Cách mưu cầu lẽ thật (14)
Lần trước chúng ta đã thông công về nội dung buông bỏ những mưu cầu, lý tưởng và mong muốn của con người liên quan đến gia đình – chúng ta đã thông công về nội dung nào trong chủ đề gia đình vậy? (Thưa, lần trước Đức Chúa Trời đã thông công về một số câu nói đến từ sự hun đúc của gia đình, chẳng hạn như: “Ba người cùng đi, có thầy ta đó”, “Muốn vinh hiển trước mặt người thì phải đau khổ sau lưng người”, “Hàng rào cần ba cây chống, hảo hán cần ba người giúp”, “Kẻ sĩ vì tri kỷ mà chết, nữ nhân vì tri kỷ điểm trang”, “Con gái nuôi bằng giàu sang, con trai nuôi bằng nghèo khó”, “người ta không cần có IQ cao, mà chỉ cần có EQ cao”, “Chiêng đánh nghe tiếng, người nói nghe lời”, và “Cha mẹ luôn đúng”. Tổng cộng, chúng ta đã thảo luận tám câu nói này.) Chúng ta đã thông công về nội dung buông bỏ sự hun đúc của gia đình, nội dung này bao gồm sự hun đúc của gia đình và sự giáo dục đối với tư tưởng của con người. Một số câu nói đã được thông công cụ thể, số còn lại mới chỉ được nhắc đến vắn tắt và không được thông công một cách cụ thể. Gia đình có một tầm quan trọng rất lớn trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Nó là nơi con người lưu lại những ký ức, nơi họ trưởng thành và là nơi những tư tưởng khác nhau của họ được khai sáng. Cách làm người, các cư xử, cách giao thiệp với người khác, cách đối diện với những chuyện khác nhau, và khi những chuyện đó xảy đến, thì nên phán đoán và xử lý những vấn đề này như thế nào và từ góc nhìn và lập trường nào, v.v…, bất kể những suy nghĩ và quan điểm của họ mới sơ bộ hay cụ thể hơn, thì đều phát xuất từ sự hun đúc của gia đình. Tức là, trước khi con người chính thức bước vào xã hội và tham gia những nhóm xã hội, thì rất nhiều tư tưởng và quan điểm sơ bộ của họ đều đến từ gia đình. Vì vậy gia đình vô cùng quan trọng với tất cả mọi người. Tầm quan trọng của nó vượt ra ngoài sự trưởng thành thể xác; quan trọng hơn, trước khi mọi người bước vào xã hội, ở nhà họ đã học được rất nhiều suy nghĩ và quan điểm nên áp dụng khi đối diện với xã hội, những nhóm xã hội và cuộc sống tương lai. Dù những tư tưởng và quan điểm này không được định nghĩa một cách cụ thể và chuẩn xác là sự trưởng thành của một người, nhưng những tư tưởng và quan điểm khác nhau, những phương thức, khuôn phép và thậm chí những thủ đoạn xử thế khác nhau đã được tiêm nhiễm, ảnh hưởng và hun đúc bởi cha mẹ, trưởng bối và những thành viên khác trong gia đình trước khi họ bước vào xã hội một cách cơ bản nhất, sơ đẳng nhất. Con người đạt được những sự tiêm nhiễm, hun đúc và ảnh hưởng này trong thời kỳ lớn lên ở gia đình; vì thế gia đình rất quan trọng với mỗi người. Đương nhiên, tầm quan trọng này chỉ đơn thuần ở mức độ con người bước vào xã hội, tham gia những nhóm xã hội, bước vào cuộc sống và sự sinh tồn của người trưởng thành – nó chỉ giới hạn ở mức độ sinh tồn xác thịt. Có thể thấy, khi con người bước vào xã hội và cuộc sống của người trưởng thành, sự hun đúc của gia đình rất quan trọng đối với họ, hay nói cách khác, khi một người trưởng thành bước vào xã hội, phần lớn triết lý xử thế của họ đều đến từ sự kế thừa cha mẹ và sự ảnh hưởng của gia tộc. Từ góc độ này, cũng có thể nói rằng gia đình, đơn vị nhỏ nhất của xã hội, trước hết đóng vai trò khai sáng cho tư tưởng, cho các phương thức và nguyên tắc xử thế khác nhau, thậm chí cho nhân sinh quan của con người. Do những tư tưởng, quan điểm, những phương thức xử thế khác nhau, và quan điểm về sinh tồn của con người đều tiêu cực, không phù hợp với lẽ thật, không liên quan đến lẽ thật hay thậm chí có thể nói là trái ngược với lẽ thật, và không phát xuất từ Đức Chúa Trời, vì vậy con người cần phải buông bỏ sự hun đúc của gia đình. Khi suy xét hậu quả của sự hun đúc của gia đình, chúng ta thấy rằng nó trái ngược và không phù hợp với lẽ thật, đối nghịch với Đức Chúa Trời và xét về thực chất thì có thể nói rằng gia đình là nơi mà Sa-tan làm bại hoại nhân loại, dẫn dắt con người phủ nhận Đức Chúa Trời, chống đối Ngài, và đi vào con đường nhân sinh sai lầm. Nhìn từ góc độ này, liệu có thể nói rằng gia đình, đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, chính là nơi đầu tiên con người bị làm bại hoại không? Từ góc nhìn bao quát thì có thể nói Sa-tan và những trào lưu xã hội làm con người bại hoại, nhưng nếu nói từ phạm vi cụ thể thì gia đình nên được coi là nơi con người bắt đầu tiếp nhận sự bại hoại và những suy nghĩ tiêu cực, tiếp nhận những trào lưu tà ác và quan điểm của Sa-tan. Nói cụ thể hơn nữa, sự bại hoại mà con người tiếp nhận xuất phát từ cha mẹ, trưởng bối và các thành viên khác trong gia đình, từ khuôn phép, gia phong, truyền thống, v.v…, của toàn bộ gia tộc. Bất luận thế nào, gia đình là nơi đầu tiên mà con người trải qua sự bại hoại, tiếp nhận những tư tưởng và trào lưu tà ác của Sa-tan, và nó là nơi mà con người bắt đầu tiếp nhận các tư tưởng bại hoại và tà ác khác nhau trong giai đoạn trưởng thành. Gia đình đóng một vai trò mà đại gia đình xã hội, các trào lưu xã hội và cả Sa-tan cũng không thể có được trong việc làm bại hoại con người, đó là cho các cá nhân làm quen với những tư tưởng và quan điểm đến từ các trào lưu tà ác của Sa-tan trước khi họ bước vào xã hội và tham gia các nhóm xã hội. Bất kể thế nào, gia đình vẫn là nguồn gốc đầu tiên của những tư tưởng và quan điểm thuộc về Sa-tan nơi ngươi. Vì vậy, để giúp con người buông bỏ những tư tưởng và quan điểm sai lầm, thì ngoài việc phải phân biệt và mổ xẻ những tư tưởng và quan điểm sai lầm phổ biến đến từ xã hội, còn phải phân biệt và mổ xẻ cả những tư tưởng và quan điểm khác nhau, cũng như những nguyên tắc xử thế đến từ sự hun đúc của gia đình. Bản thân gia đình là một phần của xã hội loài người, nó không phải là hội thánh hay nhà Đức Chúa Trời, càng không phải là thiên quốc. Nó đơn giản chỉ là đơn vị nhỏ nhất của xã hội được tạo thành giữa nhân loại bại hoại, và đơn vị nhỏ nhất này cũng được hình thành bởi nhân loại bại hoại. Vì vậy, nếu muốn giải thoát bản thân khỏi sự trói buộc, ràng buộc và quấy nhiễu của những tư tưởng và quan điểm sai lầm khác nhau, thì trước tiên họ nên phản tỉnh, hiểu và mổ xẻ những tư tưởng và quan điểm khác nhau mà họ nhận được từ sự hun đúc của gia đình, cho đến khi họ đạt đến mức có thể buông bỏ được chúng. Đây là nguyên tắc thực hành chính xác cho việc buông bỏ sự hun đúc của gia đình.
Trước đó chúng ta đã thông công về sự hun đúc của gia đình, liên quan đến nhân sinh quan, quy tắc sinh tồn, những nguyên tắc và phương thức đối nhân xử thế, một số luật chơi bất thành văn khi bước vào xã hội, v.v… Vậy một số nhân sinh quan có liên quan đến nội dung chủ đề này là gì? Ví dụ: “Người chết để tên, chim đi để tiếng”, và “Cây sống nhờ vỏ, người sống nhờ thể diện”. Một số nguyên tắc xử thế mà gia đình tiêm nhiễm cho con người là gì? Ví dụ: “Phàm chuyện gì cũng nên lấy sự hài hoà, nhẫn nhịn làm mục đích cao nhất”, và “Nhẫn một chút sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Còn gì nữa? (“Hàng rào cần ba cây chống, hảo hán cần ba người giúp”, và “Chiêng đánh nghe tiếng, người nói nghe lời”. Chúng cũng là phương thức và nguyên tắc xử thế.) Có luật chơi nào của xã hội không? Chẳng hạn như: “Chim ló đầu thì bị bắn”? (Thưa, phải.) “Nói nhiều tất sai”. Còn gì nữa? (Thưa, gậy ông đập lưng ông). Đó cũng là một ý, nhưng lần trước chúng ta không thông công về nó. Hơn nữa, cha mẹ ngươi hay bảo ngươi rằng, “Ở ngoài đời, phải có nhãn quan nhạy bén, học cách ăn nói khéo léo, đôi mắt lanh lợi. Con nên ‘mắt nhìn sáu phương, tai nghe tám hướng’. Đừng quá cố chấp”. Còn cả, “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, và “Dù ở đâu cũng phải thuận theo số đông. Tội ai cũng phạm thì luật pháp không xét. Người ta làm thì mình làm, người ta không làm thì mình không làm”. Đây đều là những kiểu luật chơi của xã hội. Còn có những câu nói như: “Kẻ sĩ vì tri kỷ mà chết, nữ nhân vì tri kỷ điểm trang”, và “Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ lười”. Những câu này thuộc phạm trù nào? Chúng thuộc phạm trù cuộc sống; chúng nói cho ngươi biết cách sống và cách đối đãi với thân thể. Còn có những câu nói như: “Cha mẹ luôn đúng”, “Mẹ là người tốt nhất trên đời”, “Hổ phụ bất sinh khuyển tử”, và “Nuôi mà không dạy là lỗi của người cha”. Những lời này đều thuộc về tư tưởng và quan điểm của phương diện tình cảm và tình thân gia đình. Người ta cũng thường nói: “Người chết vĩ đại trong mắt người sống” – một người sau khi chết sẽ trở nên vĩ đại. Nếu ngươi muốn có địa vị cao hơn, muốn mọi người đánh giá tốt về ngươi và có uy danh, thì ngươi phải chết. Chết rồi thì sẽ trở nên vĩ đại. “Người chết vĩ đại trong mắt người sống” – là lo-gic khốn kiếp gì chứ? Họ nói: “Đừng nói xấu về một người đã chết. Người chết vĩ đại trong mắt người sống. Hãy giữ thể diện cho họ!” Dù người này có làm bao nhiêu việc xấu xa đi chẳng nữa, họ vẫn trở nên vĩ đại sau khi chết. Đó chẳng phải là không phân biệt thiện ác, không có nguyên tắc làm người sao? (Thưa, phải.) “Cha mẹ luôn đúng”. Lần trước chúng ta đã thông công cụ thể về nội dung này rồi. Những câu nói khác như “Nuôi mà không dạy là lỗi của người cha”, và “Hổ phụ bất sinh khuyển tử”, thì chưa được thông công, nhưng chúng có dễ phân biệt không? Câu nói “Nuôi mà không dạy là lỗi của người cha” có đúng không? Nó khiến cho sự dạy dỗ của người cha có vẻ rất quan trọng. Một người cha có thể dẫn dắt con cái đi vào con đường nào? Ông ta có thể dẫn dắt ngươi đi vào con đường đúng đắn không? Ông ta có thể dẫn dắt ngươi thờ phượng Đức Chúa Trời và làm một người tốt thật sự không? (Thưa, không.) Cha ngươi bảo ngươi: “Đàn ông không dễ rơi nước mắt”, nhưng ngươi còn nhỏ và khi cảm thấy uất ức thì phải khóc. Cha ngươi mắng ngươi: “Nín đi! Nam tử hán đại trượng phu, chuyện nhỏ vậy mà cũng khóc, vô tích sự!” Sau chuyện này, ngươi nghĩ: “Mình không được rơi bất cứ giọt nước mắt nào nữa, nếu khóc thì là kẻ vô tích sự”. Ngươi nuốt nước mắt vào trong, không dám khóc, đêm đến thì khóc thầm trong chăn. Là đàn ông, ngươi thậm chí không có quyền bày tỏ hay biểu đạt tình cảm một cách tự nhiên; ngươi không có quyền khóc, khi cảm thấy uất ức chỉ có thể kìm nén. Đây là sự giáo dục mà ngươi nhận được từ cha, và nó là ý nghĩa thực sự của câu “Nuôi mà không dạy là lỗi của người cha”. Cha ngươi, mẹ ngươi và các bậc cao niên đều trung thành với cách giáo dục này, nói rằng: “Con là nam nhi, chuyện gì cũng khóc, có chút uất ức là khóc, ra ngoài đường bị đánh cũng khóc. Vô tích sự! Chúng đánh con, sao con không đánh lại? Chúng đánh con thì lần sau đừng chơi với chúng nữa. Lần sau gặp lại, nếu thấy đánh được thì cứ đánh; nếu không đánh được thì bỏ chạy. Con nhìn gương Hàn Tín[a] nhẫn nhục mà chui qua háng người ta kìa. Ông ta có khóc đâu; thế mới là nam tử hán!” Đây là cách những người cha dạy con trai mình và tiêm nhiễm tư tưởng nam tử hán cho chúng. Đàn ông có khổ cũng không được nói ra, muốn khóc cũng phải kìm nước mắt; phải nén vào trong. Ngươi nói xem, đàn ông còn phải chịu bao nhiêu uất ức nữa? Trong xã hội này, đàn ông phải nuôi gia đình, hiếu thuận cha mẹ già, dù mệt mỏi đến đâu cũng không dám nói nửa lời, dù uất ức thế nào cũng không được phát tiết. Như thế, chẳng phải rất bất công với đàn ông sao? (Thưa, phải.) Khi cha các ngươi dạy dỗ các ngươi như thế này, các ngươi cảm thấy thế nào? Những lúc ngươi muốn khóc thì cha ngươi nói gì? “Cha thì thế này thế kia, cả đời sáng suốt và hiếu thắng. Sao lại sinh ra đứa con yếu đuối như con? Bằng tuổi con, cha đã phải một mình nuôi gia đình, nào như con, được nuông chiều từ bé, vô tích sự!” Các ngươi cảm thấy thế nào? Cha mẹ và ông bà dạy ngươi rằng: “Đàn ông là trụ cột của gia đình. Chúng ta nuôi con để làm gì? Chúng ta cho con học đại học để làm gì? Là để con lo cho gia đình, chứ không phải để con khóc lóc hay uất ức mỗi khi có chuyện”. Khi cha và các bậc trưởng bối nói những lời này, các ngươi cảm thấy thế nào? Cảm thấy uất ức hay thản nhiên chấp nhận nó? (Thưa, con cảm thấy ức chế và uất ức.) Ngươi đành phải tiếp nhận, hay là trong lòng ngươi cảm thấy oán giận? (Thưa, con cảm thấy oán giận, nhưng đành phải tiếp nhận.) Sao ngươi phải làm vậy? (Thưa, vì con cảm thấy dưới một hoàn cảnh hoặc chế độ xã hội như thế, con không còn cách nào khác.) Đây là cách xã hội định vị đàn ông. Họ được sinh ra trong hoàn cảnh xã hội như vậy, và chẳng ai có cách nào khác. Sự giáo dục mà ngươi nhận được từ cha và các bậc trưởng bối xuất phát từ xã hội; sau khi tiếp nhận sự giáo dục tư tưởng này, họ tiêm nhiễm những tư tưởng từ xã hội này cho ngươi ngươi. Kỳ thực, khi họ tiếp nhận những tư tưởng và quan điểm này ở tuổi vị thành niên, họ cũng tâm không cam tình không nguyện. Đến khi đã trưởng thành, họ lại truyền những tư tưởng này sang cho thế hệ kế tiếp. Họ cũng không suy xét xem thế hệ kế tiếp có nên tiếp nhận những tư tưởng và quan điểm này không hay chúng có đúng đắn không. Vì đã trải qua như thế, họ nghĩ mọi người nên sống như thế; chịu chút uất ức cũng có sao đâu, quan trọng là tiếp nhận những tư tưởng này sẽ giúp ngươi tìm được chỗ đứng trong xã hội và không bị người khác ức hiếp. Tại sao họ cũng chịu những uất ức, cũng cảm thấy ức chế và oán giận như ngươi, nhưng vẫn truyền những suy nghĩ và quan điểm này cho ngươi? Một trong những lý do chính là họ đã tự nhiên tiếp nhận những tư tưởng và quan điểm khác nhau từ xã hội, cho phép họ hòa nhập với những trào lưu xã hội, giúp họ tìm được chỗ đứng trong xã hội. Ai cũng làm theo những tư tưởng và quan điểm này như những hướng dẫn và nguyên tắc sống mà không ai thắc mắc về chúng hay muốn phá vỡ hoặc làm trái chúng. Đây là một phương diện – chính là để sinh tồn. Ở phương diện khác, cũng là phương diện chủ yếu, chính là con người không có khả năng phân biệt những điều tích cực và tiêu cực. Tại sao lại thế? Là vì con người không hiểu lẽ thật, họ không có tư tưởng và quan điểm đúng đắn đối với sự sinh tồn, xử thế, hay con đường đúng đắn nên đi. Để thích nghi với xã hội, hòa nhập xã hội, sinh tồn trong xã hội và những nhóm xã hội, con người phải chủ động hoặc bị động tiếp nhận những nguyên tắc xử thế và luật chơi khác nhau mà xã hội đặt ra. Mục đích của sự thích nghi là để con người có chỗ đứng trong xã hội và để sống sót. Nhưng vì con người không hiểu lẽ thật, nên họ đành phải lựa chọn những nguyên tắc xử thế và luật chơi đến từ xã hội. Vì vậy, là một người đàn ông, khi cha ngươi dạy ngươi rằng: “Đàn ông không dễ rơi nước mắt”, thì dù trong lòng cảm thấy uất ức và muốn trút hết sự bất mãn, ngươi cũng không có cách nào để bác bỏ cha mình, cũng không thể phân biệt được những lời cha mình nói. Cuối cùng, lý do trong lòng ngươi tiếp nhận điều này là: “Dù những lời của cha có phần chối tai và khó nghe, dù tiếp nhận những lời này có hơi trái lương tâm, nhưng ông ấy làm vậy là muốn tốt cho mình, vì vậy mình nên tiếp nhận chúng”. Vì lương tâm và lòng hiếu thảo của một đứa con, người ta phải nhượng bộ cầu toàn, tiếp nhận những tư tưởng và quan điểm này. Bất kể sự hun đúc của gia đình về phương diện nào, con người luôn luôn rơi vào tình trạng đó, không ngừng được tiêm nhiễm bằng những phương thức này, đến cuối cùng, họ buộc phải tiếp nhận. Trong quá trình con người tiếp nhận không ngừng, những tư tưởng, quan điểm không đúng đắn và tiêu cực này dần thấm sâu vào nội tâm người ta, hoặc chúng từ từ và đều đặn xâm nhập vào tư tưởng và quan điểm của họ, trở thành những căn cứ khác nhau trong cách họ đối nhân xử thế. Nói một cách sinh động thì quá trình này là quá trình một người trải qua sự bại hoại, vì quá trình tiếp nhận những tư tưởng và quan điểm sai lầm cũng là quá trình trải qua sự bại hoại. Vậy thì ai làm bại hoại con người? Nói một cách trừu tượng thì họ bị Sa-tan, bị những trào lưu tà ác làm bại hoại; nói cụ thể hơn, họ bị chính gia đình mình làm bại hoại, và thậm chí cụ thể hơn nữa là bị cha mẹ của họ làm bại hoại. Nếu ta nói điều này mười năm trước, có lẽ không ai trong các ngươi có thể tiếp nhận nó, và tất cả các ngươi có thể căm thù ta. Tuy nhiên, hiện tại đa số các ngươi có thể chấp nhận câu nói này là đúng một cách hợp lý, và thưa “amen”, có đúng thế không? (Thưa, đúng.) Tại sao câu nói này lại đúng? Để hiểu điều đó, con người cần phải dần dần thể nghiệm nó qua quá trình trải nghiệm của họ. Thể nghiệm càng cụ thể và sâu sắc thì những trải nghiệm càng phản ánh được điều này, và ngươi càng tán thành với câu nói này.
Sự hun đúc của gia đình có thể có liên quan đến rất nhiều luật chơi dành cho cách đối nhân xử thế. Ví dụ, cha mẹ thường nói: “Không nên có lòng hại người, nhưng phải có lòng phòng người; con quá hồ đồ và cả tin”. Cha mẹ thường xuyên nói như thế, và thậm chí các bậc trưởng bối hay lải nhải bên tai ngươi, nói cho ngươi rằng: “Hãy làm người tốt, đừng hại người, nhưng phải có lòng phòng người. Người xấu ở khắp nơi. Có thể bên ngoài người ta nói lời dễ nghe với con nhưng con không biết sau lưng họ đang nghĩ gì đâu. Ai biết lòng người sau lớp da, và hoạ long hoạ hổ nan hoạ cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm”. Những câu nói này cũng có mặt đúng, phải không? Xem xét những câu này theo nghĩa đen thì chúng không có gì sai cả. Không thể biết được sâu trong nội tâm người ta nghĩ gì, lòng họ hung ác hay thiện lành. Không có cách nào để nhìn thấu tâm hồn của người ta. Ý nghĩa của những câu này có vẻ đúng, nhưng chúng chỉ là một dạng đạo lý. Nguyên tắc xử thế mà sau cùng con người có thể tổng kết ra được dựa trên hai câu nói này là gì? Đó là “Không nên có lòng hại người, nhưng phải có lòng phòng người”. Đây là những gì mà các bậc cao niên hay nói. Cha mẹ và các bậc cao niên thường nói vậy, họ lúc nào cũng khuyên bảo ngươi: “Hãy cẩn thận, đừng hồ đồ nghĩ gì nói nấy. Hãy biết cách cảnh giác và đề phòng người ta. Kể cả với bạn bè tốt, cũng không được bộc lộ con người thật hay thổ lộ hết lòng mình. Không được mạo hiểm tính mạng vì họ”. Các bậc trưởng cao niên khuyên nhủ ngươi như vậy có đúng không? (Thưa, không, nó dạy con người những đường lối gian trá.) Về mặt lý thuyết, xuất phát điểm của họ là tốt: Để bảo vệ ngươi, ngăn ngươi rơi vào những tình huống nguy hiểm, để bảo vệ ngươi khỏi bị người khác hãm hại hay bị lừa gạt, để bảo vệ lợi ích xác thịt của ngươi, sự an toàn của cá nhân ngươi, và tính mạng của ngươi. Để giữ ngươi tránh khỏi rắc rối, kiện tụng, và đừng sa vào những cám dỗ, để ngươi có thể sống bình an, thuận lợi và hạnh phúc mỗi ngày. Xuất phát điểm của cha mẹ và các bậc trưởng bối chỉ đơn giản là để bảo vệ ngươi. Tuy nhiên, cách họ bảo vệ ngươi, những nguyên tắc mà họ khuyên bảo, những tư tưởng mà họ tiêm nhiễm cho ngươi đều không phải đúng đắn. Xuất phát điểm của họ tuy là đúng, nhưng những tư tưởng mà họ tiêm nhiễm cho ngươi lại vô tình khiến ngươi đi vào cực đoan. Những tư tưởng họ tiêm nhiễm cho ngươi trở thành những nguyên tắc và cơ sở cho cách ngươi xử thế. Khi ngươi giao thiệp với bạn học, đồng nghiệp, đối tác, cấp trên và mọi kiểu người trong xã hội, những người từ mọi tầng lớp xã hội, thì những tư tưởng bảo vệ ngươi mà cha mẹ ngươi tiêm nhiễm vô hình trung trở thành bùa hộ thân và nguyên tắc cơ bản nhất khi ngươi xử lý quan hệ giữa người với người. Nguyên tắc này là gì? Đó là: Tôi không hại anh, nhưng lúc nào tôi cũng phải đề phòng anh để tránh việc anh lừa tôi, gạt tôi, để tránh vướng phải rắc rối, kiện tụng, khuynh gia bại sản, nhà tan cửa nát, sống cảnh ngục tù. Sống dưới sự chi phối của những tư tưởng và quan điểm như vậy, sống trong nhóm xã hội này với một thái độ xử thế như vậy, ngươi chỉ có thể trở nên ức chế, kiệt quệ, mệt mỏi hơn về cả tinh thần lẫn thể xác. Sau đó ngươi càng trở nên chống đối, có ác cảm với thế giới và nhân loại này, ngày càng căm ghét họ. Khi căm ghét họ thì ngươi bắt đầu xem thường bản thân, cảm giác như ngươi sống không giống một con người, sống mệt mỏi và ức chế. Để tránh bị người khác hãm hại, ngươi phải không ngừng đề phòng, làm những chuyện và nói những lời trái với ý muốn của mình. Để bảo vệ lợi ích và an toàn bản thân, mọi nơi mọi lúc, ngươi đều mang một lớp mặt nạ ngụy trang, không bao giờ dám nói một lời chân thật. Trong tình hình này, trong hiện trạng sinh tồn này, nội tâm ngươi không được tự do, giải phóng. Ngươi thường cần ai đó không gây hại gì đến ngươi, không bao giờ làm tổn hại lợi ích của ngươi, người mà ngươi có thể thổ lộ hết lời trong lòng và trút hết những bất mãn trong nội tâm, mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào, không gây ra sự chế nhạo, mỉa mai, chê cười, hay chịu bất cứ hậu quả nào. Trong một tình huống mà tư tưởng và quan điểm “Không nên có lòng hại người, nhưng phải có lòng phòng người” là nguyên tắc xử thế của ngươi, thì nội tâm ngươi lo sợ và bất an. Tất nhiên ngươi sẽ cảm thấy ức chế, không thể giải phóng, và ngươi cần ai đó an ủi ngươi, cần đối tượng để giãi bày tâm sự. Vì vậy, xét từ những phương diện này, dù nguyên tắc xử thế “Không nên có lòng hại người, nhưng phải có lòng phòng người” mà cha mẹ ngươi dạy ngươi có thể bảo vệ ngươi, nhưng nó như một con dao hai lưỡi. Nó vừa bảo vệ lợi ích thể xác và an toàn cá nhân của ngươi ở một mức độ nào đó, cũng vừa khiến ngươi cảm thấy ức chế và khổ sở, không được giải phóng, và thậm chí khiến ngươi càng chán ghét thế giới và nhân loại này hơn. Đồng thời, sâu trong nội tâm, ngươi cũng mơ hồ chán ghét bản thân vì sao lại sinh ra trong một thời đại tà ác như thế, giữa một nhóm người tà ác như thế. Ngươi không hiểu tại sao con người phải sống, tại sao cuộc sống lại mệt mỏi như vậy, tại sao họ phải đeo mặt nạ và ngụy trang bản thân mọi nơi mọi lúc, hay tại sao ngươi luôn phải đề phòng người khác vì lợi ích của mình. Ngươi muốn nói thật mà không thể nói, vì nói rồi sẽ có hậu quả. Ngươi muốn làm người chân chính một lần, nói năng và hành xử một cách quang minh lỗi lạc, không muốn làm tiểu nhân bỉ ổi, không muốn lén lút làm những việc bỉ ổi và đáng xấu hổ, sống trong tăm tối, nhưng không thể làm được. Tại sao ngươi không thể làm người một cách đường đường chính chính? Hồi tưởng về những chuyện mình từng làm, trong lòng ngươi cảm thấy có chút khinh bỉ. Ngươi căm giận và chán ghét trào lưu tà ác và thế giới tà ác này, đồng thời ngươi chán ghét bản thân sâu sắc và chán ghét con người mà ngươi đã trở thành. Nhưng ngươi lại chẳng thể làm được gì. Dù cha mẹ của ngươi, qua lời nói và tấm gương của họ, đã truyền cho ngươi tấm bùa hộ thân này, nhưng nó vẫn khiến ngươi cảm thấy ngươi sống không có hạnh phúc hoặc cảm giác an toàn. Khi ngươi cảm thấy không có hạnh phúc, không có cảm giác an toàn, không có tôn nghiêm và nhân cách, thì một mặt ngươi thấy biết ơn cha mẹ vì đã cho ngươi tấm bùa hộ thân này, mặt khác lại oán giận cha mẹ đã cho ngươi một chiếc xiềng xích thế này. Ngươi không hiểu tại sao cha mẹ lại dạy ngươi làm người theo cách này, tại sao ngươi phải hành xử như vậy mới có thể đạt được một chỗ đứng trong xã hội, mới có thể hòa nhập vào nhóm xã hội này, và mới có thể bảo vệ bản thân. Dù nó là bùa hộ thân, nhưng nó cũng một là xiềng xích khiến nội tâm ngươi cảm thấy vừa yêu vừa hận. Nhưng ngươi có thể làm gì chứ? Ngươi không có con đường nhân sinh đúng đắn, chẳng ai nói cho ngươi phải sống hay xử lý những sự việc xảy đến ra sao, chẳng ai nói cho ngươi biết ngươi đang làm đúng hay sai, hoặc ngươi phải đi con đường kế tiếp như thế nào. Ngươi chỉ có thể trải qua mọi chuyện trong mơ hồ, do dự, đau khổ và bất an. Đây là những hậu quả của triết lý xử thế mà cha mẹ và gia đình tiêm nhiễm cho ngươi, khiến cho nguyện vọng đơn giản nhất là được làm một người đơn giản của ngươi, nghĩa là mong muốn được làm người đường đường chính chính mà không cần dùng những thủ đoạn xử thế này, không thể thành hiện thực. Ngươi chỉ có thể sống một cách hèn hạ, nhượng bộ cầu toàn và sống vì thể diện, biến mình thành người đặc biệt mạnh mẽ để đề phòng người khác, giả vờ mạnh mẽ, cao lớn và lợi hại, để tránh bị ức hiếp. Ngươi chỉ có thể sống trái lòng mình như vậy, khiến cho ngươi cảm thấy chán ghét bản thân, nhưng không còn cách nào khác. Vì ngươi không có năng lực hay con đường để thoát khỏi những phương thức và thủ đoạn xử thế này, ngươi chỉ có thể để bản thân tuân theo sự sắp đặt bởi những tư tưởng được hun đúc từ gia đình và cha mẹ. Trong quá trình này, con người bất tri bất giác bị lừa dối và khống chế bởi những tư tưởng do gia đình và cha mẹ tiêm nhiễm, vì họ không hiểu lẽ thật, không hiểu con người nên sống thế nào, bởi vậy họ chỉ có thể phó mặc cho số phận. Kể cả khi lương tâm của họ vẫn còn một chút cảm giác, hoặc họ vẫn có một nguyện vọng dù nhỏ nhoi là muốn sống ra dáng con người một chút, chung sống và cạnh tranh công bằng với người khác, bất kể nguyện vọng của họ là gì đi nữa, họ cũng không thể thoát khỏi sự hun đúc và khống chế của những tư tưởng và quan điểm khác nhau đến từ gia đình họ, và cuối cùng, họ chỉ có thể trở lại với tư tưởng và quan điểm “Không nên có lòng hại người, nhưng phải có lòng phòng người” mà gia đình hun đúc cho họ, vì họ không có con đường nào khác để đi – họ không có lựa chọn. Tất cả những điều này đều là do con người không hiểu lẽ thật và không đạt được lẽ thật. Đương nhiên cha mẹ cũng dạy ngươi: “Hoạ long hoạ hổ nan hoạ cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm”; họ dạy ngươi nghệ thuật đề phòng người khác, bảo ngươi phải đề phòng vì ai cũng xảo quyệt; ngươi rất dễ bị mắc lừa nếu không thể nhìn thấu con người, nội tâm họ có thể không giống như vẻ bề ngoài, một người bề ngoài trông có thể rất thiện lành, nhưng nội tâm họ lại hiểm độc như rắn hay bọ cạp; hoặc một người, ngoài mặt có thể thuyết giảng về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, nói toàn những điều nghe thuận tai, toàn nói về nhân nghĩa và đạo đức, nhưng sâu trong nội tâm và linh hồn thì đặc biệt bẩn thỉu, bỉ ổi, hèn hạ, và tà ác. Vì vậy, ngươi chỉ có thể đối đãi và giao thiệp với người khác dựa vào những tư tưởng và quan điểm mà cha mẹ ngươi tiêm nhiễm cho ngươi.
“Không nên có lòng hại người, nhưng phải có lòng phòng người”, và “Hoạ long hoạ hổ nan hoạ cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm” là những nguyên tắc xử thế cơ bản nhất mà cha mẹ tiêm nhiễm cho ngươi, cũng như là nguyên tắc căn bản nhất để nhìn nhận và đề phòng người ta. Mục đích chính của cha mẹ là để bảo vệ ngươi và giúp ngươi phòng thân. Tuy nhiên, từ một góc độ khác, những lời, những tư tưởng và quan điểm này có thể khiến ngươi càng cảm thấy thế gian này quá hiểm ác và con người không đáng tin cậy, dẫn đến sâu trong nội tâm ngươi không có thiện cảm với người khác. Nhưng rốt cuộc làm cách nào ngươi có thể phân biệt được con người và nhìn nhận người khác? Loại người nào ngươi có thể giao thiệp và mối quan hệ đúng đắn giữa người với người nên như thế nào? Nên làm thế nào để giao thiệp với người khác dựa trên nguyên tắc, và nên làm thế nào để giao thiệp công bằng và hòa thuận với người khác? Cha mẹ ngươi đều chẳng biết gì về những chuyện này. Họ chỉ biết dùng quỷ kế, thủ đoạn, những luật chơi và thủ đoạn xử thế khác nhau để đề phòng người khác, lợi dụng và khống chế người khác, để đạt được mục đích bảo vệ bản thân họ khỏi bị người khác hãm hại, cho dù người khác bị họ hãm hại khổ sở bao nhiêu cũng chẳng quan trọng. Khi dạy bảo những tư tưởng và quan điểm này cho con cái, những thứ mà cha mẹ tiêm nhiễm cho chúng đơn thuần là những thủ đoạn để xử thế. Chẳng có gì khác ngoài những thủ đoạn. Những thủ đoạn này bao gồm những gì? Đủ mọi kiểu quỷ kế, luật chơi, cách để làm lấy lòng người khác, cách bảo vệ lợi ích riêng, cách để tối đa hóa lợi ích cá nhân. Những nguyên tắc này có phải lẽ thật không? (Thưa, không phải.) Chúng có phải con đường đúng đắn mà con người nên đi không? (Thưa, không phải.) Chẳng có nguyên tắc nào là con đường đúng đắn cả. Vậy thì thực chất của những tư tưởng mà cha mẹ tiêm nhiễm cho ngươi là gì? Chúng không phù hợp với lẽ thật, không phải con đường đúng đắn, không phải những sự vật tích cực. Vậy thì chúng là gì? (Thưa, chúng hoàn toàn là triết lý Sa-tan làm bại hoại chúng ta,) Nhìn vào kết quả thì thấy chúng làm con người bại hoại. Vậy thực chất của những tư tưởng này là gì? Như câu: “Không nên có lòng hại người, nhưng phải có lòng phòng người” – đây có phải là nguyên tắc đúng đắn để giao thiệp với người khác không? (Thưa, không phải, chúng hoàn toàn là những điều tiêu cực đến từ Sa-tan.) Chúng là những điều tiêu cực đến từ Sa-tan, vậy thực chất và tính chất của chúng là gì? Chúng có phải quỷ kế không? Có phải thủ đoạn không? Chúng có phải kỹ thuật đánh vào mặt tư tưởng của người khác không? (Thưa, phải.) Chúng không phải là những nguyên tắc thực hành để bước vào lẽ thật, hay những nguyên tắc và phương hướng làm người tích cực mà Đức Chúa Trời dạy cho con người; chúng là những thủ đoạn xử thế, là những quỷ kế. Hơn thế nữa, có phải tính chất của những câu nói “Hoạ long hoạ hổ nan hoạ cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm” cũng giống vậy không? (Thưa, phải.) Có phải những câu nói này nói cho ngươi biết phải trở nên tinh ranh, làm người không được đơn giản, đơn thuần, chính trực như thế, mà phải có sự khôn ngoan và khiến người khác khó nhìn thấu ngươi không? Những nguyên tắc xử thế cụ thể mà những tư tưởng và quan điểm này mang đến cho ngươi có dạy ngươi dùng thủ đoạn khi giao thiệp với người khác, học cách đánh vào mặt tư tưởng và học luật chơi phổ biến giữa con người ở mỗi thời kỳ không? (Thưa, có.) Có người nói: “Cha mẹ dạy con cái những câu này để nói cho chúng biết phải đề phòng người khác và học cách nhìn người”. Họ có nói cho ngươi biết cách nhìn người không? Họ không nói cho ngươi biết cách nhìn người, họ không bảo ngươi đối đãi với những người khác nhau theo những nguyên tắc đúng đắn, mà trái lại họ bảo ngươi áp dụng những quỷ kế và âm mưu tương ứng để lựa ý hùa theo những nhu cầu khác nhau và các thủ đoạn khác nhau của người ta. Ví dụ, sếp hoặc cấp trên của ngươi là một người không đàng hoàng và mê gái. Ngươi nghĩ: “Bề ngoài trông sếp đường đường chính chính, có vẻ đứng đắn, nhưng sau lưng ông ta thực ra là một kẻ mê gái. Từ sâu trong linh hồn, ông ta là một kẻ như thế. Được thôi, mình sẽ phục vụ sở thích của ông ta, xem người phụ nữ nào xinh đẹp, mình sẽ cấu kết với cô ta, giới thiệu cô ta với sếp để lấy lòng ông ta”. Đây có phải thủ đoạn xử thế không? (Thưa, phải.) Ví dụ, khi ngươi thấy một người có giá trị lợi dụng và đáng để giao thiệp, nhưng lại không dễ chọc, thì ngươi nghĩ: “Mình phải nói những lời có cánh với họ, họ thích nghe cái gì thì nói cái đó”. Người đó nói: “Hôm nay trời đẹp quá”. Ngươi nói: “Đúng là hôm nay trời đẹp thật, ngày mai trời cũng đẹp lắm”. Họ nói: “Hôm nay trời lạnh quá”. Ngươi lại nói: “Phải, trời lạnh quá. Sao anh không mặc ấm hơn một chút? Áo bông của tôi ấm lắm, anh mặc vào đi”. Khi họ ngáp, ngươi vội đưa gối cho họ; khi họ lấy lọ thuốc ra, ngươi nhanh tay rót nước cho họ; họ mới ngồi nghỉ sau khi ăn xong, ngươi liền pha ấm trà cho họ. Đây chẳng phải là những thủ đoạn xử thế hay sao? (Thưa, phải.) Chúng là những thủ đoạn xử thế. Tại sao ngươi có thể dùng những thủ đoạn này? Tại sao ngươi muốn xu nịnh họ? Nếu ngươi không cần họ và họ không đem đến lợi ích gì cho ngươi, thì ngươi có đối đãi với họ như vậy không? (Thưa, không.) Không, giống như người ta thường hay nói: “Không có lợi đừng làm”. Giống như mang bình nước ra vườn rau – ngươi chỉ tưới những cây rau hữu dụng. Ngươi chủ động xu nịnh những ai hữu dụng với ngươi. Khi họ sa cơ hoặc bị cách chức, sự nhiệt tình của ngươi đối với họ lập tức giảm xuống và ngươi phớt lờ họ. Họ gọi cho ngươi thì ngươi tắt máy hoặc giả vờ máy bận và không trả lời. Khi gặp ngươi, họ chào và nói: “Hôm nay trời đẹp quá”. Ngươi mặc kệ họ và nói: “À vâng. Tạm biệt, có chuyện gì thì nói sau nhé, hôm nào tôi mời anh một bữa”. Hứa suông xong ngươi phớt lờ họ, không liên lạc nữa, thậm chí chặn số họ. Những tư tưởng và quan điểm khác nhau mà cha mẹ tiêm nhiễm cho con cái dựng nên một bức tường phòng hộ vô hình trong lòng họ. Đồng thời, họ cũng tiêm nhiễm những đường lối xử thế hoặc đường lối sinh tồn cơ bản, dạy con cái cách chơi trò hai mặt và cách để hòa nhập vào một nhóm xã hội, cách để có chỗ đứng trong xã hội, và cách để không bị ức hiếp trong một nhóm người. Dù trước khi ngươi bước vào xã hội, cha mẹ ngươi không hướng dẫn ngươi cụ thể về cách đối phó với những tình huống cụ thể, nhưng sự hun đúc của cha mẹ hay gia đình về mặt phương thức và nguyên tắc xử thế này đã cho ngươi những quan điểm và nguyên tắc xử thế cơ bản. Những quan điểm và nguyên tắc xử thế cơ bản này là gì? Họ dạy ngươi cách đeo mặt nạ mỗi khi giao thiệp với người ta, cách để sống với chiếc mặt nạ trong mọi nhóm xã hội, và cuối cùng đạt được mục đích bảo vệ danh lợi khỏi bị tổn hại, và đồng thời đạt được danh lợi mà ngươi muốn, hoặc đạt được sự đảm bảo an toàn cá nhân cơ bản. Từ những tư tưởng và quan điểm, cùng những thủ đoạn xử thế khác nhau mà cha mẹ tiêm nhiễm cho ngươi, có thể thấy rằng cha mẹ không dạy ngươi cách để làm một người có tôn nghiêm hơn, cách để làm một con người chân chính, cách để làm một loài thọ tạo tốt, hay cách để làm một người có lẽ thật. Ngược lại, họ dạy ngươi cách để lừa dối người khác, cách đề phòng người khác, cách vận dụng thủ đoạn để giao thiệp với những người khác nhau, cũng như lòng dạ con người thế nào và nhân loại ra sao. Dưới sự hun đúc của những tư tưởng và quan điểm từ cha mẹ, nội tâm của ngươi không ngừng trở nên hiểm độc hơn, nảy sinh ác cảm với con người. Trong tâm hồn non trẻ của ngươi, trong tình huống ngươi vẫn chưa có bất cứ thủ đoạn xử thế nào, ngươi đã có định nghĩa sơ bộ và cơ bản về nhân loại, cũng như nguyên tắc sơ bộ và cơ bản về cách xử thế. Vậy thì vai trò của cha mẹ trong cách xử thế của ngươi là gì? Rõ ràng họ đóng vai dẫn dắt ngươi trên con đường sai lầm; họ không để ngươi đi vào con đường tốt đẹp, hay dẫn dắt ngươi đi vào con đường nhân sinh đúng đắn theo một cách tích cực và chính diện, mà thay vào đó dẫn ngươi đi lạc lối.
Ngoài sự hun đúc bằng những câu nói như “Đàn ông không dễ rơi nước mắt”, các bậc cha mẹ còn hay nói với con trai mình rằng: “‘Gà tốt không đánh nhau với chó, đàn ông tốt không đấu đá với phụ nữ’, đừng đùa giỡn hay đấu đá với phụ nữ, đừng chấp nhặt với phụ nữ, nên nhường nhịn phụ nữ”. Dựa vào đâu phải nhường nhịn phụ nữ? Nếu họ làm việc sai trái, ngươi không nên nhường nhịn hay nuông chiều họ. Nam nữ bình đẳng. Đều do cha mẹ sinh ra và nuôi dạy như ngươi, hà cớ gì ngươi phải nhường nhịn họ? Chỉ vì họ là phụ nữ sao? Khi làm sai, họ nên bị trừng phạt, nên được dạy dỗ, họ nên nhận sai, xin lỗi, hiểu ra mình đã làm sai gì và biết lần sau gặp chuyện tương tự thì không nên tái phạm. Ngươi phải học cách giúp đỡ họ, chứ đừng dùng nguyên tắc “đàn ông tốt không đấu đá với phụ nữ” mà cha mẹ dạy ngươi để xử lý chuyện này. Bất kể nam nữ, ai cũng có lúc phạm sai lầm. Khi đó, họ nên thừa nhận sai lầm và hối cải. Cả đàn ông và phụ nữ đều nên đi con đường đúng đắn và sống có tôn nghiêm, chứ đừng như những gì cha mẹ bảo: “Gà tốt không đánh nhau với chó, đàn ông tốt không đấu đá với phụ nữ”. Đàn ông tốt đâu có thể hiện ở việc không đấu đá với phụ nữ hay là không chấp nhặt với phụ nữ. Ngươi thấy đấy, các bậc cha mẹ thường hay nói thế này: “Nữ nhân tóc dài não ngắn, chẳng nên trò trống gì, nên đừng như họ, đừng so đo với họ, cũng đừng để ý đến họ làm gì”. “Đừng để ý đến họ làm gì” là ý làm sao? Vấn đề nguyên tắc thì phải nói cho rõ, phải giảng cho hiểu. Ai phạm lỗi, ai nói những điều tích cực, ai nói điều tiêu cực, ai nói được con đường đúng đắn – những chuyện liên quan đến nguyên tắc, con đường và việc làm người thì phải nói cho rõ, không được ba phải, cho dù là với phụ nữ thì cũng phải nói rõ. Nếu ngươi thật sự vì tốt cho cô ấy, thì nên nói cho cô ấy lẽ thật mà con người nên hiểu, giúp cô ấy đi con đường đúng đắn, đừng dung túng, và đừng vì cô ấy là phụ nữ mà không tính toán với cô ấy hoặc làm rõ mọi chuyện. Phụ nữ cũng nên sống có tôn nghiêm, không nên nuông chiều bản thân hoặc không nói lý lẽ chỉ vì đàn ông không chấp nhặt với họ. Đàn ông và phụ nữ chỉ khác nhau về mặt sinh lý, nhưng trong mắt Đức Chúa Trời, thân phận và địa vị của cả hai đều như nhau. Cả hai đều là loài thọ tạo, ngoài khác biệt về giới tính, họ chẳng có gì khác nhau. Cả hai đều trải qua sự bại hoại, đều có chung nguyên tắc làm người. Tiêu chuẩn yêu cầu của Đức Chúa Trời đối với đàn ông và phụ nữ là giống nhau, không có khác biệt gì. Vậy lời dạy của cha mẹ “Đàn ông tốt không đấu đá với phụ nữ” có căn cứ không? (Thưa, không.) Vậy cách làm đúng đắn là gì? Không phải là khiến ngươi đấu đá với người ta, mà là khiến ngươi thực hành theo nguyên tắc. Ý nghĩa câu nói này của các bậc cha mẹ là gì? Không phải là họ trọng nam khinh nữ sao? Có vẻ ý họ là: “Nữ nhân tóc dài não ngắn. Phụ nữ không hiểu chuyện, chỉ số thông mình bằng không. Nói lý lẽ với họ làm gì? Họ chẳng hiểu đâu. Có câu “Ngực to, óc như trái nho, tóc dài não ngắn”. Con bận tâm hay so đo với phụ nữ làm gì chứ?” Phụ nữ không phải con người sao? Đức Chúa Trời không cứu rỗi phụ nữ sao? Đức Chúa Trời không giảng lẽ thật cho họ, không cung cấp cho họ sự sống sao? Có phải như vậy không? (Thưa, không phải.) Nếu Đức Chúa Trời không làm vậy, nếu Ngài không đối xử bất công với phụ nữ, vậy sao ngươi lại làm vậy? Ngươi nên đối xử với phụ nữ theo các nguyên tắc mà Đức Chúa Trời dạy ngươi, không nên tiếp nhận những tư tưởng đến từ cha mẹ ngươi, không nên có khuynh hướng theo chủ nghĩa sô vanh. Dù xương cốt và cơ bắp của ngươi cứng cáp hơn phụ nữ, dù ngươi có cơ thể to lớn hơn và sức mạnh thể chất lớn hơn, dù ngươi ăn nhiều hơn, nhưng tâm tính bại hoại, sự phản nghịch và mức độ không hiểu lẽ thật của ngươi cũng đâu khác gì phụ nữ. Những kỹ năng đời sống mà ngươi thành thạo có lẽ khác với kỹ năng của phụ nữ. Ngươi giỏi về điện tử, máy móc, còn phụ nữ thì giỏi về thêu thùa, may mặc và sửa chữa này nọ. Ngươi có làm được những việc đó không? Đàn ông giỏi xây cất, thì phụ nữ giỏi làm đẹp. Đàn ông giỏi vận hành máy móc, thiết bị, thì phụ nữ cũng đâu kém cạnh. Chính xác thì phụ nữ thua đàn ông điều gì chứ? Mọi sự so sánh kiểu đó đều vô nghĩa. Mục đích của việc nói những điều này là khiến ngươi buông bỏ chủ nghĩa sô vanh. Đừng tiếp nhận những tư tưởng như “Đàn ông tốt không đấu đá với phụ nữ”, những điều cha mẹ ngươi nói đâu phải là lẽ thật, chúng có hại cho ngươi đấy. Đừng bao giờ nói những lời lăng mạphụ nữ, đó là những lời đại nghịch bất đạo. Vấn đề của việc không tôn trọng phụ nữ là gì? Người làm việc như thế liệu có nhân tính không? (Thưa, không có.) Họ chẳng có nhân tính. Nếu ngươi không tôn trọng phụ nữ, hãy nhớ rằng mẹ ngươi, bà nội bà ngoại ngươi, chị em ngươi, hết thảy đều là phụ nữ. Họ sẵn lòng chấp nhận sự thiếu tôn trọng đó sao? Thậm chí có những bà mẹ còn bảo con trai mình rằng: “Đàn ông tốt không đấu đá với phụ nữ”. Những bà mẹ đó chẳng ngu xuẩn sao? Bà mẹ như thế quả là ngu dại, bản thân là phụ nữ mà lại tự đánh giá thấp giá trị của mình, rõ ràng họ là những kẻ hồ đồ chẳng ý thức được mình đang nói gì. “Đàn ông tốt không đấu đá với phụ nữ” là câu nói đại nghịch bất đạo. Đức Chúa Trời chưa hề định nghĩa phụ nữ như thế, Ngài cũng chưa hề khuyên nhủ đàn ông rằng: “Phụ nữ yếu đuối, tóc dài não ngắn, chẳng hiểu chuyện. Đừng đấu đá với họ. Ngươi có đấu đá với họ cũng không thể làm rõ sự tình đâu. Trong mọi chuyện, hãy khoan dung và bao dung với họ, đừng so đo với họ, đàn ông phải lòng dạ rộng lượng và bao dung như biển rộng”. Đức Chúa Trời có bao giờ nói như thế không? (Thưa, không.) Vì Đức Chúa Trời chưa hề nói những lời như thế, nên ngươi đừng làm những việc như thế, cũng đừng nhìn nhận phụ nữ bằng quan điểm như thế. Làm vậy là kỳ thị và không tôn trọng phụ nữ. Những gì phụ nữ không giỏi, ngươi có thể bù đắp, nhưng ngươi cũng cần họ bù đắp cho những gì ngươi không giỏi. Phụ thuộc vào nhau và bù đắp cho nhau mới là quan điểm đúng đắn. Tại sao đây là quan điểm đúng đắn? Bởi vì những điểm mạnh của cả nam và nữ đều do Đức Chúa Trời tiền định. Đối với sự thật Đức Chúa Trời tiền định này, ngươi nên áp dụng tư tưởng và quan điểm nào để đối đãi? Đó là bù đắp cho nhau, nguyên tắc thực hành là vậy. Đàn ông không được kỳ thị phụ nữ, và phụ nữ không được quá quỵ lụy đàn ông, đừng cảm thấy: “Cuối cùng trong hội thánh cũng có một người anh em, cuối cùng cũng có một trụ cột vững chắc. Giờ hội thánh của chúng ta hoàn thiện rồi, có người hỗ trợ và ra mặt thay cho chúng ta và chủ trì cho chúng ta”. Ngươi là kẻ thấp hèn sao? Đức tin của ngươi đặt nơi đàn ông sao? Nếu một hội thánh chỉ có các chị em, thì ngươi không tin Đức Chúa Trời nữa sao? Thì ngươi không thể được cứu rỗi, không thể hiểu lẽ thật sao? Khi người ta nói một câu vô tình rằng: “Tại sao hội thánh các chị không có người anh em nào cả vậy”, thì trong lòng ngươi khó chịu như bị dao đâm vào: “Đừng nhắc chuyện đó nữa, đó là nhược điểm của hội thánh chúng tôi. Chúng tôi đâu muốn để người khác nhắc tới đâu, điểm thiếu sót đáng tiếc này bị anh nhìn ra mất rồi”, sau đó ngươi cầu nguyện: “Thưa Đức Chúa Trời, khi nào Ngài mới cho hội thánh chúng con một người anh em đây?” Hội thánh được chống đỡ bằng những người anh em sao? Không có những người anh em thì hội thánh không đứng vững được sao? Đức Chúa Trời có bao giờ nói như thế không? (Thưa, không.) Đức Chúa Trời chưa hề nói như thế, Ngài cũng không nói hội thánh phải có đủ cả hai giới nam nữ thì mới được thành lập hoặc nếu chỉ có một giới thì không được thành lập. Ngài có bao giờ nói như thế không? (Thưa, không). Đây đều là hậu quả do chủ nghĩa sô vanh mà gia đình hun đúc. Chuyện gì cũng dựa vào đàn ông, hễ có chuyện là nói: “Mình phải chờ chồng về để bàn bạc”, hoặc “Các anh em trong hội thánh dạo gần đây đang bận, nên chẳng có ai đứng ra xử lý chuyện này”. Vậy phụ nữ để làm gì? Ngươi không thể xử lý những chuyện đó sao? Ngươi không có miệng, không có chân sao? Ngươi chẳng thiếu gì cả, cũng đã hiểu các nguyên tắc lẽ thật rồi, nên làm gì thì cứ làm vậy. Đàn ông không phải là đầu của ngươi, cũng không phải là chủ nhân của ngươi, họ chỉ là người bình thường, là thành viên của nhân loại bại hoại. Ngươi hãy học cách dựa vào Đức Chúa Trời và lời Ngài trong mọi chuyện ngươi làm. Đây là nguyên tắc và con đường mà ngươi phải tuân thủ, chứ đừng dựa vào bất kỳ con người nào. Dù Ta không đề xướng chủ nghĩa sô vanh, dĩ nhiên Ta không làm thế này để nâng cao quyền lợi của phụ nữ hay sửa lại kết luận sai lầm cho phụ nữ, đúng hơn là để giúp mọi người hiểu ra một phương diện của lẽ thật. Là phương diện lẽ thật nào? Câu nói “Đàn ông tốt không đấu đá với phụ nữ” mà cha mẹ truyền thụ cho ngươi là sai, nó đang truyền thụ và dẫn dắt một tư tưởng sai trái. Ngươi không nên để tư tưởng và quan điểm này đóng vai trò chủ đạo trong cách ngươi làm đàn ông hay trong cách ngươi đối xử với phụ nữ. Đây là phương diện lẽ thật mà ngươi nên hiểu. Đừng lúc nào cũng nghĩ: “Mình là đàn ông, mình phải suy xét vấn đề từ góc nhìn của đàn ông, phải đứng ở lập trường của một người đàn ông mà suy nghĩ, phải đứng ở lập trường của một người đàn ông mà bảo vệ, khoan dung và tha thứ cho các chị em, không được so đo với họ. Nếu một người chị em muốn tham gia tranh cử làm lãnh đạo hội thánh, mình sẽ hạ mình cầu hiền, để chị ấy lãnh đạo”. Dựa vào đâu chứ? Vì ngươi là đàn ông nên ngươi bao dung như biển rộng sao? Ngươi có thể bao dung với họ sao? Ngươi còn không thể bao dung chính bản thân mình. Chọn lãnh đạo hội thánh thì phải chọn người đảm đương được chức vụ này. Nếu các anh chị em chọn ngươi, thì ngươi nên gánh vác trọng trách này. Nó vừa là trách nhiệm, vừa là bổn phận của ngươi. Tại sao ngươi lại tùy tiện khước từvậy? Để thể hiện ngươi cao quý sao? Đấy là nguyên tắc thực hành sao? Làm vậy phù hợp với lẽ thật sao? (Thưa, không phù hợp.) Nhường nhịn là sai, tranh giành là sai, vậy làm sao mới đúng? Lấy lời Đức Chúa Trời làm căn cứ và lấy lẽ thật làm nguyên tắc, như thế là đúng. Cha mẹ dạy các ngươi: “Đàn ông tốt không đấu đá với phụ nữ”. Ngươi đã sống với tư tưởng và quan điểm của chủ nghĩa sô vanh này bao nhiêu năm rồi? Nhiều người nghĩ: “Giặt giũ và may vá đều là việc của phụ nữ. Cứ để phụ nữ lo mấy việc đó. Phải làm việc đó khiến mình phát bực, cảm giác bản thân không giống đàn ông”. Nếu ngươi làm việc này thì chuyện gì sẽ xảy ra chứ? Ngươi không còn là đàn ông nữa sao? Có người nói: “Áo quần của tôi luôn do mẹ tôi, chị tôi hay bà tôi giặt. Tôi chưa hề làm ‘việc của phụ nữ’.” Giờ ngươi đang thực hiện bổn phận, và ngươi phải sống tự lập. Đây là việc ngươi nên làm, là điều mà Đức Chúa Trời yêu cầu mọi người. Vậy ngươi có làm không? (Thưa, có.) Nếu lòng ngươi chống đối, không sẵn lòng làm và vì chuyện này mà cứ luôn nghĩ về mẹ mình, thì ngươi thật sự là kẻ vô tích sự. Đàn ông có những tư tưởng của chủ nghĩa sô vanh này, họ xem thường một số việc nhất định như chăm con, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ và lau dọn. Có người có chủ nghĩa sô vanh rất nghiêm trọng, họ kỳ thị việc nhà, không sẵn lòng làm những việc đó, và nếu có làm thì cũng rất miễn cưỡng, sợ người khác coi thường mình. Họ nghĩ: “Nếu mình luôn làm mấy công việc này, chẳng phải mình sẽ thành bà cô trong nhà sao?” Điều này bị tư tưởng và quan điểm nào chi phối bởi? Chẳng phải tư tưởng của họ có vấn đề sao? (Thưa, phải.) Tư tưởng của họ có vấn đề. Ngươi xem, ở một số vùng nhất định, đàn ông luôn đeo tạp dề và nấu ăn. Khi phụ nữ đi làm về, đàn ông dọn đồ ăn lên, bảo vợ rằng: “Đây, em ăn một miếng đi. Ngon lắm, hôm nay anh làm toàn món em thích”. Người phụ nữ danh chính ngôn thuận ăn bữa ăn được dọn sẵn, và người đàn ông danh chính ngôn thuận nấu ăn, chẳng bao giờ thấy mình như một bà nội trợ. Khi cởi bỏ tạp dề và ra khỏi nhà, chẳng phải người đó vẫn là đàn ông sao? Ở một số vùng mà chủ nghĩa sô vanh đặc biệt nghiêm trọng, thì chắc chắn người ta bị sự hun đúc và ảnh hưởng của gia đình làm cho hư hỏng. Sự hun đúc này cứu họ hay hại họ? (Thưa, nó hại họ.) Nó gây hại cho họ. Một số đàn ông 30, 40, thậm chí 50 tuổi còn chẳng biết tự giặt tất của mình. Họ mặc một cái áo ba lỗ suốt nửa tháng, nó bẩn lắm rồi mà họ chẳng muốn giặt, họ đâu biết giặt thế nào, đâu biết cần bao nhiêu nước hay bột giặt, đâu biết cách giặt cho sạch. Họ cứ mặc nó như thế và tự nhủ: “Sau này, mình sẽ nhờ mẹ hoặc vợ mua thêm áo ba lỗ và tất cho mình, để hai tháng mới giặt một lần. Nếu mẹ hay vợ mình đến giặt giúp thì hay quá!” Căn nguyên họ bài xích những việc này có liên quan nhất định đến sự dạy dỗ của gia đình và cha mẹ đối với đàn ông. Những tư tưởng và quan điểm mà cha mẹ truyền thụ cho con cái có liên quan đến những khuôn phép sống đơn giản và căn bản nhất, đồng thời cũng liên quan đến những cách nhìn nhận sai lầm về con người. Tóm lại, những thứ này đều là sự hun đúc của gia đình đối với tư tưởng người ta. Bất kể chúng ảnh hưởng thế nào với cuộc sống của người ta trong quá trình tin Đức Chúa Trời và quá trình sinh tồn, bất kể chúng đem lại bao nhiêu quấy nhiễu và phiền phức, về thực chất, chúng có mối quan hệ nhất định với sự giáo dục tư tưởng của cha mẹ. Nếu ngươi đã là người trưởng thành, đã sống theo những tư tưởng và quan điểm này suốt nhiều năm trời, thì chúng sẽ không thay đổi trong một sớm một chiều, chuyện này cần thời gian. Nếu những tư tưởng và quan điểm này liên quan đến việc thực hiện bổn phận hoặc các nguyên tắc về đối nhân xử thế, nếu ngươi đang mưu cầu lẽ thật, thì ngươi nên tranh thủ thay đổi những chuyện này và bước vào lẽ thật càng sớm càng tốt. Nếu chúng chỉ liên quan đến các khía cạnh trong cuộc sống cá nhân, mà ngươi sẵn lòng thay đổi thì càng tốt hơn nữa. Còn nếu ngươi không thể làm được, hoặc ngươi cảm thấy nó có phần khó khăn và nặng nhọc, thậm chí nếu ngươi đã quen với lối sống này và không thể thay đổi, thì không ai ép ngươi cả. Ta chỉ đơn thuần chỉ ra những điều này để ngươi biết đâu là đúng, đâu là sai. Đối với những vấn đề liên quan đến lối sống cá nhân, hãy tự mình đánh giá chúng – chúng ta sẽ không ép buộc chuyện này. Về chuyện bao lâu ngươi giặt tất, ngươi có vá chúng không hay là rách thì vứt, đấy là việc của ngươi. Căn cứ theo điều kiện của ngươi mà làm – chúng ta sẽ không ra quy định nào cả.
Trong một số gia đình, vì bối cảnh đặc biệt, mà các bậc cha mẹ thường bảo con cái: “Hễ đi ra đường, hãy nhớ con là hậu duệ của ai, nhớ tổ tiên mình là ai. Ở giữa các tập thể trong xã hội, con nên hành động sao cho giành được vinh quang và vẻ vang về cho gia tộc. Tuyệt đối đừng bôi tro trát trấu tổ tiên chúng ta. Hãy luôn ghi nhớ trong lòng lời dạy của tổ tiên, không được làm ô nhục gia tộc. Nếu đến một ngày con phạm sai lầm, người ta sẽ bảo: ‘Chẳng phải anh là con cháu của danh gia vọng tộc sao? Sao anh có thể làm chuyện thế này?’ Họ sẽ cười nhạo con, nhưng họ không chỉ cười nhạo con đâu, mà cười nhạo cả gia tộc chúng ta. Như thế là con sẽ bôi tro trát trấu gia tộc và làm ô nhục tổ tiên, đây là chuyện không thể chấp nhận được”. Lại có những bậc cha mẹ bảo con mình: “Nước ta là nước lớn, có nền văn minh lâu đời. Cuộc sống hiện tại của chúng ta không phải dễ dàng mà có được, nên con hãy biết quý trọng. Nhất là khi ra nước ngoài, phải giành vinh quang và vẻ vang về cho dân tộc Trung Quốc. Đừng làm gì ô nhục quốc gia hay tổn hại danh tiếng của người Trung Quốc”. Các bậc cha mẹ bảo ngươi một mặt hãy giành vinh quang và vẻ vang về cho gia tộc và tổ tiên, mặt khác hãy giành vinh quang và vẻ vang về cho tổ quốc và dân tộc, đừng làm ô nhục tổ quốc mình. Từ nhỏ, con cái đã được cha mẹ dạy dỗ như vậy, khi đi học, thầy cô cũng dạy chúng như thế, bảo chúng rằng: “Hãy giành vinh quang về cho lớp ta, trường ta, thành phố ta, tổ quốc ta. Đừng để người nước ngoài cười nhạo chúng ta, bảo chúng ta thiếu tố chất hay nhân phẩm kém”. Trong hội thánh, có người còn nói: “Trước hết, người Trung Quốc chúng ta tin Đức Chúa Trời từ sớm. Khi giao tiếp với các anh chị em ngoại quốc, chúng ta phải giành vinh quang về cho người Trung Quốc, không được làm mất mặt người Trung Quốc”. Những lời này đều có liên quan trực tiếp đến sự truyền thụ củagia đình với người ta. Sự truyền thụ này có đúng đắn không? (Thưa, không.) Tại sao lại không? Họ đang giành vinh quang gì? Giành vinh quang như thế thì có ích gì không? (Thưa, không.) Có chuyện thế này, một người ở Đông Bắc Trung Quốc đến thăm các hội thánh khác nhau, anh ta trộm 10.000 tệ tiền của lễ của hội thánh, rồi bỏ trốn về quê hưởng thụ. Sau khi các anh chị em ở vùng Đông Bắc phát hiện ra, có người nói: “Kẻ này thật đáng ghê tởm. Hắn dám lấy cả tiền của lễ của hội thánh. Hắn đã hủy hoại hết thanh danh của người Đông Bắc rồi! Nếu gặp lại hắn, phải dạy cho hắn một bài học!” Sau vụ việc này, người ở Đông Bắc cảm thấy như mình đã bị mất thể diện. Hễ nói chuyện với các anh chị em ở các vùng khác, là họ không dám nhắc đến vụ này. Họ thấy xấu hổ, sợ người khác bảo: “Anh gì đó ở vùng Đông Bắc của các anh chị đã trộm tiền của lễ rồi bỏ chạy”. Họ sợ người khác nói về chuyện đó, bản thân họ cũng chẳng dám nhắc đến. Làm như thế có đúng không? (Thưa, không đúng.) Tại sao lại không đúng? (Thưa, người trộm tiền của lễ đâu có liên quan gì đến những người khác, ai nấy tự đại diện cho bản thân mình thôi). Đúng vậy. Kẻ đó trộm tiền của lễ là việc riêng của hắn. Nếu ngươi phát hiện và ngăn chặn được hắn, cứu vãn tổn thất và bảo vệ lợi ích của nhà Đức Chúa Trời, thì ngươi đã thực hiện được chức trách của mình rồi. Nếu ngươi không có cơ hội để ngăn chặn chuyện đó, không thể cứu vãn tổn thất, thì ngươi nên nhận thức rõ ràng hắn là loại cặn bã gì, cảnh tỉnh bản thân, cầu nguyện với Đức Chúa Trời để bảo vệ ngươi khỏi chuyện xảy ra như thế và bảo đảm ngươi không rơi vào cám dỗ tương tự. Ngươi nên đối xử với vấn đề này một cách đúng đắn. Dù kẻ đó cùng quê với ngươi, nhưng hành động của hắn chỉ đại diện cho cá nhân hắn mà thôi. Đâu phải dân vùng đó dạy bảo hay khuyến khích hắn hành động như vậy. Chuyện đó chẳng liên quan đến bất kỳ ai khác. Những người khác, cùng lắm bị truy cứu vì không giám sát, không chỉ đạo thỏa đáng, ngoài ra, không ai có nghĩa vụ phải gánh chịu hậu quả vì sai phạm của kẻ đó cả. Hắn đã chống đối Đức Chúa Trời, vi phạm các sắc lệnh quản trị, không ai có trách nhiệm phải gánh chịu hậu quả cho hắn cả. Hắn mất mặt là việc riêng của hắn. Hơn nữa, đây không phải là chuyện mất mặt hay giành vinh quang, mà là chuyện liên quan đến thực chất bản tính và con đường mà kẻ đó đi. Chỉ có thể nói rằng, ban đầu, mọi người không nhìn thấu được hắn là loại người gì, nhưng sau vụ việc này thì đã nhìn thấu được rồi. Chuyện này chẳng liên quan gì đến thanh danh hay thể diện của các anh chị em ở vùng đó. Nếu ngươi cảm thấy hắn khiến ngươi ô nhục vì là người cùng quê với ngươi, thì cách nhìn nhận và cách hiểu này của ngươi hoàn toàn sai. Nhà Đức Chúa Trời không bao giờ có kiểu một người phạm tội là liên lụy đến cửu tộc, Đức Chúa Trời xem mỗi cá nhân như một cá thể riêng biệt. Bất kể ngươi xuất thân từ đâu, thậm chí là người cùng một nhà, cùng cha cùng mẹ, Đức Chúa Trời vẫn xem mỗi người như một cá thể riêng biệt. Đức Chúa Trời không bao giờ vì lỗi lầm của một người mà liên lụy cả những người liên quan. Đây là nguyên tắc, và nó phù hợp với lẽ thật. Tuy nhiên, nếu ngươi nghĩ có người ở quê mình làm việc sai trái, gây hại cho thanh danh và liên lụy đến ngươi, thì đó là do nhận thức sai lầm của ngươi, chứ chẳng liên quan gì đến lẽ thật. Do đó, khi cha mẹ bảo ngươi: “Giành vinh quang cho tổ quốc, gia đình hoặc gia tộc”, thì có đúng không? (Thưa, không). Tại sao lại không? Câu này có cùng tính chất với câu nào? Chẳng phải nó cùng tính chất tư tưởng với câu “Người chết để tên, chim đi để tiếng” mà chúng ta đã nói trước đây sao? Trong cuộc đời một con người, làm việc tích cực, đi con đường đúng đắn, tiếp nhận những sự vật tích cực và lẽ thật, không phải để đấu tranh vì danh dự, mà là con người nên làm người như thế, đây là trách nhiệm của họ, con đường họ nên đi, và bổn phận của họ. Đi theo con đường đúng đắn, tiếp nhận những sự vật tích cực và lẽ thật, quy phục Đức Chúa Trời, những điều này chính là nghĩa vụ và bổn phận của con người, cũng là để đạt được sự cứu rỗi, chứ không phải để giành sĩ diện cho bản thân hay cho Đức Chúa Trời, dĩ nhiên cũng không phải để giành sĩ diện cho quốc gia, càng không phải cho dòng họ, chủng tộc hay họ hàng của ngươi. Ngươi đâu được cứu rỗi để giành vinh quang cho người dân nước ngươi, càng không phải để giành vinh quang cho gia tộc ngươi. “Giành vinh quang” chỉ là một lý luận. Việc ngươi được cứu rỗi không liên quan gì đến những người này. Họ được lợi ích gì từ việc ngươi được cứu rỗi chứ? Nếu ngươi được cứu rỗi, thì họ có thể đạt được gì chứ? Họ không đi con đường đúng đắn, và Đức Chúa Trời có tâm tính công chính đối đãi với họ, nên đối đãi với họ như thế nào Ngài sẽ đối đãi như thế ấy. Cái gọi là “giành vinh quang” này đem lại cho họ điều gì? Nó chẳng liên quan gì đến họ cả. Ngươi chọn con đường nào thì tiếp nhận hậu quả đó, họ chọn con đường nào thì thừa nhận hậu quả đó. Đức Chúa Trời có tâm tính công chính đối đã với mỗi một người. Giành vinh quang cho tổ quốc, gia tộc hay dòng họ, không phải là trách nhiệm của bất kỳ ai. Đương nhiên, ngươi không nên gánh vác trách nhiệm này một mình, và sự thật là ngươi cũng không thể làm được việc này một mình. Sự hưng thịnh hay suy vong, diễn biến và vận mệnh của gia tộc hay dòng họ chẳng liên quan gì đến việc ngươi giành vinh quang cả. Và dĩ nhiên, nó chẳng liên quan gì đến con đường ngươi đi. Nếu ngươi làm người cho tốt và có thể quy phục Đức Chúa Trời, thì cũng không phải để giành vinh quang cho họ hay không chịu thua kém vì họ, cũng không phải để đòi lấy bất cứ phần thưởng nào từ Đức Chúa Trời cho họ, hay đạt được bất cứ sự ân xá nghiêm trị nào cho họ. Sự hưng thịnh hay suy vong, và vận mệnh của họ chẳng liên quan gì đến ngươi. Nhất là về việc họ có được vinh quang không, ngươi có giành vinh quang về cho họ không, những chuyện này chẳng liên quan gì đến ngươi. Ngươi không thể gánh váccũng chẳng có nghĩa vụ hay trách nhiệm nào để phải làm những chuyện này. Do đó, khi cha mẹ ngươi bảo: “Con phải giành vinh quang về cho tổ quốc, gia tộc và họ hàng, không được làm bôi tro trát trấu tổ tiên, không được để người khác đàm tiếu sau lưng chúng ta”, thì những lời này chỉ có thể là một loại áp lực tư tưởng tiêu cực đối với ngươi mà thôi. Ngươi không thể làm được như họ kỳ vọng, và ngươi cũng không có nghĩa vụ phải làm thế. Tại sao? Bởi vì Đức Chúa Trời chỉ yêu cầu ngươi thực hiện bổn phận của một loài thọ tạo trước Ngài. Ngài không yêu cầu ngươi làm bất kỳ việc gì hay thực hiện nghĩa vụ gì với tổ quốc, gia tộc và họ hàng. Do đó, giành vinh quang về cho tổ quốc hay gia tộc, giành vinh quang và vẻ vang cho họ hàng, chúng không phải là nghĩa vụ của ngươi. Chúng chẳng liên quan gì đến ngươi cả. Chỉ có Đức Chúa Trời nắm chắc vận mệnh của họ, ngươi không cần phải có bất kỳ gánh nặng nào hết. Nếu ngươi phạm bất cứ sai lầm nào, thì đừng thấy có lỗi với họ. Nếu ngươi làm bất cứ việc tốt gì, thì đừng có bất cứ tâm lý ăn may nào, cũng đừng nghĩ rằng mình đã giành vinh quang cho tổ quốc, gia tộc hay dòng họ. Đừng vui mừng vì những chuyện này. Còn nếu thất bại, ngươi đừng sợ hãi hay đau buồn. Đừng tự trách mình. Bởi vì chuyện này chẳng liên quan gì đến ngươi cả. Ngươi thậm chí không cần nghĩ về chuyện đó làm gì, đơn giản vậy thôi. Cho nên, đối với những người có quốc tịch khác nhau mà nói: người Trung Quốc đã được Đức Chúa Trời chọn, họ đến trước Đức Chúa Trời và họ là loài thọ tạo. Người phương Tây đến trước Đức Chúa Trời, và họ cũng là loài thọ tạo. Người châu Á, châu Âu, Bắc và Nam Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi, họ đều đến trước Đức Chúa Trời và tiếp nhận công tác của Ngài, họ cũng là loài thọ tạo của Ngài. Cho dù là người nước nào, việc duy nhất họ nên làm đều như nhau, là thực hiện bổn phận của một loài thọ tạo, tiếp nhận lời Đức Chúa Trời, quy phục lời Đức Chúa Trời và đạt tới việc được cứu rỗi. Họ không nên lập bè kết phái dựa trên quốc tịch của mình, phân chia thành nhóm hay chủng tộc. Bất cứ việc gì lấy giành vinh quang làm mục tiêu phấn đấu và nguyên tắc căn bản cho chủng tộc đều là sai lầm. Đây không phải con đường mà người ta nên đi, và nó là hiện tượng không nên xuất hiện trong hội thánh. Sẽ đến một ngày, người từ các quốc gia khác nhau quảng giao hơn và có thể đi đến nhiều vùng hơn trên trái đất, người châu Á có thể gặp người châu Âu, người châu Âu có thể gặp người châu Mỹ, và người châu Mỹ có thể gặp người châu Á hay châu Phi, v.v… Khi các chủng tộc khác nhau quy tụ, nếu xuất hiện những nhóm coi các chủng tộc khác nhau là đơn vị cơ bản, ai cũng nỗ lực giành vinh quang về cho chủng tộc và làm việc vì chủng tộc, thì hội thánh sẽ gặp phải chuyện gì đây? Sẽ bị chia rẽ. Đây là điều mà Đức Chúa Trời khinh ghét và rủa sả. Bất kỳ ai làm thế đều bị rủa sả, bất kỳ ai hành động như thế đều là đầy tớ của Sa-tan và là đối tượng bị trừng phạt. Tại sao họ bị trừng phạt? Bởi vì làm thế là vi phạm các sắc lệnh quản trị. Tuyệt đối đừng bao giờ làm thế. Nếu ngươi có thể hành động như thế, chứng tỏ ngươi chưa buông bỏ phương diện này trong sự hun đúc của cha mẹ mình, chưa tiếp nhận thân phận loài thọ tạo mà Đức Chúa Trời ban cho ngươi, vẫn xem mình là người Trung Quốc, người da trắng, da đen, hay da nâu, vẫn xem mình là người của một chủng tộc, dòng họ và tổ quốc khác nhau. Nếu ngươi muốn giành vinh quang cho tổ quốc, chủng tộc hay gia tộc mình, nếu ngươi hành động với tư tưởng này, thì hậu quả sẽ không thể tưởng tượng nổi. Hôm nay, chúng ta trịnh trọng tuyên bố và nghiêm túc nói rõ ràng chuyện này. Nếu đến một ngày, có ai vi phạm phương diện này trong các sắc lệnh quản trị, thì họ tự gánh lấy hậu quả. Đến lúc đó, đừng oán trách: “Ngài không nói với con, con đâu có biết, con đâu có hiểu”. Ngươi đã biết từ lâu rằng thân phận của ngươi là loài thọ tạo, thế mà ngươi vẫn có thể hành động như thế, nghĩa là không phải ngươi không hiểu, mà là ngươi cố ý, biết rồi mà vẫn cố vi phạm, thế thì ngươi phải đối diện với sự trừng phạt. Những hậu quả của việc vi phạm các sắc lệnh quản trị thật không thể nào tưởng tượng nổi. Các ngươi đã hiểu chưa? (Thưa, con hiểu rồi.)
Có những bậc cha mẹ còn bảo con cái: “Dù đi đâu, con cũng không được quên nguồn cội. Chúng ta không được quên nơi mình sinh ra và khôn lớn, không được quên mình là ai. Dù đi đâu, khi gặp đồng hương, con phải quan tâm đến họ. Khi chọn lãnh đạo hội thánh hay người phụ trách, con nên chọn đồng hương. Hễ hội thánh có bất kỳ phúc lợi nào, hãy để đồng hương hưởng trước. Nếu chọn thành viên trong nhóm, hãy chọn đồng hương. Đồng hương làm việc với nhau, thì sẽ có chung tiếng nói và sựquen thuộc”. Cái này gọi là gì? “Cùng quê gặp nhau, nước mắt tuôn trào”. Còn có câu “Chú bác cô dì là thân thuộc, xương dù gãy thì gân vẫn còn”. Có người do sự dặn dò của cha mẹ và trưởng bối, hễ nghe có người cùng tỉnh, cùng làng với họ, hễ nghe ai nói giọng quê mình, là họ thấy thân thiết vô cùng. Họ ăn cùng nhau, ngồi cùng nhau khi nhóm họp, làm việc gì cũng cùng nhau, đặc biệt thân thiết. Có người vừa gặp được đồng hươngthì bảo: “Người ta thường bảo: ‘Cùng quê gặp nhau, nước mắt tuôn trào’. Khi gặp được đồng hương, tôi cảm thấy thân thiết lắm. Gặp được anh tôi như gặp được người nhà vậy”. Họ chăm sóc đặc biệt cho đồng hương. Nếu đồng hương gặp khó khăn gì trong cuộc sống, công việc, hoặc bị đau ốm, thì họ chăm sóc rất đặc biệt. Như thế có tốt không? (Thưa, không.) Tại sao lại không? (Thưa, đối đãi với người ta như thế là không có nguyên tắc.) Là không có nguyên tắc, và người như thế là kẻ ngốc. Hễ cùng quê là thân thiết, nhưng đồng hương là gì chứ? Có phải là người tốt không? Có phải là anh chị em thật sự không? Ngươi đề bạt họ có phù hợp với nguyên tắc không? Ngươi tiến cử họ có phù hợp với nguyên tắc không? Họ có phù hợp với hạng mục công tác đó không? Ngươi quan tâm và gần gũi với họ thì có công bằng không? Có phù hợp với lẽ thật và các nguyên tắc không? Nếu những chuyện này đều không phù hợp với nguyên tắc thì việc ngươi đang làm với họ là không thích hợp, là điều khiến Đức Chúa Trời khinh ghét. Ngươi đã hiểu chưa? (Thưa, đã hiểu.) Do đó, khi cha mẹ bảo ngươi: “Gặp người đồng hương thì phải chăm lo cho họ một chút”, thì đó chỉ là câu nóisai lầm, ngươi nên gạt nó ra sau đầu và phớt lờ nó đi. Sau này, nếu cha mẹ bảo ngươi: “Đồng hương của chúng ta ở cùng hội thánh với con đó. Con có chăm sóc cho anh ấy không?” Ngươi trả lời thế nào? (Thưa, trong nhà Đức Chúa Trời, ai cũng như nhau.) Ngươi nên nói: “Con không có nghĩa vụ phải làm thế. Đừng nói là đồng hương, dù là cha mẹ, nếu cham mẹ đối nghịch với Đức Chúa Trời thì con cũng không chăm sóc đâu”. Có những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những quan niệm truyền thống của gia đình này. Hễ gặp ai có chút quan hệ thân thích với mình, mang cùng họ với mình, hoặc thuộc cùng dòng họ với mình, thì họ không thể làm ngơ. Nghe ai đó mang cùng họ với mình là họ bảo: “Ôi trời, chúng ta là người một nhà rồi. Nếu bàn về vai vế hiện tại, tôi phải gọi chị ấy là bà cô mới phải. Tôi chỉ là đời cháu của chị ấy thôi”. Họ sẵn sàng xem mình là cháu, và khi gặp người chị kia, họ không dám gọi là chị em hay gì cả, mà lúc nào cũng gọi là bà cô. Có người hễ gặp ai mang cùng họ với mình là cảm thấy đặc biệt thân thiết, bất kể người đó là hạng người gì. Làm thế có đúng không? (Thưa, không.) Đặc biệt, có những gia đình có truyền thống chăm sóc đặc biệt cho những ai cùng dòng họ, thường xuyên có qua có lại và giao du thân thiết với họ. Do đó, có vẻ như các gia đình của dòng họ hưng thịnh, nhân khẩu hưng thịnh, đặc biệt tưng bừng nhộn nhịp. Khi có chuyện gì đó, bà con xa đều đến giúp họ một tay, cho họ lời khuyên kế sách. Bị ảnh hưởng bởi gia phong này, có những người cảm thấy làm người như thế này khá tốt, ít nhất họ sẽ không bị cô đơn hay cô quạnh, khi gặp chuyện thì có người giúp đỡ. Những người khác thì có quan niệm gì? “Sống giữa mọi người thì phải ra dáng người sống”. Dù khó giải thích câu nói này, nhưng ai cũng hiểu được ý của nó. “Người ta phải sống có tình cảm của con người. Không có tình cảm của con người mà vẫn được gọi là con người sao? Nếu chuyện gì con cũng nghiêm túc và đứng đắn, luôn nói về nguyên tắc và lập trường, thì cuối cùng con sẽ chẳng còn thân thích hay bạn bè nào đâu. Sống giữa mọi người, thì cần phải có tình cảm con người. Người không liên quan gì đến dòng họ của ta thì chúng ta không nói, nhưng những người cùng họ hoặc dòng họ mình, thì chẳng phải ai cũng thân thiết sao? Con không được xa cách bất kỳ ai trong số họ. Khi con có việc, như bệnh tật, đám cưới, đám ma hay các chuyện lớn nhỏ khác, con chẳng cần người bàn bạc hay sao? Khi mua nhà, mua xe, mua đất, ai cũng có thể giúp một tay. Con không được xa cách những người này, mà phải dựa vào họ mà sống”. Bởi vì bị gia phong này ảnh hưởng sâu sắc, nên khi ra ngoài đời, và nhất là khi ở trong hội thánh, hễ gặp ai cùng dòng họ, là ngươi vô thức thân cận với họ, cảm mến đặc biệt với họ, thường chăm sóc và biệt đãi họ, giao thiệp với họ theo cách đặc biệt. Kể cả khi họ phạm sai lầm, ngươi cũng thường giơ cao đánh khẽ. Với những người không có quan hệ máu mủ thì ngươi làm việc và đối xử một cách công tâm. Nhưng với người cùng dòng họ thì khi làm việc ngươi sẽ bảo vệ, thiên vị ba phần, cái này nói thẳng ra là “thiên vị người nhà”. Có những người thường xuyên bị các tư tưởng này dẫn dắt, họ không căn cứ theo các nguyên tắc Đức Chúa Trời dạy mà đối xử với mọi người hoặc xử lý mọi chuyện trong cuộc sống, thay vào đó lại căn cứ theo sự ảnh hưởng của gia phong. Làm như thế có sai lầm không? (Thưa, có.) Ví dụ như, có người họ Trương gọi một người họ Trương khác hơn mình vài tuổi là “chị hai”. Người khác còn tưởng rằng họ là chị em ruột, nhưng thật ra, họ chẳng có quan hệ gì ngoài cái họ giống nhau, chẳng có quan hệ máu mủ gì cả. Tại sao người đó lại xưng hô như vậy? Đây chính là ảnh hưởng của gia phong. Hai người họ đi đâu cũng dính chặt với nhau, và chị ta có chuyện gì cũng tâm sự với “chị hai” của mình chứ chẳng chia sẻ với người ngoài. Tại sao lại thế? “Bởi vì chị ấy mang họ Trương như tôi. Chúng tôi là người một nhà. Tôi phải kể hết cho chị ấy. Không kể cho chị ấy thì kể cho ai? Không tin tưởng người nhà, mà tin tưởng người ngoài, thì chẳng phải là ngốc à? Dù có nói thế nào thì người ngoài vẫn không đáng tin, chỉ người nhà mới đáng tin thôi”. Khi chọn lãnh đạo hội thánh, chị ta vẫn chọn chị hai của mình, có người hỏi “Tại sao chị lại chọn chị ấy?” thì chị ta trả lời: “Vì chị ấy cùng họ với tôi. Tôi không chọn chị ấy thì chẳng phải là đại nghịch bất đạo à? Không chọn chị ấy thì tôi có còn là con người nữa không?” Hễ hội thánh có phúc lợi hay chuyện tốt gì, chị ta cũng nghĩ đến chị hai trước tiên. “Tại sao chị lại nghĩ đến chị ấy trước tiên?” “Vì chị ấy cùng họ với tôi, là người cùng gia tộc với tôi. Tôi không quan tâm chị ấy thì ai quan tâm đây? Không có tình cảm con người căn bản này thì tôi có còn là con người nữa không?” Bất kể những chuyện này đến từ tình cảm hay động cơ cá nhân, thì tóm lại, nếu ngươi bị những tư tưởng từ gia đình ảnh hưởng và hun đúc, thì ngươi nên lập tức quay đầu và đừng cư xử, xử sự và đối xử với mọi người bằng những phương thức này nữa. Dù những phương thức này là hẹp hòi hay rộng rãi thì chúng đều không phải là nguyên tắc và phương thức mà Đức Chúa Trời dạy cho ngươi. Ít nhất, chúng là những tư tưởng và quan điểm mà ngươi nên buông bỏ. Tóm lại, bất kỳ sự hun đúc nào từ gia đình mà không phù hợp với các nguyên tắc Đức Chúa Trời dạy, thì ngươi nên buông bỏ. Ngươi không nên đối xử hoặc giao thiệp với người khác bằng những phương thức này, cũng không nên xử lý mọi chuyện theo cách này. Có những người lập luận rằng: “Tôi không xử sự theo cách này thì tôi chẳng biết xử sự kiểu gì nữa”. Chuyện này dễ xử lý thôi. Trong lời Đức Chúa Trời có các nguyên tắc xử lý nhiều chuyện khác nhau. Nếu ngươi không thể tìm được con đường thực hành trong lời Đức Chúa Trời, thì hãy tìm một người anh em hay chị em hiểu phương diện lẽ thật này mà hỏi họ. Họ sẽ nói rõ ràng mọi chuyện cho ngươi hiểu. Đây là những điều mà người ta nên buông bỏ trong cách đối đãi với dòng họ, họ hàng và các vấn đề liên quan đến đối nhân xử thế.
Có những bậc cha mẹ thường xuyên càm ràm con gái mình: “Là phụ nữ, gả cho gà thì theo gà, gả cho chó thì theo chó. Gả vào nhà gà thì làm gà, gả vào nhà chó thì làm chó”. Câu này không bảo ngươi làm người tốt, mà bảo ngươi làm gà, làm chó. Con đường này có tốt không? Rất rõ ràng, vừa nghe là phân định được ngay, phải không? Câu này chắc chắn là nhắm đến phụ nữ, số phận của phụ nữ bi thảm như vậy đấy. Dưới sự ảnh hưởng và hun đúc từ gia đình, phụ nữ cam tâm sa đọa. Họ thật sự gả cho gà thì theo gà, gả cho chó thì theo chó, mà không nỗ lực để đi con đường tốt đẹp, cha mẹ bảo gì họ làm nấy thôi. Dù cha mẹ ngươi truyền thụ cho ngươi suy nghĩ này, nhưng ngươi nên phân định xem liệu suy nghĩ như thế là đúng hay sai, có lợi hay có hại với việc làm người của ngươi. Dĩ nhiên, chúng ta đã thông công về phương diện này trong chủ đề buông bỏ hôn nhân, nên giờ chúng ta sẽ không mổ xẻ và phân tích chúng một cách cụ thể nữa. Tóm lại, những tư tưởng và quan điểm sai lầm, thiên vị, thiển cận, ngu xuẩn và thậm chí là tà ác và sa đọa đến từ cha mẹ này chính là những gì ngươi nên buông bỏ. Nhất là những câu như “Gả cho gà thì theo gà, gả cho chó thì theo chó” mà chúng ta vừa thảo luận, và câu “Lấy chồng để có cơm ăn áo mặc”, ngươi nên phân định những câu nói này, đừng để những tư tưởng do cha mẹ truyền thụ đánh lừa và cho rằng: “Mình bị bán cho người mình cưới rồi. Người đó là chủ nhân của mình, bảo mình thế nào thì mình là thế đó, bảo mình làm việc gì thì mình làm việc đó, số phận của mình nằm trong tay người đó. Cưới nhau rồi thì mình và người đó như hai con châu chấu cột cùng một dây. Chồng được thì mình được, chồng mất thì mình mất. Do đó, câu nói “Gả cho gà thì theo gà, gả cho chó thì theo chó” của cha mẹ luôn luôn đúng. Phụ nữ không nên độc lập hay có bất kỳ sự mưu cầu gì, càng không nên có ý nghĩ hay nguyện vọng tạo lập nhân sinh quan đúng đắn và đi con đường nhân sinh đúng đắn. Phụ nữ chỉ nên nghe theo lời của cha mẹ, an phận làm theo câu: “Gả cho gà thì theo gà, gả cho chó thì theo chó” là được rồi.” Tư tưởng này có đúng không? (Thưa, không.) Tại sao lại không đúng? “Gả cho gà thì theo gà, gả cho chó thì theo chó” – còn có một câu nữa có nghĩa tương tự: “Hai con châu chấu cột cùng một dây”, nghĩa là một khi ngươi kết hôn thì số phận của ngươi bị gắn chặt với chồng. Chồng được thì ngươi được, chồng mất thì ngươi mất. Có phải như vậy không? (Thưa, không.) Trước hết hãy thảo luận về câu “Chồng được thì ngươi được”. Đây có phải là sự thật không? (Thưa, không phải.) Có ai nghĩ ra ví dụ nào để phản bác chuyện này không? Không nghĩ ra được gì sao? Để ta đưa ra một ví dụ. Chẳng hạn như, khi một người phụ nữ lấy chồng, cô ấy quyết tâm một lòng đi theo chồng. Điều này giống như câu phụ nữ hay nói: “Từ hôm nay, em thuộc về anh”, ngụ ý rằng: “Em đã bị bán cho anh, số phận em giờ gắn chặt với số phận anh”. Bỏ qua chuyện cô này cam tâm sa đọa, hãy thảo luận xem câu “Chồng được thì ngươi được” có đúng đắn hay không. Có thật là chồng được thì ngươi cũng được không? Giả dụ khi chồng ngươi lập nghiệp, tình hình không tốt, đâu đâu cũng vấp phải trắc trở, đâu đâu cũng là khó khăn, cần tiền không có, cần quan hệ cũng không có, muốn mở cửa hàng thì không có địa điểm thích hợp, muốn làm ăn thì không có thị trường, cũng không có người giúp đỡ. Ngươi là người vợ quyết một lòng đi theo chồng, dù chồng làm gì ngươi cũng không hề ghét bỏ, cũng ủng hộ vô điều kiện. Thời gian qua đi, việc làm ăn của anh ta khởi sắc, mở hết cửa hàng này đến cửa hàng khác, lợi ích kinh tế và lợi nhuận ngày càng tăng. Chồng ngươi trở thành ông chủ, rồi từ ông chủ trở thành đại gia. Chồng ngươi phát đạt nhỉ? Có câu “Đàn ông có tiền sẽ trở nên tồi tệ”, đương nhiên đây là một sự thật trong xã hội và thế giới tà ác này. Khi chồng ngươi thành ông chủ, cuối cùng thành đại gia, thì có dễ dàng trở nên tồi tệ không? Đó là chuyện chỉ trong phút chốc mà thôi. Khi chồng ngươi thành ông chủ và bắt đầu phát đạt, thì ngày tháng tươi đẹp của ngươi sẽ đến hồi kết. Tại sao lại thế? Ngươi sẽ bắt đầu lo lắng: “Anh ấy có người phụ nữ khác bên ngoài không? Anh ấy có ngoại tình không? Có ai quyến rũ anh ấy không? Anh ấy có chán mình không? Anh ấy có thay lòng đổi dạ không?” Những ngày tươi đẹp của ngươi đã kết thúc chưa? Sau bao nhiêu năm san sẻ khó khăn với chồng, ngươi cảm thấy khổ sở và mệt mỏi. Điều kiện sống của ngươi không tốt, sức khỏe thì sa sút, như đóa hoa tàn, trở thành bà cô già. Trong mắt chồng, ngươi không còn dễ thương như cô gái trẻ thuở ban đầu. Có lẽ anh ta nghĩ: “Giờ đã có tiền có thế, mình có thể tìm được người tốt hơn”. Khi anh tangày càng ghét bỏ ngươi, anh ta bắt đầu có những suy nghĩ mãnh liệt, bắt đầu thay đổi. Lúc đó chẳng phải ngươi đang rơi vào nguy hiểm sao? Anh ta đã trở thành ông chủ lớn, còn ngươi là bà cô già, địa vị giữa hai ngươi có phải đã có sự chênh lệch và không bình đẳng sao? Lúc này, chẳng phải ngươi không còn xứngvới anh ta nữa sao? Có phải anh ta cảm thấy địa vị của mình cao hơn ngươi không? Chẳng phải anh ta chẳng ngày càng khinh ghét ngươi sao? Nếu thế thì những ngày tháng khó khăn của ngươi chỉ mới bắt đầu. Cuối cùng, có lẽ anh ta sẽ làm theo ý muốn của mình và tìm một người phụ nữ khác, ngày càng ít ở nhà. Khi về đến nhà, hầu như lúc nào anh ta cũng cãi nhau với ngươi, rồi đóng sầm cửa bỏ đi ngay, đôi khi đi mấy ngày chẳng buồn liên lạc gì. Anh ta nể tình vợ chồng, có thể cho ngươi ít tiền, chu cấp cho ngươi cái ăn cái mặc hằng ngày đã là không tệ rồi. Nếu ngươi mà làm loạn lên, thì đến chi phí sinh hoạt anh ta cũng không cho. Thế nào? Anh ta phát đạt, số phận ngươi có tốt lên không? Ngươi hạnh phúc hơn hay bất hạnh hơn? (Thưa, bất hạnh hơn.) Ngươi bất hạnh hơn. Những ngày tháng bất hạnh của ngươi đã đến. Khi rơi vào những hoàn cảnh này, hầu như lúc nào phụ nữ cũng khóc hết nước mắt, và vì câu: “Chớ vạch áo cho người xem lưng” cha mẹ dạy, mà họ chịu đựng, nghĩ rằng: “Mình sẽ chịu đựng cho đến khi con mình khôn lớn, có thể chống lưng cho mình, thì mình sẽ bỏ chồng!” Có người đủ may mắn để thấy được ngày con trai họ trở thành chỗ dựa cho họ, trong khi những người khác thì không tiến xa đến thế. Khi con trai họ còn nhỏ, người chồng quyết định nuôi con và bảo vợ: “Cô đi đi, bà cô già!” Cô ấy bị xem như ăn mày, bị ném ra khỏi nhà. Vậy khi chồng được thì ngươi cũng được sao? Số phận của các ngươi thật sự gắn chặt với nhau sao? (Thưa, không.) Nếu việc làm ăn của chồng cứ lận đận hoặc sự nghiệp không được như ý, thì khi cần sự nâng đỡ, khích lệ, bầu bạn và chăm sóc của ngươi, khi không có vốn liếng, không có cơ hội để trở nên tồi tệ, có lẽ anh ta vẫn quý trọng ngươi. Khi anh ta không phát đạt, ngươi còn có chút cảm giác an toàn và còn có thể có người bầu bạn,còn có thể cảm giác được một chút ấm áp và hạnh phúc của hôn nhân. Bởi vì khi anh ta không phát đạt, người ngoài chẳng ai thèm quan tâm hay đánh giá cao anh ta, và người là người duy nhất anh ta có thể tin cậy, nên anh ta quý trọng ngươi. Nếu thế, ngươi sẽ cảm thấy an toàn và tương đối hạnh phúc, tốt đẹp hơn. Nhưng nếu anh ta phát đạt và cánh cứng rồi, thì anh ta sẽ bay đi, nhưng anh ta có đưa ngươi theo cùng không? Câu nói “Gả cho gà thì theo gà, gả cho chó thì theo chó” của cha mẹ có đúng không? (Thưa, không đúng.) Câu nói này rõ ràng là đẩy người phụ nữ vào hố lửa. Còn nguyên tắc “Anh ấy đi con đường đúng đắn thì mình sẽ đi theo, còn không thì mình sẽ bỏ anh ấy” có đúng đắn không? Nguyên tắc này cũng sai lầm. Cưới anh ta không có nghĩa là ngươi bán mình cho anh ta, cũng không nên xem anh ta như người ngoài. Ngươi thực hiện trách nhiệm mình nên thực hiện trong hôn nhân là đủ rồi. Nếu có thể đi chung một đường thì cứ đi còn nếu không thì giải tán. Ngươi đã thực hiện nghĩa vụ của mình rồi, lương tâm không có gì cắn rứt. Nếu anh ta cần ngươi thực hiện trách nhiệm bầu bạn với anh ta, thì cứ thực hiện, nếu không thì đường ai nấy đi. Nguyên tắc là vậy. Câu nói “Gả cho gà thì theo gà, gả cho chó thì theo chó” thật vô lý, và gây hại cho con người. Tại sao nó vô lý? Nó không có nguyên tắc: Bất kể là hạng đàn ông nào, ngươi cũng không phân định trắng đen mà đi theo anh ta. Nếu đi theo người tốt, thì đời ngươi sẽ đáng giá. Nhưng nếu ngươi đi theo người xấu, thì chẳng phải ngươi tự chuốc lấy cái khổ sao? Do đó, bất kể chồng ngươi là hạng người gì, ngươi đều nên có lập trường đúng đắn về hôn nhân. Ngươi cần phải hiểu rằng chỉ có lẽ thật mới đem lại sự bảo vệ thật sự và cung cấp con đường và nguyên tắc cho một cuộc sống có tôn nghiêm. Những gì cha mẹ cho ngươi chỉ là một kinh nghiệm nhỏ hoặc thủ đoạn nhỏ dựa trên tình cảm hay động cơ cá nhân của họ. Những lời khuyên đó căn bản không thể bảo vệ ngươi, cũng không thể cung cấp cho ngươi những nguyên tắc thực hành đúng đắn. Lấy câu “Gả cho gà thì theo gà, gả cho chó thì theo chó” làm ví dụ. Nó chỉ có thể khiến ngươi trở nên ngu muội trong chuyện hôn nhân, khiến ngươi đánh mất tôn nghiêm và cơ hội lựa chọn con đường nhân sinh đúng đắn. Quan trọng hơn nữa, có lẽ nó còn khiến ngươi đánh mất cơ hội được cứu rỗi. Vậy nên, bất kể mục đích đằng sau những lời nói của cha mẹ ngươi là gì, dù là để quan tâm, bảo vệ, dù là vì tình cảm, động cơ cá nhân hay bất kỳ mục đích nào khác, thì ngươi đều nên phậnbiệt những câu nói khác nhau của họ. Cho dù xuất phát điểm của họ là vì tốt cho ngươi và để bảo vệ ngươi, ngươi cũng không nên hồ đồ và ngu ngốc tiếp nhận chúng. Thay vào đó, ngươi phải tiến hành phân định chúng rồi tìm ra những nguyên tắc thực hành chính xác dựa trên lời Đức Chúa Trời, chứ đừng thực hành hay hành xử theo lời họ. Nhất là câu “Lấy chồng để có cơm ăn áo mặc” mà các thế hệ đi trước thường hay nói thì lại càng sai lầm hơn nữa. Phụ nữ không có tay, không có chân sao? Họ không thể tự kiếm sống sao? Tại sao họ phải dựa vào đàn ông để có cơm ăn áo mặc. Phụ nữ thiếu đầu óc hay sao? So với đàn ông, phụ nữ thiếu gì chứ? (Thưa, hoàn toàn không thiếu gì cả.) Đúng vậy, phụ nữ không thiếu gì cả. Phụ nữ có khả năng sinh tồn độc lập, đây là điều mà Đức Chúa Trời ban cho họ. Nếu phụ nữ đã có khả năng sống độc lập, tại sao họ phải trông cậy vào đàn ông để có ăn có mặc chứ? Đây chẳng phải là tư tưởng sai lầm sao? (Thưa, phải.) Đây là một kiểu truyền thụ tư tưởng sai lầm. Phụ nữ không nên tự hạ thấp giá trị của bản thân hay cam tâm sa đọa bởi vì câu nói này, dựa vào đàn ông để có ăn có mặc. Dĩ nhiên, nghĩa vụ của người đàn ông là cung cấp mọi chi phí sinh hoạt cho vợ và gia đình mình, bảo đảm người phụ nữ của mình có đủ ăn đủ mặc. Tuy nhiên, phụ nữ không nên lấy chồng chỉ vìcái ăn cái mặc, cũng không nên có những tư tưởng và quan điểm đó. Vì ngươi có khả năng sinh tồn độc lập, tại sao lại phải dựa vào đàn ông để có cái ăn cái mặc? Chẳng phải ở mức độ nào đó, điều này là do sự ảnh hưởng của cha mẹ ngươi và sự hun đúc của tư tưởng của gia đình sao? Nếu người phụ nữ tiếp nhận sự hun đúc của kiểu giáo dục gia đình này, thì người phụ nữ đó lười biếng, không muốn làm gì mà chỉ muốn dựa vào người khác để có ăn có mặc, hoặc là người đó tiếp nhận những tư tưởng của cha mẹ, tin rằng phụ nữ vô giá trị và không thể tự giải quyết được cái ăn cái mặc mà phải dựa vào đàn ông. Đây chẳng phải là cam tâm sa đọa sao? (Thưa, phải.) Tại sao lại nói tiếp nhận những tư tưởng và quan điểm này là sai? Chúng có ảnh hưởng gì? Tại sao phải buông bỏ những tư tưởng sa đọa như vậy? Nếu đàn ông cung cấp cho ngươi cái ăn cái mặc, thì ngươi xem anh ta là chủ nhân, là lãnh đạo trực tiếp, là người nắm quyền trong mọi chuyện, vậy chẳng phải ngươi sẽ hỏi ý anh ta trong mọi chuyện lớn nhỏ sao? (Thưa, phải.) Ví dụ như, nếu tin Đức Chúa Trời, có lẽ ngươi nghĩ: “Mình sẽ hỏi người nắm quyền xem mình có được tin Đức Chúa Trời không, anh ấy cho thì mình tin, anh ấy không cho thì mình không tin”. Kể cả khi nhà Đức Chúa Trời yêu cầu người ta thực hiện bổn phận, ngươi vẫn phải xin phép chồng mình, nếu anh ta vui vẻ đồng ý thì ngươi thực hiện bổn phận, nếu không thì ngươi đành chịu. Là người tin Đức Chúa Trời, việc ngươi có thể đi theo Đức Chúa Trời hay không tùy thuộc vào thái độ và cách đối đãi của chồng với ngươi. Chồng ngươi có thể phân định con đường nào là thật hay giả sao Nghe lời chồng có thể khiến ngươi được cứu rỗi và vào thiên quốc không? Nếu chồng ngươi khôn ngoan và có thể nghe được tiếng Đức Chúa Trời, nếu anh ta là chiên của Đức Chúa Trời, thì ngươi có thể được thơm lây theo, nhưng đó chỉ là thơm lây thôi. Tuy nhiên, nếu anh ta là kẻ vô lại và là kẻ địch lại Đấng Christ, không thể tiếp nhận lẽ thật, ngươi sẽ làm gì? Ngươi vẫn sẽ tin chứ? Ngươi không có tai, có não sao? Ngươi không thể nghe lời Đức Chúa Trời sao? Nghe rồi thì ngươi không thể tự phân định được sao? Chồng ngươi có quyết định được số phận của ngươi không? Anh ta có chủ tể và sắp đặt số phận của ngươi không? Ngươi bị bán cho anh ta sao? Ai cũng hiểu rõ những đạo lý này, nhưng khi gặp một số vấn đề nhất định có liên quan đến nguyên tắc, người ta thường vô thức bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng và quan điểm mà gia đình hun đúc. Khi bị những tư tưởng và quan điểm này ảnh hưởng, ngươi thường đưa ra phán đoán sai lầm, dưới sự chỉ đạo tư tưởng của phán đoán sai lầm, ngươi đưa ra những chọn lựa sai lầm và rồi chúng dẫn dắt ngươi đi con đường sai lầm, cuối cùng là dẫn đến diệt vong. Ngươi đã bỏ lỡ cơ hội thực hiện bổn phận, cơ hội đạt được lẽ thật và cơ hội được cứu rỗi. Điều gì dẫn đến sự diệt vong của ngươi? Nhìn bề ngoài, có vẻ là do ngươi bị một con người mê hoặc, ảnh hưởng và hủy hoại. Nhưng thực tế, chính tư tưởng thâm căn cố đế của ngươi đã hủy hoại ngươi. Nói cách khác, căn nguyên dẫn đến kết quả này chính là tư tưởng “Gả cho gà thì theo gà, gả cho chó thì theo chó”. Vì thế, việc buông bỏ suy nghĩ này là rất quan trọng.
Giờ nhìn lại những tư tưởng và quan điểm từ cha mẹ và gia đình mà chúng ta đã thông công có liên quan đến nguyên tắc và thủ đoạn xử thế, luật chơi, đạo lý đối nhân xử thế, việc đối đãi với chủng tộc, nam và nữ, hôn nhân, v.v… – trong số chúng có điều gì tích cực không? Có điều gì có thể dẫn dắt ngươi bước đi đến con đường mưu cầu lẽ thật ở một mức độ nhất định không? (Thưa, không.) Không có một điều nào khiến ngươi trở thành loài thọ tạo thật sự hoặc đạt tiêu chuẩn cả. Ngược lại, mỗi một điều trong số này đều làm hại ngươi sâu sắc, làm bại hoại ngươi dưới sự hun đúc của những tư tưởng và quan điểm như thế, làm cho sâu trong nội tâm con người thời nay bị các tư tưởng và quan điểm sai lầm khác nhau ràng buộc, kiểm soát, ảnh hưởng và quấy nhiễu. Mặc dù sâu trong nội tâm con người, gia đình là một nơi ấm áp, tràn đầy ký ức tuổi thơ và khiến con người cảm thấy tâm hồn có sự ỷ lại, nhưng không nên coi thường những ảnh hưởng tiêu cực khác nhau mà gia đình gây ra cho người ta. Sựi ấm áp của gia đình không thể hóa giải những tư tưởng sai lầm đó. Sự ấm áp của gia đình và những ký ức tươi đẹp mà nó đem lại chỉ cho người ta sự vỗ về và thỏa mãn nhất định về tình cảm xác thịt. Tuy nhiên, đối với những chuyện như cách làm người, cách xử thế, con đường nên đi, nhân sinh quan và giá trị quan nên có, v.v… thì sự hun đúc của gia đình chẳng có lợi gì mà chỉ có hại. Nhìn từ góc độ này, thậm chí trước khi bước vào xã hội, người ta đã bị những tư tưởng và quan điểm khác nhau trong gia đình làm cho bại hoại, họ đã trải qua sự hun đúc, kiểm soát và ảnh hưởng của những tư tưởng và quan điểm sai lầm khác nhau. Có thể nói rằng gia đình là nơi khai sáng mọi tư tưởng và quan điểm sai lầm của con người, là nơi mà chúng bắt đầu phát huy và được vận dụng thoải mái. Gia đình đóng vai trò như thế trong sự sống và cuộc sống của mọi người. Thông công chủ đề này không phải để yêu cầu người ta buông bỏ gia đình về mặt tình cảm hay có bất cứ sự đoạn tuyệt, cắt đứt với gia đình về mặt hình thức. Mà chỉ là yêu cầu người ta nhận biết và phân định một cách cụ thể, và dĩ nhiên là buông bỏ một cách chính xác và thực tế những tư tưởng và quan điểm sai lầm đến từ sự truyền thụ của gia đình. Đây là việc thực hành cụ thể mà những ai mưu cầu lẽ thật nên làm khi nói đến các chủ đề liên quan đến gia đình.
Chủ đề liên quan đến gia đình thì còn nhiều lắm. Những câu nói mà gia đình hun đúc người ta mà chúng ta đã thông công có phổ biến không? (Thưa, có.) Chúng ta thường nghe được những câu này trong các gia đình, không phải gia đình này thì cũng là gia đình kia. Những câu nói này chẳng phải khá phổ biến và có tính đại diện sao? Đại đa số gia đình đều đã truyền thụ những tư tưởng và quan điểm này ở những mức độ khác nhau. Mọi câu nói mà chúng ta đã thông công vốn xuất hiện theo nhiều cách khác nhau trong đại đa số gia đình và và chúng được truyền thụ cho người ta trong những giai đoạn trưởng thành khác nhau. Từ ngày người ta bị truyền thụ những tư tưởng này, họ bắt đầu tiếp nhận chúng, có sự ý thức và tiếp nhận nhất định với chúng, sau đó trong tình huống không có bất cứ khả năng phòng ngự nào, họ tiếp nhận những tư tưởng và quan điểm này như các thủ đoạn và phương thức xử thế của cuộc sống và sự sinh tồn sau này. Dĩ nhiên, nhiều người cũng xem chúng là nền tảng để có chỗ đứng trong xã hội. Do đó, những tư tưởng và quan điểm này không chỉ đầy rẫy trong cuộc sống của người ta mà còn đầy rẫy trong thế giới nội tâm của con người và trong nhiều vấn đề khác nhau mà họ gặp phải trên con đường sinh tồn. Khi những vấn đề khác nhau xuất hiện, những tư tưởng và quan điểm tồn tại trong lòng người này sẽ chỉ đạo cách họ xử lý những chuyện này; khi những vấn đề khác nhau nảy sinh, họ cũng bị những tư tưởng và quan điểm khác nhau cùng những nguyên tắc và thủ đoạn xử thế chi phối và nắm thế chủ đạo. Người ta có thể khéo léo vận dụng những tư tưởng và quan điểm sai lầm này trong cuộc sống thực tế. Dưới sự chỉ đạo của những tư tưởng và quan điểm sai lầm khác nhau, họ tự nhiên đi trên con đường sai lầm. Khi họ hành động, đối nhân xử thế, sống và sinh sinh tồn theo sự chỉ đạo của những tư tưởng sai lầm này, rõ ràng con đường nhân sinh của họ cũng là sai lầm. Vì căn nguyên của những suy nghĩ chỉ đạo của họ là sai lầm, nên hiển nhiên con đường của họ cũng là sai lầm, phương hướng của con đường họ đi là sai lầm, cho nên kết quả cuối cùng không cần nói cũng biết. Bị hun đúc bởi những tư tưởng khác nhau từ gia đình, người ta đi trên con đường sai lầm, rồi bị con đường sai lầm này dẫn đi sai hướng. Hậu quả là họ đi về phía địa ngục, đi về phía diệt vong. Xét cho cùng, căn nguyên sự diệt vong của họ đến từ sự hun đúc những tư tưởng sai lầm khác nhau của gia đình đối với họ. Nếu hậu quả đã nghiêm trọng như thế, thì người ta nên buông bỏ sự hun đúc nhiều tư tưởng khác nhau của gia đình. Trước mắt, ảnh hưởng của sự hun đúc nhiều tư tưởng sai lầm khác nhau đối với con người chính là khiến họ không thể tiếp nhận lẽ thật. Vì sự chỉ đạovà sự tồn tại của những tư tưởng sai lầm, mà người ta thường không thể đón nhận lẽ thật, đồng thời trong lòng còn cự tuyệt việc tiếp nhận lẽ thật và chống đối lẽ thật. Dĩ nhiên càng nghiêm trọng hơn là có một số người còn quyết định phản bội Đức Chúa Trời. Trước mắt là như thế, nhưng nhìn về lâu dài, trong tình huống người ta không thể tiếp nhận lẽ thật, hoặc làphản bội lẽ thật, thì những tư tưởng sai lầm này sẽ khiến họ liên tục đi con đường sai lầm làm trái lẽ thật, phản bội và chối bỏ Đức Chúa Trời. Dưới sự chỉ dẫn của một con đường sai lầm such, kể cả khi họ tỏ ra lắng nghe Đức Chúa Trời phán và tiếp nhận công tác của Ngài, thì cuối cùng họ cũng không thể đạt đến việc được cứu rỗi vì con đường sai lầm mà họ đang đi. Như thế thì thật sự đáng tiếc. Cho nên, nếu sự ảnh hưởng của gia đình có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như vậy, thì người ta không nên xem nhẹ những tư tưởng này. Nếu ngươi đã bị hun đúc bi những tư tưởng sai lầm của gia đình về các vấn đề khác nhau, thì ngươi nên xem xét chúng, rồi buông bỏ chúng, đừng giữ chặt chúng thêm nữa. Dù là tư tưởng nào, nếu nó sai lầm và làm trái lẽ thật, thì con đường đúng đắn duy nhất ngươi nên chọn chính là buông bỏ nó. Cách thực hành buông bỏ chính xác là: Tiêu chí hay cơ sở để ngươi nhìn nhận, hành động hay xử lý vấn đề này không còn là những tư tưởng sai lầm mà gia đình hun đúc cho ngươi nữa, mà phải dựa vào lời Đức Chúa Trời. Dù quá trình này có thể đòi hỏi ngươi phải trả một vài cái giá, khiến ngươi cảm thấy mình đang đi ngược lại ý muốn của bản thân, thấy ngươi đang bị mất hết thể diện và thậm chí còn bị tổn hại lợi ích xác thịt, nhưng bất kể gặp phải chuyện gì, ngươi cũng nên kiên trì thực hành theo lời Đức Chúa Trời và các nguyên tắc Ngài nói cho ngươi, không nên buông bỏ. Quá trình chuyển biến này chắc chắn sẽ khó khăn, sẽ không thuận buồm xuôi gió. Tại sao không thuận buồm xuôi gió? Nó là cuộc đọ sức giữa sự vật tích cực và sự vật tiêu cực, cuộc đọ sức giữa lẽ thật và những tư tưởng tà ác đến từ Sa-tan, cũng là cuộc đọ sức giữa ý chí và nguyện vọng tiếp nhận lẽ thật và những sự vật tích cực với những tư tưởng và quan điểm sai lầm trong lòng ngươi. Nếu đã có cuộc đọ sức, thì người ta sẽ chịu khổ và phải trả giá, đây là việc ngươi phải làm. Nếu muốn đi trên con đường mưu cầu lẽ thật và đạt đến việc được cứu rỗi, người ta phải tiếp nhận sự thật này và trải nghiệm những cuộc đọ sức này. Dĩ nhiên, khi tiếp nhận những cuộc đọ sức này, chắc chắn ngươi sẽ phải trả một vài cái giá, chịu đựng một vài đau khổ và từ bỏ một vài thứ. Bất kẻ quá trình như thế nào, thì mục tiêu cuối cùng là có thể đạt đến kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác, đạt được lẽ thật và việc được cứu rỗi. Do đó, bất kỳ cái giá nào phải trả cho mục tiêu này cũng đều xứng đáng, bởi vì đó là mục tiêu đúng đắn nhất và là mục tiêu mà ngươi phải mưu cầu để trở thành một loài thọ tạo đạt tiêu chuẩn. Để đạt được mục tiêu này, bất kể phải dốc bao nhiêu nỗ lực, phải trả giá bao nhiêu, ngươi cũng không được thỏa hiệp, trốn tránh hay sợ hãi, bởi vì chỉ cần ngươi mưu cầu lẽ thật, chỉ cần mục tiêu của ngươi là đạt đến kính sợ Đức Chúa Trời, lánh khỏi điều ác và đạt đến việc được cứu rỗi, thì khi trải nghiệm bất kỳ cuộc đọ sức hay chiến đấu nào, ngươi cũng không cô độc. Lời Đức Chúa Trời sẽ đồng hành với ngươi, ngươi có Đức Chúa Trời và lời Ngài làm hậu thuẫn, nên ngươi không cần phải sợ hãi, phải không nào? (Thưa, phải.) Vậy nhìn từ vài điểm này, dù là sự hun đúc của các tư tưởng sai lầm đến từ gia đình hay bất kỳ nơi nào khác, thì người ta đều nên chọn buông bỏ nó. Ví dụ như chuyện chúng ta vừa thông công, gia đình thường bảo ngươi: “Không nên có lòng hại người, nhưng phải có lòng phòng người.” Thật ra, thực hành buông bỏ tư tưởng này rất đơn giản: Cứ hành động theo những nguyên tắc mà Đức Chúa Trời nói cho con người. “Những nguyên tắc Đức Chúa Trời nói cho con người” – câu này rất chung chung. Vậy thực hành cụ thể thế nào? Ngươi không cần mổ xẻ xem mình có tâm hại người không, ngươi cũng không cần ngươi có tâm phòng người. Vậy ngươi nên làm gì? Một mặt, ngươi có thể chung sống hòa thuận với người khác một cách chính đáng, mặt khác, khi đối đãi với những người khác nhau, ngươi nên lấy lời Đức Chúa Trời làm căn cứ và lấy lẽ thật làm tiêu chí để phân định họ là loại người nào, rồi đối xử với họ theo các nguyên tắc tương ứng. Đơn giản vậy thôi. Nếu họ là anh chị em, thì đối xử với họ như anh chị em, nếu họ thiết tha mưu cầu, hy sinh và dâng mình, thì hãy đối xử với họ như anh chị em thật lòng thực hiện bổn phận. Nếu họ là người không tin, không sẵn lòng thực hiện bổn phận, chỉ muốn sống qua ngày đoạn tháng, thì ngươi không nên đối xử với họ như anh chị em, mà hãy đối xử với họ như người ngoại đạo. Khi nhìn nhận con người, ngươi nên nhìn xem họ là loại người nào, tâm tính và nhân tính của họ như thế nào, thái độ của họ đối với Đức Chúa Trời và lẽ thật như thế nào. Nếu họ có thể tiếp nhận lẽ thật và sẵn lòng thực hành lẽ thật, thì hãy đối xử với họ như anh chị em thật sự, như người nhà. Nếu nhân tính của họ không tốt, chỉ nói miệng sẵn lòng thực hành lẽ thật, có khả năng giảng đạo lý nhưng không bao giờ thực hành lẽ thật, thì hãy đối xử với họ như những kẻ phục vụ đơn thuần, chứ không phải như người nhà. Những nguyên tắc này nói cho ngươi điều gì? Chúng nói cho ngươi nguyên tắc đối xử với những loại người khác nhau – nguyên tắc này là việc đối đãi với người khác phải có trí tuệ mà chúng ta thường nói đến. Trí tuệ là một từ chung chung, nhưng nói một cách cụ thể, nó nghĩa là đối xử với những loại người khác nhau sẽ có những phương thức và nguyên tắc khác nhau, và tất cả đều căn cứ trên lẽ thật, chứ không phải căn cứ trên tình cảm, sở thích, quan điểm cá nhân, cũng không phải căn cứ trên việc họ có lợi hay có hại với ngươi, hay tuổi tác của họ, mọi sự chỉ căn cứ trên lời Đức Chúa Trời mà thôi. Do đó, khi đối xử với mọi người, ngươi không cần phải kiểm điểm bản thân xem liệu ngươi có tâm hại người hay tâm phòng người không. Nếu ngươi đối xử với mọi người theo các nguyên tắc và phương thức mà Đức Chúa Trời nói cho ngươi, thì ngươi sẽ tránh được mọi cám dỗ, sẽ không rơi vào bất kỳ cám dỗ hay tranh chấp giữa người với người nào. Đơn giản vậy thôi. Nguyên tắc thực hành này cũng phù hợp khi ngươi ở thế giới ngoại đạo. Khi gặp ai đó, ngươi sẽ nghĩ: “Người này là kẻ ác, là ma quỷ, ác ma, côn đồ, lưu manh. Mình không cần đề phòng hắn, không để tâm đến hắn, cũng không khiêu khích hắn. Nếu buộcphải giao thiệp với hắn vì quan hệ công việc, thì mình sẽ cư xử một cách lịch sự và khách quan. Nếu không cần thiết, thì mình sẽ tránh tiếp xúc hay giao du với hắn, không bảo vệ hay bợ đỡ hắn. Hắn sẽ không thể tìm ra lỗi lầm gì nơi mình. Nếu hắn muốn bắt nạt, thì mình đã có Đức Chúa Trời. Mình sẽ dựa vào Ngài. Nếu Đức Chúa Trời cho phép hắn bắt nạt mình, thì mình sẽ tiếp nhận và quy phục. Nếu Đức Chúa Trời không cho phép hắn bắt nạt mình, thì hắn không thể động đến dù chỉ một sợi tóc của mình.” Đây có phải là đức tin chân thực không? (Thưa, phải.) Ngươi phải có đức tin chân thực và đừng sợ kẻ đó. Đừng nói hắn chỉ là côn đồ lưu manh hay vô danh tiểu tốt, kể cả khi đối diện với con rồng lớn sắc đỏ, chúng ta cũng phải tuân thủ nguyên tắc này. Nếu con rồng lớn sắc đỏ cấm ngươi tin Đức Chúa Trời, ngươi có tranh luận với nó không? Ngươi có giảng đạo cho nó nghe không? (Thưa, không.) Tại sao lại không? (Thưa, vì giảng cho nó cũng vô ích.) Nó là ma quỷ, không xứng đáng nghe giảng đạo. Đừng ném ngọc trai cho heo. Đừng giảng lẽ thật cho súc sinh hay ma quỷ, lẽ thật là để nói cho con người. Kể cả khi súc sinh hay ma quỷ hiểu được, thì cũng đừng giảng cho chúng. Chúng không xứng! Nguyên tắc này thế nào? (Thưa, tốt.) Đối với những kẻ có nhân tính xấu, kẻ ác, kẻ ngu độn và kẻ ngang ngược bất chấp lý lẽ trong hội thánh, hay những kẻ có thế lực trong xã hội, thuộc danh gia vọng tộc, hoặc có máu mặt, thì ngươi nên đối xử thế nào? Họ nên được đối xử như thế nào, thì ngươi cứ đối xử với họ như vậy. Nếu họ là anh chị em, hãy giao du với họ. Nếu họ không phải là anh chị em, hãy lờ họ đi, đối xử với họ như kẻ chẳng tin. Nếu họ phù hợp với nguyên tắc về rao giảng phúc âm, thì hãy rao giảng phúc âm cho họ. Nếu họ không phải là đối tượng để rao giảng phúc âm, thì đừng gặp gỡ hay giao du với họ trong đời này. Đơn giản vậy thôi. Đối với ma quỷ và Sa-tan, ngươi không cần đề phòng, không cần tìm cách hãm hại hay trả thù. Cứ lờ chúng đi là được. Đừng chọc giận chúng, và đừng giao du với chúng. Nếu có chuyện bắt buộc phải giao thiệp hay qua lại với chúng, thì hãy cư xử một cách lịch sự và khách quan, làm việc theo nguyên tắc. Đơn giản vậy thôi. Các nguyên tắc và phương thức mà Đức Chúa Trời dạy cho con người để hành động và hành xử giúp ngươi làm người có tôn nghiêm, đồng thời giúp ngươi càng sống càng ra dáng con người hơn. Cách cha mẹ dạy ngươi bề ngoài trông có vẻ là để bảo vệ ngươi và muốn tốt cho ngươi, nhưng thật ra là chỉ cho ngươi con đường không đúng đắn và đẩy ngươi vào hố lửa. Điều họ dạy không phải là con đường đúng đắn cũng không phải là cách làm người khôn ngoan, mà là cách làm người bỉ ổi bẩn thỉu, không ăn khớp và không liên quan gì đến lẽ thật. Cho nên, nếu ngươi chỉ tiếp nhận những tư tưởng mà cha mẹ hun đúc cho ngươi, thì ngươi sẽ rất khó khăn và vất vả trong việc tiếp nhận lẽ thật, sẽ không dễ để thực hành lẽ thật. Tuy nhiên, nếu ngươi thật sự có lòng, có thể buông bỏ những tư tưởng liên quan đến cách làm người và nguyên tắc xử thế đến từ gia đình mình, thì ngươi sẽ dễ tiếp nhận lẽ thật hơn, sẽ dễ thực hành lẽ thật hơn.
Về sự hun đúc của gia đình, ngoài những tư tưởng và quan điểm mà chúng ta đã nhắc đến, thì còn điều gì nữa không? Các ngươi tổng kết lại xem. Có nhiều điều đến từ gia đình, và ở Trung Quốc, người ta hay gọi cái này là “văn hóa bàn ăn”. Ví dụ như, trên bàn ăn, một đứa con nói: “Lớp trưởng của con, đứa con gái có ba vạch kẻ trên tay áo, lúc nào cũng kiểm tra bài tập về nhà của con, dù con làm rồi vẫn cứ nói là con chưa làm. Nó lúc nào cũng bắt lỗi con.” Cha mẹ sẽ bảo đứa con rằng: “Con là con trai, nó là con gái. So đo với nó làm gì? Tập trung học hành và giành vinh quang cho mẹ con đi. Đến lúc làm lớp trưởng rồi, con có thể kiểm tra bài tập về nhà của nó, trả đũa nó, không phải sao?” Nghe vậy, đứa con nghĩ: “Hợp lý. Mình là con trai, dù nó là lớp trưởng thì vẫn là con gái. Mình so đo với nó làm gì? Nếu nó lại so đo với mình thì mình lờ nó đi là xong chuyện. Nó càng so đo với mình thì mình càng chăm học. Mình sẽ vượt qua nó, đến học kỳ sau, mình sẽ làm lớp trưởng và quản lý nó. Như thế chẳng phải xong chuyện rồi sao?” Đây là ví dụ về văn hóa bàn ăn. Trên bàn ăn, đứa con trai vừa khóc lóc thì cha mẹ sẽ bảo: “Nín đi! Khóc cái gì mà khóc, thật vô tích sự!” Khóc nghĩa là vô tích sự sao? Vậy người không khóc thì có triển vọng sao? Đứaứa con trai nào chưa từng khóc đều có triển vọng sao? Cứ nhìn những người có triển vọng đi, hồi nhỏ họ có khóc lóc, có rơi lệ không? Họ có tình cảm không? Họ có hỉ nộ ai lạc không? Họ có đủ cả. Bất kể là nhân vật xuất chúng hay một người bình thường, ai cũng có một mặt yếu đuối hoặc bản năng của nhân tính. Do sự giáo dục của cha mẹ và bối cảnh xã hội, người ta thường xuyên xem một mặt bản năng này là nhu nhược, hèn nhát, bất tài hoặc dễ bị bắt nạt. Họ không bao giờ dám bộc lộ ra, mà chỉ bí mật thể hiện nó một chút trong góc kín. Có những nhân vật xuất chúng, tới thời điểm khó khăn nhất trong sự nghiệp, không có ai giúp đỡ hay hỗ trợ, thì họ phải chờ đến khi mọi binh lính, thuộc hạ và người giúp việc xung quanh đi hết mới dám phát tiết cảm xúc bằng cách hú lên như sói trong phòng tắm. Hú xong rồi, họ nghĩ: “Có ai nghe thấy không nhỉ? Có phải nình đã hú hét quá buông thả không? Nên nhỏ tiếng một chút!” Nhưng nhỏ tiếng một chút thì có vẻ không đủ, nên họ lấy khăn bịt quanh miệng và tiếp tục hú như sói. Nhân tính bình thường cần được phát tiết và bộc lộ các cảm xúc khác nhau. Tuy nhiên, dưới áp lực chồng chất của xã hội này và sự áp chế của nhiều dư luận khác nhau, chẳng ai dám bộc lộ cảm xúc một cách bình thường. Bởi vì, bắt đầu từ sự giáo dục và hun đúc của gia đình, mỗi một cá nhân đều bị truyền thụ một vài thứ sai lầm, như “Nam nhi phải tự cường,” “Muốn rèn sắt thì thân phải mạnh”, “Cây ngay không sợ chết đứng,” và “Không làm việc bất chính, sợ gì quỷ gõ cửa,” còn có “Ngựa lành thì bị cưỡi, người lành thì bị bắt nạt”, chúng truyền đạt thông điệp rằng người ta nên tránh trở thành kẻ dễ bị bắt nạt, thay vào đó nên trở thành kẻ đi bắt nạt người khác. Chữ “lành” trong “Ngựa lành thì bị cưỡi, người lành thì bị bắt nạt” nghĩa là gì? Nghĩa là thật thà, chân chất, trung thành, hiền lành và chính trực. Nghĩa là nó gợi ý ngươi nên tránh làm loại người này, bởi vì loại người này dễ bị bắt nạt. Vậy ngươi nên trở thành gì? Ngươi nên trở thành côn đồ, lưu manh, kẻ vô lại, kẻ khốn nạn, kẻ ác, kẻ ác ôn, vậy thì không ai dám bắt nạt ngươi nữa. Dù ngươi đi đâu, nếu nói lý lẽ không được, thì ngươi phải chơi xấu, phải biết làm ầm lên, phải biết giả vờ, phải biết càn quấy, khóc lóc lăn lộn. Người như thế mới được hoan nghênh. Ở bất kỳ nơi làm việc hay nhóm xã hội nào, thông thường ai cũng sợ những người như vậy, chẳng ai dám kiếm chuyện với họ. Họ như phân chó thối hay con rệp vậy, dính vào rồi thì không giũ ra được. Ngươi phải trở thành loại người này. Đừng để người khác nghĩ ngươi dễ bắt nạt hay dễ trêu trọc. Toàn thân ngươi có gai. Nếu không có gai, ngươi sẽ khó có chỗ đứng trong xã hội này và sẽ luôn có người bắt nạt ngươi. Sự giáo dục của gia đình là một dạng dẫn dắt đối với con đường nhân sinh của ngươi, cũng là một dạng dạy dỗ và truyền thụ cụ thể đối với các nguyên tắc làm người của ngươi. Nghĩa là cha mẹ dùng những tư tưởng và câu nói này để dạy ngươi cách làm người, cách cư xử và xử sự. Họ bảo ngươi làm loại người gì? Ngoài mặt, một số cha mẹ nói lời dễ nghe: “Con tôi không cần thăng quan tiến chức nhanh chóng, cũng không cần trở thành người nổi tiếng gì, làm người tốt là được rồi.” Nhưng họ cũng nói với con những câu như: “Không nên có lòng hại người, nhưng phải có lòng phòng người,” “Ngựa lành thì bị cưỡi, người lành thì bị bắt nạt,” và “Nam nhi phải tự cường.” Vậy nói đi nói lại thì họ đang dạy con làm người tốt hay làm người như thế nào? (Thưa, họ đang khuyến khích con cái phải mạnh mẽ, hoặc ít nhất cũng phải bảo vệ được mình.) Ngươi nói xem, hầu hết các bậc cha mẹ muốn thấy con cái mình bắt nạt người khác hay là muốn thấy con cái mình đặc biệt chính trực và đi con đường đúng đắn nhưng thường xuyên bị bắt nạt và bị bài xích? Con cái làm loại người nào thì cha mẹ vui nhất, cảm thấy sống đáng tự hào nhất, nở mày nở mặt nhất? (Thưa, các bậc cha mẹ tự hào khi con cái họ có thể bắt nạt người khác, nhưng nếu con cái họ đi con đường đúng đắn và thường xuyên bị bắt nạt thì họ cảm thấy bị sỉ nhục.) Nếu ngươi đi con đường đúng đắn nhưng thường xuyên bị bắt nạt, cha mẹ ngươi đau buồn, trong lòng khó chịu và không bằng lòng. Lý do của chuyện này là gì? Bất kể lý do là gì, mọi tư tưởng và quan điểm mà cha mẹ dạy con cái về cách làm người và hành động đều sai lầm và đi ngược lại lẽ thật. Tóm lại, những tư tưởng và quan điểm mà cha mẹ truyền thụ cho ngươi sẽ không bao giờ dẫn dắt ngươi đến trước Đức Chúa Trời, cũng không dẫn dắt ngươi bước vào con đường mưu cầu lẽ thật. Dĩ nhiên, người ta sẽ không bao giờ đạt đến việc được cứu rỗi dưới sự hướng dẫn của những tư tưởng và quan điểm đó. Đây là sự thật hiển nhiên. Vậy nên, bất kể xuất phát điểm hay động cơ của cha mẹ ngươi là gì, bất kể họ có ảnh hưởng nào đối với ngươi, nếu điều ngươi sống thể hiện ra đi ngược với lẽ thật, chống đối lẽ thật, ngăn ngươi quy phục Đức Chúa Trời và lẽ thật, thì ngươi nên buông bỏ nó.
Về những tư tưởng đến từ sự hun đúc của gia đình được nói đến trong các buổi thông công vừa qua, dù những tư tưởng này được sử dụng rộng rãi và được phổ biến rộng rãi giữa mọi người, dù chúng được tiếp nhận rộng rãi hay có bao nhiêu người tiếp nhận chúng, người ta dựa vào chúng nhiều thế nào, thì với tác hại mà chúng gây ra cho con người, người ta bắt buộc phải buông bỏ những tư tưởng và quan điểm này. Họ phải xem xét lại hoặc đối diện với những chuyện khác nhau tương ứng với những tư tưởng và quan điểm này, phải tìm ra những con đường thực hành đúng đắn và những nguyên tắc lẽ thật trong lời Đức Chúa Trời, phải bước vào các thực tế lẽ thật với tiền đề là buông bỏ sự hun đúc tư tưởng này, như thế con người mới có hy vọng được cứu rỗi. Qua các buổi thông công về những tư tưởng và quan điểm cũng như những câu nói cụ thể mà gia đình hun đúc, Ta không biết các ngươi đã nhận biết các tư tưởng và quan điểm sâu trong linh hồni mình đến mức nào rồi. Tóm lại, bất kể thế nào, những buổi thông công này nên là hồi chuông cảnh tỉnh, đem lại nhận thức mới mẻ về khái niệm gia đình, hay nhận thức và lĩnh hội mới về sự hun đúc đến từ người thân trong gia đình, đến từ tư tưởng gia đình và gia phong, đem lại phương thức đối đãi hoàn toàn mới, cũng như đem lại khả năng đứng từ góc độ và lập trường đúng đắn mà đối đãi với gia đình mình. Bất kể bề ngoài ngươi đối đãi với gia đình như thế nào, tóm lại, đối với những tư tưởng và quan điểm sai lầm của gia đình ảnh hưởng đến cách nhìn nhận con người và sự việc, hành xử và hành động của ngươi, thì ngươi nên phân định từng cái một rồi dần buông bỏ chúng từng cái một, để từ đó đón nhận một cách đúng đắn các quan điểm và phương thức mà Đức Chúa Trời dạy cho con người, tiếp nhận những quan điểm và phương thức đúng đắn khác nhau mà Đức Chúa Trời dạy cho con người về cách nhìn nhận con người và sự việc, hành xử và hành động. Những ai thật sự mưu cầu lẽ thật thì nên làm như vậy.
Một tư tưởng và quan điểm quan trọng mà gia đình truyền thụ ngươi, đó là ngươi phải mạnh mẽ và dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để bảo vệ bản thân. Nhìn vào cách người ta bảo vệ lợi ích, xác thịt và an toàn cá nhân sau khi đã tiếp nhận những phương thức và thủ đoạn xử thế từ sự hun đúc của nhiều tư tưởng và quan điểm khác nhau, thì mục đích chính của việc gia đình truyền thụ những tư tưởng này là gì? Là để bảo vệ người ta khỏi bị bắt nạt. Giờ hãy xem xét thực chất của việc bị bắt nạt là gì. Bị bắt nạt là tốt hay không tốt? Có tránh được không? Có ai sống trên đời mà chưa từng bị bắt nạt không? Thế nào gọi là bị bắt nạt? Ngoài việc mong con cái hòa nhập vào xã hội và có chỗ đứng một cách bình thường, các bậc cha mẹ con luôn sợ con mình bị bắt nạt. Do đó, cha mẹ ngươi thường nói cho ngươi một số kế hay và thủ đoạn để xử thế, dùng những phương thức này để bảo vệ ngươi và ngăn ngươi khỏi bị bắt nạt. Bởi vì cha mẹ đâu thể lúc nào cũng đồng hành hay bảo vệ ngươi, khi đôi cánh ngươi cứng cápvà ngươi phải bay một mình, họ trang bị cho ngươi một số tư tưởng và quan điểm để bảo đảm ngươi không bị bắt nạt. Những tư tưởng và quan điểm này có đúng đắn không? Các ngươi có sợ bị bắt nạt không? Các ngươi có tư tưởng và quan điểm này không: “Khi bước chân vào xã hội và các nhóm xã hội, nhất là khi tiếp xúc với người ngoại đạo, mình sợ sẽ bị bắt nạt, đây là chuyện khiến mình bận lòng nhất. Nếu gặp phải ai đó có năng lực tương đương, thì mình vẫn có thể vùng lên. Nhưng nếu gặp ai đó ác hơn mình, thì mình không dám phản kháng. Họ bắt nạt mình kiểu gì thì mình chịu kiểu ấy thôi. Mình chẳng thể làm được gì. Họ có người chống lưng, có bối cảnh, mình chỉ còn cách chịu đựng thôi.” Có phải đây là tư tưởng và quan điểm của hầu hết mọi người không? (Thưa, con từng có những quan điểm này. Sau khi tin Đức Chúa Trời, con bắt đầu chung sống hòa thuận với các anh chị em. Khi tiếp xúc với người ngoại đạo, kể cả khi bị bắt nạt và hãm hại, con biết đây là việc mà Đức Chúa Trời cho phép và có bài học mình nên học. Nên con bớt sợ rồi, thay vào đó con đã học được cách dựa vào Đức Chúa Trời để trải nghiệm chuyện này.) Loại người nào đặc biệt đáng sợ? (Thưa, là những người không tin Đức Chúa Trời.) Ngoài những người này ra, còn có những người đặc biệt nhút nhát, người hướng nội, người tự ti, người nhu nhược và hèn nhát, người dung mạo không hấp dẫn hoặc dáng người thấp bé, người xuất thân bần cùng – nhất là những người có bối cảnh gia đình bị chế giễu hoặc kỳ thị – người có địa vị xã hội thấp, người thiếu kỹ năng hay chuyên môn, phải làm việc tay chân, người bị khuyết tật cơ thể, và nhiều kiểu người khác. Tất cả những người này dễ bị bắt nạt hơn và sợ bị bắt nạt. Có phải bắt nạt là chuyện phổ biến trong xã hội không? (Thưa, phải.) Ở đâu có con người thì ở đó có chuyện bắt nạt Chuyện bắt nạt từ đâu mà có? (Thưa, bởi vì sau khi bị Sa-tan làm cho bại hoại, con người trở nên rất tà ác, đều muốn bắt nạt người khác còn mình thì không bị bắt nạt. Cho nên những chuyện chèn ép người khác xảy ra khắp nơi.) Đây là một nguyên nhân. Có người không muốn bị người khác bắt nạt, nên họ ra tay trước để chiếm lợi thế, bắt nạt và hăm dọa người khác trước để không ai dám bắt nạt họ. Thật ra, theo ý định ban đầu, họ đâu muốn làm người như vậy, họ cũng thấy mệt mỏi lắm. Khi quật ngã người khác, chẳng phải ngươi cũng mệt mỏi sao? Có câu nói: “Giết địch một ngàn, ta mất tám trăm.” Lấy con nhím làm ví dụ: Sau khi dựng hết gai lên, chẳng phải hệ thần kinh của nó sẽ mệt lử sao? Nó chích thì người ta đau, bản thân nó cũng mệt. Nếu mệt vậy thì tại sao lại làm? Để tự vệ, thì phải mệt một chút. Bởi vì thế giới tà ác không có nguyên tắc tích cực hay đúng đắn để đối xử với những người khác nhau, con người được phân loại theo triết lý xử thế của Sa-tan và cấp bậc cao thấp giàu nghèo mà xã hội đặt ra cho con người, sự chia rẽ và phân đẳng cấp nảy sinh giữa mọi người dựa trên các tiêu chí và nguyên tắc phân chia bất bình đẳng. Và như thế, người ta không thể chung sống một cách công bằng và hòa thuận. Họ đấu đá để trở thành người thuộc tầng lớp thượng lưu, để đứng trên thiên hạ. Những người ở trên đỉnh có thể thống trị người khác, có thể tùy tiện bắt nạt và kiểm soát người khác. Bởi vì xã hội này bất công, nên các nguyên tắc đối xử với con người cũng bất công. Do đó, giữa người với người chắc chắn không thể chung sống hòa thuận, các nguyên tắc, phương thức và thủ đoạn để chung sống giữa người với người đều trở nên bất công. Sự bất công này nói một cách cụ thể là người với người so bì thế lực, bối cảnh gia đình, kỹ thuật, bản lĩnh, dung mạo, chiều cao, cũng như những thủ đoạn, âm mưu, kế sách. Tất cả những thứ này phát xuất từ đâu? Chúng không đến từ lẽ thật hay từ Đức Chúa Trời, mà đến từ Sa-tan. Những thứ đến từ Sa-tan được truyền thụ con người và họ sống dựa vào chúng, vậy ngươi nói xem, con người chung sống với nhau như thế nào? Họ có đối xử công bằng với tất cả mọi người không? (Thưa, không.) Tuyệt đối là không. Thậm chí nguyên tắc bầu chọn đơn giản nhất trong nhà Đức Chúa Trời có thể thực hiện được ở thế giới tà ác của Sa-tan không? (Thưa, không thể.) Thực chất của việc không thể thực hiện được là gì? Là vì thế giới này không được lẽ thật cai trị, mà nó bị những trào lưu tà ác, bị những tư tưởng và triết lý của Sa-tan cai trị. Vậy nên người ta chỉ có thể bắt nạt và khống chế lẫn nhau – cục diện chỉ có thể là vậy. Không thể nào tránh được chuyện bắt nạt, đây là điều rất bình thường. Bởi vì thế giới này không nằm dưới sự cai trị của lẽ thật, nên trong thế giới tà ác này, khi người ta chung sống với nhau, nếu ngươi không bắt nạt người ta thì sẽ bị người ta bắt nạt. Ngươi chỉ có thể đóng một trong hai vai trò đó. Kỳ thực, mọi người đều bắt nạt và bị bắt nạt. Lý do là vì luôn có người ở trên ngươi và luôn có người ở dưới ngươi. Ngươi bắt nạt người khác vì ngươi có địa vị cao hơn họ, nhưng đồng thời lại có những người có thân phận và địa vị cao hơn ngươi sẽ bắt nạt ngươi, còn ngươi sẽ phải chịu đựng sự bắt nạt của họ. Giai cấp này bắt nạt giai cấp kia. Đây là mối quan hệ giữa người với người, là mối quan hệ bắt nạt hoặc bị bắt nạt. Chỉ có mối quan hệ đó thôi. Không có tình thân gia đình thật sự, không có lòng yêu thương, không có sự bao dung, sự nhẫn nại, không có chuyện đối xử với mọi người một cách công bằng và ngay thẳng theo các nguyên tắc. Vì thế giới này đâu được cai trị bởi lẽ thật, mà bởi Sa-tan, nên những mối quan hệ giữa người với người chỉ có thể là mối quan hệ bắt nạt hoặc bị bắt nạt, lợi dụng hoặc bị lợi dụng. Đây là điều chắc chắn, không ai có thể tránh thoát. Ngươi nói mình là đại ca xã hội đen, có nhiều tay sai và thuộc hạ đều bị ngươi bắt nạt và khống chế. Nhưng phía trên đại ca xã hội đen còn có ông trùm, còn có cả chính quyền nữa. Dù có câu quan và cướp là một giuộc, nhưng đôi khi chính quyền cố ý kiếm chuyện, nắm được sơ hở thì sẽ không tha cho ngươi. Ngươi sẽ phải nộp cả đống tiền cho đồn cảnh sát, vỗ về nịnh nọt họ. Ngươi xem, đại ca xã hội đen khá nở mày nở mặt, nhưng khi vào đồn cảnh sát vẫn phải cúi đầu khom lưng, không dám ngạo mạn. Người ngoại đạo có những câu như: “Đạo cao một thước, ma cao một trượng” và “Ngoài trời còn có trời cao hơn, người giỏi còn có người giỏi hơn”. Nghĩa là tất cả mọi người, ai cũng bắt nạt người khác và bị người khác bắt nạt, đây là thực chất và hiện tượng của bắt nạt.
Bắt nạt là chuyện không ai có thể tránh khỏi, vậy người ta nên đối đãi nó như thế nào? Trong hội thánh, dù ngươi không sợ bị bắt nạt, nhưng vấn đề này có tồn tại không? Nó có thể xảy ra không? Khi giao thiệp với người ngoại đạo, ngươi có thể bị họ bắt nạt. Vậy việc này có xảy ra trong hội thánh không? (Thưa, cũng có xảy ra.) Có đấy, ở nhiều mức độ khác nhau, vì tất cả con người đều bị Sa-tan làm bại hoại. Khi chưa đạt đến việc được cứu rỗi, con người thường bộc lộ sự bại hoại, và một phương diện của việc bộc lộ sự bại hoại đó là đối đãi với người khác theo ý mình, không thể đối xử công bằng với họ. Khi chuyện đối xử bất công với người khác xuất hiện, thì việc bắt nạt và bị bắt nạt cũng xuất hiện. Vì vậy những việc này thi thoảng xảy ra và mọi người không thể trốn thoát hay tránh khỏi chúng được. Nguyên tắc đúng đắn cho việc giải quyết và xử lý vấn đề này là gì? (Thưa, căn cứ theo lời Đức Chúa Trời, căn cứ theo nguyên tắc.) Trên lý thuyết thì nói như vậy. Thế còn phương thức thực hành cụ thể thì sao? Ngươi nhận thức vấn đề bắt nạt và bị bắt nạt như thế nào? Giả sử ngươi viết thư phản ánh những vấn đề của một lãnh đạo giả, và lãnh đạo giả đó muốn bắt nạt ngươi, nói rằng: “Nếu anh không cư xử đúng mực, nếu anh còn tiếp tục phản ánh vấn đề của tôi lên cấp trên, mách lẻo về tôi, hoặc viết những thứ tiêu cực trong đánh giá về tôi, tôi sẽ giết anh! Tôi có quyền khai trừ anh. Anh có sợ không hả?” Ngươi xử lý tình huống này như thế nào? Họ đang uy hiếp ngươi; nói một cách cụ thể là họ đang bắt nạt ngươi. Họ có quyền lực, còn ngươi chỉ là một tín hữu bình thường, vậy nên họ tùy tiện trừng trị ngươi mà không hề có nguyên tắc hay ranh giới tối thiểu nào. Họ đối đãi với ngươi như cách mà Sa-tan đối đãi với con người. Nói một cách cụ thể, chẳng phải họ đang bắt nạt ngươi sao? Chẳng phải họ đang cố gắng trừng trị ngươi sao? (Thưa, phải.) Vậy ngươi xử lý chuyện này thế nào? Ngươi thỏa hiệp hay giữ vững nguyên tắc? (Thưa, giữ vững nguyên tắc.) Trên lý thuyết, con người nên giữ vững nguyên tắc và không sợ lãnh đạo giả này. Cơ sở cho điều này là gì? Tại sao ngươi không thể sợ họ? Nếu họ thực sự khai trừ ngươi, ngươi có sợ không? Bởi vì họ thực sự có thể khai trừ ngươi, nên ngươi có thể không dám tuân thủ nguyên tắc, và có thể bị dọa sợ. Vấn đề này bị kẹt ở đâu? Tại sao ngươi lại sợ? (Thưa, vì con không tin rằng nhà Đức Chúa Trời nằm dưới sự thống trị của lẽ thật.) Đó là một phương diện. Ngươi cần phải có đức tin và nói rằng: “Anh là kẻ ác. Đừng tưởng rằng hiện tại anh là lãnh đạo thì anh có quyền khai trừ tôi. Khai trừ tôi là việc sai trái. Sớm muộn chuyện này cũng bị phơi bày thôi. Nhà Đức Chúa Trời không phải do mình anh quyết định. Nếu hôm nay anh khai trừ tôi, thì ngày mai anh sẽ bị trừng phạt. Không tin cứ chờ mà xem. Nhà Đức Chúa Trời do lẽ thật và Đức Chúa Trời cai trị. Con người không trị được anh, nhưng Đức Chúa Trời có thể vạch trần và loại bỏ anh. Khi những việc sai trái của anh bị phơi bày, cũng là lúc anh phải đối mặt với sự trừng phạt.” Ngươi có đức tin này không? (Thưa, có.) Có sao? Vậy tại sao các ngươi không nói ra? Có vẻ ngươi sẽ gặp nguy hiểm nếu đụng phải những tình huống như thế này; ngươi không có can đảm, cũng không có đức tin chân thật. Khi ngươi thực sự đối diện với những chuyện này, khi ngươi đụng phải những kẻ ác và những kẻ địch lại Đấng Christ hung dữ thế này, những kẻ mà thủ đoạn trừng trị của họ có thể sánh ngang với thủ đoạn của con rồng lớn sắc đỏ, thì ngươi sẽ làm gì? Ngươi sẽ bắt đầu khóc lóc và nói: “Ôi, vóc giạc của con còn nhỏ, con nhát lắm. Từ nhỏ con đã hay sợ rồi, thậm chí lá rơi con cũng sợ trúng vào đầu. Con thực sự mong là không gặp phải những người như thế. Lỡ họ bắt nạt con thì biết phải làm sao?” Họ có bắt nạt ngươi không? Họ không bắt nạt ngươi; đó là Sa-tan đang trừng trị ngươi. Nhìn từ góc nhìn của con người, ngươi sẽ nói: “Người này thật ghê gớm, có địa vị, và bắt nạt những người thật thà không có địa vị.” Chuyện đang xảy ra có phải thế không? Từ quan điểm về lẽ thật, đó không phải là bắt nạt; mà là Sa-tan đang trừng trị con người, lừa gạt họ, làm họ bại hoại và chà đạp họ. Ngươi giải quyết và xử lý những hành động này của Sa-tan như thế nào? Ngươi có nên sợ không? (Thưa, không nên; con nên tố giác và vạch trần họ.) Trong lòng ngươi không nên sợ họ. Nếu thời cơphản ánh vấn đề của họ và chống đối với họ không phù hợp, ngươi nên tạm thời nhịn xuống trước và tìm thời cơ thích hợp để phản ánh họ lên trên sau. Nếu giữa các anh chị em có những người biết phân biệt như ngươi, thì các ngươi nên đoàn kết để phản ánh và phơi bày những việc ác của họ. Nếu không có ai biết phân biệt, và khi ngươi đứng ra phản ánh họ, mọi người ruồng rẫy ngươi, thì hãy nhẫn nại một chút. Khi các lãnh đạo cấp cao hơn đến hội thánh của các ngươi để kiểm tra và giám sát tiến độ công tác, hãy tìm một thời cơ phù hợp để phản ánh những vấn đề của họ với các lãnh đạo đó, nõi rõ ràng đầu đuôi ngọn ngành sự thật về những việc ác họ làm và để các lãnh đạo cách chức họ. Như vậy có khôn ngoan không? (Thưa, có.) Một mặt, ngươi phải có đức tin và không sợ những kẻ ác, những kẻ địch lại Đấng Christ, hoặc Sa-tan. Mặt khác, ngươi không nên coi hành động của họ đối với ngươi là một người đang bắt nạt người khác; ngươi nên coi thực chất của việc này giống như việc Sa-tan đang lừa gạt, trừng trị và chà đạp con người. Sau đó, tùy vào tình huống, ngươi nên vận dụng sự khôn ngoan để đối phó với sự trừng trị của họ, tìm thời cơ thích hợp để vạch trần và tố giác họ, bảo vệ lợi ích của nhà Đức Chúa Trời và công tác của hội thánh. Đây chính là lời chứng ngươi nên đứng vững, là bổn phận và nghĩa vụ ngươi nên thực hiện với tư cách một con người. Cho dù họ bắt nạt và đối xử bất công với ngươi thế nào đi nữa, đừng coi đó là bắt nạt. Không phải họđang bắt nạt ngươi; mà là Sa-tan đang lừa gạt, chà đạp và trừng trị con người. Con rồng lớn sắc đỏ hãm hại các tín hữu của Đức Chúa Trời, ngươi nói xem đó có phải là bắt nạt ngươi không? (Thưa, không.) Nó không bắt nạt ngươi. Tại sao nó lại hãm hại ngươi? (Thưa, vì thực chất của nó là chống đối Đức Chúa Trời.) Thực chất của nó là chống đối Đức Chúa Trời. Nó coi Đức Chúa Trời như kẻ thù và coi toàn bộ công tác của Đức Chúa Trời là cái đinh trong mắt, cái gai trong thịt. Nó còn coi những người được Đức Chúa Trời chọn là kẻ thù. Nếu ngươi đi theo Đức Chúa Trời, nó sẽ căm ghét ngươi, như trong Kinh Thánh có nói: “Ví bằng người đời ghét các ngươi, thì hãy biết rằng họ đã ghét ta trước các ngươi”. (Giăng 15:18). Con rồng lớn sắc đỏ căm ghét con người, căm ghét Đức Chúa Trời, coi Đức Chúa Trời là kẻ thù, và còn hơn thế nữa, coi những người đi theo Đức Chúa Trời, nhất là những người thực hành lẽ thật là kẻ thù. Đó là lý do nó muốn hãm hại ngươi, sát hại ngươi, cản trở ngươi đi theo Đức Chúa Trời, khiến ngươi thờ phượng và đi theo nó, khiến ngươi rủa sả Đức Chúa Trời. Ngươi có thể nói: “Tôi sẽ không rủa sả Ngài”. Sau đó nó sẽ uy hiếp ngươi: “Không rủa sả Đức Chúa Trời, thì phải chết!” Nó sẽ cố ép ngươi nói: “Đảng Cộng Sản tốt lắm”, và ngươi sẽ đáp lại: “Tôi không nói thế đâu”. Rồi nó lại nói: “Nếu anh không nói, tôi sẽ khiến cho anh phải khổ sở, dùng cực hình với anh, dùng cực hình để bắt anh nói!” Đó có phải là bắt nạt ngươi không? Không, đó là Sa-tan đang sát hại con người. Ngươi có hiểu không? (Thưa, con hiểu.) Ngươi phải có sự đón nhận đúng đắn về cách xử lý chuyện bắt nạt con người này. Trong xã hội và giữa những nhóm người, nếu ngươi nhìn từ góc nhìn của con người, mỗi người vừa đóng vai bắt nạt vừa đóng vai bị bắt nạt. Nhưng nếu ngươi nhìn từ góc nhìn của lẽ thật, ngươi sẽ không thấy như vậy. Thực chất hành vi của bất cứ người nào muốn bắt nạt ngươi và khống chế ngươi đều không được coi là bắt nạt, Mà đúng hơn, nó là sự lừa gạt, sát hại, thao túng, chà đạp và làm bại hoại của Sa-tan. Nói cụ thể hơn, nghĩa là không đối đãi với ngươi theo những phương thức có lý tính và nhân tính, không đối đãi với ngươi một cách công bằng, mà ngược lại, đang làm theo góc nhìn và lập trường của Sa-tan, theo sự chỉ đạo của những tư tưởng của Sa-tan mà đối đãi với ngươi, nói chuyện với ngươi, và chung sống với ngươi. Giả sử ngươi và một kẻ ác ở chung phòng. Ngươi đến trước, vì vậy ngươi nên chọn một chỗ phù hợp trước, và ngươi chọn giường ngủ ở dưới. Khi hắn đến, thấy vậy bèn nói: “Anh chọn giường dưới như thế có hợp lẽ không? Tôi còn chưa chọn nữa mà, đến lượt anh chắc? Anh dám qua mặt tôi ngủ ở giường dưới sao? To gan đấy! Anh không thèm bàn bạc với tôi mà dám chọn giường dưới để ngủ. Lên giường trên mau!” Ngươi đáp trả: “Tại sao anh không ngủ giường trên đi? Anh đến sau tôi; theo thứ tự, anh nên ngủ ở giường trên mới phải.” Hắn nói: “Thứ tự? Tôi chẳng theo thứ tự nào cả! Tôi không xếp hàng ở đâu hết; gặp tổng thống tôi còn không xếp hàng nữa cơ! Anh cũng không nghe ngóng xem tôi là ai à? Dám nói chuyện xếp hàng với tôi – thật to gan! Anh muốn chết à? Lên giường trên mau!” Vậy là ngươi phải ngoan ngoãn lên ngủ ở giường trên. Đây có phải đang bắt nạt ngươi không? Từ góc nhìn của con người, đây có vẻ là bắt nạt. Họ thấy ngươi là người hiền lành, là người họ có thể thao túng. Trước hết họ ra oai phủ đầu với ngươi và dạy cho ngươi một bài học để ngươi biết họ là ai. Đây là nhìn theo góc nhìn của con người hoặc góc nhìn của tình cảm và xác thịt con người. Nhưng nếu nhìn nó từ góc nhìn của lẽ thật, ngươi có thấy nó như vậy không? Ngươi đã chọn giường dưới trước, mọi thứ đều sắp xếp ổn thỏa rồi, nhưng họ một mực đòi ngươi phải chuyển chỗ, làm phiền ngươi chuyển lên giường trên. Đây có phải là không nói lý lẽ không? Đây có phải là đang trừng trị ngươi không? Đây có phải là đang không đối đãi với ngươi như một con người không? Chẳng phải họ đang thiếu tôn trọng ngươi sao? Chẳng phải họ đang ra vẻ như mình là ông lớn, và coi ngươi như một tên đầy tớ hay nô lệ sao? Tư tưởng lo-gic của họ là gì? Người nào không ghê gớm như họ thì đều là đầy tớ của họ, là đối tượng để họ sai khiến, là đối tượng để họ trừng trị. Từ góc nhìn của lẽ thật, đây không được gọi là bắt nạt; mà là trừng trị con người. Ai có thể trừng trị con người? Những kẻ ác, ác ma, côn đồ, lưu manh, phường ác ôn, những kẻ không biết lý lẽ, không có nhân tính, và không biết tôn trọng bất cứ ai. Đi đâu họ cũng không tuân thủ khuôn phép nào cả. Họ chính là ông chủ, chuyện gì tốt, chiếm lợi thế vàcó lợi đều thuộc về một mình họ. Những người khác không được phép chiếm lấy hoặc thậm chí nghĩ đến chuyện chiếm lấy chúng. Đây chẳng phải là ác ôn sao? (Thưa, phải.) Đây là những việc mà những kẻ ác ôn và ác ma hay làm. Họ trừng trị ngươi như vậy, ngươi có sợ không? Ngươi sẽ nghĩ: “Ôi trời ơi, vẫn còn những người ghê gớm thế này cơ đấy. Họ thậm chí còn nghĩ mình ngủ giường dưới là sai. Chuyện gì đang xảy ra vậy?” Ngươi sẽ hoảng sợ, và từ đó, khi nói chuyện với họ, ngươi phải lựa lời mà nói. Ngươi phải cân nhắc xem: “Mình không được làm phật ý họ, không được chọc giận họ. Nếu chọc giận họ, mình sẽ khốn khổ với họ.” Nếu ngươi có tâm lý này, thì họ đã đạt được mục đích của mình. Mục đích của họ là gì? Họ muốn dọa ngươi, muốn làm ngươi sợ họ, tạo ra sự khác biệt về đẳng cấp giữa ngươi và họ, họ làm ông chủ còn ngươi làm đầy tớ, đi đâu ngươi cũng phải nghe lời họ và nhường nhịn họ. Đây chẳng phải là nguyên tắc hành động của Sa-tan sao? Họ phải là ông chủ của ngươi, ngươi phải là đầy tớ của họ. Ngươi phải bị họ tùy tiện dạy dỗ, sai khiến, và bỡn cợt; phải nhường nhịn họ trong mọi việc. Ngươi không được ngang vai ngang vế với họ; nếu ngươi muốn ngang vai ngang vế với họ, thì chỉ có một tình huống duy nhất, trừ khi họi chết – ngươi chỉ xứng đáng ngang vai ngang vế với người chết. Nói xem, ngươi bị họ bắt nạt tới mức nào rồi? Sâu trong nội tâm, có phải những việc ác và khí thế đó khiến ngươi hoảng sợ không? (Thưa, phải.) Ngươi đã chấp nhận sự thật này, ngươi đã thỏa hiệp, vậy nên có thể nói rằng kết quả là ngươi đã bị họ làm bại hoại không? Họ đã nắm chặt ngươi trong lòng bàn tay; khi họ hành ác và đi ngược lại nguyên tắc, ngươi không dám phản ánh vì hồi đó với chỉ một cú đá, họ đã chuyển ngươi từ giường dưới lên giường trên. Ngươi không dám chọc giận họ nữa; khi thấy họ, ngươi đi đường vòng, chỉ mới nhắc đến họ thôi là ngươi đã toát mồ hôi lạnh. Đây có phải là bị họ dọa sợ rồi không? Ngươi không dám đối đãi với họ công bằng theo nguyên tắc; họ đã nắm chặt ngươi trong tay. Thực chất của việc họ nắm chặt ngươi trong tay là gì? Nghĩa là họ chiếm hữu và khống chế ngươi. Có phải thế không? (Thưa, phải.) Vậy con người nên đối đãi với tình huống này thế nào mới có thể không bị họ khống chế? Ngươi nên coi chuyện những kẻ ác này bắt nạt mọi người như là một hiện tượng của việc Sa-tan đang làm bại hoại và sát hại con người. Sau khi nhìn thấu thực chất này, ngươi nên giải quyết thế nào? Sâu trong nội tâm, ngươi phải chán ghét và cự tuyệt những kẻ ác này, không được sợ họ. Ngươi nên nghĩ: “À, muốn mình ngủ giường trên à? Được thôi, mình sẽ ngủ giường trên. Nhưng bắt đầu từ hôm nay mình đã hiểu biết những hành động của một kẻ ác khác, mình đã hiểu biết thực chất của một kẻ ác nữa, và từ giờ trở đi mình sẽ phân biệt một kiểu hành vi mà những kẻ ác thực hiện trong cuộc sống thường nhật và sau lưng mọi người. Bắt đầu từ hôm nay, mình sẽ theo dõi sát sao những gì họ nói và làm, xem họ có giở trò lừa gạt không. Nếu nhà Đức Chúa Trời sử dụng họ, mình sẽ xem họ có làm việc theo nguyên tắc không, họ có bảo vệ lợi ích của nhà Đức Chúa Trời không, họ có phung phí của lễ, và họ có còn trừng trị người khác không.” Sâu trong nội tâm, ngươi nên cầu nguyện: “Lạy Đức Chúa Trời, xin hãy phơi bày kẻ ác này, để con phân biệt những việc ác và thực chất của họ, để con có thể lấy được chứng cứ về những việc ác của họ, cũng xin cho con dũng khí, để con không sợ những kẻ ác, cho con có đức tin và sức mạnh để chiến đấu với họ”. Dù ngươi vẫn ở chung phòng với họ, và bên ngoài vẫn không có gì thay đổi, nhưng sâu trong nội tâm, ngươi sẽ không sợ họ nữa vì mọi việc họ làm với ngươi không phải là bắt nạt; mà đó là sự bộc lộ và phơi bày bản tính Sa-tan của họ. Khi nhìn nhận họ như vậy, ngươi có còn sợ họ không? Với mỗi việc ác mà họ bộc lộ và mỗi một câu phi lý mà họ nói, ngươi sẽ rủa sả họ trong lòng rằng: “Anh là một con quỷ, anh là Sa-tan, anh hành ác và chống đối Đức Chúa Trời, và sớm muộn rồi anh cũng sẽ bị rủa sả. Đức Chúa Trời sẽ không bỏ qua cho anh đâu; sớm muộn anh cũng phải bị phơi bày thôi!” Đây là cách ngươi nên đối xử với những kẻ ác. Ngươi phải có đức tin và sức mạnh để chiến đấu với họ, ngươi phải cầu nguyện với Đức Chúa Trời, rồi trong lòng ngươi sẽ có sức mạnh và ngươi sẽ không sợ họ nữa. Thế nào? Những chiêu này có hay không? (Thưa, hay.) Khi ngươi phân biệt họ từ góc độ của lẽ thật, chẳng phải có tác dụng thực tế hơn “Không nên có lòng hại người, nhưng phải có lòng phòng người” mà cha mẹ ngươi đã dạy sao? Đề phòng thì có ích gì? Ngươi không thể đề phòng việc Sa-tan sát hại và làm ngươi bại hoại. Việc Sa-tan làm bại hoại và sát hại ngươi không phải là việc có thể đề phòng được – chúng ở khắp nơi. Sa-tan làm con người bại hoại không chỉ về hình thức, nó làm ngươi bại hoại ở bề ngoài, đồng thời còn làm ngươi bại hoại trong tư tưởng. Ngươi có đề phòng được không? Điều quan trọng nhất là ngươi tự trạng bị cho mình lẽ thật và dựa vào Đức Chúa Trời. Ngươi không những nên phân biệt được những hành động của kẻ ác, mà còn phải phân biệt được thực chất của những kẻ ác, đồng thời, ngươi nên phân biệt được những tư tưởng và quan điểm khác nhau mà những kẻ tà ác biểu đạt. Sau đó tự trang bị cho mình lẽ thật, dùng lời Đức Chúa Trời và lẽ thật để phơi bày và mổ xẻ họ, để các anh chị em của ngươi đều có sự phân biệt. Như vậy mọi người có thể đứng lên cùng ruồng bỏ họ. Như thế thật tốt biết bao! Ngươi luôn phòng thủ, luôn đề phòng, luôn cự tuyệt và trốn tránh, đây là hèn nhát, chứ không phải là biểu hiện của một người đắc thắng.
Thông công xong về toàn bộ những điều này, giờ các ngươi đã có quan điểm mới về vấn đề con người bị bắt nạt chưa? Bắt nạt có đúng không? (Thưa, không đúng.) Tính chất của việc bắt nạt là gì? (Thưa, là kẻ ác trừng trị người khác). Thực chất chính là việc những kẻ ác và Sa-tan trừng trị người khác và lừa gạt họ. Vậy bây giờ tính chất của việc bị bắt nạt là gì? (Thưa, là hèn nhát, không thực hành lẽ thật, không dám đứng lên phản kháng.) Đúng thế, sợ những kẻ ác, sợ những thế lực tà ác, không có đức tin để chiến đấu với Sa-tan, không có đức tin để nhận rõ, phân biệt và nhìn thấu bộ mặt xấu xa của Sa-tan, không có đức tin để phản kháng sự chà đạp và sát hại của Sa-tan đối với ngươi – đây chẳng phải là tính chất của nó sao? (Thưa, phải.) Những người không có đức tin luôn có một vướng mắc trong lòng; họ luôn sợ hãi, nghĩ rằng: “Mình không được để người khác bắt nạt. Mình không bắt nạt người khác và cũng không ai bắt nạt được mình, giống như mẹ mình đã nói: ‘Không nên có lòng hại người, nhưng phải có lòng phòng người’”. Họ cầu nguyện Đức Chúa Trời rằng: “Thưa Đức Chúa Trời, xin đừng để con gặp những kẻ ác; con nhát lắm, từ nhỏ con đã thật thà và hiền lành. Con tin vào Ngài và đi theo Ngài; Ngài phải che chở con!” Như thế là hèn nhát. Ngươi đã nghe rất nhiều lẽ thật và hiểu rất nhiều lẽ thật. Ngươi không sợ ma quỷ và Sa-tan, vậy mà sợ một kẻ ác à? Các ngươi sợ con rồng lớn sắc đỏ à? (Thưa, nếu bị bắt, con sẽ rất sợ, nhưng con có thể cầu nguyện Đức Chúa Trời và dựa vào Ngài.) Thế nghĩa là ngươi chưa bị sự tà ác của nó làm cho hoảng sợ. Đây cũng là biểu hiện chỉ đi kèm với một nền tảng đức tin nhất định. Có người nói: “Ngài nói con sợ con rồng lớn sắc đỏ. Nếu sợ con rồng lớn sắc đỏ, thì con có thể tiến xa đến mức này không? Sự thật chẳng phải thế sao? Nhưng nếu Ngài bắt con nói rằng con không sợ con rồng lớn sắc đỏ, thì con vẫn hơi không dám nói. Lỡ như con rồng lớn sắc đỏ nghe thấy thì sao?” Vẫn có một chút sợ hãi đấy. Những người như thế vẫn có chút sợ hãi khi công khai nói rằng con rồng lớn sắc đỏ tà ác và tàn nhẫn; họ không có đức tin và vóc giạc của họ còn quá nhỏ. Ta không bắt ngươi phải công khai đọ sức với con rồng lớn sắc đỏ hay chọc giận nó. Nhưng sâu trong nội tâm, ít nhất ngươi phải biết rằng cách con rồng lớn sắc đỏ, ác ma này đối đãi với con người là tàn sát, làm bại hoại, lừa gạt và chà đạp, rồi sau đó ăn tươi nuốt sống họ. Đây không phải là bắt nạt; không phải nó bắt nạt và trừng trị các tín hữu vì họ thật thà, tuân thủ khuôn phép và tuân thủ luật pháp. Nói như thế là nói xằng nói bậy, đây là câu nói không có sự hiểu biết thuộc linh. Con rồng lớn sắc đỏ đang sát hại ngươi. Nó sát hại ngươi bằng cách nào? Nó uy hiếp, đe dọa, hãm hại và hành hạ ngươi. Mục đích nó sát hại ngươi là gì? Để khiến ngươi từ bỏ đức tin, khiến ngươi phủ nhận Đức Chúa Trời, vứt bỏ Đức Chúa Trời, rồi thỏa hiệp với nó, và cuối cùng, khiến ngươi thờ phượng nó, đi theo nó, bị nó chiêu hàng, tiếp nhận những tư tưởng khác nhau của nó, và quỳ lạy nó. Nó thích thú với điều này; đây là mục đích nó hãm hại ngươi. Vì nó thấy ngươi đi theo Đức Chúa Trời chứ không đi theo nó, nên nó đố kỵ và không buông tha cho ngươi. Đương nhiên, nếu ngươi không đi theo Đức Chúa Trời, nó có buông tha ngươi không? (Thưa, không, nó cũng sát hại những ai không tin vào Đức Chúa Trời.) Đúng thế, nói một cách thông tục thì nó là cái loại như vậy; hay nói chính xác hơn, thực chất bản tính của nó là vậy. Thậm chí những người đi theo nó, ca tụng công đức của nó vẫn bị nó sát hại, lừa gạt và chà đạp, và sau khi lợi dụng họ xong, nó đá họ đi, thậm chí giết người diệt khẩu, cuối cùng hoàn toàn ăn tươi nuốt sống họ. Tóm lại, họ đều không có kết cục tốt đẹp. Dù thế nào con người vẫn nên thấy rõ ràng rằng mục đích cuối cùng của việc gia đình hun đúc và truyền thụ những tư tưởng và quan điểm khác nhau cho con người không phải để bảo vệ hay khiến họ đi trên con đường đúng đắn, mà là để dẫn dắt con người cách xa Đức Chúa Trời, sống theo những triết lý Sa-tan, và khiến con người nhiều lần và đều đặn tiếp nhận sự chà đạp của những tư tưởng khác nhau và sự hun đúc của những trào lưu tà ác khác nhau đến từ xã hội và Sa-tan. Bất kể dự tính ban đầu hay mục đích đằng sau việc gia đình làm như vậy là gì, cuối cùng, nó không thể khiến con người đi trên con đường đúng đắn hay đạt đến việc khiến họ bước vào thực tế lẽ thật và cuối cùng được cứu rỗi. Vì vậy, những tư tưởng và quan điểm khác nhau đến từ những gia đình là thứ mà con người nhất định phải buông bỏ, là thứ mà họ nên buông bỏ trong quá trình và trên con đường mưu cầu lẽ thật. Được rồi, mối thông công hôm nay kết thúc ở đây. Tạm biệt!
Ngày 4 tháng 3 năm 2023
Chú thích:
a. Hàn Tín là một vị tướng nổi tiếng thời nhà Hán, người đã bị ép phải chui qua háng của một gã đồ tể, kẻ đã chế nhạo ông vì sự hèn nhát trước khi ông thành danh.