vết này không hẳn là điều xấu. Chính những hiện tượng bất công trong xã hội này, cũng như những con người, sự việc và sự vật đã làm nảy sinh lòng hận thù và phẫn nộ trong ngươi, khiến ngươi cảm nhận được sự bất công trong xã hội, khiến ngươi cảm nhận được sự hiểm ác, hung ác và tà ác của nhân loại, và điều đó khiến ngươi cảm nhận được sự bất công và hoang tàn của thế gian, từ đó khơi dậy trong ngươi mong muốn khao khát sự sáng và mong mỏi Đấng Cứu Thế đến cứu rỗi ngươi khỏi mọi khổ đau này. Vậy, mong muốn này có bối cảnh không? (Thưa, có.) Mong muốn này có xuất hiện dễ dàng không? (Thưa, không.) Nếu ngươi chưa từng bị tổn hại trong nhân loại hay trong xã hội, ngươi sẽ nghĩ rằng xung quanh có nhiều người tốt. Nếu ngươi ra ngoài vấp ngã sẽ có người đến đỡ dậy, hay khi ngươi đi mua đồ nhưng không mang đủ tiền thì sẽ được người bên cạnh giúp, hay lúc ngươi bị mất ví sẽ có người nhặt được và trả lại, ngươi sẽ nghĩ xung quanh có nhiều người tốt. Theo lối suy nghĩ này và với việc ngươi có kiểu hiểu biết này về xã hội, ngươi sẽ biết được bao nhiêu về ý nghĩa của sự cứu rỗi nhân loại của Đức Chúa Trời hay sự cần thiết của việc Đức Chúa Trời thực hiện công tác cứu rỗi? Niềm khao khát của ngươi về việc Đấng Cứu Thế sẽ đến và cứu rỗi ngươi ra khỏi bể khổ sẽ lớn đến mức nào? Ngươi sẽ chẳng muốn nhiều đâu, đúng không? Nó sẽ chỉ là một kiểu mong ước, một dạng ảo tưởng. Người càng trải qua nhiều khó khăn và đau khổ trên đời, chịu đủ mọi kiểu đối xử bất công, hay nói cách khác, người càng sống lâu trong xã hội này và giữa mọi người, người mà trong họ đã nảy sinh lòng thù hận và phẫn nộ sâu sắc đối với loài người và xã hội, thì họ càng mong Đức Chúa Trời kết thúc thời đại tà ác này càng sớm càng tốt, hủy diệt nhân loại tà ác này càng sớm càng tốt, cứu rỗi họ ra khỏi bể khổ càng sớm càng tốt, trừng phạt kẻ ác và bảo vệ người tốt – chẳng phải thế sao? (Thưa, phải.) Vì vậy, lúc này, ngươi ngẫm nghĩ: “Ồ, mình thực sự phải cảm ơn lũ ma quỷ đó. Mình phải cảm ơn chúng vì đã đối xử bất công và phân biệt đối xử mình, sỉ nhục và áp bức mình. Chính những việc ác của chúng và sự tổn hại mà chúng đã gây ra cho mình đã buộc mình phải đến trước Đức Chúa Trời, khiến mình không còn lưu luyến thế gian hay cuộc sống giữa những con người này nữa, và điều đó đã khiến mình muốn đến nhà Đức Chúa Trời, đến trước Đức Chúa Trời, sẵn lòng dâng mình cho Đức Chúa Trời, cống hiến cả cuộc đời, sống một cuộc đời có ý nghĩa và không giao du với kẻ ác nữa. Nếu không, mình sẽ vẫn như chúng, chạy theo trào lưu thế gian, mưu cầu danh lợi, cuộc sống tốt đẹp, sự hưởng thụ xác thịt và một tương lai tuyệt vời. Giờ mình tin vào Đức Chúa Trời nên không cần phải đi trên con đường quanh co đó nữa. Mình không còn nhìn chúng với thái độ thù địch nữa. Mình thấy rõ bộ mặt thật lâu nay của chúng. Chúng ở đó để dâng sự phục vụ, làm vật làm nền cho công tác của Đức Chúa Trời. Nếu không có chúng, mình sẽ không thể nhìn thấu thực chất của thế giới này và nhân loại này, và vẫn sẽ nghĩ rằng thế giới này và nhân loại này ngày càng tuyệt vời hơn. Khi đã trải qua nỗi đau này, mình sẽ không còn đặt khát vọng và hy vọng vào thế giới này hay vào tay bất kỳ vĩ nhân nào. Mà thay vào đó, mình mong vương quốc của Đức Chúa Trời sẽ đến, và sự công bằng và công chính của Đức Chúa Trời sẽ ngự trị”. Khi suy ngẫm như vậy, chẳng phải những cảm xúc thù hận và phẫn nộ của ngươi sẽ dần nguôi ngoai hay sao? (Thưa, đúng.) Chúng nguôi ngoai đi. Và chẳng phải góc nhìn cũng như quan điểm của ngươi về con người, sự việc và sự vật trong lòng ngươi đã trải qua một sự thay đổi sao? Chẳng phải điều này có nghĩa là con đường mà ngươi sẽ đi trong tương lai, những lựa chọn và mục tiêu của ngươi đang dần thay đổi, và ngươi đang dần chuyển sang theo đuổi những mục tiêu và phương hướng đúng đắn sao? (Thưa, đúng.) Ngươi nhớ lại những điều đã xảy ra trong quá khứ đã làm tan nát lòng mình, khiến ngươi căm ghét thế giới, và một khi đã thấy rõ ý nghĩa và thực chất của chúng, lòng ngươi tràn ngập sự biết ơn đối với Đức Chúa Trời. Khi tràn đầy lòng biết ơn, chẳng phải khi đó ngươi đắm mình tận hưởng điều đó sao? Sau đó, chẳng phải ngươi sẽ nghĩ rằng: “Những kẻ ngoại đạo, những người không tin vào Đức Chúa Trời vẫn đang bị chính quỷ vương Sa-tan lừa dối, làm hại và nuốt chửng. Thật đáng thương biết bao! Nếu mình không tin vào Đức Chúa Trời và chưa đến trước Đức Chúa Trời, thì mình cũng giống như họ, chạy theo thế gian, chạy ngược xuôi để cố đạt danh lợi và địa vị, trải qua rất nhiều đau khổ và mình sẽ không bao giờ nghĩ cần phải thay đổi. Mình sẽ đắm chìm trong tội lỗi không thể tránh khỏi – thật đáng buồn thay! Giờ mình đã tin vào Đức Chúa Trời, mình đã hiểu được lẽ thật và có thể nhìn thấu chuyện này. Con đường mà mọi người nên đi theo là con đường mưu cầu lẽ thật – điều này có giá trị nhất, có ý nghĩa nhất. Giờ Đức Chúa Trời đã ân đãi mình như vậy để mình không còn phải trải qua nỗi đau khổ đó nữa, mình sẽ quyết tâm đi theo Đức Chúa Trời cho đến cùng, nghe lời Ngài, sống theo lời Ngài, không còn sống như trước đây, khi mà mình đã không hề sống như một con người”. Ngươi thấy đấy, khát vọng tốt này đã nảy sinh, phải không? Chẳng phải những mục tiêu và phương hướng sống đúng đắn đã dần hình thành trong tư tưởng và ý thức của con người sao? Và chẳng phải bây giờ họ đã có thể dấn bước vào con đường đúng đắn trong cuộc đời sao? (Thưa, phải.) Vì vậy, khi những cảm xúc và khát vọng tích cực này nảy sinh, liệu có cần thiết phải nghĩ về những cảm xúc tiêu cực đó không? Sau khi suy nghĩ một thời gian hoặc suy nghĩ nhiều lần cho đến khi ngươi hiểu chúng, khi những vấn đề này không còn quấy rầy tâm tư ngươi hay kiểm soát con đường ngươi đi, ngươi sẽ buông bỏ những cảm xúc thù hận và phẫn nộ này tự lúc nào không hay, chúng không còn chiếm cứ lòng ngươi nữa và theo thời gian, ngươi sẽ giải quyết được vấn đề về tâm tính bại hoại của mình. Vấn đề giải quyết tâm tính bại hoại của ngươi có liên quan đến việc mưu cầu lẽ thật không? (Thưa, có.) Và chẳng phải điều đó có nghĩa là ngươi đã dấn bước vào con đường nhân sinh đúng đắn sao? Không khó để dấn bước vào con đường đúng đắn; trước tiên ngươi phải từ bỏ tất cả các quan điểm khác nhau về thế giới, nhân tính của con người và nhân loại mà không phù hợp với lẽ thật. Làm sao ngươi có thể nhìn thấu những quan điểm không phù hợp với sự thật này? Làm sao ngươi có thể giải quyết chúng? Những quan điểm không phù hợp với lẽ thật này ẩn trong cảm xúc trong lòng ngươi, và những cảm xúc này chi phối phán đoán và suy nghĩ của nhân tính ngươi, cùng tính cách, lời nói, hành động của ngươi, cũng như, tất nhiên là cả lương tâm và lý trí của ngươi nữa. Quan trọng hơn, chúng chi phối và ảnh hưởng đến các mục tiêu sống của ngươi và con đường ngươi đi. Do đó, hãy buông bỏ mọi cảm xúc tiêu cực và buông bỏ mọi cảm xúc đang kiểm soát ngươi – đây là bước đầu tiên ngươi nên thực hành để mưu cầu lẽ thật. Trước tiên, hãy giải quyết vấn đề về những cảm xúc tiêu cực khác nhau, tìm ra chúng là giải quyết, không để chúng gây rắc rối về sau. Khi những vấn đề này được giải quyết, ngươi sẽ không còn bị xiềng xích, không còn mang theo những cảm xúc tiêu cực này khi mưu cầu lẽ thật, và ngươi sẽ có thể tìm kiếm lẽ thật và giải quyết nó khi bộc lộ tâm tính bại hoại. Đây có phải là một điều dễ đạt được không? Thực sự không dễ như vậy.

Trong khi Ta thông công và mổ xẻ những cảm xúc tiêu cực này, các ngươi có đang đối chiếu những gì Ta nói với bản thân mình không? Có người nói: “Con còn trẻ và không có nhiều kinh nghiệm sống. Con chưa bao giờ trải qua bất kỳ trở ngại, thất bại hay chịu bất kỳ sang chấn nào. Chẳng phải thế nghĩa là con không có bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào sao?”. Mọi người ai cũng có; ai cũng sẽ gặp nhiều khó khăn và dễ nảy sinh những cảm xúc tiêu cực. Ví dụ, do bối cảnh xu hướng xấu xa của xã hội thời đại này, nhiều đứa trẻ lớn lên trong gia đình chỉ có cha hoặc mẹ, có đứa không có tình thương của mẹ, có đứa không có tình thương của cha. Nếu ai không có tình thương của cha hoặc của mẹ thì đó coi như là một sự thiếu thốn. Bất kể ngươi ở độ tuổi nào mà mất đi tình yêu thương của cha hoặc của mẹ, thì từ góc độ nhân tính bình thường, điều đó sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến ngươi. Có người sẽ thu mình lại, có người sẽ cảm thấy tự ti, có người sẽ trở nên cáu kỉnh, có người sẽ có cảm giác bất an và thiếu an toàn, và có người sẽ phân biệt đối xử và tránh xa người khác giới. Dù thế nào thì những người lớn lên trong môi trường đặc biệt này, ít nhiều sẽ nảy sinh một số điểm bất thường trong nhân tính bình thường của họ. Theo cách nói hiện đại, họ có một chút biến dạng. Ví dụ, con gái lớn lên không có tình thương của cha sẽ tương đối thấy lạ lẫm đàn ông. Từ nhỏ, họ phải học cách tự lo những nhu cầu cơ bản của mình, thậm chí còn phải gánh vác gánh nặng tài chính gia đình cùng nhiều việc khác cần phải làm, giống như mẹ của họ, vô tình sớm học cách lo lắng và coi sóc mọi việc, hoặc bảo vệ bản thân, mẹ và gia đình. Họ có ý thức mạnh mẽ về việc bảo vệ bản thân và cũng sẽ có cảm giác tự ti rất nặng nề. Một khi lớn lên trong môi trường đặc biệt này, một cách không hề hay biết, họ sẽ vô thức cảm thấy trong thâm tâm mình hình như có sự thiếu khuyết gì đó và đây chính là cảm giác của họ, bất luận cảm giác này có từng ảnh hưởng nghiêm trọng đến phán đoán hoặc quyết định của họ trong quá khứ hay chưa. Tóm lại, một khi người ta đã hoàn toàn trưởng thành, sẽ có một số cảm xúc tiêu cực chi phối suy nghĩ của họ vốn đã tồn tại từ lâu, và chúng luôn có lý do để tồn tại. Ví dụ, nếu một số bé trai lớn lên trong gia đình đơn thân, không có cha mà chỉ có mẹ, thì ngay từ khi còn nhỏ, các em đã học cách đảm nhận việc nhà cùng với mẹ, tính cách của các em phần nào trở nên giống mẹ. Họ thích chăm sóc con gái và cảm thấy đồng cảm với con gái, họ bao dung với con gái và thích bảo vệ phụ nữ, và tương đối có thành kiến với nam giới. Thậm chí có người sâu trong thâm tâm còn có chút không thích và ác cảm với đàn ông, họ phân biệt đối xử người ta, cho rằng đàn ông đều là những kẻ bất tài và vô trách nhiệm, rằng đàn ông không làm những điều đúng đắn và chính đáng. Tất nhiên, một số người trong số này khá bình thường. Tuy nhiên, khó tránh khỏi sẽ có một số người có những suy nghĩ đặc biệt, không thực tế hoặc không phù hợp về đàn ông hay phụ nữ, và những người này đều có những thiếu khuyết và vấn đề trong nhân tính. Nếu ai đó phát hiện ra ngươi có vấn đề như thế này và chỉ ra cho ngươi, hoặc nếu ngươi phát hiện ra và biết mình có loại cảm xúc tiêu cực nghiêm trọng này thông qua việc tự soi xét bản thân, và thấy điều đó đã ảnh hưởng đến lựa chọn và cách ngươi thực hành việc nhìn nhận con người và sự vật, cách ngươi hành xử và hành động, thì ngươi nên phản tỉnh và biết mình. Ngươi nên phân định và giải quyết cảm xúc tiêu cực này dưới sự sáng của lời Đức Chúa Trời, cố gắng thoát khỏi sự ràng buộc, kiểm soát và ảnh hưởng của cảm xúc tiêu cực này, đấu tranh để ngăn hỷ nộ ai lạc, tư duy, phán đoán, lương tâm và lý trí trong nhân tính của ngươi bị bóp méo, cực đoan hoặc thái quá. Còn gì nữa không? Một khi ngươi đã nỗ lực để ngăn không cho những điều này xảy ra, ngươi sẽ có thể sống một cuộc sống bình thường theo lương tâm và lý trí của nhân tính bình thường cũng như với bản năng và ý chí tự do của nhân tính bình thường mà Đức Chúa Trời đã ban cho con người. Nghĩa là, ngươi cố gắng giữ suy nghĩ, bản năng, ý chí tự do, năng lực phán đoán, lương tâm và lý trí của mình trong phạm vi nhân tính bình thường do Đức Chúa Trời quy định. Do đó, bất cứ cảm xúc tiêu cực nào đang kiểm soát ngươi, thì ngươi cũng đều đang có vấn đề với khía cạnh đó trong nhân tính bình thường của ngươi. Các ngươi hiểu điều này, phải không? (Thưa, hiểu.)

Việc mưu cầu lẽ thật của con người đạt được trên cơ sở lương tâm, lý trí, bản năng và ý chí tự do bình thường của nhân tính bình thường, và phạm vi cảm xúc của con người bình thường. Ngươi thấy đấy, trong phạm vi nhân tính bình thường mà Đức Chúa Trời ban cho con người, không có gì cực đoan, không có gì thái quá, không có gì méo mó, và không có đa nhân cách hay lệch lạc nhân cách. Thái quá biểu hiện như thế nào? Luôn cho rằng mình không tốt, rằng mình chẳng là gì cả – đây không phải là thái quá sao? Đây không phải là phi thực tế sao? (Thưa, phải.) Mù quáng đề cao đàn ông, tin rằng đàn ông tốt, đàn ông có năng lực hơn phụ nữ, phụ nữ kém cỏi, phụ nữ không tốt, họ không có khả năng bằng đàn ông và nói chung là, họ không tốt bằng đàn ông – đây không phải là thái quá sao? (Thưa, phải.) Đẩy mọi thứ đến cực đoan được biểu hiện như thế nào? Đó là luôn muốn vượt qua những gì bản thân ngươi có thể đạt được theo bản năng và luôn muốn vượt qua giới hạn của mình. Có người thấy người khác ngủ năm tiếng một đêm rồi cả ngày vẫn có thể làm việc bình thường, thế là họ phải ngủ bốn tiếng một đêm để xem mình có thể trụ được bao nhiêu ngày. Có người thấy người khác ngày ăn hai bữa, sức lực dồi dào, có thể làm việc cả ngày, thế là nhất định phải ăn ngày một bữa – như vậy chẳng phải là hại cơ thể sao? Ngươi luôn cố tỏ ra có khả năng hơn thực tế để làm gì? Ngươi đang cạnh tranh với xác thịt của chính mình để làm gì? Có người ngoài năm mươi răng đã lung lay, thậm chí không nhai được xương, không cắn được mía nữa. Họ nói: “Đừng lo, tôi có thể mất vài cái răng, nhưng không sao, cứ nhai thôi! Tôi phải vượt qua khó khăn này. Nếu không cố vượt qua thì tôi chỉ là kẻ yếu đuối và vô dụng mà thôi!”. Đây không phải là đẩy mọi thứ đến cực đoan sao? (Thưa, phải.) Ngươi cảm thấy mình phải đạt được điều mà mình không thể đạt được và điều mà nhân tính ngươi không thể đạt được theo bản năng. Ngươi không thể đạt được chúng bằng tài năng, trí tuệ hay vóc giạc của mình, bằng những điều ngươi đã học, hay bằng tuổi tác và giới tính của mình, nhưng dù không thể đạt được chúng, ngươi vẫn cảm thấy mình phải đạt được. Một số phụ nữ phóng đại thế mạnh của họ, nói rằng: “Phụ nữ chúng tôi có thể làm những gì đàn ông có thể làm. Đàn ông có thể xây các tòa nhà, chúng tôi cũng làm được; đàn ông có thể lái máy bay, chúng tôi cũng làm được; đàn ông có thể là võ sĩ đấm bốc, chúng tôi cũng làm được; đàn ông có thể vác bao trăm cân, chúng tôi cũng làm được”. Nhưng cuối cùng, họ bị nó đè đến mức thổ ra máu. Họ vẫn đang cố tỏ ra có khả năng hơn thực tế đúng không? Đây không phải là cực đoan sao? Đây không phải là thái quá sao? Những biểu hiện này đều cực đoan và thái quá. Những người vô lý thường xem xét vấn đề và nhìn nhận con người, sự việc và sự vật theo cách này, đây cũng là cách họ tiếp cận và giải quyết vấn đề. Vì vậy, nếu con người muốn giải quyết những biểu hiện thái quá này, thì trước hết phải chấm dứt và buông bỏ những điều cực đoan đó. Nghiêm trọng nhất trong số này là những cảm xúc cực đoan khác nhau trong thâm tâm họ. Trong những hoàn cảnh nhất định, những cảm xúc này thường khiến họ có suy nghĩ cực đoan và dùng các phương pháp cực đoan, do đó khiến họ lầm đường lạc lối. Những cảm xúc cực đoan này không chỉ khiến con người trông ngu muội, vô tri, ngu xuẩn, mà còn khiến họ lầm đường lạc lối và chịu tổn thất. Đức Chúa Trời muốn một người bình thường mưu cầu lẽ thật, chứ không phải một người vô lý, thái quá và cực đoan mưu cầu lẽ thật. Tại sao lại thế? Những người vô lý và cực đoan không có khả năng hiểu chuyện một cách đúng đắn, huống gì là hiểu lẽ thật một cách thuần túy. Những người sai lầm và cực đoan cũng dùng những cách cực đoan để hiểu, tiếp cận và thực hành lẽ thật – điều này rất nguy hiểm và rắc rối cho họ. Họ sẽ chịu tổn thất lớn, và điều đó cũng làm ô danh Đức Chúa Trời một cách nghiêm trọng. Đức Chúa Trời không cần ngươi thách thức giới hạn của mình, hay dùng các phương pháp cực đoan và quyết liệt để thực hành lẽ thật. Thay vào đó, trong những hoàn cảnh mà nhân tính của ngươi bình thường về mọi mặt, và trong phạm vi nhân tính mà ngươi có thể hiểu và đạt được, Ngài muốn ngươi đưa lời Đức Chúa Trời vào thực hành, thực hành lẽ thật và đáp ứng những yêu cầu của Ngài. Mục đích cuối cùng là để thay đổi tâm tính bại hoại của ngươi, dần dần chấn chỉnh, thay đổi mọi suy nghĩ và quan điểm của ngươi, để hiểu biết của ngươi về tâm tính bại hoại của con người cũng như hiểu biết của ngươi về Đức Chúa Trời ngày càng sâu sắc hơn, từ đó khiến việc ngươi quy phục Đức Chúa Trời ngày càng cụ thể và thực tế hơn – đây là cách ngươi sẽ đạt được ơn cứu rỗi.

Việc Ta thông công về cách buông bỏ những cảm xúc tiêu cực khác nhau có ý nghĩa không? (Thưa, có.) Mục đích của Ta khi làm vậy là gì? Là để bất kể những cảm xúc tiêu cực này đã phát sinh từ lâu hay hiện tại đang phát sinh ngay trước mắt, thì ngươi cũng có thể tiếp cận chúng một cách đúng đắn, hóa giải và giải quyết chúng theo cách đúng đắn, bỏ những cảm xúc tiêu cực, sai trái này ở phía sau, và dần dần đạt đến mức cho dù có điều gì xảy ra đi nữa thì ngươi không còn bị sa vào những cảm xúc tiêu cực này. Khi các loại cảm xúc tiêu cực lại dấy lên, ngươi sẽ có thể ý thức và phân định, ngươi sẽ biết tác hại của chúng gây ra cho mình và dĩ nhiên, ngươi cũng phải dần dần buông bỏ chúng. Khi những cảm xúc này nảy sinh, ngươi sẽ có thể thực hành tự kiềm chế và vận dụng trí tuệ, và ngươi sẽ có thể buông bỏ chúng hoặc tìm kiếm lẽ thật để giải quyết và xử lý chúng. Dù thế nào, chúng cũng không nên ảnh hưởng đến việc ngươi vận dụng những cách thức đúng đắn, thái độ đúng đắn và lập trường đúng đắn trong cách nhìn nhận con người và sự việc cũng như cách ngươi hành xử và hành động. Theo cách này, những trở ngại và chướng ngại vật trên con đường mưu cầu lẽ thật của ngươi sẽ ngày càng ít đi, ngươi sẽ có thể mưu cầu lẽ thật trong phạm vi nhân tính bình thường mà Đức Chúa Trời yêu cầu mà không bị quấy rầy, hoặc ngày càng ít bị quấy rầy hơn, và ngươi sẽ giải quyết được những tâm tính bại hoại mà bản thân bộc lộ trong mọi loại tình huống. Giờ các ngươi đã có cách để giải quyết những cảm xúc tiêu cực khác nhau chưa? Đầu tiên, hãy dò xét bản thân về sự bại hoại mà ngươi bộc lộ và xem liệu những cảm xúc tiêu cực này có đang ảnh hưởng bên trong ngươi hay không và liệu ngươi có đang mang những cảm xúc tiêu cực này vào cách mình nhìn nhận con người và sự việc, cũng như cách ngươi hành xử và hành động hay không. Ngoài ra, hãy xem xét trong thâm tâm mình, những sự việc đã khắc sâu vào trí nhớ ngươi và xem liệu những điều đã xảy ra với ngươi này có để lại sẹo hay dấu vết nào không, và liệu chúng có liên tục kiểm soát việc ngươi dùng những cách thức và phương pháp đúng đắn để nhìn nhận con người và sự việc, cũng như hành xử và hành động hay không. Bằng cách này, khi những cảm xúc tiêu cực khác nhau nảy sinh lúc ngươi cảm thấy bị tổn thương trong quá khứ được khai quật lên, thì điều ngươi nên làm tiếp theo là mổ xẻ, phân định và giải quyết từng cảm xúc một theo lẽ thật. Ví dụ, một số người đã được đề bạt làm lãnh đạo nhiều lần, nhưng cũng nhiều lần bị cách chức hoặc điều chuyển, và một cảm xúc rất tiêu cực nảy sinh trong họ. Trong suốt quá trình được đề bạt rồi bị cách chức và điều chuyển hết lần này đến lần khác, họ không bao giờ nhận ra lý do tại sao điều này lại xảy ra, và do đó không bao giờ biết được những khiếm khuyết và thiếu sót của bản thân, sự bại hoại của mình, hay nguyên nhân gốc rễ của những vi phạm mà họ phạm phải. Họ không bao giờ giải quyết được những vấn đề này, và một ấn tượng hằn sâu trong lòng họ, họ nghĩ: “Đây chính là cách nhà Đức Chúa Trời dùng người. Khi được sử dụng, ta sẽ được nâng lên và khi không được sử dụng, ta sẽ bị đá đít”. Những người có loại cảm xúc này có thể có nơi để giải tỏa trong xã hội, nhưng trong nhà Đức Chúa Trời, ngươi cảm thấy rằng không có nơi nào để mình có thể giải tỏa, không có cách nào để giải tỏa, và không có môi trường nào để giải tỏa, thế nên, tất cả những gì ngươi có thể làm là nuốt vào trong lòng. Việc nuốt vào trong lòng không phải là thực sự buông bỏ mà là ngươi đang chôn sâu vào lòng. Có một số người nghĩ rằng một ngày nào đó họ sẽ làm tròn bổn phận của mình, và nếu anh chị em của họ nhìn thấy điều này, mọi người sẽ lại chọn họ làm lãnh đạo; cũng có một số người muốn lặng lẽ tiếp tục thực hiện bổn phận của mình và không muốn lại làm lãnh đạo nữa, họ nói: “Tôi sẽ không làm lãnh đạo cho dù có ai đề bạt tôi đi nữa. Tôi không thể để mất mặt được, và tôi không thể chịu được nỗi đau đó. Việc ai trở thành lãnh đạo hay ai bị cách chức chẳng liên quan gì đến tôi. Tôi sẽ không làm lãnh đạo nữa, và vì vậy tôi sẽ không phải chịu đựng sự đả kích và tổn thương do bị cách chức. Tôi sẽ chỉ làm tốt công việc của mình và gánh vác trách nhiệm này, còn đích đến và kết cục nào đang chờ đợi tôi, tôi phó thác vào tay Đức Chúa Trời – điều đó tùy thuộc vào Đức Chúa Trời”. Đây là loại cảm xúc gì? Nói đó là tự ti thì không hoàn toàn chính xác; Ta nghĩ gọi nó là chán nản thì đúng hơn – chán nản, u sầu, khép kín và bị kìm nén. Họ nghĩ: “Nhà Đức Chúa Trời là nơi tuân giữ công lý, vậy mà mình thường xuyên được đề bạt rồi bị cách chức. Mình cảm thấy bị đối xử bất công, nhưng không có cách nào để phản bác điều đó, nên mình cứ phục tùng cho xong! Đây là nhà Đức Chúa Trời, mình còn có thể đi đâu để tranh luận về việc của mình chứ? Mình đã quen sống như thế này rồi. Không ai trên thế gian xem trọng mình và trong nhà Đức Chúa Trời cũng vậy. Mình sẽ không nghĩ mọi thứ sẽ ra sao trong tương lai nữa”. Cả ngày họ uể oải, không thể hứng thú với bất cứ việc gì, chỉ làm mọi việc qua loa cho có, những gì có thể làm được thì làm một chút và chỉ thế thôi; họ không học hỏi, họ không nỗ lực, họ không suy nghĩ thấu đáo về bất cứ điều gì và họ không sẵn lòng trả giá. Cuối cùng, họ cạn kiệt năng lượng rất nhanh, nhiệt huyết ban đầu nguội lạnh, họ cho rằng mọi thứ không liên quan gì đến mình, và con người trước đây của họ đã chết. Đây không phải là u sầu sao? (Thưa, phải.) Có người hỏi họ: “Anh cảm thấy thế nào khi bị cách chức?”. Họ trả lời: “À, tố chất của tôi kém. Tôi còn có thể nghĩ như thế nào chứ? Tôi không hiểu được”. Người khác hỏi họ: “Nếu anh lại được chọn làm lãnh đạo, anh có muốn làm không?”. Thì họ đáp: “Ồ, tôi muốn để làm gì chứ? Điều đó không thực tế! Tố chất của tôi kém cỏi và tôi không thể đáp ứng ý muốn của Đức Chúa Trời”. Nói rằng họ cam chịu và đã bỏ cuộc là không hoàn toàn đúng với thực tế. Họ chỉ luôn cảm thấy uể oải, chán nản, khép kín và u sầu. Họ không muốn nói với bất kỳ ai những điều trong lòng mình, họ không muốn cởi mở, và họ không muốn giải quyết các vấn đề, khó khăn, tình trạng bại hoại và tâm tính bại hoại của bản thân – họ chỉ tiếp tục gồng mình như vậy. Đây là cảm xúc gì? (Thưa, chán nản.) Họ cũng bám vào một quan điểm: “Đức Chúa Trời bảo tôi làm gì thì tôi sẽ làm nấy và tôi sẽ làm chăm chỉ trong bất kỳ công việc nào mà hội thánh sắp xếp tôi làm. Nếu tôi không thể hoàn thành công việc, thì đừng trách tôi, tôi có tố chất kém không phải là tại tôi!”. Trên thực tế, một người như vậy thực sự tin vào Đức Chúa Trời, và họ có những khát vọng. Họ sẽ không bao giờ rời xa Đức Chúa Trời, họ sẽ không bao giờ từ bỏ bổn phận của mình, và họ sẽ luôn đi theo Đức Chúa Trời. Chỉ là họ không chú ý đến lối vào sự sống, việc tự phản tỉnh, hoặc việc giải quyết tâm tính bại hoại của mình mà thôi. Đây là loại vấn đề gì? Họ có thể đạt được lẽ thật bằng cách tin theo cách này không? Chẳng phải đây là rắc rối đối với họ sao? (Thưa, phải.) Có đánh chết họ, họ cũng không thể nói rằng họ không tin vào Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, vì một số hoàn cảnh cụ thể, vì họ đã trải qua một số tình cảnh và tình huống cụ thể, và một số người cụ thể đã nói những điều nhất định với họ, nên họ đã bị suy sụp và ủ rũ đến mức không thể đứng dậy được nữa và không thể tập trung được sức lực. Chẳng phải điều này cho thấy họ có những cảm xúc tiêu cực sao? (Thưa, phải.) Có những cảm xúc tiêu cực chứng tỏ rằng có vấn đề, và khi có vấn đề thì ngươi nên giải quyết nó. Luôn luôn có cách và con đường để giải quyết những vấn đề cần được giải quyết – không phải là không thể giải quyết được. Nó phụ thuộc vào việc ngươi có thể đối mặt với vấn đề hay không và liệu ngươi có muốn giải quyết nó hay không. Nếu ngươi muốn, thì không có vấn đề nào khó khăn đến mức không thể giải quyết được. Ngươi đến trước Đức Chúa Trời và tìm kiếm lẽ thật trong lời Ngài, thì ngươi có thể giải quyết được mọi khó khăn. Tuy nhiên, sự nản chí, chán nản, u sầu và kìm nén của ngươi không những không thể giúp ngươi giải quyết được vấn đề của mình mà ngược lại, chúng còn có thể khiến vấn đề của ngươi trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết và ngày càng tệ hơn. Các ngươi có tin như vậy không? (Thưa, có.) Thế nên, bất kể hiện tại ngươi đang bám víu vào cảm xúc nào hoặc hiện tại đã sa vào cảm xúc nào, Ta hy vọng rằng ngươi có thể thoát khỏi những cảm xúc sai lầm này. Cho dù ngươi có lý do hay lời bào chữa nào đi chăng nữa, khoảnh khắc ngươi sa vào một cảm xúc bất thường, thì ngươi đã sa vào một cảm xúc cực đoan. Khi ngươi sa vào cảm xúc cực đoan này, nó chắc chắn sẽ kiểm soát việc ngươi mưu cầu, những nguyện vọng và mong muốn của ngươi, cũng như tất nhiên là những mục tiêu mà ngươi theo đuổi trong cuộc đời, và hậu quả của việc này là rất nghiêm trọng.

Cuối cùng, có một điều Ta muốn nói với các ngươi: đừng để một cảm giác nhỏ nhặt hoặc một cảm xúc đơn giản, tầm thường nào đó quấn lấy ngươi trong suốt phần đời còn lại của ngươi đến nỗi nó ảnh hưởng đến việc ngươi đạt được ơn cứu rỗi và hủy hoại hy vọng được cứu rỗi của ngươi, có hiểu không? (Thưa, hiểu.) Cảm xúc này của ngươi không chỉ tiêu cực, mà nói chính xác hơn, nó thực sự chống lại Đức Chúa Trời và lẽ thật. Ngươi có thể nghĩ rằng đây là một cảm xúc trong nhân tính bình thường, nhưng trong mắt Đức Chúa Trời, đây không chỉ là một vấn đề cảm xúc đơn giản, mà là một phương thức chống đối Đức Chúa Trời. Đó là một phương thức đặc trưng bởi những cảm xúc tiêu cực mà con người dùng để chống đối Đức Chúa Trời, lời Đức Chúa Trời và lẽ thật. Vì vậy, Ta hy vọng ngươi, với tiền đề là mong muốn mưu cầu lẽ thật, hãy dò xét kỹ lưỡng bản thân để xem liệu mình có đang bám giữ những cảm xúc tiêu cực này và ngoan cố, ngu dại chống đối Đức Chúa Trời và cạnh tranh với Ngài hay không. Nếu thông qua việc xem xét, ngươi tìm ra câu trả lời, nếu ngươi đã nhận ra và đạt được nhận thức rõ ràng, thì Ta yêu cầu ngươi trước hết hãy buông bỏ những cảm xúc này. Đừng trân quý hay bám giữ chúng, vì chúng sẽ hủy hoại ngươi, chúng sẽ hủy hoại đích đến của ngươi, và chúng sẽ hủy hoại cơ hội và hy vọng của ngươi trong việc mưu cầu lẽ thật và đạt được sự cứu rỗi. Ta sẽ kết thúc mối thông công hôm nay ở đây.

Ngày 24 tháng 9 năm 2022

Trước: Tại sao con người phải mưu cầu lẽ thật

Tiếp theo: Cách mưu cầu lẽ thật (2)

Hồi chuông thời sau hết báo động đã vang lên, đại thảm họa đã ập xuống, bạn có muốn cùng gia đình nghênh đón được Thiên Chúa, và có cơ hội nhận được sự che chở của Thiên Chúa không?

Cài đặt

  • Văn bản
  • Chủ đề

Màu Đồng nhất

Chủ đề

Phông

Kích cỡ Phông

Khoảng cách Dòng

Khoảng cách Dòng

Chiều rộng Trang

Mục lục

Tìm kiếm

  • Tìm kiếm văn bản này
  • Tìm kiếm cuốn sách này

Liên hệ với chúng tôi qua Messenger