Chương 38
Xét về những thuộc tính vốn có của loài người, nghĩa là, bộ mặt thật của loài người, thì việc có thể tiếp tục cho đến hiện tại thực sự là điều không dễ dàng, và chỉ qua điều này thì quyền năng vĩ đại của Đức Chúa Trời mới trở nên thực sự rõ rệt. Xét về bản chất của xác thịt, cũng như thực tế rằng con người đã bị bại hoại bởi con rồng lớn sắc đỏ cho đến hiện tại, nếu không bởi sự dẫn dắt của Thần của Đức Chúa Trời, thì làm thế nào họ đã có thể tiếp tục đứng vững cho đến ngày nay? Con người không xứng đáng để đến trước Đức Chúa Trời, nhưng vì sự quản lý của Ngài và để công tác vĩ đại của Ngài sớm được thành tựu, nên Đức Chúa Trời yêu thương loài người. Thành thật mà nói, tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho loài người là điều mà không người nào có thể báo đáp trong cuộc đời mình. Có lẽ có một vài người mong muốn được báo đáp ân điển của Đức Chúa Trời bằng cách hy sinh mạng sống mình, nhưng Ta phán với ngươi rằng: Con người không xứng đáng chết trước Đức Chúa Trời, và vì vậy cái chết của họ sẽ vô ích mà thôi. Điều này là bởi, đối với Đức Chúa Trời, cái chết của con người thậm chí còn không đáng nhắc đến, không đáng một xu, giống như cái chết của một con kiến trên mặt đất. Ta khuyên nhân loại đừng xem bản thân mình quá quan trọng, và đừng nghĩ rằng việc chết vì Đức Chúa Trời có tầm quan trọng lớn lao, như ngọn Thái Sơn. Thật ra, cái chết của con người chỉ nhẹ tựa lông hồng, không đáng nhắc đến. Tuy nhiên, về bản chất, xác thịt của con người rồi cũng phải chết, và vì vậy cuối cùng cơ thể vật chất phải chấm dứt trên đất. Đây là một sự thật, điều mà không ai có thể phủ nhận. Đây là một “quy luật tự nhiên” mà Ta rút ra từ toàn bộ kinh nghiệm sống của con người, và vì vậy Đức Chúa Trời đã định rõ kết cục của con người theo cách này, mà không ai nhận ra. Ngươi có hiểu không? Không có gì đáng ngạc nhiên khi Đức Chúa Trời phán rằng: “Ta khinh miệt sự phản nghịch của nhân loại. Ta không biết tại sao; có vẻ như thể Ta đã ghét con người từ lúc ban đầu, tuy vậy Ta lại cảm thấy thông cảm sâu sắc với họ. Do đó con người đã luôn luôn có hai thái độ đối với Ta – bởi Ta yêu con người và Ta cũng ghét họ”.
Ai không ngợi khen Đức Chúa Trời vì sự hiện diện của Ngài hay sự xuất hiện của Ngài? Vào lúc này, Ta như thể đã hoàn toàn quên sự bất khiết và bất chính trong con người. Ta lấy sự tự nên công chính, tự cao tự đại, sự phản nghịch, sự ngang bướng của loài người, tất cả sự phản nghịch của họ và đẩy hết thảy chúng vào tận đẩu tận đâu trong tâm trí, và quên chúng đi. Đức Chúa Trời không bị kìm hãm bởi những ví dụ này về loài người. Vì Ta “có cùng nỗi đau khổ” như Đức Chúa Trời, nên Ta cũng giải thoát chính Ta ra khỏi rắc rối này, nếu không Ta sẽ bị con người kìm hãm hơn nữa. Tại sao phải chịu hết những điều phiền toái này? Vì con người không sẵn lòng gia nhập gia đình của Đức Chúa Trời với Ta, thì làm sao Ta có thể dùng quyền năng của Ta để ép buộc họ? Ta không làm những việc áp bức con người, và không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì Ta đã được sinh ra trong gia đình của Đức Chúa Trời, và vì vậy dĩ nhiên là con người và Ta luôn luôn khác nhau. Điều này đã dẫn đến tình trạng thất bại thảm hại mà ngày nay họ thấy chính mình trong đó. Nhưng Ta tiếp tục tránh xa sự yếu kém của con người; Ta có sự chọn lựa nào đâu? Chẳng phải điều này là vì Ta bất lực sao? Không có gì đáng ngạc nhiên khi Đức Chúa Trời tìm cách “về hưu” khỏi “đơn vị công tác” nhân loại, và hơn nữa là đòi một khoản “lương hưu”. Khi Ta phán từ góc độ của con người, thì con người không lắng nghe, nhưng con người có bao giờ thôi phản nghịch ngay cả khi Ta phán từ góc độ của Đức Chúa Trời không? Có lẽ sẽ đến ngày Đức Chúa Trời đột nhiên “về hưu” khỏi “đơn vị công tác” nhân loại, và khi thời điểm đó đến, lời Đức Chúa Trời sẽ còn trở nên dữ dội hơn nữa. Hôm nay, có thể là vì Ta mà Đức Chúa Trời phán theo cách này, và nếu ngày đó đến, Đức Chúa Trời sẽ không như Ta, nhẹ nhàng và nhẫn nại “kể chuyện cho các bé mẫu giáo”. Có lẽ những gì Ta phán không phù hợp lắm, nhưng Đức Chúa Trời sẵn lòng nới tay một chút đối với con người chỉ vì Đức Chúa Trời nhập thể; nếu không, viễn cảnh sẽ quá kinh khiếp để suy ngẫm. Đúng như Đức Chúa Trời đã phán: “Ta đã từng nới lỏng sự siết chặt của Ta đối với con người đến một mức độ nhất định, cho phép họ tự do buông thả trong những ham muốn xác thịt – và vì điều này mà họ dám cư xử một cách phóng túng, không chút kiềm chế nào, từ đó có thể thấy rằng họ không thực sự yêu mến Ta, bởi họ hết thảy đều đang sống trong xác thịt”. Tại sao ở đây Đức Chúa Trời phán: “buông thả trong những ham muốn của họ”, và “sống trong xác thịt” ở đây? Thành thật mà nói, con người tự nhiên sẽ hiểu được những lời như những lời này mà không cần sự giải thích của Ta. Có lẽ có một số người sẽ nói họ không hiểu, và Ta nói đây là một trường hợp hỏi khi người ta đã biết đáp án, trường hợp vờ vĩnh. Có một vài lời nhắc nhở: Tại sao Đức Chúa Trời phán: “Hết thảy những gì Ta yêu cầu ở con người là họ hợp tác với Ta”? Tại sao Đức Chúa Trời cũng phán rằng bản tính con người khó thay đổi? Tại sao Đức Chúa Trời xem thường bản tính con người? Những thứ thuộc bản tính con người chính xác là gì? Những thứ bên ngoài bản tính con người là gì? Có ai đã suy ngẫm những câu hỏi này chưa? Có lẽ đây là một chủ đề mới đối với con người, nhưng Ta vẫn nài xin con người xem xét điều đó một cách đúng đắn, nếu không con người sẽ luôn luôn xúc phạm Đức Chúa Trời vì những cụm từ như “bản tính con người khó thay đổi”. Chống đối Ngài theo cách đó có lợi gì? Cuối cùng, chẳng phải điều đó chỉ là chuốc lấy rắc rối sao? Chẳng phải điều đó sẽ có cùng cái kết như trứng chọi đá sao?
Thật ra, hết thảy những sự thử luyện và thử thách mà con người phải chịu là những bài học mà Đức Chúa Trời yêu cầu con người phải học. Theo ý định của Đức Chúa Trời, con người có thể đạt được những điều này, ngay cả khi họ phải hy sinh những thứ mà họ yêu, nhưng con người không thể thực sự hợp tác với Đức Chúa Trời bởi vì họ luôn yêu bản thân mình. Đức Chúa Trời không yêu cầu nhiều đối với con người. Hết thảy những gì Ngài yêu cầu con người là nhằm để họ đạt được dễ dàng và vui vẻ; chỉ là con người không sẵn lòng chịu đựng gian khổ. Giống như, khi làm con của một ai đó, người ta có thể hoàn thành bổn phận của mình bằng việc sống một cách thanh đạm và tiết kiệm để lo cho cha mẹ mình. Tuy nhiên họ sợ rằng họ có thể ăn không đủ chất, hoặc quần áo của mình sẽ quá đơn giản, vì vậy, vì lý do hay này lý do nọ, mà họ hoàn toàn quên món nợ đối với cha mẹ mình bởi sự yêu thương chăm sóc của họ, như thể việc chăm sóc cha mẹ có thể đợi đến khi đứa con đã kiếm được rất nhiều tiền. Trong việc này Ta thấy trong lòng con người không có lòng hiếu thảo đối với cha mẹ mình – hết thảy họ đều là những đứa con bất hiếu. Có lẽ những lời của Ta quá cực đoan, nhưng Ta không thể nói lời vô nghĩa khi đối diện với các sự thật. Ta không thể “bắt chước người khác” trong việc chống đối Đức Chúa Trời để thỏa mãn bản thân. Chính xác là vì không ai trên đất có lòng hiếu thảo nên Đức Chúa Trời đã phán rằng: “Trên trời, Sa-tan là kẻ thù của Ta; dưới đất, con người là kẻ thù của Ta. Bởi vì sự hợp nhất giữa trời và đất, Ta xem tất cả bọn họ đều có tội, đến chín đời”. Sa-tan là một kẻ thù của Đức Chúa Trời; lý do Đức Chúa Trời phán như vậy là vì nó không báo đáp Đức Chúa Trời bởi ân huệ và sự nhơn từ lớn lao của Ngài, nhưng thay vào đó lại “lội ngược dòng”, và khi làm như thế, nó không hoàn thành được bổn phận của mình để thể hiện sự tận tụy phải đạo đối với Đức Chúa Trời. Chẳng phải con người cũng giống như thế này sao? Họ không thể hiện lòng hiếu thảo với “cha mẹ” mình và không bao giờ trả món nợ mà họ nợ “cha mẹ” mình vì sự yêu thương chăm sóc của họ. Điều này đủ để cho thấy rằng con người trên đất là họ hàng của Sa-tan trên trời. Con người và Sa-tan đồng tâm hợp ý trong việc chống đối Đức Chúa Trời, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi Đức Chúa Trời sẽ ràng buộc chúng đến chín đời và không tha thứ một ai. Trong quá khứ, Đức Chúa Trời đã để đầy tớ hàng phục của Ngài trên trời quản lý loài người, nhưng họ không nghe lời, thay vào đó lại thỏa mãn tính khí của bản thân và phản nghịch. Chẳng phải những con người phản nghịch cũng đang sải bước tiến tới trên con đường này sao? Cho dù Đức Chúa Trời có siết chặt “dây cương” bao nhiêu đi nữa, thì con người sẽ hoàn toàn không bị lay chuyển và không thể rời khỏi lộ trình của mình. Theo như Ta thấy, nếu nhân loại tiếp tục theo cách này, thì họ sẽ gây ra sự hủy hoại cho chính mình. Có lẽ giờ đây ngươi đã hiểu được ý nghĩa thật trong những lời này của Đức Chúa Trời: “Con người không có khả năng cắt đứt những mối ràng buộc dai dẳng với bản tính cũ của họ”. Đức Chúa Trời đã nhắc nhở con người vài lần: “Bởi vì sự phản nghịch của con người, nên Ta rời xa họ”. Tại sao Đức Chúa Trời phán đi phán lại điều này? Liệu rằng Đức Chúa Trời có thực sự vô tâm như thế không? Tại sao Đức Chúa Trời cũng phán rằng: “Ta không phải là một trong số loài người”? Trải qua nhiều ngày nhàn rỗi, có ai đã suy nghĩ kỹ càng về những vấn đề cụ thể này chưa? Ta khuyên giục loài người hãy làm việc chăm chỉ với sự năng nổ hơn đối với lời Đức Chúa Trời và không đối xử với chúng một cách chiếu lệ; làm như thế sẽ không mang gì lại lợi ích gì cho ngươi, hoặc cho người khác. Tốt nhất là đừng nói những điều không cần phải nói, và đừng nghĩ về những điều không cần phải suy ngẫm. Chẳng phải điều này sẽ đơn giản hơn sao? Có thể có gì sai từ một sự thực hành như thế không? Trước khi Đức Chúa Trời công bố công tác của Ngài trên đất kết thúc, sẽ không ai ngừng “di chuyển”; sẽ không ai từ bỏ bổn phận của mình. Bây giờ không phải lúc; đừng có mạo muội hành động như là một người chỉ đường cho Đức Chúa Trời, hay một người tiên phong. Ta nghĩ bây giờ còn quá sớm để dừng lại và ngừng tiến về phía trước – ngươi nghĩ sao?
Đức Chúa Trời đưa loài người vào giữa hình phạt, và Ngài đưa họ vào trong một bầu không khí chết chóc, nhưng ngược lại, Đức Chúa Trời sẽ để con người làm gì trên đất? Chắc chắn, mục đích dành cho con người không phải là phục vụ như một cái tủ quần áo trong nhà Đức Chúa Trời – một thứ mà người ta không thể ăn hay mặc, mà chỉ để nhìn. Nếu là như vậy, tại sao lại sử dụng quá nhiều qui trình phức tạp để khiến con người chịu khổ quá nhiều trong xác thịt? Đức Chúa Trời phán rằng: “Ta hộ tống con người đến ‘nơi hành quyết’, bởi sự xúc phạm của con người đủ để nhận sự trừng phạt của Ta”. Có phải Đức Chúa Trời để con người tự đi đến nơi hành quyết vào lúc này không? Tại sao không có ai “cầu xin sự thương xót cho mình”? Vậy thì, con người nên hợp tác như thế nào? Con người có thể thực sự hành động giống Đức Chúa Trời khi Ngài phán xét, mà không bị cảm xúc chi phối không? Hiệu quả của những lời này chủ yếu tùy thuộc vào việc con người hành động như thế nào. Khi một người cha đem số tiền mà ông đã kiếm được về nhà, nếu người mẹ không biết hợp tác với ông như thế nào hay quản lý gia đình ra sao, thì gia đình đó sẽ ở trong tình trạng như thế nào? Hãy nhìn vào tình trạng của hội thánh hiện nay: Với tư cách là những người lãnh đạo, các ngươi cảm thấy thế nào về nó? Các ngươi cũng có thể tổ chức một cuộc họp để thảo luận về những suy nghĩ của cá nhân mình. Nếu những chuyện ở nhà bị người mẹ làm hỏng hết, thì những đứa con trong một gia đình như thế sẽ như thế nào? Giống như những trẻ mồ côi? Hay những kẻ ăn xin? Không có gì đáng ngạc nhiên khi Đức Chúa Trời đã phán: “Tất cả mọi người đều nghĩ rằng Ta có bản tính thần thánh, thiếu ‘tố chất trí tuệ’, nhưng ai có thể hiểu được rằng Ta có thể nhìn xuyên mọi thứ trong nhân tính của Ta?” Đối với một tình huống hiển nhiên như thế, thì Đức Chúa Trời không cần phải phán từ thần tính của Ngài. Như Đức Chúa Trời đã phán: “Giết gà không cần phải dùng dao mổ trâu”. Có lẽ vào thời điểm này, có những người có vài kinh nghiệm thực tế với câu châm ngôn của Đức Chúa Trời: “Trong số loài người, chẳng có ai yêu kính Ta”. Ở điểm này, đúng như Đức Chúa Trời đã phán: “Chỉ vì họ đã đi đến tình trạng hiện tại của mọi sự mà con người hết thảy đều miễn cưỡng cúi đầu – nhưng trong lòng thì họ vẫn không phục”. Những lời này giống như một chiếc kính thiên văn. Trong một tương lai không xa, con người sẽ bước vào một tình huống khác. Điều này được gọi là tính không thể sửa được. Ngươi có hiểu không? Đó là đáp án cho hai câu hỏi này của Đức Chúa Trời: “Chẳng phải con người kiềm chế tội lỗi chỉ vì họ sợ Ta sẽ bỏ đi sao? Chẳng phải họ không phàn nàn chỉ vì họ sợ bị hành phạt sao?” Thật ra, con người ở giai đoạn hiện nay hết thảy đều có phần ù lì, như thể quá mệt mỏi. Họ hoàn toàn không có tâm trạng để chú ý đến công tác của Đức Chúa Trời, mà chỉ quan tâm đến việc sắp xếp và cung cấp cho xác thịt của chính mình. Chẳng phải vậy sao?