35. Hối hận khôn nguôi
Một ngày tháng 11 năm 2020, tôi nghe tin một lãnh đạo hội thánh tên Triệu Quân bị cảnh sát bắt giữ. Vì tôi biết khá rõ tình hình trong hội thánh của Triệu Quân, nên lãnh đạo cấp trên đã yêu cầu tôi đi tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra, Triệu Quân đã bị bắt ra sao, và thực hiện công tác xử lý hậu quả kịp thời. Khi nhận được nhiệm vụ này, tôi có chút sợ hãi, nghĩ rằng: “Triệu Quân vừa bị bắt, giờ mà mình đến hội thánh đó thì sẽ rất nguy hiểm. Nếu bị cảnh sát đang mai phục hội thánh bắt được, thì mình sẽ ra sao? Chẳng phải mình đang lao thẳng vào hang cọp sao?”. Nhưng rồi tôi nghĩ đến việc Triệu Quân đã tiếp xúc với nhiều người và gia đình tiếp đãi, họ đều có thể gặp nguy hiểm vì anh ấy bị bắt giữ. Tôi hiểu rằng mình phải lập tức thông báo cho mọi người để họ đề phòng. Quyết định xong, tôi nhanh chóng đến hội thánh để thông báo cho anh chị em. Hôm sau, tôi nghe tin đã có sự cố xảy ra với hai gia đình tiếp đãi mà tôi ghé thăm vào tối hôm trước. Không lâu sau khi tôi rời đi, một gia đình đã bị cảnh sát ập vào nhà khám xét, còn vợ chồng gia đình kia thì đều bị bắt. Nếu tôi ở lại muộn hơn một chút, có lẽ tôi cũng đã bị bắt. Đến tháng 12, hàng loạt vụ bắt bớ quy mô lớn đã xảy ra tại các hội thánh khác nhau. Người chị em cùng cộng tác với tôi và hơn ba mươi anh chị em khác, bao gồm cả lãnh đạo và người làm công, lần lượt bị bắt. Tình hình lúc đó vô cùng nguy hiểm, và điều cấp thiết là tôi phải thông báo cho những anh chị em đang đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn để họ lánh đi và chuyển giao sách lời Đức Chúa Trời cho người khác cất giữ. Khi đó, chúng tôi đã mất liên lạc với một số hội thánh, không còn gia đình nào phù hợp để giữ sách lời Đức Chúa Trời cũng như tài sản của hội thánh, một số anh chị em cũng không tìm được gia đình tiếp đãi an toàn. Trước tình huống khó khăn này, tôi cảm thấy vô cùng yếu đuối, sợ hãi và bất an. Cứ như thể tôi có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Tôi nghĩ thầm: “Mình còn trẻ thế này, nhỡ mình bị bắt rồi bị đánh đến chết thì sao?”. Suốt cả ngày tôi cứ mang vẻ mặt lo lắng, từng ngày trôi qua chậm chạp như rùa bò. Tôi tự hỏi khi nào tình hình này mới dịu đi. Lúc đó, tôi nghe tin hàng chục cảnh sát đặc nhiệm cấp tỉnh đã được điều đến, với mục tiêu chính là bắt giữ tín hữu. Tôi càng lo lắng và sợ hãi hơn, nghĩ rằng: “Mình đã bị truy nã rồi, giờ mà đi chuyển giao sách thì chẳng phải tự dâng mình cho cảnh sát sao? Nếu cảnh sát theo dõi và bắt được mình, chắc chắn họ sẽ không dễ dàng bỏ qua cho mình. Trung Cộng có thể giết tín đồ mà không bị trừng phạt. Nếu họ bắt mình, liệu họ có đánh mình đến chết không? Mình đã tin Đức Chúa Trời, vứt bỏ và dâng mình bao nhiêu năm qua, chỉ để bị đánh tới chết thôi sao? Liệu mình còn có thể đạt được sự cứu rỗi không? Nếu không, chẳng phải những năm tháng khổ sở của mình bấy lâu nay đều trở thành vô ích sao? Nếu bị kết án nhiều năm, làm sao mình chịu đựng nổi cuộc sống trong tù đây?”. Tôi không dám nghĩ đến cảnh sống trong tù, nơi mà sống còn không bằng chết. Tôi sống trong nỗi sợ hãi triền miên và không dám chuyển giao sách, nên tôi đã viết thư cho anh Lý Dịch, nhờ anh ấy chuyển giao sách càng nhanh càng tốt. Nhưng viết thư mấy lần mà vẫn chẳng nhận được hồi âm. Thêm mấy ngày trôi qua mà sách vẫn chưa được chuyển đi. Tôi lo lắng lãnh đạo cấp trên sẽ trách mình thiếu trách nhiệm với bổn phận, nên tôi đã yêu cầu lãnh đạo giao cho người khác xử lý hậu quả. Để che đậy ý đồ và động cơ cá nhân, tôi nói rằng vóc giạc mình nhỏ bé, rằng mình không có kinh nghiệm trong tình huống này, rằng tôi cần thảo luận và tham khảo với người khác trong một số khía cạnh công tác. Điều này sẽ khiến lãnh đạo nghĩ rằng tôi đã cố gắng hết sức để làm bổn phận và gánh trọng trách trong công tác của hội thánh. Như vậy, kể cả khi xảy ra vấn đề, lãnh đạo cũng sẽ không trách tôi. Không lâu sau, lãnh đạo đã giao cho chị Vân Thanh cộng tác cùng tôi xử lý hậu quả.
Sau đó, tình hình ngày càng căng thẳng hơn, tin tức về việc các anh chị em bị bắt cứ dồn dập truyền đến. Tôi cũng nghe nói rằng cảnh sát đã nắm được thông tin về nhiều anh chị em. Tôi đã viết thư cho các trưởng nhóm, hối thúc họ thông báo để tất cả anh chị em lập tức ẩn đi, nhưng bản thân tôi lại không thực sự quan tâm đến sự an toàn của họ. Tôi cảm thấy vô cùng lo lắng và sợ hãi, sợ rằng một ngày nào đó, chính mình cũng sẽ bị bắt. Vậy nên, tôi đã không hoàn thành một số công tác chi tiết, không thông báo cho những người cần ẩn đi như tôi lẽ ra phải làm, và hậu quả là một chị em tên Vương Lan đã bị bắt. Sau đó, chị ấy được trả về nhà nhưng mười tiếng đồng hồ sau thì qua đời. Tôi cảm thấy áy náy vô cùng. Nếu tôi cố gắng hơn một chút và làm tròn trách nhiệm, thông báo kịp thời cho Vương Lan rằng chị cần ẩn đi, có lẽ chị ấy đã không bị bắt và mất mạng. Tôi có trách nhiệm trong việc Vương Lan bị bắt, và không gì có thể biện minh được cho điều đó.
Không lâu sau, lãnh đạo cấp trên đến gặp tôi, mang theo một bản báo cáo mà các anh chị em viết về tôi, vạch trần rằng vào thời khắc quan trọng nhất, tôi đã không bảo vệ anh chị em, không kịp thời chuyển giao sách lời Đức Chúa Trời, không gìn giữ cũng như duy trì công tác của hội thánh, mà lại ích kỷ và đê tiện, chỉ bảo vệ bản thân. Lãnh đạo đã cách chức tôi ngay tại chỗ. Tôi nhận ra mình đã sống trong sự hèn nhát suốt thời gian đó và đã không làm công tác thực tế. Tôi xứng đáng bị cách chức. Trong lúc tĩnh nguyện và phản tỉnh, tôi đã bắt gặp đoạn lời này của Đức Chúa Trời: “Điều cơ bản đầu tiên mà lãnh đạo và người làm công phải làm chính là trông nom cẩn thận các loại vật phẩm của nhà Đức Chúa Trời, kiểm soát chặt chẽ và canh chừng cẩn thận cho nhà Đức Chúa Trời, không để bất kỳ vật phẩm nào bị làm hỏng, bị lãng phí hoặc bị kẻ ác chiếm giữ. Đây là điều tối thiểu phải làm. Một khi ngươi được chọn làm lãnh đạo và người làm công, thì nhà Đức Chúa Trời coi ngươi như quản gia của hội thánh: Ngươi thuộc tầng lớp quản lý, và nhiệm vụ mà ngươi gánh vác nặng nề hơn so với những người khác. Ngươi gánh một trách nhiệm lớn lao. Cho nên, mỗi thái độ, mỗi hành động, mỗi phương án xử lý và mỗi phương pháp giải quyết vấn đề của ngươi đều liên quan đến lợi ích của nhà Đức Chúa Trời. Nếu ngay cả lợi ích của nhà Đức Chúa Trời mà ngươi còn không cân nhắc hoặc không để tâm đến, thì ngươi không phù hợp làm quản gia của nhà Đức Chúa Trời. … Cho nên, nhìn từ góc độ nhân tính, khi bầu chọn lãnh đạo và người làm công, điều cơ bản nhất mà lãnh đạo và người làm công phải có là gì? Phải có lương tâm, tinh thần chính nghĩa và tâm địa ngay thẳng. Trước hết, nhân tính của họ phải đạt tiêu chuẩn, cho dù năng lực công tác thế nào, tố chất cao hay thấp, thì người như vậy vẫn có thể đạt tiêu chuẩn quản gia khi họ làm người phụ trách. Ít nhất là họ có thể bảo vệ lợi ích của nhà Đức Chúa Trời, có thể bảo vệ lợi ích chung của các anh chị em, tuyệt đối không bán đứng lợi ích của các anh chị em hay của nhà Đức Chúa Trời. Khi lợi ích của nhà Đức Chúa Trời và của các anh chị em sắp bị phá hoại hoặc tổn thất, họ sẽ dự liệu được trước, cũng sẽ là người đầu tiên đứng ra bảo vệ, ngay cả khi làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của bản thân họ, hoặc buộc họ phải trả giá hay chịu khổ. Người có lương tâm và lý trí có thể làm được những việc này. Khi gặp phải hoàn cảnh nguy hiểm, một số lãnh đạo giả và người làm công giả lập tức tìm cho mình một nơi an toàn để ẩn nấp, còn những vật phẩm quan trọng của nhà Đức Chúa Trời, như sách lời Đức Chúa Trời, điện thoại di động, máy tính, v.v. thì họ lại chẳng quan tâm và cũng chẳng hỏi đến. Nếu lo lắng rằng một khi mình bị bắt sẽ ảnh hưởng đến đại cục công tác của hội thánh, thì họ có thể sắp xếp để người khác đi xử lý – nhưng số lãnh đạo giả này chỉ lo cho sự an toàn của bản thân mà trốn đi mất. Họ sợ chết khiếp, và để đảm bảo cho sự an toàn của chính mình, ngay cả những việc có thể làm mà họ cũng chẳng làm. Cho nên, có rất nhiều lần, do lãnh đạo giả sơ xuất, không hành động và vô trách nhiệm, mà khi phát sinh tình huống nguy hiểm, các loại vật phẩm và của lễ của nhà Đức Chúa Trời bị con rồng lớn sắc đỏ cướp đoạt, lấy đi, dẫn đến những tổn thất rất nghiêm trọng. Khi những tình huống nguy hiểm như vậy vừa mới xuất hiện trong hội thánh, lãnh đạo và người làm công trước hết nên nghĩ đến việc bố trí ổn thỏa các thiết bị và vật phẩm của nhà Đức Chúa Trời ở nơi thích hợp, giao cho người phù hợp quản lý, và tuyệt đối không được để con rồng lớn sắc đỏ cướp mất. Thế mà lãnh đạo giả chưa bao giờ để tâm đến những chuyện này, họ chưa bao giờ đặt lợi ích của nhà Đức Chúa Trời lên hàng đầu, mà luôn đặt sự an toàn của bản thân lên trên hết. Do lãnh đạo giả không thực hiện công tác thực tế, nên thường xuyên dẫn đến việc các loại vật phẩm quan trọng của nhà Đức Chúa Trời bị phá hoại và tổn thất, đây chẳng phải là sự thất trách nghiêm trọng của lãnh đạo giả sao?” (Chức trách của lãnh đạo và người làm công (11), Lời, Quyển 5 – Chức trách của lãnh đạo và người làm công). Lời Đức Chúa Trời mô tả rõ trách nhiệm của người lãnh đạo. Người lãnh đạo cần phải có nhân tính, tinh thần chính nghĩa và phải là người đáng tin cậy. Trong những thời khắc quan trọng, lãnh đạo phải luôn bảo vệ anh chị em và gìn giữ sách lời Đức Chúa Trời, dù có phải chịu khổ hay hy sinh lợi ích cá nhân. Những lãnh đạo giả vô cùng ích kỷ và đê tiện, dù đôi khi họ cũng thực hiện công tác, nhưng chỉ làm những công tác họ thích. Trong mọi việc, họ chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình mà không hề xem xét đến lợi ích của nhà Đức Chúa Trời. Những người như vậy có nhân cách kém cỏi và Đức Chúa Trời khinh thường họ. Đối chiếu với điều này, tôi thấy mình chẳng khác gì những lãnh đạo giả mà lời Đức Chúa Trời vạch trần. Khi những vụ bắt bớ xảy ra trong hội thánh, tôi đã đùn đẩy công tác nguy hiểm cho người khác, yêu cầu Lý Dịch chuyển giao sách, và khi anh ấy không trả lời thư kịp thời, tôi cũng không nhanh chóng tự mình chuyển sách đi, mà lại viết thư cho lãnh đạo cấp trên, giải thích rằng mình có vóc giạc nhỏ và yêu cầu lãnh đạo giao công tác này cho người khác. Tôi viện cớ để bảo vệ bản thân và đùn đẩy công tác nguy hiểm cho người khác để tránh rủi ro cho mình. Khi tình hình ngày càng xấu đi, tôi chẳng muốn đi sâu vào chi tiết công tác xử lý hậu quả, mà chỉ làm qua loa, giả bộ như đang làm công tác và giao việc từ trên xuống, đùn đẩy tất cả công tác xử lý hậu quả cho các trưởng nhóm, buộc họ phải trực tiếp ra mặt và tự giải quyết vấn đề. Khi nghe tin Vương Lan có nguy cơ bị bắt, đáng ra tôi phải ngay lập tức viết thư nhắc chị ấy ẩn đi. Nếu tôi làm vậy, có lẽ chị ấy đã không bị bắt và mất mạng. Nhưng tôi đã sống trong nỗi sợ hãi và nhút nhát, và không thông báo cho mọi người như tôi cần làm. Một số anh chị em trở nên tiêu cực và yếu đuối, nhưng tôi cũng không thông công hay hỗ trợ họ. Tôi chỉ nghĩ cách bảo vệ lợi ích của bản mình khỏi bị tổn hại trong mọi tình huống, mà chẳng hề mảy may quan tâm đến công tác của hội thánh. Tôi thật ích kỷ và đê tiện! Là lãnh đạo hội thánh, tôi có trách nhiệm bảo vệ dân được Đức Chúa Trời chọn, cũng như lợi ích của nhà Đức Chúa Trời, nhưng vào thời khắc quan trọng nhất, tôi lại chùn bước trước bổn phận của mình. Tôi ích kỷ, đê tiện, chỉ biết nghĩ đến bản thân, không có một chút lương tâm hay lý trí nào. Hậu quả là chị em tôi đã bị bắt bớ và tra tấn đến chết, công tác của hội thánh thì bị đình trệ, còn tôi đã mắc một vi phạm vĩnh viễn.
Rồi tôi đọc được đoạn lời này của Đức Chúa Trời: “Làm bổn phận cũng không phải là chuyện nhỏ, làm bổn phận là cách tỏ lộ con người rõ nhất, Đức Chúa Trời dựa vào biểu hiện nhất quán của người ta khi làm bổn phận để quy định kết cục của người ta. Làm không tốt bổn phận có nghĩa là gì? Nghĩa là không tiếp nhận lẽ thật, không thực sự hối cải, nên bị Đức Chúa Trời đào thải. Việc lãnh đạo giả và người làm công giả bị cách chức nói lên điều gì? Nói lên đây là thái độ của nhà Đức Chúa Trời đối với loại người này, đương nhiên cũng nói lên thái độ của Đức Chúa Trời đối với loại người này. Vậy thái độ của Đức Chúa Trời đối với loại phế nhân này là gì? Chính là ghê tởm, định tội và đào thải. Vậy các ngươi còn muốn tham hưởng lợi ích của địa vị và làm lãnh đạo giả không?” (Chức trách của lãnh đạo và người làm công (8), Lời, Quyển 5 – Chức trách của lãnh đạo và người làm công). Đọc xong lời Đức Chúa Trời, nước mắt tôi trào ra. Tôi nhận ra việc mình bị cách chức chính là sự phẫn nộ của Đức Chúa Trời, và hiểu rằng tâm tính công chính của Đức Chúa Trời không thể bị xúc phạm. Nhìn lại cách tôi luôn đặt sự an toàn của bản thân lên hàng đầu, không bảo vệ công tác hội thánh, không quan tâm đến sự an toàn của anh chị em, dẫn đến hậu quả không thể cứu vãn, tôi hối hận vô cùng. Dù bản thân không bị hề hấn gì, nhưng tôi đã không làm hết trách nhiệm, đã mắc phải một vi phạm không thể bù đắp, và làm Đức Chúa Trời ghét bỏ, khinh miệt mình. Việc bị anh chị em báo cáo là do tôi tự chuốc lấy. Khoảng thời gian đó, tôi thường khóc mỗi khi nghĩ đến chuyện này và tự ghét bản thân vì quá tham sống sợ chết. Mỗi lần nhắc lại, tôi lại cảm thấy một nỗi đau âm ỉ trong lòng, và thấy mình nợ Đức Chúa Trời cũng như các anh chị em. Tôi ghét bản thân vì mình chẳng khác gì một con thú, cảm thấy Đức Chúa Trời có trừng phạt tôi thế nào thì cũng không quá đáng.
Sau đó, tôi bắt đầu tìm hiểu lý do tại sao mình luôn cố gắng bảo vệ bản thân khi đối mặt với những tình huống khó khăn. Tôi đã đọc được đoạn lời này của Đức Chúa Trời: “Cho đến khi mọi người trải nghiệm công tác của Đức Chúa Trời và hiểu được lẽ thật, thì chính bản tính của Sa-tan chiếm hữu và thống trị họ từ bên trong. Cụ thể, bản tính đó bao gồm những gì? Ví dụ, tại sao ngươi ích kỷ? Tại sao ngươi bảo vệ vị trí của chính mình? Tại sao ngươi nặng tình cảm đến thế? Tại sao ngươi vui thích những điều bất chính đó? Tại sao ngươi thích những điều ác đó? Cơ sở để ngươi thích những điều như vậy là gì? Những điều này đến từ đâu? Tại sao ngươi vui đến vậy khi chấp nhận chúng? Đến bây giờ, các ngươi đều đã hiểu ra rằng lý do chính đằng sau tất cả những điều này là độc tố của Sa-tan ở trong con người. Vậy độc tố của Sa-tan là gì? Nó có thể được thể hiện ra như thế nào? Ví dụ, nếu ngươi hỏi: ‘Người ta nên sống thế nào? Người ta nên sống vì điều gì?’ thì người ta sẽ trả lời: ‘Người không vì mình, trời tru đất diệt’. Chỉ một câu nói này đã thể hiện chính gốc rễ của vấn đề. Triết lý và lô-gic của Sa-tan đã trở thành sự sống của con người. Bất kể người ta theo đuổi điều gì thì họ cũng làm như vậy vì bản thân họ – và do đó họ sống chỉ cho bản thân họ. ‘Người không vì mình, trời tru đất diệt’ – đây là triết lý xử thế của con người, và chúng cũng đại diện cho bản tính của con người. Những lời này đã trở thành bản tính của nhân loại bại hoại và chúng là chân dung thật của bản tính Sa-tan của nhân loại bại hoại. Bản tính Sa-tan này đã trở thành nền tảng tồn tại của nhân loại bại hoại. Trong vài ngàn năm qua, nhân loại bại hoại đã sống theo độc tố này của Sa-tan, mãi cho đến tận ngày nay” (Làm thế nào để đi con đường của Phi-e-rơ, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt). Khi đọc những lời này, tôi nhận ra độc tố “Người không vì mình, trời chu đất diệt” của Sa-tan đã bám rễ sâu trong tôi và trở thành chuẩn mực cho cách tôi cư xử. Khi đối mặt với nguy hiểm, tôi luôn tự bảo vệ mình mà không quan tâm đến lợi ích của nhà Đức Chúa Trời, chỉ nghĩ cách làm sao tránh bị bắt và đùn đẩy công tác nguy hiểm cho người khác. Tất cả những gì tôi nghĩ đến là sự an toàn của bản thân, tôi không muốn làm công tác xử lý hậu quả và cũng không làm hết trách nhiệm của mình. Chỉ nhờ các anh chị em cuối cùng đã chuyển giao sách lời Đức Chúa Trời kịp thời, mà lợi ích của hội thánh mới không bị tổn hại. Còn tôi sống theo độc tố của Sa-tan, mà trở nên vô cùng ích kỷ, đê tiện và hoàn toàn thiếu nhân tính. Hết lần này đến lần khác, tôi không thực hành lẽ thật, không có chút trung thành nào với bổn phận, và Đức Chúa Trời đã ghét bỏ, ghê tởm hành vi của tôi. Nếu tôi không ăn năn và thay đổi, tôi sẽ mất đi cơ hội được cứu rỗi. Chính lúc đó, tôi nhận ra tâm tính của mình đã bại hoại đến mức nào, và việc tôi bị cách chức chính là cách Đức Chúa Trời cứu rỗi tôi.
Rồi tôi đọc được đoạn lời này của Đức Chúa Trời: “Các môn đồ đó của Đức Chúa Jêsus đã chết như thế nào? Trong số các môn đồ, có những người bị ném đá, bị kéo lê phía sau một con ngựa, bị đóng đinh lộn ngược xuống, bị ngũ mã phanh thây – mọi kiểu chết chóc đã xảy đến với họ. Lý do cho cái chết của họ là gì? Họ đã bị xử tử đúng luật vì tội lỗi của họ phải không? Không. Họ rao truyền phúc âm của Chúa, thế mà người đời không tiếp nhận, lại còn lên án, đánh mắng và đẩy họ vào chỗ chết – đó là cách mà họ tử vì đạo. … Thật ra, đây là cách thể xác của họ đã chết và qua đời; đây là cách thức họ rời khỏi thế giới loài người, nhưng điều đó không có nghĩa kết cục của họ là như vậy. Bất kể những cách thức họ chết và ra đi như thế nào đi nữa, hay nó đã xảy ra làm sao, thì cũng không phải là cách Đức Chúa Trời quy định kết cục cuối cùng cho những sinh mệnh, cho những loài thọ tạo đó. Đây là một điều ngươi phải thấy rõ. Trái lại, họ đã sử dụng một cách chính xác những cách thức đó để lên án thế gian này và làm chứng cho những việc làm của Đức Chúa Trời. Những loài thọ tạo này đã sử dụng mạng sống quý giá nhất của họ – họ đã sử dụng khoảnh khắc cuối cùng của sự sống để làm chứng cho những việc làm của Đức Chúa Trời, để làm chứng cho quyền năng vĩ đại của Đức Chúa Trời và tuyên bố cho Sa-tan và thế gian rằng những việc làm của Đức Chúa Trời là đúng, rằng Đức Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời, rằng Ngài là Chúa và là xác thịt nhập thể của Đức Chúa Trời. Thậm chí đến giây phút cuối cùng của sự sống họ, họ không bao giờ chối bỏ danh của Đức Chúa Jêsus. Đây chẳng phải là một hình thức tuyên án thế gian này hay sao? Họ đã dùng mạng sống của mình để tuyên bố với thế gian, để xác nhận với loài người rằng Đức Chúa Jêsus là Chúa, rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, rằng Ngài là xác thịt nhập thể của Đức Chúa Trời, rằng công tác cứu chuộc mà Ngài đã thực hiện cho cả nhân loại cho phép nhân loại tiếp tục sống – sự thật này đời đời không bao giờ thay đổi. Những người đã tử vì đạo vì rao truyền phúc âm của Đức Chúa Jêsus, họ đã thực hiện bổn phận của mình đến mức độ nào? Đã đến mức tối đa chưa? Mức tối đa được biểu lộ như thế nào? (Họ đã dâng mạng sống của mình.) Đúng vậy, họ đã trả giá bằng mạng sống của mình” (Rao truyền phúc âm là bổn phận không thể thoái thác của tất cả những người tin Đức Chúa Trời, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt). Lời Đức Chúa Trời giải thích rõ ý nghĩa của việc trở thành tử đạo vì Đức Chúa Trời. Các sứ đồ và môn đồ của Đức Chúa Jêsus đã trung thành với Đức Chúa Trời cho đến chết, từ bỏ cả mạng sống quý giá của mình để rao giảng phúc âm của Ngài. Họ dùng chính mạng sống để làm chứng cho Đức Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời và đưa ra lời chứng về công tác cứu chuộc nhân loại của Đức Chúa Trời. Nhân danh rao giảng phúc âm của Đức Chúa Jêsus, mà Stê-pha-nô đã bị ném đá đến chết, còn Phê-rô thì bị đóng đinh ngược. Dù xác thịt đã diệt vong, nhưng cái chết của họ đầy ý nghĩa và vinh hiển. Đức Chúa Trời đã khen ngợi cách họ dùng mạng sống của mình để làm chứng cho Ngài. Giờ đây, thành viên của hội thánh đang phải đối mặt với sự bức hại và bắt bớ nghiêm trọng, một số anh chị em khi bị bắt đã bị tra tấn và hành hạ, nhưng họ không khuất phục trước Sa-tan và thà vào tù chứ không phản bội Đức Chúa Trời. Còn Vương Lan, chị ấy thà chết chứ không trở thành Giu-đa. Ngược lại, trong tình huống đó, tôi chỉ nghĩ đến sự an toàn của bản thân, đặt mạng sống của mình lên trên hết, không có chút lòng trung thành nào với bổn phận và không làm hết trách nhiệm của mình. Dù không bị bắt và mạng sống được bảo toàn, nhưng tôi đã không hề đưa ra lời chứng nào, sống như vậy thật là ô nhục. Tôi thấy tội lỗi vô cùng và không muốn tiếp tục sống cuộc đời hèn hạ như vậy nữa. Tôi cũng nhận ra Đức Chúa Trời đang dùng con rồng lớn sắc đỏ để phục vụ, nhận diện ai là người tin thật sự và ai là người tin giả, ai là người làm chứng và ai không, rồi phân chia mọi người theo từng loại. Đây là sự khôn ngoan trong công tác của Đức Chúa Trời. Khi hiểu ra điều này, tôi quyết tâm làm hết bổn phận và đứng vững làm chứng cho Đức Chúa Trời. Tôi cầu nguyện với Ngài rằng: “Lạy Đức Chúa Trời, con đã quá ích kỷ và đê tiện. Vì sợ hãi bị bắt bớ và tra tấn, con đã không bảo vệ công tác hội thánh và mắc một vi phạm vĩnh viễn. Từ nay, bất kể hoàn cảnh nào, con sẽ dâng cả mạng sống của mình để duy trì lợi ích hội thánh. Con sẽ không sống cuộc đời hèn hạ nữa. Con sẵn sàng giao mạng sống của mình vào tay Ngài và thuận phục sự tể trị cũng như sắp đặt của Ngài”.
Vài tháng sau, tôi một lần nữa được chọn làm lãnh đạo hội thánh. Chỉ vài ngày sau khi làm bổn phận, tôi nhận được thư từ lãnh đạo cấp trên, nói rằng Trung Cộng đã lấy được hình ảnh của tôi từ một camera giám sát. Lãnh đạo khuyên tôi tránh xuất hiện nơi công cộng trừ khi thật sự cần thiết. Sau khi nhận thư, tôi có chút lo lắng nhưng điều đó không ảnh hưởng đến công tác của tôi. Nếu cần ra ngoài làm công tác, tôi sẽ cải trang đôi chút rồi đi thực hiện bổn phận. Không lâu sau, một số anh chị em trong hội thánh của tôi bị bắt, và tôi lại phải tiếp tục xử lý hậu quả. Tôi nhận ra Đức Chúa Trời đang thử thách mình. Dù có chút lo lắng và e ngại, tôi nhớ lại trước đây mình đã ích kỷ và đê tiện, đùn đẩy công tác nguy hiểm cho người khác, để lại vết nhơ vĩnh viễn trong hồ sơ của tôi với Đức Chúa Trời và trở thành trò cười của Sa-tan. Nên trước tình hình hiện tại, tôi phải ăn năn và ngừng sống như trước kia. Tôi lặng lẽ cầu nguyện với Đức Chúa Trời, nói rằng tôi sẵn sàng nương cậy vào Ngài để xử lý hậu quả nhanh nhất có thể. Sau đó, tôi nhanh chóng sắp xếp chi tiết với các trưởng nhóm để chuyển giao sách lời Đức Chúa Trời, và các anh chị em đã sớm chuyển giao tất cả sách thành công. Khi thực hành như vậy, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều, và biết rằng sự bình yên này đến từ Đức Chúa Trời. Hai tháng sau, hơn mười anh chị em bị bắt, bao gồm cả một cựu lãnh đạo hội thánh. Đối mặt với tình huống này, tôi không còn chỉ lo bảo vệ sự an toàn của bản thân như trước, mà dựa vào Đức Chúa Trời để xử lý hậu quả, bảo vệ anh chị em và ngăn không cho lợi ích của nhà Đức Chúa Trời bị tổn hại. Tôi đã tham khảo ý kiến của cộng sự về cách nhanh chóng thông báo để anh chị em ẩn đi và chuyển giao sách. Nhờ sự phối hợp của anh chị em mà sách đã được chuyển giao thành công. Khi nghe tin này, tôi rất vui mừng và cảm tạ sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời! Tôi nhớ lại trước đây, mình đã luôn bảo vệ lợi ích cá nhân, thoái thác bổn phận, và bị tỏ lộ là lãnh đạo giả. Cuối cùng lần này, tôi đã không bị kìm kẹp bởi nỗi sợ chết, mà đã có thể thực hành lẽ thật và làm hết trách nhiệm. Tất cả đều nhờ lời Đức Chúa Trời mà tôi đã có thể trải qua sự biến đổi này.