Câu chuyện thật đằng sau công tác của Thời đại Cứu chuộc
Toàn bộ kế hoạch quản lý của Ta, một kế hoạch quản lý sáu ngàn năm, gồm có ba giai đoạn, hoặc ba thời đại như sau: Thời Đại Luật Pháp của buổi sơ khai; Thời Đại Ân Điển (cũng gọi là Thời Đại Cứu Chuộc); và Thời Đại Vương Quốc của thời kỳ sau rốt. Công tác của Ta ở ba thời đại này khác nhau về nội dung theo bản chất của mỗi thời đại, nhưng ở mỗi giai đoạn, công tác này đều phù hợp với nhu cầu của con người – hay nói chính xác hơn là được thực hiện để chống lại những mưu trò Sa-tan bày ra trong cuộc chiến mà Ta đang giao đấu với nó. Mục đích công tác của Ta là để đánh bại Sa-tan, để biểu lộ sự khôn ngoan và sự toàn năng của Ta, để phơi bày hết các mưu chước của Sa-tan, và nhờ đó, để cứu rỗi toàn nhân loại đang sống dưới quyền lực của Sa-tan. Nó là để cho thấy sự khôn ngoan và sự toàn năng của Ta, và để tỏ lộ sự ghê tởm không thể chịu nổi của Sa-tan; thậm chí còn hơn thế nữa, là để cho các loài thọ tạo phân biệt được thiện và ác, biết được rằng Ta là Đấng Tể Trị của vạn vật, thấy rõ được rằng Sa-tan là kẻ thù của nhân loại, một kẻ suy đồi, một kẻ tà ác, và để cho họ nhận ra được, với sự chắc chắn tuyệt đối, sự khác biệt giữa thiện và ác, giữa lẽ thật và sự giả dối, giữa thánh thiện và rác rưởi, giữa những gì cao quý và những gì thấp hèn. Như thế, loài người mê muội sẽ trở nên có thể làm chứng cho Ta rằng không phải Ta làm sa ngã loài người, và chỉ có Ta – Đấng Tạo Hóa – mới có thể cứu rỗi được loài người, mới có thể ban cho con người những thứ họ có thể thụ hưởng; và họ sẽ dần biết được rằng Ta là Đấng Tể Trị của vạn vật, còn Sa-tan chỉ là một trong những loài Ta tạo ra và rồi đã chống lại Ta. Kế hoạch quản lý sáu ngàn năm của Ta được chia làm ba giai đoạn, và Ta làm như thế để đạt được kết quả là khiến các loài thọ tạo có thể làm chứng cho Ta, hiểu được tâm ý của Ta, và biết được Ta là lẽ thật. Như vậy, trong công tác sơ khởi của kế hoạch quản lý sáu ngàn năm của Ta, Ta đã thực hiện công tác về luật pháp, tức là công tác mà Đức Giê-hô-va đã dẫn dắt dân chúng. Giai đoạn thứ hai mở ra công tác của Thời Đại Ân Điển tại các làng xứ Giu-đê. Jêsus đại diện cho mọi công tác của Thời Đại Ân Điển; Ngài được nhập thể vào xác thịt, chịu đóng đinh trên thập tự giá, và Ngài cũng bắt đầu Thời Đại Ân Điển. Ngài chịu đóng đinh để hoàn thành công tác cứu chuộc, để kết thúc Thời Đại Luật Pháp và mở ra Thời Đại Ân Điển, vì thế, Ngài được gọi là “Đấng Chỉ Huy Tối Cao”, là “Của Lễ Chuộc Tội”, và là “Đấng Cứu Chuộc”. Do vậy, công tác của Jêsus khác với của Đức Giê-hô-va về nội dung, mặc dù về nguyên tắc thì giống nhau. Đức Giê-hô-va bắt đầu Thời Đại Luật Pháp, tạo lập nền tảng – điểm khởi nguồn – cho công tác của Đức Chúa Trời ở trần thế, và ban hành các luật lệ cùng điều răn. Đây là hai phần của công tác mà Ngài đã thực hiện, và chúng đại diện cho Thời Đại Luật Pháp. Công tác Jêsus đã làm trong Thời Đại Ân Điển không phải là ban hành các luật lệ, mà là thực hiện chúng, do đó mở ra Thời Đại Ân Điển và khép lại Thời Đại Luật Pháp đã tồn tại hai ngàn năm. Ngài là người tiên phong, đến để khai mở Thời Đại Ân Điển, nhưng phần công tác chính của Ngài lại nằm ở việc cứu chuộc. Và vì thế, công tác của Ngài cũng có hai phần: mở ra một thời đại mới, và hoàn tất công tác cứu chuộc thông qua việc Ngài chịu đóng đinh trên thập tự giá, mà sau đó, Ngài đã rời đi. Và từ đây, Thời Đại Luật Pháp đã khép lại và Thời Đại Ân Điển mở ra.
Công tác Jêsus đã thực hiện phù hợp với nhu cầu của con người trong thời đại đó. Nhiệm vụ của Ngài là cứu chuộc nhân loại, tha thứ cho những tội lỗi của họ, và vì vậy, tâm tính của Ngài hoàn toàn khiêm nhường, kiên nhẫn, yêu thương, mộ đạo, nhẫn nhịn, nhân từ, và nhân ái. Ngài mang đến cho nhân loại ân điển và ơn phước dồi dào, và mọi thứ mà con người có thể hưởng thụ, Ngài đều ban cho họ để họ thụ hưởng: sự bình an và hạnh phúc, sự bao dung và tình yêu thương của Ngài, lòng nhân từ và nhân ái của Ngài. Thời kỳ đó, vô vàn những thứ để thụ hưởng mà con người được tiếp xúc – cảm giác bình an và yên ổn trong lòng họ, cảm giác yên tâm trong tinh thần họ, và sự nương tựa của họ vào Jêsus Đấng Cứu Thế – tất cả đều ở thời đại mà họ đã sống. Trong Thời Đại Ân Điển, con người đã bị làm cho sa ngã bởi Sa-tan, và vì vậy, để đạt được công tác cứu chuộc toàn nhân loại đòi hỏi rất nhiều ân sủng, sự nhẫn nhịn và kiên trì vô hạn, và thậm chí nhiều hơn thế nữa là một của lễ đủ để chuộc những tội lỗi của loài người, thì mới có được hiệu quả. Điều nhân loại nhìn thấy trong Thời Đại Ân Điển chỉ đơn thuần là của lễ của Ta để chuộc tội lỗi của loài người: đó là Jêsus. Tất cả những gì họ biết là Đức Chúa Trời có thể nhân từ và nhẫn nhịn, và tất cả những gì họ thấy là sự nhân từ và nhân ái của Jêsus. Điều này hoàn toàn là bởi họ đã được sinh ra trong Thời Đại Ân Điển. Và như vậy, trước khi có thể được cứu chuộc, họ phải thụ hưởng nhiều loại ân điển mà Jêsus đã ban cho họ, để có được lợi ích từ đó. Bằng cách này, họ có thể được tha thứ tội lỗi thông qua việc thụ hưởng ân điển, và cũng có thể có cơ hội được cứu chuộc thông qua việc thụ hưởng sự nhẫn nhịn và kiên trì của Jêsus. Chỉ thông qua sự nhẫn nhịn và kiên trì của Jêsus, họ mới có được quyền nhận sự tha thứ và thụ hưởng ân điển dồi dào mà Jêsus ban cho. Đúng như Jêsus từng phán: Ta đã đến không phải để cứu chuộc những kẻ công bình mà là những kẻ có tội, để những kẻ có tội được tha thứ cho những tội lỗi của họ. Nếu Jêsus lúc trở nên xác thịt đã mang tâm tính phán xét, nguyền rủa và không dung thứ cho những sự xúc phạm của con người, thì con người đã không bao giờ có cơ hội được cứu chuộc, và vẫn mãi tội lỗi. Nếu như thế, thì kế hoạch quản lý sáu ngàn năm đã phải dừng lại ở Thời Đại Luật Pháp, và Thời Đại Luật Pháp đã phải kéo dài sáu ngàn năm. Tội lỗi của con người chỉ có nhân lên nhiều hơn và ghê tởm hơn, và việc tạo ra loài người hẳn là vô ích. Con người hẳn chỉ có thể phụng sự Đức Giê-hô-va theo luật pháp, nhưng tội lỗi của họ thì đã vượt xa tội lỗi của những con người đầu tiên được tạo ra. Jêsus càng yêu thương nhân loại, càng tha thứ cho những tội lỗi của họ và ban đủ nhân từ và nhân ái cho họ, thì nhân loại càng có quyền được Jêsus cứu rỗi, được gọi là những con chiên lạc mà Jêsus chuộc về với giá rất đắt. Sa-tan không thể xen vào việc này, vì Jêsus đã đối đãi với những môn đệ của Ngài như một người mẹ đầy yêu thương đối với con trẻ ẵm trong lòng. Ngài không nổi giận cũng không khinh miệt họ, mà đầy an ủi vỗ về; ở giữa họ Ngài không bao giờ nổi cơn thịnh nộ, mà nhẫn nhịn với những tội lỗi của họ và nhắm mắt trước sự ngu xuẩn và mê muội của họ, đến mức phán bảo rằng: “Hãy tha thứ cho người khác bảy mươi lần bảy”. Như thế, tấm lòng của những người khác đã được cảm hóa bởi tấm lòng Ngài, và chỉ như thế, mọi người mới nhận lãnh được sự tha thứ cho những tội lỗi của họ thông qua sự nhẫn nhịn của Ngài.
Mặc dù Jêsus trong sự nhập thể của Ngài hoàn toàn không có cảm xúc xác thịt, nhưng Ngài luôn an ủi các môn đồ của Ngài, chu cấp cho họ, giúp đỡ họ, và hỗ trợ họ. Cho dù Ngài có làm bao nhiêu công việc, hay chịu đựng bao nhiêu đau khổ, thì Ngài cũng không bao giờ đòi hỏi quá mức ở con người, mà luôn kiên trì và nhẫn nại với những tội lỗi của họ, vì thế mà con người ở Thời Đại Ân Điển trìu mến gọi Ngài là “Jêsus Đấng Cứu Thế mến yêu”. Đối với con người thời đó – với tất cả mọi người – những gì Jêsus sở hữu và hiện hữu là lòng nhân từ và nhân ái. Ngài không bao giờ ghi nhớ những vi phạm của con người, và đối đãi với họ không bao giờ dựa trên những vi phạm của họ. Bởi vì đó là một thời đại khác, nên Ngài thường ban dồi dào thức ăn cho con người để họ có thể được ăn thỏa thuê. Ngài đối xử với các môn đệ của Ngài bằng ân sủng, chữa lành bệnh tật, đuổi tà quỷ, và khiến người chết sống lại. Để con người có thể tin ở Ngài và thấy được mọi công việc Ngài đã làm đều được thực hiện một cách nghiêm túc và chân thành, thậm chí còn đến mức Ngài làm phục sinh một cái xác đã thối rữa, cho họ thấy rằng trong tay Ngài thì thậm chí người chết cũng có thể sống lại. Bằng cách này, Ngài đã âm thầm chịu đựng và thực hiện công tác cứu chuộc của Ngài giữa họ. Thậm chí trước khi Ngài bị đóng đinh lên thập tự giá, Jêsus đã nhận về Ngài những tội lỗi của nhân loại và đã trở thành của lễ chuộc tội cho nhân loại. Thậm chí trước khi bị đóng đinh, Ngài còn mở đường đến thập tự giá để cứu chuộc nhân loại. Cuối cùng, Ngài đã bị đóng đinh lên thập tự giá, hy sinh chính bản thân Ngài cho thánh giá, và Ngài đã ban hết lòng nhân từ, nhân ái, cùng sự thánh khiết của Ngài cho nhân loại. Đối với nhân loại, Ngài luôn bao dung, không bao giờ thù hận, tha thứ cho những tội lỗi của họ, khuyên nhủ họ ăn năn, và dạy họ biết kiên trì, nhẫn nhịn, và yêu thương, để theo chân Ngài và hy sinh bản thân mình vì thánh giá. Tình yêu Ngài dành cho những người anh chị em còn lớn hơn tình yêu Ngài dành cho Ma-ri. Các công tác Ngài đã làm đều trên nguyên tắc chữa lành người bệnh và xua đuổi tà quỷ, tất cả đều vì công cuộc cứu chuộc của Ngài. Đi đến đâu Ngài cũng đối đãi với hết thảy những người theo Ngài bằng ân sủng. Ngài ban sự giàu có cho người nghèo, sự lành cho người què, sự thấy cho người mù và sự nghe cho người điếc. Ngài còn mời cả những kẻ thấp hèn, những người khốn cùng, những kẻ tội lỗi ngồi vào cùng bàn với Ngài, không bao giờ xa lánh họ mà luôn kiên nhẫn, thậm chí Ngài còn phán bảo: Khi một kẻ chăn dắt đánh mất một con trong đàn chiên trăm con, thì hắn sẽ bỏ chín mươi chín con còn lại để đi tìm con bị lạc, và khi hắn tìm thấy được con chiên lạc, hắn sẽ vui mừng tột độ. Ngài yêu thương các môn đệ của Ngài như thể chiên cái yêu thương chiên con. Cho dù họ ngu dốt, mê muội và là những kẻ tội lỗi trong mắt Ngài, và hơn nữa, còn là những thành phần thấp hèn nhất của xã hội, thì Ngài vẫn coi những kẻ tội lỗi này – những con người bị kẻ khác khinh miệt – như con ngươi trong mắt Ngài. Vì Ngài đã ưu ái họ, nên Ngài đã hy sinh mạng sống của Ngài vì họ, như thể một con chiên được dâng tế trên bàn thờ. Ngài sống giữa họ như thể Ngài là tôi tớ của họ, để mặc cho họ lợi dụng và tàn sát Ngài, phục tùng họ vô điều kiện. Với môn đệ của Ngài, thì Ngài là Jêsus Đấng Cứu Thế đáng mến, nhưng đối với người Pha-ri-si, những kẻ đứng trên bục cao mà lên lớp, thì Ngài không tỏ ra nhân từ hay nhân ái, mà chỉ có ghê tởm và căm giận. Ngài không làm nhiều công tác giữa những người Pha-ra-si, chỉ thi thoảng dạy bảo và quở trách họ; Ngài không đi lại giữa họ để thực hiện công tác cứu chuộc, cũng không làm dấu kỳ và phép lạ. Ngài ban mọi nhân từ và nhân ái cho các môn đệ của Ngài, chịu đựng vì những kẻ tội lỗi này đến tận cùng, khi Ngài bị đóng đinh lên thập tự giá, và chịu mọi sự lăng nhục cho đến khi Ngài hoàn toàn cứu chuộc được hết thảy nhân loại. Đây là toàn bộ công tác của Ngài.
Nếu không có sự cứu chuộc của Jêsus, nhân loại đã phải sống đời đời trong tội lỗi và trở thành con cháu của tội lỗi, hậu duệ của ác quỷ. Nếu cứ tiếp diễn như vậy, cả trần thế này hẳn đã trở thành vùng đất nơi Sa-tan trú ngụ, nơi dung thân của nó. Tuy nhiên, công tác cứu chuộc đòi hỏi phải thể hiện lòng nhân từ và nhân ái đối với nhân loại; vì chỉ bằng cách đó, nhân loại mới có thể nhận lãnh được sự tha thứ và cuối cùng mới có quyền được làm cho trọn vẹn và được thu phục hoàn toàn bởi Đức Chúa Trời. Không có giai đoạn công tác này, kế hoạch quản lý sáu ngàn năm sẽ không thể tiến triển. Nếu Jêsus không bị đóng đinh, nếu Ngài chỉ chữa lành người bệnh và xua đuổi tà quỷ, thì con người đã không thể được tha thứ hoàn toàn cho những tội lỗi của họ. Trong ba năm rưỡi Jêsus thực hiện công tác của Ngài ở trần thế, Ngài chỉ hoàn thành một nửa công tác cứu chuộc của Ngài; sau đó, bằng việc bị đóng đinh lên thập tự giá và trở thành hình tượng của xác thịt tội lỗi, bị giao cho kẻ ác, Ngài đã hoàn tất công việc chịu đóng đinh và làm chủ vận mệnh của nhân loại. Chỉ sau khi bị giao vào tay Sa-tan thì Ngài mới cứu chuộc nhân loại. Trong ba mươi ba năm rưỡi, Ngài đã chịu đựng ở trần thế, bị chế nhạo, phỉ báng, và bị từ bỏ, thậm chí đến mức Ngài không có chỗ tựa đầu, không chỗ ngả lưng, và rồi Ngài đã bị đóng đinh, với toàn bộ hữu thể của Ngài – một thân thể trong sạch và thánh khiết – bị đóng đinh lên thập tự giá. Ngài đã chịu đựng mọi cung bậc đau đớn trên đời. Những kẻ cầm quyền đã nhạo báng và dùng roi quất Ngài, và lính lệ của chúng thậm chí còn nhổ vào mặt Ngài; nhưng Ngài vẫn giữ im lặng và chịu đựng đến cùng, phục tùng vô điều kiện đến lúc chết, khi mà Ngài đã cứu chuộc toàn nhân loại. Chỉ khi đó Ngài mới được nghỉ ngơi. Công tác Jêsus đã làm chỉ đại diện cho Thời Đại Ân Điển, mà không đại diện cho Thời Đại Luật Pháp, cũng không thay thế cho công tác của thời kỳ sau rốt. Đây là bản chất công tác của Jêsus trong Thời Đại Ân Điển, thời đại thứ hai mà nhân loại đã trải qua – Thời Đại Cứu Chuộc.