Khía cạnh thứ hai trong ý nghĩa của sự nhập thể

Sự bình thường và thông thường của Đức Chúa Trời nhập thể có ý nghĩa gì? Đây chỉ là thứ tồn tại để Ngài có thể công tác sao? Đây chỉ là để chứng tỏ Ngài là Đấng Christ sao? Có người nói: “Đức Chúa Trời nhập thể hẳn phải ở trong xác thịt bình thường và thông thường”. Điều này chỉ có ý nghĩa đó thôi sao? Khi nói: “Nếu là Đấng Christ, thì Ngài hẳn phải ở trong xác thịt bình thường và thông thường”, vậy có phải là hạn định Đức Chúa Trời không? Từ “hẳn phải” có ngụ ý gì đây? Có người nói: “Đó là để bày tỏ lời của Đức Chúa Trời, hầu cho con người có thể dễ dàng tiếp xúc với Ngài”. Chỉ có duy nhất mục đích này sao? Nhìn vào chuyện này theo phương diện thực chất của Đấng Christ, thì thực chất của Đấng Christ là của chính Đức Chúa Trời một cách đầy đủ và trọn vẹn. Mọi việc Đức Chúa Trời làm đều có ý nghĩa. Một thân thể xác thịt được ấn định đặc biệt, một diện mạo được ấn định đặc biệt, một gia thế được ấn định đặc biệt, một môi trường sống được ấn định đặc biệt – những điều này Đức Chúa Trời làm đều có ý nghĩa. Có người hỏi rằng: “Tôi không thể thấy được ý nghĩa trọng đại ẩn sau việc Đức Chúa Trời mặc lấy xác thịt bình thường và thông thường, vậy thì sao? Xác thịt của Ngài chẳng phải chỉ là cái vỏ thôi sao? Một khi Đức Chúa Trời hoàn tất công tác của Ngài, chẳng phải cái vỏ này sẽ trở nên vô dụng hay sao?”. Trong tưởng tượng và ý thức của mình, con người nghĩ rằng cái vỏ xác thịt bình thường và thông thường này không có tác dụng to lớn gì, chẳng phục vụ cho mục đích lớn lao gì trong công tác của Đức Chúa Trời hay kế hoạch quản lý của Ngài, và nó tồn tại đơn thuần là để hoàn thành giai đoạn công tác này. Người ta tin rằng nó tồn tại chỉ để cho họ có thể dễ dàng tiếp xúc với Ngài và nghe được lời Ngài, để họ có thể thấy và chạm đến Ngài, ngoài ra nó không còn có tác dụng gì nữa. Trước đây, người ta hiểu về ý nghĩa của sự nhập thể là như thế. Nhưng thật ra, trong công tác của xác thịt bình thường và thông thường và trong thời gian nhập thể, ngoài việc đảm đương công tác của chính mình, Ngài còn đảm đương một công tác mà chưa ai nghĩ đến. Đây là dạng công tác gì vậy? Ngoài thực hiện công tác của chính Đức Chúa Trời, Ngài cũng đến để trải nghiệm sự đau khổ của con người. Trước đây, người ta chẳng biết điều này.

Trước đây, con người chưa hề hiểu được tại sao Đức Chúa Trời nhập thể luôn chịu đựng thống khổ của bệnh tật, họ cũng không hiểu được đau khổ này là để làm gì. Có người nói: “Đức Chúa Trời khiêm hạ và ẩn mình, Ngài trải qua đau khổ này để cứu rỗi con người, Ngài yêu thương con người …”. Đây là lời giải thích hồ đồ của họ. Để cứu rỗi nhân loại, Ngài nhất định phải chịu đựng những đau khổ này sao? Nếu Đức Chúa Trời nhập thể không trải qua đau khổ này, liệu tự Ngài có thể cứu rỗi nhân loại được không? Có thể chứ. Có người nói: “Trong Thời đại Ân điển, chúng ta chỉ cần cầu nguyện với Đức Chúa Trời, rồi bệnh tật gì cũng sẽ lành. Chúng ta không hề uống thuốc, có người cầu nguyện và được lành cả bệnh ung thư. Vậy tại sao Đức Chúa Trời nhập thể lại luôn bị hành hạ bởi bệnh tật? Tại sao Ngài không bao giờ trong trạng thái khỏe mạnh? Tại sao Đức Chúa Trời nhập thể không đạt được nhiều ân điển như con người?”. Đây luôn là điều bí ẩn với nhân loại. Đây là nút thắt khó gỡ trong lòng người, thế mà người ta chẳng đặt nặng về vấn đề này. Thay vào đó, họ giải thích hồ đồ rằng Đức Chúa Trời yêu thương con người và chịu đau khổ vì con người. Kể cả bây giờ, người ta vẫn không hiểu cho đúng về chuyện này. Trải nghiệm đau khổ của nhân gian là một trách nhiệm của Đức Chúa Trời nhập thể. Trải nghiệm đau khổ của nhân gian thì phục vụ được cho mục đích gì? Đây lại là một vấn đề khác. Đức Chúa Trời đến để trải nghiệm đau khổ của nhân gian, một điều mà Thần tuyệt đối không thể nào làm được. Chỉ có Đức Chúa Trời nhập thể, ở trong xác thịt trọn vẹn, bình thường và thông thường, đã hoàn toàn trở nên con người, mới có thể hoàn toàn trải nghiệm đau khổ của nhân gian. Nếu Thần phải thực hiện công tác này thì chắc chắn tuyệt đối rằng Ngài sẽ không thể trải nghiệm bất kỳ đau khổ nào, chỉ có thể thấy và hiểu mà thôi. Thấy và hiểu cũng giống như trải nghiệm sao? Không. Trước đây, Đức Chúa Trời đã phán: “Ta biết sự hư không của nhân gian và ta biết sự gian nan khi sinh tồn của nhân loại. Ta đã bước đi đây đó trên nhân gian và thấy nhân gian thê thảm đủ điều. Ta đã thấy đời sống con người đầy gian nan, bi thảm và hư không”. Nhưng về câu hỏi liệu Ngài đã trải nghiệm nó chưa, đây lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Ví dụ như, hãy nghĩ về một gia đình đang sống chật vật. Ngươi thấy thế và ngươi hiểu, nhưng ngươi đã tự mình trải qua hoàn cảnh của họ chưa? Ngươi cảm nhận được khó khăn của họ, đau khổ của họ chưa, đã có những tâm trạng hay cảm nhận đó chưa? Chưa. Từ đó rút ra rằng thấy vàcảm nhận là hai chuyện khác nhau. Có thể nói rằng điều này, công tác này nhất thiết phải được thực hiện bởi Đức Chúa Trời nhập thể. Về những vấn đề này, Thần tuyệt đối không thể làm được. Đây là một khía cạnh khác trong ý nghĩa của sự nhập thể: Đức Chúa Trời đến để trải nghiệm đau khổ của nhân gian và đau khổ mà con người phải chịu. Vậy Ngài trải nghiệm đau khổ gì? Ngài trải nghiệm những khó khăn trong cuộc sống của con người, bất hạnh gia đình, sự lừa dối, bỏ rơi và bức hại mà con người phải chịu, và cả những bệnh tật của thân xác, tất cả những điều này kết lại thành đau khổ của nhân gian. Những thống khổ của bệnh tật, sự đả kích từ những người và sự vật sự việc quanh mình, những bất hạnh gia đình, sự ruồng rẫy, phỉ báng, vu khống, chống đối, phản nghịch, xúc phạm và hiểu lầm của mọi người, vân vân – Đức Chúa Trời nhập thể trải nghiệm hết mọi sự này như một sự đả kích. Với những ai phải chịu đủ mọi chuyện này, đó cũng là một sự đả kích. Dù đó là bậc vĩ nhân, cao nhân hoặc người khoáng đạt đi chăng nữa, đau khổ này, những thứ này chính là một sự đả kích đối với họ. Đức Chúa Trời trải qua sự bức hại của nhân gian, Ngài chẳng có nơi tựa đầu, chẳng có chỗ trú chân, chẳng có người tâm giao … Tất cả những chuyện này đều gây đau khổ. Dù những chuyện này có lẽ không đến mức tột đỉnh đau khổ, nhưng Ngài trải nghiệm hết tất cả chúng. Có người từng thắc mắc: “Trong công tác của Đức Chúa Trời nhập thể, Đức Chúa Trời không thể loại bỏ những bệnh tật này sao? Để Ngài làm công tác thuận lợi hơn và để người ta không phản nghịch hay chống đối Ngài, Ngài không thể làm những điều này sao? Nếu Ngài trừng phạt người ta thì họ sẽ không dám chống đối Ngài. Đức Chúa Trời có thẩm quyền, vậy tại sao Ngài lại để bản thân mình mắc bệnh? Con người mà có bệnh thì chỉ cần cầu nguyện là được chữa lành, vậy tại sao chính Đức Chúa Trời lại phải chịu bệnh tật?”. Ngài làm thế để có thể trải nghiệm đau khổ của nhân gian. Ngài không loại trừ các hoạn nạn hay bệnh tật khỏi xác thịt Ngài mặc lấy khi nhập thể, Ngài cũng không loại trừ sự ruồng rẫy phải chịu dưới tay con người. Ngài cứ tự nhiên trưởng thành và công tác trong môi trường gian khổ này. Như thế, Ngài có thể trải nghiệm đau khổ của nhân gian. Nếu không tồn tại những việc này, Ngài đâu có nếm trải được đau khổ này. Nếu bệnh tật không xảy đến với Ngài, hoặc nếu Ngài không chịu bất kỳ sự khổ sở nào mà con người bình thường phải chịu, thì chẳng phải Ngài sẽ bớt đau khổ hơn sao? Có thể nào sắp xếp để Ngài không bao giờ bị đau đầu hay mệt mỏi lúc dụng trí quá nhiều trong khi mọi người khác đều bị vậy không? Có chứ, có thể sắp xếp được như vậy, nhưng lần này, mọi sự phải được thực hiện khác đi. Trong thời đại mà Jêsus công tác, Ngài có thể hoạt động mà không cần ăn, không cần uống trong 40 ngày đêm mà chẳng thấy đói. Nhưng trong thời hiện tại, Đức Chúa Trời nhập thể cảm thấy đói nếu Ngài bỏ ăn chỉ một bữa. Có người nói: “Chẳng lẽ Đức Chúa Trời không toàn năng hay sao? Theo tôi thấy thì đúng là Ngài không toàn năng. Một việc nhỏ bé như thế này mà Ngài còn chẳng thể làm được. Theo cách Ngài phán thì chúng ta thấy Ngài là Đức Chúa Trời, vậy tại sao Ngài không làm được những chuyện này?”. Không phải là Đức Chúa Trời không thể làm được những chuyện này, nhưng đúng hơn là Ngài không làm những chuyện này theo cách đó. Mục đích của việc Ngài nhập thể không phải là để làm những việc mà con người nghĩ là Đức Chúa Trời làm được. Ngài trải nghiệm đau khổ của nhân gian và việc này có ý nghĩa của nó. Lại có những người hỏi rằng: “Lạy Đức Chúa Trời, Ngài trải nghiệm đau khổ của nhân gian thì có tác dụng gì? Ngài có thể chịu đau khổ thay cho con người được không? Hiện giờ, con người chẳng phải vẫn còn đau khổ hay sao?”. Đức Chúa Trời không làm việc gì một cách tùy tiện. Khi đã chịu đựng đau khổ của nhân gian, khi đã nhìn và thấy nhân gian thế nào, Ngài không bỏ đi. Thay vào đó, Ngài hoàn thành triệt để mọi công tác cần làm của việc nhập thể. Có người nghĩ có lẽ Đức Chúa Trời quá quen tận hưởng an nhàn thanh thản, nghĩ Ngài chỉ muốn chịu khổ một chút, nghĩ Ngài sống trong sung sướng và không biết đến mùi vị của khổ đau, nên Ngài chỉ muốn biết mùi vị của khổ đau là thế nào. Những suy nghĩ này đều là do con người tưởng tượng ra. Trải nghiệm đau khổ của nhân gian hiện tại là điều chỉ có thể thực hiện trong thời gian nhập thể. Nếu công tác của Đức Chúa Trời nhập thể đã được hoàn thành trọn vẹn, và giai đoạn tiếp theo của công tác đã bắt đầu, vậy thì sẽ không còn “trải nghiệm đau khổ của nhân gian” nữa. Vậy thì, chính xác vì lý do gì mà Đức Chúa Trời trải nghiệm đau khổ của nhân gian? Có ai biết không? Đã có lời tiên tri rằng con người sẽ không còn khóc than, không còn rơi lệ, không còn đau khổ và bệnh tật biến mất trên nhân gian. Đức Chúa Trời nhập thể giờ đang trải nghiệm sự đau khổ này và khi hoàn tất việc đó Ngài sẽ đưa nhân loại đến đích đến tốt đẹp và mọi đau khổ trước đây sẽ không còn nữa. Tại sao nó sẽ không còn nữa? Nó sẽ không còn nữa bởi vì chính Đức Chúa Trời nhập thể đã trải nghiệm mọi đau khổ này và Ngài sẽ cất lấy đau khổ này khỏi nhân loại. Chính vì mục đích này mà Đức Chúa Trời trải nghiệm đau khổ của con người.

Đức Chúa Trời nhập thể trải nghiệm đau khổ của nhân gian để chuẩn bị tốt hơn cho đích đến tương lai của con người, khiến nó được tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Đây là khía cạnh trọng yếu nhất của việc nhập thể, và là một phần của công tác nhập thể. Còn có một vấn đề nữa ở đây. Khi trở nên xác thịt và trải nghiệm đau khổ này, thì sau này Đức Chúa Trời sẽ cất lấy đau khổ này khỏi nhân loại. Nhưng nếu không có việc nhập thể và trải nghiệm này, thì liệu đau khổ này có thể được cất đi không? Có, nó vẫn sẽ được cất đi. Trong Thời đại Ân điển, khi Jêsus bị đóng đinh trên thập tự giá, Ngài là người công chính đã trở nên hình tượng giống như xác thịt tội lỗi và biến chính Ngài thành của lễ chuộc tội, từ đó cứu chuộc toàn thể nhân loại và giải thoát họ khỏi sự kìm kẹp của Sa-tan. Đây là mục đích và ý nghĩa của việc Jêsus chịu đóng đinh trên thập tự giá. Ngài đã cứu chuộc nhân loại bằng bảo huyết của mình, để cho tội lỗi của nhân loại được tha. Giờ Đức Chúa Trời trải nghiệm đau khổ của con người, nghĩa là Ngài trải nghiệm mọi đau khổ thay cho nhân loại và sau đó, con người không bao giờ cần phải chịu khổ nữa. Ngươi không được quên những lời này: Trong mọi giai đoạn trong công tác của Đức Chúa Trời, Ngài vẫn đang tranh chiến với Sa-tan, và mọi giai đoạn trong công tác của Ngài đều liên quan theo cách nào đó đến cuộc chiến này với Sa-tan. Trong giai đoạn công tác được thực hiện vào Thời đại Ân điển, tội lỗi của toàn nhân loại đã được tha, họ được cứu chuộc nhờ công cuộc chịu đóng đinh trên thập tự. Nếu không có chuyện này, không có công cuộc chịu đóng đinh trên thập tự, và nếu sự tha thứ tội lỗi của con người chỉ dựa trên lời mà thôi, thì Sa-tan đâu tâm phục khẩu phục. Nó hẳn sẽ nói rằng: “Ngài chẳng chịu đau khổ gì cả, Ngài đâu có mang lấy tội lỗi nhân loại. Nói một lời là tội lỗi nhân loại được tha sao? Đâu thể chấp nhận được! Nhân loại là do Ngài tạo ra, nên nếu Ngài không mang lấy tội lỗi thay cho con người, thì Ngài không thể tha thứ cho tội lỗi của họ”. Giờ đây, trong giai đoạn công tác hiện tại, những ai được cứu rỗi thì được đưa đến đích đến tốt đẹp, đến thời đại tiếp theo. Nhân loại không còn phải đau khổ, không còn phải khốn khổ vì bệnh tật. Nhưng cơ sở nào để con người không còn chịu sự dày vò của bệnh tật nữa? Cơ sở nào để không còn đau khổ trên nhân gian? Nghe có lý khi nói rằng vì con người có tâm tính bại hoại và có thể chống đối Đức Chúa Trời, nên họ phải trải qua đau khổ này. Làm sao giải quyết được vấn đề này được? Thế thì, Đức Chúa Trời nhập thể lần này cũng làm một việc vô cùng ý nghĩa, chính là thay thế nhân loại mà chịu đựng mọi đau khổ của con người. Sự “trải nghiệm” này của Đức Chúa Trời trở nên xác thịt và trải nghiệm đau khổ của con người chính là để Ngài chịu đau khổ thay cho con người. Có người nói rằng: “Giờ có Đức Chúa Trời chịu đau khổ thay cho con người, vậy tại sao chúng ta vẫn còn đau khổ?”. Ngươi hiện đang trải nghiệm công tác của Đức Chúa Trời. Ngươi chưa được hoàn thiện triệt để, ngươi chưa hoàn toàn bước vào thời đại mới, và tâm tính của ngươi vẫn còn bại hoại. Hiện tại, công tác của Đức Chúa Trời chưa đạt đến đỉnh điểm và vẫn đang diễn ra. Vậy nên, con người không được oán trách về đau khổ của họ, Đức Chúa Trời nhập thể mà còn đau khổ, huống hồ gì là con người. Đức Chúa Trời trải nghiệm đau khổ của con người chẳng phải là việc có ý nghĩa to lớn sao? Đức Chúa Trời nhập thể không đến để làm chút ít công tác rồi rời đi. Hiểu biết của con người về chuyện này thật quá nông cạn, họ tin rằng Đức Chúa Trời nhập thể đến để thực hiện công tác của chính Đức Chúa Trời, tin rằng xác thịt này chỉ để bày tỏ lời của Đức Chúa Trời và làm công tác thay mặt Đức Chúa Trời. Có người còn nghĩ rằng xác thịt này chỉ là cái vỏ bên ngoài, nhưng đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm và là sự phạm thượng đối với Đức Chúa Trời nhập thể. Công tác của xác thịt nghĩa là chính Đức Chúa Trời đã đến và Ngài đã trở nên xác thịt để trải nghiệm đau khổ của nhân gian, nghĩa là Đức Chúa Trời trở nên con người để trải nghiệm đau khổ của con người. Có người tin rằng cái vỏ bên ngoài của xác thịt của Đức Chúa Trời đến để trải nghiệm đau khổ này, còn Thần của Đức Chúa Trời thì không chịu đau khổ bên trong, tin như vậy có đúng không? Khi xác thịt chịu đau khổ, Thần của Đức Chúa Trời cũng chịu đau khổ. Khi Jêsus bị đóng đinh trên thập tự giá, Ngài đã cầu nguyện rằng: “Cha ơi! Nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con! Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha” (Ma-thi-ơ 26:39). Ngài cầu mong điều này vì khi xác thịt của Ngài chịu đau khổ, Thần của Ngài bên trong xác thịt cũng chịu đau khổ. Nếu ngươi nói rằng chỉ có cái vỏ bên ngoài của xác thịt chịu đau khổ, rằng Đức Chúa Trời thần tính không chịu đau khổ chút nào, rằng Ngài không chịu thống khổ nào, vậy thì ngươi sai rồi. Nếu ngươi hiểu như thế, thì chứng tỏ ngươi chưa thấy được khía cạnh thực chất của Đức Chúa Trời nhập thể. Tại sao nói rằng Đức Chúa Trời đang hiện thực hóa bên trong cơ thể xác thịt? Đức Chúa Trời có thể đến và đi bất kỳ lúc nào Ngài muốn, nhưng Ngài không làm thế. Ngài đã trở nên con người để trải qua đau khổ này, một nỗi đau khổ rõ ràng có thực, để cho con người có thể thấy được và chạm đến được khi đau khổ xảy ra. Ngài có thể cảm nhận những đau khổ mà Ngài trải qua, Ngài đích thân trải nghiệm nó. Không hề có chuyện xác thịt Ngài cảm nhận bất cứ phần nào của khổ đau hay thống khổ mà Thần của Ngài không cảm nhận, xác thịt và Thần của Ngài thống nhất với nhau trong việc cảm nhận và chịu đựng đau khổ. Điều này có dễ hiểu không? Không dễ. Không dễ bởi vì mọi điều con người thấy được đều là xác thịt và họ không thể thấy được rằng Thần cũng chịu đau khổ y như xác thịt. Ngươi có tin rằng khi ai đó chịu đau khổ thì linh hồn của họ cũng chịu đau khổ không? Tại sao người ta nói rằng họ cảm nhận được cảm giác gì đó tận sâu trong lòng? Đó chính là vì xác thịt và linh hồn của con người là một. Linh hồn và xác thịt của tất cả mọi người đều là một và như nhau, đau khổ như nhau và hoan lạc như nhau. Không có bất kỳ ai khi chịu đau đớn thật sự mà chỉ cảm nhận đau đớn nơi xác thịt còn tâm linh thì hoan hỉ, cũng không có bất kỳ ai nói rằng xác thịt của họ chẳng hề đau đớn chút nào trong khi tâm linh họ đầy thống khổ. Những thứ trong tâm linh có thể khơi dậy cảm giác, đau đớn hoặc những chuyện có thể cảm nghiệm trong tâm linh, thì cũng là những điều mà xác thịt cũng có thể cảm nhận.

Đức Chúa Trời nhập thể đến để thực hiện công tác của Ngài, là trải nghiệm đau khổ của nhân gian, để mang lấy mọi đau khổ của con người trên chính Ngài. Một khi Ngài đã chịu đau khổ này cho đến tận cùng, thì dạng công tác này không cần được lặp lại trong giai đoạn công tác tiếp theo. Thay vào đó, con người có thể được đưa đến đích đến tốt đẹp. Bởi vì Đức Chúa Trời đã chịu đựng đau khổ này thay cho con người, do đó Ngài đủ tư cách để đưa con người đến đích đến tốt đẹp, và đây chính là kế hoạch của Ngài. Có những người ngớ ngẩn nói rằng: “Tại sao tôi chưa thấy Đức Chúa Trời nhập thể chịu đựng hết mọi đau khổ này nhỉ? Không phải đau khổ nào Ngài cũng chịu đựng trọn vẹn. Ngài phải chịu đủ mọi dạng đau khổ chứ, và chí ít Ngài cũng phải chịu đóng đinh trên thập tự giá”. Đau đớn của việc chịu đóng đinh trên thập tự Ngài đã chịu trước đó rồi và không cần phải chịu lại nữa. Ngoài ra, con người không được nói những lời như thế. Chẳng phải Đức Chúa Trời nhập thể đã chịu đựng nhiều đau khổ suốt những năm qua sao? Chỉ có kẻ ngu xuẩn mới nghĩ như thế. Trong phạm vi đau khổ mà Đức Chúa Trời nhập thể có thể chịu, về căn bản là mọi đau khổ con người đều có thể ập đến với Ngài. Đối với những đau khổ quá cùng cực, những đau khổ mà ngàn người chỉ có một chịu nổi, thì Ngài không cần phải chịu, vì mọi đau khổ này đều đã được đại diện rồi. Đức Chúa Trời có thể trải nghiệm những dạng đau khổ này, và điều này chứng tỏ rằng Ngài không khác gì con người bình thường, rằng không có gì phân biệt Ngài với con người, không có gì tách biệt Ngài với con người, và Ngài chịu đau khổ giống hệt như con người. Con người chịu đau khổ, Đức Chúa Trời cũng chịu đau khổ. Con người thường chịu bệnh tật và đau khổ, và Đức Chúa Trời đã đích thân trải qua những điều đó, Ngài đã nếm đủ mọi đau khổ này. Lần này, đau khổ của Đức Chúa Trời nhập thể không như lần trước, lần Ngài đã phải nếm trải cái chết trên thập tự giá. Điều này là không cần thiết, bởi vì Ngài đã trải nghiệm nó rồi. Lần này chỉ hướng đến việc trải nghiệm đau khổ của nhân gian và mang lấy đau khổ của con người trên chính Ngài. Trước đây, Đức Giê-hô-va công tác trong tư cách của Thần, và từ đó con người có thể đạt được một số điều. Tuy nhiên, công tác của Đức Chúa Trời nhập thể thì người ta có thể thấy và chạm đến, do đó, so với công tác của Thần thì nó thuận tiện và dễ tiếp cận hơn cho con người. Đây là một khía cạnh. Khía cạnh còn lại là Đức Chúa Trời nhập thể có thể trải nghiệm đau khổ của nhân gian. Điều này chắc chắn không thể nào đạt được thông qua công tác của Thần; chuyện tất yếu, nó chỉ có thể đạt được bằng sự nhập thể. Nếu Thần làm công tác, Thần sẽ phán những gì cần phán rồi rời đi. Kể cả khi Ngài tiếp xúc với con người, Ngài vẫn không thể trải nghiệm đau khổ của nhân gian. Có lẽ có người muốn hỏi rằng: “Nếu Đức Chúa Trời nhập thể chịu đau khổ, vậy Thần không chịu đau khổ cùng sao? Có thể nào Thần không cùng trải nghiệm sự đau khổ?”. Ý tưởng này chẳng phải cũng ngớ ngẩn sao? Thần chỉ có thể trải nghiệm đau khổ sau khi mặc lấy xác thịt. Thần và xác thịt là bất khả phân ly, Thần cũng trải nghiệm đau khổ của xác thịt. Nếu Thần không mặc lấy xác thịt thì chẳng thể trải nghiệm chuyện này. Cảm giác đau khổ của xác thịt thì chi tiết hơn, chân thực hơn và thực tế hơn. Những điều này Thần không thể làm được. Có những việc trong thế giới vật chất mà công tác của Thần không thể nào làm thay được. Đây là ý nghĩa toàn diện nhất của sự nhập thể.

Trước đây đã nói rằng Đấng Christ không dự phần vào hạnh phúc chung của nhân gian. Có người nói: “Đấng Christ đi đâu cũng được tiếp đón nồng nhiệt. Có người còn mua tặng Ngài những thứ đẹp đẽ, và Ngài đi đâu cũng được tôn kính. Những chuyện này hẳn Ngài đã vui hưởng và Ngài chẳng hề chịu đau khổ gì nhiều, vậy làm sao có thể nói là Ngài không dự phần vào đó?”. Ngươi thấy sao về phát biểu này? Nói rằng Ngài không dự phần không có nghĩa là Ngài không vui hưởng những điều này, mà đúng hơn là đau khổ mà Ngài chịu vì những điều này không hề bớt đi chút nào. Câu “Ngài không dự phần vào đó” có nghĩa là như thế. Ví dụ như, giả sử ngươi mắc bệnh và có người cho ngươi quần áo đẹp. Liệu đau khổ vì bệnh tật của ngươi có giảm đi vì quần áo đẹp không? Không. Đau khổ của ngươi chẳng giảm đi chút nào. Ngươi vẫn phải chịu đựng những gì ngươi phải chịu đựng, và đấy chính là ý nghĩa của “không dự phần vào đó”. Ví dụ như, đau khổ do bệnh tật hoặc do sự bó buộc của hoàn cảnh, đâu thể nào được xoa dịu bởi sự vui hưởng của xác thịt, và Đấng Christ không vui hưởng những điều này. Do đó mới nói “Ngài không dự phần vào đó”. Một số người ngớ ngẩn nghĩ rằng: “Nếu Đức Chúa Trời không dự phần vào hạnh phúc chung của nhân gian, vậy thì chúng ta tiếp đãi Ngài thế nào chẳng được, vì dù chúng ta có làm gì, Đức Chúa Trời cũng sẽ chịu đau khổ”. Nhận thức này vô cùng lố bịch và nó thể hiện một tâm địa độc ác. Lòng người phải tốt hết sức, bổn phận phải chu toàn hết sức. Lại có những người hiểu như thế này: “Đức Chúa Trời từng vui hưởng hoan lạc tột cùng, giờ Ngài đến để thử một thứ gì đó khác, là đau khổ của nhân gian”. Chuyện đơn giản như vậy sao? Ngươi phải hiểu được lý do tại sao Đức Chúa Trời đến để trải nghiệm đau khổ của nhân gian. Mọi điều Đức Chúa Trời làm đều có ý nghĩa thâm sâu đáng kể. Chẳng hạn như việc Jêsus bị đóng đinh. Tại sao Jêsus phải bị đóng đinh? Đó chẳng phải là để cứu chuộc toàn bộ nhân loại sao? Lần nhập thể hiện thời của Đức Chúa Trời và việc Ngài trải qua sự đau khổ của nhân gian cũng có ý nghĩa to lớn như vậy: là vì đích đến tươi đẹp của nhân loại. Trong công tác của Ngài, Đức Chúa Trời luôn làm chính xác những gì thiết thực nhất. Tại sao Đức Chúa Trời coi con người là không có tội lỗi, và con người có thể may mắn đến trước Đức Chúa Trời? Đó là vì Jêsus đã bị đóng đinh lên thập tự giá, mang tội lỗi của con người và đã cứu chuộc nhân loại. Thế thì, tại sao nhân loại sẽ không còn chịu đau khổ, không cảm thấy sầu não, không rơi nước mắt và không thở dài nữa? Điều này là do Đức Chúa Trời nhập thể lần này đã mang lấy mọi đau khổ này lên chính mình Ngài và sự đau khổ này giờ đây đã được gánh chịu thay cho con người. Cũng giống như người mẹ thấy con mình đau ốm và cầu Trời, mong cầu bản thân mình thà sống ngắn lại nếu điều đó giúp con mình được chữa khỏi bệnh. Đức Chúa Trời cũng công tác theo cách này, dùng nỗi đau của Ngài để đổi lấy đích đến tươi đẹp sẽ xảy đến cho nhân loại. Sẽ không còn nữa những sầu não, nước mắt, không còn nữa những tiếng thở dài và đau khổ. Đức Chúa Trời trả cái giá – phí tổn – của việc đích thân trải nghiệm những khổ đau của nhân gian để đối lấy đích đến tươi đẹp sẽ xảy đến với nhân loại. Nói rằng điều này được thực hiện “để đổi lấy” đích đến tươi đẹp không có nghĩa là Đức Chúa Trời không có quyền năng hay thẩm quyền để ban cho nhân loại một đích đến tươi đẹp, mà đúng hơn là Đức Chúa Trời muốn tìm một bằng chứng thực tế và mạnh mẽ hơn để hoàn toàn thuyết phục con người. Đức Chúa Trời đã trải qua sự đau khổ này, nên Ngài có đủ tư cách, Ngài có quyền năng, và hơn thế nữa Ngài có thẩm quyền để đưa nhân loại đến đích đến tươi đẹp, ban cho con người đích đến và lời hứa tươi đẹp này. Sa-tan sẽ tâm phục khẩu phục, và mọi tạo vật của vũ trụ sẽ tâm phục khẩu phục. Cuối cùng, Đức Chúa Trời sẽ cho phép nhân loại nhận lãnh lời hứa và tình yêu thương của Ngài. Mọi việc Đức Chúa Trời làm đều thiết thực, không có gì Ngài làm là vô ích, và Ngài tự mình trải nghiệm tất cả. Đức Chúa Trời phải trả giá bằng việc chính mình trải qua đau khổ để đổi lấy một đích đến cho nhân loại. Đây chẳng phải là công tác thiết thực sao? Cha mẹ có thể thiết tha hy sinh vì con cái họ, và điều này thể hiện tình yêu thương họ dành cho con cái. Khi làm điều này, Đức Chúa Trời nhập thể, tất nhiên, là chân thành và thành tín nhất đối với loài người. Thực chất của Đức Chúa Trời là thành tín; Ngài làm những gì Ngài phán, và bất kỳ điều gì Ngài làm đều thành tựu. Hết thảy mọi thứ Ngài làm cho con người đều chân thành. Ngài không chỉ phán suông; khi Ngài phán Ngài sẽ trả giá, thì Ngài thực sự trả giá. Khi Ngài phán Ngài sẽ gánh vác sự đau khổ của loài người và chịu khổ thay cho họ, thì Ngài thực sự đến sống giữa họ, đích thân cảm nhận và trải qua sự đau khổ này. Sau đó, hết thảy mọi thứ trong vũ trụ sẽ thừa nhận rằng mọi điều Đức Chúa Trời làm là đúng và công chính, rằng hết thảy những gì Đức Chúa Trời làm là hiện thực: Đây là một bằng chứng mạnh mẽ. Ngoài ra, nhân loại sẽ có một đích đến tươi đẹp trong tương lai, và hết thảy những ai còn lại sẽ ngợi khen Đức Chúa Trời; họ sẽ hết lời ngợi khen rằng những việc làm của Đức Chúa Trời thực sự được thực hiện từ tình yêu của Ngài đối với nhân loại. Đức Chúa Trời đến giữa con người một cách khiêm nhường, như một con người bình thường. Ngài không chỉ đơn thuần thực hiện một số công tác, nói một vài lời, rồi rời đi; thay vào đó, Ngài thực sự phán và công tác trong khi trải nghiệm nỗi đau khổ của trần gian. Chỉ khi Ngài đã trải nghiệm xong nỗi đau khổ này, Ngài mới ra đi. Điều này cho thấy công tác của Đức Chúa Trời thật và thực tế đến mức nào; tất thảy những ai còn sống sót sẽ ngợi khen Ngài vì điều đó, và họ sẽ thấy sự thành tín của Đức Chúa Trời đối với con người cũng như lòng tốt của Ngài. Bản chất đẹp đẽ và tốt lành của Đức Chúa Trời có thể được thấy trong ý nghĩa nhập thể của Ngài trong xác thịt. Bất kỳ điều gì Ngài làm đều chân thành; bất kỳ điều gì Ngài phán đều tha thiết và thành tín. Mọi điều Ngài định làm, thì Ngài thực sự làm, và khi phải trả giá, thì Ngài thực sự trả giá; Ngài không chỉ nói suông mà thôi. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời công chính; Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời thành tín.

Mùa xuân năm 1997

Trước: Về các sắc lệnh quản trị của Đức Chúa Trời trong Thời đại Vương quốc

Tiếp theo: Ý nghĩa việc nếm trải sự đau khổ trong thế gian của Đức Chúa Trời

Hồi chuông thời sau hết báo động đã vang lên, đại thảm họa đã ập xuống, bạn có muốn cùng gia đình nghênh đón được Thiên Chúa, và có cơ hội nhận được sự che chở của Thiên Chúa không?

Cài đặt

  • Văn bản
  • Chủ đề

Màu Đồng nhất

Chủ đề

Phông

Kích cỡ Phông

Khoảng cách Dòng

Khoảng cách Dòng

Chiều rộng Trang

Mục lục

Tìm kiếm

  • Tìm kiếm văn bản này
  • Tìm kiếm cuốn sách này

Liên hệ với chúng tôi qua Messenger