Chỉ người trung thực mới có thể sống thể hiện ra hình tượng giống con người chân chính

Việc Đức Chúa Trời yêu cầu con người phải làm người trung thực là chuyện có ý nghĩa nhất. Đáng buồn thay, nhiều người lại không hiểu được như vậy và lơ là việc làm người trung thực. Nếu con người thực sự biết công tác của Đức Chúa Trời, họ sẽ biết rằng sau khi Ngài hoàn thành công tác phán xét trong thời kỳ sau rốt, thì chỉ những người trung thực có tâm tính bại hoại đã được làm tinh sạch, không còn giả dối, không còn nói dối, mới có thể được Ngài cứu rỗi và đủ tư cách bước vào vương quốc của Đức Chúa Trời. Nếu đã tin Đức Chúa Trời nhiều năm, mà người ta vẫn nói dối và lừa dối quá nhiều; không thể chân thành dâng mình cho Đức Chúa Trời và luôn thực hiện bổn phận theo kiểu qua loa chiếu lệ, thì họ chắc chắn sẽ bị Ngài ghét bỏ. Kết cục của họ sẽ ra sao? Họ chắc chắn sẽ bị thanh trừ khỏi hội thánh và bị đào thải. Ngày nay, nhìn thấy công tác của Đức Chúa Trời đạt đến bước này, người ta liền liên tưởng đến việc trước đây Ngài luôn yêu cầu con người phải trung thực, điều này vô cùng ý nghĩa. Không phải chỉ tùy tiện nói qua rồi thôi, mà điều này liên quan trực tiếp đến việc con người có thể đạt được sự cứu rỗi và sống sót hay không, và cũng có liên quan trực tiếp đến kết cục cũng như đích đến của mỗi người. Do đó, có thể khẳng định rằng chỉ khi loại bỏ tâm tính giả dối và trở thành người trung thực thì người ta mới có thể sống thể hiện ra nhân tính bình thường và đạt được sự cứu rỗi. Những người đã tin Đức Chúa Trời nhiều năm nhưng vẫn giả dối thì chắc chắn sẽ bị đào thải.

Hiện nay, tất cả dân được Đức Chúa Trời chọn đều đang luyện tập thực hiện bổn phận của họ, và Đức Chúa Trời sử dụng việc con người thực hiện bổn phận để hoàn thiện một nhóm người và đào thải một nhóm khác. Vì vậy, chính việc thực hiện bổn phận sẽ tỏ lộ từng loại người, và từng loại người giả dối, người không tin, và kẻ ác đều sẽ bị tỏ lộ và đào thải trong khi đang thực hiện bổn phận. Ai trung thành thực hiện bổn phận thì là những người trung thực; ai thường xuyên qua loa chiếu lệ thì là những kẻ giả dối, xảo quyệt, và họ là những kẻ chẳng tin; còn những kẻ gây gián đoạn và nhiễu loạn trong khi thực hiện bổn phận là những kẻ ác và kẻ địch lại Đấng Christ. Hiện nay vẫn còn đủ loại vấn đề còn tồn tại trong việc thực hiện bổn phận của rất nhiều người. Một số người luôn rất bị động trong bổn phận, luôn ngồi chờ và ỷ lại vào người khác. Đó là loại thái độ gì? Đó là vô trách nhiệm. Nhà Đức Chúa Trời đã sắp xếp ngươi thực hiện một bổn phận nào đó, nhưng ngươi đã nghiền ngẫm nhiều ngày rồi mà vẫn không hoàn thành được công tác cụ thể nào cả. Không thấy bóng dáng ngươi ở nơi làm việc, và mọi người không thể tìm được ngươi khi họ có vấn đề cần phải giải quyết. Ngươi không gánh vác được công tác này. Nếu lãnh đạo hỏi về công tác, ngươi sẽ trả lời thế nào? Ngươi hiện đang không làm bất cứ công tác nào cả. Ngươi nhận thức rõ công tác này là trách nhiệm của mình, nhưng ngươi không làm. Ngươi đang nghĩ cái gì vậy chứ? Ngươi không làm là vì không làm được hay là vì ngươi tham hưởng sự an nhàn? Thái độ của ngươi đối với bổn phận là gì? Ngươi chỉ nói về những câu chữ và đạo lý, ngươi chỉ nói những lời dễ nghe nhưng lại không làm bất kỳ công tác thực tế nào. Nếu ngươi không muốn thực hiện bổn phận của mình thì hãy từ chức, đừng chỉ đứng tại địa vị của mình mà không làm chuyện gì thực tế cả. Chẳng phải làm như vậy là gây tổn hại cho dân được Đức Chúa Trời chọn và làm ảnh hưởng đến công tác của hội thánh sao? Nghe cách nói chuyện thì có vẻ ngươi hiểu hết mọi đạo lý, nhưng khi được yêu cầu thực hiện bổn phận thì ngươi lại qua loa chiếu lệ và không để tâm chút nào. Đó có phải là chân thành dâng mình cho Đức Chúa Trời không? Ngươi không có tấm lòng chân thật với Đức Chúa Trời, lại còn giả vờ có tấm lòng chân thật, ngươi có lừa Ngài được không? Nghe cách nói chuyện bình thường thì dường như ngươi có đức tin rất lớn, còn muốn trở thành trụ cột và phiến đá góc của hội thánh, kết quả là khi thực hiện bổn phận, ngươi còn không hữu dụng bằng một que diêm. Chẳng phải đây là lừa dối Đức Chúa Trời không chớp mắt sao? Ngươi có biết hậu quả của việc lừa dối Đức Chúa Trời là gì không? Ngài sẽ ghét bỏ và đào thải ngươi! Tất cả mọi người đều bị tỏ lộ qua việc thực hiện bổn phận – chỉ cần giao cho người ta một bổn phận thì chẳng mấy chốc sẽ tỏ lộ họ là người trung thực hay kẻ giả dối, và liệu họ có yêu lẽ thật hay không. Những người yêu lẽ thật thì sẽ có thể thực hiện bổn phận một cách chân thành và bảo vệ công tác của nhà Đức Chúa Trời; những người không yêu lẽ thật thì không hề bảo vệ công tác của nhà Đức Chúa Trời và vô trách nhiệm khi thực hiện bổn phận. Ai sáng suốt thì sẽ lập tức thấy rõ điều này. Phàm ai thực hiện bổn phận tệ hại thì đều không phải là người yêu lẽ thật hay là người trung thực; đều sẽ bị tỏ lộ và đào thải. Để làm tốt bổn phận của mình, người ta phải có ý thức trách nhiệm và ý thức gánh vác. Như vậy, chắc chắn họ sẽ làm tốt công tác. Chỉ sợ người ta không có ý thức gánh vác, không có ý thức trách nhiệm, phải được nhắc nhở thì mới làm, lúc nào cũng qua loa chiếu lệ và khi có vấn đề phát sinh thì chối bỏ trách nhiệm, dẫn đến chậm trễ trong việc giải quyết vấn đề, như thế thì họ có thể làm tốt công tác không? Như thế thì họ có thể đạt được kết quả gì khi thực hiện bổn phận không? Họ không muốn làm bất kỳ nhiệm vụ nào được sắp xếp cho họ, và khi thấy những người khác cần giúp đỡ trong công tác thì họ làm ngơ. Họ chỉ làm chút việc khi được ra lệnh, khi bị đốc thúc và không còn lựa chọn nào khác. Đây không phải là thực hiện bổn phận, đây là làm công ăn lương! Người làm công thì làm cho chủ, làm một ngày được trả công một ngày, làm một giờ được trả công một giờ; họ chỉ chờ được trả công. Làm việc gì cũng sợ ông chủ không nhìn thấy, làm việc gì cũng sợ không được thưởng, họ chỉ làm việc để ra vẻ – có nghĩa là họ không có lòng trung thành. Nhiều lúc, khi được hỏi về một số vấn đề liên quan đến công tác, các ngươi không thể trả lời được. Một số người trong các ngươi đã tham gia vào công tác, nhưng các ngươi chưa bao giờ hỏi công tác đang diễn ra thế nào hay nghĩ về nó bằng cái tâm. Thật ra, với tố chất và kiến thức của mình, các ngươi ít ra phải biết gì đó, bởi vì tất cả các ngươi đều đã tham gia vào công tác này. Vậy tại sao hầu hết mọi người đều không trả lời được? Có thể các ngươi thực sự không biết phải nói gì – không biết liệu mọi việc có diễn ra tốt đẹp hay không. Có hai lý do cho điều này: một là các ngươi căn bản không để tâm và chưa bao giờ quan tâm đến những điều này, và chỉ coi chúng như một nhiệm vụ phải hoàn thành. Lý do còn lại là các ngươi vô trách nhiệm và không sẵn lòng quan tâm đến những điều này. Nếu ngươi thực sự quan tâm, và thực sự để tâm vào đó, ngươi sẽ có quan điểm và cách nhìn về mỗi một chuyện đang diễn ra. Việc không có quan điểm hay cách nhìn thường xuất phát từ sự thờ ơ, lãnh đạm và không chịu trách nhiệm. Đối với bổn phận của mình, ngươi không để tâm, không có trách nhiệm, không sẵn lòng trả giá, không sẵn lòng hỏi han, cũng không muốn nhọc lòng, không muốn dốc thêm tâm trí và sức lực; ngươi chỉ muốn làm một người tùy tùng, mà như thế thì không khác gì một người ngoại đạo làm việc cho chủ. Kiểu thực hiện bổn phận này không được Đức Chúa Trời ưa thích và không làm Ngài vui lòng. Nó không thể nhận được sự khen ngợi của Ngài.

Đức Chúa Jêsus đã từng phán: “Vì sẽ cho thêm kẻ nào đã có, thì họ sẽ được dư dật; nhưng kẻ nào không có, thì lại cất luôn điều họ đã có nữa” (Ma-thi-ơ 13:12). Ý nghĩa của lời này là gì? Đó chính là, đến cả bổn phận và công việc mình được giao mà ngươi đều không làm, không cống hiến, thì Đức Chúa Trời sẽ cất luôn những gì đã từng là của ngươi. “Cất luôn” nghĩa là gì? Điều này khiến người ta cảm thấy thế nào? Có thể là ngươi không đạt được điều mà với tố chất và các ân tứ của mình, ngươi đáng lẽ đã có thể đạt được, và ngươi không cảm thấy gì, và chỉ như một người ngoại đạo. Bị Đức Chúa Trời cất luôn mọi thứ chính là như vậy. Trong bổn phận của mình, nếu ngươi không để tâm, không trả giá và không thật lòng, Đức Chúa Trời sẽ lấy đi những gì đã từng là của ngươi, Ngài sẽ lấy lại quyền thực hiện bổn phận của ngươi và sẽ không cho ngươi quyền này nữa. Bởi vì Đức Chúa Trời đã ban cho ngươi các ân tứ và tố chất, vậy mà ngươi lại không thực hiện bổn phận của mình cho tốt, không dâng mình cho Đức Chúa Trời, không trả giá và cũng không để tâm vào đó, nên Đức Chúa Trời không những sẽ không ban phước cho ngươi mà Ngài còn lấy đi những gì ngươi đã từng có. Đức Chúa Trời ban cho con người ân tứ, sở trường cũng như trí thông minh và sự khôn ngoan. Con người nên sử dụng những thứ này như thế nào? Ngươi phải cống hiến những sở trường, ân tứ, trí thông minh và sự khôn ngoan cho bổn phận của mình. Ngươi phải dùng tấm lòng của mình và áp dụng mọi thứ ngươi biết, mọi thứ ngươi hiểu và mọi thứ ngươi có thể đạt được cho bổn phận của mình. Bằng cách làm như vậy, ngươi sẽ được ban phước. Được Đức Chúa Trời ban phước có nghĩa là gì? Điều này làm cho con người cảm thấy thế nào? Họ sẽ thấy mình đã được Đức Chúa Trời khai sáng và dẫn dắt, và rằng họ có một con đường khi thực hiện bổn phận của mình. Khi người khác nhìn vào, tố chất và những thứ ít ỏi mà ngươi đã học được không đủ để ngươi làm được việc – nhưng nếu Đức Chúa Trời công tác và khai sáng cho ngươi, thì ngươi không chỉ có thể hiểu và làm những việc đó, mà còn có thể thực hiện chúng tốt. Cuối cùng, bản thân ngươi sẽ bối rối: “Mình đã từng chẳng có kỹ năng cho lắm nhưng giờ thì bên trong mình có rất nhiều điều hay, đều là những thứ tích cực. Mình chưa bao giờ học những điều này, thế mà bây giờ đột nhiên hiểu ra. Sao mình trở nên thông minh đột xuất thế nhỉ? Sao bây giờ mình có thể làm được nhiều thứ thế nhỉ?”. Tự thân con người sẽ không thể giải thích. Đây là sự khai sáng và ban phước của Đức Chúa Trời; đây là cách Đức Chúa Trời ban phước cho con người. Trong thời gian thực hiện bổn phận hoặc làm công tác được phân cho, nếu các ngươi không cảm thấy được những điều này thì đó chính là chưa được Đức Chúa Trời ban phước. Nếu ngươi luôn cảm thấy việc thực hiện bổn phận thật vô nghĩa, không có gì để làm, không thể cống hiến sức lực của mình, nếu ngươi chưa bao giờ nhận được sự khai sáng, và cảm thấy mình không có bất kỳ sự thông minh hay khôn ngoan nào để phát huy, như thế thì phiền phức rồi. Điều này cho thấy ngươi không có động cơ đúng đắn hay con đường đúng đắn để thực hiện bổn phận của mình, Đức Chúa Trời không khen ngợi, và trạng thái của ngươi bất thường. Khi đó, ngươi phải phản tỉnh: “Tại sao mình không có con đường trong bổn phận? Rõ ràng là mình đã học qua, và thứ này nằm trong phạm vi chuyên môn của mình – mình thậm chí còn giỏi nữa. Tại sao lúc muốn dùng nó thì lại không dùng được, không phát huy được? Chuyện gì đang xảy ra vậy?”. Đây là chuyện ngẫu nhiên sao? Có một vấn đề ở đây. Khi Đức Chúa Trời ban phước cho một ai đó, họ trở nên thông minh và khôn ngoan, có tầm nhìn rõ ràng trong mọi vấn đề, cũng như nhạy bén, lanh lợi và đặc biệt khéo léo; họ sẽ có sự thông thạo và được truyền cảm hứng với mọi thứ họ làm, và họ sẽ nghĩ rằng mọi thứ họ làm thật dễ dàng và không khó khăn nào có thể cản trở họ. Đó chính là được Đức Chúa Trời ban phước. Nếu ai đó làm việc gì cũng khó khăn, vụng về, lệch lạc, chẳng biết mình đang làm gì, người khác nói sao họ cũng không hiểu, thì điều này có nghĩa là gì? Đó có nghĩa là họ không có sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời và họ không có phước lành của Đức Chúa Trời. Một số người nói: “Tôi đã làm cật lực, vậy tại sao tôi không thấy phước lành của Đức Chúa Trời?”. Nếu ngươi chỉ làm cật lực và gắng sức nhưng không tìm cách hành động phù hợp với các nguyên tắc lẽ thật, thì ngươi đang thực hiện bổn phận một cách cẩu thả. Làm sao ngươi có thể nhìn thấy các phước lành của Đức Chúa Trời chứ? Nếu ngươi luôn bất cẩn trong việc thực hiện bổn phận của mình và không bao giờ nghiêm túc, ngươi sẽ không được Đức Thánh Linh khai sáng hoặc soi sáng, và ngươi sẽ không có sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời hay công tác của Ngài, và những hành động của ngươi sẽ không có kết quả. Rất khó để làm tròn bổn phận hay xử lý tốt một vấn đề mà chỉ dựa vào sức lực và chút tri thức mà con người học được. Con người đều nghĩ rằng họ có chút ít tri thức, rằng họ có chút kỹ năng, nhưng họ lại làm việc kém cỏi, luôn xảy ra sai sót, khiến người ta chỉ trích và chê cười. Đây chính là vấn đề. Rõ ràng mình không là gì cả nhưng lại cảm thấy mình có kỹ năng, và không chịu thua bất cứ ai. Điều này liên quan đến vấn đề trong bản tính của con người. Những người không biết mình thì đều như vậy. Liệu những người đó có thể làm tròn bổn phận của họ không? Họ không những không thể làm tốt bổn phận mà còn có khả năng thất bại thảm hại. Có người dù là bổn phận nào cũng không làm tốt được, mà lại luôn muốn đảm nhận chức vụ cao và sai khiến người khác, kết quả là không làm nên trò trống gì, đến cả rao truyền phúc âm cũng không được, làm chứng với người khác cũng không xong, và họ không có lấy một lời nào để thông công về lẽ thật. Người như vậy là những kẻ trần truồng, bần cùng và đáng thương! Tất cả những ai không mưu cầu lẽ thật đều thực hiện bổn phận của họ với trạng thái tâm lý thiếu trách nhiệm. “Nếu có người dẫn dắt thì tôi theo; họ dẫn đi đâu thì tôi đi đó, bảo tôi làm gì thì tôi làm đó. Còn đối với việc gánh vác trách nhiệm và nhọc lòng, hay tốn thêm chút tâm tư, làm việc gì hết tâm sức thì tôi không làm được”. Những người này không sẵn lòng trả giá. Họ chỉ sẵn lòng ra sức làm việc chứ không chịu trách nhiệm. Đây không phải là thái độ của một người thật sự thực hiện bổn phận. Người ta phải học cách để tâm vào việc thực hiện bổn phận của mình, và một người có lương tâm thì sẽ có thể để tâm vào đó. Nếu một người không bao giờ để tâm vào việc thực hiện bổn phận, điều đó có nghĩa là họ không có lương tâm, và những ai không có lương tâm thì không thể nào đạt được lẽ thật. Tại sao Ta lại nói họ không thể đạt được lẽ thật? Họ không biết cách để cầu nguyện với Đức Chúa Trời hay tìm kiếm sự khai sáng của Đức Thánh Linh, cũng không biết cách quan tâm đến tâm ý của Đức Chúa Trời, không biết cách để tâm vào việc suy ngẫm lời Đức Chúa Trời, cũng không biết cách tìm kiếm lẽ thật, tìm kiếm để hiểu được những yêu cầu của Đức Chúa Trời và ý của Ngài. Không biết tìm kiếm lẽ thật chính là như vậy. Các ngươi có trải nghiệm những tình trạng mà, cho dù chuyện gì xảy ra hay đang thực hiện loại bổn phận gì, ngươi cũng có thể thường xuyên tĩnh lặng trước Đức Chúa Trời, để tâm vào việc suy ngẫm lời Ngài và vào việc tìm kiếm lẽ thật, để tâm cân nhắc cách thực hiện bổn phận để phù hợp với tâm ý của Đức Chúa Trời, và lẽ thật nào ngươi nên có để thực hiện bổn phận của mình đạt tiêu chuẩn? Ngươi có nhiều lần tìm kiếm lẽ thật theo cách này không? (Thưa, không.) Việc để tâm vào bổn phận của mình và có thể chịu trách nhiệm đòi hỏi các ngươi phải chịu khổ và trả giá – chỉ nói ngoài miệng thôi thì chưa đủ. Nếu các ngươi không để tâm vào bổn phận của mình, mà thay vào đó luôn muốn ra sức, thì bổn phận của các ngươi chắc chắn sẽ làm không được tốt. Các ngươi sẽ chỉ làm cho có lệ là xong, và các ngươi sẽ không biết rốt cuộc mình đã thực hiện nó như thế nào. Nếu ngươi để tâm thì sẽ dần đi đến hiểu lẽ thật; nếu ngươi không để tâm thì sẽ không hiểu lẽ thật. Khi ngươi để tâm mình vào việc thực hiện bổn phận và mưu cầu lẽ thật, thì ngươi sẽ dần dần hiểu được tâm ý của Đức Chúa Trời, phát hiện ra sự bại hoại cũng như những thiếu sót của chính mình và làm chủ tất cả các trạng thái khác nhau của mình. Khi ngươi chỉ tập trung vào việc ra sức, và không để tâm vào việc tự phản tỉnh thì ngươi sẽ không thể phát hiện được những trạng thái thực sự trong lòng mình và vô số những phản ứng, những bộc lộ của sự bại hoại mà ngươi có trong những hoàn cảnh khác nhau. Nếu ngươi không biết hậu quả sẽ là thế nào khi vấn đề không được giải quyết, thì ngươi gặp phiền phức lớn rồi. Đây là lý do tại sao tin Đức Chúa Trời một cách lơ mơ không rõ thì không được. Ngươi phải sống trước Đức Chúa Trời mọi lúc mọi nơi; bất cứ điều gì xảy đến với ngươi, ngươi cũng phải luôn tìm kiếm lẽ thật, đồng thời ngươi cũng phải phản tỉnh bản thân và biết trong trạng thái của mình tồn tại những vấn đề gì, ngay lập tức tìm kiếm lẽ thật để giải quyết chúng. Chỉ như vậy, ngươi mới có thể làm tốt bổn phận và không gây chậm trễ công tác. Ngươi không những có thể làm tốt bổn phận, mà quan trọng nhất là, ngươi cũng sẽ có lối vào sự sống và có thể giải quyết tâm tính bại hoại của mình. Chỉ như vậy, ngươi mới có thể bước vào thực tế lẽ thật. Nếu những gì ngươi thường suy ngẫm trong lòng không phải là những chuyện liên quan đến bổn phận của ngươi, hay những chuyện liên quan đến lẽ thật, mà thay vào đó, ngươi bị vướng mắc vào những thứ bên ngoài, tâm tư hướng về những chuyện xác thịt, thì liệu ngươi sẽ có thể hiểu lẽ thật không? Liệu ngươi có thể làm tốt bổn phận và sống trước mặt Đức Chúa Trời không? Chắc chắn là không. Một người như vậy thì không cách nào đạt đến được cứu rỗi.

Tin Đức Chúa Trời là bước đi trên con đường nhân sinh đúng đắn, và người ta phải mưu cầu lẽ thật. Đây là vấn đề của tâm linh và sự sống, khác với việc mưu cầu sự vinh hoa phú quý và để lại tiếng thơm của những người ngoại đạo. Đây là hai con đường riêng biệt. Trong công việc của mình, những người ngoại đạo nghĩ về cách họ có thể làm ít việc hơn và kiếm được nhiều tiền hơn, làm sao để có thể ngồi mát ăn bát vàng mà vẫn có thể kiếm được tiền. Họ suốt ngày suy nghĩ về cách làm giàu và xây dựng cơ đồ cho gia đình, thậm chí họ còn không từ thủ đoạn để đạt được những mục đích của mình. Đây là con đường tà ác, con đường của Sa-tan, và nó là con đường mà những người ngoại đạo bước đi. Con đường mà những người tin Đức Chúa Trời bước đi là con đường mưu cầu lẽ thật và đạt được sự sống; đó là con đường đi theo Đức Chúa Trời và đạt được lẽ thật. Ngươi nên thực hành như thế nào để có được lẽ thật? Ngươi phải siêng năng đọc, thực hành và trải nghiệm lời Đức Chúa Trời – chỉ khi đã làm như vậy, ngươi mới hiểu được lẽ thật. Và khi hiểu được lẽ thật, ngươi phải suy ngẫm cách làm tốt bổn phận sao cho có thể làm việc phù hợp với nguyên tắc, và suy ngẫm xem làm thế nào để có thể trở nên thuận phục Đức Chúa Trời. Điều này đòi hỏi phải thực hành lẽ thật. Thực hành lẽ thật không phải là chuyện đơn giản: ngươi không những phải tìm kiếm lẽ thật mà còn phải phản tỉnh và nhận ra liệu mình có những ý tưởng, quan niệm sai lầm hay không, và nếu có vấn đề thì ngươi phải thông công về lẽ thật để giải quyết. Khi hiểu các nguyên tắc thực hành lẽ thật rồi, ngươi sẽ có thể thực hành lẽ thật. Và chỉ khi thực hành được lẽ thật, ngươi mới có thể bước vào thực tế lẽ thật và trở thành người thuận phục Đức Chúa Trời. Bằng cách thực hành và trải nghiệm như vậy, ngươi sẽ thay đổi tâm tính và đạt được lẽ thật tự lúc nào không hay. Những người ngoại đạo luôn phấn đấu vì danh lợi và địa vị. Kết quả là, họ bước đi con đường tà ác, trở nên ngày càng sa đọa, ngày càng khôn ranh, giả dối, ngày càng lắm chiêu trò thủ đoạn và âm mưu; lòng dạ ngày càng tà ác, ngày càng thâm sâu khó lường, không thể nhìn thấu – đây là con đường của những người ngoại đạo. Con đường của những người tin Đức Chúa Trời thì hoàn toàn ngược lại. Những người tin Đức Chúa Trời muốn tách mình ra khỏi thế giới tà ác và nhân loại tà ác; họ muốn mưu cầu lẽ thật và làm tinh sạch sự bại hoại của mình. Chỉ khi họ sống thể hiện ra hình tượng giống con người thì lòng họ mới vững vàng và bình an; họ muốn đạt đến nhận biết Đức Chúa Trời, kính sợ Đức Chúa Trời, lánh khỏi điều ác, được Đức Chúa Trời khen ngợi và ban phước. Người tin Đức Chúa Trời thì mưu cầu những điều như vậy. Nếu ngươi đã tin Đức Chúa Trời nhiều năm, thực sự hiểu lẽ thật và đã thay đổi, thì khi những người khác càng giao tiếp với ngươi, họ càng cảm thấy ngươi trung thực – trung thực trong lời nói và trung thực trong việc thực hiện bổn phận – là người hoàn toàn mở lòng, không che giấu gì, là người nói và làm theo cách minh bạch. Qua những điều ngươi nói, những quan điểm ngươi bày tỏ, những việc ngươi làm, bổn phận ngươi thực hiện, và qua thái độ trung thực của ngươi khi trò chuyện với người khác, người ta có thể nhìn thấu lòng ngươi, thấy ngươi hành xử thế nào, sở thích của ngươi là gì, và ngươi mưu cầu những mục tiêu gì. Họ có thể thấy rõ rằng ngươi là một người tốt và trung thực, và rằng ngươi đang bước đi trên con đường nhân sinh đúng đắn. Điều này chứng tỏ ngươi đã thay đổi. Nếu ngươi đã tin Đức Chúa Trời và thực hiện bổn phận trong một thời gian dài, nhưng những người tiếp xúc với ngươi lại luôn cảm thấy rằng ngươi nói năng không minh bạch, quan điểm của ngươi không rõ ràng, và họ không thể thấy rõ lòng dạ ngươi trong hành động của ngươi, nếu họ liên tục cảm thấy ngươi có những điều giấu kín sâu trong lòng thì chứng tỏ ngươi là một người kín kẽ biết cách che đậy, ngụy trang và tạo lớp vỏ bọc cho mình. Nếu như thậm chí sau khi đã tiếp xúc với ngươi vài năm, những người khác vẫn không thể hoàn toàn hiểu được lòng dạ ngươi, và họ chỉ toàn thấy tính khí, tính cách của ngươi chứ không thấy tâm tính hay thực chất của ngươi, thì chứng tỏ ngươi vẫn sống theo tâm tính Sa-tan. Lòng dạ ngươi càng thâm sâu thì càng chứng tỏ rằng ngươi không phải là người tốt, rằng ngươi không có nhân tính, rằng ngươi thuộc về ma quỷ và Sa-tan. Nếu ngươi không có được chút lẽ thật nào, và tâm tính bại hoại của ngươi không được làm tinh sạch cho dù đã tin Đức Chúa Trời bao nhiêu năm đi nữa, thì sẽ rất khó để một người như ngươi được cứu rỗi. Cho dù ngươi có biết nói vòng vo, khéo ăn nói, lanh lợi, phản ứng nhanh nhẹn, xử lý mọi thứ thật lão luyện, nhưng những người tiếp xúc với ngươi vẫn luôn thấy không thoải mái và có cảm giác ngươi không đáng tin cậy, không đáng tin tưởng và không thể nhìn thấu, thì ngươi gặp phiền phức rồi. Điều này cho thấy ngươi không hề thay đổi trong khi tin Đức Chúa Trời, và ngươi không phải là người chân thành tin Ngài. Tin Đức Chúa Trời cho đến nay, các ngươi đã có sự thay đổi thực sự nào chưa? Ngươi có giao tiếp với người khác bằng thái độ trung thực không? Những người khác có cảm thấy ngươi chân thành không? (Thưa, khi liên quan đến lợi ích trực tiếp của mình thì con có thể nói dối và lừa dối, nhưng khi chúng không liên quan đến lợi ích của mình thì con có thể nói sự thật và mở lòng một chút.) (Thưa, con lựa lời để nói – có một số chuyện thì con cởi mở nói ra, còn những chuyện ẩn giấu sâu trong lòng con thì vẫn được giữ kín. Khi giao tiếp với người khác, con vẫn có tình trạng tạo vỏ bọc và ngụy trang bản thân.) Đây là tình trạng sống trong tâm tính bại hoại của mình. Nếu con người không mưu cầu lẽ thật và giải quyết tâm tính bại hoại thì làm sao họ có thể thay đổi được? Các ngươi đều là những người thực hiện bổn phận, chí ít, ngươi phải có lòng trung thực và để cho Đức Chúa Trời thấy ngươi chân thành – chỉ khi đó, ngươi mới có thể có được sự khai sáng, soi sáng và dẫn dắt của Đức Chúa Trời. Điều tối quan trọng là ngươi phải tiếp nhận sự dò xét của Đức Chúa Trời. Bất kể giữa ngươi và người khác có những rào cản nào, ngươi coi trọng hư vinh và thể diện của bản thân đến đâu, có những ý định nào mà mình không thể mở lòng một cách đơn thuần, thì tất cả những điều này đều phải dần dần thay đổi. Mỗi người phải từng bước giải thoát chính mình khỏi những tâm tính bại hoại và những khó khăn này, vượt qua những trở ngại mà tâm tính bại hoại của mình gây ra. Trước khi ngươi vượt qua những trở ngại này, rốt cuộc lòng ngươi có trung thực với Đức Chúa Trời không? Ngươi có giấu giếm và che đậy điều gì trước mặt Ngài, có giả vờ và lừa dối Ngài không? Ngươi nên biết rõ điều này trong lòng. Nếu trong lòng có những điều này thì ngươi nên tiếp nhận sự dò xét của Đức Chúa Trời. Đừng có cầu may và nói rằng: “Mình không muốn dâng cả đời cho Đức Chúa Trời. Mình muốn lập gia đình và sống cuộc sống của riêng mình. Hy vọng rằng Đức Chúa Trời sẽ không dò xét và định tội mình”. Nếu ngươi giấu giếm tất cả những điều này với Đức Chúa Trời – tức là những ý định, mục đích, tính toán và kế hoạch cuộc đời sâu thẳm trong lòng, những quan điểm của mình về nhiều thứ và quan điểm của mình về đức tin nơi Đức Chúa Trời, thì ngươi sẽ gặp phiền phức. Nếu ngươi giấu giếm những thứ vô giá trị này và không tìm kiếm lẽ thật để giải quyết chúng thì chứng tỏ rằng ngươi không yêu lẽ thật, rằng ngươi khó tiếp nhận và đạt được lẽ thật. Ngươi có thể giấu giếm điều gì đó với người khác nhưng ngươi không thể giấu giếm với Đức Chúa Trời. Nếu ngươi không tín nhiệm Đức Chúa Trời thì tại sao ngươi lại tin Ngài? Nếu ngươi có một số bí mật, lo rằng mọi người sẽ coi thường nếu ngươi trải lòng về chúng, và ngươi thiếu dũng khí để nói ra, thì ngươi chỉ cần trải lòng với Đức Chúa Trời. Ngươi nên cầu nguyện với Đức Chúa Trời, thú nhận những ý định đê hèn mà ngươi nuôi giữ trong khi tin Ngài, những điều ngươi đã làm vì tiền đồ và vận mệnh của mình, cách ngươi đã phấn đấu vì danh lợi. Hãy mang tất cả những điều này ra trước mặt Đức Chúa Trời và tiết lộ chúng với Ngài; đừng giấu giếm những điều này với Ngài. Dù ngươi có khép lòng với bao nhiêu người thì cũng đừng khép lòng với Đức Chúa Trời – ngươi phải mở lòng với Ngài. Đó là mức độ chân thành tối thiểu mà những người tin Ngài nên có. Nếu ngươi có lòng cởi mở với Đức Chúa Trời, không khép kín với Ngài, và có thể tiếp nhận sự dò xét của Ngài, thì Ngài sẽ thấy ngươi thế nào? Dù ngươi có thể không mở lòng với người khác nhưng nếu ngươi có thể mở lòng với Đức Chúa Trời, Ngài sẽ thấy ngươi là một người trung thực, và ngươi có một trái tim trung thực. Nếu tấm lòng trung thực của ngươi có thể tiếp nhận sự dò xét của Ngài thì điều này thật quý giá trong mắt Ngài, và chắc chắn Ngài sẽ làm công tác nơi ngươi. Ví dụ như nếu ngươi đã làm điều gì đó lừa dối Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ sửa dạy ngươi. Khi ấy, ngươi phải tiếp nhận sự sửa dạy của Ngài, nhanh chóng ăn năn và nhận tội trước Ngài, thừa nhận những lỗi lầm của mình; ngươi phải thừa nhận sự phản nghịch và bại hoại của mình, tiếp nhận hình phạt và sự phán xét của Đức Chúa Trời, biết những tâm tính bại hoại của mình, thực hành theo lời Ngài và thật sự ăn năn. Đây là chứng cứ cho thấy ngươi chân thành tin Đức Chúa Trời và có đức tin chân thực nơi Ngài.

Để thực hành làm người trung thực, trước hết ngươi cần học cách mở lòng với Đức Chúa Trời, và mỗi ngày khi cầu nguyện, hãy nói những lời thành tâm với Ngài. Ví dụ hôm nay ngươi đã nói dối mà những người khác không phát hiện ra và ngươi thiếu dũng khí để thú thật với mọi người, nhưng chí ít, ngươi phải đưa những lỗi lầm mình đã tự dò xét và phát hiện cùng những lời nói dối đến trước Đức Chúa Trời để phản tỉnh, và nói rằng: “Lạy Đức Chúa Trời, con lại nói dối để bảo vệ lợi ích cá nhân. Nếu con nói dối lần nữa thì xin Ngài hãy sửa dạy con”. Đức Chúa Trời rất hài lòng với thái độ như vậy và Ngài sẽ ghi nhớ. Có thể ngươi sẽ phải rất tốn sức và vất vả để giải quyết loại tâm tính bại hoại như là tâm tính nói dối, nhưng không sao cả, Đức Chúa Trời ở bên ngươi. Ngài sẽ hướng dẫn ngươi và giúp ngươi vượt qua mỗi một cửa ải khó khăn này, ban cho ngươi dũng khí, để ngươi từ một người không bao giờ thừa nhận mình nói dối trở thành người thừa nhận được chuyện đó và có thể công khai phơi bày bản thân. Ngươi sẽ không chỉ thừa nhận mình đã nói dối mà còn có thể mở lòng tiết lộ lý do nói dối, ý định và mục đích đằng sau đó. Khi ngươi có dũng khí vượt qua cửa ải này, thoát khỏi sự giam cầm, kiểm soát của Sa-tan và dần dần đạt đến mức không còn nói dối nữa, ngươi sẽ dần dần sống trong sự sáng, sống dưới sự hướng dẫn và phước lành của Đức Chúa Trời. Khi ngươi vượt qua được rào cản là sự kìm kẹp của xác thịt, có thể thuận phục lẽ thật, mở lòng phơi bày bản thân, công khai thái độ của mình và không e dè điều gì, thì khi đó ngươi sẽ được giải phóng và tự do. Khi ngươi sống theo cách này thì không những người khác sẽ yêu thích mà Đức Chúa Trời cũng sẽ yêu thích. Mặc dù đôi khi ngươi có thể vẫn mắc lỗi và nói dối, đôi khi ngươi vẫn có ý định cá nhân, lòng tư lợi, hoặc có hành vi và suy nghĩ ích kỷ và đê tiện, nhưng ngươi vẫn có thể tiếp nhận sự dò xét của Đức Chúa Trời, tiết lộ ý định, trạng thái thực tế cũng như tâm tính bại hoại của mình trước Ngài và tìm kiếm lẽ thật từ Ngài. Khi đã hiểu được lẽ thật thì ngươi sẽ có con đường thực hành. Khi con đường thực hành của ngươi đúng đắn và ngươi đi đúng hướng, tương lai của ngươi sẽ tươi đẹp, xán lạn. Như thế, ngươi sẽ sống bình an trong lòng, tâm linh ngươi sẽ được nuôi dưỡng, ngươi sẽ cảm thấy viên mãn và hài lòng. Nếu ngươi không thể vượt qua cửa ải kìm kẹp của xác thịt, luôn chịu sự kìm kẹp của tình cảm, lợi ích cá nhân cũng như triết lý của Sa-tan, luôn nói và hành động một cách lén lút và luôn giấu mình trong bóng tối, thì ngươi đang sống dưới quyền thế của Sa-tan. Còn nếu ngươi hiểu lẽ thật, có thể vượt qua cửa ải kìm kẹp của xác thịt và thực hành được lẽ thật, thì ngươi sẽ dần dần có được hình tượng giống con người. Lời nói và hành động của ngươi sẽ quang minh chính đại và ngươi sẽ có thể mở lòng phơi bày quan điểm, suy nghĩ cũng như những sai lầm mà ngươi đã mắc phải, để cho mọi người thấy rõ những thứ này. Cuối cùng, mọi người sẽ nhận ra ngươi là người minh bạch. Người minh bạch là sao? Là người nói năng đặc biệt trung thực và mọi người đều tin những lời họ nói là thật. Ngay cả khi họ vô tình nói dối hoặc nói gì đó sai, mọi người vẫn có thể bỏ qua cho họ vì biết rằng họ không cố ý. Nếu họ nhận ra mình đã nói dối hoặc nói gì đó sai, họ sẽ xin lỗi và sửa đổi. Một người minh bạch là như vậy. Người như thế này được mọi người yêu mến và tin tưởng. Ngươi cần đạt đến mức này thì mới có được sự tin tưởng của Đức Chúa Trời và của những người khác. Điều này không đơn giản – đây là mức độ tôn nghiêm cao nhất mà một người có thể có. Đây mới là người có lòng tự tôn. Nếu cả người khác cũng không thể tin tưởng ngươi, vậy thì Đức Chúa Trời còn có thể tin tưởng ngươi sao? Có những người tham sống sợ chết, cả ngày chỉ biết nói dối và làm việc một cách qua loa chiếu lệ, không hề chịu trách nhiệm, không tiếp nhận sự tỉa sửa, luôn ngụy biện cho bản thân, và ai tiếp xúc với họ đều không thích họ. Họ sống mà không biết xấu hổ là gì. Như thế mà có thể nhận mình là con người sao? Phàm là những người bị người khác chán ghét và thấy không đáng tin cậy thì đều là những người hoàn toàn đánh mất nhân tính. Nếu người khác không thể tin tưởng họ thì Đức Chúa Trời có thể tin tưởng họ được không? Nếu người khác có cảm giác không thích họ thì Đức Chúa Trời có thể thích họ được không? Đức Chúa Trời không thích và chán ghét những người như vậy, và họ chắc chắn sẽ bị đào thải. Làm người thì phải trung thực và nói đến chữ tín. Dù là làm việc cho người khác hay cho Đức Chúa Trời thì người ta cũng phải giữ chữ tín. Nếu có thể có được sự tín nhiệm của người khác, cũng có thể khiến Đức Chúa Trời yên tâm và hài lòng, thì đó chính là một người tương đối trung thực. Nếu ngươi hành động đáng tin cậy thì không những người khác sẽ thích ngươi mà Đức Chúa Trời chắc chắn cũng sẽ thích ngươi. Khi là người trung thực, ngươi có thể làm Đức Chúa Trời vui lòng và sống có tôn nghiêm. Vì vậy, làm người thì phải bắt đầu từ làm người trung thực.

Làm người trung thực thì việc thực hành nào là quan trọng nhất? Đó là mở lòng với Đức Chúa Trời. Mở lòng có nghĩa là gì? Nghĩa là chia sẻ với Ngài những suy nghĩ, ý định của ngươi và những điều chi phối ngươi, sau đó tìm kiếm lẽ thật từ Ngài. Cho dù ngươi nói như thế nào, thật ra Đức Chúa Trời đều nhìn thấy mọi sự rất rõ ràng. Nếu ngươi có thể nói lời thành tâm với Đức Chúa Trời, mở lòng với Ngài về những điều ngươi giấu với người khác, nói rõ về chúng mà không che giấu gì, trong lòng nghĩ thế nào thì cứ nói như vậy, không có ý định gì ở đằng sau, thì đó là mở lòng. Đôi lúc, khi nói lời thật lòng, ngươi có thể làm tổn thương hoặc đắc tội với người khác. Trong những trường hợp như vậy, liệu có ai nói: “Anh nói năng quá trung thực, khiến tôi quá tổn thương. Tôi không chấp nhận được sự trung thực đó của anh” không? Không, họ sẽ không nói thế. Ngay cả khi ngươi thỉnh thoảng làm tổn thương người khác, nhưng nếu ngươi mở lòng và xin lỗi, thừa nhận rằng lời nói của mình thiếu khôn ngoan và rằng ngươi đã không thông cảm với sự yếu đuối của họ, thì họ sẽ nhận ra ngươi không có ý xấu. Họ sẽ hiểu rằng ngươi là một người trung thực, chỉ là không chú ý đến cách thức diễn đạt khi nói chuyện và quá thẳng thắng. Họ sẽ không so đo với ngươi và trong lòng họ sẽ cảm thấy thích con người như ngươi. Như vậy thì chẳng phải là sẽ không còn rào cản sao? Nếu không có rào cản thì sẽ không xảy ra mâu thuẫn, có thể giải quyết vấn đề nhanh chóng, con người sống như vậy thì sẽ rất nhẹ nhàng và thoải mái. “Làm người trung thực thì mới hạnh phúc” nghĩa là như vậy. Để làm người trung thực, quan trọng nhất là hãy mở lòng với Đức Chúa Trời trước và sau đó học cách mở lòng với người khác. Hãy nói năng trung thực, chân thành và thật lòng. Hãy phấn đấu trở thành người có tôn nghiêm, có nhân cách và nhân phẩm, tránh nói những lời khách sáo hay giả tạo, và đừng nói những lời để ngụy trang hay lừa dối. Một khía cạnh khác của việc thực hành làm người trung thực là thực hiện bổn phận với thái độ trung thực và tấm lòng trung thực. Chí ít phải làm việc bằng lương tâm của mình, cố gắng đạt đến những nguyên tắc lẽ thật và yêu cầu của Đức Chúa Trời. Không phải chỉ nói ngoài miệng cho xong, cũng không phải chỉ cần có thái độ thì có nghĩa là ngươi đang thực hành lẽ thật. Làm như vậy thì thực tế của việc làm người trung thực ở đâu chứ? Chỉ hô hào khẩu hiệu mà không có thực tế thì không được. Khi Đức Chúa Trời dò xét con người, Ngài không chỉ xem kỹ lòng họ mà còn xem kỹ hành vi, biểu hiện và những sự thực hành của họ. Nếu ngươi tuyên bố mình muốn làm người trung thực nhưng hễ có bất cứ điều gì xảy đến thì ngươi vẫn có thể nói dối và lừa dối, thì đây có phải là biểu hiện của một người trung thực không? Không, không phải; đó là miệng nói một đằng, dạ nghĩ một nẻo. Ngoài miệng ngươi nói một kiểu nhưng thực tế lại làm kiểu khác, luôn dùng mồm mép để lừa bịp người khác và giả vờ sùng đạo. Ngươi giống như những người Pha-ri-si có thể đọc Kinh Thánh làu làu nhưng lại không thực hành theo Kinh Thánh khi có chuyện xảy đến với họ. Họ luôn tham hưởng phúc lợi của địa vị, không sẵn lòng buông bỏ danh lợi và địa vị của mình. Những người Pha-ri-si đạo đức giả như thế đấy. Họ không bước đi con đường đúng, con đường của họ không phải là con đường đúng đắn, và Đức Chúa Trời khinh ghét hạng người như họ. Những người như vậy có thể được người khác tin tưởng không? (Thưa, không.) Các ngươi có biết mức độ tin cậy của Đức Chúa Trời nơi các ngươi ngay lúc này là bao nhiêu không? Các ngươi đã có được sự tin tưởng của Đức Chúa Trời chưa? (Thưa, chưa.) Các ngươi đã có được sự tin tưởng của người khác chưa? (Thưa, chưa.) Nếu chưa có được sự tin tưởng của Đức Chúa Trời và của những người khác thì liệu các ngươi sống có tôn nghiêm không? (Thưa, không có.) Cách sống như vậy thật đáng thương hại! Chuyện đáng buồn nhất của một con người là sống mà không có tôn nghiêm và không thể có được sự tin tưởng của những người khác và của Đức Chúa Trời. Nếu có người hỏi ngươi rằng “Người khác nghĩ gì về anh? Họ có thể tin tưởng anh không? Nếu họ giao phó cho anh một nhiệm vụ thì họ có tin rằng anh sẽ làm tròn không?” thì ngươi sẽ cảm thấy dường như không ai có thể tin tưởng được mình. Ngay cả khi ngươi cảm thấy mình có trái tim chân thành, nhưng nếu mọi người vẫn không tin tưởng ngươi thì chứng tỏ sự chân thành của ngươi vẫn không đủ và còn uế tạp. Nếu những người khác không thể thấy được sự chân thành của ngươi thì làm sao họ có thể tin tưởng ngươi? Ngươi cảm thấy mình có lòng thành thôi là chưa được, ngươi phải thực hành và chứng minh sự chân thành của mình để người khác thấy thì mới được. Nếu không ai tin tưởng ngươi thì chắc chắn ngươi không phải là một người trung thực. Những người khác đều có thể nhìn thấu việc ngươi không phải là người trung thực, và Đức Chúa Trời dò xét tận đáy lòng con người theo cách thấu tỏ gấp trăm ngàn lần so với bất kỳ con người nào. Trong tình huống như vậy, ngươi thực sự tin rằng Đức Chúa Trời sẽ tin tưởng ngươi ư? Nếu ngươi cảm thấy bị Đức Chúa Trời đối xử bất công vì Ngài không tin tưởng ngươi thì ngươi nên tự phản tỉnh, đánh giá sự chân thành của mình được bao nhiêu, sâu sắc chừng nào. Ngươi suy ngẫm thế này: “Đức Chúa Trời dò xét tận đáy lòng người và hẳn biết mình nghĩ gì. Xét trên những biểu hiện của mình, nếu là mình tự cho điểm thì điểm số cũng không cao. Vậy thì Đức Chúa Trời không tin tưởng mình âu cũng là bình thường”. Nếu ngươi chưa có được sự tin tưởng của Đức Chúa Trời hoặc của những người khác thì ngươi nên làm thế nào? Ngươi phải bước vào lẽ thật của việc làm người trung thực, bất kể độ khó có cao đến đâu. Nếu không thể làm như vậy thì ngươi sẽ không thể đạt được sự cứu rỗi.

Yêu cầu của Đức Chúa Trời về việc làm người trung thực là vô cùng quan trọng. Ngươi nên làm gì nếu gặp nhiều thất bại trong quá trình thực hành sống trung thực và thấy quá sức khó khăn? Ngươi có nên trở nên tiêu cực, thu mình lại và từ bỏ việc thực hành lẽ thật không? Đây là chỉ dấu rõ ràng nhất về việc một người có yêu lẽ thật hay không. Sau khi thực hành sống trung thực một thời gian, một số người sẽ thấy rằng: “Làm người trung thực khó quá, mình không thể chịu được những tổn thất mà sự trung thực gây ra cho hư vinh, thể diện và danh dự của mình!”. Kết quả là họ không còn muốn làm người trung thực nữa. Thật ra khó khăn của việc làm người trung thực là ở đây, hầu hết mọi người đều vướng mắc ở điểm này và không thể trải nghiệm được nữa. Vậy, để thực hành làm người trung thực thì phải thế nào? Loại người nào có thể thực hành lẽ thật? Đầu tiên là con người phải yêu lẽ thật. Người đó phải là người yêu lẽ thật, đây là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Một số người sau vài năm trải nghiệm thực hành sống trung thực thì đã đạt được kết quả. Họ dần dần giảm nói dối, giảm lừa dối, và thực sự trở thành những người trung thực về cơ bản. Chẳng lẽ trong quá trình trải nghiệm thực hành sống trung thực, họ đã không gặp khó khăn hoặc đau khổ nào sao? Họ chắc hẳn đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ. Chính vì yêu lẽ thật mà họ đã có thể chịu đựng để thực hành lẽ thật, kiên trì nói lời thật và làm việc thật, làm người trung thực, và cuối cùng có được phước lành của Đức Chúa Trời. Để làm người trung thực, người ta phải yêu lẽ thật và có lòng thuận phục Đức Chúa Trời. Hai điều này đều rất quan trọng. Phàm ai yêu lẽ thật thì đều có lòng yêu kính Đức Chúa Trời. Và những người yêu kính Đức Chúa Trời đều thấy việc thực hành lẽ thật đặc biệt rất dễ, và họ có thể chịu đựng đủ mọi đau khổ để thỏa mãn Đức Chúa Trời. Nếu ai đó có lòng yêu kính Đức Chúa Trời thì khi gặp phải sự sỉ nhục hay thất bại và thử thách khi thực hành lẽ thật, họ sẽ có thể chịu đựng sự sỉ nhục và đau khổ để thỏa mãn Đức Chúa Trời, miễn là Đức Chúa Trời hài lòng. Do đó, họ có thể đưa lẽ thật vào thực hành. Tất nhiên, việc thực hành bất kỳ khía cạnh nào của lẽ thật cũng đều đi kèm với một mức độ khó khăn nhất định, và nhất là việc làm người trung thực thì còn khó khăn hơn. Trở ngại do tâm tính bại hoại của con người là lớn nhất. Mọi người đều có tâm tính bại hoại và sống theo những triết lý Sa-tan. Lấy ví dụ như hai câu nói “Người không vì mình, trời tru đất diệt” hay “Không dối trá, không làm nên đại sự”, đây là triết lý Sa-tan và cũng là tâm tính bại hoại. Người ta thường nói dối để làm cho xong việc, đạt được lợi ích và mục đích của mình. Khi một người có loại tâm tính bại hoại này thì không dễ để làm người trung thực. Người ta phải cầu nguyện với Đức Chúa Trời và nương cậy Ngài, thường xuyên tự phản tỉnh và biết mình, để dần dần phản bội xác thịt, từ bỏ tư lợi, gạt bỏ hư vinh và thể diện của mình. Hơn nữa, người đó phải chịu đựng nhiều loại phỉ báng và đoán xét thì mới có thể làm người trung thực biết nói sự thật và không nói dối. Trong khoảng thời gian rèn luyện làm người trung thực, khó tránh khỏi nhiều thất bại và có những lúc tâm tính bại hoại bộc lộ, khó tránh khỏi có những lúc miệng nói một đằng dạ nghĩ một nẻo, hoặc có những lúc họ ngụy trang và lừa dối. Tuy nhiên, bất kể là gặp phải chuyện gì, nếu muốn nói sự thật và làm người trung thực thì ngươi phải có thể từ bỏ hư vinh và thể diện của mình, không hiểu chuyện gì thì hãy nói mình không hiểu, không rõ chuyện gì thì hãy nói mình không rõ. Đừng sợ người khác coi thường ngươi hay đánh giá thấp ngươi. Bằng cách luôn nói thật lòng và nói sự thật như vậy, ngươi sẽ tìm thấy niềm vui, sự bình an cũng như cảm giác tự do, giải thoát trong lòng mình, và hư vinh, thể diện sẽ không còn kìm kẹp ngươi. Dù qua lại với ai, nếu ngươi có thể bày tỏ những gì ngươi thực sự nghĩ, mở lòng với người khác và không giả vờ biết những gì ngươi không biết, thì đó là thái độ trung thực. Đôi khi, mọi người có thể coi thường ngươi và gọi ngươi là kẻ ngốc vì ngươi luôn nói sự thật. Ngươi nên làm gì trong tình huống như vậy? Ngươi nên nói: “Dù mọi người có gọi tôi là kẻ ngốc thì tôi cũng quyết tâm làm người trung thực chứ không làm kẻ giả dối. Tôi sẽ nói chuyện một cách thực sự cầu thị. Mặc dù tôi nhơ nhuốc, bại hoại và vô giá trị trước mặt Đức Chúa Trời nhưng tôi vẫn sẽ nói thật mà không giả tạo hay ngụy trang”. Nếu ngươi nói như vậy, lòng ngươi sẽ vững vàng và bình an. Để làm người trung thực, ngươi phải từ bỏ hư vinh và thể diện, và để nói sự thật cũng như bày tỏ cảm xúc thực của mình, ngươi không nên sợ bị người khác chế giễu, coi khinh. Ngay cả khi người khác coi ngươi như kẻ ngốc, ngươi cũng không nên tranh cãi hay biện minh cho mình. Nếu có thể thực hành lẽ thật theo cách này thì ngươi có thể trở thành người trung thực. Nếu ngươi không thể từ bỏ sở thích xác thịt, hư vinh và thể diện, nếu ngươi luôn muốn được người khác đánh giá cao, giả vờ biết những gì mình không biết, sống vì hư vinh và thể diện, thì ngươi không thể trở thành người trung thực – đây là một nỗi khó khăn thực tế. Nếu lòng ngươi luôn bị hư vinh và thể diện kìm kẹp, ngươi sẽ dễ nói dối và ngụy trang. Hơn nữa, khi những người khác coi thường ngươi hay vạch trần con người thật của ngươi thì ngươi sẽ khó chấp nhận và cảm thấy mình đã phải chịu ô nhục vô cùng – mặt ngươi sẽ đỏ lên, tim ngươi đập nhanh và ngươi sẽ đứng ngồi không yên. Để giải quyết vấn đề này, ngươi cần phải chịu đựng thêm chút đau đớn và trải qua vài lần tinh luyện nữa. Ngươi cần phải hiểu nguyên nhân gốc rễ của vấn đề nằm ở đâu, và một khi nhìn thấu những việc này, ngươi sẽ có thể giảm bớt một số nỗi đau của mình. Khi ngươi đã hoàn toàn nhìn thấu những tâm tính bại hoại này, có thể gạt bỏ hư vinh và thể diện, thì ngươi sẽ dễ trở thành một người trung thực hơn. Ngươi sẽ không phiền lòng nếu người khác chế giễu ngươi khi ngươi nói sự thật và nói những gì ngươi nghĩ, và bất kể người khác đoán xét hay đối xử với ngươi như thế nào, ngươi cũng sẽ có thể chịu đựng và tiếp cận với nó một cách đúng đắn. Ngươi sẽ không còn phải chịu khổ, lòng ngươi sẽ luôn bình an, vui vẻ và ngươi sẽ đạt được sự tự do, giải thoát. Như vậy, ngươi sẽ thoát khỏi sự bại hoại và sống thể hiện ra hình tượng giống con người.

Trong cuộc sống hàng ngày, người ta thường nói nhảm, nói dối, nói những điều vô tri, ngu xuẩn và bao biện. Hầu hết những điều này được nói ra vì hư vinh và thể diện, để thỏa mãn lòng hư vinh của bản thân. Khi họ nói những điều giả dối như vậy thì tâm tính bại hoại của họ bộc lộ. Nếu ngươi giải quyết được những thứ bại hoại này thì lòng ngươi sẽ được làm tinh sạch, và ngươi sẽ dần trở nên thuần khiết và trung thực hơn. Thật ra ai cũng biết tại sao mình lại nói dối. Vì tư lợi và thể diện, hoặc vì hư vinh và địa vị, họ cố cạnh tranh với người khác và không sống như con người thật của mình. Tuy nhiên, những lời nói dối của họ cuối cùng sẽ bị người khác phơi bày, vạch trần, và họ rốt cuộc sẽ mất mặt, đánh mất nhân cách và tôn nghiêm. Tất cả những điều này đều là do nói dối quá nhiều mà ra. Số lượng lời nói dối của ngươi đã trở nên quá nhiều. Mỗi lời ngươi nói đều có pha tạp và không chân thành, không một lời nào có thể được coi là thật hay trung thực. Mặc dù ngươi không cảm thấy mất mặt khi nói dối nhưng sâu thẳm trong lòng, ngươi cảm thấy hổ thẹn. Lương tâm ngươi cắn rứt, và trong lòng ngươi sẽ xem nhẹ chính mình, coi thường chính mình, nghĩ rằng “Tại sao mình lại sống một cuộc đời đáng thương hại như vậy? Nói sự thật khó đến vậy sao? Vì thể diện mà mình bắt buộc phải nói dối sao? Tại sao cuộc sống của mình lại mệt mỏi đến vậy?”. Ngươi không cần phải sống một cuộc sống mệt mỏi. Nếu ngươi có thể thực hành làm người trung thực, ngươi sẽ có thể sống một cuộc sống thảnh thơi, tự do và được giải thoát. Tuy nhiên, ngươi đã chọn bảo vệ hư vinh và thể diện của mình bằng cách nói dối. Kết quả là, ngươi sống một cuộc sống mệt nhọc và khổ sở do chính ngươi gây ra. Thể diện đạt được nhờ những lời nói dối là loại thể diện gì? Chỉ là một thứ trống rỗng và hoàn toàn vô giá trị. Nói dối có nghĩa là bán rẻ nhân cách và tôn nghiêm của mình. Nó tước đi nhân cách và tôn nghiêm của con người, khiến Đức Chúa Trời không thích và thấy ghê tởm. Như vậy có đáng không? Không đáng chút nào. Đây có phải là con đường đúng đắn không? Không phải. Những người thường xuyên nói dối thì sống theo tâm tính Sa-tan và sống dưới quyền thế của Sa-tan. Họ không sống trong sự sáng, cũng không sống trước Đức Chúa Trời. Ngươi liên tục suy nghĩ về việc nói dối như thế nào, và sau khi nói dối, ngươi phải suy nghĩ làm sao để lấp liếm. Và khi ngươi không lấp liếm đủ tốt và bị vạch trần, ngươi phải vắt óc cố gắng khỏa lấp những mâu thuẫn và làm cho sự việc có vẻ hợp lý. Chẳng phải sống như vậy thật mệt mỏi sao? Rất mệt mỏi. Có đáng không? Không đáng. Vắt óc để nói dối rồi che đậy lời nói dối, tất cả vì hư vinh, thể diện và địa vị – làm như vậy có ý nghĩa gì không? Cuối cùng, ngươi suy ngẫm và tự hỏi: “Sao phải khổ như vậy? Nói dối và lấp liếm thật quá mệt mỏi. Không thể làm người như vậy được, nếu mình làm người trung thực thì sẽ thoải mái hơn”. Ngươi mong muốn trở thành một người trung thực nhưng lại không thể từ bỏ hư vinh, thể diện và lợi ích. Do đó, ngươi chỉ biết dùng đến lời nói dối để duy trì những thứ này. Nếu là người yêu lẽ thật thì ngươi sẽ chịu đựng nhiều gian khổ để thực hành lẽ thật. Ngay cả khi điều này có nghĩa là phải hy sinh danh dự, địa vị, chịu đựng sự chế giễu và làm nhục từ người khác, ngươi cũng sẽ không phiền lòng – miễn là ngươi có thể thực hành lẽ thật và thỏa mãn Đức Chúa Trời là được. Những người yêu lẽ thật chọn thực hành lẽ thật và làm người trung thực. Đây là con đường đúng đắn và được Đức Chúa Trời ban phước. Nếu không yêu lẽ thật thì người ta chọn gì? Họ chọn dùng lời nói dối để giữ danh dự, địa vị, tôn nghiêm và nhân cách của mình. Họ thà là kẻ giả dối và bị Đức Chúa Trời ghê tởm, loại bỏ. Những người như vậy không muốn lẽ thật và không muốn Đức Chúa Trời. Họ chọn danh dự và địa vị của riêng mình; họ muốn làm kẻ giả dối. Họ không quan tâm liệu Đức Chúa Trời có vui lòng hay liệu Ngài sẽ cứu rỗi họ hay không. Những người như vậy có thể được Đức Chúa Trời cứu rỗi không? Chắc chắn là không, vì họ đã chọn con đường sai trái. Họ chỉ có thể sống bằng cách nói dối và lừa gạt; họ chỉ có thể sống cuộc đời đau khổ chỉ toàn nói dối, che đậy và ngày nào cũng phải vắt óc ngụy biện cho mình. Nếu ngươi nghĩ rằng lời nói dối có thể giúp giữ gìn danh dự, địa vị, hư vinh và thể diện mà ngươi mong muốn thì ngươi hoàn toàn nhầm lẫn rồi. Thật ra khi nói dối, không những ngươi không giữ được hư vinh và thể diện, nhân cách và tôn nghiêm của mình, mà nghiêm trọng hơn, ngươi còn bỏ lỡ cơ hội thực hành lẽ thật và làm người trung thực. Ngay cả khi ngươi có bảo vệ được danh dự, địa vị, hư vinh và thể diện của mình vào thời điểm đó thì ngươi cũng đã hy sinh lẽ thật và phản bội Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa là ngươi đã hoàn toàn mất cơ hội được Ngài cứu rỗi, hoàn thiện, và đây là tổn thất to lớn nhất, là điều nuối tiếc cả đời. Những người giả dối sẽ không bao giờ nhìn thấu được điều này.

Hiện tại, các ngươi có con đường nào để làm người trung thực không? Các ngươi phải kiểm điểm mỗi lời nói và hành động trong cuộc sống, như vậy mới có thể phát hiện ra nhiều lời nói dối và sự giả dối hơn, và mới có thể nhận ra tâm tính giả dối của chính mình. Sau đó, ngươi phải nhìn cách những người trung thực thực hành, trải nghiệm, và rút ra một số bài học kinh nghiệm. Ngươi cũng phải thực hành tiếp nhận sự dò xét của Đức Chúa Trời trong mọi việc và thường xuyên đến trước mặt Đức Chúa Trời để cầu nguyện, thông công với Đức Chúa Trời. Giả sử như ngươi vừa nói dối và lập tức ý thức được rằng: “Khi nãy mình nói có vài chữ không được chính xác, mình phải nhanh chóng thừa nhận, sửa sai, để cho mọi người biết rằng mình vừa nói dối” và ngươi tự sửa sai ngay lập tức. Nếu ngươi luôn tự sửa sai như vậy, và nếu việc thực hành theo cách này trở thành một thói quen, thì khi nói dối mà không sửa sai, ngươi sẽ cảm thấy không bình an, và Đức Chúa Trời sẽ giúp canh chừng cho ngươi. Khi thực hành và trải nghiệm như vậy một thời gian, ngươi sẽ bắt đầu nói dối ít hơn, lời nói và hành động của ngươi sẽ ít bị pha tạp hơn, mức độ thuần khiết cũng ngày càng cao hơn, như vậy thì ngươi đã được làm tinh sạch. Con đường để sống trung thực là như thế. Ngươi phải thay đổi dần dần, từng chút một. Càng thay đổi, ngươi sẽ càng trở nên tốt hơn; càng thay đổi, lời nói của ngươi sẽ càng trở nên trung thực và không còn nói dối – tình trạng như thế này là đúng đắn. Nhân loại bại hoại đều có chung một vấn đề: Trời sinh đã biết nói dối và đều thấy rất vất vả để nói những lời từ đáy lòng và nói đúng sự thật. Ngay cả khi họ muốn nói đúng sự thật thì cũng không thể làm được. Mọi người ai cũng tin rằng sống trung thực là ngu ngốc và dại dột – họ nghĩ rằng chỉ những kẻ ngốc mới đi nói thẳng, trong lòng có bao nhiêu thì nói ra bấy nhiêu, phơi bày hết cho mọi người thấy, làm như thế thì rất dễ chịu thiệt, những người khác sẽ không muốn qua lại với họ mà thay vào đó sẽ khinh thường họ. Liệu các ngươi có khinh thường loại người này không? Các ngươi có quan điểm này không? (Thưa, trước khi tin Đức Chúa Trời thì con khinh thường họ, nhưng bây giờ con ngưỡng mộ những người như vậy và con nghĩ rằng sống đơn giản và trung thực thì tốt hơn. Sống theo cách này, người ta sẽ giảm bớt gánh nặng trong lòng. Nếu không thì sau khi nói dối lại còn phải lấp liếm, rốt cuộc phải tự đào cái hố ngày càng sâu hơn cho mình, và sớm muộn gì cũng có một ngày bị vạch trần.) Cả hai việc nói dối và giở trò giả dối đều là những hành vi ngu xuẩn, trong khi nói sự thật và nói thật lòng thì mới là thông minh. Bây giờ, mọi người ai cũng hiểu chuyện này – nếu vẫn nghĩ rằng nói dối và giở trò giả dối là có tố chất và sắc sảo, như vậy thì thật quá ngu xuẩn, ngoan cố, ngu dốt và không có một chút lẽ thật nào. Nếu đã có tuổi mà vẫn tin rằng những người giả dối là thông minh nhất và những người trung thực đều là kẻ ngốc, thì họ là hạng người ngớ ngẩn không thể nhìn thấu được gì cả. Cũng đều là làm người, nhưng một số người thực hành sống trung thực mỗi ngày thì cảm thấy hạnh phúc, không có áp lực, cảm thấy tự do và được giải phóng trong lòng. Họ không thiếu thốn gì và sống cuộc sống thoải mái hơn. Ai cũng thích tiếp xúc với những người như vậy, và con người phải nên ngưỡng mộ những người như vậy thì mới đúng. Như vậy gọi là sống một cách minh bạch. Một số người ngu ngốc lại nghĩ rằng: “Người đó lúc nào cũng nói sự thật và đã bị tỉa sửa, phải không? Đáng đời! Nhìn tôi đi, tôi che giấu lòng dạ mình, không nói và cũng không để lộ, vì vậy tôi chưa bị tỉa sửa hay bị thiệt thòi gì, cũng không bị xấu hổ trước mặt mọi người. Thật tuyệt làm sao! Những người che giấu lòng dạ của mình, không nói thật với bất kỳ ai và không ai biết họ nghĩ gì mới là bậc cao nhân và có trí thông minh cao nhất!”. Ấy thế mà ai cũng có thể thấy rằng những người này là giả dối và lòng dạ thâm sâu; ai cũng đề phòng và giữ khoảng cách với họ. Không ai muốn làm bạn với những kẻ giả dối. Chẳng phải sự thật là vậy sao? Nếu một người thật thà và thường xuyên nói thật, có thể trải lòng với người khác và không có ý hại người, thì mặc dù đôi khi họ có vẻ ngu muội và hành động dại dột, nhưng họ thường được công nhận là người tốt và mọi người rất sẵn lòng qua lại với họ. Một thực tế được nhiều người công nhận là: người ta được ích lợi và có cảm giác an toàn khi qua lại với những người trung thực và những người tốt. Những người tin Đức Chúa Trời và có thể sống trung thực, mưu cầu lẽ thật thì không chỉ được những người trong hội thánh yêu mến mà còn được chính Đức Chúa Trời yêu mến. Một khi đạt được lẽ thật thì họ sẽ có chứng ngôn thực sự và có thể được Đức Chúa Trời khen ngợi – đây chẳng phải là những người được ban phước nhiều nhất sao? Những ai hiểu được một chút về lẽ thật thì sẽ nhìn thấy rõ việc này. Khi làm người, ngươi nên cố gắng làm người tốt, người trung thực, người có lẽ thật; như vậy, ngươi không chỉ được những người khác yêu mến mà còn được phước lành của Đức Chúa Trời. Người sống theo trào lưu của thế gian, dù hành vi có tốt đến đâu thì họ vẫn không phải là người tốt. Những người không hiểu điều này thì là những kẻ ngốc mà đến giờ vẫn chưa hiểu lẽ thật. Những người thực sự hiểu lẽ thật đều chọn bước đi con đường nhân sinh đúng đắn, làm người trung thực và đi theo Đức Chúa Trời, như vậy mới có thể đạt được sự cứu rỗi. Đây mới là những con người thông minh tuyệt đỉnh.

Để tin Đức Chúa Trời và bước đi con đường nhân sinh đúng đắn thì chí ít, ngươi phải sống có tôn nghiêm, có hình tượng giống con người, được mọi người tin tưởng và xem trọng, khiến mọi người cảm thấy nhân cách và nhân phẩm của ngươi không tệ, nói được làm được, mỗi lời nói ra như đinh đóng cột. Ngươi phải khiến mọi người đánh giá ngươi như vậy, nói rằng ngươi là kiểu người nói ra lời nào thì chắc chắn có thể làm được điều ấy, hứa với người ta việc gì thì chắc chắn sẽ làm, được giao phó việc gì thì chắc chắn sẽ tận tâm tận trách mà làm, khiến người đã giao phó nhiệm vụ cho ngươi hoàn toàn hài lòng. Đây có phải là người giữ chữ tín không? Người giữ chữ tín thì chẳng phải là sống có tôn nghiêm sao? (Thưa, phải.) Có một số người mà không ai dám giao phó bất cứ việc gì. Ngay cả khi giao phó việc cho họ thì đó cũng là vì không tìm được người phù hợp hơn, vì họ là lựa chọn duy nhất, và vẫn phải sắp xếp ai đó giám sát họ. Đây là hạng người gì? Có phải là người có tôn nghiêm không? (Thưa, không phải.) Họ nói gì, ngươi đều phải phân tích và nghiên cứu, phải suy đoán và để ý đến giọng điệu của họ, nhờ những người xung quanh ngươi xác nhận và tìm cách chứng thực. Họ nói ra một câu hay một chuyện nào đó, thì mức độ đáng tin cậy gần như bằng không. Có thể chuyện đó có thật, nhưng họ hoặc sẽ phóng đại hoặc sẽ nói giảm, hoặc có thể điều họ đang nói không hề tồn tại và họ chỉ bịa đặt. Tại sao họ lại bịa đặt? Bởi vì họ muốn lừa dối mọi người, khiến mọi người thấy họ là người tài giỏi và có năng lực; mục đích của họ là như thế. Mọi người có thích người như thế không? (Thưa, không.) Người ta ghét họ đến mức nào? Người ta chán ghét và khinh miệt những người như vậy, thậm chí cảm thấy vĩnh viễn không bao giờ gặp lại là tốt nhất. Khi ở cùng những người như vậy, người ta không tin, cũng không xem trọng bất kỳ điều gì họ nói; mà chỉ hàn huyên và lấy lệ bằng cách nói đại vài chuyện bên ngoài. Ngay cả khi những người này nói sự thật thì người khác cũng không tin họ. Hạng người này hoàn toàn vô giá trị và quá đê hèn; không ai xem trọng. Làm người mà đến mức này thì có còn tôn nghiêm không? (Thưa, không.) Không ai giao phó bất cứ việc gì cho họ, không ai tín nhiệm họ, không ai tâm sự với họ, họ nói gì cũng không ai tin, nghe tai này rồi ra tai kia thôi. Khi họ nói: “Lần này tôi nói thật đấy”, và cho dù điều họ nói là thật thì cũng không ai tin, không ai để ý. Khi họ nói: “Không phải tôi nói gì cũng là giả, phải không?” thì người ta đáp lại: “Tôi chẳng buồn phân tích điều anh nói là thật hay giả. Nghe anh nói đúng là rất mệt mỏi, còn phải phân tích và dò xét động cơ, ý định của anh, như thế quá là phiền phức. Tôi có thể dùng thời gian làm việc đó để suy ngẫm về một đoạn lời Đức Chúa Trời hay học hát một bài thánh ca, và khi làm những việc đó thì tôi quả thực sẽ thu được một số lợi ích. Nói chuyện với anh thì tôi chẳng thể thu được gì cả. Chẳng một lời nào anh nói là thật và tôi không muốn qua lại với anh làm gì”. Thế là họ bỏ mặc những người như vậy. Ngày nay, người ngoại đạo thường nói: “Anh muốn nghe sự thật hay lời nói dối hơn?”, không ai muốn nghe lời nói dối cả. Vì vậy, những người luôn nói dối và nói quanh co thì là những kẻ đê hèn nhất; chẳng có chút giá trị nào, chẳng ai thèm để ý đến họ, chẳng ai muốn qua lại với họ, càng không muốn tâm sự hay kết bạn với họ. Những người như vậy có nhân cách, có tôn nghiêm không? (Thưa, không.) Ai gặp những người như thế này cũng đều cảm thấy chán ghét; lời nói, hành động, nhân phẩm và nhân cách của họ hoàn toàn không đáng tin cậy – dạng người này chẳng có chút trọng lượng nào cả. Nếu họ có ân tứ và tài cán, mọi người có yêu thích và tôn trọng họ không? (Thưa, không.) Vậy thì người ta cần gì để có thể sống hòa thuận với nhau? Họ cần có nhân phẩm, nhân cách, tôn nghiêm, và phải là người mà những người khác có thể tâm sự. Ai có tôn nghiêm thì đều có một chút cá tính, tuy đôi khi họ không hòa thuận với người khác nhưng họ trung thực, không giả tạo, lừa dối. Cuối cùng, những người khác vẫn đánh giá cao họ, bởi vì họ có thể thực hành lẽ thật, họ trung thực, có tôn nghiêm, có nhân cách, nhân phẩm, không bao giờ lợi dụng người khác, giúp đỡ khi người khác gặp khó khăn, giao tiếp với mọi người có lương tâm và có lý trí, không bao giờ tùy ý phán xét ai. Khi đánh giá hoặc thảo luận về người khác thì những cá nhân này nói gì cũng đều chính xác, họ biết gì thì nói nấy và không khua môi múa mép, không thêm mắm dặm muối, và lời nói của họ có thể dùng làm bằng chứng hoặc để tham chiếu. Người có nhân phẩm thì nói năng hành động tương đối thực tế và đáng tin cậy. Còn người không có nhân phẩm thì chẳng ai xem trọng, họ nói gì, làm gì cũng chẳng ai thèm để ý hay xem trọng, chẳng ai tín nhiệm họ. Đấy là do họ nói dối quá nhiều và nói thật quá ít, là do khi qua lại hoặc làm bất cứ điều gì cho người khác, họ đều không có sự chân thành, cố lừa dối, đánh lừa mọi người, và chẳng ai thích họ. Hiện tại, trong mắt các ngươi đã có ai đáng tin cậy chưa? Các ngươi có nghĩ mình xứng đáng được người khác tin cậy không? Những người khác có thể tin tưởng ngươi không? Nếu ai đó hỏi ngươi về tình hình của một người khác thì ngươi không nên đánh giá và phán xét người đó theo ý muốn của riêng mình, lời nói của ngươi phải khách quan, chính xác và phù hợp với sự thật. Chuyện gì nhìn không thấu thì đừng nói, hiểu được chừng nào thì nói chừng đó. Ngươi phải công bằng và công tâm với người đó, như thế mới là có trách nhiệm. Nếu ngươi chỉ quan sát một hiện tượng ở bề ngoài, và điều ngươi muốn nói chỉ là phán đoán của riêng ngươi về người đó, thì ngươi không được mù quáng quy kết người đó, càng không được phán xét họ. Ngươi nhất định phải thêm vào một tiền đề như thế này: “Đây là phán đoán cá nhân của tôi” hoặc “Đây là cảm nhận trong lòng tôi”. Như vậy, lời nói của ngươi sẽ tương đối khách quan, và sau khi nghe ngươi nói, người khác sẽ có thể cảm nhận sự trung thực trong lời nói của ngươi, thái độ công tâm của ngươi, và họ sẽ có thể tín nhiệm ngươi. Các ngươi có chắc là có thể làm được như vậy không? (Thưa, không.) Điều này chứng tỏ rằng các ngươi không đủ trung thực với người khác, rằng các ngươi thiếu sự chân thành và thái độ trung thực trong cách đối nhân xử sự. Giả sử ai đó hỏi ngươi: “Tôi tin tưởng anh, anh nghĩ gì về người đó?”. Và ngươi trả lời: “Người đó cũng được”. Họ hỏi: “Anh có thể nói rõ hơn không?”. Và ngươi nói: “Cụ thể là người đó thành thật, sẵn lòng trả giá khi thực hiện bổn phận, hòa thuận với mọi người”. Trong ba câu này chẳng có câu nào là có chứng cứ thực tế, như vậy có thể dùng để làm lời chứng được không? Không. Người như vậy có đáng tin cậy không? (Thưa, không.) Cả ba câu nói này không có bất kỳ thông tin chi tiết nào cả, chúng chỉ là những lời nói chung chung, sáo rỗng, qua loa. Nếu ngươi chỉ mới gặp người đó và dựa trên vẻ ngoài mà nói rằng họ cũng được, thì như thế là bình thường. Nhưng ngươi đã tiếp xúc với họ một thời gian, và hẳn đã có thể phát hiện ra một số vấn đề về thực chất ở họ. Mọi người muốn nghe xem tận đáy lòng, ngươi đánh giá và nhìn nhận thế nào về người đó, nhưng ngươi chẳng nói gì thực tế, quan trọng hay đúng trọng điểm cả, vì vậy mọi người sẽ không tín nhiệm ngươi và không muốn qua lại với ngươi nữa.

Khi giao tiếp với các anh chị em, ngươi phải trải lòng và tâm sự với họ thì mới có được lợi ích. Khi thực hiện bổn phận thì lại càng cần mở lòng và tâm sự với người khác hơn; như thế mới có thể hợp tác hài hòa. Nhưng nếu đối phương không trải lòng với ngươi, nếu họ không phải là người tiếp nhận lẽ thật mà là một người rất giả dối, thì sẽ thật ngu xuẩn nếu ngươi trải lòng với họ, làm như vậy dễ dẫn đến phiền phức. Ngươi nên có nguyên tắc trong giao tiếp với các anh chị em; chỉ nên trải lòng và cởi mở một cách đơn thuần với những người thực sự tin Đức Chúa Trời cũng như có thể tiếp nhận lẽ thật. Nếu ngươi trải lòng với những kẻ ác và kẻ chẳng tin thì ngươi thật ngu muội, vô tri và thiếu khôn ngoan. Ngươi chỉ được trải lòng với những anh chị em thực sự tin Đức Chúa Trời và có thể tiếp nhận lẽ thật. Những kẻ giả dối, kẻ đần độn, kẻ ác và những kẻ chẳng tin không hề tiếp nhận lẽ thật thì không phải là anh chị em; tuyệt đối không thể trải lòng với họ, trải lòng với họ là trải lòng với ma quỷ, cuối cùng ngươi sẽ dễ bị họ tính kế và hãm hại. Trong số các lãnh đạo và chấp sự sẽ có những kẻ lãnh đạo và chấp sự giả, trong số tín hữu cũng có những tín hữu giả và kẻ chẳng tin. Không ai trong số những người này là anh chị em cả, vì vậy, tuyệt đối đừng đối đãi với họ như thể họ là anh chị em. Chỉ những người có tâm địa thiện lành và yêu lẽ thật, những người có thể tiếp nhận lẽ thật và đưa lẽ thật vào thực hành mới là anh chị em, và khi ngươi giao tiếp với những anh chị em thật này, ngươi phải trải lòng, cởi mở một cách đơn thuần với họ, chỉ khi đó các ngươi mới có thể yêu thương nhau, hợp tác hài hòa và làm tròn bổn phận của mình. Đôi lúc, khi hai người tương tác qua lại, tính cách của họ xung đột, hoặc hoàn cảnh gia đình, xuất thân, điều kiện kinh tế của họ không tương đồng với nhau. Tuy nhiên, nếu hai người có thể trải lòng với nhau, có chuyện gì cũng có thể mở lòng và trao đổi với nhau, không có bất kỳ dối trá hay lừa gạt nào, và có thể cho thấy tấm lòng của họ dành cho nhau, thì bằng cách này, họ sẽ có thể trở thành những người bạn chân chính, đây chính là bạn tri kỷ. Khi người kia gặp khó khăn, có thể là họ sẽ tìm đến ngươi chứ không phải ai khác, và trong lòng họ tin rằng ngươi có thể giúp đỡ họ. Ngay cả khi ngươi mắng họ một trận, họ cũng không so đo với ngươi, bởi vì họ biết ngươi là người trung thực và có tấm lòng chân thành. Họ tin tưởng ngươi, nên dù ngươi nói gì hay đối xử với họ thế nào, họ cũng sẽ có thể hiểu được. Các ngươi có thể là những người như vậy không? Các ngươi có phải là những người như vậy không? Nếu không phải thì ngươi không phải là người trung thực. Khi chung sống với người khác, ngươi trước tiên phải làm cho họ cảm nhận được tấm lòng chân thật và sự chân thành của mình. Nếu như khi nói chuyện, làm việc và tiếp xúc với những người khác, những điều họ nói đều là những lời qua loa, quan cách, dễ nghe, tâng bốc, vô trách nhiệm và ảo tưởng, hoặc căn bản chỉ nói để lấy lòng người kia, thì như vậy không hề có thứ gì chân thực, và không có chút lòng chân thành nào. Nếu giao tiếp với ai họ cũng dùng cách như vậy, thì người như vậy không có lòng trung thực, họ không phải là người trung thực. Giả sử như ai đó đang trong tình trạng tiêu cực và họ chân thành nói với ngươi: “Hãy nói cho tôi nghe, rốt cuộc tại sao tôi lại tiêu cực đến vậy. Tự tôi không thể nhìn thấu được!”. Thật ra trong lòng ngươi hiểu được vấn đề của họ, nhưng ngươi không nói thật cho họ biết mà thay vào đó, ngươi nói: “Có gì đâu. Tình trạng của anh không được xem là tiêu cực, tôi cũng có lúc như vậy mà”. Lời này an ủi người đó rất nhiều, nhưng thái độ của ngươi thì không chân thành. Ngươi đang qua loa với đối phương, để làm cho họ cảm thấy thoải mái và được an ủi hơn, ngươi đã không nói lời trung thực với họ. Ngươi không chân thành giúp họ và nêu rõ vấn đề của họ, để họ có thể thoát khỏi sự tiêu cực. Ngươi không làm điều mà một người trung thực nên làm. Tất cả chỉ vì mục đích cố an ủi họ và đảm bảo không có sự ngăn cách hay xung đột giữa các ngươi, nên ngươi đã qua loa với họ, làm người trung thực không phải là như vậy. Vậy để làm người trung thực, ngươi nên làm gì khi gặp phải kiểu tình huống này? Ngươi cần phải nói với họ những gì ngươi đã thấy và nhận định: “Tôi sẽ cho bạn biết những gì tôi đã thấy và những gì tôi đã trải qua. Bạn quyết định xem những gì tôi nói là đúng hay sai. Nếu sai, bạn không cần phải chấp nhận. Nếu đúng, tôi hy vọng bạn sẽ chấp nhận. Nếu tôi nói điều gì đó khiến bạn khó nghe và làm tổn thương bạn, tôi hy vọng bạn có thể tiếp nhận từ Đức Chúa Trời. Ý định và mục đích của tôi là giúp bạn. Tôi thấy rõ vấn đề này: chính vì thể diện cá nhân bạn bị làm nhục, người khác không ai giữ thể diện cho bạn, bạn nghĩ rằng những người khác đều coi thường mình, rằng bạn đang bị công kích và bạn chưa bao giờ bị đối xử bất công như thế, nên bạn không thể chấp nhận được điều đó và trở nên tiêu cực. Bạn nói xem, đây có phải là những gì đang thực sự diễn ra không?”. Họ nghe xong thì cảm thấy đúng thực là như vậy. Thật ra trong lòng ngươi nghĩ như vậy, nhưng nếu ngươi không phải là một người trung thực, ngươi sẽ không nói ra. Ngươi sẽ nói rằng: “Tôi cũng thường tiêu cực”, và khi người khác nghe thấy rằng mọi người đều tiêu cực, họ sẽ nghĩ rằng dù họ tiêu cực thì cũng là bình thường, và cuối cùng, họ đã không thoát khỏi sự tiêu cực của mình. Nếu ngươi là một người trung thực và giúp đỡ họ với một thái độ trung thực và một tấm lòng trung thực, thì ngươi có thể giúp họ hiểu được lẽ thật và thoát khỏi sự tiêu cực.

Việc thực hành làm người trung thực liên quan đến rất nhiều khía cạnh. Nói cách khác, tiêu chuẩn để làm người trung thực không chỉ đạt được thông qua một phương diện; ngươi phải đạt tiêu chuẩn trên nhiều phương diện thì mới là người trung thực. Một số người luôn nghĩ rằng chỉ cần đạt đến việc không nói dối thì chính là người trung thực. Quan điểm này có đúng không? Có phải trung thực chỉ đòi hỏi không nói dối không? Không, nó còn liên quan đến một số khía cạnh khác. Đầu tiên, bất kể ngươi đang phải đối mặt với điều gì, dù đó là điều ngươi đã tận mắt thấy hay điều người khác nói với ngươi, dù đó là chuyện tương tác với mọi người hay giải quyết một vấn đề, dù đó là bổn phận ngươi phải thực hiện hay điều Đức Chúa Trời giao phó, ngươi cũng phải luôn tiếp cận nó với một tấm lòng trung thực. Một người nên thực hành tiếp cận mọi thứ với tấm lòng trung thực như thế nào? Trong lòng nghĩ như thế nào thì nói thế đó, nói lời thật; không nói những lời rỗng tuếch, quan cách, hoặc những lời nghe có vẻ êm tai, không nói những điều tâng bốc hay giả dối giả hình, mà hãy nói những lời trong lòng mình. Đây chính là làm người trung thực. Bày tỏ những suy nghĩ và quan điểm thực sự trong lòng ngươi – đây mới là điều mà những người trung thực nên làm. Nếu ngươi không bao giờ nói những gì ngươi nghĩ, cứ để nó nung nấu trong lòng, và những gì ngươi nói luôn mâu thuẫn với những gì ngươi nghĩ, thì đó không phải là biểu hiện của một người trung thực. Ví dụ như ngươi không làm tròn bổn phận của mình, và khi mọi người hỏi đang có chuyện gì thì ngươi nói: “Tôi cũng muốn làm tròn bổn phận của mình, nhưng vì nhiều lý do, tôi chưa làm được”. Thực ra, trong lòng ngươi biết rằng mình đã không để tâm, nhưng ngươi không nói sự thật. Thay vào đó, ngươi tìm đủ mọi loại lý do, biện minh và kiếm cớ để che đậy chân tướng sự thật và trốn tránh trách nhiệm. Đó có phải là những gì một người trung thực làm không? (Thưa, không phải.) Ngươi đánh lừa mọi người và đối phó bằng cách nói những điều này. Nhưng thực chất của những gì bên trong ngươi, của những ý định bên trong ngươi, là một tâm tính bại hoại. Nếu ngươi không thể bộc lộ và mổ xẻ thì chúng không thể được làm tinh sạch – và đó không phải vấn đề nhỏ đâu! Ngươi phải nói thật: “Gần đây tôi đã hơi trì hoãn trong việc thực hiện bổn phận của mình. Tôi đã qua loa chiếu lệ và không để tâm. Khi tâm trạng tốt, tôi có thể trả giá một chút. Nhưng khi tâm trạng tồi tệ thì tôi buông xuôi và không muốn trả giá nữa. Tôi tham hưởng sự an nhàn của xác thịt, vì vậy, việc thực hiện bổn phận của tôi đều không hiệu quả. Mấy hôm nay tình hình đang được xoay chuyển và tôi đang cố gắng nỗ lực hết mình, cải thiện hiệu quả và làm tròn bổn phận của mình”. Đây mới là lời nói thật lòng của con người. Cách nói kia không xuất phát từ trái tim. Do sợ bị tỉa sửa, sợ mọi người phát hiện ra vấn đề của mình và sợ mọi người bắt mình phải chịu trách nhiệm, nên ngươi đã tìm đủ mọi loại lý do, biện minh và kiếm cớ để che đậy sự thật, trước tiên là để chặn họng người khác, sau đó đổ trách nhiệm, nhằm tránh bị tỉa sửa. Đây là nguồn gốc những lời nói dối của ngươi. Cho dù những người nói dối có nói nhiều như thế nào, một số điều họ nói chắc chắn là lời thật việc thật. Nhưng một số lời nói mấu chốt sẽ chứa một chút giả dối và một chút động cơ. Vì vậy, việc phân định và phân biệt đâu là thật, đâu là giả rất quan trọng. Tuy nhiên, điều này không dễ thực hiện. Có những lời nói bên trong bị uế tạp và thêm thắt, có những lời sẽ phù hợp với thực tế, và có những lời sẽ mâu thuẫn với thực tế; với thực và hư lẫn lộn như vậy, khó mà phân biệt được đâu là thật đâu là giả. Đây là loại người giả dối nhất và khó nhận biết nhất. Nếu họ không thể tiếp nhận lẽ thật và thực hành việc làm người trung thực, họ chắc chắn sẽ bị đào thải. Vậy thì con đường mọi người nên chọn là gì? Đâu là con đường để thực hành của người trung thực? Các ngươi nên học cách nói sự thật và có thể thông công cởi mở về những tình trạng và các vấn đề thực của mình. Đó là cách người trung thực thực hành, và thực hành như vậy mới đúng. Những người có lương tâm và lý trí đều sẵn lòng mưu cầu việc làm người trung thực. Chỉ những người trung thực mới cảm thấy thực sự vui vẻ và thoải mái, và chỉ có thực hành lẽ thật để đạt được sự thuận phục Đức Chúa Trời, con người ta mới có thể vui hưởng hạnh phúc thực sự.

Có nhiều vấn đề thực tế nảy sinh khi người ta trải nghiệm việc làm người trung thực. Đôi khi họ nói mà chưa suy xét, chính là vì một ý nghĩ sai lầm mà gây ra đủ chuyện, bởi vì họ bị chi phối bởi một động cơ hay mục đích sai trái, hoặc bởi hư vinh và thể diện, mà buột miệng nói dối và kết quả là, họ phải tiếp tục nói dối thêm nữa để che đậy. Cuối cùng, trong lòng họ không cảm thấy bình an nữa, nhưng lời đã nói dối không rút lại được, bản thân họ thì không có can đảm để sửa sai, để thừa nhận rằng mình đã nói dối, và như vậy, sai lầm của họ cứ tiếp diễn. Sau đó, họ luôn cảm thấy như có một tảng đá đè nặng trong lòng; họ luôn muốn tìm cơ hội thú nhận, thừa nhận lỗi lầm và ăn năn, nhưng họ không bao giờ đưa điều này vào thực hành. Cuối cùng, họ suy nghĩ và tự nhủ: “Sau này khi thực hiện bổn phận, mình sẽ bù đắp lại”. Họ luôn nói sẽ bù đắp lại nhưng lại không bao giờ làm được. Điều này không đơn giản như xin lỗi sau khi nói dối – ngươi có thể bù đắp cho sự thiệt hại và những hậu quả của việc nói dối và sống giả dối không? Nếu như có thể thực hành ăn năn một cách vô cùng đau đớn và không bao giờ làm chuyện như thế lần nữa, thì ngươi có thể nhận được sự khoan dung và lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Nếu ngươi chỉ nói những lời ngon ngọt và nói rằng sau này sẽ bù đắp cho lời nói dối của mình, nhưng lại không thực sự ăn năn, sau đó tiếp tục nói dối và lừa dối, thì ngươi đến chết cũng không chịu ăn năn, và chắc chắn sẽ bị đào thải. Những người có lương tâm và lý trí hẳn phải nhận biết được điều này. Sau khi ngươi đã nói dối và lừa dối, nếu chỉ nghĩ đến việc bù đắp thôi thì chưa đủ; điều quan trọng nhất là ngươi phải thực sự ăn năn. Nếu muốn sống trung thực thì ngươi phải giải quyết vấn đề nói dối và lừa dối. Ngươi phải nói lời thật và làm việc thật. Đôi lúc, khi nói sự thật, ngươi sẽ bị mất mặt và bị tỉa sửa, nhưng khi ấy ngươi đã thực hành lẽ thật. Có thể vâng phục Đức Chúa Trời một lần và làm Ngài thỏa mãn một lần thôi thì cũng xứng đáng, sẽ là điều mang lại cho ngươi sự an ủi. Dù sao đi nữa, ngươi cuối cùng cũng có thể thực hành làm người trung thực, cuối cùng cũng có thể nói thật lòng mình, không cố gắng ngụy biện hay biện minh cho bản thân, và đây chính là tiến bộ thực sự. Bất kể có bị tỉa sửa hay bị cách chức, lòng ngươi cũng sẽ cảm thấy vững vàng, bởi vì ngươi đã không nói dối; ngươi sẽ cảm thấy rằng vì mình không làm tròn bổn phận nên bị tỉa sửa và phải chịu trách nhiệm là đúng. Đây là một tâm thái tích cực. Tuy nhiên, nếu ngươi lừa dối, thì hậu quả sẽ thế nào? Sau khi lừa dối, trong lòng ngươi sẽ cảm thấy thế nào? Không vững vàng, luôn cảm thấy rằng trong lòng mình có tội lỗi và sự bại hoại, và ngươi sẽ luôn cảm thấy bị buộc tội: “Sao mình có thể nói dối vậy chứ? Sao mình lại lừa dối nữa rồi? Sao mình lại như thế này?”. Ngươi sẽ cảm thấy không thể ngẩng cao đầu, không còn mặt mũi nào để đối diện với Đức Chúa Trời. Đặc biệt, khi người ta được Đức Chúa Trời ban phước, ân đãi, thương xót và khoan dung, thì họ càng cảm thấy xấu hổ hơn khi lừa dối Đức Chúa Trời, và trong lòng họ cảm thấy cắn rứt nhiều hơn, càng mất sự bình an và vui vẻ. Điều này chứng thực cho vấn đề gì? Cho thấy rằng lừa dối người khác là bộc lộ tâm tính bại hoại, là phản nghịch và chống đối Đức Chúa Trời, và vì vậy nó sẽ khiến ngươi rất đau khổ. Khi nói dối và lừa dối, ngươi có thể cảm thấy rằng mình đã nói năng rất tài tình và khéo léo, và rằng ngươi không để lộ bất kỳ manh mối nhỏ nào về việc mình lừa dối – nhưng sau đó, ngươi sẽ có cảm giác cắn rứt và buộc tội, là cảm giác có thể theo ngươi suốt đời. Nếu ngươi cố ý, cố tình nói dối và lừa dối, rồi đến một ngày, ngươi nhận ra mức độ nghiêm trọng của việc này thì lòng ngươi sẽ như bị dao xoáy vào, và ngươi sẽ luôn tìm cơ hội để bù đắp. Và ngươi cũng nên làm thế, trừ khi ngươi không có lương tâm và chưa bao giờ sống theo lương tâm của mình, trừ khi ngươi không có nhân tính và không có nhân cách hay tôn nghiêm. Nếu ngươi có chút nhân cách và tôn nghiêm, chút lương tâm và tri giác, thì khi nhận ra mình đang nói dối và lừa dối, ngươi sẽ cảm thấy hành vi của mình thật đáng xấu hổ, nhục nhã và đê tiện; ngươi sẽ khinh miệt và ghê tởm chính mình, và ngươi sẽ từ bỏ con đường nói dối và lừa dối. Những kẻ cùng loại với Sa-tan thì không có lương tâm và lý trí của nhân tính bình thường; nói dối bao nhiêu họ cũng không có cảm giác gì, không nhớ gì, thậm chí họ còn có cơ sở lý luận cho việc nói dối, chính là không thể làm nên việc lớn nếu không nói dối, và vì vậy họ có chết cũng không chịu ăn năn. Những người có lương tâm và lý trí thì khác. Những người này chỉ trải qua sự bại hoại của Sa-tan, và mặc dù có bộc lộ tâm tính bại hoại nhưng họ không phải là những kẻ ác, họ vẫn có lương tâm và tri giác, họ có những nhu cầu của nhân tính bình thường, có những bản năng và nhu cầu yêu những điều tốt lành, chính nghĩa và tích cực. Vì vậy, khi họ cảm thấy bị lương tâm cắn rứt, họ có khả năng tự phản tỉnh và thực sự ăn năn. Sa-tan là thứ cực kỳ tà ác. Nó không thích những điều tích cực, không thích những điều tốt lành, và trong bản tính của nó chỉ có những thứ đen tối và tà ác, chỉ có những thứ bại hoại và ác độc; nó không có nhân tính, không có những nhu cầu của nhân tính bình thường, và không có lương tâm và tri giác. Nhưng con người thì khác. Con người được Đức Chúa Trời tạo ra, họ có lương tâm và lý trí; những người có lương tâm thì trong lòng sẽ có tri giác, họ có thể cảm nhận sự buộc tội và cắn rứt của lương tâm khi cố lừa dối Đức Chúa Trời hoặc những người khác, và sự buộc tội cũng như cắn rứt này khiến họ đau đớn. Khi một người cảm nhận nỗi đau này, khi họ cảm nhận sự buộc tội và cắn rứt này, lương tâm của họ sẽ bắt đầu có tri giác, họ nhận ra rằng con người nên trung thực, nên bước đi con đường mưu cầu lẽ thật. Khi họ có nhu cầu này thì đây là điều tốt. Hiện tại, các ngươi có cảm thấy cắn rứt chút nào khi nói dối và lừa dối không? (Thưa, có.) Việc cảm thấy cắn rứt chứng tỏ rằng các ngươi có chút lương tâm, tri giác và vẫn còn chút hy vọng cho các ngươi; đây là mức độ tri giác và biểu hiện tối thiểu mà ngươi phải có để đạt được sự cứu rỗi. Nếu lương tâm ngươi không cảm thấy cắn rứt thì phiền phức rồi, và như vậy nghĩa là ngươi không có nhân tính. Vậy các ngươi có biết ăn năn sau khi nói dối và lừa dối người khác không? Nếu ngươi ngoan cố không chịu ăn năn thì hậu quả sẽ ra sao? Ngươi sẽ không thể cứu vãn. Các ngươi giờ đây đều có thể thấy rằng Đức Chúa Trời sẽ cứu rỗi những người có lương tâm, lý trí, có nhu cầu của nhân tính bình thường, có khả năng phân biệt thiện ác, có lòng yêu những điều tích cực và tốt lành, có lòng căm ghét sự tà ác, và có khả năng tiếp nhận lẽ thật. Đây chính là đối tượng có thể được cứu rỗi.

Ngày 30 tháng 11 năm 2017

Trước: Chỉ khi làm tròn bổn phận của loài thọ tạo thì mới có giá trị sống

Tiếp theo: Con đường giải quyết tâm tính bại hoại

Hồi chuông thời sau hết báo động đã vang lên, đại thảm họa đã ập xuống, bạn có muốn cùng gia đình nghênh đón được Thiên Chúa, và có cơ hội nhận được sự che chở của Thiên Chúa không?

Cài đặt

  • Văn bản
  • Chủ đề

Màu Đồng nhất

Chủ đề

Phông

Kích cỡ Phông

Khoảng cách Dòng

Khoảng cách Dòng

Chiều rộng Trang

Mục lục

Tìm kiếm

  • Tìm kiếm văn bản này
  • Tìm kiếm cuốn sách này

Liên hệ với chúng tôi qua Messenger