31. Suy ngẫm về việc giả vờ
Ngày 6 tháng 3 năm 2023, lãnh đạo đã lên lịch nhóm họp với một số đồng sự trong chúng tôi. Thường ngày tôi vẫn rất mong chờ nhóm họp, nghĩ rằng mọi người có thể cùng nhau thông công sự lĩnh hội và nhận thức của mình về lời Đức Chúa Trời, trao đổi trải nghiệm của từng người, còn có thể thảo luận, bàn bạc về đủ loại vấn đề và khó khăn gặp phải trong công tác, lấy ưu bù khuyết và bổ sung cho nhau, như vậy là rất tốt. Nhưng lần này, tôi có chút lo lắng. Tôi nghĩ đến hai tháng trước, lãnh đạo đã chỉ ra không ít vấn đề trong công tác của tôi, như việc công tác phúc âm tiến triển chậm chạp, và việc tôi không kịp thời bồi dưỡng những nhân tài đã được phát hiện, còn nói tôi đề cao và khoe khoang bản thân khi thông công trong các buổi nhóm họp, và rằng tôi đang đi trên con đường địch lại Đấng Christ. Tôi nghĩ: “Nếu lần này lãnh đạo đến nhóm họp và hỏi mình thời gian qua đã trải nghiệm thế nào, đã sửa chữa những sai lệch, thực hành và bước vào ra sao, lỡ như mình không nói ra được, thì lãnh đạo có cho rằng mình không làm tốt công tác, và lối vào sự sống của mình cũng kém hay không? Đến lúc đó lãnh đạo và các đồng sự sẽ nhìn mình thế nào đây?”. Nghĩ đến đây, trong lòng tôi rất căng thẳng, nên tôi bắt đầu suy nghĩ xem liệu còn công tác nào mà mình vẫn chưa theo sát hoặc chưa nắm vững không. Tôi phải nhanh chóng tìm hiểu rõ ràng trước buổi nhóm họp. Hơn nữa, lần trước lãnh đạo đã chỉ ra vấn đề tôi đề cao và khoe khoang bản thân. Tuy sau đó tôi có đọc một vài lời của Đức Chúa Trời, nhưng cũng không chú trọng tự phản tỉnh và bước vào. Tôi tự hỏi: “Nếu không nói ra được sự nhận thức chân thật, thì liệu lãnh đạo có nói rằng, dù đã bị tỉa sửa rồi mà mình vẫn không chú trọng phản tỉnh bản thân, và không phải là người mưu cầu lẽ thật không? Mình phải xem lại những lời Đức Chúa Trời đã đọc trước đây, nghiền ngẫm cho kỹ, và cố gắng nói ra được một chút nhận thức sâu sắc. Như vậy thì lãnh đạo có thể thấy rằng, tuy mình còn tồn tại rất nhiều vấn đề khi thực hiện bổn phận, và cũng bộc lộ tâm tính bại hoại, nhưng sau đó vẫn có thể tìm kiếm lẽ thật, thực hành và bước vào được đôi chút. Như vậy thì mình sẽ có thể lấy lại được hình tượng trong mắt lãnh đạo rồi”.
Ngày nhóm họp hôm đó, cũng như mọi khi, lãnh đạo bắt đầu bằng việc trò chuyện về tình trạng của chúng tôi. Tôi thầm nghĩ: “Hãy cứ để các đồng sự nói trước, nghe xem họ đã trải nghiệm và nhận thức thế nào. Mình có thể rút ra được chút sự sáng trong mối thông công của họ, cũng có thể nhân cơ hội này để nhớ lại nhiều hơn một chút về trải nghiệm và nhận thức của bản thân”. Nghe thấy các đồng công thông công đều rất thực tế, trong lòng tôi bắt đầu có chút căng thẳng, “Nếu mình thông công không tốt, thì ấn tượng về mình trong lòng lãnh đạo lại càng tệ hơn”. Nghĩ đến những điều này làm tôi không thể bình tĩnh được, bắt đầu suy nghĩ làm sao để biểu đạt rõ ràng và có chiều sâu hơn khi thông công. Nhưng cho dù có suy ngẫm thế nào thì tôi vẫn chỉ có chút ít nhận thức nông cạn như trước mà thôi, chuyện này khiến tôi có chút nản lòng: “Thôi bỏ đi, mình nhận thức như thế nào thì cứ nói thế ấy”. Nhưng rồi tôi lại nghĩ: “Lúc trước mình đã để lại ấn tượng không tốt cho lãnh đạo. Nếu lát nữa lãnh đạo nghe thấy mình nhận thức nông cạn như vậy, có khi nào sẽ nói mình đã không làm tốt công tác mà còn không có lối vào sự sống, rồi liệt mình vào dạng đối tượng cần theo dõi và cách chức không? Nếu mình bị cách chức, thì các anh chị em sẽ nhìn mình thế nào đây? Không được, mình vẫn phải biểu hiện cho tốt một chút”. Khi đến lượt tôi chia sẻ về tình trạng và nhận thức của mình, tôi đã muốn trình bày ra được một nhận thức có chiều sâu, nhưng kết quả là càng nói càng rối loạn. Đến khi tôi nói xong, lãnh đạo nói: “Nghe chị nói nhiều như vậy rồi, mà sao tôi vẫn chưa nghe ra được tình trạng chính của chị là gì”. Một đồng sự cũng nói: “Nghe có vẻ như chị có chút tiêu cực, nếu có sự nhận thức và bước vào thì chị không nên tiêu cực mới phải”. Lúc đó mặt tôi nóng bừng, tôi chỉ ước có cái lỗ nào để chui xuống. Tôi nghĩ thầm: “Giờ thì hay rồi, chẳng những không biểu hiện tốt, mà ngược lại còn mất mặt hơn nữa”. Tôi càng nghĩ càng thấy ngượng, chỉ trông cho buổi nhóm họp này mau kết thúc. Sau đó, lãnh đạo không tiếp tục hỏi thêm về tình trạng của tôi nữa, mà bắt đầu hỏi tôi nếu nhận được thư tố cáo thì sẽ xử lý như thế nào. Tôi nghĩ thầm: “Tình huống xử lý thư tố cáo lần này thì mình hiểu khá rõ, nên mình có thể nói về chuyện này để thể hiện bản thân một chút. Nhưng người chị em cùng phối hợp với mình cũng có tham gia, nếu chị ấy nói trước thì liệu lãnh đạo có cho rằng chị ấy là người đã thông công và xử lý tình huống không? Không được, mình phải nói trước. Vừa mới tự làm mình mất mặt xong, lần này thì mình phải gỡ gạc lại thể diện”. Nghĩ đến đây, tôi đã giành trả lời ngay. Nhưng vì quá vội vàng thể hiện bản thân nên kết quả là tôi đã biểu đạt không được rõ ràng. Và chính người chị em cùng phối hợp với tôi đã thông công bổ sung để làm sáng tỏ mọi chuyện. Lúc đó, trong lòng tôi rất khó chịu, tôi muốn đóng vai người tiên phong để thể hiện bản thân, nhưng kết quả còn bị mất mặt hơn nữa. Tối hôm đó, tôi hồi tưởng về cảnh tượng ban sáng, trong lòng không sao bình tĩnh được. Tôi không kìm được nên lại bắt đầu suy nghĩ làm sao để gỡ gạc lại thể diện đã mất. Nhưng tôi càng suy nghĩ thì trong lòng càng bức bối, đầu óc cũng mụ mị đi.
Sáng hôm sau, trong lúc tĩnh nguyện, tôi đọc được một đoạn lời Đức Chúa Trời: “Lúc các ngươi làm việc và thực hiện bổn phận có thường xuyên tự kiểm điểm hành vi và ý định của bản thân không? (Thưa, ít khi tự kiểm điểm.) Ít khi tự kiểm điểm thì có biết được tâm tính bại hoại của bản thân không? Có thể nắm bắt được trạng thái thật sự của bản thân không?” (Phần 3, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt). Sau khi đọc lời Đức Chúa Trời, tôi mới bắt đầu kiểm điểm bản thân, và nhận ra ý định của mình trong buổi nhóm họp lần này là không đúng đắn. Tôi đã muốn mượn việc thông công về kinh nghiệm, nhận thức để thể hiện bản thân, và khiến người khác ấn tượng. Càng phản tỉnh về những ý định và biểu hiện của mình, tôi càng cảm thấy biểu hiện của mình khi nhóm họp có yếu tố giả dối, và rằng tôi đang thực hiện hành vi lừa dối. Khi kiểm điểm đến những điều này, trong lòng tôi bắt đầu rối bời. Tôi nghĩ: “Trong buổi nhóm họp hôm nay, mình có nên nói với lãnh đạo về tình trạng của mình ngày hôm qua không? Nếu nói ra, thì lãnh đạo và các đồng công sẽ nhìn nhận thế nào về mình, khi biết mình tham gia nhóm họp với ý định đê tiện như vậy? Nhưng nếu không nói thì Đức Chúa Trời sẽ nhìn mình ra sao?”. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi vẫn quyết định tìm lãnh đạo để nói về tình trạng ngày hôm qua của mình. Có điều, lúc đó tôi chỉ một mình đi tìm lãnh đạo mà thôi, vì quá ngại nói trước mặt các đồng sự.
Sau đó, khi phản tỉnh thêm về những gì mình đã bộc lộ lúc nhóm họp, tôi đã nghĩ về cách mà Đức Chúa Trời vạch rõ biểu hiện đạo đức giả của người Pha-ri-si, và tìm được những lời này của Đức Chúa Trời: “‘Người Pha-ri-si’ được mô tả như thế nào? Họ là những người giả hình, hoàn toàn giả tạo, và ra vẻ trong mọi việc họ làm. Họ diễn trò gì? Họ giả vờ là tốt, tử tế, và tích cực. Họ có thật sự như vậy không? Tuyệt đối không. Vì rằng họ là những kẻ giả hình, mọi thứ được biểu hiện và tỏ lộ nơi họ đều là giả; tất cả đều là giả vờ – đó không phải là bộ mặt thật của họ. Bộ mặt thật của họ ẩn ở đâu? Nó ẩn sâu trong lòng họ, những người khác không bao giờ thấy được. Mọi thứ bề ngoài chỉ là đóng kịch, tất cả đều là giả tạo, nhưng họ chỉ có thể lừa con người; họ không thể lừa Đức Chúa Trời. Nếu con người không theo đuổi lẽ thật, nếu họ không thực hành và trải nghiệm lời Đức Chúa Trời, thì họ không thể thật sự hiểu lẽ thật, và vì vậy cho dù lời nói của họ nghe có vẻ hay ho đến đâu, thì những lời này cũng không phải là thực tế lẽ thật, mà là câu chữ và đạo lý. Một số người chỉ chăm chú vào việc giảng câu chữ và đạo lý, ai giảng đạo nghe cao siêu thì họ sẽ bắt chước người đó, kết quả là chỉ trong vài năm, khả năng giảng câu chữ và đạo lý của họ trở nên càng tiến bộ hơn, và họ được nhiều người ngưỡng mộ, tôn sùng, sau đó họ bắt đầu ngụy trang bản thân, và rất để ý đến điều họ nói và làm, thể hiện bản thân họ cực kỳ sùng đạo và thuộc linh. Họ dùng những cái gọi là lý thuyết thuộc linh này để ngụy trang bản thân. Đây là tất cả những gì họ nói ở bất cứ nơi đâu họ đến, những lời như đúng mà là sai phù hợp với quan niệm của con người, nhưng lại không có bất kỳ thực tế lẽ thật nào. Và thông qua việc thuyết giảng những điều này – những điều phù hợp với quan niệm và thị hiếu của mọi người – họ đã mê hoặc nhiều người. Đối với người khác, những người như thế có vẻ rất mộ đạo và khiêm nhường, nhưng thật ra đó là giả tạo; họ có vẻ bao dung, nhẫn nhịn và yêu thương, nhưng thật ra đó là giả dối; họ nói họ yêu Đức Chúa Trời, nhưng đó thực ra là diễn kịch. Những người khác nghĩ những người như vậy là thánh khiết, nhưng thực ra là giả mạo. Có thể tìm được một người thật sự thánh khiết ở đâu? Sự thánh khiết của con người toàn là giả. Tất cả chỉ là diễn kịch, là giả vờ. Ở bề ngoài, họ có vẻ trung thành với Đức Chúa Trời, nhưng họ thật sự đang diễn cho người khác xem. Khi không ai nhìn, họ không có chút trung thành nào, và mọi việc họ làm đều qua loa chiếu lệ. Nhìn bề ngoài, họ dâng mình cho Đức Chúa Trời và đã từ bỏ gia đình và sự nghiệp. Nhưng họ bí mật làm gì? Họ tạo sự nghiệp cá nhân và việc làm ăn riêng trong hội thánh, trục lợi từ hội thánh và ăn cắp các của lễ một cách bí mật dưới vỏ bọc là làm việc cho Đức Chúa Trời… Những người này là Pha-ri-si giả hình thời hiện đại” (Sáu dấu chỉ của sự phát triển trong sự sống, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt). Lời Đức Chúa Trời vạch rõ rằng người Pha-ri-si là những kẻ đạo đức giả và giỏi ngụy trang bản thân. Lời nói và việc làm của họ đều ẩn chứa ý đồ và mục đích. Họ không tuân theo con đường của Đức Chúa Trời, mà thay vào đó là rao truyền câu chữ và đạo lý để khoe khoang bản thân. Họ dùng những hành vi tốt bề ngoài để tô vẽ và đánh bóng bản thânn, lấy đó để thể hiện mình khiêm tốn, có lòng yêu thương và kiên nhẫn đối với người khác. Thậm chí họ còn đứng cầu nguyện ở ngã tư đường để người ta thấy họ rất mộ đạo và là người yêu kính Đức Chúa Trời. Ý đồ và mục đích của người Pha-ri-si trong việc ngụy trang, tô vẽ bản thân chính là để mê hoặc người khác, để được mọi người xem trọng, ủng hộ, và lấy đó để giữ vững địa vị của mình. Khi phản tỉnh về những gì bản thân đã bộc lộ, tôi thấy mình giống hệt người Pha-ri-si. Trong buổi nhóm họp lần trước, lãnh đạo đã chỉ ra những vấn đề trong công tác của tôi. Tôi lo lãnh đạo có cái nhìn không tốt về mình, nên tôi đã muốn biểu hiện tốt hơn một chút trong buổi nhóm họp lần này, để lấy lại hình tượng của mình trong mắt lãnh đạo. Bản thân tôi có một số công tác làm chưa được đến nơi đến chốn, cũng không nắm rõ tình hình chi tiết. Tôi sợ lãnh đạo nhìn thấu chuyện này, nên đã lập tức đi tìm hiểu, chăm chỉ công tác và nhóm họp hơn trước. Mục đích chính là để lãnh đạo thấy tôi vẫn có thể làm chút công tác thực tế. Tôi thấy được rằng, mình chăm chỉ theo sát công tác và thông công giải quyết vấn đề không phải là để làm tốt bổn phận hay quan tâm đến tâm ý của Đức Chúa Trời, mà là để lấy lại hình tượng của mình trong mắt lãnh đạo và để được các đồng sự xem trọng. Tôi đã quá ích kỷ và giả dối! Khi phản tỉnh về bản thân trong quá trình thực hiện bổn phận, tôi nhận ra rằng, nhiều lúc mình làm việc chỉ toàn để giữ thể diện cho bản thân và giả vờ trước mặt người khác. Thậm chí, có lúc lãnh đạo theo sát để tìm hiểu công tác, có một số công tác tôi chưa hề làm, nhưng vì sợ lãnh đạo nói hiệu suất làm việc của tôi kém, nên tôi nói dối là mình đang theo sát công tác rồi, sau đó mới vội đi làm. Khi phản tình về những gì mình thường bộc lộ và biểu hiện của mình khi nhóm họp, tôi cảm thấy rất khó chịu. Tôi đã vì giữ thể diện mà che đậy, ngụy trang bản thân và giả đạo đức. Như vậy thì có gì khác với người Pha-ri-si chứ?
Sau đó, tôi tìm một số lời Đức Chúa Trời liên quan đến tình trạng của mình để đọc, và trong số đó có một đoạn lời Ngài đã khiến tôi vô cùng xúc động. Đức Chúa Trời Toàn Năng phán: “Kẻ địch lại Đấng Christ cũng rất nhạy cảm về địa vị của họ trong một tập thể. Ở trong một tập thể thì họ cho rằng tuổi tác họ ít hay nhiều không quan trọng, sức khỏe họ mạnh hay yếu cũng không quan trọng, cái quan trọng là đa số mọi người nhìn nhận họ thế nào, đa số mọi người khi nói năng và hành động thì có chừa thời gian và vị trí cho họ hay không, địa vị và vị trí của họ trong lòng đa số mọi người là cao lớn hay bình thường, trong mắt mọi người nhìn nhận họ là cao lớn hay là bình thường và không có gì đặc biệt, v.v.. Còn nữa, đa số mọi người nhìn nhận lý lịch tin Đức Chúa Trời của họ như thế nào, lời nói của họ có sức nặng đến đâu giữa mọi người, nghĩa là khi họ nói một câu thì có bao nhiêu người có thể tán thành, bao nhiêu người có thể tán thưởng, đưa ngón tay cái biểu thị đồng tình, chăm chú lắng nghe và ghi tạc vào lòng. Ngoài ra, trong mắt đa số mọi người thì đức tin của họ lớn hay nhỏ, ý chí chịu khổ như thế nào, đã vứt bỏ và dâng mình ra sao, có cống hiến thế nào với nhà Đức Chúa Trời, giữ chức vụ cao thấp ra sao trong nhà Đức Chúa Trời, đã chịu những cái khổ nào và đã làm được đại sự gì – Đây là những chuyện mà trong lòng họ quan tâm nhất. … Kẻ địch lại Đấng Christ chủ yếu chú trọng chuyện giảng đạo, bỏ công sức vào cách giảng giải lời Đức Chúa Trời sao cho thể hiện được bản thân và khiến người ta đánh giá cao. Trong khi bỏ công sức vào chuyện này, họ không mưu cầu cách để hiểu lẽ thật, cách để bước vào thực tế lẽ thật, thay vào đó lại suy ngẫm làm thế nào để ghi nhớ những lời này, làm thế nào để khiến thêm nhiều người biết về sở trường của họ, khiến thêm nhiều người biết rằng họ có bản lĩnh, không phải người thường, biết họ có khả năng và hơn người bình thường một bậc. Kẻ địch lại Đấng Christ mang theo cách nghĩ, ý định và quan điểm này mà sống giữa mọi người và làm ra đủ mọi chuyện. Bởi vì có quan điểm như thế, có sự mưu cầu và dã tâm như thế, nên họ vô thức nảy sinh những hành vi tốt, câu nói đúng và cách làm tốt với đủ mọi thể loại, lớn có nhỏ có” (Lời, Quyển 4 – Vạch rõ kẻ địch lại Đấng Christ. Mục 9 (Phần 10)). Lời Đức Chúa Trời vạch rõ rằng kẻ địch lại Đấng Christ thực hiện bổn phận toàn là để mưu cầu địa vị cao hơn người khác, nói năng, hành động cũng chỉ để được người ta tán thành và sùng bái. Để củng cố địa vị của mình, kẻ địch lại Đấng Christ vứt bỏ, dâng mình, chịu khổ, trả giá và có rất nhiều hành vi tốt đẹp. Họ còn dốc công dốc sức vào lời Đức Chúa Trời, trang bị câu chữ và đạo lý để rao truyền trước mặt người khác. Khi đối chiếu bản thân với họ, tôi thấy mình cũng giống như vậy. Tôi coi trọng thể diện và địa vị hơn hết thảy. Ngay khi bị phơi bày những khuyết điểm hay những vấn đề của mình trong lúc thực hiện bổn phận, tôi đã cố nghĩ đủ mọi cách để lấy lại vị thế. Tôi rõ ràng không chú trọng phản tỉnh về vấn đề tự đề cao và khoe khoang của mình, cũng không có sự nhận thức chân thật, nhưng tôi vẫn đánh bóng, tô vẽ bản thân, và lừa dối các anh chị em. Tôi thấy mình đã quá giả dối! Tính chất của việc làm này chính là đang lừa dối Đức Chúa Trời, là chuyện mà Đức Chúa Trời căm ghét và định tội. Nghĩ đến đây, trong lòng tôi có chút sợ hãi, tôi nhận ra nếu không sửa đổi tình trạng này của mình, thì tôi sẽ bị Đức Chúa Trời ghét bỏ.
Sau đó, tôi đã phản tỉnh về việc mình luôn muốn giữ hình tượng tốt đẹp trong mắt người khác, và nhận ra mình đã bị chi phối bởi những độc tố Sa-tan như “Cây sống nhờ vỏ, người sống nhờ thể diện” và “Người chết để tên, chim đi để tiếng”. Tôi nhớ thời gian gần đây Đức Chúa Trời đã thông công về phương diện lẽ thật này, nên đã tìm đọc lời Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời Toàn Năng phán: “Câu nói ‘Cây sống nhờ vỏ, người sống nhờ thể diện’ là để người ta xem trọng việc sống vẻ vang đẹp đẽ và làm những việc khiến thể diện được vẻ vang, chứ đừng làm những việc xấu xa không vẻ vang, đừng phơi bày mặt cực kỳ xấu xí của họ, đồng thời để ngăn họ sống cuộc sống không có sĩ diện hay tôn nghiêm. Vì thể diện, sĩ diện và vẻ vang mà người ta không thể chê bai mọi thứ về bản thân, càng không thể kể cho người khác biết về những mặt tối tăm và không thể để người khác thấy của mình, bởi vì người ta phải sống có sĩ diện và tôn nghiêm. Để có tôn nghiêm thì người ta phải có thể diện, để có thể diện thì phải ngụy trang và tô vẽ bản thân. Như thế chẳng phải sẽ xung đột với việc làm người trung thực hay sao? (Thưa, phải). Khi làm người trung thực, những gì ngươi làm hoàn toàn trái ngược với câu nói ‘Cây sống nhờ vỏ, người sống nhờ thể diện’. Nếu muốn làm người trung thực, thì đừng xem trọng sĩ diện; sĩ diện của con người chẳng đáng một xu. Khi đối diện với lẽ thật, người ta phải vạch trần bản thân, chứ đừng ngụy trang hoặc giả tạo. Người ta phải phơi bày trước Đức Chúa Trời những suy nghĩ thật sự, những chân tướng sự thật như những lỗi lầm đã phạm, những chỗ đã vi phạm các nguyên tắc lẽ thật, vân vân, đồng thời phơi bày những thứ này cho các anh chị em thấy. Đây không phải chuyện sống vì thể diện, mà là chuyện sống để làm người trung thực, sống để mưu cầu lẽ thật, sống để làm một loài thọ tạo và sống để làm thỏa lòng Đức Chúa Trời và được cứu rỗi. Nhưng khi ngươi không hiểu lẽ thật này, không hiểu ý muốn của Đức Chúa Trời, thì những thứ mà gia đình hun đúc cho ngươi thường nắm thế chủ đạo. Cho nên, khi làm gì sai thì ngươi che đậy và ngụy trang, nghĩ rằng: ‘Mình không được nói về chuyện này, cũng không cho phép những người biết chuyện này nói gì. Ai mà nói ra thì mình không tha cho đâu. Thể diện của mình là trên hết. Không sống vì thể diện thì sống vì cái gì nữa, bởi vì thể diện quan trọng hơn hết thảy. Mất thể diện là mất hết tôn nghiêm. Cho nên không được nói thật sự tình, phải ngụy trang, phải che đậy, không thì sẽ mất thể diện và tôn nghiêm, cuộc sống sẽ không còn giá trị. Nếu không được ai tôn trọng, thì mình là thứ vô giá trị, là rác rưởi.’ Khi thực hành như thế, ngươi có thể làm người trung thực được không? Có thể hoàn toàn mở lòng và mổ xẻ bản thân không? (Thưa, không thể.) Rõ ràng, làm như thế chính là đang tuân theo câu ‘Cây sống nhờ vỏ, người sống nhờ thể diện’ mà gia đình đã hun đúc cho ngươi” (Cách mưu cầu lẽ thật (12), Lời, Quyển 6 – Về việc mưu cầu lẽ thật). “Gia đình hun đúc người ta không phải chỉ với một vài câu nói, mà với một loạt danh ngôn và lời hay ý đẹp. Ví dụ như, các bậc trưởng bối và cha mẹ ngươi có thường nhắc đến câu ‘Người chết để tên, chim đi để tiếng’ không? (Thưa, có.) Họ nói cho ngươi biết: ‘Người ta phải sống vì chữ ‘danh’. Cả đời này, người ta chẳng sống vì gì khác ngoài việc lưu lại danh thơm tiếng tốt và lưu lại ấn tượng tốt giữa mọi người. Hễ đi đâu, hãy hào phóng nói lời chào hỏi, lời tâng bốc, nói nhiều những lời tử tế hơn. Đừng đắc tội người ta, mà hãy làm thêm việc tốt, việc thiện’. Sự hun đúc đặc biệt này từ gia đình có tác động nhất định lên hành vi và nguyên tắc hành động của người ta, hệ quả tất yếu là họ rất xem trọng danh lợi. Nghĩa là họ xem trọng thanh danh, danh vọng, ấn tượng họ tạo ra trong lòng người khác và sự đánh giá của người khác về mọi việc họ làm, mọi quan điểm họ phát biểu. Khi xem trọng danh lợi, vô hình trung, ngươi xem nhẹ việc mình có thực hiện bổn phận hợp với lẽ thật và nguyên tắc hay không, có làm thỏa lòng Đức Chúa Trời hay không và có thực hiện bổn phận đạt tiêu chuẩn hay không. Ngươi xem những thứ này là thứ yếu, là thứ hai, còn câu nói ‘Người chết để tên, chim đi để tiếng’ mà gia đình hun đúc cho ngươi lại trở nên cực kỳ quan trọng đối với ngươi. … Mọi việc ngươi làm không phải để thực hành lẽ thật, cũng không phải để làm thỏa lòng Đức Chúa Trời, mà là vì thanh danh của ngươi. Vô hình trung, mọi việc ngươi làm đã biến thành thứ gì nào? Biến thành một hành vi tôn giáo. Thực chất của ngươi đã biến thành gì nào? Ngươi đã biến thành một người Pha-ri-si điển hình. Con đường của ngươi đã biến thành gì nào? Biến thành con đường của kẻ địch lại Đấng Christ. Đức Chúa Trời xác định tính chất như vậy đấy. Cho nên, thực chất mọi việc ngươi làm đã bị biến chất, không còn như trước nữa, ngươi không thực hành hay mưu cầu lẽ thật, mà ngươi đang mưu cầu danh lợi. Cuối cùng, trong mắt Đức Chúa Trời, việc thực hiện bổn phận của ngươi, chỉ có một từ thôi, không đạt tiêu chuẩn. Tại sao lại thế? Bởi vì ngươi chỉ trung thành với thanh danh của mình, chứ không phải trung thành với sự ủy thác của Đức Chúa Trời, cũng không phải trung thành với bổn phận của một loài thọ tạo” (Cách mưu cầu lẽ thật (12), Lời, Quyển 6 – Về việc mưu cầu lẽ thật). Lời Đức Chúa Trời đã vạch rõ chính xác tình trạng của tôi. Bấy lâu nay tôi toàn sống dựa theo những triết lý và quy luật mà Sa-tan truyền bá như “Cây sống nhờ vỏ, người sống nhờ thể diện”, và “Người chết để tên, chim đi để tiếng”. Khi tôi còn bé, cha mẹ tôi thường nói rằng, “Con người sống chính là vì cái thể diện này”, và còn hay nói, “Con cái nhà kia thế này thế nọ, khiến cho cha mẹ mất mặt theo”. Từ lúc đó, tôi đã bắt đầu hiểu cần phải giữ thể diện và có danh tiếng tốt. Tiếp xúc với người khác thì phải tuỳ mặt gửi lời, chiều theo sở thích của người khác mà nói năng và hành động. Khi nhờ làm như vậy mà được mọi người xung quanh khen ngợi, để lại danh tiếng tốt, tôi càng công nhận những triết lý, quy luật này của Sa-tan, và cảm thấy sống như vậy mới vẻ vang. Sau khi tin Đức Chúa Trời, tôi cũng thường nói năng và làm việc để giữ thể diện cho mình, luôn muốn xây dựng một hình tượng tốt đẹp trong lòng các anh chị em, và được các anh chị em xem trọng. Trong lần nhóm họp trước, lãnh đạo đã chỉ ra rất nhiều vấn đề của tôi. Để lấy lại thể diện và cho lãnh đạo thấy mình đã thay đổi, tôi đã không ngừng giả vờ, che đậy bản thân trong suốt buổi nhóm họp, không sẵn lòng cởi mở về tình trạng thực sự và những thiếu sót của mình trong công tác. Dù vấn đề của tôi bị phơi bày và bản thân đã bị nhìn thấu, tôi vẫn muốn nghĩ cách lấy lại thể diện đã mất. Việc mưu cầu thể diện và địa vị đã khiến tôi ngày càng trở nên đạo đức giả và giả dối. Làm việc gì tôi cũng toàn suy tính làm sao để giữ thể diện và địa vị cho mình, chứ không nghĩ cho lợi ích của nhà Đức Chúa Trời. Tôi cũng không bỏ công sức vào nguyên tắc lẽ thật, không mang gánh nặng và không có tinh thần trách nhiệm đối với bổn phận. Giống như trong lần nhóm họp này, tôi đã che đậy tình trạng thực sự và những thiếu sót của mình trong công tác. Lãnh đạo đã không phát hiện được vấn đề của tôi, nên cũng không có cách nào giúp tôi, những sai lệch và lỗ hổng trong công tác cũng không được kịp thời sửa chữa. Lúc đó, tôi mới thể nghiệm và lĩnh hội được rằng, việc sống dựa theo những độc tố Sa-tan và mưu cầu thể diện, địa vị không phải là con đường đúng đắn; việc này chỉ khiến con người phản nghịch Đức Chúa Trời, chống đối Ngài và cuối cùng là bị Ngài loại bỏ. Khi nhận ra những điều này, tôi không muốn tiếp tục bị Sa-tan làm bại hoại và lợi dụng như vậy, mà mất đi cơ hội đạt được lẽ thật và được cứu rỗi. Tôi muốn buông bỏ thể diện, địa vị, và mưu cầu làm người trung thực theo yêu cầu của Đức Chúa Trời.
Sau đó, tôi lại đọc được một đoạn lời Đức Chúa Trời: “Ngươi phải tìm kiếm lẽ thật để giải quyết bất kỳ vấn đề nào nảy sinh, bất kể nó là vấn đề gì và tuyệt nhiên không được tự ngụy tạo hoặc mang bộ mặt giả dối đối với người khác. Những thiếu sót của ngươi, những khiếm khuyết của ngươi, những lỗi lầm của ngươi, những tâm tính bại hoại của ngươi – hãy hoàn toàn cởi mở về chúng và thông công về chúng. Đừng giữ chúng trong mình. Học cách cởi mở bản thân là bước đầu tiên hướng đến lối vào sự sống, và đó là cửa ải đầu tiên khó vượt qua nhất. Một khi ngươi đã vượt qua nó, thì việc bước vào lẽ thật sẽ dễ dàng. Việc thực hiện bước này biểu thị điều gì? Nó có nghĩa là ngươi đang mở lòng mình và phơi bày hết thảy những gì ngươi có, tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực; phơi bày bản thân để người khác và Đức Chúa Trời nhìn thấy; không giấu giếm Đức Chúa Trời điều gì, không che đậy điều gì, không giả vờ, không giả dối và lừa dối, cũng như cởi mở và trung thực với người khác. Theo cách này, ngươi sống trong sự sáng, và không chỉ Đức Chúa Trời sẽ dò xét ngươi mà những người khác cũng sẽ có thể thấy rằng ngươi hành động có nguyên tắc và với một mức độ minh bạch. Ngươi không cần phải sử dụng bất kỳ phương pháp nào để bảo vệ danh tiếng, hình ảnh và địa vị của mình, cũng như không cần phải che đậy hay tô vẽ cho những sai lầm của mình. Ngươi không cần phải bỏ ra những nỗ lực vô ích này. Nếu ngươi có thể buông bỏ những điều này, ngươi sẽ rất thư thái, ngươi sẽ sống mà không bị kìm kẹp hoặc đau đớn, và ngươi sẽ sống hoàn toàn trong sự sáng” (Phần 3, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt). Sau khi đọc lời Đức Chúa Trời, tôi hiểu được rằng, con đường để buông bỏ thể diện và địa vị chính là bắt đầu từ việc làm người trung thực. Việc này có nghĩa là không ngụy trang hay che đậy những thiếu sót và bại hoại của mình, mà có thể có thái độ cởi mở và tìm kiếm lẽ thật để giải quyết. Như vậy thì tôi mới có cơ hội thoát khỏi tâm tính bại hoại, sửa đổi quan điểm mưu cầu sai lầm của mình, và mới có thể bảo vệ lợi ích của nhà Đức Chúa Trời khi thực hiện bổn phận.
Vào tháng 8 năm 2023, do có sự điều chuyển bổn phận nên tôi bắt đầu phối hợp với chị Trương Cầm để phụ trách một hội thánh. Vì mới vừa tiếp quản nên tôi vẫn chưa quen với một số công tác, và rất muốn hỏi chị Trương Cầm. Nhưng tôi lo rằng làm vậy thì sẽ phơi bày những thiếu sót của mình, và sợ chị ấy sẽ nói: “Trước đây chị cũng từng làm lãnh đạo hội thánh mà, sao nhìn chị giống như là cái gì cũng không biết vậy, kém cỏi quá đi”. Khi bộc lộ ra những ý nghĩ này, tôi đã kìm chúng lại và nghĩ: “Thôi bỏ đi, tự mình từ từ tìm hiểu vậy”. Vài ba ngày trôi qua, vẫn còn một số công tác mà tôi chưa hiểu rõ. Trong lòng tôi có chút lo lắng, lúc đó tôi mới nhận ra, tôi không dám hỏi chị Trương Cầm chỉ là đang muốn giữ thể diện và ngụy trang bản thân mà thôi. Tôi nghĩ đến một đoạn lời Đức Chúa Trời: “Trước tiên, ngươi nên nghĩ đến lợi ích của nhà Đức Chúa Trời, quan tâm đến tâm ý của Đức Chúa Trời, và xem xét công tác của hội thánh. Đặt những điều này lên hàng đầu; sau đó hẵng nghĩ đến chuyện địa vị của mình đã đứng vững hay chưa, người khác nhìn nhận mình thế nào” (Chỉ có thể có được sự tự do và giải phóng bằng cách loại bỏ tâm tính bại hoại, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt). Tôi thầm cầu nguyện trong lòng, không muốn sống vì thể diện nữa. Bản thân có điều gì không hiểu, không nắm được thì tôi đến hỏi chị Trương Cầm. Nhờ chị Trương Cầm thông công mà tôi đã có được con đường. Trong quá trình phối hợp sau đó, vẫn có khi tôi không hiểu một vài chỗ hoặc là công tác có sai lệch, và thỉnh thoảng tôi vẫn muốn vì thể diện mà nói chuyện hoặc che đậy thiếu sót của mình. Nhưng khi nghĩ đến việc Đức Chúa Trời yêu thích người trung thực và ghê tởm người giả dối, tôi nhận ra mình cần phải thực hành lẽ thật và làm người trung thực theo yêu cầu của Đức Chúa Trời, như vậy mới có thể thoát khỏi tâm tính bại hoại của sự giả vở và đạo đức giả. Nghĩ đến những điều này, tôi đã sẵn lòng chống lại bản thân, cởi mở về những thiếu sót và sự bại hoại của mình, và không còn bị thể diện kìm kẹp, trói buộc như vậy nữa. Tạ ơn Đức Chúa Trời!