Trả giá để đạt được lẽ thật là điều mang ý nghĩa lớn lao
Mục đích của việc tin Đức Chúa Trời là để đạt được sự cứu rỗi, nhưng đạt được sự cứu rỗi có phải là chuyện đơn giản không? Phần khó khăn nhất là gì? Có nhiều người không thể nhìn thấy rõ điều này, nhưng thực sự, phần khó khăn nhất để đạt được sự cứu rỗi là đạt được lẽ thật. Vì vậy, việc chịu nhiều đau khổ và trả giá để đạt được lẽ thật luôn đáng giá, bất kể ngươi thu hoạch được bao nhiêu. Vậy để đạt được lẽ thật, ngươi cần phải chịu đựng những gì? Ngươi phải chịu sự phán xét và hình phạt, sự thử luyện và tinh luyện, tỉa sửa, ngươi phải chịu sự bức hại và nghịch cảnh đến từ việc đi theo Đức Chúa Trời, ngươi phải chịu cảnh lao ngục, chịu sự phỉ báng và lên án của giới tôn giáo. Ngươi phải chịu đựng tất cả những gian khổ này. Nếu có thể chịu đựng tất cả những điều này thì ngươi có thể đạt được lẽ thật. Lúc này đây, hầu hết mọi người đều sẵn lòng mưu cầu lẽ thật. Họ tập trung làm tròn bổn phận của mình, họ muốn rèn luyện thực hành lẽ thật trong khi thực hiện bổn phận, và muốn đạt được lẽ thật. Tin Đức Chúa Trời và thực hiện bổn phận là con đường nhân sinh đúng đắn. Chọn con đường này là đúng, và đây là con đường được Đức Chúa Trời ban phước nhiều nhất. Con người có thể chân thành dâng mình cho Ngài và thực hiện bổn phận của loài thọ tạo – đây là sự ân đãi và phước lành lớn lao của Đức Chúa Trời. Có những người không thấy rõ được ý nghĩa của việc thực hiện bổn phận, luôn cố đổi chác với Đức Chúa Trời – bất kể chuyện gì xảy đến, họ cũng luôn có thể bị trói buộc và nhiễu loạn, luôn có thể bị ảnh hưởng và dao động, dẫn đến không thể thực hiện bổn phận một cách bình thường, thậm chí đến mức từ bỏ bổn phận và bỏ chạy. Thật đáng tiếc! Họ có thể không cảm thấy hối tiếc lắm, nhưng khi thảm họa trở nên dữ dội hơn, khi công tác của Đức Chúa Trời kết thúc và Ngài bắt đầu thưởng thiện phạt ác, họ sẽ biết hậu quả của hành động này. Đây là lý do tại sao các ngươi phải thường xuyên cầu nguyện cùng nhau, tĩnh lặng trước Đức Chúa Trời, đọc nhiều lời Ngài hơn và thông công về lẽ thật nhiều hơn. Bây giờ, hãy gác lại những vấn đề không liên quan đến việc mưu cầu lẽ thật, chưa cần xét đến ngay. Những chuyện trọng yếu trong cuộc đời không phải chỉ là hôn nhân, công việc, tiền đồ và sự ổn định, cũng không phải chỉ là tìm được một vị trí trong xã hội và đủ ăn đủ mặc. Không cái nào là chuyện trọng yếu nhất trong cuộc đời cả. Chuyện trọng yếu nhất trong cuộc đời là gì? Đó là thực hiện bổn phận và chức năng mà một loài thọ tạo phải thực hiện và hoàn thành sứ mạng cũng như những gì Đức Chúa Trời giao phó cho ngươi. Đó là điều ý nghĩa nhất. Đó là quyết tâm mà con người nên có.
Ngay lúc này đây, các ngươi, những người tin Đức Chúa Trời, có thể ăn uống lời Ngài mỗi ngày, và những ai mưu cầu lẽ thật nhiều hơn cũng đang thực hiện bổn phận. Đây là điểm khởi đầu đúng đắn cho hướng đi của ngươi trong cuộc đời, vậy ngươi nên tiếp tục bước đi con đường này như thế nào? (Thưa, chúng con phải đặt nền móng trên con đường bước vào sự sống.) Đúng vậy, nếu ngươi muốn đạt được lẽ thật và sự sống thì phải đặt nền móng dựa trên lời Đức Chúa Trời. Nó sẽ cho phép ngươi dấn thân vào con đường mưu cầu lẽ thật – đó mới là mục tiêu và phương hướng trong cuộc đời. Ngươi chỉ thực sự là một trong những người được Đức Chúa Trời chọn và tiền định nếu ngươi để lời Ngài và lẽ thật đặt nền móng trong lòng mình. Lúc này, nền móng của các ngươi còn chưa vững. Dù chỉ một cám dỗ nhỏ từ Sa-tan, chứ chưa nói đến đại họa hay sự thử luyện lớn, cũng đã có thể khiến các ngươi bị lung lay, vấp ngã. Đây chính là chưa có nền móng, rất nguy hiểm! Nhiều người vấp ngã và phản bội Đức Chúa Trời khi gặp phải sự bức hại hoặc nghịch cảnh. Có những người bắt đầu hành động khinh suất sau khi đạt được chút địa vị, để rồi bị tỏ lộ và đào thải. Những điều này tất cả các ngươi đều có thể thấy rất rõ. Vậy bây giờ, trước hết các ngươi phải xác định được phương hướng và mục tiêu mà mình nên mưu cầu trong cuộc đời, cũng như con đường nên đi, sau đó tĩnh tâm và làm việc chăm chỉ, dâng mình, nỗ lực và trả giá cho mục tiêu đó. Bây giờ hãy tạm gác lại những vấn đề khác – nếu ngươi cứ ngẫm nghĩ về chúng thì sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện bổn phận, ảnh hưởng đến việc cốt yếu là mưu cầu lẽ thật và sự cứu rỗi. Nếu ngươi phải suy nghĩ về chuyện tìm việc làm, kiếm thật nhiều tiền và phát tài, về chuyện thiết lập một chỗ đứng ổn định trong xã hội, về chuyện tìm kiếm vị trí cho mình, nếu ngươi phải suy nghĩ về hôn nhân và tìm bạn đời, về chuyện gánh vác trách nhiệm chu cấp cho gia đình và mang lại cho họ cuộc sống tốt đẹp, nếu ngươi cũng lại muốn học thêm một số kỹ năng mới, muốn vượt trội và hơn người – thì chẳng phải thật kiệt sức khi phải suy nghĩ về tất cả những chuyện này sao? Tâm trí của ngươi có thể chứa được bao nhiêu thứ? Trong cả cuộc đời, người ta có được bao nhiêu năng lượng? Người ta có được bao nhiêu năm tháng tươi đẹp? Trong cuộc đời này, người ta có nhiều năng lượng nhất ở độ tuổi từ hai mươi đến bốn mươi. Trong giai đoạn này, các ngươi phải nắm vững những lẽ thật mà người tin Đức Chúa Trời nên hiểu, sau đó bước vào thực tế lẽ thật, tiếp nhận sự phán xét và hình phạt của Đức Chúa Trời, cũng như sự tinh luyện và thử luyện của Ngài, đồng thời đạt đến mức không chối bỏ Đức Chúa Trời bất kể hoàn cảnh. Đây là điều cơ bản nhất. Hơn nữa, bất kể ai dùng tình yêu và hôn nhân để cám dỗ, lôi kéo ngươi, hoặc bất kể ai mang đến cho ngươi bao nhiêu danh lợi, địa vị hoặc lợi ích, thì ngươi cũng không nên từ bỏ bổn phận hay những gì một loài thọ tạo phải làm. Ngay cả khi sau này Đức Chúa Trời không muốn ngươi thì ngươi vẫn phải mưu cầu lẽ thật, vẫn phải mưu cầu việc bước đi trên con đường kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác. Ngươi phải đạt đến tầm cao này. Có như thế thì những năm tháng ngươi đã dành để dâng mình cho Đức Chúa Trời mới không vô ích. Nếu ngươi dành những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời mình để suy nghĩ về việc tìm công việc tốt hay tìm bạn đời, mong có thể vui hưởng cuộc sống xác thịt trong khi tin Đức Chúa Trời, làm cả hai việc đó cùng lúc, thì sau một vài năm, ngươi có thể tìm được bạn đời, kết hôn, sinh con, xây dựng gia đình và sự nghiệp, nhưng ngươi sẽ không thu hoạch được gì từ việc tin Đức Chúa Trời trong ngần ấy năm, ngươi sẽ không đạt được bất kỳ lẽ thật nào, lòng ngươi sẽ cảm thấy trống rỗng, và những năm tháng tươi đẹp nhất của ngươi đã trôi qua. Ở tuổi bốn mươi, khi nhìn lại, ngươi sẽ có một gia đình, ngươi sẽ có những đứa con, và ngươi sẽ không cô đơn, nhưng ngươi sẽ phải chu cấp cho gia đình mình. Đây là một xiềng xích mà ngươi không thể thoát ra được. Nếu muốn thực hiện bổn phận, ngươi sẽ phải thực hiện trong khi bị trói buộc bởi xiềng xích gia đình. Cho dù tâm ngươi rộng lớn đến đâu, ngươi cũng không thể chuyên tâm vào cả hai việc này được – ngươi sẽ không thể toàn tâm toàn ý đi theo Đức Chúa Trời và làm tròn bổn phận của mình. Có nhiều người từ bỏ gia đình và những thứ phàm tục, nhưng sau khi tin Đức Chúa Trời được vài năm, họ vẫn chỉ đang mưu cầu danh lợi và địa vị. Họ chưa đạt được lẽ thật, và thậm chí không có bất kỳ chứng ngôn trải nghiệm thực sự nào. Như vậy chẳng khác nào lãng phí thời gian. Hiện tại, khi thực hiện bổn phận, họ không hiểu dù chỉ một phần nhỏ lẽ thật, và khi có chuyện xảy đến, họ không biết làm sao để trải nghiệm – thế là họ bắt đầu rên rỉ, và vô cùng hối hận. Khi họ nhớ lại hồi đầu, nhớ lại cảnh tất cả những thanh niên cùng nhau sống đời sống hội thánh, cùng nhau thực hiện bổn phận, hát thánh ca và ngợi khen Đức Chúa Trời, họ thấy những ngày tháng đó mới tuyệt làm sao, và họ muốn quay lại thời gian đó biết bao! Tiếc thay, trên đời này không có thuốc chữa hối hận. Dù có muốn cũng không ai quay ngược thời gian được. Không có cách nào để quay lại từ đầu và sống cuộc đời lần nữa. Đây là lý do tại sao cơ hội đã qua đi sẽ không đến lần thứ hai. Đời người chỉ mấy mươi năm, nếu ngươi bỏ lỡ thời điểm vàng này để mưu cầu lẽ thật thì sau này có hối tiếc cũng vô ích. Có những người đã tin Đức Chúa Trời cho đến tận hôm nay mà vẫn còn mê muội. Họ hoàn toàn không biết công tác của Đức Chúa Trời đã đến giai đoạn nào. Các đại họa đã xảy đến, mà những người này vẫn đang sống trong mơ, nghĩ rằng: “Còn lâu Đức Chúa Trời mới hoàn thành công tác của Ngài! Mọi người bây giờ vẫn ăn uống, cưới hỏi như thường. Mình phải mau hưởng thụ cuộc sống thôi, không thể bỏ lỡ được!”. Họ vẫn tham hưởng sự an nhàn xác thịt, không hề có một chút khao khát lẽ thật nào trong lòng. Bởi thế mà họ bỏ lỡ cơ hội được cứu rỗi chỉ đến một lần trong đời. Trên thực tế, Đức Chúa Trời công tác để cứu rỗi nhân loại, và khi công tác cứu rỗi của Ngài hoàn thành, ngay cả khi chỉ còn lại một người sống sót, Đức Chúa Trời cũng sẽ không nghĩ rằng con số này là quá ít. Đức Chúa Trời sẽ nhận một người đó, và bỏ lại phía sau tất cả những người khác. Đây là tâm tính của Đức Chúa Trời mà không ai có thể thấy rõ. Khi Đức Chúa Trời chuẩn bị hủy diệt thế gian bằng trận lụt, Ngài đã hướng dẫn Nô-ê đóng tàu để cứu rỗi những ai tin Ngài. Khi con tàu được hoàn thành, chỉ có tám thành viên trong gia đình Nô-ê bước lên tàu và được Đức Chúa Trời cứu rỗi. Điều gì đã xảy ra với tất cả những người còn lại? Tất cả họ đều đuối nước trong trận lụt và chết trong thảm họa. Ngày nay, có nhiều người thấy Đức Chúa Trời bày tỏ nhiều lẽ thật này và biết rõ rằng Đức Chúa Trời đang thực hiện công tác cứu rỗi nhưng vẫn nghi ngờ, có những quan niệm riêng và không chịu tiếp nhận. Hạng người này luôn tự đắc, nhưng khi đại họa đến, họ sẽ bị hủy diệt, và họ trách ai được đây? Trong mắt Đức Chúa Trời, những ai không tiếp nhận sự cứu rỗi của Ngài đều là sâu bọ, là quỷ sống, còn thua loài súc sinh! Trong thời kỳ cứu rỗi của Đức Chúa Trời, tâm tính của Ngài đầy thương xót, yêu thương và khoan dung, nhưng khi công tác cứu rỗi của Đức Chúa Trời kết thúc, Ngài sẽ không còn ban sự khoan dung cho con người nữa. Đức Chúa Trời sẽ lấy lại sự khoan dung, và tất cả những gì con người phải đối mặt sẽ chỉ là cơn thịnh nộ và sự oai nghi của Ngài. Ngay lúc này đây, các ngươi đang ở đúng thời điểm tuyệt vời này – Đức Chúa Trời đang thực hiện công tác phán xét trong thời kỳ sau rốt. Đây là cơ hội duy nhất để con người được Đức Chúa Trời cứu rỗi và hoàn thiện. Các ngươi đều đang thực hiện bổn phận trong thời điểm quan trọng này, khi Đức Chúa Trời mở rộng phúc âm của vương quốc. Đây thực sự là sự nâng đỡ đặc biệt của Đức Chúa Trời dành cho các ngươi. Bất kể ngươi học ngành gì, có tri thức trong lĩnh vực nào, hay ân tứ hoặc chuyên môn của ngươi là gì, thì Đức Chúa Trời cũng đang ân đãi ngươi bằng cách cho phép ngươi sử dụng chuyên môn này để thực hiện bổn phận trong nhà Ngài. Đây là cơ hội khó mà có được. Khi Đức Chúa Trời hành động, Ngài không thiên vị bất kỳ ai, Ngài đối xử công bằng với tất cả mọi người. Đức Chúa Trời ân đãi bất cứ ai tiếp nhận và thực hành lẽ thật, và Ngài ghét bỏ bất cứ ai không yêu lẽ thật – bất cứ ai chán ghét lẽ thật và cự tuyệt lẽ thật. Đức Chúa Trời công chính với từng người. Chỉ cần ngươi có thể tiếp nhận lẽ thật và thuận phục Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ ân đãi ngươi, và sẽ không bắt ngươi phải chịu trách nhiệm về những vi phạm trước đây của mình. Dù Đức Chúa Trời mở ra cho ngươi dạng lối thoát nào, dù Ngài ân đãi ngươi đến đâu, thì cuối cùng, Ngài cũng chỉ có một mong muốn, đó là làm cho ngươi hiểu được tâm ý của Ngài, học được những bài học, và hiểu được lẽ thật trong những hoàn cảnh phù hợp với tiến trình sự sống của ngươi. Một khi những lời của Đức Chúa Trời và lẽ thật đã được tôi rèn trong ngươi và trở thành sự sống của ngươi, khi ngươi coi Đức Chúa Trời là cha mẹ tái sinh của mình, và có thể đạt được sự thuận phục cũng như kính sợ Đức Chúa Trời, thì ngươi sẽ phù hợp với tâm ý của Đức Chúa Trời. Mặc dù hầu hết các ngươi đều khá trẻ, nhưng nếu bằng cách đọc lời Đức Chúa Trời và hiểu lẽ thật, các ngươi đều có được quyết tâm, đều trưởng thành trong sự sống, có lòng kính sợ Đức Chúa Trời và có thể đứng vững trước những thử luyện và nghịch cảnh, thì các ngươi sẽ có vóc giạc, và Đức Chúa Trời sẽ hài lòng. Đức Chúa Trời sẽ nói rằng Ngài đã không trả giá đắt vô ích khi ân đãi ngươi. Ngài sẽ có những thu hoạch, Ngài sẽ nhìn thấy thành quả công tác của Ngài nơi ngươi, và Ngài sẽ vui mừng, hân hoan nhìn ngắm. Kết quả này có được hoàn toàn là nhờ công tác của Đức Chúa Trời, chứ không phải là điều để con người khoe khoang.
Đức Chúa Trời không chỉ trả giá vì mỗi người trong mấy chục năm từ khi họ sinh ra cho đến hiện tại. Trong mắt Đức Chúa Trời, các ngươi đã đến thế gian này vô số lần và đã đầu thai vô số lần. Ai phụ trách việc này? Đức Chúa Trời phụ trách việc này. Ngươi không thể nào biết được những điều này. Mỗi lần ngươi đến thế gian này, Đức Chúa Trời đều đích thân an bài cho ngươi: Ngài an bài ngươi sẽ sống trong bao nhiêu năm, được sinh ra trong kiểu gia đình gì, khi nào xây dựng gia đình và sự nghiệp, làm gì trên thế gian này và kiếm sống như thế nào. Đức Chúa Trời an bài cho ngươi một phương thức kiếm sống để ngươi có thể hoàn thành sứ mạng của mình trong cuộc đời này không bị cản trở. Còn về việc ngươi sẽ làm gì trong lần đầu thai tiếp theo, Đức Chúa Trời sẽ an bài và trao cuộc đời đó cho ngươi tùy theo những gì ngươi xứng đáng có được và xứng đáng được ban cho…. Đức Chúa Trời đã thực hiện những sự an bài như vậy cho ngươi nhiều lần, và cuối cùng, ngươi được sinh ra trong thời đại của thời kỳ sau rốt, trong gia đình hiện tại của mình. Đức Chúa Trời đã an bài cho ngươi một hoàn cảnh để ngươi có thể tin Ngài, Ngài đã để cho ngươi nghe thấy tiếng Ngài và quay trở lại trước Ngài, hầu cho ngươi có thể đi theo Ngài và thực hiện bổn phận trong nhà Ngài. Ngươi sống cho đến ngày hôm nay hoàn toàn là từ sự dẫn dắt đó của Đức Chúa Trời. Ngươi không biết mình đã được sinh ra trong nhân gian bao nhiêu lần, diện mạo mình đã thay đổi bao nhiêu lần, mình đã có bao nhiêu gia đình, hay đã sống qua bao nhiêu thời đại và triều đại – nhưng bàn tay Đức Chúa Trời nâng đỡ ngươi xuyên suốt, và Ngài luôn trông nom ngươi. Đức Chúa Trời đã lao nhọc biết bao vì một con người! Có người nói: “Tôi sáu mươi tuổi rồi. Suốt sáu mươi năm qua, Đức Chúa Trời đã trông nom, bảo vệ và dẫn dắt tôi. Nếu đến lúc tôi già, không thể thực hiện bổn phận, cũng không thể làm được bất cứ điều gì, liệu Đức Chúa Trời có còn quan tâm đến tôi không?”. Nói những điều như thế chẳng phải là ngớ ngẩn sao? Đức Chúa Trời nắm sự tể trị trên vận mệnh của một người, trông nom và bảo vệ họ không phải chỉ trong một đời người. Nếu chỉ là chuyện một đời người, một cuộc đời, thì sẽ không thể cho thấy Đức Chúa Trời là toàn năng và có sự tể trị trên mọi sự. Công sức Đức Chúa Trời bỏ ra và cái giá Ngài trả cho một con người không đơn thuần là an bài những gì họ làm trong kiếp này, mà là an bài cho họ vô số kiếp. Đức Chúa Trời hoàn toàn chịu trách nhiệm về từng linh hồn đầu thai. Ngài chuyên tâm công tác, trả giá bằng cả mạng sống của Ngài, dẫn dắt từng người và an bài cuộc đời của từng người. Đức Chúa Trời lao nhọc và trả giá như vậy vì con người, và Ngài ban cho con người hết thảy những lẽ thật này và sự sống này. Nếu con người không thực hiện bổn phận của loài thọ tạo trong thời kỳ sau rốt này, và không trở về trước Đấng Tạo Hóa – nếu như cuối cùng, dù đã sống qua bao nhiêu kiếp và thế hệ, con người vẫn không làm tròn bổn phận và không đáp ứng được yêu cầu của Đức Chúa Trời – thì chẳng phải họ sẽ nợ Đức Chúa Trời quá nhiều sao? Chẳng phải họ sẽ không xứng đáng với tất cả những cái giá Ngài đã trả sao? Họ sẽ vô lương tâm đến mức không xứng đáng được gọi là con người, vì họ nợ Đức Chúa Trời quá nhiều. Vì vậy, trong kiếp này – Ta không nói về những kiếp trước của ngươi, mà là trong kiếp này – nếu ngươi không thể từ bỏ những thứ mình yêu thích hay những thứ bên ngoài vì sứ mạng của mình – chẳng hạn như những thú vui vật chất, tình yêu và niềm vui gia đình – nếu ngươi không từ bỏ được hưởng thụ xác thịt vì những cái giá Đức Chúa Trời phải trả cho ngươi hay để đền đáp tình yêu của Đức Chúa Trời, thì ngươi thực sự thất đức! Thật ra, bất kỳ cái giá nào ngươi trả vì Đức Chúa Trời cũng đều xứng đáng. So với cái giá Đức Chúa Trời trả vì ngươi thì chút xíu cống hiến hay dâng mình của ngươi bõ bèn gì? Chút xíu khổ sở ngươi chịu đựng bõ bèn gì? Ngươi có biết Đức Chúa Trời đã phải chịu khổ bao nhiêu không? So với những gì Đức Chúa Trời đã chịu đựng, chút xíu chịu khổ của ngươi thậm chí còn không đáng nhắc đến. Hơn nữa, bằng cách thực hiện bổn phận lúc này, ngươi đang đạt được lẽ thật và sự sống, cuối cùng, ngươi sẽ sống sót và bước vào vương quốc của Đức Chúa Trời. Đó là một phước lành rất lớn! Trong khi đi theo Đức Chúa Trời, bất kể ngươi phải chịu khổ hay trả giá, thì thực ra ngươi đều đang hợp tác với Đức Chúa Trời. Bất kể Đức Chúa Trời yêu cầu chúng ta làm gì, chúng ta cũng sẽ lắng nghe và thực hành theo lời Ngài. Đừng phản nghịch Đức Chúa Trời hay làm bất cứ điều gì khiến Ngài đau buồn. Để hợp tác với Đức Chúa Trời, ngươi phải chịu khổ một chút, ngươi phải từ bỏ và gác lại một số thứ. Ngươi phải từ bỏ danh lợi, địa vị, tiền tài và lạc thú trần tục – ngươi thậm chí cần phải từ bỏ những thứ như hôn nhân, công việc và tiền đồ của mình trên thế gian. Liệu ngươi đã từ bỏ những thứ này hay chưa, Đức Chúa Trời có biết không? Đức Chúa Trời có thể nhìn thấy tất cả những điều này không? (Thưa, có.) Đức Chúa Trời sẽ làm gì khi Ngài thấy ngươi đã từ bỏ những thứ này? (Thưa, Đức Chúa Trời sẽ được an ủi, và Ngài sẽ hài lòng.) Đức Chúa Trời sẽ không chỉ hài lòng và nói rằng: “Cái giá mà Ta trả đã có được thành quả. Con người sẵn lòng hợp tác cùng Ta, họ có quyết tâm này, và Ta đã thu phục được họ”. Dù vui mừng hay hạnh phúc, hài lòng hay được an ủi, Đức Chúa Trời cũng không phải chỉ có thái độ đó. Ngài còn hành động nữa, và Ngài muốn nhìn thấy những kết quả mà công tác của Ngài đạt được, nếu không thì những gì Ngài yêu cầu ở con người sẽ vô nghĩa. Sự ân đãi, tình yêu thương và lòng thương xót mà Đức Chúa Trời thể hiện với con người không chỉ là một loại thái độ – mà còn là sự thật. Sự thật gì? Đó là Đức Chúa Trời đặt lời Ngài vào trong ngươi, khai sáng ngươi, để ngươi có thể thấy được những gì đáng yêu mến ở Ngài và thấy được thế gian này là thế nào, để lòng ngươi tràn ngập sự sáng, cho phép ngươi hiểu được lời Ngài và lẽ thật. Bằng cách này, ngươi đạt được lẽ thật tự lúc nào không hay. Đức Chúa Trời làm rất nhiều công tác nơi ngươi theo cách rất thực tế, để ngươi có thể đạt được lẽ thật. Khi ngươi đạt được lẽ thật, khi ngươi đạt được điều quý giá nhất là sự sống đời đời, thì tâm ý của Đức Chúa Trời được thỏa mãn. Khi Đức Chúa Trời thấy con người đang mưu cầu lẽ thật và sẵn lòng hợp tác với Ngài, Ngài vui mừng và mãn nguyện. Khi ấy Ngài có một thái độ, và khi Ngài có thái độ đó, Ngài đi làm công tác, khen ngợi và ban phước cho con người. Ngài phán: “Ta sẽ ban thưởng cho ngươi những phước lành ngươi xứng đáng được hưởng”. Và rồi ngươi sẽ đạt được lẽ thật và sự sống. Khi ngươi có sự nhận thức về Đấng Tạo Hóa và ngươi nhận được sự đánh giá cao của Ngài, liệu ngươi có còn cảm thấy trống rỗng trong lòng nữa không? Không. Ngươi sẽ cảm thấy mãn nguyện và có cảm giác vui hưởng. Chẳng phải cuộc đời của con người có giá trị nghĩa là như vậy sao? Đây là cuộc đời có giá trị và ý nghĩa nhất.
Hãy nhìn Gióp mà xem: có bao giờ ông cầu xin Đức Chúa Trời ban cho ông cả núi gia súc và gia sản kếch xù không? (Thưa, không.) Ông mưu cầu điều gì? (Thưa, ông mưu cầu trở thành người kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác.) Đức Chúa Trời nhìn nhận việc “kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác” như thế nào? Đức Chúa Trời phán: “Đức Chúa Trời thấy đó là điều tốt lành”. Khi con người mưu cầu trở thành người kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác, thì điều đó mang lại cho Đức Chúa Trời niềm vui lớn nhất, và đó là điều Ngài ban phước. Có phải Đức Chúa Trời chỉ đơn thuần phán những lời này và không làm gì không? Đức Chúa Trời đã làm gì nữa với Gióp? (Thưa, Ngài đã thử luyện Gióp.) Đức Chúa Trời sai Sa-tan đến cám dỗ Gióp, lấy đi cả núi gia súc, gia sản kếch xù, con cái và tôi tớ của ông – Đức Chúa Trời đã thử luyện ông. Đức Chúa Trời muốn đạt được điều gì qua việc thử luyện ông? Đức Chúa Trời muốn có được lời chứng của Gióp. Thời điểm đó, Đức Chúa Trời đã ban cho Gióp điều gì? Mọi người suy ngẫm: “Đức Chúa Trời đã ban cho Gióp điều gì? Gia súc và của cải kếch xù của ông đã bị lấy đi, ông còn lại gì chứ? Đức Chúa Trời không ban cho ông bất cứ thứ gì!”. Nhìn bề ngoài, có vẻ như những gì Đức Chúa Trời đã ban cho Gióp, sau đó Ngài đều lấy đi, và có vẻ như Gióp chẳng còn lại gì, nhưng chính việc Đức Chúa Trời lấy đi lại là một phần thưởng to lớn hơn. Không ai thấy rõ Đức Chúa Trời ban thưởng điều gì cho Gióp. Đức Chúa Trời muốn có được lời chứng của Gióp, và Ngài đã ban cho Gióp một cơ hội. Đó là kiểu cơ hội gì? Đó là cơ hội để Gióp làm chứng cho Đức Chúa Trời trước Sa-tan và tất cả mọi người, làm chứng cho thực tế rằng ông kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác, làm chứng cho sự thật rằng ông kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác, cũng như làm chứng rằng ông là một con người hoàn thiện và ngay thẳng. Chẳng phải Đức Chúa Trời đã ban cho ông điều này sao? Nếu Đức Chúa Trời không cho Gióp cơ hội này, liệu Sa-tan có dám hành động chống lại Gióp không? (Thưa, không.) Sa-tan chắc chắn sẽ không dám, chắc chắn tuyệt đối như thế. Nếu Sa-tan không dám cám dỗ Gióp, liệu Gióp có cơ hội này không? Ông sẽ không có cơ hội này. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời đã ban cho Gióp một cơ hội như vậy, để chứng minh cho tất cả mọi người thấy rằng con đường ông đi – con đường kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác – là đúng đắn, rằng Đức Chúa Trời thấy điều đó đáng hoan nghênh, và rằng Gióp là một con người ngay thẳng, hoàn thiện. Tất cả mọi người đều đã thấy những điều này, Đức Chúa Trời cũng đã thấy, và Gióp đã không làm Đức Chúa Trời thất vọng trong cơ hội này. Ông đã làm chứng cho Đức Chúa Trời, ông đã đánh bại Sa-tan, và Đức Chúa Trời thấy điều đó tốt lành. Cuối cùng, Đức Chúa Trời có ban thưởng cho Gióp không? (Thưa, có.) Phần thưởng thứ hai của Đức Chúa Trời dành cho Gióp là gì? Đức Chúa Trời phán rằng việc Gióp kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác là đáng hoan nghênh đối với Ngài. Gióp đã làm chứng cho Đức Chúa Trời trước Sa-tan, và Đức Chúa Trời thấy tất cả những điều này đều tốt lành. Ngài vừa hài lòng, vừa vui mừng, và Ngài có một loại thái độ. Sau khi Đức Chúa Trời có thái độ này, có phải Ngài không làm gì không? Đức Chúa Trời đã làm gì? Có vẻ như các ngươi chưa quen thuộc lắm với Sách Gióp. Trong hoàn cảnh nào, Gióp nói: “Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài”? Ông nói những lời này sau khi nghe những lời Đức Chúa Trời phán với ông. Trước đó, Gióp đã nhìn thấy Đức Chúa Trời bao giờ chưa? (Thưa, chưa.) Đối với Gióp, nghe tiếng Đức Chúa Trời cũng giống như nhìn thấy nhan Ngài, và chẳng phải đó là phước lành mà một loài thọ tạo mong mỏi nhất sao? (Thưa, phải.) Gióp đã có được phước lành này. Các ngươi có ghen tị với ông không? (Thưa, có.) Phước lành này không dễ gì có được. Vậy làm thế nào để ngươi có thể có được cơ hội này và nhận được dạng ân đãi cũng như phần thưởng này? Ngươi phải làm chứng cho Đức Chúa Trời, nghĩa là, ngươi phải làm chứng cho Đức Chúa Trời trong những cám dỗ của Sa-tan. Ngươi phải bước đi con đường kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác. Ngươi phải làm sao để Đức Chúa Trời phán rằng: “Đức Chúa Trời thấy điều đó tốt lành”. Khi Đức Chúa Trời cảm thấy hài lòng, vui mừng, và Ngài thấy rằng lời chứng của ngươi cũng như tất cả những gì ngươi đã làm là tốt lành, khi Đức Chúa Trời phán rằng ngươi là một người hoàn thiện và là một người mưu cầu lẽ thật, thì ngươi sẽ có thể được phước lành của Ngài. Sau khi Gióp nghe tiếng Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời còn làm gì nữa? Ngài đã ban cho Gióp nhiều hơn những gì Ngài từng ban trước đây. Gióp giàu có hơn trước – nếu trước đây ông là triệu phú, thì sau đó có lẽ đã thành tỷ phú. Ngươi thấy đấy, nếu người ta kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác, thì trở thành tỷ phú là chuyện dễ dàng; đó là chuyện chỉ cần một lời phán đối với Đức Chúa Trời. Đây là sự ân đãi của Đức Chúa Trời. Gióp kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác, và ông đã có được phước lành của Đức Chúa Trời.
Những gì Đức Chúa Trời ban cho con người vượt quá những gì họ có thể cầu xin hoặc tưởng tượng, nhưng nếu ngươi muốn nhận được phần thưởng to lớn hơn bất cứ thứ gì ngươi có thể cầu xin hoặc tưởng tượng, thì ngươi phải đi theo con đường của Đức Chúa Trời. Đi theo con đường của Đức Chúa Trời không đơn giản. Người ta phải trả giá, nhưng trả cái giá đó không hề vô ích mà sẽ được đền đáp xứng đáng. Mọi người cho rằng Đức Chúa Trời chỉ có một loại thái độ đối với họ, Ngài chẳng làm gì cả, và Ngài luôn quan sát họ, xem cách họ hành xử. Có thực sự là như vậy không? Không. Đức Chúa Trời thực ra giống như cha mẹ. Nếu ngươi nghe lời cha mẹ, nếu ngươi biết phải trái, nếu ngươi chuyên tâm vào chính nghiệp của mình và chịu khổ không ít để đi theo con đường đúng đắn, thì cha mẹ ngươi sẽ cảm thấy thế nào? Cha mẹ ngươi sẽ cảm thấy thương cho ngươi. Họ thiết tha hy sinh mạng sống mình cho con cái, giúp con bớt khổ, đảm bảo con được ăn ngon mặc đẹp và tận hưởng cuộc sống – thế là họ mãn nguyện. Họ không muốn ngươi phải chịu khổ chút nào. Đó là tấm lòng của cha mẹ. So với tấm lòng của cha mẹ, tấm lòng của Đức Chúa Trời chỉ có thể tốt hơn, đẹp hơn, thiện hơn – chỉ có thể như vậy. Tất cả các ngươi đều có thể hiểu một chút về tấm lòng cha mẹ. Tất cả các ngươi đều biết rất rõ rằng cha mẹ đã tốt với mình như thế nào, và tất cả các ngươi đều muốn hiếu kính cha mẹ mình. Vậy trước tiên, ngươi nên dùng lòng hiếu thảo đó để thể hiện sự quan tâm đến lòng Đức Chúa Trời. Những người làm như vậy là lý trí nhất. Con cái có thể cảm nhận được tình yêu thương cha mẹ dành cho mình, thì con người càng phải cảm nhận được tình yêu thương Đức Chúa Trời dành cho họ, bởi vì tất cả những gì họ có đều do Đức Chúa Trời an bài và sắp đặt. Chỉ Đức Chúa Trời mới có thể quyết định mọi sự cho một người. Cha mẹ không thể quyết định mọi sự cho con cái, dù tình yêu thương con cái của họ vĩ đại đến đâu. Ít nhất thì cha mẹ cũng không sở hữu lẽ thật. Tình yêu thương của họ thuộc về xác thịt và tình cảm, tuyệt đối không thể cứu rỗi được ai khỏi sự bại hoại, cũng hoàn toàn không thể cung dưỡng cho ai trưởng thành trong sự sống. Chỉ có tình yêu thương của Đức Chúa Trời mới có thể cứu rỗi con người. Lời Đức Chúa Trời có thể dẫn dắt con người và cung dưỡng cho họ để họ có thể bước đi con đường nhân sinh đúng đắn. Ngươi có thể thấy tình yêu thương của Đức Chúa Trời vĩ đại hơn tình yêu thương của cha mẹ biết bao nhiêu – Đức Chúa Trời hết mực quan tâm đến con người! Cha mẹ ngươi sinh ra ngươi, và đối với họ, ngươi là cốt nhục của chính họ. Họ chăm sóc ngươi, trân quý và bảo vệ ngươi vô cùng – vậy theo ngươi, Đức Chúa Trời nhìn nhận như thế nào về con người do chính đôi tay Ngài dựng nên? Đức Chúa Trời trân quý con người như con cái của chính Ngài; con người là cốt nhục của chính Ngài. Nó không giống như khái niệm của con người về việc cha mẹ sinh ra con cái và họ được kết nối với nhau bằng quan hệ huyết thống – Đức Chúa Trời đã tạo dựng con người bằng chính đôi tay Ngài, nhưng Ngài đã hà sinh khí của Ngài vào họ, và Ngài có những kỳ vọng về họ. Đức Chúa Trời đã gửi gắm hy vọng của Ngài vào con người; Ngài có những yêu cầu đối với họ, và Ngài đã giao phó việc cho họ. Đức Chúa Trời không phải chỉ đơn giản tạo dựng con người, hà sinh khí vào họ, khiến họ có sự sống, là Ngài xong việc. Không phải là nếu nhân loại tồi tệ thì Đức Chúa Trời có thể tạo dựng lại họ bởi rốt cuộc Đức Chúa Trời là Đấng quyền năng và toàn năng. Sau khi Đức Chúa Trời tạo dựng con người, Ngài cảm thấy quan tâm đến họ. Con người là cốt nhục của Ngài, là bạn đồng hành của Ngài, và đồng thời, trong kế hoạch quản lý của Ngài, họ là những người được ủy thác và mang mọi hy vọng của Ngài. Sau hết, Ngài muốn nhìn thấy hy vọng nơi những con người này và muốn đạt được thành quả. Trên cơ sở này, nếu các ngươi có thể tỏ ra thấu hiểu một chút những ý định và tâm ý của Đức Chúa Trời, thì chẳng phải nhận thức của các ngươi sẽ sâu hơn một chút sao? (Thưa, phải.) Giống như cha mẹ muốn con cái học hành thành tài trong cuộc sống, khi con học thì ở bên cạnh, quạt cho con, lát sau rót cho con ít trà, đến bữa thì nấu món ngon cho con ăn – những bậc cha mẹ đó không biết làm gì hơn, tâm trí của họ luôn xoay quanh con cái. Chẳng phải cha mẹ ngươi đối đãi ngươi như vậy vì họ có những kỳ vọng nơi ngươi, vì họ đã đặt những hy vọng vào ngươi sao? Nếu ngươi không nghe lời họ và cứ phản nghịch, thì chẳng phải họ sẽ đau lòng sao? Chẳng phải họ sẽ buồn rầu sao? (Thưa, phải.) Vậy thì tương tự như thế, hãy suy ngẫm về tâm ý của Đức Chúa Trời. Trong mắt Đức Chúa Trời, bất kể con người bao nhiêu tuổi, họ vẫn là một đứa trẻ. Nếu ngươi nói: “Tôi tám mươi tuổi rồi”, Đức Chúa Trời sẽ nói rằng ngươi là một đứa trẻ. Nếu ngươi nói: “Tôi hai mươi tuổi”, thì ngươi càng là một đứa trẻ. Cho dù ngươi tám mươi, tám trăm hay tám ngàn tuổi, thì hết thảy con người đều là đứa trẻ trong mắt Đức Chúa Trời. Từ góc nhìn của Đức Chúa Trời, tuổi tác hoàn toàn không tạo nên sự khác biệt. Trong mắt Đức Chúa Trời, hết thảy con người đều là em bé và trẻ nhỏ; Đức Chúa Trời nhìn nhân loại như vậy. Chính vì thế, trong mắt Đức Chúa Trời, ngươi là cốt nhục của Ngài và là một trong những người bạn đồng hành của Ngài. Vậy thì làm sao để ngươi có thể đủ tư cách trở thành cốt nhục của Ngài, người bạn đồng hành của Ngài, người hợp lòng Ngài, khiến Ngài hài lòng? Đây chẳng phải là một câu hỏi đáng để nhân loại cân nhắc và suy ngẫm sao? (Thưa, phải.) Đức Chúa Trời coi nhân loại là cốt nhục của Ngài, là những người bạn đồng hành của Ngài, là những người mà vì họ Ngài đã trả giá và dốc tâm huyết. Đức Chúa Trời dành cho con người dạng tình yêu thương gì? Ngài có dạng tâm thái gì? Ngài đối xử như thế nào với những người mà Ngài có mối quan hệ ở mức độ này? Con người có thể hiểu được dù chỉ một chút nào dạng tình yêu thương mà Đức Chúa Trời dành cho những con người này không? Có người nói: “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy Đức Chúa Trời, và tôi không thể cảm nhận được những điều Ngài đã làm cho tôi trong những kiếp trước”. Ngươi hiện đang sống, vậy chẳng lẽ ngươi không thể cảm nhận được sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời cũng như những cái giá Ngài đã trả vì ngươi sao? Ngươi có thể lĩnh hội được những điều đó không? (Thưa, có.) Nếu ngươi có thể lĩnh hội những điều đó thì thế là được – nó chứng tỏ ngươi có trái tim và linh hồn. Nếu ngươi có thể lĩnh hội được chừng đó thì thế là đủ. Việc ngươi gạt bỏ mọi thứ để đi theo Đức Chúa Trời là đáng giá.
Ngày 29 tháng 5 năm 2017