27. Lý do tôi không chấp nhận bị giám sát
Hồi đó, tôi đã và đang chăm tưới người mới trong hội thánh được hơn một năm. Trong quá trình thực hiện bổn phận, tôi dần nắm vững một số nguyên tắc, và việc chăm tưới người mới cũng được cải thiện. Tôi cảm thấy mình có chút kinh nghiệm trong việc thực hiện bổn phận này, và rằng dù không có ai giúp đỡ thì tôi cũng có thể chăm tưới tốt cho người mới. Khi người mới có vấn đề và khó khăn, tôi có thể giải quyết giúp họ bằng cách tìm kiếm lẽ thật, vì vậy tôi nghĩ mình đã biết cách làm tròn bổn phận. Tôi nghĩ mình không cần ai dẫn dắt nữa, và cũng không cần người khác phải giám sát, theo dõi công việc của tôi. Vì vậy, tôi đã không chấp nhận sự giám sát và lời khuyên của các anh chị em, đồng thời không đưa ra nhiều phản hồi về tình hình cụ thể của những người mới mà tôi chăm tưới. Tôi chỉ làm việc theo cách của mình.
Một ngày nọ, Pheolie, người giám sát, đã hỏi tôi về một số người mới, đồng thời hỏi tôi một số vấn đề. Ví dụ, tôi đã thông báo cho những người mới về các cuộc họp nhóm như thế nào? Tại sao người chị em này hay người anh em kia lại không đi họp? Tôi có thường thông công với người mới để hiểu về tình trạng hay khó khăn của họ không? Khi nghe những câu hỏi này, tôi tỏ ra rất chống đối. Tôi nghĩ: “Chẳng lẽ chị ấy nghĩ mình đang thực hiện bổn phận thiếu trách nhiệm sao? Chẳng lẽ chị ấy không tin tưởng mình sao?”. Tôi tỏ vẻ thách thức, không khỏi thể hiện tâm tính bại hoại và muốn phớt lờ chị ấy. Chị ấy đã hỏi tôi liệu người mới có hứng thú với việc đến họp không, tôi hời hợt nói “có” và chẳng giải thích thêm gì. Chị ấy hỏi tôi đã thông báo cho người mới về các cuộc họp như thế nào, và tôi bảo mình đã gửi tin nhắn cho họ, nhưng tôi không giải thích chi tiết mình đã thông báo cho họ như thế nào, những khó khăn họ gặp phải, vân vân. Rồi chị ấy hỏi tôi đã thông công với người mới về những khía cạnh lẽ thật nào, và tôi nói một cách mất kiên nhẫn rằng tôi biết cách thông công với người mới, nhưng tôi không nói chi tiết về những gì mình đã thông công, phản ứng của họ thế nào hay họ có những câu hỏi gì. Chị ấy không hài lòng với các câu trả lời của tôi, và chị ấy muốn biết nhiều hơn về việc liệu tôi có đang hỗ trợ và giúp đỡ những người mới đó không. Tôi nghĩ chị ấy đang đánh giá thấp tôi, như thể tôi không biết cách thực hiện bổn phận vậy, và việc này khiến tôi rất khó chịu. Có lần, chị ấy nhận ra khi nói, tôi đã không nghĩ đến cảm xúc của người mới, nên chị ấy bảo: “Anh phải suy nghĩ từ quan điểm của người mới. Nếu là một người mới, anh có vui khi nghe những lời đó không? Anh có muốn đáp lại những lời đó không?”. Lời chị ấy khiến tôi rất phẫn uất. Tôi nói tôi đã hiểu, nhưng thực ra lại không chịu chấp nhận. Tôi không nghĩ cách mình nói chuyện với người mới lại có vấn đề. Tôi thầm nhủ: “Tôi biết làm thế nào để khiến những người mới này đến dự họp, nên tôi sẽ làm theo cách của mình”. Một lần khác, chị ấy đã hỏi tôi thường thông công với người mới như thế nào, và tôi nói là mình gửi tin nhắn. Chị ấy bảo tôi hãy gọi điện thoại cho người mới, chị ấy nói gọi điện thì sẽ trực tiếp hơn, làm người ta dễ hiểu vấn đề thực tế hơn và giúp xây dựng các mối quan hệ. Nhưng lúc đó tôi không chấp nhận, và nghĩ phương pháp của mình tốt hơn. Tôi thích gửi tin nhắn cho người mới và không muốn nghe chị ấy. Trong các cuộc thảo luận với chị ấy, tôi không còn muốn nói nữa, nên cứ giữ im lặng hay trả lời ngắn gọn. Tôi phát hiện hễ có ai muốn thảo luận với tôi về việc chăm tưới người mới của tôi, là tôi lại trở nên tiêu cực và lo lắng. Tôi cảm thấy họ đang cười cợt tôi, xem thường tôi và nghĩ tôi vô dụng, một kẻ không biết cách thực hiện bổn phận hay không đáng tin. Tôi nghĩ mình đang làm tròn bổn phận, biết cách chăm tưới người mới, rằng mình có các phương pháp theo dõi riêng, và tôi có ân tứ hơn người giám sát đó, nên tôi không thể nghe lời khuyên của chị ấy. Mặc dù miệng thì tỏ ra đồng tình, nhưng tôi lại hiếm khi thực hành điều mình đã hứa, và tôi đã tập trung tiếp tục chăm tưới, thông công với người mới theo cách của mình.
Trong một cuộc họp nọ, tôi đã đọc được những lời này của Đức Chúa Trời và cuối cùng đã có chút hiểu biết về bản thân. Đức Chúa Trời phán: “Một số người không chấp nhận việc tỉa sửa hoặc bị xử lý. Trong thâm tâm, họ biết rõ rằng những gì người khác đang nói là phù hợp với lẽ thật, nhưng họ không chấp nhận. Những người này thật kiêu ngạo và tự nên công chính! Và tại sao Ta nói rằng họ kiêu ngạo? Bởi vì nếu họ không chấp nhận việc bị tỉa sửa và xử lý, thì họ không vâng phục – và nếu họ không vâng phục, chẳng phải họ kiêu ngạo sao? Họ nghĩ rằng những hành động của họ là tốt, và họ không nghĩ rằng họ đã làm bất cứ điều gì sai – có nghĩa là họ không biết bản thân mình; đây là sự kiêu ngạo” (“Bản tính kiêu ngạo là nguồn gốc sự chống đối Đức Chúa Trời của con người” trong Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt). “Đừng để ai nghĩ rằng bản thân họ là hoàn hảo, hay ưu tú và cao quý, hay khác biệt với những người khác; hết thảy điều này là do tâm tính ngạo mạn và sự không hiểu biết của con người gây ra. Luôn nghĩ bản thân mình đặc biệt – điều này gây ra bởi tâm tính ngạo mạn; không bao giờ có thể chấp nhận khuyết điểm của họ, và không bao giờ có thể đối diện với sai lầm và thất bại của họ – điều này gây ra bởi tâm tính ngạo mạn; không bao giờ cho phép người khác cao hơn bản thân mình, hay tốt hơn bản thân mình – điều này gây ra bởi tâm tính ngạo mạn; không bao giờ cho phép người khác giỏi hơn hay mạnh hơn họ – điều này gây ra bởi tâm tính ngạo mạn; không bao giờ cho phép người khác có những suy nghĩ, đề xuất, và quan điểm tốt hơn bản thân mình, và khi người khác làm vậy thì mình trở nên tiêu cực, không muốn nói, cảm thấy đau buồn và chán nản, và trở nên phiền lòng – hết thảy điều này gây ra bởi tâm tính ngạo mạn. Tâm tính ngạo mạn có thể khiến ngươi bảo vệ thể diện, không thể chấp nhận sự hướng dẫn của người khác, không thể đối diện với khuyết điểm của chính mình, và không thể chấp nhận thất bại và sai lầm của chính mình. Hơn thế nữa, khi ai đó giỏi hơn ngươi, điều này có thể khiến sự căm ghét và ghen tị nảy sinh trong lòng ngươi, và ngươi có thể cảm thấy gượng gạo, đến nỗi ngươi không muốn thực hiện bổn phận của mình và trở nên cẩu thả khi thực hiện nó. Một tâm tính ngạo mạn có thể khiến những hành vi và thói quen này nảy sinh trong ngươi. Nếu các ngươi có thể từng chút một đào sâu hơn vào những chi tiết này, đạt được sự đột phá trong chúng, và đạt được sự hiểu biết về chúng; và nếu sau đó ngươi dần dần có thể từ bỏ những suy nghĩ này, và từ bỏ những quan niệm, quan điểm và thậm chí những hành vi sai trái này, và không bị chúng chế ngự; và nếu trong khi thực hiện bổn phận của mình, ngươi có thể tìm thấy vị trí đúng cho mình, và hành động theo nguyên tắc và thực hiện bổn phận ngươi có thể làm và nên làm; thì theo thời gian ngươi sẽ có thể thực hiện bổn phận của mình tốt hơn. Đây là lối vào thực tế của lẽ thật. Nếu ngươi có thể bước vào thực tế của lẽ thật, thì đối với người khác ngươi có vẻ là có hình tượng giống con người, và mọi người sẽ nói: ‘Người này ứng xử theo vị trí của họ, và họ đang thực hiện bổn phận của họ theo một cách có cơ sở. Họ không phụ thuộc vào sự hồn nhiên, vào sự nóng vội hay tâm tính Sa-tan bại hoại của họ để thực hiện bổn phận của mình. Họ hành động có kiềm chế, họ có tấm lòng tôn kính Đức Chúa Trời, họ có tình yêu dành cho lẽ thật, và hành vi và sự bày tỏ của họ tiết lộ họ đã từ bỏ xác thịt và những sở thích của chính mình’. Ứng xử như vậy mới tuyệt vời làm sao! Vào những dịp khi người khác nêu ra những khuyết điểm của ngươi, ngươi không chỉ có thể chấp nhận chúng, mà còn lạc quan, đối diện với khuyết điểm và thiếu sót của mình một cách bình tĩnh tự tin. Tâm thái của ngươi hoàn toàn bình thường, không có cực đoan, không hung hăng. Chẳng phải đây chính là có hình tượng giống con người sao? Chỉ có những người như vậy mới có ý thức tốt” (“Những nguyên tắc một người nên cư xử” trong Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt). Trước kia, tôi nghĩ mình không ngạo mạn, nhưng qua sự mặc khải của lời Đức Chúa Trời, tôi thấy mình rất ngạo mạn. Khi người giám sát bảo tôi một số cách hay để chăm tưới cho người mới, tôi đã không hề chấp nhận. Khi chị ấy hỏi tôi về cách tôi đã chăm tưới người mới, tôi giữ im lặng hoặc trả lời ngắn gọn, vì tôi không muốn mất mặt hay để người khác thấy những thiếu sót của mình trong việc chăm tưới người mới. Tôi muốn người khác thấy, với tôi, mọi thứ đều ổn, không có vấn đề gì với bổn phận của tôi cả, và tôi có thể thực hiện bổn phận mà không cần sự giám sát hay giúp đỡ của người khác. Tôi thực sự quá ngạo mạn. Tôi cũng cảm thấy mình có ân tứ hơn người chị em giám sát công việc của mình, rằng tôi biết cách chăm tưới người mới, có các phương pháp riêng và chúng rất hiệu quả, nên tôi miễn cưỡng chấp nhận gợi ý của chị ấy. Từ tận đáy lòng, tôi cho rằng nếu mình chấp nhận lời khuyên của chị ấy, thì tức là năng lực của mình không bằng chị ấy. Việc đó sẽ rất mất mặt. Người khác sẽ nghĩ gì về tôi chứ? Vì vậy, bề ngoài tôi đồng tình với gợi ý của chị ấy, nhưng tôi hiếm khi thực hành chúng. Tâm tính ngạo mạn đã khiến tôi xa rời lẽ thật, không cho tôi chấp nhận lời khuyên của người khác, và khiến tôi bám lấy quan điểm của mình. Đây là sự phản nghịch Đức Chúa Trời. Sau đó, tôi đã bình tĩnh lại và nghĩ về gợi ý của chị ấy. Tôi nghĩ chị ấy nói có lý và cũng đáng để thử. Vì vậy, tôi đã gọi điện thoại cho người mới. Tôi cảm thấy giao tiếp với họ dễ dàng hơn, hiểu được vấn đề của họ qua điện thoại, và kịp thời giúp đỡ họ. Khi tôi đưa lời khuyên của chị ấy vào thực hành, và thấy rằng việc chăm tưới người mới của mình hiệu quả hơn, tôi cảm thấy rất xấu hổ. Trong vấn đề này, tôi nhận ra rằng dù đã thực hiện bổn phận được một thời gian dài, nhưng tôi vẫn có nhiều thiếu sót. Nếu không có sự giúp đỡ và hướng dẫn của chị ấy, kết quả công tác của tôi sẽ không được cải thiện. Tôi cũng nhận ra mình chẳng giỏi hơn ai cả, và tôi không thể tự mình làm tròn bổn phận được.
Một ngày nọ, chị giám sát hỏi tôi về tình hình của một người mới và tại sao anh ấy đã không đi họp vài ngày liền. Sau khi tôi giải thích, chị ấy đã hỏi tôi vài câu khác. Chị ấy muốn biết chi tiết hơn về cách tôi đã thực hiện bổn phận của mình. Tôi cảm thấy rất xấu hổ và tỏ ra chống đối. Tôi không muốn trả lời bất cứ câu hỏi nào của chị ấy cả, vì tôi không muốn chấp nhận sự giám sát và chất vấn của chị ấy đối với công việc của tôi. Tôi nhận ra đây lại là tâm tính bại hoại của mình, nên đã thầm cầu nguyện xin Đức Chúa Trời dẫn dắt trong việc học cách vâng phục những hoàn cảnh như thế, nhận ra sự bại hoại của mình và chấp nhận sự giám sát, hướng dẫn của người khác. Sau đó, tôi đã đọc được những lời này của Đức Chúa Trời: “Những kẻ địch lại Đấng Christ ngăn cấm sự tham gia, truy vấn hoặc giám sát của bất kỳ ai khác, và sự ngăn cấm này được thể hiện theo một số cách. Một là từ chối, đơn giản và dễ hiểu. ‘Đừng có can thiệp, đặt câu hỏi và giám sát tôi khi tôi làm việc nữa. Tôi làm công việc gì là trách nhiệm của tôi, tôi biết cách làm và tôi không cần bất kỳ ai quản lý mình!’. Đây là sự từ chối thẳng thừng. Một biểu hiện khác là họ tỏ vẻ dễ tiếp thu, nói rằng: ‘Được rồi, hãy cùng thông công một chút xem công việc nên được thực hiện như thế nào’, nhưng khi những người khác thực sự bắt đầu đặt câu hỏi và cố gắng tìm hiểu thêm về công việc của họ, hoặc chỉ ra vài vấn đề và đưa ra vài đề xuất, thì thái độ của họ như thế nào? (Họ không tiếp thu.) Đúng vậy – họ đơn giản là không chịu tiếp nhận, họ kiếm cớ và lý do để từ chối đề xuất của người khác, họ biến sai thành đúng, đúng thành sai, nhưng thực ra trong thâm tâm, họ biết rằng họ đang cố làm cho lô-gic, rằng họ đang ba hoa, rằng đây là phỏng đoán, rằng lời nói của họ không có chút thực tế nào về những gì người khác nói. Ấy thế mà để bảo vệ địa vị của mình – biết rất rõ rằng họ sai và người khác đúng – họ vẫn biến cái đúng của người khác thành sai, cái sai của chính họ thành đúng, và cứ tiếp tục thực hiện điều đó, không cho phép những điều đúng và phù hợp với lẽ thật được thực hiện hoặc đưa vào nơi của họ. … Mục đích của họ là gì? Đó là ngăn người khác can thiệp, hỏi han hoặc giám sát, và làm cho anh chị em nghĩ rằng họ hành động như vậy là chính đáng, đúng đắn, phù hợp với những sắp xếp công việc của nhà Đức Chúa Trời và phù hợp với các nguyên tắc hành động, rằng trong cương vị lãnh đạo, họ đang tuân thủ nguyên tắc. Thực sự chỉ có một vài người trong hội thánh hiểu được lẽ thật; phần lớn chắc chắn không có khả năng phân định, họ không thể nhìn thấy con người thật của những kẻ địch lại Đấng Christ này và đương nhiên bị chúng lừa gạt” (“Họ sẽ khiến người khác chỉ vâng phục mình chứ không phải lẽ thật hay Đức Chúa Trời (Phần 2)” trong Vạch trần kẻ địch lại Đấng Christ). “Khi Sa-tan hành động, nó không cho phép bất kỳ ai khác can thiệp, nó muốn có tiếng nói sau cùng trong mọi việc mình làm và kiểm soát mọi thứ, không ai có thể giám sát hay đưa ra bất kỳ câu hỏi nào. Bất kỳ ai can thiệp hay xen ngang càng không được phép. Đây là cách hành động của một kẻ địch lại Đấng Christ; bất kể họ làm gì, không ai được phép đưa ra bất kỳ câu hỏi nào, và bất kể họ hoạt động ngấm ngầm ra sao cũng không ai được phép can thiệp. Đây là hành vi của một kẻ địch lại Đấng Christ. Họ hành động theo cách này bởi vì họ có tâm tính cực kỳ kiêu ngạo và cực kỳ thiếu ý thức. Họ không có chút vâng phục nào, và họ không cho phép bất cứ ai giám sát họ hoặc kiểm tra công việc của họ. Đây thực sự là những hành động của một con quỷ, khác hẳn của một người bình thường. Bất cứ ai làm công tác đều cần sự hợp tác của người khác, họ cần sự hỗ trợ, góp ý và hợp tác của người khác, và ngay cả khi có ai đó giám sát hay theo dõi thì cũng không phải là điều xấu mà là điều cần thiết. Nhỡ có sai sót xảy ra ở một địa điểm và những người theo dõi phát hiện, sửa chữa kịp thời, thì đây chẳng phải là một sự trợ giúp đắc lực sao? Và vì vậy, khi những người thông minh làm việc, họ thích được người khác giám sát, quan sát và đặt câu hỏi. Nếu chẳng may một sai lầm xảy ra, và những người này có thể chỉ ra, rồi sai lầm có thể được sửa chữa kịp thời, thì chẳng phải đây là một lợi ích bất ngờ sao? Không ai trên đời này là không cần đến sự giúp đỡ của người khác cả. Chỉ những người tự kỷ hoặc trầm cảm mới thích tự làm một mình. Khi người ta mắc chứng tự kỷ hoặc trầm cảm, họ không còn bình thường nữa. Họ không còn kiểm soát được bản thân. Nếu tâm trí và ý thức của người ta bình thường, và họ chỉ là không muốn giao tiếp với người khác, nếu họ không muốn người khác biết về bất cứ điều gì họ làm, nếu họ muốn làm một cách bí mật, giấu giếm, riêng tư, hoạt động ngấm ngầm, và họ không lắng nghe bất cứ điều gì người khác nói, thì những người như vậy là những kẻ địch lại Đấng Christ, phải không? Đây là một kẻ địch lại Đấng Christ” (“Họ sẽ khiến người khác chỉ vâng phục mình chứ không phải lẽ thật hay Đức Chúa Trời (Phần 2)” trong Vạch trần kẻ địch lại Đấng Christ). Tôi cảm thấy những lời đó là sự phán xét của Đức Chúa Trời dành cho tôi. Tôi nhận ra mình đang hành xử đúng như Đức Chúa Trời phơi bày. Tôi thấy khó chấp nhận lời khuyên và sự giám sát của người khác trong bổn phận. Kể cả khi có khó khăn, tôi cũng không bao giờ bộc lộ những điều này hay để mọi người biết, bởi tôi cảm thấy, vì công việc này được giao cho tôi, nên tôi chịu trách nhiệm, tôi đưa ra quyết định cuối cùng và có thể làm theo cách của mình. Tôi thấy mình biết cách thực hiện bổn phận, và không cần một người giám sát, hay không cần ai giám sát hoặc cho tôi lời khuyên. Tôi coi lời khuyên của người khác là một sự lên án đối với những thiếu sót của mình hoặc nghi ngờ năng lực của tôi, vì vậy tôi không muốn nghe. Giờ thì tôi đã nhận ra đó là sự ngạo mạn và ngu ngốc. Đây không phải là lý trí mà một người bình thường nên có. Bản tính ngạo mạn khiến tôi không vâng phục nữa, và không bao giờ chấp nhận sự giám sát hay lời khuyên của người khác. Tôi luôn muốn đưa ra quyết định cuối cùng và chăm tưới người mới tùy theo ý mình. Trước kia, tôi chỉ theo sát người mới theo cách của tôi, đó là cứ gửi tin nhắn cho họ và hiếm khi nói chuyện với họ. Trong vòng vài ngày mà một số người không trả lời tôi thì tôi sẽ gạt họ sang một bên, và tiếp tục họp với những người mới muốn nói chuyện với tôi, và kết quả là, một số người mới đã không được chăm tưới kịp thời. Những người mới theo đạo rất mong manh, và có thể rút lui hay ngừng tin bất cứ lúc nào, một số thậm chí còn bỏ họp nhóm. Chẳng phải hành động của tôi cũng giống hệt một kẻ địch lại Đấng Christ sao? Những kẻ địch lại Đấng Christ không muốn bị người khác giám sát và không bao giờ nghe lời khuyên của người khác. Họ muốn tự mình kiểm soát mọi thứ, làm việc theo cách của họ hoặc theo ý riêng của họ, họ không vâng phục ai cả và không hợp tác với người khác để làm tròn bổn phận của mình. Tôi nhận ra mình đang đi trên con đường của kẻ địch lại Đấng Christ, và tôi đã rất sợ. Nếu cứ tiếp tục như thế, tôi sẽ bị Đức Chúa Trời căm ghét. Cuộc sống của những người bị Đức Chúa Trời căm ghét chẳng có giá trị gì cả và họ là kẻ thù nghịch trong mắt Đức Chúa Trời. Từ lời Đức Chúa Trời, tôi cũng hiểu được rằng ai cũng có thiếu sót và khuyết điểm, vì vậy chúng ta cần lời khuyên và sự giúp đỡ của người khác. Chúng ta cần hợp tác với mọi người để làm tròn bổn phận của mình. Người giám sát đã giúp tôi bằng cách theo dõi công việc của tôi và gợi ý cho tôi. Tôi cũng thấy rằng thực hành nó rất hữu ích nhưng lại không muốn chấp nhận, và làm như thế, tôi đã gây hại cho công tác của hội thánh. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng.
Sau đó, tôi đã đọc được đoạn lời này của Đức Chúa Trời: “Khi bất kỳ ai dành chút ít thời gian theo dõi hay quan sát ngươi, hay hỏi ngươi những câu hỏi chuyên sâu, cố gắng trò chuyện chân tình với ngươi và tìm hiểu xem trạng thái của ngươi trong thời gian này là gì, và thậm chí đôi lúc, khi thái độ của họ gay gắt hơn một chút, và họ xử lý và tỉa sửa ngươi một chút, sửa dạy ngươi và khiển trách ngươi, thì tất cả là vì họ có thái độ tận tâm và có trách nhiệm đối với công việc của nhà Đức Chúa Trời. Ngươi không nên có suy nghĩ hay cảm xúc tiêu cực về điều này. Nếu ngươi có thể chấp nhận sự giám sát, quan sát và chất vấn của người khác thì điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là, trong lòng mình, ngươi chấp nhận sự khảo sát của Đức Chúa Trời. Nếu ngươi không chấp nhận sự giám sát, quan sát và chất vấn của mọi người đối với ngươi – nếu ngươi chống lại tất cả những điều này – thì ngươi có thể chấp nhận sự khảo sát của Đức Chúa Trời không? Sự khảo sát của Đức Chúa Trời chi tiết, sâu sắc và chính xác hơn sự chất vấn của mọi người; những gì Đức Chúa Trời yêu cầu cụ thể, chính xác và sâu sắc hơn như thế này. Vì vậy, nếu ngươi không thể chấp nhận bị những người được Đức Chúa Trời chọn giám sát, thì chẳng phải những tuyên bố của ngươi rằng ngươi có thể chấp nhận sự khảo sát của Đức Chúa Trời là những lời rỗng tuếch sao? Để ngươi có thể chấp nhận sự khảo sát và dò xét của Đức Chúa Trời, trước hết ngươi phải có thể chấp nhận sự giám sát của nhà Đức Chúa Trời, các lãnh đạo và người làm công, cũng như các anh chị em” (Lời xuất hiện trong xác thịt, Quyển 4 – Trách nhiệm của lãnh đạo và người làm công). “Nếu ngươi có lòng kính sợ Đức Chúa Trời, thì ngươi sẽ tự nhiên có khả năng nhận được sự dò xét của Đức Chúa Trời, nhưng ngươi cũng phải học cách tiếp nhận sự giám sát của dân sự được Đức Chúa Trời chọn, và điều này đòi hỏi ngươi phải có lòng khoan dung và chấp nhận. Nếu ngươi thấy ai đó giám sát ngươi, kiểm tra công việc của ngươi, hay kiểm tra ngươi mà ngươi không biết, và nếu ngươi tức giận, coi người này như kẻ thù và khinh miệt họ, thậm chí tấn công họ và xử lý họ như một kẻ phản bội, muốn họ biến mất, thế thì đây là rắc rối. Chẳng phải điều này cực kỳ đê hèn sao? Sự khác biệt giữa điều này và ma quỷ là gì? Đây có phải là đối xử công bằng với mọi người không? Nếu ngươi bước đi con đường đúng và hành động đúng cách, ngươi có gì phải sợ người ta kiểm tra ngươi chứ? Có điều gì đó đang lẩn khuất trong lòng ngươi. Nếu trong lòng ngươi biết rằng mình có vấn đề, thì ngươi nên tiếp nhận sự phán xét và hình phạt của Đức Chúa Trời. Điều này là hợp lý. Nếu ngươi biết ngươi có vấn đề, nhưng ngươi không cho phép bất kỳ ai giám sát ngươi, kiểm tra công việc của ngươi, hay điều tra vấn đề của ngươi, thì ngươi đang rất phi lý, ngươi đang phản nghịch và chống đối Đức Chúa Trời, và trong trường hợp này, vấn đề của ngươi thậm chí càng nghiêm trọng hơn. Nếu dân sự được Đức Chúa Trời chọn phân định rằng ngươi là kẻ hành ác hay kẻ chẳng tin, thì hậu quả sẽ còn rắc rối hơn nữa. Như vậy, những người có thể chấp nhận sự giám sát, xem xét, điều tra của người khác là biết phải trái nhất, họ có lòng khoan dung và nhân tính bình thường. Khi ngươi phát hiện ra mình đang làm điều gì đó sai trái hay đang có sự bộc phát tâm tính bại hoại, nếu ngươi có thể cởi mở và trao đổi với mọi người, điều này sẽ giúp những người xung quanh để mắt đến ngươi. Chấp nhận sự giám sát chắc chắn là cần thiết, nhưng điều chính yếu là cầu nguyện với Đức Chúa Trời và trông cậy vào Ngài, và phản tỉnh bản thân liên tục. Đặc biệt là khi ngươi đã đi sai đường hoặc làm điều gì đó sai trái, hoặc khi ngươi sắp thực hiện một hành động độc tài và đơn phương, và một người nào đó ở gần đề cập đến điều đó và cảnh báo ngươi, thì ngươi cần phải tiếp nhận và nhanh chóng phản tỉnh về bản thân, thừa nhận sai lầm của ngươi và sửa chữa. Điều này có thể ngăn ngươi đặt chân vào con đường của những kẻ địch lại Đấng Christ. Nếu có ai đó giúp đỡ và cảnh báo ngươi theo cách này, thì chẳng phải ngươi đang được gìn giữ mà không biết sao? Ngươi đang được như vậy – đó là sự gìn giữ ngươi” (“Muốn thực hiện bổn phận một cách đúng đắn đòi hỏi phải có sự hợp tác hài hòa” trong Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt). Lời Đức Chúa Trời nói rất rõ tầm quan trọng và lợi ích của việc được người khác giám sát. Trước kia, tôi đã không thực sự hiểu lợi ích của việc được giám sát, khiến tôi chống đối những người giám sát mình. Tôi nghĩ họ đang cố kiểm soát công việc của tôi hay tỏ ra khinh thường tôi. Trong suy nghĩ của tôi, nếu ai đó đến gặp tôi để tìm hiểu về công việc, thì điều đó như thể họ cảm thấy tôi thiếu trách nhiệm và không có năng lực làm việc, không thể làm tròn bổn phận của mình, hoặc không làm tốt như những người khác. Vì vậy tôi đã tỏ ra chống đối việc người khác giám sát mình. Nhưng từ lời Đức Chúa Trời, tôi nhận ra quan điểm của mình là sai và không phù hợp với lẽ thật. Tôi có một số thiếu sót trong công việc và cần sự giúp đỡ của các anh chị em để cải thiện, nhưng lại không chịu chấp nhận bị giám sát. Như vậy thì làm sao tôi có thể sửa sai trong công việc của mình và làm việc tốt hơn được? Việc các anh chị em hỏi về công việc của tôi là điều rất quan trọng, vì họ đang mang gánh nặng của công tác và thực hiện bổn phận của họ. Tôi không nên có thái độ im lặng và từ chối. Tôi nên mở lòng nói với họ về những khó khăn và tình hình thực tế trong công việc của mình. Như vậy sẽ tốt hơn cho công tác của hội thánh. Bằng cách chấp nhận sự giám sát, tôi có thể thấy được những khuyết điểm của mình và suy ngẫm xem liệu mình có thực hiện bổn phận theo lẽ thật chưa. Giờ đây, tôi đã hiểu ý muốn của Đức Chúa Trời. Việc người khác thường giám sát và kiểm tra công việc của tôi có thể ngăn tôi lừa gạt, từ bỏ hoặc hủy hoại người mới vì ham muốn của riêng mình. Đây quả là sự bảo vệ của Đức Chúa Trời dành cho tôi.
Tôi đã đọc được đoạn lời này nữa của Đức Chúa Trời: “Các ngươi nghĩ rằng có ai là hoàn hảo không? Cho dù mọi người có mạnh đến đâu, hoặc có khả năng và tài năng đến đâu, thì họ vẫn không hoàn hảo. Mọi người phải nhận ra điều này, đó là sự thật. Đó cũng là thái độ mà mọi người phải có đối với công trạng và ưu điểm hoặc khuyết điểm của họ; đây là sự hợp lý mà mọi người nên có. Với sự hợp lý như thế, ngươi có thể ứng phó phù hợp với các điểm mạnh và điểm yếu của bản thân cũng như của người khác, và điều này sẽ khiến ngươi có thể làm việc với họ một cách hòa hợp. Nếu ngươi đã hiểu được khía cạnh này của lẽ thật và có thể bước vào phương diện này của hiện thực của lẽ thật, thì ngươi có thể sống hòa hợp với anh chị em mình, học hỏi những điểm mạnh của nhau để bù đắp bất kỳ điểm yếu nào các ngươi có. Theo cách này, dù cho ngươi đang thực hiện bổn phận gì hay ngươi đang làm gì, thì ngươi cũng sẽ luôn luôn làm tốt hơn và được phước của Đức Chúa Trời” (Phần 3, Lời xuất hiện trong xác thịt – Quyển 2). Qua lời Đức Chúa Trời, tôi hiểu ra rằng mỗi người đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng, chẳng ai hoàn hảo trên thế giới này cả. Dù một người có giỏi đến thế nào thì họ cũng vẫn có những thiếu sót và cần người khác giúp đỡ. Dù chúng ta có thực hiện bổn phận gì trong hội thánh, thì cũng cần có sự giúp đỡ và hợp tác của mọi người. Chúng ta đã bị Sa-tan làm cho bại hoại quá trầm trọng đến nỗi luôn hành động theo các tâm tính bại hoại của mình, vì vậy chúng ta cần sự nhắc nhở và giám sát của các anh chị em để tránh làm sai nguyên tắc và giảm thiểu lỗi lầm. Khi người khác đến gặp tôi để hiểu được vấn đề của tôi trong công việc, thì lẽ ra tôi nên xem đó là cơ hội để cải thiện bản thân và học hỏi từ điểm mạnh của họ để bù đắp cho điểm yếu của tôi. Việc này sẽ giúp ích cho tôi và công tác của hội thánh. Tôi đã hiểu rõ rằng mình chẳng giỏi hơn ai cả, kể cả người chị em giám sát công việc của tôi. Tôi nên chấp nhận sự hướng dẫn và lời khuyên của người khác, sửa đổi những sai phạm và lỗi lầm của mình, dám tỏ lộ những điểm yếu của mình và tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác. Đó mới là một người có lý trí và nhân tính bình thường. Hiểu được điều này, tôi bắt đầu buông bỏ các quan điểm sai lầm của mình. Tôi không còn cảm thấy mình có thể chăm tưới cho người mới mà không cần sự giám sát của bất cứ ai nữa. Thay vào đó, tôi cảm thấy mình có nhiều thiếu sót và không hoàn hảo. Sau đó, tôi bắt đầu chấp nhận lời khuyên của người chị em của tôi và khi chị ấy hỏi tôi hay muốn biết về bất kỳ khía cạnh nào về tình trạng của người mới, tôi đều thảo luận cởi mở và nói chi tiết với chị ấy. Bằng cách này, tôi đã thực hiện bổn phận hiệu quả hơn.
Một ngày nọ, người chị em của tôi đã hỏi tôi về tình hình của người mới. Tôi đã trả lời chị ấy mà không e dè và nói chi tiết về lý do một số người mới không thường xuyên đi họp. Chị ấy đã nhắc tôi một số điểm quan trọng, tôi đã viết ra và thực hiện chúng. Tôi nhận ra việc nghe lời khuyên của người khác rất là tốt. Mặc dù đôi lúc khi chị ấy chỉ ra những thiếu sót của tôi, tôi đã không chấp nhận ngay được, nhưng tôi hiểu chị ấy ở đây là để giúp tôi, vì vậy tôi không nên tiêu cực và chống đối. Tôi phải đến trước Đức Chúa Trời để cầu nguyện và tìm kiếm, việc này có lợi cho cả tôi và công tác của hội thánh. Trách nhiệm của tôi là chăm tưới tốt cho người mới và tạo dựng nền móng cho họ trên con đường thật, và tôi sẵn lòng chấp nhận sự giám sát của người khác để làm tròn bổn phận của mình.