Sự hợp tác hài hòa
Cách người ta thực hiện bổn phận trong nhà Đức Chúa Trời hoàn toàn khác với cách làm việc giữa những người ngoại đạo. Khác ở chỗ nào? Các anh chị em cùng nhau đọc lời Đức Chúa Trời và kết nối với nhau về thuộc linh. Họ có thể sống hòa thuận và nói thật lòng với nhau. Họ có thể thông công lẽ thật với nhau theo cách đơn thuần và cởi mở, vui hưởng lời Đức Chúa Trời và giúp đỡ lẫn nhau. Hễ có ai gặp khó khăn là họ cùng nhau tìm kiếm lẽ thật để giải quyết vấn đề. Họ có thể đạt được sự hợp nhất về tâm linh, có thể quy phục trước lẽ thật và trước Đức Chúa Trời. Những người ngoại đạo thì khác. Hết thảy họ đều có những bí mật riêng, họ không trao đổi cởi mở mà còn đề phòng lẫn nhau, thậm chí còn hục hặc và ganh đua lẫn nhau. Cuối cùng, họ chia tay trong sự bất hòa và đường ai nấy đi. Điểm khác biệt lớn nhất giữa việc ở trong hội thánh và ở trong thế giới của những người ngoại đạo là: những người chân thành tin Đức Chúa Trời có thể tiếp nhận lẽ thật. Bất kể ai gặp vấn đề hay khó khăn thì mọi người đều có thể thông công cởi mở, giúp đỡ lẫn nhau, và nếu người nào đó bộc lộ sự bại hoại thì có thể thực hành việc phê phán, tỉa sửa để hối cải. Yêu thương nhau nghĩa là như vậy. Tất cả mọi người đều có mối quan hệ bình đẳng với nhau, và các nguyên tắc để người ta theo đó mà hòa thuận với nhau được xây dựng trên nền tảng lời Đức Chúa Trời. Nếu có ai đó bộc lộ sự bại hoại, nói sai hoặc làm sai, thì họ đều có thể cởi mở thông công. Khi mọi người tìm kiếm lẽ thật, giúp đỡ lẫn nhau và đạt được sự hiểu biết về lẽ thật thì họ sẽ đạt được sự giải thoát và tự do hoàn toàn. Như vậy, giữa con người với nhau không còn sự ngăn cách, ganh đua hay đề phòng lẫn nhau. Họ cũng có thể khuyến khích và yêu thương lẫn nhau, hợp thành một thể. Đây là kết quả đạt được nhờ lời Đức Chúa Trời. Thông qua đời sống hội thánh, tất cả những ai thực sự tin Đức Chúa Trời đều hiểu được lẽ thật, loại bỏ được sự bại hoại của mình, hợp tác hài hòa với các anh chị em, làm tròn bổn phận, sống hòa thuận với nhau và sống trước mặt Đức Chúa Trời.
Nếu muốn làm tròn bổn phận của mình và thỏa mãn tâm ý của Đức Chúa Trời thì trước tiên, ngươi phải học cách làm việc hài hòa với người khác. Khi hợp tác với các anh chị em, ngươi phải cân nhắc điều này: “Thế nào là hài hòa? Lời ăn tiếng nói của mình có hài hòa với họ không? Suy nghĩ của mình có hài hòa với họ không? Cách mình làm việc có hài hòa với họ không?”. Ngươi phải suy ngẫm làm như thế nào thì mới là phối hợp hài hòa. Đôi khi, hài hòa có nghĩa là nhẫn nhịn và bao dung, nhưng cũng có nghĩa là giữ vững lập trường và tuân thủ các nguyên tắc. Hài hòa không có nghĩa là ba phải, hay cố trở thành “người dễ dãi”, hay bám vào đường lối ôn hòa, càng không có nghĩa là lấy lòng ai đó. Nguyên tắc là như vậy. Một khi đã nắm được các nguyên tắc này thì tự lúc nào không hay, ngươi sẽ nói và hành động phù hợp với tâm ý của Đức Chúa Trời, sống thể hiện ra thực tế của lẽ thật, và như thế, ngươi sẽ dễ đạt được sự hợp nhất. Trong nhà Đức Chúa Trời, nếu mọi người sống theo các triết lý xử thế và dựa vào các quan niệm, ý muốn cá nhân, dục vọng, tư lợi, ân tứ và sự khôn vặt của bản thân để qua lại với người khác, thì như thế này không cách nào sống trước Đức Chúa Trời được, và họ sẽ không thể nào đạt được sự hợp nhất. Tại sao lại như vậy? Tại vì khi con người sống theo một tâm tính Sa-tan thì họ không thể đạt được sự hợp nhất. Thế thì hậu quả cuối cùng của việc này là gì? Đức Chúa Trời không công tác nơi họ. Khi không có công tác của Đức Chúa Trời, nếu con người dựa vào khả năng và sự khôn vặt ít ỏi của bản thân, vào chút sở trường, chút tri thức và bản lĩnh họ đã học được, thì họ sẽ khó mà được sử dụng trong nhà Đức Chúa Trời và rất khó để hành động phù hợp với tâm ý của Ngài. Khi không có công tác của Đức Chúa Trời, ngươi không bao giờ có thể nắm được tâm ý và những yêu cầu của Ngài, cũng sẽ không nắm bắt được các nguyên tắc thực hành. Ngươi sẽ không biết con đường hay các nguyên tắc để theo đó mà thực hiện bổn phận của mình, và sẽ không bao giờ biết cách hành động phù hợp với tâm ý của Đức Chúa Trời hay những hành động nào đi ngược lại các nguyên tắc lẽ thật và chống đối Đức Chúa Trời. Nếu ngươi không nắm rõ bất cứ điều gì trong số này thì ngươi sẽ chỉ đơn thuần tuân thủ và làm theo các quy tắc một cách mù quáng. Khi thực hiện bổn phận trong sự mơ hồ như vậy thì chắc chắn ngươi sẽ thất bại. Ngươi sẽ không bao giờ được Đức Chúa Trời khen ngợi, chắc chắn sẽ bị Đức Chúa Trời ghét bỏ và đào thải.
Khi hai người cộng tác với nhau để thực hiện một bổn phận, đôi khi họ sẽ bàn cãi về một vấn đề nguyên tắc. Họ sẽ có những quan điểm khác nhau và đưa ra những ý kiến khác nhau, lúc này phải làm như thế nào? Đây có phải là một vấn đề thường xuyên xảy ra không? Đây là một hiện tượng bình thường. Đầu óc, tố chất, kiến giải, tuổi tác và kinh nghiệm của mỗi người mỗi khác, và không thể nào mà hai người có những tư tưởng và quan điểm hoàn toàn giống nhau được. Do đó, việc hai người có thể có ý kiến và cách nhìn nhận khác nhau là một hiện tượng rất phổ biến. Đây là chuyện xảy ra rất đỗi thường xuyên, đừng kinh ngạc. Vấn đề mấu chốt là, khi một vấn đề như vậy nảy sinh thì làm thế nào để hợp tác và tìm kiếm sự hợp nhất trước Đức Chúa Trời và sự thống nhất về quan điểm và ý kiến. Con đường dẫn đến sự hợp nhất quan điểm và ý kiến là gì? Đó là tìm kiếm khía cạnh liên quan của các nguyên tắc lẽ thật, không hành động theo ý định của riêng ngươi hay của ai khác, mà tìm kiếm ý định của Đức Chúa Trời. Đây là con đường đưa đến sự hợp tác hài hòa. Chỉ khi các ngươi tìm kiếm ý định của Đức Chúa Trời và các nguyên tắc mà Ngài yêu cầu thì các ngươi mới có thể đạt được sự hợp nhất. Nếu không, nếu sự việc đi theo cách của ngươi thì người kia sẽ không vừa ý, và nếu sự việc đi theo ý họ thì ngươi sẽ cảm thấy không hài lòng và khó chịu. Ngươi sẽ không thể nhìn thấu hoàn toàn, không thể buông bỏ, và ngươi sẽ luôn nghĩ: “Làm như vậy có phù hợp không?”. Ngươi không thể nhìn ra được rốt cuộc nên làm theo cách nghĩ của người nào thì mới phù hợp, nhưng lại không cam tâm từ bỏ ý riêng của mình. Trong tình huống như vậy, ngươi nên tìm kiếm lẽ thật và tìm kiếm xem các nguyên tắc là gì và Đức Chúa Trời yêu cầu những tiêu chuẩn gì. Một khi ngươi đã tìm kiếm những tiêu chuẩn mà Đức Chúa Trời yêu cầu, hãy thông công với người kia. Nếu sau đó họ thông công một chút về quan điểm và nhận thức của họ thì lòng ngươi sẽ trở nên rõ ràng và sáng tỏ. Ngươi sẽ thầm nghĩ: “Cách nghĩ của mình hơi lệch lạc, hơi nông cạn – cách nghĩ của họ hay hơn, gần hơn với các tiêu chuẩn mà Đức Chúa Trời yêu cầu, vì vậy mình sẽ gạt cách nghĩ của mình sang một bên, tiếp nhận cách nghĩ của họ và quy phục. Hãy làm theo cách của họ đi”. Và, khi đã học được điều gì đó từ họ, chẳng phải ngươi đã được trời cho sao? Họ đã cống hiến một phần, và ngươi được hưởng thứ gì đó được làm sẵn. Đó được gọi là sự ân đãi của Đức Chúa Trời, và ngươi đã được trời cho. Ngươi có tưởng rằng chỉ khi Đức Thánh Linh khai sáng thì ngươi mới được trời cho không? Khi ai đó có ý kiến hoặc sự khai sáng nào đó và chia sẻ với ngươi trong mối thông công, hoặc chuyện này được thực hành theo nguyên tắc của họ, và ngươi thấy kết quả không tệ, thì đó chẳng phải là đạt được gì đó sao? Đây chính là được trời cho. Sự hợp tác giữa các anh chị em là một quá trình lấy mạnh bù yếu. Ngươi dùng những điểm mạnh của mình để bù đắp cho những khuyết điểm của người khác, và người khác dùng điểm mạnh của họ để bù đắp cho những thiếu sót của ngươi. Lấy mạnh bù yếu và hợp tác hài hòa nghĩa là như vậy. Chỉ khi hợp tác hài hòa, người ta mới có thể được ban phước trước Đức Chúa Trời, và người ta càng trải nghiệm điều này thì họ càng sở hữu nhiều thực tế hơn, con đường của họ càng đi càng tươi sáng, và lòng họ càng trở nên yên ổn. Nếu ngươi không hợp tác hài hòa; nếu ngươi luôn xích mích với người khác, không bao giờ phục những gì người khác nói, và họ cũng không muốn lắng nghe ngươi; nếu ngươi giữ thể diện cho họ nhưng họ lại không giữ thể diện cho ngươi, và ngươi cảm thấy không thoải mái; nếu ngươi bắt chẹt họ vì điều gì đó họ đã nói, rồi họ để bụng chuyện đó, và lần tới khi có vấn đề nảy sinh thì họ cũng làm như vậy với ngươi – vậy thì đây là vấn đề gì? Chẳng phải đây là ganh đua bằng sự nóng nảy sao? Chẳng phải đây là sống theo tâm tính bại hoại sao? Khi thực hiện bổn phận theo cách này, ngươi tuyệt đối sẽ không nhận được sự khen ngợi hay phước lành của Đức Chúa Trời. Điều này sẽ chỉ khiến Đức Chúa Trời ghét bỏ ngươi.
Khi thực hiện bổn phận của mình, ngươi phải hợp tác hài hòa. Chỉ khi đó ngươi mới đạt được kết quả tốt và đáp ứng các yêu cầu của Đức Chúa Trời. Hợp tác hài hòa là gì? Những hành vi nào không được coi là hợp tác hài hòa? Giả sử ngươi thực hiện bổn phận của ngươi và Ta thực hiện bổn phận của Ta. Mỗi người trong chúng ta đều thực hiện bổn phận của mình, nhưng giữa chúng ta không có sự hiểu ngầm, không có sự trao đổi hay thông công nào, không đạt được bất kỳ nhận thức chung nào mà chỉ biết được trong lòng rằng: “Tôi đang thực hiện bổn phận của tôi và anh đang thực hiện bổn phận của anh. Chúng ta đừng can thiệp vào việc của nhau”. Đây có phải là hợp tác hài hòa không? Nhìn bề ngoài, có vẻ như giữa hai người như vậy không có tranh chấp, không có sự bất đồng quan điểm, gần như là không ai can thiệp vào việc của nhau hay hạn chế lẫn nhau. Tuy nhiên, về mặt tâm linh thì giữa họ không có sự hợp tác hài hòa, không hiểu ngầm hoặc quan tâm đến nhau. Tất cả những gì đang diễn ra là ai làm việc của người nấy, đang dốc sức nỗ lực cá nhân mà không có bất kỳ dạng hợp tác nào. Đây có phải là một cách làm việc tốt không? Bề ngoài có vẻ như không ai giám sát, kiểm soát, chỉ huy hay mù quáng vâng lời bất kỳ ai khác, và trông có vẻ có lý tính, nhưng trong họ có một loại tâm tính bại hoại. Ai cũng muốn làm anh hùng, muốn mình giỏi hơn hoặc làm tốt hơn người khác, vì vậy họ không yêu thương, quan tâm hay giúp đỡ bất kỳ ai khác. Có bất kỳ sự hợp tác hài hòa nào ở đây không? (Thưa, không.) Nếu không có sự hợp tác thì ngươi đang chiến đấu trong một trận chiến đơn độc, và ngươi sẽ làm nhiều việc kém hoàn hảo, kém thấu đáo. Đây không phải là loại trạng thái mà Đức Chúa Trời muốn thấy ở con người và không phải điều khiến Ngài vui thích.
Một số người thích làm việc một mình, không bàn bạc hay nói với ai. Họ cứ làm theo ý muốn của mình, bất kể người khác có thể nhìn họ như thế nào. Họ nghĩ rằng: “Tôi là lãnh đạo và chấp sự, còn các người là những người được Đức Chúa Trời chọn, nên tôi làm gì thì các người phải làm theo. Cứ làm đúng như tôi nói – phải là như vậy”. Họ làm gì cũng không báo với người khác và hành động của họ không minh bạch. Họ luôn âm thầm gắng sức và ngấm ngầm hành động. Cũng giống như con rồng lớn sắc đỏ duy trì chế độ đơn đảng chuyên quyền, họ luôn muốn một tay che trời và khống chế người khác, luôn xem người khác là tầm thường và vô giá trị. Họ luôn muốn có tiếng nói quyết định trong mọi sự mà không cần bàn bạc hay trao đổi với người khác, không bao giờ xin ý kiến của người khác. Cách làm này như thế nào? Có nhân tính bình thường ở đây không? (Thưa, không có.) Đó chẳng phải là bản tính của con rồng lớn sắc đỏ sao? Con rồng lớn sắc đỏ độc tài và thích chuyên quyền độc đoán. Chẳng phải những người có kiểu tâm tính bại hoại này là con cháu của con rồng lớn sắc đỏ sao? Con người nên biết mình theo cách này. Các ngươi có khả năng hành động như thế này không? (Thưa, có.) Khi cư xử theo cách này, các ngươi có ý thức được không? Nếu có thì các ngươi vẫn còn cứu được, còn nếu không thì các ngươi chắc chắn sẽ gặp rắc rối, vậy chẳng phải các ngươi toi đời rồi sao? Phải làm gì khi ngươi không ý thức được mình hành động như thế này? (Thưa, chúng con cần các anh chị em chỉ ra, tỉa sửa chúng con.) Nếu ngươi nói trước với người khác rằng: “Tôi là người trời sinh đã thích lãnh đạo người khác. Tôi nói trước cho các anh chị em biết như vậy, nếu tôi làm như vậy thì các anh chị em đừng có ý kiến gì cả, mọi người phải chịu đựng một chút. Tôi biết như thế chẳng hay ho gì, và tôi đang cố gắng thay đổi dần dần, vì vậy tôi hy vọng anh chị em sẽ bao dung với tôi. Khi những chuyện này xảy ra, hãy chịu đựng tôi, hợp tác với tôi, và chúng ta hãy cùng nhau phấn đấu để hợp tác hài hòa”. Làm việc theo cách này thì như thế nào? (Thưa, không tốt, không có lý trí.) Tại sao nói rằng không có lý trí? Người nói điều này không có ý định tìm kiếm lẽ thật. Họ biết rõ rằng làm việc theo cách này là sai nhưng họ vẫn khăng khăng làm, còn muốn kìm kẹp người khác, đòi hỏi người khác hợp tác và hỗ trợ họ. Trong ý định của họ không có mong muốn thực hành lẽ thật. Họ đang cố tình đi ngược lại lẽ thật. Đây là biết mà vẫn phạm, là điều Đức Chúa Trời ghê tởm nhất. Chỉ có những kẻ ác và những kẻ địch lại Đấng Christ mới có khả năng làm điều như vậy, và đây chính là cách những kẻ địch lại Đấng Christ hành động. Người ta sẽ gặp nguy hiểm khi cố ý đi ngược lại lẽ thật và chống đối Đức Chúa Trời. Đây là bước đi con đường của những kẻ địch lại Đấng Christ. Bản thân không thực hành lẽ thật mà còn kìm kẹp và lôi kéo người khác, khiến người khác đi theo họ làm trái với lẽ thật và chống đối Đức Chúa Trời. Chẳng phải họ đang cố tình chống lại Đức Chúa Trời sao? Nhất là khi hành động theo cách này, họ còn thông báo trước cho mọi người và bảo mọi người thông cảm cho họ, sau đó là phải ủng hộ họ. Khi làm như vậy, họ thậm chí còn quỷ quyệt hơn. Việc họ nói như vậy hoàn toàn là ra oai phủ đầu, ra tối hậu thư cho người khác. Ý của họ là: “Nghe đây, con người tôi ghê gớm lắm đấy. Những người tầm thường chẳng là gì với tôi cả. Thứ tôi muốn là được ra quyết định. Tốt hơn là đừng ai cố bàn bạc với tôi – không có cửa mà bàn đâu! Tật của tôi là như vậy đấy, nếu nhờ tôi làm gì đó thì tôi phải có tiếng nói quyết định sau cùng, và tốt hơn là đừng ai cố hợp tác với tôi, anh muốn hợp tác với tôi à, anh không xứng!”. Đây có phải là bộc lộ không? Không phải. Đây là đại diện cho cách làm việc của Sa-tan, không phải chỉ là vấn đề bộc lộ tâm tính bại hoại. Họ muốn trực tiếp nắm quyền và đưa ra quyết định, để mọi người đều làm theo lời họ, rồi đi theo và vâng phục họ. Chẳng phải đó là ma quỷ hiện hình sao? Đây không phải chỉ là nhất thời bộc lộ tâm tính bại hoại. Những hành động của một kẻ địch lại Đấng Christ được chi phối bởi bản tính Sa-tan của họ. Họ tin Đức Chúa Trời và đến hội thánh với ý định nắm quyền. Họ muốn đặt mình vào thế chống đối Đức Chúa Trời, dẫn dắt dân được Đức Chúa Trời chọn vào con đường chống đối Ngài. Họ y như những người cầm đầu của tất cả các giáo phái tôn giáo ngoài kia. Tất cả họ đều có thực chất của kẻ địch lại Đấng Christ, và giống như Sa-tan, họ đều mong muốn đặt mình ngang hàng với Đức Chúa Trời. Nếu dân được Đức Chúa Trời chọn nhìn thấy một kẻ địch lại Đấng Christ hiện hình thì họ đối đãi như thế nào? Có nên giúp đỡ kẻ đó bằng lòng yêu thương không? Họ nên vạch trần và phân định kẻ đó, để những người khác nhìn thấy bộ mặt Sa-tan của kẻ đó, và từ đó từ bỏ kẻ đó. Đây là nguyên tắc mà dân được Đức Chúa Trời chọn nên hiểu và nắm bắt. Đối với một người coi sự hiện hình của kẻ địch lại Đấng Christ là sự bộc lộ tâm tính bại hoại, một sự vi phạm nhất thời, và vẫn bị mê hoặc bởi cái gọi là “sự biết mình”, “sự cởi mở bộc lộ” của kẻ địch lại Đấng Christ, và vẫn thông công về lẽ thật với kẻ đó, thì họ quá ngu ngốc và không hề có khả năng phân định. Nói Ta nghe, khi một kẻ như kẻ địch lại Đấng Christ bộc lộ tâm tính bại hoại, liệu họ có thể cởi mở và bộc lộ mình với những người khác không? Họ không bao giờ phản tỉnh hay biết mình khi làm sai điều gì đó, và việc họ bộc lộ cũng là để mê hoặc người khác, chẳng qua là tự biện hộ của kẻ địch lại Đấng Christ. Người ta cần phân định được cởi mở và bộc lộ thật sự rốt cuộc là gì. Nếu họ nói: “Tôi nóng tính lắm, vì vậy đừng khiêu khích tôi!” thì đây có phải là bộc lộ không? (Thưa, không.) Họ đang cảnh cáo ngươi không được khiêu khích họ, rằng khiêu khích họ thì sẽ chuốc lấy rắc rối. Nếu họ nói như thế này: “Ở nhà tôi, tôi nói gì thì được nấy. Ngay cả bố mẹ tôi cũng phải làm theo những gì tôi nói. Kiểu tính khí của tôi là như vậy, và các người sẽ phải bỏ qua cho tôi thôi – tôi chẳng thể làm gì được. Cha mẹ tôi nói rằng những người có bản lĩnh lớn thì có tính khí nóng nảy, vì vậy chuyện gì họ cũng đều bỏ qua cho tôi cả”, đây có phải là bộc lộ không? (Thưa, không.) Họ đang nói với ngươi rằng những người có bản lĩnh lớn thì có tính khí nóng nảy, vì vậy ngươi nên bỏ qua cho họ. Nếu họ nói: “Từ nhỏ tôi đã có tính khí như vậy. Tôi nói gì phải được nấy. Tôi theo đuổi sự hoàn hảo và cái tôi của mình. Bây giờ tin Đức Chúa Trời thì tôi đỡ hơn nhiều rồi, và đa phần, tôi có thể chịu đựng và tự kiềm chế, nhưng tôi vẫn theo đuổi sự hoàn hảo. Nếu thứ gì đó không hoàn hảo thì tuyệt đối là không được và tôi không thể chấp nhận nó”, thì đây có phải là bộc lộ không? (Thưa, không.) Vậy thì đây là gì? Đây là tự khen và thể hiện bản thân để khiến người khác nể phục, nói cho người khác biết mình ghê gớm như thế nào – theo cách mà những tay côn đồ và giang hồ khoe khoang hùng hổ và gồng cơ bắp khi gặp nhau, như thể đang nói: “Mày dám gây chuyện với tao không? Nếu mày dám thì chúng ta so nắm đấm xem ai hơn ai!”. Chẳng phải đây chính là bộ mặt của Sa-tan sao? Đây chính là bộ mặt của Sa-tan. Không phải tất cả mọi cách bộc lộ bản thân đều như nhau. Khi những kẻ địch lại Đấng Christ bộc lộ bản thân, họ luôn có ý uy hiếp, ra oai phủ đầu và khiến người khác sợ hãi. Họ luôn muốn trấn áp người khác. Đây là bộ mặt của Sa-tan. Đây không phải là cách cởi mở đơn thuần, thông thường. Để sống thể hiện ra nhân tính bình thường, con người phải cởi mở và bộc lộ bản thân như thế nào? Bằng cách cởi mở về những sự bộc lộ của tâm tính bại hoại của họ, để cho người khác nhìn thấu thực tế trong lòng họ và sau đó, dựa trên lời Đức Chúa Trời, mổ xẻ và biết được thực chất của vấn đề, căm ghét và ghê tởm bản thân từ tận đáy lòng. Khi bộc lộ bản thân, họ không nên cố gắng biện minh hay giải thích cho mình, mà thay vào đó, họ chỉ nên đơn thuần thực hành lẽ thật và làm một người trung thực. Một số người rõ ràng là có tâm tính xấu nhưng lại luôn nói mình có tính khí nóng nảy. Chẳng phải đây chỉ là một loại biện minh sao? Tâm tính xấu thì chính là tâm tính xấu. Nếu làm chuyện gì không có lý trí hoặc điều gì đó gây hại cho mọi người thì vấn đề là ở tâm tính và nhân tính của họ, nhưng họ luôn nói rằng mình nhất thời mất kiểm soát cơn nóng nảy hoặc hơi tức giận. Họ không bao giờ nhận biết vấn đề theo đúng thực chất. Đây có phải là thực sự mổ xẻ bản thân và bộc lộ bản thân không? Một mặt, từ mặt thực chất mà nói thì để một người đánh giá đúng vấn đề, mổ xẻ và bộc lộ bản thân, họ phải có lòng trung thực, thái độ chân thành, và họ phải nói những gì họ có thể nhận biết được về các vấn đề trong tâm tính mình. Mặt khác, nếu một người cảm thấy rằng tâm tính của họ quá nghiêm trọng thì họ phải nói với mọi người rằng: “Nếu tôi lại bộc lộ tâm tính bại hoại như vậy thì cứ nhắc nhở tôi, tỉa sửa tôi. Nếu tôi không thể tiếp nhận thì đừng từ bỏ tôi. Khía cạnh tâm tính bại hoại này của tôi rất nghiêm trọng, và tôi cần được thông công về lẽ thật nhiều lần để vạch trần tôi. Tôi bằng lòng bị mọi người tỉa sửa tôi, mong mọi người để mắt đến tôi, giúp đỡ tôi, không để tôi lạc lối”. Thái độ như vậy là gì? Đây là thái độ tiếp nhận lẽ thật. Một số người cảm thấy hơi khó chịu khi nói ra những điều này. Họ thầm nghĩ: “Nếu mọi người quả thật đứng lên vạch trần mình thì khi đó mình sẽ làm gì? Mình sẽ có thể chịu được không?”. Các ngươi có sợ người khác vạch trần mình không? (Thưa, không.) Ngươi nên dũng cảm đối mặt với điều này. Thật xấu hổ khi sợ bị vạch trần. Nếu ngươi thực sự yêu lẽ thật, ngươi có sợ bị sỉ nhục theo cách này không? Ngươi có sợ mọi người tỉa sửa ngươi không? Nỗi sợ này là một thứ yếu đuối, tiêu cực và bại hoại. Mọi người đều bộc lộ sự bại hoại, nhưng thực chất của nó lại khác nhau. Miễn sao ai đó không cố ý vi phạm hoặc gây gián đoạn và nhiễu loạn, thì dạng bộc lộ sự bại hoại của họ là bình thường, và mọi người sẽ có thể đối đãi với nó một cách đúng đắn. Nếu mục tiêu và ý định của ai đó là gây gián đoạn hoặc nhiễu loạn, hay cố ý phá hoại công tác của hội thánh, thì họ là những người sợ bị người khác vạch trần nhất, bởi vì thực chất của vấn đề này quá nghiêm trọng, và một khi đã bị vạch trần, họ sẽ bị phơi bày và đào thải. Nỗi sợ này của họ là do có tật giật mình. Cho dù ngày nay Đức Chúa Trời làm việc như thế nào thì tất cả cũng đều nhằm mục đích làm tinh sạch con người khỏi sự bại hoại và cứu rỗi họ. Nếu ngươi là dạng người đúng đắn, ngươi phấn đấu làm tròn bổn phận của mình và hoàn thành sự ủy thác của Đức Chúa Trời, thì hầu hết mọi người sẽ thấy rõ điều này. Họ có thể phân định điều này ở ngươi. Ngoài ra, vạch trần, tỉa sửa ai đó không phải là gây rắc rối cho họ. Đúng hơn, đây là để giúp họ giải quyết các vấn đề của họ, để họ có thể làm tròn bổn phận và bảo vệ công tác của hội thánh. Đây là một điều chính đáng. Người ta chấp nhận bị tỉa sửa để tâm tính bại hoại của mình có thể được làm tinh sạch. Đây cũng là thái độ mà một người nên có để đạt được sự biến đổi về tâm tính. Một khi ai đó đã có thái độ này thì họ cũng cần phải tìm cho mình một con đường thực hành phù hợp, và đến lúc thực hành thì cần phải chịu chút đau khổ. Khi có một trận chiến, họ phải chống lại xác thịt và loại bỏ những ràng buộc của hư vinh, thể diện và tình cảm. Một khi họ đã vượt qua được những khó khăn của xác thịt thì mọi việc trở nên dễ dàng hơn nhiều, có thể gọi đây là sự tự do và giải thoát. Đây là quá trình thực hành lẽ thật. Người ta luôn phải chịu chút đau khổ. Không thể không đau khổ chút nào, bởi vì xác thịt bại hoại, và người ta có hư vinh, thể diện, và họ luôn nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Đây là những trở ngại lớn nhất của con người trong việc thực hành lẽ thật. Vì vậy, nếu không chịu khổ một chút thì không thể thực hành lẽ thật được. Khi con người ta nếm được vị ngọt của việc thực hành lẽ thật, hưởng thụ được sự bình an và niềm vui thực sự, thì họ sẵn lòng thực hành lẽ thật, và họ sẽ dễ phủ nhận bản thân, chống lại xác thịt và chiến thắng Sa-tan hơn. Bằng cách này, họ sẽ được hoàn toàn giải phóng và tự do.
Phải hình thành kiểu bầu không khí nào trong đời sống hội thánh? Một bầu không khí mà trong đó, khi có chuyện gì xảy ra thì nhắm đến chuyện đó, chứ không phải nhắm đến con người. Đôi khi những bất đồng ý kiến sẽ dẫn đến tranh chấp và những trận cãi vã đỏ mặt tía tai, nhưng trong lòng mọi người không có sự ngăn cách. Mọi thứ đều vì mục đích biến đổi tâm tính của con người và làm tròn bổn phận. Tất cả là để thực hành lẽ thật nhằm thỏa mãn tâm ý của Đức Chúa Trời. Giữa mọi người với nhau không có sự hận thù. Đây là do mọi người đều đang trong quá trình cố gắng đạt được sự cứu rỗi. Ai cũng có những tâm tính bại hoại như nhau, và đôi khi, họ có thể có một lời nói hơi nặng nề hoặc đi hơi quá xa, hay ai đó có thái độ xấu. Mọi người không nên so đo về những điều này. Nếu ngươi vẫn không thể hiểu hoặc nhìn thấu vấn đề thì chỉ còn một cách cuối cùng: cầu nguyện trước Đức Chúa Trời và tự mình suy ngẫm: “Chúng ta tin và đi theo cùng một Đức Chúa Trời, nên bất kể chúng ta có tranh cãi hay bất đồng ý kiến như thế nào, bất kể có điều gì đang ngăn cách thì chúng ta cũng phải hợp nhất trước Đức Chúa Trời. Chúng ta cầu nguyện với cùng một Đức Chúa Trời, vậy thì có gì mà chúng ta không thể vượt qua chứ?”. Nếu ngươi suy nghĩ kỹ về sự việc theo cách này thì chẳng phải ngươi sẽ vượt qua được sự kìm kẹp này sao? Suy cho cùng thì mục đích cuối cùng của việc này là gì? Đó là hợp tác hài hòa, tìm cách thỏa mãn tâm ý của Đức Chúa Trời trong mọi sự và đạt được sự hợp nhất – hợp nhất về nguyên tắc, hợp nhất về mục đích, hợp nhất về ý định và lý do hành động. Điều này nói thì dễ hơn làm. Tại sao lại như vậy? (Thưa, con người ta có tâm tính bại hoại.) Đúng vậy. Đó không phải là do những sự khác biệt về tính khí, tính cách hay tuổi tác của mọi người, hay bởi vì người ta đến từ các gia đình khác nhau, mà bởi vì người ta có những tâm tính bại hoại. Đó là nguyên nhân gốc rễ. Nếu tất cả các ngươi đều có thể thấy rõ nguyên nhân gốc rễ nằm ở những tâm tính bại hoại của con người thì các ngươi có thể đối đãi với sự việc theo cách đúng đắn, và vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng. Vậy làm sao để giải quyết tâm tính bại hoại, có cần phải nói chi tiết ở đây không? Không cần nữa. Các ngươi đã nghe rất nhiều bài giảng nên tất cả các ngươi đều biết đôi điều về con đường phải đi, và tất cả các ngươi đều có chút trải nghiệm về vấn đề này. Chừng nào con người ta còn có thể kiên trì tìm kiếm lẽ thật trong mọi việc để giải quyết mọi chuyện, phản tỉnh về những vấn đề tồn tại trong họ và có thể đối xử công bằng với người khác, thì về cơ bản, họ sẽ có thể hợp tác hài hòa với người khác. Miễn là mọi người có khả năng tiếp nhận lẽ thật, không kiêu ngạo hay tự nên công chính, và có thể đối đãi những đề xuất của người khác theo cách đúng đắn, thì họ có thể hợp tác, và nếu có vấn đề xảy ra thì hãy tìm kiếm lẽ thật để giải quyết, như vậy sẽ dễ dàng hợp tác với nhau. Miễn là một bên có thể tiếp nhận lẽ thật và cởi mở thông công, còn bên còn lại cũng dễ được cảm hóa và có khả năng tiếp nhận lẽ thật. Khi đó, đạt được sự hợp tác hài hòa không phải là vấn đề lớn, và con người ta sẽ dễ đạt được mục tiêu đồng tâm hợp ý.
Ngày 5 tháng 9 năm 2017